Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 120): Đỗ Quỳnh Dao - Sợi tình

Bà Thị Nhụy Trần, nhũ danh Lê, 34 tuổi, gốc Á đông... Đây là câu bắt đầu trong hồ sơ bệnh lý của tôi.

Tôi mới 34 tuổi, tôi còn trẻ tôi còn đẹp. Mắt tôi vẫn sáng, da tôi vẫn mịn, bụng tôi vẫn sát, đùi tôi vẫn thon. Trên ngực, chiếc vú bên mặt nhỏ tròn vẫn vừa vặn trong nắm tay của chồng tôi, còn bên trái phải gọi là gì cái mặt phẳng bọc da này?

Ông bác sĩ giải phẫu nói với tôi:

-Trong lúc đợi chỉnh hình, bà hãy đeo miếng mút độn ngực cho đỡ thấy chênh lệch.

Ngực chênh lệch thì dùng mút để độn, còn đầu chênh lệch thì dùng gì để nâng? Đầu tôi đang chênh lệch, đầu tôi đang mất thăng bằng, đầu tôi đang quấn khăn trắng để tang cho một phần thân thể đã bị mất, để tang cho chiếc vú đã bị cắt. Tôi là người đàn bà một vú, làm sao mà tôi không chênh lệch? Làm sao mà tôi không mất thăng bằng?

Ông bác sĩ nói:

-Vài tháng nữa, tôi sẽ làm cho bà một chiếc vú khác gần giống như vú thật.

Có phải không? hay đó chỉ là một nhúm thịt mỡ chắp vá vào ngực? Người ta vẫn nói đôi vú là biểu tượng của người đàn bà, được ca tụng được chiêm ngưỡng được vuốt ve. Đáng thương cho cái biểu tượng của người đàn bà nơi tôi, nó chột một mắt, nó què một chân, nó cụt một tay. Có ai trầm trồ một biểu tượng sứt mẻ không? Có ai nâng niu một biểu tượng tàn phế không?

Chỉ trong vòng mười ngày thôi mà tôi khỏe mạnh nguyên vẹn trở thành tôi đau yếu khiếm khuyết. Cơn lốc mười ngày cuốn hút tôi trong cú điện thoại của người bác sĩ gia đình báo tin có một tý nghi vấn trên tấm ảnh chụp vú, trong cái hẹn gấp cùng ê kíp bác sĩ chuyên khoa tại viện ung thư Gustave Roussy, trong những thử nghiệm lấy máu khám tim... Và đến khi thức dậy trên giường bệnh, tôi mê mê tỉnh tỉnh như thấy thiếu vắng một cái gì đó. Tôi vẫn bấp bênh trong trạng thái mơ hồ lãng đãng ngay cả lúc cô y tá đến thay băng và khen vết mổ lành nhanh chóng, tôi thoáng nhìn thật nhanh ngực mình phẳng lì một bên như cái gì thật xa lạ không phải của mình. Giọt nước mắt trào ra khi tôi đưa tay lên xoa nhẹ trên ngực, giọt nước mắt ràn rụa khi tôi không tìm ra khối tròn ấm quen thuộc. Chỉ lúc đó tôi mới biết mình đã mất mát, chỉ lúc đó tôi mới nhìn ra cái mặt phẳng trên ngực là của mình, và chỉ lúc đó tôi mới hiểu giọt nước mắt rơi xuống là để tang cho phần thân thể bị cắt xẻo.

Chồng tôi rất tốt, nhưng anh càng tốt bao nhiêu tôi càng mặc cảm bấy nhiêu, anh càng cố tự nhiên như không có gì thay đổi tôi càng thấy mình khác biệt với khi xưa. Tôi cần thời gian để đội khăn tang, tôi cần khoảng cách để làm quen với thân thể xa lạ này, tôi cần lắng đọng để chấp nhận cái bản sắc mới của người đàn bà nơi tôi.

Màu trắng bao phủ gần hết căn phòng, nhìn đâu cũng thấy trắng, trắng tái của sơn trần, trắng đục của giấy in hoa nổi dán tường, trắng nhợt của thảm vinyl lót sàn. Ngần ấy trắng khiến cho căn phòng thật sáng, nhưng không phải thứ ánh sáng dễ chịu đằm thắm mà là thứ ánh sáng gay gắt sỗ sàng, nhắc nhở đây là bệnh viện, đây là chỗ của mọi người, đây không của riêng ai, đây không phải cho riêng tư. Riêng tư là ở nơi khác, là ở nhà trong phòng ngủ màu vàng mỡ gà với ánh sáng đồng lõa hay trong phòng khách màu xám khói hương cùng ánh sáng dịu dàng. Ở đây ánh sáng lột trần con người, bóc địa vị, tháo giàu nghèo, phơi toàn diện cái xấu xí của bệnh hoạn. Ở đây ánh sáng sống sượng, lạnh lùng. Sống sượng đến tàn nhẫn, lạnh lùng đến ác độc.

