Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Ký 2 của Đinh Quang Anh Thái qua phẩm bình của người đọc

clip_image002Lời Giới Thiệu

Sách của Đinh Quang Anh Thái, không giống như cách anh kể chuyện ngoài đời. Nếu có dịp ngồi với anh, nghe chuyện từ anh là được “nghe” với cả cử chỉ, cả tiếng thở dài, cả mỉa mai diễu cợt và cả nỗi căm căm, buồn nhân thế. Nhưng đọc văn của anh thì có vẻ lạnh hơn. Anh viết như để lại. Viết như chứng sử của đời mình và người. Đọc sách của anh, gấp lại, và rồi chợt nghĩ miên man lúc nào không hay.

Trong các câu chuyện ghi lại, Đinh Quang Anh Thái giới thiệu rõ tính cách của mình: một người cẩn trọng với chi tiết, e ngại những gì mơ hồ dù đó là tình tiết dễ hấp dẫn. Do đó, đọc sách của anh, sẽ khó tìm thấy được các đoạn văn bay bổng như “nghe nói là”, “có lời đồn rằng”... Đinh Quang Anh Thái viết như một tập wikileaks về những thứ mà người cùng thời không có cơ hội thấy, không có dịp chạm đến như anh. Thản nhiên, thật và đôi khi tàn nhẫn. Mọi con người anh mô tả, bằng những con chữ cân nhắc của một nhà báo, nhưng cuối cùng là đọng lại bằng trái tim đau đáu của một nhà văn.

Nói là lạnh lùng, nhưng len trong luống chữ, vẫn thấy những mầm giận dữ của của anh trồi lên trước những bất toàn khó tin, nơi quê hương của mình, nơi dân tộc của mình đang phải gánh chịu quá nhiều chương hồi kinh sợ của tư duy cộng sản.

Cộng sản, âm thanh của nó như tiếng gõ khô khốc ở cánh cửa nhà ban đêm, mà chỉ có chính người chủ ngôi nhà đó mới hiểu được cảm giác khủng bố, sự ớn lạnh và cả khinh bỉ của người nhận chân. Tập sách mà quý vị cầm trên tay, là những ghi chép có đủ những rung động thần kinh đó.

Năm 1985, Đinh Quang Anh Thái thoát được hai chữ cộng sản trên đời thật của mình, nhưng anh đặt lại hai chữ đó trên bàn, chiêm nghiệm nó với từng số phận con người, từng diễn biến, đi qua lăng kính cộng sản và rồi chép lại bằng suy nghĩ của một người chỉ còn chắt lọc sự ghét bỏ với cái ác, với âm mưu. Mọi điều khác, anh nhìn thấy đó là thời cuộc, và con người là nạn nhân của chính trị, của ảo tưởng và của cộng sản.

Và từ đó, vượt lên những giá trị khác biệt thù hằn hay định kiến, Đinh Quang Anh Thái mở ra các câu chuyện từ số phận.

Nhà văn Joseph Conrad (1895-1923), viết trong cuốn Heart of Darkness, rằng “thật mỉa mai, chúng ta luôn trung thành với những cơn ác mộng mà chúng ta đã lựa chọn cho mình”. Những số phận con người mà Đinh Quang Anh Thái mô tả như Hà Sĩ Phu, Trần Độ, Lê Phú Khải, Phạm Quế Dương, Dương Thu Hương… đều là những số phận cố vượt qua hiện thực huyền ảo của chủ nghĩa cộng sản mà họ đã chọn.

Tiếng mối sầm sập ăn cả ngôi nhà của Gabriel García Márquez hay chiếc bàn ăn mỗi ngày run rẩy của Isabel Allende không là còn là thế giới dị thường của từng con người đi theo cộng sản - vì bản thân tư duy cộng sản ở Việt Nam đã đủ để biến mọi thứ thành dị thường với từng con người ấy – nhưng mỉa mai, là khi thoát ra khỏi, họ vẫn một chân bị xích vào ngày hôm qua với nỗi đau của bản thân, được phổ quát rộng đến chiều kích đủ mức để nhận ra, để bật ra tiếng gào thét từ tâm cảm rằng nếu không có những đổi thay, quê hương cũng méo mó, xiêu vẹo như chính cuộc đời họ vậy.

