Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 10)

Biên tập: Sergio BitarAbraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Chương 5
Công cuộc chuyển hóa từng bước sang dân chủ của Mexico: Từ trên xuống và từ dưới lên
Soledad Loaeza
Từ năm 1940 đến năm 1982, giữa lúc kinh tế phát triển nhanh chóng và xã hội thay đổi đến chóng mặt, Mexico vẫn giữ được ổn định chính trị dưới sự cai trị của một đảng duy nhất, giữ thế thượng phong, đấy là Đảng cách mạng thể chế (Partido Revolucionario Institucional- PRI). Đảng này kiểm soát tất cả các nhánh của chính phủ ở cả cấp quốc gia, cấp bang, lẫn cấp thành phố. Cuối những năm 1970, tổng thống nước này, tất cả các thống đốc bang, tất cả các thượng nghị sĩ và ít nhất là 80% đại biểu Hạ viện là đảng viên PRI. Mexico khác các nước độc tài khác ở chỗ nước này tổ chức các cuộc bầu cử theo định kì và có sự tách biệt về mặt hình thức giữa các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp, cũng như các quyền dân sự được quy định trong hiến pháp. Nhưng, trên thực tế, quyền hành pháp thường không bị kiểm soát, kết quả bầu cử được quyết định từ trước và các quyền thường không được thực thi.

Sau những cuộc vận động của sinh viên và đàn áp đầy bạo lực năm 1968, ngày càng có nhiều người bên trong xã hội Mexico tin rằng cần phải tiến hành cải cách chính trị. Tổng thống Luis Echeverria (1970-1976) đã tìm cách quay trở lại với truyền thống dân túy, nhưng con đường dẫn tới quá trình chuyển hóa sang dân chủ bắt đầu với cuộc cải cách bầu cử năm 1977 do tổng thống Jose Lopez Portillo (1976-1982) đưa ra, trong khi đang diễn ra vụ bùng nổ trong lĩnh vực dầu khí. Từ đó trở đi, áp lực từ các thành phần và các đảng khác nhau cùng thúc đẩy quá trình thay đổi kéo dài suốt nhiều thập kỉ và đạt đỉnh điểm dưới chính quyền của tổng thống Ernesto Zedillo (1994-2000).
Năm 1982, chế độ độc đảng bá quyền độc tài của Mexico bị rung chuyển bởi vụ khủng hoảng tài chính và kinh tế nghiêm trọng do nợ nước ngoài và chi tiêu công quá mức. Cuộc khủng hoảng đã đảo ngược sự chấp thuận một cách tương đối thụ động của dân chúng đối với chế độ độc tài và khởi động một loạt các sự kiện từng bước một đưa Mexico, lúc nhanh lúc chậm, hướng tới nền quản trị dân chủ. Những cuộc vận động chính trị và tỉ lệ người tham gia bầu cử gia tăng, cùng với những cuộc cải cách chính trị từ trên xuống nhằm phản ứng trước các cuộc khủng hoảng đang diễn ra, thách thức và làm giảm quyền kiểm soát truyền thống của chính phủ đối với các tiến trình bầu cử. Chế độ độc tài bị xóa bỏ dần trong vòng hai chục năm sau đó, trong điều kiện kinh tế tăng trưởng chậm và tương tác với những cuộc cải cách kinh tế hướng tới thị trường tự do. Trong những năm đó, nền kinh tế và hệ thống chính trị Mexico đã trải qua những biến đổi sâu sắc - nhưng diễn ra theo từng bước một và hòa bình.
Ernesto Zedillo là tổng thống cuối cùng lên nắm quyền trong chế độ mà đảng PRI giữ thế thượng phong. Theo chính sách của người tiền nhiệm của ông, Carlos Salinas de Gortari (1988-1994), Zedillo làm cho quá trình tự do hóa nền kinh tế và tiến trình hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu của Mexico càng trở nên sâu sắc hơn. Zedillo cũng giúp đẩy quá trình mở cửa hệ thống chính trị bằng cách giảm sự can thiệp của nhà nước, hạn chế thẩm quyền của tổng thống, chấp nhận và thích nghi với sự gia tăng về chính trị của phe đối lập và bảo vệ tính chính danh của các thiết chế và sự công bằng của cuộc bầu cử tổng thống được tiến hành trong năm 2000.
Chế độ độc tài
Hầu như trong suốt thế kỉ XX, Mexico đã có sự liên tục và ổn định về chính trị (mà không cần chế độ quân sự) trong khi vẫn giữ được hình thức dân chủ. Hệ thống độc tài do các quan chức dân sự giữ thế thượng phong tương phản hoàn toàn với nhiều nước Mỹ Latinh, tức là những nước mà quân đội thường đóng vai trò trung tâm.
