Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn

Đinh Thanh Huyền

Trong vài dịp trò chuyện cùng nhà thơ Mai Văn Phấn, tôi có nhắc đến yếu tố giễu nhại trong thơ ông. Nhưng, như hầu hết các nhà thơ, Mai Văn Phấn chưa bao giờ thừa nhận rằng có dính dáng đến giễu nhại hoặc bất cứ lý thuyết nào. Thái độ đó hiển nhiên có lý do của nó. Lối viết của nhà thơ sinh ra từ sự đối diện của họ với thực tại chứ không phải để thử nghiệm hoặc vận dụng một lý thuyết (dù lý thuyết đó mới mẻ và hấp dẫn đến đâu). Ngay cả khi nghệ sỹ muốn làm một cuộc cách mạng trong nghệ thuật, thì ngọn nguồn của hành vi đó vẫn là cái “thực tại” đang “hành hạ” anh ta. Trong màn sương mờ của sáng tạo, lối viết là “một hình thức không có chủ đích, là sản phẩm của một thúc đẩy chứ không phải là một ý đồ” (R. Barthes). Thủ pháp, bản thân nó chứa một tiêu chuẩn kép: tự do nhưng cũng không hoàn toàn vô tư. Thời khắc sinh thành của tứ thơ (Mai Văn Phấn gọi là điểm “chập nổ”) cũng là của thủ pháp.

Với người đọc, việc tiếp nhận văn bản không phải là lần ngược lại con đường nhà văn đã qua để “giải mã” tác phẩm. Thưởng thức nghệ thuật là một sáng tạo trên nền của sáng tạo đã có. Nó có sự tự do và ngẫu hứng nhất định. Ở đó, người đọc có thể chú mục đến bất cứ điều gì, một khi tiếng mời gọi chạm đúng điểm rung của cảm xúc. Tôi đã bị “chạm đến” theo cách đó, khi nhận ra sự có mặt của thủ pháp giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn.

Người ta nói rằng giễu nhại bao gồm giễunhại. Nhại để mà giễu. Nhại giải phóng giễu. Giễu làm cho nhại có giá trị. Giễu giải thoát nhại khỏi vị thế kẻ trộm, ngạo nghễ cười trên những lầm lụi của viện dẫn và lề luật. Chính tại nơi nhại xuất hiện, một lịch sử mới của biểu đạt được viết nên, tung tẩy và sáng tỏ, cá biệt và lôi cuốn, xa lạ và tự nhiên. Giễu nhại mãi mãi là một biến số đầy bất an giữa các ẩn số của văn chương.

Người ta cũng nói rằng giễu nhại là một thủ pháp dùng để chống lại quyền lực. Trong thơ Mai Văn Phấn, giễu nhại đã được sử dụng để giải phóng ý thức khỏi lịch sử chết cứng của quan điểm chính thống, ước lệ, khuôn mẫu và những luật bất thành văn giăng mắc chằng chéo trong mê cung tâm thức.

