Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 8)

NGÀY 15-2-2012

Chúng ta thấy gì từ Tiên Lãng

Hạ Đình Nguyên


“Luật Đất đai đã đưa người dân vào tình thế “cá nằm trên thớt”, sẵn sàng bị nướng bất cứ lúc nào khi các quan tham ráp nhau bày trận nhậu. Trận nhậu hoành tráng Nông Trường Sông Hậu đã không xong, tốn biết bao năng lượng của nhân dân, và công sức của cán bộ các ban ngành. Trận nhậu ngon ở Tiên Lãng cuối cùng cũng bể nghễ, bát đũa rơi vãi ngổn ngang, chẳng ai được miếng nào lại làm hao mòn uy tín của Nhà nước, mà dân thì được an ủi phần nào, nhờ khí thế của anh em ông Vươn, cho dù có cho là “manh động”.

Trước hết, không nên nhìn Tiên Lãng chỉ là một sự kiện, có mở đầu và có kết thúc. Phải nhìn Tiên Lãng với chiều sâu của nó: là một tiến trình có quy mô về không gian và thời gian. Không gian là khắp lãnh thổ, và thời gian là chưa hề có kết thúc, chừng nào nguyên nhân của mọi nguyên nhân chưa được thừa nhận và triệt tiêu.

Cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cảnh báo: “không khéo nó lan ra cả nước…”, vậy thì cái gì sẽ lan ra? Sự phản kháng của người dân? Sự lạm quyền có hệ thống của cán bộ? Sự mù mờ chồng chất của luật pháp được khai thác bởi quan tham? Không chỉ ở Tiên Lãng mới có sự cố gọi là “Tiên Lãng”, mà nó có thể xảy ra ở khắp nơi, những nơi có nạn lạm quyền và có tham nhũng hoành hành.

Theo lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu, ta nhận ra ít nhất hai điều: chính sách về đất đai có 3 lần thay đổi, và cán bộ có hạn chế năng lực, hoặc quan liêu gì đó. Nhưng 3 lần thay đổi không chỉ áp dụng riêng ở Tiên Lãng, chỉ có cán bộ ở đó bị hạn chế năng lực, chắc gì đã kém hơn cán bộ ở Phường, Xã, Tỉnh, Thành khác trong cả nước?

Vụ Tiên Lãng và Nông trường Sông Hậu (NTSH) xứng đáng là điển hình ở hai phía. Phía nhà nước và phía người dân. Phía nhà nước có sự phối hợp của cấp dưới cấp trên, có hệ thống ban ngành chuyên môn đồng tình nhất loạt tham gia, với sự chỉ đạo tập trung, dĩ nhiên là của Đảng.

Bà Ngọc Sương (NS), GĐ NTSH, có một lý lịch cực đẹp. Ông Đoàn Văn Vươn (ĐVV) ở Tiên Lãng cũng có một lý lịch đẹp, cả hai, không có liên quan gì với “bọn xấu” nào đó, cũng hẳn là không bị ai lợi dụng, cũng không ai có sẵn trong người máu côn đồ manh động, mà thuần túy là chuyện làm ăn, lại làm ăn lương thiện của người “cày sâu cuốc bẫm”. Hoạt động của NTSH có tiếng vang cả nước, từng là điển hình. Ông ĐVV, tuy tiếng vang không lớn trong nước, nhưng là điểm sáng của tấm gương lao động, cần cù sáng tạo, đầy nghị lực và đạt thành quả hiếm có.

Tai họa đã ập đến hai người, ở hai nơi khác nhau và thời điểm khác nhau.

Bà NS với án 8 năm tù giam, kháng án lên tòa cấp trên bị bác bỏ. Có luồng gió ngược nào đó cứu vớt, cùng sự can thiệp của nhiều cán bộ lão thành, sau 4 năm gian truân, kiên trì chịu đựng và khiếu kiện, bà đã giành lại được một chút công bằng cùng với tấm thân tàn tạ móp méo và một tinh thần mỏi mệt, ê chề về một lẽ sống. Những người làm nên NTSH và những kẻ hiểu chuyện chỉ biết bùi ngùi và xót xa. Sự cố coi như đã xong, nhưng cụ Đồ Chiểu cho là chưa:

“Tiên rằng: đem bát nước đầy

Đổ ngay xuống đất hốt rày sao xong?”