Đừng chờ đợi việc đọc những trang sách của Đinh Quang Anh Thái, quý vị sẽ rơi nước mắt, dẫu đó là những chương rất buồn. Thái không để cho người ta dừng ở đó. Đây không phải là những điều để lấy thương tâm. Những câu chuyện của Thái nhắc rằng những gì diễn ra ở Việt Nam, nước mắt thôi không đủ. Đau thôi không đủ.

Như đã nói, gấp sách của Đinh Quang Anh Thái lại, bất giác suy nghĩ miên man. Cây bút này như buộc người đọc phải như vậy. Những con chữ trong đó nhắc chúng ta là người Việt, quê hương chúng ta tên là điêu linh, dân tộc của chúng ta tên gọi rã rời.

Chúng ta là ai, chúng ta sẽ làm gì? Sách của Thái gửi những câu hỏi đó, ngay khi bạn nhắm mắt lại.

· Tuấn Khanh

Nhà báo độc lập, Sài Gòn, Việt Nam

image

Lời Bạt

Xưa nay, con người ta nói chung thường quan tâm đến cuộc sống của những người khác, đặc biệt là của những cá nhân nổi tiếng.

Cho nên trong báo chí, văn học, thể loại ký “chân dung nhân vật” hay “chuyện bếp núc”, “chuyện hậu trường”, đời tư nhân vật luôn luôn được ưa thích. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cuốn sách bán chạy hoặc được tìm đọc ở Việt Nam thuộc thể loại này, từ “Chân Dung Và Đối Thoại” của thần đồng Thi sĩ Trần Đăng Khoa, đến “Những Gương Mặt”, “Cát Bụi Chân Ai” của Nhà văn Tô Hoài.

Vì vậy, có thể nói cuốn sách mới nhất của nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã chọn đúng thể loại rất được độc giả, nhất là độc giả Việt Nam, ưa thích. Tất nhiên, khi tác giả là một gương mặt nổi tiếng trong giới truyền thông tiếng Việt hải ngoại, cuốn sách chẳng thể nào “được” cấp giấy phép xuất bản tại Việt Nam. Đổi lại, nó nhận thêm một điểm cộng, khi mà các nhân vật được khắc họa chân dung trong tập ký này là những con người rất đặc biệt: Họ nổi tiếng, nhưng là nổi tiếng trong một thế giới rất khác với đời sống thường nhật của đa số dân Việt Nam – cộng đồng những người bất đồng chính kiến hay nói đúng hơn, những người đấu tranh cho dân chủ, tự do ở Việt Nam.

Đó là một cộng đồng hoàn toàn không được nhà nước cộng sản Việt Nam nhìn nhận – thì chẳng phải nhà nước này luôn nói rằng Việt Nam không có “cái gọi là bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm” đó sao? Tên tuổi, sự nghiệp, cuộc đời của những người đấu tranh cho dân chủ, tự do chẳng bao giờ được đề cập đến trên các phương tiện truyền thông đại chúng quốc doanh, chỉ trừ trong các bài báo, các phóng sự truyền hình bêu riếu họ. Khi các “tác phẩm báo chí” ấy được đăng tải, phát sóng, thì đó chính là lúc chính quyền đang cần hạ nhục, làm mất uy tín người hoạt động dân chủ-nhân quyền, hoặc đang dọn đường dư luận cho các vụ đàn áp, bắt bớ và các phiên tòa xử tù họ.

Vậy nên phải nói rằng cuốn KÝ của nhà báo Đinh Quang Anh Thái thực sự là của hiếm. Nó là một trong vài cuốn sách (có lẽ đếm hết trong một bàn tay) viết về những gương mặt đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Nó tập hợp các bài phỏng vấn và cảm nhận của tác giả về 5 nhân vật đối kháng rất nổi tiếng: Nhà Văn Dương Thu Hương, Trung Tướng Trần Độ, Đại Tá Phạm Quế Dương, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu và Nhà Báo Lê Phú Khải. Cũng cần nói rõ rằng, họ nổi tiếng trong cộng đồng đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam, nổi tiếng với dư luận quốc tế ủng hộ dân chủ; còn đối với nhà nước cộng sản Việt Nam, họ là kẻ thù, là “giặc” (như cách Dương Thu Hương tự gọi mình).