Buổi chiều dài như không hết. Chiếc đồng hồ báo thức chậm chạp lắc lay từng tiếng một, như phải nghỉ lấy hơi giữa hai tiếng tích tắc. Tích tắc... nghỉ... tích tắc... nghỉ... tích tắc... nghỉ. Một phút có sáu mươi giây với bao nhiêu tiếng tích tắc và bao nhiêu lần nghỉ? một giờ có sáu mươi phút, một giờ có ba ngàn sáu trăm giây, phải còn đến bao nhiêu tiếng tích tắc và bao nhiêu lần nghỉ nữa để buổi chiều trôi qua mang đêm tối trở lại? Nhụy muốn bước xuống giường đến ngồi ở ghế mây bên cửa sổ, nàng xoay người thật nhẹ dò dẫm tìm thế để ngồi dậy. Chiếc giường cao nên chân nàng không chấm đất, Nhụy chống hai tay lên cố trườn người xuống. Vết mổ trên ngực nhói buốt như lưỡi dao xoáy vào, dưới giường lò xo khe khẽ thở dài ngầm chia sẻ nỗi đau.

Nhưng tôi không kịp khóc thương, không kịp tiếc nuối, không kịp thì giờ để tang cho phần thân thể bị mất, vì cái tang này chưa phải là đoạn kết mà chỉ là khởi đầu cho con đường tôi sắp phải đi. Tôi xuất viện được mười hôm thì người ta báo tin cho hay kết quả thử nghiệm không tốt và tôi sẽ phải trở lại bệnh viện để qua hai ải trị liệu "nặng". Mới đó mà cái phần thân thể vừa mới tách rời khỏi tôi bỗng thành xa lạ, nó bây giờ là khối thịt nổi u, nó bây giờ là chùm hạch tròn, được cắt từng lát mỏng lúc nhúc những tế bào ung thư dưới kính hiển vi, tôi bây giờ tùy thuộc nơi nó, nó nắm lấy sự sống còn của tôi, nó quyết định cho tương lai của tôi.

Bà Thị Nhụy Trần, nhũ danh Lê, 34 tuổi, gốc Á đông, ung thư vú trái, mổ ngày...

Ông bác sĩ chuyên khoa về ung thư chăm chú đọc hồ sơ bệnh lý và phác họa cho tôi nghe chương trình trị liệu:

-Bà sẽ qua ba tuần chạy quang tuyến và tiếp hóa chất vô người trong khoảng bốn tháng.

Con đường sắp đi sẽ vất vả gian nan nhưng ê kíp chữa trị luôn luôn bên cạnh...

Tôi ngạc nhiên, ngạc nhiên đến hoang mang, vì mình quá bình thản khi ngồi nghe ông bác sĩ nói về chương trình trị liệu, không khác gì đang ngồi nghe quảng cáo chương trình du lịch tại một cơ quan thương mại. Trong lòng bằng phẳng không gợn xúc động, trong đầu sạch bóng không chút ưu phiền. Tôi chai cứng tôi ù lì, bao nhiêu xúc cảm như đã bị tê liệt. Bình thản bắt tay chào ông bác sĩ, bình thản lấy métro về nhà, bình thản ghé tiệm chạp phô nơi đầu xóm của ông Ả rập, bình thản chọn mua một cây cải xà lách tươi non, bình thản nói chuyện trời mưa trời nắng với bà hàng xóm, bình thản kể chuyện trong điện thoại cho chồng về cuộc hẹn buổi sáng tại bệnh viện. Tôi ở đó nhưng ba hồn chín vía đi đâu, tôi đứng đó nhưng đã trở thành người máy, người máy thì làm sao có tình cảm, làm sao biết buồn biết lo biết sợ. Tôi-người máy nghe nhạc tình Khánh Hà, đọc sách chưởng Kim Dung, ăn cơm tối với chồng món bíp tết kèm xà lách trộn dầu giấm, xem phim cao bồi bắn súng cỡi ngựa trên truyền hình, và chỉ lúc vô giường, trong vòng tay che chở của chồng, hồn vía tôi mới nhập lại lay tỉnh Tôi-Trần thị Nhụy thức dậy. Bàn tay chồng tôi vuốt nhẹ trên tóc và dần dần đưa xuống xoa nơi chóp mũi, cái cử chỉ thân quen nồng ấm tình vợ chồng như đã mở chiếc cửa nhốt khóa tình cảm trong tôi. Tôi mềm nhũn trong lo sợ đang ồ ạt tới tấp, nhuộm xám những tháng ngày sắp tới. Và mưa tức tưởi giọt nước mắt, và gió nghẹn ngào tiếng thở dài, và tay chồng tôi vuốt đều trên tóc cho đến lúc tôi thiếp ngủ trong tiếng vỗ về bên tai...