Hãy thử xem xét bài thơ DẠY TRẺ CON. Bài thơ viết về một lũ trẻ “biết quá nhiều về người lớn nên sớm mắc những căn bệnh tuổi già”. Chúng hành xử, suy nghĩ, phát ngôn như người già. Trong khi đám người lớn lại làm trò trẻ con “diễn trò cho chúng xem, xếp đồ hàng, xây cung điện, kéo thuyền giấy trên sân gạch… đánh trận giả, vờ lăn ra chết”. Cảnh huống thật lạ lùng, trẻ con và người lớn chuyển vị cho nhau. Nét ngây thơ của trẻ con và sự suy tư của người lớn không nằm đúng ở vị thế của nó, thực tại không hiện hữu như ta đã quen. Vậy có thể có một trật tự khác chăng? Nhưng đã là trật tự thì sẽ xuất hiện quy phạm. Con người sẽ trói mình vào quy phạm đến bao giờ? Bài thơ mở ra tâm thế chối bỏ luân lý bởi luân lý nào cũng là sa đọa. Nhưng dù không chấp nhận trật tự cứng nhắc, nhà thơ cũng không thể trở thành kẻ phá hoại khốn khổ. Luôn có một điều gì cao hơn mọi trật tự, nó khiến tất cả đúng như phải là. Thế nên dù trò chơi đảo lộn, vẫn có một thứ không thể đảo ngược: “Bọn trẻ bẻ lá đặt lên mũi những người giả chết. Nhưng chiếc lá bất ngờ héo rũ, úa vàng”. Đám giả chết là người lớn. Họ ở gần cái chết hơn trẻ con, họ mang cái chết sẵn trong người nên hơi thở của họ làm héo rũ cả chiếc lá. Trong bài thơ, cái châm biếm toát lên từ tổng thể, và từ những chi tiết được nhấn rất tinh, “ít thấy chúng gào khóc ăn vạ. Có đứa nghẹn ngào: “Trẻ con nước mắt chảy vào trong”.” Cấp độ nhại cao nhất đã hiện diện: Trẻ con là một biểu thức chiếu vật. Lũ trẻ con mang đặc tính người già tức là nghĩa chiếu vật của trẻ con đã thay đổi do tác động của ngữ cảnh. Trẻ con không còn mặc định là ngây thơ hồn nhiên nữa. Quan niệm nhất thành bất biến về đặc tính trẻ con đã bị phủ định. Thế giới duy nhất mà ta biết đã sụp đổ chỉ bằng một chuyển vị đậm chất giễu nhại.

Giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn không chỉ dùng để chống lại thứ quyền lực quen mặt (chính trị, văn hóa, con người, kinh tế…). Có thứ giễu nhại không cho biết đối tượng bị giễu nhại. Khám phá kiểu giễu nhại này là một nhiệm vụ mà người thực hiện có cảm giác chính mình là đối tượng bị chơi đùa. Những bài Chỉ là giấc mơ, Ở những đỉnh cột là ví dụ. Nhưng phần hay nhất trong mục tiêu giễu nhại của thơ Mai Văn Phấn không dừng ở những hiện tượng riêng lẻ mà nhằm vào toàn bộ hiện thực, cái hiện thực đã đạt đến hoàn kết, trở nên thiêng liêng và bắt đầu thiết lập sự khắc nghiệt của nó. Ý hướng này xuất hiện trong hàng loạt bài thơ như Đúng vậy, Hắn, Biến tấu con quạ, Nhìn kỹ, Hội chứng từ một tin đồn, Kể lại giấc mơ, Sống hồn nhiên, Bài học…

Hiểu được mục tiêu giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn không hề dễ. Giễu nhại, ở bản chất của nó là trò diễn. Trò diễn tuyệt đỉnh là phải kín, thách thức khả năng tiếp nhận của người đọc. Nó là lời nói dối như thật và dùng cái giả để hé lộ cái thật. Cái thật ở đây không mang tính đạo đức. Nó là hiện thực vô tính mà chúng ta chỉ nên nhìn với con mắt sáng suốt, tỉnh táo, bão hòa cảm xúc. Trong trường hợp này, người đọc sẽ tìm cách đi vào vùng sinh thái của bài thơ, tìm kiếm những cách thức tạo lập nên yếu tố giễu nhại, thưởng thức ý vị thi ca trong sự thu hút của cấu trúc.