Tính liên tục của hệ thống chính trị là do nước này có các thiết chế mạnh: nhà nước vững chắc, tổng thống đầy quyền lực và thế thượng phong hầu như không bị thách thức của một đảng gắn bó chặt chẽ với nhà nước. Sự dàn xếp như thế được hình thành từ năm 1929, khi Đảng Cách mạng Quốc gia (Partido Nacional Revolucionario - PNR) được lập ra như là tổ chức đại diện cho giới tinh hoa cách mạng. Đảng Cách mạng Mexico (Partido de la Revolucion Mexicana - PRM), do các công đoàn cánh tả và các nhóm nông dân khuynh loát, đã thế chỗ PNR vào năm 1938. Năm 1946, đến lượt đảng này bị thay thế bởi PRI, được thành lập như tổ chức đa giai cấp, mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa và theo đuổi những mục tiêu và phương tiện của cuộc cách mạng năm 1910 của Mexico.
Hiến pháp năm 1917 chính thức hóa nhà nước liên bang theo chế độ tổng thống, có sự phân chia quyền lực, nhưng cơ cấu chính phủ tập quyền cao góp phần củng cố xu hướng nhánh hành pháp lấn át nhánh lập pháp và tư pháp, vi phạm nguyên tắc kiểm soát và đối trọng lẫn nhau. Tập trung quyền lực như thế cũng mâu thuẫn với các nguyên tắc của nhà nước liên bang.
Chế độ pháp quyền chưa đủ mạnh và cách hành xử tùy tiện của các quan chức, nhất là trong việc thực thi pháp luật, là đặc điểm của chế độ độc tài Mexico. Người Mexico không bao giờ biết liệu pháp luật có được thực thi hay không. Tuy nhiên, tổng thống bị hạn chế bởi một số quy tắc, những quy tắc này định hình những quyết định của họ và giới hạn quyền lực của họ. Ví dụ, hiến pháp cấm tổng thống tái cử đã - và vẫn là - một quy tắc vàng của hệ thống chính trị Mexico, tất cả các tổng thống đều tôn trọng. Quy tắc này đã ngăn cản các chính trị gia có quá nhiều tham vọng, để họ không thể nắm quyền mãi và trở thành nhà độc tài trong thời gian dài, và làm giảm bớt tham vọng của những người muốn trở thành ứng cử viên tổng thống.
Quyền lực chính thức của tổng thống tăng thêm bởi quyền lực không chính thức do Đảng PRI dành cho ông ta. Đảng này đưa quyền lực của tổng thống vượt ra ngoài giới hạn do hiến pháp quy định; ví dụ, tổng thống chọn các ứng cử viên cho các chức vụ dân cử ở khu vực, bang và quốc gia. Đặc quyền này cho ông ta quyền kiểm soát tiến trình thay thế của giới tinh hoa chính trị và quan trọng hơn, kiểm soát quốc hội. Đảng này là trung tâm của mạng lưới bảo kê, vốn là nền tảng của chế độ độc tài. Nó cũng là cơ chế để cho tổng thống có mặt một cách tượng trưng trong tất cả các tầng lớp xã hội. Nhờ sự kết hợp của quyền lực chính thức và phi chính thức như thế mà tổng thống Mexico có thể cai trị hầu như không bị thách thức trong suốt nhiệm kì sáu năm.
Theo cách nào đó thì PRI là một tổ chức yếu, mặc dù có khá nhiều quyền lực. Đảng này có mức độ tự chủ hạn chế; ưu thế của nó phụ thuộc vào sự ủng hộ của tổng thống và các nguồn lực công nhằm duy trì một số cơ chế kiểm soát của đảng này - từ vòi vĩnh đến tham nhũng. Những quyết định liên quan đến ban lãnh đạo đảng đều do chính tổng thống đưa ra. Đảng có ảnh hưởng khá hạn chế đối với quá trình hoạch định chính sách, vì nó phụ thuộc vào nhu cầu và ưu tiên chính trị của tổng thống. Chức năng chính của nó là huy động sự ủng hộ cho các quyết định của chính phủ và ngăn chặn phe đối lập.
Cơ cấu theo lối tập đoàn của PRI tổ chức và kiểm soát theo cách truyền thống sự tham gia và đại diện của công nhân, nông dân và các nhóm thuộc tầng lớp trung lưu ở đô thị. Quyền bá chủ của đảng dựa một phần vào sự kiện là tỉ lệ cử tri không tham gia bầu cử khá cao, làm cho đảng dễ dàng kiểm soát số người đại diện - và, nếu cần thì gian lận và làm giả kết quả - làm cho Đảng PRI luôn luôn giữ được đa số lớn hơn 75%. Đa số như thế có thể làm cho những quyết định tùy tiện của tổng thống có tính hợp pháp. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đã giúp tạo ra xã hội có nhiều người sống ở đô thị hơn, có học hơn và đa dạng hơn, không còn dễ kiểm soát nữa. Do đó, cuối những năm 1960, chế độ của PRI đã trở nên kém hiệu quả hơn và như cuộc vận động của sinh viên năm 1968 cho thấy, người Mexico có thể chuyển sang hình thức tham gia bên ngoài hòm phiếu. Đây là động lực mạnh mẽ làm cho các vị tổng thống tiếp theo tham gia vào cải cách chính trị.