Sự mất mát của một đời người là không thể phục hồi, sự mất mát của xã hội là kéo theo nhiều thế hệ, làm sao hốt lại?

Ông ĐVV, sau khi đi một đoạn đường tố tụng, thấy không làm gì được với cái lý của kẻ mạnh, mà mạnh của cả hệ thống, anh em bèn làm súng “hoa cải”, quyết liều một phen. Thà một phút huy hoàng… Cái tức khí trong chiến tranh, nhiều khi làm nên chiến công, nhưng ở đây, “chiến công” nầy đưa anh em ông vào bóng tối. Vì hiển nhiên là tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”, không cần tính đến cái “công vụ” ấy ra sao! (Trong thời bình, cái khí tiết chống cường quyền không hẳn kém giá trị hơn chiến công trong thời chiến). Nay mai đây, anh em ông sẽ lãnh án. Chưa biết án thế nào, nhân dân hẳn là đang nhìn và theo dõi. Sự cố rồi cũng sẽ được giải quyết theo một cách nào đó, nhưng tiến trình tham nhũng và chống tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục diễn ra chưa chấm dứt.

Hai cách phản ứng chống cường quyền của bà công dân NS và ông công dân ĐVV, ngoài hai cách đau thương ấy, thì còn cách nào khác tốt hơn? Xin hỏi cả nước và xin lời tư vấn của Thủ tướng? Có con đường nào khác không, thưa Thủ tướng? Hay chỉ cúi đầu chịu đựng xem như là số phận làm cừu? Nếu nhân dân không dám chống cường quyền, thì “khí dân” đâu để chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước như truyền thống bất khuất đã từng chứng minh, mà nghe đâu, chính Thủ tướng cũng đã có một dạo rất anh hùng? Chúng ta không tán thành, không khuyến khích cho cái gọi là “manh động”, nhưng có loại “manh động mềm” tráo trở luật pháp, lộng giả thành chân, tiếp tục triển khai quyền lực, thì sao? Hệ thống quan tham, manh động mềm ấy, NQ TW4 nói rõ, bàng bạc khắp cả nước, hay “hệ thống” anh em và vợ cùng con hai ông ấy là nguy hiểm hơn? Vụ án đang xem xét theo tính cách hình sự, đã nhóm màu chính trị, và thực sự là chính trị.

Đó là sự cân nhắc giữa ý chí của nhân dân và uy quyền của lãnh đạo, vốn đang được đồng hóa một cách nhầm lẫn với sự ổn định chính trị.

Thử thoát ra khỏi lòng yêu ghét, tâm lý phẫn nộ, tính mê man quyền lợi của đời thường, ta thấy gì từ sự cố Tiên Lãng và Nông trường Sông Hậu? Cái Ác đã sinh ra từ sự lạc hậu và thiếu dân chủ. Cái lạc hậu đầy tai họa hiện nay chính là Luật đất đai. Ông Kim Ngọc đã từng bị trừng trị vì chống lại chủ trương Hợp tác hóa nông nghiệp, Và công thức lạc hậu nầy qua đó đã được bãi bỏ. Vì sao lại tái lập Hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn cả nước, với khái niệm mông lung: “Đất đai là sở hữu của toàn dân”, để rồi không có người dân nào được làm chủ thật sự trên mảnh đất dù lớn dù bé của mình? Chính là sự cướp giật trắng trợn, cái căn cơ nhất là sự sống của toàn dân, từ đó hệ thống quan tham trở thành siêu Ban Chủ Nhiệm, thỏa sức tung hoành. Bên cạnh đó, người dân không có cơ chế dân chủ khả dĩ để đấu tranh đòi sự công bằng. “Bộ Công, Bộ Hình, Bộ Binh, Ba Bộ đồng tình…” đó là câu nói người xưa để lại. Chúng ta chưa có được dân chủ ở mức căn bản nhất, cho nên sự cố Tiên Lãng, nông trường Sông Hậu, bà Ngọc Sương, ông Đoàn Văn Vươn… là những họa tiết rất ấn tượng trong lòng dân của một tiến trình chưa hề kết thúc.