Nhiều cuộc phỏng vấn được Đinh Quang Anh Thái tiến hành qua điện thoại hoặc qua thư điện tử. Người đọc có thể thấy ngay rằng việc gặp gỡ, phỏng vấn những gương mặt đối kháng chẳng dễ dàng chút nào; những cơ hội gặp trực tiếp, quan sát, trò chuyện và cảm nhận trực tiếp, hiếm vô cùng và nhìn chung là bất khả thi. Nói vậy để càng hiểu thêm sự quý hiếm và độ “độc” của cuốn sách khi chọn đúng thể loại phỏng vấn, khắc họa chân dung nhân vật như thế này.

Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để coi cuốn sách là một thành công của nhà báo Đinh Quang Anh Thái.

Dày dặn kỹ thuật

Một điểm cộng nữa dành cho cuốn sách là ở kỹ thuật viết, hay là kỹ thuật khắc họa chân dung nhân vật của tác giả. Các cuốn “bút ký” tương tự của một số không ít nhà văn, nhà báo Việt Nam có lối say mê đánh bóng câu chữ và dùng thật nhiều tính từ để mô tả nhân vật (thường là theo hướng khen ngợi, đánh giá cao, tô hồng). Nhưng tác phẩm của Đinh Quang Anh Thái không thế. Ông hoàn toàn đứng ở vai trò một nhà báo phỏng vấn nhân vật, và để cho những phát ngôn, những câu trả lời, những hành động của nhân vật nói lên tất cả về họ. Tác giả rất ít thể hiện sự đánh giá chủ quan của mình, hay ít nhất cũng không tạo cho người đọc cảm giác đang bị áp đặt suy nghĩ của tác giả.

Ví dụ, về nhà văn, “người đàn bà làm giặc” Dương Thu Hương, ông thuật lại vài chi tiết, như chuyện bà nói “chú đã cất công qua thăm, mọi chi phí ăn uống, tôi trả, nếu không đồng ý thì ‘chú cuốn gói về ngay, không phỏng vấn phỏng viếc gì hết’”, hoặc bà đề nghị mua đền ông một chiếc áo thay cái áo khoác da bị dính sơn, “chứ ai đời để chú bị hư chiếc áo đẹp”. Ông chỉ kể lại và dừng ở đó thôi, không bình phẩm gì thêm, để người đọc tự ngẫm nghĩ nếu thấy ấn tượng. Đúng nguyên tắc “không miêu tả, mà chỉ cho xem”.

Lối viết khách quan đó có thể không mới đối với giới cầm bút phương Tây và độc giả ở phương Tây. Nhưng với người viết và người đọc Việt Nam thì đó là kiểu viết mà phải là người dày dặn kỹ thuật mới thực hiện được – nghĩa là phải kiềm chế mình khỏi việc đánh bóng câu chữ, sử dụng thật nhiều tính từ để miêu tả và áp đặt lên độc giả sự hình dung của mình về nhân vật.

Đinh Quang Anh Thái chỉ có một lần nêu suy nghĩ cá nhân về trung tướng Trần Độ: “Với người viết bài này, Trần Độ là người trung thực và can đảm. Trung thực, vì dám đeo đuổi điều ông cho là đúng. Lúc tin Cộng Sản đúng, ông theo Cộng Sản. Can đảm, vì lúc nhận ra Cộng Sản không có khả năng xây dựng đất nước và độc tài, ông dám chống lại chế độ trong lúc đang được hưởng nhiều quyền lợi”.

Những mảnh lịch sử

Lồng trong những phỏng vấn nhân vật hay những dòng nhân vật viết, là những mẩu chuyện lịch sử – lịch sử cuộc đời mỗi con người tranh đấu, lịch sử chính trị, và lịch sử phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” (thơ Evtushenko, Bằng Việt dịch). Huống chi lại còn là người đấu tranh dân chủ – những người mà chắc chắn cuộc sống đầy bất trắc, biến động, khác biệt với thông lệ, và lại chẳng bao giờ được báo chí “chính thống” nói đến dù ở chừng mực nào đó, họ là những nhân vật của cộng đồng.