Ở phương diện kỹ thuật, giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn được kiến tạo bằng nhiều cách thức: nhại biểu thức chiếu vật, nhại phát ngôn, nhại diễn ngôn. Cá nhân tôi cho rằng nhại biểu thức chiếu vật là khó nhất. Nhà thơ phải cao tay mới tạo ra được các biểu thức mà nghĩa chiếu vật quy chiếu vào các đối tượng cụ thể trong ngữ cảnh cụ thể với hàm ý trào tiếu. Đó là nghệ thuật biểu đạt chứ không phải phát minh ngôn ngữ. Trong bài CHUYỆN CÒN DÀI, Mai Văn Phấn tạo ra một biểu thức chiếu vật từ sự vật quen thuộc: con gián. Ít nhất có các nghĩa chiếu vật sau: con gián-sự chuyển sinh: Con gián bò quanh tôi và nói/vừa đầu thai được ba tháng tuổi/kiếp trước từng là người đàng hoàng; con gián-người quyền thế: Con gián giơ một chân lông lá/Ừ, thì tạm coi đây là cánh tay/đang chới với qua ô cửa sắt,/hay chìa ra từ vạt áo sang trọng/của người miệng rộng lưng thuôn/bước đi xoải dài, gối cứng; con gián-kẻ cùng sống: Tôi và con gián cùng hội thảo khoa học/cùng đeo khẩu trang, cùng ngắm hoa; con gián-sự mất vị thế của con người: Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng/Nó chui ra. Tôi vô cảm/Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm/Nó leo tường. Tôi thù vặt/Nó bài tiết. Tôi ăn gian/Nó hôi xì. Tôi lì lợm/Nó dò xét.Tôi mở đường/Nó nghênh ngang. Tôi u muội. Nhìn ở tổng thể, con gián chỉ đến quan hệ nhân quả vật- người không dễ tách bạch. Nhưng tiếng cười trong bài thơ không phải tiếng cười trào phúng nghiêm trang một chiều. Cái trịnh trọng của con gián-kiếp- trước- là- người và cái dớ dẩn của con người-thấy- mình- không- bằng con- gián là một sự ngạc nhiên lớn. Hành động giễu nhại đã thực sự phá hủy cảm quan quen thuộc về sự vật, sự việc, đẩy bài thơ đến chỗ tái lập những tín hiệu thẩm mĩ mới, đẩy người đọc đến chỗ đâm nghi ngờ chính mình.

Trong một bài thơ, có thể xuất hiện nhiều phương thức nhại. Hãy thử tìm hiểu qua trường hợp bài thơ ĐÚNG VẬY

Lúc đi

ông mặc áo len màu cổ vịt, quần rộng đũng

tóc cắt ngắn

tay cầm cuốn sách

Có thể dễ dàng nhận ra lời thơ nhại thông báo tìm người. Văn phong chuẩn mực, chính xác về thông tin và triệt tiêu cảm xúc. Đây chính là hành động nhại phát ngôn xảy ra cùng lúc với nhại diễn ngôn. Bỏ đi là một diễn ngôn đầy sức nặng chỉ xuất hiện khi con người đã cạn kiệt mong muốn chịu đựng. Bỏ đi là hành vi trốn chạy khỏi một sự vật/sự việc/người/tình trạng nào đó. Sâu xa hơn, bỏ đi là hành động rũ bỏ quá khứ, phủ nhận con người cũ. Kẻ bỏ đi sẽ tìm cách vô hiệu hóa mọi nỗ lực tìm kiếm. Động tác ném chìa khóa vào nhà càng bộc lộ rõ ý đồ ngăn chặn sự truy lùng. Vậy thì bỏ đi là chủ ý của nhân vật. Nhưng những câu sau khiến mọi suy đoán trở nên thiếu căn cứ, mất phương hướng:

Lật đống chăn nơi ông vẫn nằm

Thấy mẩu giấy với nét chữ nguệch ngoạc

“Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số…

Xin cảm ơn và hậu tạ”

Lời để lại là một mô thức quen thuộc trong các thông báo tìm người lạc/vật rơi, nó đã nhàm mòn đến mức trung tính. Nhưng đằng sau đó, thường là những người thân khổ đau, tuyệt vọng van nài sự trợ giúp của cộng đồng. Điều gì đang diễn ra ở đây? Người bỏ đi mong được tìm thấy/người bỏ đi đánh lạc hướng tìm kiếm/người bỏ đi cười nhạo sự lo lắng và khổ đau của người ở lại bởi biết đó là dối trá/người bỏ đi mong tìm thấy con người khác của mình…Mọi suy diễn đều có thể là… và không thể là… Các dạng thức nhại trong bài thơ không giúp người ta hiểu rõ sự thật. Chính nhại đã ngăn cản nỗ lực tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng của người đọc. Vì sao bài thơ dựng lên các lớp “tường lửa” dày đặc ngăn cản sự “truy cập” từ bên ngoài? Có lẽ bài thơ đã cố ý vi phạm đạo đức học ngôn ngữ. Sự tha hóa trên cả hai cấp độ ý và lời phải chăng truyền đạt nỗi khoăn khoăn về một trạng thái hiện sinh của con người đương đại.