Hai tay chống xuống đất, một đầu gối co lại, một đầu gối gập đụng đất, đằng sau hơi nhổm lên, người thí sinh chạy đua đang tập trung tinh thần đợi tiếng súng hiệu nổ để phóng người ra trước. Trong đầu không có ai cả, không có huấn luyện viên, không có khán giả, không có gia đình khích lệ, không có bạn bè cổ võ, chỉ có chân sải dài, tay kẹp sát, đầu ngước thẳng, ngực thở đều. Là tôi đấy, là tôi đang lấy đà, là tôi đang dọn trớn, là tôi đang sắp sửa chạy thi trên sân đua chỉ có hai đối thủ: tôi và Bệnh. Bệnh viết chữ hoa vì Bệnh là con ác quỷ hung hăng dữ tợn, Bệnh đã cướp mất một phần thân thể của tôi nay lại lăm le muốn giựt luôn cả cuộc sống. Tôi phải chạy đua, phải qua mặt Bệnh, Bệnh là những tế bào ung thư đang nằm vùng trong tôi, một tế bào sanh đôi, hai tế bào sanh bốn, bốn tế bào sanh tám..., chúng nó đang nhân thành hai, thành bốn, thành tám... sanh sôi nẩy nở và lấn chiếm từng phần thân xác. Sự sống tôi đang bị lung lay, bây giờ trước mắt không chỉ là cái tang của một phần tôi nữa mà là cái tang của tôi trọn vẹn đang ám ảnh đe dọa...

Một lỗ đục trên ngực, chiếc ống dài ngoằn ngoèo chạy qua da, dẫn hóa chất nhỏ giọt vô người tôi, không phải chỉ một hóa chất mà nhiều hóa chất đang giúp tôi chiến đấu với con ác quỷ ung thư. Từng micron, từng ly, từng phân thịt xương phải dành giựt lại nhanh chóng. Hóa chất vào dọn sạch rừng cây bệnh, quang tuyến đến đốt tận gốc rễ trả chỗ cho những mầm tươi tốt nảy nở, và một tế bào lành mạnh nhơn thành hai, hai tế bào lành mạnh nhơn thành bốn, bốn thành tám, tám thành...Và tôi sẽ bình phục, và tôi sẽ khỏe mạnh, và tôi sẽ trở lại giống như xưa,... gần giống như xưa.

Tôi đang đợi đến phiên mình vô chạy quang tuyến, mỗi ngày mỗi trở lại nơi này tôi gần như quen hết những khuôn mặt ở đây. Họ cũng thế, họ cũng gặp mặt tôi hằng ngày đến đợi như họ. Những thân hình tiều tụy, những khuôn mặt hốc hác, những chiếc cổ cháy nám, không ai nhìn đến ai, không ai nói với ai. Họ đấy, những người cùng ngồi đợi với tôi mỗi ngày ở nơi đây. Cố tìm một tia hy vọng, một thoáng tin tưởng trên mặt họ, nhưng vô ích chỉ là đám sương mù bao quanh khuôn vườn tâm tư của mỗi người.

Tôi bước vô ca bin cởi áo để trần đợi cô y tá gọi vô phòng chạy quang tuyến. Trên tường treo một bảng lớn với hàng chữ: -Bệnh viện không chịu trách nhiệm về tiền bạc hay nữ trang bị mất. Người ta nhắc đến tiền bạc nữ trang bị mất, nhưng người ta không nhắc đến nhân phẩm bị mất, người ta quên đi nhân phẩm, vì ở đây không có chỗ cho nhân phẩm, vì ở đây không có người bệnh mà chỉ có căn bệnh. Trần thị Nhụy không còn là bà Trần thị Nhụy mà là bà ung thư vú, Jean Dupont không còn là ông Jean Dupont mà là ông ung thư dạ dày, con người không còn được biết dưới tên mình, mà dưới tên của vùng bị bệnh. Đừng nhớ đến nhân phẩm khi nằm trên đi văng khám, thân hình để trần phơi ra dù cho xấu xí dị dạng khiếm khuyết. Cây thước đo trên vùng bị bệnh, cây viết vẽ những lằn kỷ hà ngang dọc trên da, thế là xong người bệnh đã được làm dấu. Cái máy chạy quang tuyến làm việc quần quật không nghỉ, người bệnh xếp hàng ra vô không ngừng. Người "đứng" cho máy chiếu vào chấm mực làm dấu sẵn trên người "nằm". Giữa hai người, "đứng nằm" khác nhau, không có lấy một lời nói chuyện, không có lấy một câu hỏi han. Sau đó ra ngoài đưa tấm thẻ cho cô y tá ghi giờ hẹn cho ngày mai. Thế là xong.