Đọc những gì Đinh Quang Anh Thái ghi lại từ nhân vật, ta hiểu những biến động chính trị ở Liên Xô có tác động lớn như thế nào đến bộ máy công an trị ở Việt Nam. Bà Dương Thu Hương kể: “Khi đảo chính (ở Liên Xô năm 1991) xảy ra, thái độ của những người hỏi cung tôi hoàn toàn khác. Trước đó, họ nói thẳng thừng và độc ác rằng, tôi sẽ bị nghiền nát như tương ớt. Tức là lúc đó họ tin là chế độ cộng sản Liên Xô sẽ được tái lập. Thế nhưng chỉ ba ngày sau thôi, cuộc đảo chính muốn lập lại chế độ cộng sản bị thất bại. (…) thái độ của nhóm hỏi cung tôi hoàn toàn thay đổi, mặt của họ hoàn toàn tái nhợt hẳn đi”.

Qua lời kể của Dương Thu Hương mà Đinh Quang Anh Thái ghi lại, ta biết được nhà lãnh đạo vốn hay được ca tụng như “kiến trúc sư của Đổi Mới” – Nguyễn Văn Linh – thật ra đã từng cay cú nữ nhà văn bất đồng chính kiến đến mức gọi bà là “con đĩ chống đảng”. Trước đó, ông cán bộ lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng Sản này đã gạ tặng nhà cho Dương Thu Hương, nhưng bà từ chối.

Ta biết được Lê Phú Khải “không bị trôi vào mông muội để tham dự cuộc “lên đồng tập thể” của giới trí thức trong phong trào thiên tả lan rộng tại Âu Châu và ngay cả tại Mỹ thời thập niên 50. Tầng lớp có học Tây Phương thời bấy giờ tự hào 'phàm là trí thức thì phải thiên tả.' Điển hình là hai triết gia Jean Paul Satre người Pháp, Bertrand Russel người Anh và nữ tài tử Mỹ Jane Fonda. Phong trào thiên tả ngưỡng vọng nhiều tay lãnh tụ Cộng Sản trên thế giới và xem Liên Xô là 'cái nôi' cuộc cách mạng xã hội của loài người”.

Ngoài những chi tiết lịch sử, độc giả cũng được hiểu thêm về tư tưởng hay đơn giản là những suy nghĩ riêng, độc đáo của các nhà bất đồng chính kiến như Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu:

“Chủ nghĩa Cộng sản ngự trị được ở Việt Nam là do ký sinh vào Chủ nghĩa Yêu nước, hút sinh lực từ lòng yêu nước của nhân dân. (…) Ngày càng rõ rằng chủ nghĩa ấy đã vào bằng đường nào sẽ phải ra bằng đường ấy: đã mượn đường giành độc lập để vào thì sẽ bị trào lưu giành độc lập bảo vệ dân tộc trục xuất, ‘tiễn đưa’ ra”. (…) Hoặc là dân Việt Nam sẽ có cả độc lập và dân chủ trong sáng hoặc là mất trắng cả hai”.

Hay là như nhà văn “làm giặc” Dương Thu Hương đã thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng chế độ cũng chẳng tử tế gì với tôi; và tôi cũng chẳng tử tế gì với họ. Cả hai bên đều tìm mọi cách để tiêu diệt lẫn nhau. Tôi cho đó là sự sòng phẳng, không có lôi thôi gì hết”.

* * *

Độc giả, nếu là người có quan tâm đến chính trị và mong muốn một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam, sẽ có thể tìm thấy trong cuốn sách của Đinh Quang Anh Thái đây đó những tư tưởng, những quan điểm của các nhà bất đồng chính kiến, có thể rất có giá trị để cho độc giả có thêm góc nhìn về chính trị Việt Nam và khả năng thay đổi. Mà nếu đã chọn đọc cuốn sách này thì hẳn độc giả phải là người như vậy rồi.

Trong trường hợp quan tâm đến chính trị Việt Nam nhưng chỉ muốn dừng ở đó mà không mong đi xa hơn để nghiên cứu hay hành động, thì ít nhất độc giả cũng có thể thấy trong cuốn sách này một phần cuộc đời và tính cách của những gương mặt đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam. Ở khía cạnh đó, cuốn sách vẫn hữu ích như thường.

Và nếu một mai Việt Nam dân chủ hóa, cuốn sách này được xuất bản và lưu hành bình thường trong nước, ta có thể tin rằng nó cũng sẽ thuộc hàng sách bán chạy, trước hết là nhờ đề tài của nó: chân dung nhân vật đối kháng./.

