Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Phục dựng câu đối chữ Hán: một của cha và một của con

Phan Nam Sinh

Thân sinh Phan Khôi là Phan Trân, xuất thân nho học, từng là Tri phủ Diên Khánh. Nhưng Phan Khôi sớm đã từ chối con đường khoa cử, về sau lại viết một loạt bài phê phán Nho giáo, khiến cụ thân sinh không khỏi có phần xót xa. Điều đó đã được ghi lại trong câu đối chữ Hán cụ Phan Trân viết lúc sinh thời. Bản chữ Hán từ lâu đã thất lạc nên tôi chỉ còn biết dựa vào phần phiên âm và bản dịch tiếng Việt, tương truyền là của ông cậu để phục dựng lại như dưới đây, nhưng không chắc đã hoàn toàn chính xác.

Nguyên văn:

甚 矣 吾 德 衰 父 子 家 庭 分 學 術

傷 哉 時 局 變 尊 曾 社 會 孰 綱 維

Phiên âm:

Thậm hỹ ngô đức suy, phụ tử gia đình phân học thuật

Thương tai thời cục biến, tôn tằng xã hội thục cương duy

Dịch tiếng Việt:

Ngán nỗi đức ta suy, tình cảnh cha con học thuật chia đôi như thế vậy;

Thương thay thời cụộc biến, nhân quần xã hội mối giềng cầm nắm biết ai đây.

Chính điều này cũng khiến Phan Khôi đau lòng. Câu đối chữ Hán ông sai con trai mài mực rồi vừa khóc vừa viết cạnh quan tài cụ thân sinh, lúc cụ qua đời (1934) mà tôi phục dựng như dưới đây đã chứng thực cho điều tôi vừa nói.

Nguyên văn:

辭 官 未 四 十 宜 閒 境 不 閒 憂 患 曾 年 緣 女 子

負 罪 抑 三 千 欲 孝 猶 無 孝 悲 痠 何 處 訴 高 天

Phiên âm:

Từ quan vị tứ thập, nghi nhàn cảnh bất nhàn, ưu hoạn tằng niên duyên nữ tử;

Phụ tội ức tam thiên, dục hiếu do vô hiếu, bi toan hà xứ tố cao thiên.

Dịch tiếng Việt:

Từ quan tuổi chửa bốn mươi, đáng nhàn mà chẳng được nhàn, lo lắng mãi vì con cái cả;

Mang tội nặng quá ba ngàn, muốn hiếu nhưng chưa tròn hiếu, đau thương kêu với đất trời hay.

Mong rồi khôi phục đúng phần chữ Hán nhờ sự giúp đỡ của các bạn.

27-12-2020

Phụ lục (tư liệu của Lại Nguyên Ân)

[...] "Nói không có ý khoa trương chi, tôi chỉ cần khai thực ra rằng tôi, sau cái thời kỳ làm một viên biên tập hạng bét của tạp chí Nam phong, là một nhà viết báo hơi có ý thức, hơi có kế hoạch. Vào khoảng năm 1928 giở đi, tôi thấy sao trong nước có nhiều sự biến động phi thường mà về đường tư tưởng lại cứ để im lìm mờ tối. Nghĩ rằng một xã hội muốn đổi mới mà còn dung dưỡng những tư tưởng cũ là không thể được, toan tảo trừ nó, tôi dấn thân ra làm một tên lính tiên phong. Bắt đầu tôi chỉ trích Khổng giáo trong báo Thần chung. Rồi trên Phụ nữ tân văn, Trung lập, tôi khống cáo cái thuyết tam cang, đả phá cái chế độ đại gia đình. Riêng về phụ nữ, tôi vì họ xóa cái luật nam tôn nữ ty, giảng lại nghĩa chữ “trinh”, binh vực sự cải giá là vô tội. Còn nữa, trên tờ Đông tây của ông bạn chết rồi Hoàng Tích Chu ở Hà Nội, tôi bài xích cái học của Tống nho vì nó còn lưu độc trong xã hội; tôi tuyên bố nước ta không có quốc học để ai nấy tỉnh ngộ ra, đừng ôm lòng tự phụ nữa mà lo thu thái các món học của ngoại quốc.

Làm việc ấy, tôi tin rằng rất có lợi cho nền văn hóa tương lai của nước nhà, nhưng riêng về phần tôi, tôi đã chịu một sự thiệt hại quá lớn, không biết ngày nào vớt vát lại được! Là vì những bài báo đó mà tôi, kẻ làm con ngoài 40 tuổi còn để đến phật lòng cha! Thầy tôi, một vị đại khoa, túc nho, từ đó lấy làm bất bình về tôi lắm, đến nỗi lúc lâm chung còn tỏ lòng phẫn khái trong câu tự điệu này: Phụ tử gia đình phân học thuật ! Người làm con gặp cảnh ấy có khi phải hối hận mà đến chết đi được. Nhưng tôi còn muốn sống, tôi đã chẳng hối hận mà trở lại lấy làm điều an ủi cho mình. Tôi lau nước mắt mà nói rằng: Giữa cha con, còn có học thuật để chia rẽ nhau, chẳng hơn không có cái gì, hay là chẳng hơn chia rẽ bằng cái khác! [....] Phan Khôi: Nếu tôi là "học phiệt", trả lời ông Phạm Mạnh Phan // Đông Dương tạp chí, Hà Nội, s. 31 (11 Décembre 1937).