Tại sao tôi lại tủi thân, tại sao tôi lại chua xót, tại sao tôi lại thấy người ta lạnh lùng vô tình, tôi phải thấy họ cũng chới với trước sự đau khổ, cũng hụt hẫng trước cái biên giới mập mờ giữa sống và chết, tôi phải thấy họ e dè không dám bộc lộ tình cảm, và nhất là tôi phải thấy mình được an toàn trong sự chăm sóc của họ. Nghĩ như vậy nhưng sao vẫn có gì đắng chát nơi đầu lưỡi?

Nhụy qua tuần lễ đầu tương đối không khó, ngoại trừ trong người lúc nào cũng thấy gật gờ ngầy ngật và cánh tay trái bị sưng nên cử động hơi đau. Ngoài lúc đi chạy quang tuyến và đi thoa nắn bắp tay, thì giờ còn lại chỉ để ngủ. Nhụy cần ngủ chứ không cần ăn, nghe mơ hồ như chồng nàng đang dỗ ăn, nghe mơ hồ như nàng đang trả lời: -Em không đói chỉ muốn ngủ. Và Nhụy ngủ, ngủ li bì, ngủ say mê, ngủ như chưa bao giờ ngủ, ngủ như đã thiếu nợ với giấc ngủ, ngủ như để trả hết vốn lẫn lời.

Căn phòng ngủ mê trong bóng chiều chạng vạng. Đối diện chiếc giường hai chỗ là bức ảnh chân dung phóng to chiếm gần hết bức tường. Bên trái, tủ áo chạy dài đến cửa kính mở ra ngoài ban công. Bên phải khít cửa ra vào, bàn phấn dựa vai vào kệ sách cao gần đụng trần. Nhụy nằm thiêm thiếp trên giường, khắp người ê ẩm đau nhức, tay chân mềm xèo như bông gòn. Hậu quả của thuốc, thuốc nào? thuốc chống ung thư, thuốc chống nôn, thuốc chống nấm, thuốc chống đau, thuốc giúp bạch huyết cầu, bây giờ Nhụy uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm, thuốc nước thuốc viên thuốc chích, thuốc sáng thuốc trưa thuốc tối, thuốc nằm trong máu làm bạn với nàng ngày này qua ngày khác. Im lặng quá. Bên ngoài không một tiếng lá lao xao, không một tiếng trẻ la khóc. Trong phòng, đồng hồ báo thức kín đáo nhốt tiếng tích tắc và phiến gỗ lót sàn giữ kẽ không trở mình. Im lặng quá, im lặng đến vô tình, im lặng đến dửng dưng.

Nhụy với tay bật công tắc đèn. Căn phòng thức giấc với bức ảnh chân dung nở hoa hạnh phúc của vợ chồng nàng. Nơi bàn phấn vài thỏi son héo hon đứng ngồi. Trên kệ sách, giò lan cánh mềm mại trắng hồng sáng rực rỡ một góc tường. Thế đấy chồng Nhụy luôn luôn tế nhị. Lần hẹn hò đầu tiên nơi quán ăn, trên bàn có bày giò lan trắng, Nhụy trầm trồ khen hoa dịu dàng thanh thoát, và từ đó mỗi năm đến sinh nhật ngày hẹn anh đều tặng nàng giò hoa trắng.

Hôm nay là ngày nào? không lẽ là ngày sinh nhật? Trời ơi tôi không còn một ý niệm nào về ngày tháng nữa, thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật? Bây giờ tất cả thời gian hoàn toàn cô đọng vào những ngày đến bệnh viện tiếp hóa chất. Tưởng đã biết rõ người đàn ông tôi gọi là chồng từ hơn mười năm nay, thật ra anh vẫn làm tôi ngạc nhiên. Cũng người đàn ông này khi hung bạo khi dịu dàng đã đưa sự đàn hồi dục tính của tôi đến chốn cộng hưởng cùng cực, cũng người đàn ông này bây giờ đang kiên nhẫn bón cho tôi từng muỗng cháo thìa canh. Cũng người đàn ông này lúc trước dè xẻn từng lời nói, cũng người đàn ông này bây giờ mỗi đêm nằm bên tôi thì thầm "Khi nào em khỏi bệnh". Khi nào em khỏi bệnh, mình đi thắp nhang lạy Phật ở khắp tất cả chùa tại Pháp. Khi nào em khỏi bệnh mình đi Lourdes hành hương như người có đạo. Khi nào em khỏi bệnh mình đi Venise dạo thuyền, khi nào em khỏi bệnh mình đi Hòa Lan ngắm hoa uất kim hương nở, khi nào em khỏi bệnh mình đi... Và tôi gật đầu hứa sẽ đi cùng anh.

