Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

Bọ rầy tháng Năm (*)

Truyện Ngô Nguyên Dũng

clip_image002

Ảnh minh hoạ lấy từ tin mạng.

Cơn dông bất ngờ nổi lên bắt ông phải tìm chỗ trú mưa dưới tàng cây rậm. Thoáng chốc, mây đen đùn kín khung trời tháng mười. Ánh ngày tắt ngúm. Khắp nơi chỉ nghe tiếng mưa rì rào. Đệm theo một thứ thanh âm khác.

Khẽ. Rất khẽ. Nghe như tiếng gọi. Một giọng trẻ con ngại ngùng gọi. Ông ơi, tới đây! Ông quay nhìn dáo dác. Lại đây, ông! Nhanh lên! Sau một thoáng lưỡng lự, ông bước lại chỗ phát ra tiếng gọi và bắt gặp một cậu bé đang đứng đấy. Một mình. Cậu khoác trên người chiếc áo mưa có mũ che màu vàng loé. Mưa gió thế này mà bé con làm gì đứng đó? Con tìm bọ rầy tháng Năm. Bọ rầy tháng Năm? Vào tháng Mười? Dạ, con tìm được cả bầy. Đâu vậy? Đằng kia kìa, xung quanh nấm mộ con. Ông tới đấy. Thật vậy. Chỗ đó, thấy có vô số bọ rầy tháng Năm ẩn náu trong cỏ. Lúc ông giơ tay toan bắt một con, cả bầy túa bay tứ tán. Nhịp cánh đập nhấp nháy như những đốm ma trơi trong bóng nhá nhem. Dưng không cả không gian sáng loé. Một lằn sét xé trời thành nhiều mảnh. Một tiếng sấm kinh thiên đánh trúng ngay thân cây, chỗ ông đứng mới nãy, và lưu lại một thương tích còn bốc khói. Toàn thân ông run rẩy. Sau khi hoàn hồn, ông ngoảnh nhìn quanh quất. Không thấy cậu bé đâu nữa. Ông xem lại. Trên tấm bia đá của nấm mộ con thấy ghi tên và di ảnh một cậu bé. Sinh năm 2011. Mất năm 2016. Vào một ngày tháng Năm.

"Kết quả thử máu tốt đối với tuổi của ông", người bác sĩ nhìn ông, nhoẻn cười khích lệ. "Ông nên, vì lý do sức khoẻ, hoạt động nhiều hơn nữa. Đi bơi mỗi tuần ít nhất một lần và tản bộ. Và uống nước, uống, uống, cả những lúc ông không thấy khát".

Kể từ đó, chiều nào ông cũng đi dạo. Gần như mỗi ngày. Cả những hôm thời tiết xấu. Đôi khi có vợ ông theo cùng. Thường thì ông đi một mình, lưng đeo ba-lô, quà tặng của vợ ông nhân dịp sinh nhật thứ năm mươi lăm.

"Chiếc ba-lô chứa đầy những ước mơ của đời anh", vợ ông đã ghi như vậy trong tấm thiệp con, kèm theo bốn tấm bưu ảnh chụp cảnh bốn mùa. Lễ hội hoa anh đào đón xuân Nhật Bản. Đồng hoa oải hương mùa hè miền nam Pháp. Rừng phong mùa thu Québec. Luồng bắc quang trên vòm trời mùa đông Bắc Âu. Ông xúc động. Toàn là những mục tiêu du lịch mà ông hằng mơ tưởng thời thanh xuân và thường xuyên kể cho vợ nghe trong những năm đầu tiên của đời sống lứa đôi. Rồi bất chợt ông không còn mơ tưởng tới chúng nữa, mặc dù ông chưa hề thực hiện bất kỳ ước nguyện nào.

Ông không biết phải làm gì với chiếc ba-lô, và cất nó trong kho chứa vật dụng cũ. Cho tới mới đây. Ông đánh thức chiếc ba-lô từ giấc ngủ sâu và giải thoát nó khỏi cõi tối tăm lạnh nhạt của ông. Chiếc ba-lô bằng da nâu, một bên có túi lưới cho chai đựng nước với hai quai vai chắc chắn và điều chỉnh được.

***

Chỗ ông trọ nằm cạnh nghĩa trang một góc phố, nơi nhiều thân cổ thụ và những người quá vãng chia nhau an nghỉ. Một nơi chốn đi dạo lý tưởng. Những thứ mà ông đem theo trong những lần đi dạo đầu tiên là một bình thuỷ trà, một miếng bánh ngọt, một quyển sổ con ghi số điện thoại và một máy điện thoại bỏ túi. Những lúc ngồi nghỉ chân cạnh bồn nước phun, thấy có nhiều chim sẻ, ông quyết định lần sau sẽ đem theo thức ăn cho chúng. Một ổ bánh mì con. Vài chiếc bánh bích qui. Hay một mớ ngũ cốc. Và thêm vài thứ khác cho chính ông. Một quyển sách. Một cây viết lông. Và một quyển tập để ông ghi chép những ý nghĩ.