Cạnh tranh đảng phái thời kì trứng nước
Quá trình dân chủ hóa Mexico thực chất là diễn ra theo các cuộc bầu cử, chứ không phải được định hình bởi những cuộc biểu tình trên đường phố và vận động do các tổ chức công đoàn và các tổ chức xã hội dân sự khác lãnh đạo. Điều đó cho thấy rằng các cuộc bầu cử trong giai đoạn độc tài có thể không khẳng định quyền lực chính trị, mà chỉ là dịp để giới thiệu các giá trị và nguyên tắc của chế độ dân chủ với dân chúng Mexico. Chính phủ khuyến khích các đảng đối lập đại diện cho ý kiến của thiểu số. Chưa bao giờ có nhiều hơn bốn đảng đối lập và trong hàng chục năm các đảng này rất yếu vì họ không thể cạnh tranh được với những nguồn lực hầu như vô giới hạn của đảng được chính quyền ủng hộ. Việc họ tham gia thường xuyên vào các cuộc bầu cử đã giúp duy trì vẻ ngoài dân chủ, làm cho hệ thống của Mexico khác biệt với các chế độ độc tài trắng trợn khác. Các đảng đối lập hoạt động như các nhóm lợi ích giới hạn chứ không phải là các đảng chính trị thực sự.
Tuy nhiên, cùng với thời gian, khả năng cạnh tranh trong các cuộc bầu cử của các đảng đối lập
đã gia tăng một cách từ từ. Trong nhiều năm, chỉ có Đảng hành động quốc gia (Partido de Accion Nacional - PAN) là tổ chức chính trị thực sự độc lập mà thôi. Đảng này được thành lập năm 1939 bởi một nhóm các chuyên gia trung lưu ở Mexico City, nhiều người trong số họ có chân trong tổ chức Công giáo, như cách phản ứng lại những chính sách cấp tiến của tổng thống Lazaro Cardenas, ví dụ như chia ruộng và giáo dục bắt buộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. PAN đại diện cho phe đối lập bảo thủ chống lại cách mạng. Với nguồn lực ít ỏi và mối thù không đội trời chung với PRI, trong nhiều năm PAN gần như không còn tồn tại. Khi PAN, vì xung đột nội bộ, không đưa ra được ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm 1976, cuộc bầu cử không có cạnh tranh thể hiện một cách rõ ràng sự dối trá vì bầu cử mà không có lựa chọn.
Tổng thống mới nhậm chức Lopez Portillo lo ngại về việc duy trì tính chính danh về chính trị và đã đưa ra những biện pháp để phía bất đồng chính kiến thể hiện quan điểm của mình. Ông bắt đầu tiến hành cải cách bầu cử vào năm 1977, nới lỏng những điều kiện về đăng kí đảng phái và tăng cường đại diện về chính trị bằng cách phân bổ đại diện theo tỉ lệ số ghế cho các đảng thiểu số trên cơ sở thành tích mà họ đạt được trong cuộc bầu cử ở tầm quốc gia. Năm 1979, bảy đảng có đại diện ở quốc hội, trong đó có cả Đảng Cộng sản. Cuộc cải cách này được thông qua tại thời điểm khi các chế độ độc tài quân sự ở Nam Mỹ đang ngóc đầu dậy, và chính Mexico cũng đang phải đối mặt với những tổ chức du kích vừa mới hình thành, làm cho tính chính danh của chế độ dân chủ càng trở thành quan trọng hơn đối với chế độ này.
Cải cách bầu cử hòa nhập với xu hướng xã hội trong dài hạn và đầy sức mạnh: đô thị hóa, thế tục hóa, và đa dạng hóa của xã hội Mexico. Biểu hiện chính trị của những thay đổi như thế là sự xuất hiện của chủ nghĩa đa nguyên và sự liên kết của những yêu cầu đòi công nhận các quyền của công dân trong việc thành lập và tham gia vào các tổ chức độc lập.