· Phạm Đoan Trang

Nhà báo độc lập, Hà Nội, Việt Nam

image

So với KÝ 1 tác giả từng được sống cùng các nhân vật của mình, thì KÝ 2 là sự dõi theo/phỏng vấn các nhân vật từ xa- xa về khoảng cách địa lý lẫn khoảng cách "chiến tuyến". Và tác giả đã nỗ lực lấp đầy khoảng cách ấy bằng cái nhìn tỉnh táo về con người – người Việt Nam – dù đang đứng ở vị trí nào trong dòng chảy lịch sử. KÝ 2 đã góp phần vào công việc mà nhiều nhà báo trong nước chưa thể làm được cho công chúng: thông tin/phản ánh về những nhân vật bất đồng chính kiến một cách thẳng thắn và đa chiều.

· Thúy Hà, nhà báo, California, USA

image

Chọn cách khắc hoạ chân dung qua phương cách đối thoại trực diện: trò chuyện, phỏng vấn. Ký chân dung, với cách đó khó để vung bút. Nhưng có lẽ, chọn cách này, bởi nhân vật của Đinh Quang Anh Thái không chỉ là những văn sĩ thường thấy. Họ là ai? Đó là lớp nhân sĩ đặc biệt, từ trong Cộng sản, sống cùng Cộng sản, rồi thoát Cộng, từ Cộng. Đối thoại để khắc hoạ. Nên đọc trong những chân dung đó, thấy cả chân dung người viết. Thấy khát vọng về một bộ chân dung khác đầy đủ hơn, tôi tạm gọi là “những người thoát Cộng”. Bộ chân dung về lớp nhân sĩ đặc biệt, những kẻ sĩ Cộng sản đã bước qua Cộng sản, từ Cộng.

· Trương Duy Nhất, nhà báo độc lập, Đà Nẵng, Việt Nam

image

Lịch sử đất nước mình tang thương nhưng vô cùng đặc biệt. Nó tang thương vì nằm ở ngã ba đường, nơi các cường quốc tranh giành ảnh hưởng, cuốn một dân tộc vào vòng chinh chiến tương tàn và rất đặc biệt khi một dân tộc bị phân hóa bởi hai ý thức hệ đối chọi nhau, gây ra cuộc nội chiến đẫm máu và thảm khốc. Nhưng khi chiến tranh đã im tiếng, thì lương tâm con người ở cả hai bên, đều lên tiếng. "... sống bằng lương tâm đối với cái nghĩa lớn của đất nước nên rất thanh thản, không có gì vướng bận cả .." (Trần Độ)

Đọc cuốn "Ký" của nhà báo Đinh Quang Anh Thái ghi lại một cách trung thực chân dung Trần Độ, Hà Sĩ Phu, Dương Thu Hương, Lê Phú Khải và Phạm Quế Dương, tôi cũng có cảm giác lịch sử dân tộc Việt hai lần "đứt gãy": 1954 và 1975, vì chiến tranh, nhưng bản chất vì một ý thức hệ. Khi ý thức hệ đó thắng thế, nó muốn trở nên "thống trị" và kiểm soát tất cả, nhân danh dân tộc, nhưng bản chất của nó không nội hàm tính nhân văn, mà ngược lại

“...tất cả chỉ còn lại sự dối trá vô lương đến lộng lẫy ‘thiêng liêng’ mà thôi.!” (Lê Phú Khải) .

“Tôi là đảng viên bị khai trừ. Tôi bị khai trừ là phải. Nếu không khai trừ tôi, có lúc tôi phải xin ra khỏi cái đảng này. Tôi không thể chấp nhận và thừa nhận cái đường lối nhiều mâu thuẫn nửa vời, lằng nhằng, nặng chất giáo điều, bảo thủ, khó cho đất nước phát triển. Tôi cũng không thể chấp nhận phương thức lãnh đạo của đảng. Đó là một phương thức độc tôn, toàn trị chuyên chế, phản dân chủ. Còn với chủ nghĩa xã hội, tôi không hề chống. Tôi chỉ không tán thành cái thứ chủ nghĩa xã hội đã thất bại trên thế giới và đã gây nghèo đói ở Việt Nam.” (Trần Độ) .

“Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài. Thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó thì bao giờ cũng là bọn lưu manh.” (Lê Phú Khải) "

“... yêu thương càng nhiều thì sự mất mát càng đau ..." (Hà Sĩ Phu)

Không một cá nhân hay thế lực nào có thể "vuốt thẳng" lịch sử theo ý mình. Một chính đảng, chỉ luôn đại diện cho chính nó, không bao giờ có thể đại diện cho một dân tộc, một văn hóa. Những người cộng sản (thời kỳ đầu) nhìn vào những bất công trong xã hội tư bản, thuộc địa (thời kỳ đầu) tin rằng lý tưởng của họ có khả năng giải quyết những bất công ấy ... nhưng lương tâm con người giúp họ nhìn ra khoảng cách đầy mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tiễn.

Qua tập "Ký" này, người đọc có thể hình dung sự "tái nhận thức" của những người chân chính, họ đã từng là những người cộng sản, nhưng lý tưởng của họ là vì dân tộc, không vì cái chính đảng mà họ đã tự nguyện đứng vào.

“Chẳng ai có quyền phán xét công hay tội của họ. Đây là việc của lịch sử mai sau.”

· Nguyễn Thanh Bình, họa sĩ, Sài Gòn, Việt Nam

image

Khác với “Ký I”, “Ký II” của Đinh Quang Anh Thái tập trung các nhân vật được dán nhãn “phản động”. Đó là những “thân phận trí thức trong chế độ cộng sản cho thấy nỗi tủi nhục của những phận người bị guồng máy toàn trị dìm xuống tận đất đen” – như lời của một trong những nhân vật trong sách – ông Lê Phú Khải. “Ký II” không chỉ phác họa chân dung mà còn đầy ắp tư liệu cá nhân, đặc biệt các cuộc phỏng vấn “exclusive” với các chi tiết trước nay chưa từng nghe ở bất cứ đâu. Đọc “Ký II” không chỉ là đọc và biết thêm từ núi tư liệu ngồn ngộn của một nhà báo nhiều kinh nghiệm mà ông đã biên chép với sự tỉ mỉ của một điêu khắc gia tạc chân dung bằng chữ. Đọc “Ký II” còn là đọc được những “ký âm” từng bị xóa mờ, ngắt quãng khỏi khúc bi ca thời đại tấu trên một sân khấu dân tộc luôn đầy dẫy những vở diễn phi lý và tréo ngoe.

· Mạnh Kim, nhà báo, California, USA

image

Trần Độ, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Lê Phú Khải qua ngòi bút của Đinh Quang Anh Thái chợt sống động, khác thường, ngồn ngộn cá tính cùng những hoài bão đối với đất nước mà họ bỏ cả đời theo đuổi.

Đinh Quang Anh Thái là nhà báo giỏi và tâm huyết với mục tiêu đặt ra khi theo đuổi một chủ đề, một nhân vật. Anh chạy đua với thời gian, kiên nhẫn đối với sự e dè, cẩn trọng của những người chống chế độ đang sống trong nước, những người mà khi tiếng nói của họ bật ra với thế giới bên ngoài có sức mạnh của một đạo quân sự thật. Trần Độ, một công thần của chế độ sẵn sàng từ bỏ tất cả để vạch mặt sự gian trá của những kẻ mà ông từng gọi họ là “đồng chí”. Một trí thức lớn như Hà Sĩ Phu cũng chọn Thái là người để chia sẻ những suy tư thầm kín nhất của ông sau bao năm cật lực chống lại những giáo điều, dối trá và tàn độc của chế độ Cộng Sản.

Dương Thu Hương, một “Con Sói Đơn Độc”, chấp nhận Đinh Quang Anh Thái là nhà báo Việt Nam duy nhất ghi chép cuộc đời đầy sóng gió bão bùng của bà để từ những bài viết đó nhiều người hiểu bà hơn so với những câu chữ mà người ta thường nghe một chiều viết về người đàn bà có cá tính mạnh mẽ và bị mang tiếng là “thô lỗ” này.

Thành công của Đinh Quang Anh Thái là những câu chuyện phía sau các cuộc phỏng vấn. Sự thật về chế độ Cộng Sản do những người đã trải nghiệm bằng chính cuộc sống của họ trong “xã hội trại lính” này kể lại sẽ góp phần không nhỏ trong bảo tàng lịch sử của đất nước qua một thời kỳ lầm than đen tối nhất của Việt Nam.

· Mặc Lâm, nhà báo, Washinton D.C, USA