Từng bụm tóc vương vãi trên gối lúc thức giấc, từng nhúm tóc nằm trong tay khi xoa nhẹ lên đầu. Trên lớp da đầu trắng bệch, loe hoe đốm tóc xác xơ đang cố nấn ná bấu víu, nơi bàn phấn chiếc lược vẫn nằm đó ...bên cạnh mái tóc giả. Nhụy sa sút bết bát thấy rõ, khối sinh lực tan dần thành chất lỏng, bỏ nàng lại yếu ớt như con sên.

Buổi chiều đi làm về, chồng tôi lấy ở trong cặp ra một hộp nhỏ:

-Anh có mua sâm Cao Ly, người ta nói loại hồng sâm này là thần dược trị bá bệnh. Chỉ ở đây mới có bán, mấy chỗ khác không tin được, nói là hồng sâm nhưng làm sao biết là không pha sâm xấu vào. Tiệm này được bộ Y tế cấp giấy phép đàng hoàng chứ không phải kiểu bán chui muốn nói thánh nói tướng gì cũng được.

Rồi mỗi tối, anh lui cui ngâm vài lát thần dược trong ly nước sôi để cách đêm cho tôi uống.

Buổi chiều đi làm về, chồng tôi xách một bịch ny lông Tang Frères đầy ụ.

-Anh có mua trái khổ qua, người ta nói ăn khổ qua hầm trị bệnh rất tốt.

Buổi chiều đi làm về, chồng tôi viết thơ về Việt Nam nhờ tìm mua rễ cây nhãn lồng.

Buổi chiều đi làm về, chồng tôi điện thoại qua Mỹ nhờ mua chỉ cúc.

Buổi chiều đi làm về,...

-Anh nghe người ta nói...

Buổi chiều đi làm về,...

-Anh nghe người ta bày...

Những người ta này là bạn của em gái của... , cô chồng của chị vợ của..., dì của chị họ của..., những người ta này đều bị ung thư vú, đều đi mổ, đều trị bằng quang tuyến và hóa chất, đều dùng thêm hồng sâm hay khổ qua hay rễ cây nhãn lồng hay chỉ cúc hay... và đều lây lất khập khiễng. Ôi tình vợ chồng, đã rót thêm nghị lực và ý chí đang lụn dần trong tôi như nén nhang thắp trên bàn thờ.

Đoạn đường chạy thi giữa tôi và Bệnh chưa được phân nửa, tôi chỉ mới qua xong chặng thứ ba trên tám của chương trình trị liệu bằng hóa chất, nhưng tôi đã đuối sức mệt nhoài. Chùm tóc cuối cùng đã rụng, đầu tôi trần trụi như ngày mới rời lòng mẹ. Từng kí lô thịt xác ngoảnh mặt ra đi, mười lăm kí hay hơn nữa tôi không nhớ, đúng hơn tôi không muốn nhớ lần cuối trèo lên cân lúc nào. Mũi ngửi chi cũng thấy hôi thúi lưỡi nếm gì cũng nghe tanh tưởi, miệng lốm đốm những vết xói lở, tôi gần như bỏ ăn luôn. Người tôi tọp lại như con tép rim nhiều lửa, chiếc vú mặt teo nhỏ gần bằng mặt phẳng bên ngực trái chỉ cách đó không lâu tôi định để tang. Bây giờ mỗi lần đến bệnh viện để tiếp hóa chất, tôi lại bàng hoàng nhận ra đây mới là chỗ của mình, đây mới là thế giới của mình với những người giống mình, những người đồng loại với mình. Chung quanh tôi, là những xác chết còn tươi, những bộ xương biết cử động, những mái tóc giả đội xộc xệch, những hố mắt sâu quắm, những cái nhìn cam chịu buông xuôi, những nét mặt nhớn nhác lơ láo. Ở đây cái bất thường không phải là chiếc đầu trọc lốc mà là mái tóc dày rậm. Ở đây cái quen thấy không phải là gương mặt hồng hào ánh mắt tinh anh mà là gương mặt xanh mét ánh mắt lạc thần. Tôi mệt quá, tôi đau quá. Tim tôi mới 34 tuổi mà sao thoi thóp muốn ngừng, phổi tôi mới thở 34 năm mà sao nhọc nhằn muốn tắt. Thuốc chống đau chỉ ngăn được phần nào trận bão sóng dìm tôi vô cơn đau tận cùng xương tủy, nhưng không nhốt được những đợt sóng nhỏ đang âm ỉ quất roi trên tôi. Người tôi nát nhừ như bị dần trong cối, cái chày đá liên tục nện xuống giã tôi ra lụn vụn. Đừng bắt tôi uống thuốc, đừng bắt tôi chích thuốc, đừng bắt tôi vô hóa chất, tôi không muốn làm gì nữa, miệng cứ buốt lở, bạch huyết cầu cứ ra đi, xương thịt cứ bị đục ruỗng, tôi đầu hàng tôi chịu thua tôi bỏ cuộc. Tôi không chống đối nữa, vì Bệnh ở trong tôi lâu ngày Bệnh ở với tôi lâu tháng, Bệnh đã trở thành bạn-bạn bất đắc dĩ-, Bệnh cùng ăn với tôi, cùng ngủ với tôi, cùng thở với tôi và sẽ cùng đi với tôi. Hãy để tôi nằm yên, để tôi ngủ say, ngủ say một giấc dài...