Partido de Accion Nacional là đảng đầu tiên được lợi khi PRI yếu đi. Trong suốt những năm 1980, PAN tiếp tục được lợi từ những bước đi sai lầm lặp đi lặp lại của PRI, tạo ra những cuộc khủng hoảng dẫn đến cải cách và mở cửa cho phe đối lập. Cuộc khủng hoảng đầu tiên là vụ trưng thu bất thình lình các ngân hàng thương mại do chính quyền Lopez Portillo thực hiện vào tháng 9 năm 1982, kích động phong trào đối lập của tầng lớp trung lưu đông đảo; ứng viên của PAN thắng trong những cuộc bầu cử địa phương trong giai đoạn 1982-1985 ở các bang miền Bắc như Baja California, Sinaloa, Sonora, Durango, và Chihuahua, cho thấy sự xói mòn ảnh hưởng của PRI đối với những nhóm người giàu có trong xã hội Mexico.
Nhưng thách thức chủ yếu đối với quyền độc tôn trong bầu cử của PRI lại xuất hiện ngay từ bên trong. Năm 1987, khi ngày bầu cử tổng thống đang đến gần, thì Cuauhtemoc Cardenas – đảng viên nổi tiếng của Đảng này và là con trai của vị tổng thống đáng kính, Lazaro Cardenas, cũng là cựu thống đốc bang Michoacan, thượng nghị sĩ, và thứ trưởng bộ nông nghiệp đòi phải minh bạch trong việc lựa chọn các ứng cử viên tổng thống của PRI. Trước đây việc chỉ định ứng viên thuộc đặc quyền của tổng thống đương nhiệm. Lần này, Cardenas và những người khác trong đảng PRI đưa việc cạnh tranh và tranh luận công khai vào quá trình đề cử ứng viên nhằm thay đổi hướng đi của chính phủ. Họ không đồng ý với chính sách kinh tế tân tự do của tổng thống Miguel de la Madrid, ví dụ, tham gia Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới) và quyết định của ông ta trong việc chấp nhận chiến thắng của PAN trong các cuộc bầu cử ở các thành phố khác nhau. Những người phê phán kêu gọi quay trở lại với chính sách kinh tế dân tộc chủ nghĩa và truyền thống của cuộc Cách mạng Mexico, họ tuyên bố rằng PRI dưới thời tổng thống Miguel de la Madrid (1982-1988) đã bỏ rơi những truyền thống đó. Lời kêu gọi của Cardenas có sức mạnh nhất ở Mexico City, vừa bị ảnh hưởng bởi hai trận động đất lớn vào ngày 19 tháng 9 năm 1985. Sự kiện bi thảm với ít nhất là 10.000 người bị thiệt mạng, đã phá rào cho tâm lý bài PRI vì chính phủ de la Madrid dường như bị thảm họa làm cho tê liệt. Dân chúng thủ đô quay sang các tổ chức phi chính phủ độc lập, và thông điệp của Cardenas đã tới tai các cử tri ở Mexico City, mà đa phần trước đó vốn là những người trung thành với đảng PRI.
Cardenas bị PRI khai trừ, năm 1987 ông đứng ra thành lập Mặt trận dân chủ quốc gia (Frente Democratico Nacional - FDN), tiền thân của Đảng cách mạng dân chủ (Partido de la Revolucion Democrática - PRD), năm 1989 Đảng này thống nhất những xu hướng khác nhau của cánh tả thành một tổ chức duy nhất.
Quá trình dân chủ hóa Mexico sau năm 1987: Sự vươn lên của Partido de la Revolución Democrática
Cuộc bầu cử tổng thống năm 1988 được đánh dấu bởi sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh mới, cardenismo, được tổ chức trong đảng FDN và bởi tỉ lệ cử tri độc lập đi bầu cao một cách bất ngờ, làm cho cơ chế kiểm soát của PRI không thể xử lí nổi.
Cardenas tiến hành chiến dịch vận động tranh cử dựa trên các chủ đề mang tinh thần dân tộc truyền thống; ông nhấn mạnh cái giá mà xã hội phải trả cho việc điều chỉnh chính sách kinh tế, tập trung vào tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng. Những người ủng hộ ông thì nói về uy tín và tự tên tuổi của gia đình ông đã là cương lĩnh của đảng rồi; ông kêu gọi những người bị thiệt thòi và thách thức, không để PRI độc quyền nhận sự ủng hộ của các thành phần có thu nhập thấp và thu nhập trung bình nữa. FDN là mối đe dọa đầy nguy hiểm đối với vị trí độc tôn của đảng ủng hộ chính phủ vì cuộc tranh chấp giữa hai lực lượng chính trị này về di sản của cuộc cách mạng năm 1910. Trong hai tháng cuối cùng của chiến dịch tranh cử, Cardenas, mặc dù chỉ có nguồn lực ít ỏi, đã cho thấy khả năng huy động dân chúng vượt xa các ứng viên khác. Đài truyền hình hầu như không nói đến chiến dịch vận động của ông, các phương tiện truyền thông cũng ít khi nhắc tới tên ông, nhưng số người ủng hộ ông vẫn gia tăng.