Nhại là trò diễn, vì thế, nhà thơ không từ một kiểu chơi nào. Sau đây là một đoạn nhại diễn ngôn hết sức thú vị. Kẻ bỏ đi ra gần cửa còn lẩm bẩm “Sáng rồi tối…thối rồi thơm…bơm rồi xì…đi rồi ngã…vả rồi thương…ương rồi chín…nín rồi thét…kẹt rồi lơi…xơi rồi hóc…bóc rồi che…đe rồi chừa…đưa rồi quỵt…bịt rồi hở…lỡ rồi toi…moi rồi thấy… đoạn thơ bắt chước phong cách đồng dao quen thuộc. Phương thức lặp vần chính tạo thành một chuỗi nối tiếp ngỡ không bao giờ kết thúc. Người chơi tùy thích thêm vào chuỗi, kéo dài đến dường như vô tận trường liên tưởng, trường từ vựng với những cú “bẻ lái” bất ngờ. Nhại đồng dao là đặt những lời ngây ngô của trẻ vào vào cửa miệng ông già. Nhưng ngôn từ trong đoạn đồng dao trên còn phảng phất lối nói dở dại dở khôn của kiểu nhân vật hề dân gian. Sự kiện bỏ đi nghiêm trọng bỗng hóa thành trò chơi. Tiếng cười bật lên từ đó.

Mai Văn Phấn tỏ ra có sở trường với nhại phát ngôn. Những phát ngôn được nhại rất phong phú. Có khi nhà thơ dùng “nguyên liệu” văn học dân gian như thành ngữ: Cánh và khuỷu tay vẫn cứng/Từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm/Đạo mạo múa tay trong bị/Tôi học bài này từ nhỏ/ (Một lần bị khinh như mẻ/Thằng đạo mạo đạp mình xuống lề đường/Cạch đến già!) (Bài học); tục ngữ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” (Dậy trẻ con); vè nói ngược: Áo khoác kêu thất thanh khi đi qua bàn tủ. máy điện thoại im lìm ngủ. Chiếc kẹp ghim mở miệng cố giấu đi móng vuốt. cán chổi móc vào tay người lao công, kéo chị ta về bên hố rác. Vành mũ trên đầu kêu thảng thốt, rồi cúi xuống rỉa hết mặt nhân viên bảo vệ (Biến tấu con quạ). Các phát ngôn giễu nhại quen thuộc bỗng mang một diện mạo mới đầy hài hước.

Có lúc tác giả bê nguyên mẫu biên bản hành chính: “hôm nay, hồi 17 giờ 30 tại…/ Tổng số: 32/ Vắng: 04, có lý do…” (Nhìn kỹ)

Có những phát ngôn được nhại nguyên mẫu gốc, có những phát ngôn bị moi ruột và thay thế bằng thứ “hàng nhái” trắng trợn: “chiếc mũ len vẫn còn hơi ấm/Thoảng mùi dầu gội làm mịn da đầu (Nhìn kỹ). Trẻ con nước mắt chảy vào trong” (Dạy trẻ con). Nhại phát ngôn là cách để nhà thơ bày tỏ sự chế giễu hoặc thái độ phủ định. Nhưng sự việc được nhìn góc độ trào tiếu nên mất đi cảm giác nặng nề nghiêm trọng. Bù lại, sự giễu nhại có thể đóng đinh câu rút cái nực cười của đời sống một lần và mãi mãi. Hãy đọc mấy câu thơ dưới đây để thấy cách nhà thơ thả một công thức ngôn ngữ quan phương vào một ngữ cảnh thiếu sự nghiêm túc cần có: Hái vài đốm nắng, nhấm nháp theo văn hóa ẩm thực/Thấm nhuần tinh thần tận gót chân… (Biến tấu con quạ). Kết hợp ngôn từ kì quái đó hàm chứa sự giễu cợt, châm biếm đối với cái chính thống. Thiết chế văn hóa sừng sững, trong một chốc lát trở thành trò cười mặn hơn muối.

