Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

Ngải Vị Vị trả lời về việc Chính quyền Trung Hoa phá hủy Xưởng vẽ của ông ở Bắc Kinh

Shannon Van Sant, NPR, 4 tháng Tám, 2018

Hiếu Tân dịch


Nhà cầm quyền Trung Hoa đã phá xưởng vẽ Bắc Kinh của họa sĩ

đương đại Ngải Vị Vị, nhà bất đồng chính kiến từ lâu phê phán chính

phủ Trung Hoa. Don Arnold/WireImage

Cập nhật lúc 8:40 sáng 4 tháng Tám, 2018

Nhà cầm quyền Trung Hoa đang san bằng một trong những xưởng vẽ của nghệ sĩ bất đồng chính kiến Ngải Vị Vị. Ông nói đội phá dỡ xuất hiện không hề báo trước và đã bắt đầu quá trình đập phá xưởng vẽ.

Ngải đã từ lâu phê phán chính phủ, và hôm Thứ Bảy, ông bắt đầu post những video lên Instagram hình ảnh về cuộc đập phả xưởng vẽ của ông. “Thế là hết,” Ngải viết. “Họ bắt đầu đập phá xưởng vẽ 'Zuoyuo' [Tả hữu – Trái và phải] của tôi ở Bắc Kinh không hề bảo trước.”

“Chúng tôi không hề nhận được bất kì lời cảnh báo trước nào hay tuyên bố về cuộc đập phá,” Ngải nói với NPR. “Chúng tôi bị đòi phải dời đi vào một ngày nhất định, cái ngày ấy chưa đến. Cuộc đập phá làm chúng tôi ngạc nhiên.”

Ngải tiếp tục:

“Các tác phẩm bị hỏng nặng vì cuộc tấn công không tuyên bố vào xưởng vẽ. Không có cảnh báo gì cả. Tuy nhiên, so với những kỉ niệm đã bị mất, so với một xã hội chưa bao giờ thiết lập được niềm tin vào trật tự xã hội, tin vào nền pháp trị, hoặc tin vào bất kì loại thống nhất nào trong việc bảo vệ quyền của nhân dân của mình, những thứ đã mất trong xưởng vẽ của tôi chẳng có nghĩa gì cả, và tôi chẳng quan tâm. Có những sự sụp đổ sâu rộng hơn nhiều trong cái xã hội mục ruỗng này, nơi mà thân phận con người chưa bao giờ được tôn trọng.”

Là con của nhà thơ Trung Hoa nổi tiếng Ngải Thanh, Ngải được ngưỡng mộ rộng rãi ở Trung Hoa, ông đã thiết kế sân vận động “Tổ chim” cho Olympic Bắc Kinh 2008.

Tuy nhiên cũng năm đó, sau trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Ngải đã nổi lên như một nhà hoạt động và bất đồng chính kiến lớn tiếng. Những ngôi nhà sập ở Tứ Xuyên đã chôn vùi hàng nghìn trẻ em, và Ngải đã phát ngôn như người biện hộ cho cho các em và gia đình chúng, sáng tác những tác phẩm để tưởng nhớ các em. Từ đó ông phê phán chính phủ Trung Hoa về hàng loạt vấn đề, từ nhân quyền đến tham nhũng.

Tại Bắc Kinh, AFP thuật rằng nhà cầm quyền đã đập phá những khu nhà lân cận để xây dựng lại. Theo AP, trong năm qua Bắc Kinh “đã phá đi những vệt nhà lớn ở ngoại ô trong chiến dịch an toàn xây dựng.”

Ngải nói việc phá xưởng vẽ của ông là kết quả của cuộc chỉnh trang đô thị của Bắc Kinh, và trong một cuộc phỏng vấn, nhấn mạnh nhu cầu của công nhân di cư, ông nói họ bị cưỡng bức ra khỏi thành phố.

“Phá đi những ngôi nhà hiện có để xây dựng mới, hay vì bất cứ lí do gì, là chuyện thường diễn ra trong mọi thành phố. Tuy nhiên, từ năm ngoái, đã ban hành một chính sách để đẩy công nhân di cư ra khỏi thành phố. Nó là một công cuộc chỉnh trang, nhưng đây cũng là một xã hội tước đi những quyền của công nhân di cư. Trong đời họ chưa bao giờ có chút an ninh về phương diện tài sản và trợ giúp pháp luật. Họ phụ thuộc vào những đạo luật rõ ràng lẽ ra phải bảo vệ những quyền con người cơ bản của họ. Họ sống trong một xã hội mà họ không có cơ hội tự do thảo luận trên truyền thông bất kì vấn đề nào liên quan đến những chủ đề này. Đây không phải đơn giản là vấn đề phá đi một xưởng vẽ, mà là tiêu hủy quyền con người.

“Ngay lúc này, có sự hiểu lầm rằng đây chỉ đơn giản là việc phá đi xưởng vẽ của một họa sĩ, điều ấy không đúng. Họ đã và đang phá đi những ngôi nhà của công nhân di cư, thường là vào giữa đêm khuya. Chúng đuổi họ ra, đập phá tư trang của họ, biến họ thành vô gia cư hoặc bắt giữ họ vì chống lại việc cưỡng chế thu hồi.