Kết quả chính thức cuối cùng của cuộc bầu cử năm 1988, bị nhiều nhà quan sát nghi ngờ, cho thấy Cardenas được 30% phiếu bầu, Salinas được 50%, còn Manuel Clouthier, ứng viên của PAN, được 16%. Tỉ lệ cử tri đi bầu là 49%, thấp so với những báo cáo giả mạo về những cuộc bầu cử trước đó, nhưng nói chung, mọi người đều công nhận rằng tỉ lệ cử tri độc lập tham gia bầu cử cao một cách bất thường. Cuộc bầu cử gặp rắc rối vì những vụ vi phạm và cáo buộc về gian lận. Nhiều người Mexico và những nhà quan sát khác tin rằng, trên thực tế Cardenas đã giành được đa số phiếu. Thậm chí, theo kết quả chính thức, liên minh của ông đã giành được 108 trong số 500 ghế ở hạ viện. Lúc đó Cardenas có vai trò quyết định trong việc biến liên minh của ông thành chính đảng và đưa PRD thành tổ chức giữ thế thượng phong trong cánh tả. Sự xuất hiện của PRD cùng với việc củng cố PAN đã làm thay đổi diện mạo chính trị của Mexico. Lần đầu tiên kể từ khi được thành lập (kế thừa các đảng trước đó) vào năm 1946, PRI đã bị thách thức nghiêm trọng và không giành được đa số như thường thấy trong quốc hội.
Partido de la Revolucion Democratica (PRD) kết nạp các đảng viên của Đảng Cộng sản cũ và nhiều priistas (đảng viên Đảng cách mạng thể chế - PRI) bất mãn. Phải mất một thời gian đảng mới này mới thích nghi với luật lệ của nền chính trị đại nghị và cạnh tranh đảng phái. Nhưng sự tồn tại của các đảng đối lập mạnh mẽ hơn và đa dạng hơn, theo thời gian, đã làm thay đổi quan hệ giữa nhánh hành pháp và nhánh lập pháp ở Mexico và bắt đầu làm cho cơ chế kiểm soát và đối trọng trở nên hiệu quả hơn.
Sau cuộc bầu cử năm 1988, công cuộc tự do hóa nền kinh tế và cải cách chính trị do tổng thống Salinas khởi động và sau đó được tổng thống Zedillo thúc đẩy thêm đã làm cho đất nước này chuyển hóa. Những cuộc cải cách kinh tế này đi ngược lại truyền thống của PRI là nhà nước can thiệp vào kinh tế, trong khi các cuộc cải cách chính trị đưa dần quyền lực sang cho phe đối lập. Thất bại quan trọng đầu tiên được PRI thừa nhận là thành công của PAN trong cuộc bầu cử thống đốc bang Baja California, năm 1989. Năm 1990, bộ luật bầu cử, gọi tắt là COFIPE, là cái giá mà PAN đòi để họ chấp nhận kết quả Salinas đắc cử vào năm 1988. Đặc điểm quan trọng nhất của bộ luật này là thành lập Viện Bầu cử Liên bang (Instituto Federal Electoral hay IFE), cơ quan thường trực, tự trị, có ngân sách riêng và bộ phận quản lí chuyên nghiệp, phụ trách việc tổ chức và điều hành quá trình bầu cử. Năm 1992, IFE áp dụng thẻ nhận dạng cử tri có ảnh (ID), thẻ đó nhanh chóng trở thành tài liệu nhận dạng quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất cho tất cả người dân Mexico.
Chương trình cải cách kinh tế cấp tiến của tổng thống Salinas trái ngược với sự rụt rè trong cải cách chính trị của ông. IFE là bước tiến về phía trước, nhưng cách ấn định ghế đại diện theo tỉ lệ (PR) lại là sự thụt lùi có lợi cho đảng chiếm đa số vì nó đưa vào điều khoản gọi là khả năng cai trị cho đảng lớn nhất trong hạ viện số ghế bổ sung cho đến khi đảng này kiểm soát được 60% đại biểu. Công cuộc cải cách hiến pháp của tổng thống Salinas được PAN ủng hộ, nhưng ông không bao giờ che giấu thái độ thù địch đối với PRD. Trong thời gian cầm quyền của ông này, các bang Baja California, Chihuahua, và Guanajuato đã bầu các đảng viên của PAN làm thống đốc, trong khi chiến thắng rõ ràng của PRD lại không bao giờ được công nhận.