Dĩ nhiên, nhắc đến thủ pháp giễu nhại trong thơ Mai Văn Phấn, không thể không gọi tên trường ca THỜI TÁI CHẾ. Dung lượng giễu nhại cực lớn trong tác phẩm này khiến tôi không muốn lẩy ra một/vài ví dụ. Có thể nói, đến THỜI TÁI CHẾ, Mai Văn Phấn đã tạo ra một văn bản giễu nhại thành công đến mức người ta còn phải nhắc đến nó rất nhiều sau này.

Một nhà văn lớn luôn là kẻ đa nhân cách. Ít nhất trong ông ta có hai nhân vị: kẻ bi quan và người hài hước. Hai nhân cách này lần lượt xuất hiện khi nó nhận được tín hiệu cảm xúc tương thích. Hành vi của hai nhân cách này tạo ra một tỷ trọng nghiêm trang và giễu nhại trong sáng tác của họ. Tất nhiên, phẩm chất này chỉ xuất hiện ở những tài năng lớn, những người mà não trạng vượt ra ngoài thứ buồn vui nhợt nhạt thiển cận. Ở nơi họ, tôi tìm thấy một điển hình của kiểu tự do phi thường, khước từ mọi cầm tù trong thế giới của kẻ khác và sự tha hóa của chính mình. Trong những thực thể giễu nhại độc đáo, chứa đựng hạt nhân u buồn sâu thẳm. Nỗi buồn và sự giễu cợt đáng giá như nhau, đôi khi chúng xâm nhập lẫn nhau, chuyển vị liên tục: Về thôn quê thấy cỏ ngút ngàn/tôi giang tay nhờ gió lắt lay/giống các fan hâm mộ đưa theo nhịp bài hát… (Sống hồn nhiên). Diễn ngôn về lối sống hồn nhiên như cây cỏ là cái bị nhại. Hồn nhiên-nghĩa chiếu vật vẫn thế, nhưng giá trị của nó bị đánh tráo. Hồn nhiên chỉ còn là trò diễn. Cũng bài thơ đó, ở một đoạn khác nhà thơ nhại diễn ngôn về sự cân bằng giữa trí tuệ và thể chất: Tôi vắt sợi dây qua xà nhà/buộc một đầu vào chỏm tóc/cả lúc chăm chú đọc sách/tay vẫn giật như culi kéo quạt. Nhưng khổ thơ tiếp theo không còn bám vào những diễn ngôn, không diễn trò giễu cợt. Những kí hiệu giả phía trước bất ngờ dẫn đến một tâm niệm: nếu thực lòng muốn làm người có trí huệ, chỉ có thể là “tôi pha trà đem dâng cho cây”. Cây cỏ dạy cho con người mọi điều, nó là vị thầy chân chính. Bài học kính trọng cỏ cây sẽ cho con người sự hồn nhiên đầy đủ nhất. Hồn nhiên không phải là làm trò ngu xuẩn. Hồn nhiên là trở về với bản tâm trong sáng. Đơn giản vậy mà u buồn đến vậy, bởi con người đã bao giờ thoát được những giả trá chất chồng để vươn đến phần cao quý của chính mình đâu.