Nhụy nằm thiếp trên giường, hai lõm mắt trũng sâu trên sọ dừa nhẵn thín, thân hình nàng dẹp lép như lá lúa, từng khúc xương nối liền bọc sát trong lớp da xanh nhợt. Chồng Nhụy nâng đầu nàng lên thật nhẹ, như sợ làm gãy chiếc cổ mỏng manh, anh đút chầm chậm muỗng cháo hoa vô miệng nàng. Ngụm cháo chạm vô vết lở trong miệng làm rát buốt như xát muối, Nhụy nhăn mặt lắc đầu ra dấu muốn nằm. Nàng mê man trở lại, chiếc áo ngủ hơi phập phồng theo nhịp thở dốc.

Giấc ngủ nở hoa với cô bé Nhụy súng sính trong chiếc áo đầm hồng mẹ vừa may, váy lót bằng nhiều lớp vải hồ cứng khiến cho áo xòe rộng khi cô bé quay tròn, cô bé đi thật chậm không dám chạy vì sợ té làm rách áo mới, chung quanh ai cũng trầm trồ khen cô bé xinh đẹp, cô bé thấy mình giống nàng công chúa như trong các chuyện cổ tích bắt đầu bằng "ngày xưa có ông vua bà hoàng hậu sanh được một cô công chúa."

Giấc ngủ nở hoa với cô Nhụy học sinh lớp nhất lần đầu tiên đi đò về quê nội bên cồn. Không phải cô hay ông lái đò mà là thằng nhỏ lái đò da đen sạm tóc đỏ hoe, trên người chỉ độc nhất chiếc quần đùi. Khách qua sông chuyền tay nhau chiếc hộp thiếc đựng tiền đò và với lấy chiếc ghế thấp úp hai bên khoang để xuống ngồi. Mặt sông óng ánh sắc bạc của nắng xế ngọ khẽ cau mày khi mái chèo rẽ nước. Chập chờn sóng gợn từng lát nhỏ như lát sương sa mát lạnh mẹ để dành trong chén cho cô bé sau giấc ngủ trưa ngầy ngật; ở nhà ba gọi là sương sa, mạ xa Huế đã lâu nhưng vẫn gọi đông sương, còn con nhỏ bạn Bắc kỳ thì kêu là thạch. Con đò vừa ra giữa sông thì tiếng nói chuyện bắt đầu thưa thớt và nhỏ hẳn lại như vo ve rù rì, rồi tiếng nước khua loạt xoạt đều đặn dưới mái chèo, rồi hơi nước bốc lên làm tan dịu cái gay gắt của nắng trưa, rồi cô bé thấy hai mắt như díu lại...

Giấc ngủ nở hoa với cô Nhụy mắt ướt tuổi trăng đầy ngồi buồn vu vơ trước bài thơ tình chép bằng mực tím trong quyển vở học trò. Cô mơ mình đang yêu và đang được yêu, cô mơ mối tình tan vỡ để hai người phải xa nhau, để nước mắt rơi tầm tã như trong tiểu thuyết hay phim ảnh.

Giấc ngủ nở hoa với cô Nhụy ửng hồng hai má vì cái nhìn chầm chập của chàng trai ngồi trước mặt. Muốn cúi đầu hay quay đi chỗ khác nhưng sao cô vẫn không rời được đôi mắt đăm đăm kia. Đôi mắt mới lạ lùng, không phải đen mà cũng không hẳn nâu, lấp lánh như buổi sớm trên biển khiến cô bồi hồi xao xuyến...