Cuộc bầu cử năm 1994
Một số sự kiện đặc biệt xảy ra vào năm 1994 tiếp tục đóng góp vào tiến trình làm cho PRI suy yếu thêm. Tháng 1,, Ejercito Zapatista de Liberacion Nacional (EZLN, còn gọi là Zapatistas), một phong trào nông dân được tổ chức không mấy chặt chẽ, đã tuyên chiến với chính phủ Mexico ở bang Chiapas, miền nam Mexico, ban đầu nhân danh chủ nghĩa xã hội, nhưng chẳng bao lâu sau đã nhấn mạnh việc bảo vệ các cộng đồng bản địa và quyền của người da đỏ. Tháng 3, ứng cử viên tổng thống của PRI, Luis Donaldo Colosio, bị ám sát khi đang vận động tranh cử ở Tijuana, tạo ra bầu không khí đáng lo ngại.
Salinas chỉ có hai lựa chọn khi chỉ định ứng cử viên mới trong số những người ủng hội hiện đại hóa xung quanh mình để thay thế cho Colosio: Pedro Aspe (Bộ trưởng tài chính) và Ernesto Zedillo, người cũng chủ yếu thăng tiến trong lĩnh vực tài chính của nhà nước và vừa mới nhậm chức bộ trưởng kế hoạch và ngân sách và bộ trưởng giáo dục. Không thể chọn Aspe vì ứng cử viên tổng thống phải từ chức trong nội các, sáu tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Zedillo đáp ứng yêu cầu này bởi vì ông đã ra khỏi chính phủ để trở thành người quản lí chiến dịch tranh cử của Colosio.
Ernesto Zedillo là ứng cử viên tổng thống khác lạ. Ông được mọi người coi là một nhà kĩ trị, tận tụy đối với công vụ, nhưng lại thiếu kiên nhẫn trước những khúc quanh phức tạp của chính trường. Nhưng dường như ông sẽ tiếp tục những cuộc cải cách kinh tế của Salinas, không giống những người đang khao khát chức tổng thống khác, như chủ tịch của PRI, Fernando Ortiz Arana, và Francisco Rojas, Giám đốc điều hành của công ty Pemex. Salinas cũng có thể đã hi vọng rằng ​​Zedillo là tổng thống yếu, cần ông ta tư vấn và giúp đỡ.
Vai trò của Ernesto Zedillo
Lần đầu tiên, 35 triệu người Mexico (78% cử tri đã đăng kí) tham gia cuộc bầu cử năm 1994. Tỉ lệ cử tri đi bầu cao có thể là phản ứng trước khả năng bạo lực chính trị lan tràn, cũng như trước những thay đổi quan trọng trong thủ tục bầu cử. Nhằm chống lại sức hấp dẫn có thể có của phong trào Zapatista, tháng 1 tất cả các đảng phái chính trị đã đồng ý sửa đổi luật lệ nhằm gia tăng mức độ tín nhiệm đối với các cuộc bầu cử, bằng cách gia tăng sự tham gia của nhánh lập pháp vào tiến trình bầu cử trong khi hạ thấp vai trò của nhánh hành pháp. Do đó, các thành viên của IFE đã được thay thế bởi sáu “thành viên hội đồng công dân”, những người giành được hai phần ba số phiếu – từ danh sách do các đảng lập ra - trong hạ viện. Ảnh trong ID mới cũng góp phần làm gia tăng lòng tin của cử tri vào quá trình này.
Ernesto Zedillo nhậm chức trong một bầu không khí bớt căng thẳng. Kết quả bầu cử là rõ ràng và không thể tranh cãi, được cả phe đối lập cũng như dư luận xã hội chấp nhận. Ba ứng cử viên tổng thống nhận được 92% số phiếu bầu: Zedillo được 49%; Diego Fernandez de Cevallos, đảng viên PAN, được 26%, còn Cuauhtemoc Cardenas được 16%. Tháng 8, tổng thư ký PRI, Francisco Ruiz Massieu, đã bị bắn chết, nhưng cuộc điều tra phát hiện ra rằng việc giết ông liên quan đến tranh chấp cá nhân. Việc này làm xấu thêm hình ảnh của đảng, nhưng bạo lực nói chung đã chấm dứt và cuộc sống bình thường dường như đang trở về.
Tuy nhiên, chưa đầy ba tuần sau lễ nhậm chức, cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế diễn ra một cách bất ngờ, làm cho đồng peso của Mexico sụp đổ, mất tới 40% giá trị trong vòng có một tháng. Đầu năm 1995, lạm phát và lãi suất tăng mạnh, nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Hàng triệu người Mexico nhìn thấy những khoản tiền tiết kiệm và đầu tư của họ biến mất và nhiều người không thể trả được các khoản nợ. Điều này làm nhiều người Mexico nhớ lại cuộc khủng hoảng năm 1982 và họ tin rằng PRI phải chịu trách nhiệm. Đảng này bị coi là không chỉ tham nhũng và phản dân chủ mà còn bất tài. Phục hồi diễn ra tương đối nhanh, một phần nhờ vào gói cứu trợ tài chính của Mỹ, được tổng thống Bill Clinton phê duyệt, nhưng thiệt hại thì đã có, như cuộc bầu cử liên bang giữa nhiệm kỳ năm 1997 đã cho thấy.