"Ông viết cái gì đó ông?".

Ông nghe một giọng trẻ con cất lên và quay qua. Một cậu con trai. „Cậu bé ngồi bên cạnh mình từ lúc nào vậy kìa?“, ông thắc mắc.

"Chào cậu nhỏ", ông mỉm cười. "Vẩn vơ vậy thôi. Chẳng có gì lạ".

"Ông là văn sĩ à?".

"Không đâu. Chỉ là những ghi chú vu vơ. Còn cậu, cậu làm gì ở đây?".

"Con đi thăm bà. Bà nằm đằng kia kìa", cậu bé trỏ tay chỉ một nấm mộ nằm quanh quất. "Con thấy ông vài lần trong này rồi", cậu thêm vào.

"Còn ông mới gặp con lần đầu".

"Con thấy ông, nhưng ông không thấy con", cậu bé mỉm cười. "Đúng ra, không phải lúc nào cũng vậy. Con thấy mến ông".

"Vậy à?", ông ngạc nhiên.

"Ông có vẻ dễ mến, vì ông thường rải mồi cho chim ăn".

"Lúc nào con cũng đi thăm bà một mình sao?".

"Dạ".

"Lần nào cũng vào giờ giấc này?".

"Dạ".

"Chẳng hiểu tại sao, mãi hôm nay ông mới thấy con?".

"Trong lần tới, ông có thể tiết lộ cho con biết ông đã viết những gì trong quyển sổ này được không?", cậu bé hỏi ngược. Hai mắt cậu mở to. Tia mắt đầy mong đợi. Cậu bắt ông bối rối.

"Bây giờ con phải đi đây", cậu quả quyết. "Ông nhắm mắt lại đi và đếm tới mười như thể đang chơi trốn tìm vậy đó".

Khi ông mở mắt, cậu nhỏ không còn ở đó nữa. Ông nhìn quanh. Chỉ thấy dăm ba người dạo bộ và khách viếng nghĩa trang. Không một lời chuyện vãn. Bồn nước phun róc rách không mỏi. Bầy chim tản mác đâu mất. Luồng nắng chiều muộn xuyên qua tán lá và vẽ những đốm rực rỡ lên mặt đất phủ bóng mát. Dường như chúng run rẩy. Mọi thứ quanh ông chừng như lãnh đạm. Cảnh vật trông như giả, một chốn yên nghỉ được con người tạo dựng với những khiếm khuyết. Như một cảnh giới đầy phi lý. Như một đời sống với những ước vọng bất thành. Ông không dám chắc và tự hỏi, không chừng lần gặp gỡ cậu bé mới nãy chỉ là một giấc chiêm bao. Và nơi đây? Thời gian? Cuộc sống ông? Và toàn thế giới?

***

Trên đường về nhà, ông thấy một người đàn bà đang nhổ cỏ dại quanh một nấm mộ.

"Chào bà. Xin lỗi, bà có thấy cậu bé nào vừa đi ngang đây không?".

Bà đứng lên. "Không. Từ nãy tới giờ tôi mải chú tâm làm việc".

Ông ngỏ lời cám ơn và bỏ đi.

"Ông ơi… khoan đã… ông chờ chút!", người đàn bà ngập ngừng gọi.

Ông quay nhìn rồi tiến lại cạnh người đàn bà.

"Có phải ông nói vừa gặp một cậu bé?".

"Phải".

"Mặt mũi cậu nhỏ trông ra sao?".

"Cậu bé… ốm và xanh. Cậu có đầu tóc vàng óng và hai mắt màu ve chai", ông nhớ lại, "trông rất dễ thương".

"Cậu mặc quần áo như thế nào?".

"Tôi cũng không nhớ nữa. Cậu nhỏ có mặt đó và trò chuyện với tôi giây lát", ông tìm cách ráp lại bức ảnh từ những mảnh vụn trí nhớ. "À này, cậu cho biết, cậu tới đây để thăm bà. Lần nào cũng đi một mình".

"Nó đấy, đứa con trai út của tôi", người đàn bà khẽ nói và cúi đầu vài giây. Rồi bà ngẩng mặt, trĩu buồn nhìn ông.

"Nó chỉ mới năm tuổi và qua đời cách đây mới ba năm. Nó nằm đây, bên cạnh bà. Nó là một đứa trẻ rất đáng yêu. Nó có cảm tình mật thiết với tất cả muông thú, đặc biệt yêu thích loài bọ rầy tháng năm. Chôn cất nó xong, bất ngờ tôi tìm thấy có rất nhiều bọ rầy tháng Năm bên cạnh nấm mộ. Bất kể mùa màng. Khó tưởng tượng được. Đúng là chuyện không thể tưởng tượng nổi".

(10.2019)

---------------------------------------------

(*) Phóng dịch từ nguyên bản Đức ngữ "Die Maikäfer", cùng tác giả.