Giấc ngủ ngột ngạt với Nhụy dò dẫm tìm lối ra trên con đường núi hẹp lổn ngổn đá nhọn, đầu nhức bưng dưới lửa trưa, chân tươm máu vì cạnh đá sắc. Giấc ngủ đe dọa với Nhụy bị vây bủa trong rừng, oằn người dưới ngọn roi cành lá đang tới tấp quất vào. Thoắt chốc mặt đất trở nên mềm nhão lầy lội như sình. Rồi bao nhiêu góc, cạnh, đường thẳng, đường cong bỗng dưng uốn tròn và quay mòng mòng trong không gian. Lần hồi tất cả màu sắc hình dạng nhạt nhòa và mất hút, bỏ Nhụy một mình khiếp hãi trong khối sương đục nhờ...

Gian bếp nhỏ nhưng gọn gàng, cái gọn gàng thiếu thứ tự thiếu như ly như lau của bàn tay người đàn bà. Trên kệ, lọ cà phê đứng lẻ loi trong góc xó, thẩu mứt bỏ bạn đến nhập bọn với hũ chao, ve nước mắm, lọ xì dầu. Trong tủ, chén dĩa chồng chất hỗn độn không phân biệt chén lớn chén bé, dĩa sâu dĩa cạn. Nơi chạn, ly cốc đứng nằm úp ngửa xô bồ, trên mình lấm tấm vết nước khô. Tất cả như trông ngóng nữ chủ nhân trở lại.

Người chồng bỏ chén cơm xuống bàn, hạt cơm nấu bằng gạo mới đầu mùa thoắt chốc trở thành sạn đá trong miệng. Anh ngồi thừ ra ngó đăm đăm chiếc ghế đối diện, nỗi buồn đặc quánh trong lòng. Giọt nước tròn rơi xuống mằn mặn trên môi, cái vị mặn này tưởng đã quên từ dạo anh còn là cậu bé lên mười. Ba cậu bé bảo con đến nhìn mặt Mẹ lần cuối. Trong chiếc hộp gỗ, Mẹ nằm ngủ say không cười với cậu, nhưng sao Mẹ ngủ mà lại mặc áo đẹp và còn đánh phấn hồng thoa son đỏ nữa? Áo gấm màu dưa cải này Mẹ chỉ mặc vào ngày tết khi lên chùa lễ Phật cùng Ba và cậu, sau đó cả nhà đi vườn bách thảo chụp hình. Trong album hình, cậu bé mỗi năm mỗi cao thêm, đến bụng rồi đến ngực Mẹ. Ngoài nghĩa trang, cậu nhìn sửng chiếc hộp Mẹ nằm ngủ trong đó đang từ từ hạ xuống huyệt, Ba đứng sau bấu chặt vào vai cậu như muốn tìm chỗ tựa. Bên cạnh, Bà và các dì khóc sụt sùi rấm rứt. Vòng trong vòng ngoài, người đến tiễn đưa càng lúc càng đông, họ bắt đầu tụng kinh theo tiếng gõ mõ của vị sư do ba mời từ trên chùa đến.

Cốc cốc... Nam mô A-di-đa bà dạ, đá tha dà đá giạ, cốc cốc...đá địa giạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đá, tất đam bà tỳ, cốc cốc... a di rị đá tỳ ca lan đế, a di rị đá tỳ ca lan đá, cốc cốc... già di nị, già già na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha. Cốc cốc...

Họ đọc kinh như họ hát, giọng hát đều đều buồn nẫu ruột đan quyện vào khói hương từ bó nhang cháy nghi ngút rồi tan dần trong không gian dầm dề âm khí.

Cốc cốc...Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật...

Cậu bé lẩm bẩm đọc theo, hai mắt khô queo hệt giếng cạn: -Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật...

Và cậu đã đứng đó cho đến lúc gò đất đắp vun lên, vun lên như gò bụng mẹ lúc đứa con còn nằm ngủ chưa mở mắt chào đời. Buổi tối ngồi ăn cơm với Ba, cậu bé nhìn chiếc ghế bỏ trống nơi Mẹ vẫn thường ngồi. Và cậu rơi nước mắt. Và Ba cũng rơi nước mắt. Lúc trước, Mẹ bảo đàn ông con trai không khóc chỉ có đàn bà con gái và trẻ nít mới hay nhè, bây giờ Mẹ không còn nữa để nói cho cậu biết rơi nước mắt có phải là khóc không?

