Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Ngày thứ hai tại Paris

Lê Học Lãnh Vân

Đêm đầu tiên tại Paris, một đêm tháng Chín, thiệt lạnh. Dù mặc ba chiếc áo, một áo thun trong, một áo len dầy và một áo gió cũng dầy cui, Vương vẫn nghe lạnh từ trong xương lạnh ra và thấy như sắp phát lãnh. Anh chui vào giữa chiếc mền len với tấm nệm, run cầm cập, một lúc sau mới lấy lại chút hơi ấm.

Sáng hôm sau giật mình thức dậy, mò sang phòng khách, kéo rèm cửa. Vương thấy hàng cây bên kia đường đã nhuộm đầy nắng sáng. Hé cửa sổ, khí mát tràn vào…

Trên bàn ăn có mảnh giấy viết mực đỏ đậm: “Tao với Thầy đi công chuyện trưa mới về. Mầy ăn sáng bánh mì với mứt, bơ. Trong tủ lạnh có jambon, sữa. Sách trong tủ, băng tivi trên kệ, muốn coi cứ lấy”.

Vừa ăn sáng nhẩn nha, vừa bật ti vi coi, Vương vừa tự hỏi có thiệt mình đang ăn sáng giữa Paris không. Cô đầm trong chương trình Thời tiết vừa chỉ tay trên tấm bản đồ, coi linh động và đẹp như đang múa, vừa nói tiếng Pháp nghe hay như chim hót. Màn hình từ từ chuyển sang châu Á, các thành phố lớn nắng chói chang hay mưa mù. Đông Nam Á đây rồi, có Singapore, có BangKok, sao không có Hà Nội, Sài Gòn?

Bỗng dưng ý thức rõ rệt rằng mình đã xa Việt Nam quá rồi, thực rồi. Và tự nhiên rất nhiều hình ảnh ùa về, lướt thật nhanh…

Trên chiếc bàn của nhà hàng xóm, mấy đứa nhỏ ngồi trên ghế một (ghế đẩu) bằng cây thấp, đứa thọc lét bạn cười toe toét, đứa nắn nót viết. Đó là lớp dạy tiếng Pháp cho con nít trong xóm, giọng cô giáo rất trong, Un, Deux, Trois, Bonjour Monsieur, Bonjour Madame…

Thỉnh thoảng ông bà Trọng nói chuyện nhau bằng tiếng Pháp. Dù còn rất nhỏ, đám con nít trong nhà vẫn biết đang nói về chuyện gì đó quan trọng và bí mật…

Ánh đèn neon sáng những trang đầy màu sắc của các tập truyện “Cô Gái Lọ Lem”, “Công Chúa Hồng Hoa”, “Đôi Hia Bảy Dặm” bằng tiếng Việt và tiếng Pháp của nhà xuất bản Hachette. Những tập tranh mỏng vẽ hình sinh hoạt thường ngày bên Pháp, bà nội trợ mua trái cây ngoài chợ, bà bán thịt mập mạp vận tạp dề, người công chức trong công sở, cụ già sưởi nắng công viên. Hai thằng nhỏ lật tập tranh chơi trò đố nhau, đố mầy kiếm được ông già cầm ba toong, đố mầy kiếm được thằng học trò ăn trái bôm (nay gọi là táo), đố mầy kiếm được con bò gặm cỏ. Thằng ra câu đố cười khoái chí búng tai thằng kia khi câu trả lời trật. Đôi khi thương hại, thôi tai mầy đỏ rồi, tha cho đó…

Chiếc võng đưa qua đưa lại, chị Hai vừa bóc đậu phọng rang, vừa nghe thằng nhỏ Vương trả bài. Chị kể về các bạn bên Pháp. Về chuyến du học Pháp năm 1955 của chị đã được chuẩn bị sẵn sàng thì bà Trọng lâm bệnh nặng, chị ở lại nhà chăm sóc. Các bạn chị bên đó ra phi trường Orly đón nhưng chuyến bay không có chị. Chị cho Vương xem hình bạn bè của chị chụp trên đường Saint-Germain, trước nhà thở Đức Bà, trong sân trường Sorbonne…

– Sau này lớn lên em ráng kiếm học bổng qua Pháp du học. Em sẽ học trường đại học Sorbonne…

Năm 1974, đậu tú tài xong lẽ ra Vương đi Pháp khi anh được học bổng, nhưng, cũng như chị Hai, anh không đi được vì các lý do riêng của gia đình.

Những ngày đất nước tưng bừng phấn khởi trong thống nhất khi hòa bình lập lại lướt qua quá mau, những năm tháng lê thê đầy sự việc vô lý, mù quáng và cố chấp đẩy xã hội vào vùng tăm tối, thù oán, chậm tiến, đói nghèo… Bà Trọng vướng bệnh mất. Chị Hai cũng bệnh rồi mất. Trước khi mất chị nói đời chị chắc không còn mấy ngày, lo cho chị xong em ráng theo cái học bổng của Pháp. Đừng để cuộc đời chết phí nơi đây với cái đám này…

Trường đại học Orsay – Paris 11 được xem như một nhánh của trường Sorbonne tách ra, do những người con của ông bà Pierre và Marie Curie góp sức mà thành. Hồi đó bao lần Mẹ và Chị kể về ông bà bác học Curie, bao lần nhắn nhủ, mơ ước cho con, cho em được học tại trường Sorbonne, đi trên con đường khoa học như ông bà Curie, con đường đạo đức giúp đời của gia đình ông bà Curie. Thứ hai tuần sau nữa con sẽ vào trường, bắt đầu chuẩn bị luận án…

Nguồn: Diễn Đàn Forum, ngày 26/11/2020 - https://www.diendan.org/sang-tac/ngay-thu-hai-tai-paris

Bài 1a - Ngày Ra Đi – Rời Nhà (http://vanviet.info/van/ngy-ra-di-roi-nh/)

Bài 1b - Ngày Ra Đi – Cất Cánh (http://vanviet.info/van/ngy-ra-di-cat-cnh/)

Bài 1c - Ngày Đầu Tiên Tại Paris (http://vanviet.info/van/ngy-dau-tin-tai-paris/)