Trong bối cảnh chính trị phức tạp đó, tổng thống Zedillo còn phải đối phó với những ảnh hưởng mang tính phân cực của những cải cách kinh tế đầy tham vọng do Carlos Salinas tiến hành - vốn đã làm lung lay tận gốc rễ chính sách kinh tế dân tộc chủ nghĩa dân túy truyền thống của Mexico. Salinas đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mỹ, đã tư nhân hóa nhiều ngành công nghiệp, và cải cách hai di sản thiêng liêng của cuộc cách mạng Mexico: chấm dứt Ejido, một hình thức sở hữu đất đai theo lối tập thể và cải cách những điều khoản bài giáo hội trong hiến pháp. Những sự gián đoạn mang tính lịch sử như thế làm cho nhiều priistas (đảng viên PRI - ND) xa lánh ông; mâu thuẫn giữa đảng và giới tinh hoa cầm quyền là một phần của di sản mà Salinas để lại cho Zedillo. Mâu thuẫn cá nhân giữa hai người cũng đã xuất hiện, đặc biệt là vụ anh trai cựu tổng thống bị bắt giam về tội tham nhũng và tham gia vào âm mưu sát hại Ruiz Massieu.
Mục tiêu của chương trình chính trị của Ernesto Zedillo là tình trạng bình thường của chế độ dân chủ, mà theo ông, có nghĩa là đặt ra giới hạn đối với quyền lực của tổng thống, nới lỏng các mối quan hệ giữa chức vụ tổng thống và PRI, và đảm bảo tính hiệu quả của cơ chế kiểm soát và đối trọng. Tháng 12 năm 1994, ngay sau khi nắm quyền, ông đã gửi cho quốc hội tu chính hiến pháp nhằm giảm số ghế ở Tòa án tối cao, sửa đổi quy trình bầu cử thẩm phán, và xác định lại thời hạn công tác của họ để đảm bảo sự độc lập của tư pháp. Dự án chính trị của tổng thống Zedillo cũng nhằm mục đích tạo ra sân chơi bình đẳng về tài chính trong các kì bầu cử và tiếp cận với các phương tiện truyền thông.
Zedillo còn tuyên bố rằng cần phải có khoảng cách lành mạnh giữa PRI và chính phủ. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là đảng sẽ không còn được hưởng quyền ưu tiên trong việc tiếp cận với tổng thống hay các nguồn lực của nhà nước để duy trì ưu thế nữa. Zedillo tìm cách xây dựng chức vụ tổng thống dân chủ dựa hoàn toàn vào hiến pháp.
Quan hệ giữa chính phủ và PRI trong giai đoạn 1994-2000 bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng và ngờ vực lẫn nhau. Vị tổng thống mới dường như thậm chí còn quyết tâm cải cách kinh tế hơn cả Salinas theo kiểu duy ý chí. Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào kinh tế là nguồn gốc tham nhũng và năng suất thấp, và ủng hộ dùng các quy định thay cho sự can thiệp trực tiếp của chính phủ. Zedillo cho thấy ngay từ đầu rằng ông không tin PRI, ông bổ nhiệm một nhà lãnh đạo tích cực của PAN làm bộ trưởng tư pháp, có trách nhiệm điều tra vụ ám sát Colosio. Quan hệ giữa tổng thống và tầng lớp tinh hoa của PRI cũng căng thẳng vì Zedillo đã có những cố gắng đặc biệt nhằm tiến hành đối thoại với PRD, chứ không cự tuyệt đảng này như Salinas đã làm. Tuy nhiên, tổng thống Zedillo kì vọng rằng các đảng viên PRI sẽ giữ được ​​kỷ luật và ủng hộ ông. Lá phiếu của họ trong quốc hội tạo điều kiện cho ông tiến hành chương trình bình ổn đầy đau đớn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng giai đoạn 1994-1995, và đảng này đã ủng hộ Zedillo ở quốc hội, đây chính là điều ông đang cần để tiếp tục quá trình cải cách kinh tế.
