Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

Thi đua

Hoàng Hải Vân

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh chính là động lực phát triển, cụ Mã Khắc Tư (Marx) cũng thừa nhận điều đó. Khi bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, cụ Liệt Ninh (Lenine) vẫn hiểu nếu như không cạnh tranh thì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của cụ sẽ nằm lì tại chỗ không có “quá độ” đi đâu được, nhưng vì cụ cho rằng sự cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản là xấu xa nên cụ đưa ra một động lực khác để thay thế, đó là Thi đua. Nguồn gốc của Thi đua ra đời từ đây.

Chủ nghĩa tư bản lấy cạnh tranh làm động lực, còn chủ nghĩa xã hội lấy thi đua làm động lực, đó là tư tưởng của cụ Liệt Ninh. Lý luận về Thi đua của cụ có bài có bản đàng hoàng mạch lạc chớ không tào lao như các học trò của cụ. Các học trò của cụ muốn tổ chức thi đua đúng bài bản thì nên tìm đọc trong Liệt Ninh toàn tập gồm 55 tập, lão nông tôi không rảnh để chỉ điểm. Thực hiện học thuyết thi đua của cụ Liệt Ninh, Liên Xô tồn tại được 70 năm.

Muốn biết lý luận thi đua của cụ Liệt Ninh được triển khai như thế nào thì nên hỏi các công nhân từng làm tại Đại công trường Thuỷ điện Sông Đà. Thi đua ở đây được các chuyên gia Liên Xô áp dụng, người lao động đăng ký hoặc được giao định mức, có chỉ tiêu, có thang điểm, nếu vượt chỉ tiêu sẽ được khen thưởng. Ví dụ, định mức cho một thợ hàn mỗi ngày là 4 kg que hàn, định mức cho một lái xe chở bê tông trộn sẵn mỗi ngày 10 xe, một đội xây dựng sử dụng 2 tấn thép… Kết quả : Anh thợ hàn hoàn thành định mức bằng cách hàn 2kg que hàn, còn 2 kg anh chôn luôn xuống đất. Anh lái xe chở bê tông hoàn thành định mức bằng việc chở 7 xe bê tông đến đúng nơi, còn 3 xe anh đưa đến một cái hố gần nhất để đổ xuống. Đội xây dựng hoàn thành định mức bằng việc thi công 1,5 tấn thép, còn 0,5 tấn vùi luôn xuống chân công trường. Công trường được quản lý rất chặt chẽ, vật tư không thể thất thoát ra ngoài, tức là không ai mang vật tư về nhà hoặc đi bán được, nhưng chôn xuống đất trong phạm vi công trường thì không có vấn đề gì. Đại khái thế. Bằng chứng còn lại là sau khi Thuỷ điện Sông Đà hoàn thành, dân Hoà Bình nhiều người vẫn đến xung quanh công trường đào lên để kiếm sắt thép, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Có ai đó tính, chỉ riêng vật tư bị lãng phí theo kiểu đó cũng đủ để xây dựng được một thành phố ở tỉnh Hoà Bình. Một anh lái xe từng làm việc tại đây nói với lão nông tôi, chỉ cần nhìn vào Thuỷ điện Hoà Bình cũng thấy Liên Xô không sụp đổ mới là chuyện lạ.

Các phong trào thi đua theo nguyên lý của cụ Liệt Ninh đã được áp dụng ở miền Bắc sau năm 1954 và trong cả nước từ sau năm 1975. Do nước ta nghèo, nên không có nhiều vật tư để lãng phí như “của Liên Xô” ở Thuỷ điện Hoà Bình, nhưng càng thi đua thì càng nghèo đi. Chẳng hạn như thi đua sản xuất nông nghiệp với những cánh đồng 5 tấn trở lên. Điển hình là “ngọn cờ đầu Đại Phước” với cánh đồng 10 tấn ở Đại Lộc Quảng Nam Đà Nẵng quê tôi được bà con nông dân tổng kết : Sản lượng đó chẳng qua là bỏ tiền ra mua lúa với giá quá mắc mà thôi, vì chi phí quá cao. Tóm lại là chỉ tính sản lượng, không tính hiệu quả.

Hồi đó, có một chị làm ở một cơ quan tại Đà Nẵng, chị hổng có chồng nhưng tự nhiên sinh một đứa con. Giờ thì không chồng mà có con là chuyện bình thường, nhưng hồi bao cấp bị quy là “hủ hoá”. Chị bị mang ra kiểm điểm, “cắt thi đua”. Trong cuộc họp kiểm điểm, chị nói, việc đẻ con tui có đăng ký thi đua đàng hoàng, các đồng chí xem lại đi ! Công Đoàn lục lại bảng đăng ký thi đua của chị, đúng là chị có đăng ký thiệt. Những bản đăng ký thi đua đó, chẳng bao giờ được ai xem cả, không chỉ ở Đà Nẵng mà trong cả nước, không chỉ trong cả nước mà trong cả thế giới XHCN.

Nước Nga bây giờ trở về với động lực trước năm 1917. Từ năm 1986, Việt Nam ta cũng tạm thời từ biệt lý luận thi đua của cụ Liệt Ninh để mở đường cho cạnh tranh phát triển. 35 năm đổi mới, động lực của phát triển là cạnh tranh chứ không phải là Thi đua. Nhưng thi đua vẫn tiếp tục được duy trì, trống giong cờ mở, nó chỉ còn là những lễ nghi chẳng có tác dụng gì đối với sự phát triển kinh tế và hiệu suất công tác, dù rất lãng phí nhưng người ta vẫn không bỏ được.

Nhân Thành uỷ TP.HCM phát động cuộc thi đua chống dịch, bèn nhớ lại những câu chuyện buồn cười nói trên. Viết mấy dòng này lão chẳng có hàm ý gì ngoài mong muốn : Đã chống dịch phải đi vào thực chất, bất cứ giải pháp không thực chất nào đều có hại hơn là có lợi.

Có thể là hình ảnh về văn bản

Nguồn: FB Hoàng Hải Vân