Người chồng ngước mặt lên thẫn thờ nhìn quanh. Gian bếp nhỏ nhưng thênh thang, như nỗi cô đơn đang trải rộng trong anh. Anh bật kêu: Nhụy ơi...

Có cái gì êm ả dễ chịu lắm đang kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Cùng lúc một cảm giác nặng nề, vừa hiểm nghèo vừa bất trắc lăm le đổ ập xuống. Hình như... Trong đầu tôi, những ý tưởng ngổn ngang hỗn độn. Phải gom chúng lại, phải ráp chúng lại, phải tìm cho ra chữ để chỉ cái cảm giác nặng nề này... Là... là đau đớn, phải rồi đau đớn, đau như đâm, như chém, như xé... Nhưng trời ơi, sao lại vậy? tại sao lại vậy? đau đớn ở trong tôi, đau đớn với tôi chỉ là một, còn cái êm ả dễ chịu là ở ngoài, đến từ bên ngoài. Là cái gì vậy? tôi muốn mở mắt ra xem, nhưng tôi không muốn không dám, vì tôi sợ cùng lúc phải trực diện với đau đớn. Tôi không muốn đau đớn nữa, tôi mệt lắm rồi, hãy để tôi nằm yên, hãy để tôi nhắm mắt... Nhìn kìa, phía trước thật mênh mông hun hút. Như đang mời tôi bước tới. Nó làm tôi thấy rờn rợn nhưng nó thu hút tôi. Nó quyến rũ như mắt môi người thương, nó lôi cuốn như trăng sao đêm biển. Nó là chốn xa lạ nhưng cũng là cõi hứa ngút ngàn hạnh phúc. Ở đó chắc không có buồn, không có khổ, không có đau, không có bệnh, không có lạnh, không có nóng, mà chỉ có vui, chỉ có sướng, chỉ có khỏe, chỉ có mạnh, chỉ có ấm, chỉ có mát. Và ngày rạng rỡ, và đêm hiền hòa. Bước tới đi, nó ở phía trước kìa, nó đợi tôi đấy. Một bước đi tới, hai bước đi tới, ba bước, bốn bước...

Cái êm ả dễ chịu lại giục tôi thức dậy. Bây giờ nó rõ ràng mồn một, như âm vang như giọng nói. Giọng nói khao khao này nghe thật thân quen, hình như đã bao lần kể tôi nghe chuyện yêu thương, đã bao lần vỗ về lúc tôi tụt dốc và đã bao lần thì thầm câu " khi nào em khỏi bệnh mình đi...". Có phải giọng nói là tình vợ chồng thắt bện ba nhánh yêu nghĩa dục, tình yêu tình nghĩa tình dục ba nhánh quấn quít quyến luyến với nhau, cùng vui một niềm, cùng khổ một nỗi, cùng nhìn một hướng. Có phải giọng nói là sợi giây trì níu tôi đứng lại, nhắc nhở lời hẹn "khi nào em khỏi bệnh mình đi...".

Khi nào em khỏi bệnh, mình đi thắp nhang lạy Phật ở khắp tất cả chùa tại Pháp. Khi nào em khỏi bệnh mình đi Lourdes hành hương như người có đạo . Khi nào em khỏi bệnh mình đi Venise dạo thuyền, khi nào em khỏi bệnh mình đi Hòa Lan ngắm hoa uất kim hương nở, khi nào em khỏi bệnh mình đi...

Nhưng hoa oắt kim hương chỉ nở vào mùa xuân, mà bây giờ trời vừa mới vô thu và...ô kìa, phía trước đang dang rộng hai tay đón chờ tôi. Bước tới đi, phía trước rợp hồng đồi mẫu đơn đang làm duyên với gió, thỉnh thoảng lại đong đưa che giấu nụ cười. Bước tới đi, phía trước mướt mịn giải cỏ xanh đang nhẩn nhơ nằm dài, trên mình lấm tấm sương đêm như mồ hôi rịn nơi da con gái... Bước tới đi, phía trước trong suốt dòng suối mát đang róc rách trò chuyện với lũ đá cuội tròn nhẵn. Bước tới đi...

-N..h..ụ..y ơi, N..h..ụ..y ơi...

Giọng nói lại vang lên, vẫn giọng nói cũ, khao khao đều đều thân quen ấy. Ôi sợi tình, hãy quấn tôi sát thêm, hãy buộc tôi chặt nữa, hãy nhốt tôi, hãy khóa tôi, hãy giam tôi, cho chân tê, cho người cứng, để tôi đừng bước tới, để tôi đừng lỗi hẹn. Siết tôi thêm nữa, trói tôi thêm nữa, sợi tình ơi...

Sceaux 26-4-2000

Văn bản do tác giả cung cấp cho Văn Việt