“Ở Trung Hoa không có hệ thống tư pháp độc lập, không có truyền thông độc lập, do đó những người này không có tiếng nói. Tôi coi bản thân tôi là may mắn. Tôi có thể vẫn có tiếng nói được nghe. Hình của tôi vẫn có thể xuất hiện trên Internet và tôi vẫn có thể công khai cuộc đấu tranh của tôi. Tuy nhiên, lí lẽ của tôi không phải về bản thân tôi hay xưởng vẽ của tôi. Nó là một xưởng rất tuyệt và tôi đã dùng nó mười hai năm qua để sáng tác những tác phẩm nghệ thuật lớn. Nhưng ngoài ra, tình hình này phản ánh cái thực tế là, ngay cả những người có đặc quyền nhất định cũng bị xem như không thích hợp. Họ sẽ không xem xét cho chúng tôi thêm dù chỉ vài ngày để chuyển đi.”

Artnet đã thuật rằng Trung Hoa đang đuổi một cách phi lý những phòng tranh ở Caochangdi [Thảo Tràng Địa], một khu nghệ thuật ở Bắc Kinh mà Ngải đã xây dựng, “để mở đường giải tỏa ngay lập tức.”

“Tự do ngôn luận và tự do biểu đạt đơn giản là chưa bao giờ tồn tại ở Trung Hoa hoặc trong những cộng đồng nghệ sĩ của nó,” Ngải nói với NPR. Những ai không thuộc tổ chức này, kể cả những nghệ sĩ, luôn luôn bị kì thị và bị hi sinh. Thông thường nhà cầm quyền không chịu một hậu quả nào khi làm thế.”

“Những cấu trúc văn hóa không thực sự tồn tại trong một xã hội cộng sản. Nghệ thuật bị coi hoặc là như tuyên truyền của đảng hoặc như ô nhiễm tinh thần của phương Tây,” Ngải nói thêm. “Việc phá hủy xưởng vẽ của một họa sĩ hoặc đuổi nghệ sĩ khỏi nhà như một chiến lược bịt miệng không có tác động gì đến xã hội ấy. Nó vẫn là cái xã hội dưới một quyền, một giọng, và một hệ tư tưởng. Nó thường được gọi là cộng sản, nhưng nay nó là chủ nghĩa tư bản nhà nước – một chủ nghĩa tư bản mà những người cộng sản chiếm lĩnh cả lợi nhuận lẫn quyền lực.”

Những khu vực nghệ sĩ ở Bắc Kinh đã từ lâu là mục tiêu phá hủy bởi vì chúng thường là trung tâm bất đồng chính kiến và những tay đầu cơ bất động sản chiếm đất có thể bán được để kiếm lợi nhuận. Các nghệ sĩ sống trên đất ấy thường phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi đi nhanh chóng”.

Năm 2011 cho một phim tài liệu độc lập, Ngải nói về việc phá hủy các khu nghệ sĩ và về tự do biểu đạt ở Trung Hoa, ông nói “Nếu anh đang bị đối xử bất công, anh phải cất tiếng nói, và để những người khác biết điều đó. Anh không thể chỉ im lặng.”

Ông nói tiếp:

“Tôi có một trách nhiệm bởi vì thế hệ cha tôi đã không làm được điều đó. Họ chưa bao giờ thật sự thành công trong việc cất lên tiếng nói, và tôi không nuốn điều đó xảy ra cho các thế hệ sau. Bây giờ tôi đây, tôi có thể làm cái gì đó về chuyện này, và tôi sẽ làm.”

“Tôi nghĩ Trung Hoa cuối cùng sẽ thành một xã hội dân chủ, và có nhiều tự do cho giới trẻ, những người muốn biết nhiều thông tin hơn. Những người có thể tích lũy kiến thức, theo kịp cuộc cạnh tranh và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Không ai có thề ngăn họ lại. Chỉ là vấn đề thời gian.”

Cảnh sát viếng thăm xưởng vẽ của Ngải ở Bắc Kinh trong khi đang quay cuộc phỏng vấn này, và ít lâu sau chính phủ bắt giam Ngải trong hơn hai tháng về tội trốn thuế. Ông đã nói những lời buộc tội ấy có động cơ chính trị. Kết quả ông phải chịu một khoản tiền phạt 2,4 triệu đô la, và chính quyền tịch thu hộ chiếu của ông, cấm ông đi nước ngoài trong nhiều năm.

Thời gian đó, Ngải nói ông bị cảnh sát đánh, bị quản chế và chính quyền đặt camera bên ngoài nhà ông để theo dõi mọi cử động của ông.

Về việc đàn áp quyền tự do biểu đạt và xã hội công dân hiện nay ở Trung Hoa, Ngải nói với NPR: “Bất kì chính quyền nào đàn áp các nghệ sĩ, các nhà báo, các trí thức và các luật gia thì sự cai trị của nó đã hoàn toàn mất đi tính chính đáng. Nó là bằng chứng về tính yếu ớt dễ bị tổn thương khi đối mặt với những thách thức hôm nay và mai sau, và không có khả năng làm thế với một trí óc bình tĩnh hoặc một cách thức hợp lí.”

Năm 2015 chính quyền Trung Hoa đã trả lại hộ chiếu cho Ngải, và một thời gian ngắn sau đó ông chuyển đến Berlin, tự áp đặt cho mình cuộc sống lưu vong. Từ đó Ngải hướng chú ý của ông vào hoàn cảnh khốn khổ của những người tị nạn toàn cầu, là đề tài cuốn phim tài liệu mới nhất của ông: Dòng Người.

https://www.npr.org/2018/08/04/635654200/ai-wei-weis-beijing-studio-destroyed-by-chinese-authorities?utm_source=Communications&utm_campaign=2069139934-EMAIL_CAMPAIGN_2018_08_06_12_56&utm_medium=email&utm_term=0_c67d07604c-2069139934-248403425&mc_cid=2069139934&mc_eid=25712c0d52