Zedillo đã qua mặt được PRI và đàm phán về chương trình chính trị của mình với các đảng đối lập. Ông ủng hộ cuộc cải cách bầu cử mới vào năm 1996, nhằm tăng cường quyền tự chủ của các cơ quan tổ chức bầu cử. Hội đồng IFE sẽ có tám thành viên và bộ trưởng nội vụ sẽ được thay thế vì người lãnh đạo của cơ quan này là “thành viên của xã hội dân sự”, do hạ viện bầu theo đề nghị của các đảng chính trị. Cuộc cải cách này cũng làm thay đổi quan hệ giữa các nguồn tài trợ công và tư cho các chiến dịch tranh cử và làm cho tòa án bầu cử trở thành một phần của ngành tư pháp, chứ không còn là thành phần của nhánh hành pháp nữa.
Trong cuộc bầu cử liên bang năm 1997, được nhiều người coi là công bằng, PAN và PRD cùng giành được đa số là 247 đại biểu ở hạ viện, so với 239 đại biểu của PRI. Cuauhtemoc Cardenas trở thành thị trưởng dân cử đầu tiên của Mexico City, còn PRD giành được đa số ghế trong các hội đồng thành phố. Đây là một thất bại mang tính chiến lược của PRI, vì thủ đô là nơi tập trung các nguồn lực kinh tế, tài chính, chính trị và văn hóa của đất nước Mexico.
Trong giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2000, PRD giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử thống đốc ở các bang Sur, Tlaxcala và Zacatecas, trong khi PAN thắng ở Jalisco, Aguascalientes, Queretaro, và Nuevo Leon và tiếp tục giữ được Baja California và Guanajuato. Bản đồ chính trị đa dạng của Mexico được làm giàu thêm bằng sự gia tăng số lượng các liên minh đảng phái, bao gồm cả các đảng nhỏ như Đảng lao động (Partido del Trabajo) và Đảng sinh thái học xanh Mexico (Partido de Verde Ecologista Mexico).
Xung lực cải cách của tổng thống đã tác động tới PRI. PRI chọn ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2000 trong cuộc bầu cử sơ bộ, lần đầu tiên diễn ra trong nội bộ đảng này, với sự tham gia khá hạn chế của Zedillo. Tháng 12 năm 1999, Francisco Labastida, cựu bộ trưởng năng lượng và thống đốc bang Sinaloa, được bầu làm ứng cử viên chính thức của đảng này, nhưng lúc đó ông đã rớt lại rất xa đằng sau Vicente Fox, cựu thống đốc Guanajuato, người đã tiến hành chiến dịch vận động cho PAN trong suốt cả năm và đã rất được lòng dân. Fox có thể đại diện cho sự thay đổi và có sức quyến rũ với nhiều cử tri.
Tối hôm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, tháng 7 năm 2000, chủ tịch IFE công bố trên truyền hình quốc gia - trên cơ sở kết quả đã được ghi chép và tính toán cẩn trọng – rằng Fox đã thắng. Tổng thống Zedillo lập tức chúc mừng tổng thống đắc cử, thậm chí trước khi Labastida thừa nhận thất bại.
Hiện nay, Mexico có nền quản trị dân chủ đa đảng, trong đó, tổng thống, nghị sĩ, thống đốc bang và thị trưởng được bầu chọn trong những cuộc bầu cử tự do và công bằng; những cuộc bầu cử này lại được thực hiện một cách độc lập, chuyên nghiệp và trung thực. Các đảng thay phiên nhau nắm quyền ở tất cả các cấp chính quyền. Năm 2012, đảng viên PRI lại được bầu làm tổng thống sau hai chính quyền của PAN: Fox (2000-2006) và Felipe Calderon (2006-12).
Để cai trị, tổng thống phải thương lượng với những trung tâm quyền lực tương đối độc lập trong quốc hội, trong các bang và chính quyền các thành phố. Các trung tâm quyền lực tư nhân quan trọng - bao gồm các công ty lớn (thường là nhóm thân hữu với chính giới), các hiệp hội, công đoàn, các đế chế truyền thông, và các băng đảng tội phạm– tất cả đều làm cho quá trình quản trị thành phức tạp, nhưng, hiện nay Mexico ngày càng có cơ chế kiểm soát và đối trọng hiệu quả hơn.
Còn nhiều việc phải làm nhằm tiếp tục củng cố và làm cho chế độ dân chủ ở Mexico trở nên sâu sắc hơn. Ba đảng chính đã chính thức đồng ý tiến hành cải cách chính trị. Người ta đang thảo luận những đề xuất cho phép các ứng cử viên độc lập tham gia và sáng kiến bầu cử của công dân; quản lí các chính đảng; vận động tài chính, và tuyên truyền của chính phủ; áp dụng vòng bỏ phiếu thứ hai trong bầu cử tổng thống; và tạo điều kiện cho chính phủ liên minh. Dù kết quả của các cuộc đàm phán này có như thế nào thì chúng cũng cho thấy chế độ dân chủ ở Mexico hiện đang ngày càng mạnh mẽ, ngày càng sôi động hơn.