Điểm giá trị nhất ở thơ giễu nhại Mai Văn Phấn là khả năng tạo ra các hiện thực nghịch dị. “Đặc điểm chủ đạo của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị là “Hạ thấp” tức là chuyển vị tất cả những gì cao siêu, tinh thần, trừu tượng sang bình diện vật chất-xác thịt, bình diện của mặt đất và thân xác trong sự thống nhất không thể tách rời của chúng. (M. Bakhtin). Hầu hết các bài thơ có yếu tố giễu nhại của Mai Văn Phấn đều chứa đựng những miêu tả thân xác méo mó, vặn vẹo, biến dạng: Lưỡi tôi bị thắt/treo trên đỉnh cột/mỗi lần nói/chiếc lưỡi phải co rút/kéo thân thể béo ị lên cao/tôi giãy giụa tựa mảnh vải quẫy trong gió lạnh…(Ở những đỉnh cột). Thân thể nghịch dị trong thơ Mai Văn Phấn luôn phì đại, trương nở, hướng ra ngoại giới như thể chờ đợi xâm nhập hoặc bị xâm nhập, bởi vậy, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất là những cái miệng, con mắt Đôi mắt tấm liếp khoét thủng, cánh tay buồm nhão, những bàn chân cong vênh lê trên mặt đất. và miệng hắn, sâu hoắm, mở rộng, vỡ ra từng mảng để nung vôi…(Đến trong ý nghĩ). Thân xác biểu lộ bản chất thông qua những bài tiết và biểu tượng tính dục: Đạo mạo thở mùi hôi vào miệng người khác/đạo mạo bọc nhầm một chiếc răng sâu/đạo mạo tiểu tiện nơi công cộng/đạo mạo sụt sịt trong khắn mùi xoa/đạo mạo chỉnh lại con c…trong túi quần nơi hội họp (Bài học)

Giễu nhại và nghịch dị trong thơ Mai Văn Phấn đương nhiên thuộc về hiện đại. Nhưng bóng dáng của nghịch dị dân gian thấp thoáng xuất hiện như là chỉ dấu của một cổ mẫu. Trong tác phẩm ĐÚNG VẬY, bài đồng dao nhái lại ở miệng ông già không chỉ là trò chơi. Đi đến cùng của hình tượng, ta phát hiện mối quan hệ nội tại của nghịch dị dân gian: già/trẻ; tử/sinh; tàn hoại/nảy mầm. Ở bài KỂ LẠI GIẤC MƠ, kết thúc bi kịch của một gián điệp 20 mang (quá tức cười) là tự tử. Nhưng ngay trong cái chết, sự sống đã sinh ra: Trước khi tự tử tôi muốn khóc. Nhưng tự nhiên khóc là việc rất khó đối với một người già. Tôi đành dỗ dành một đứa trẻ sơ sinh vừa thức dậy trong tã lót còn quấn chặt... Đứa trẻ được sinh trong mối tương quan với tử. Sự thể nhập đã diễn ra như một nguồn sinh khí lành mạnh bất chấp thực tại cay đắng. Giễu nhại đã phá vỡ tính trang nghiêm hạn hẹp chính thống, giải phóng năng lượng tích cực để chuẩn bị cho những cuộc đảo lộn vui nhộn và giàu chất sống.

Ở trên, tôi có nhắc đến ứng xử thận trọng với lý thuyết trong quá trình sáng tác của các nhà thơ trong đó có Mai Văn Phấn. Đặt vấn đề đó để khẳng định lần nữa tính phi giáo điều của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng nói vậy không có nghĩa Mai Văn Phấn khước từ lý thuyết. Ngược lại, với tư cách một nhà thơ chuyên nghiệp, Mai Văn Phấn là một trong số không nhiều nhà thơ Việt có tri kiến sâu rộng, am hiểu các trào lưu, khuynh hướng, chủ nghĩa trong văn học. Hiểu biết lý thuyết tạo nên sự nghiêm cẩn trong tư duy thơ, thứ rất cần để thơ không trượt vào dễ dãi. Lý thuyết chuyển hóa thành công thì nhà thơ chế ngự được bút lực, không để năng lượng vung vãi hao phí. “Công lực” thơ càng thâm hậu thì thơ càng ít ồn ào. Giễu nhại vốn là một thủ pháp đầy khả năng kích động. Trong tay Mai Văn Phấn, giễu nhại trở thành thứ vũ khí độc đáo với sức mạnh ngầm, kín mà công phá dữ dội./.

Hà Nội, tháng 4/2020