Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 56): Phỏng vấn Nam Dao: Trách nhiệm của nhà văn

Mai Ninh thực hiện

Image result for mai ninhMai Ninh: Từ sáu năm trở lại, Nam Dao được xem là ngòi bút “năng nổ” nhất ở hải ngoại. Tác phẩm của anh đến với đọc giả qua nhiều thể loại: truyện ngắn, kịch, nhận định… đặc biệt hai bộ tiểu thuyết Gió Lửa và Đất Trời. Tuy thế, theo Mai Ninh được biết, trước đó Nam Dao là một người yêu và chuyên làm thơ. Anh có thể cho biết lý do nào đã khiến anh nghiêng hẳn về văn xuôi sau này?

Nam Dao: Tôi viết văn xuôi từ năm 98. Quả trước đó tôi có yêu, làm thơ, và thơ thường là để gửi gắm bạn bè. Vì chỉ để gửi bạn bè, thơ là hình thức cô đọng, như nước nguồn, lúc ứa ra được thì trào lên rất nhanh, không cần loại lao động “văn xuôi” thường cần thời gian, thứ này trước kia tôi có rất ít vì còn phải tập trung giảng dạy và nghiên cứu khoa Toán Kinh Tế, chưa có điều kiện để trả nghiệp, cái nghiệp bất bình tắc minh theo cách nói của Hàn Dũ, nôm na là không nhịn được thì khắc nói. Nhưng nói gì? Nói để ai nghe? Văn chương liệu có chia sẻ được với những ai? Chúng ta có cùng một lịch sử thật bi tráng, nhưng với tôi, tôi luôn luôn có cảm tưởng bị lường gạt, bị lừa phỉnh, qua luồng chính sử thường bị quyền lực o ép cưỡng bức. Nhu cầu chiếm hữu lại cho mình một lịch sử qua lăng kính chủ quan ngày một bức bách, trở thành yếu tố đẩy tôi vào thể loại Tiểu Thuyết Lịch Sử. Năm 99, Gió Lửa là tác phẩm đầu tay. Nhưng xin nói ngay, nghiêng thì có nhưng tôi chưa nghiêng hẳn về văn xuôi đâu! Khi Thơ bà Chúa của ngôn ngữ vời đến, tôi sẽ chẳng cưỡng lại được. Nhưng hiềm là bà Chúa vốn khó tính, không phải vẫy gọi tất cả mọi người, dẫu cả nước mình, trong và ngoài, ai cũng tự xưng là nhà thơ. Lục bát ắt rất truyền thống, vần điệu niêm luật tất là cổ điển, và nếu trúc trắc lên đèo xuống suối thì... gọi sang trọng là hành ngôn cách tân hậu hiện đại…

MN: Vào thời điểm bắt đầu viết văn xuôi, Nam Dao nhận định thế nào về nền văn xuôi Việt Nam, trong cũng như ngoài nước?

ND: Nói nhận định thì sợ quá nghiêm túc chăng, nhưng thôi, cũng xin thưa thốt một ít cảm tưởng. Khi thiếu niên, tôi nhớ nhóm Tự Lực Văn Đoàn hồi sinh ít lâu trong miền Nam sau Di Cư với Văn Hóa Ngày Nay. Cuối những năm 50, có Duy Lam, Tường Hùng… nhưng không gây được ấn tượng nào đáng nhớ. Khi rời quê hương tôi mới 18 tuổi, lúc đó chỉ biết thêm một số tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu… tức là, quơ cả vào, ta gọi là nhóm Sáng Tạo cho gọn. Sau này, tôi đọc Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Nhã Ca, Võ Phiến, Thế Uyên, Phan Nhật Nam… Đó là miền Nam trước 75, và chắc chắn miền Nam đã có những đóng góp đáng kể vào nền văn học Việt Nam. Sau 75, văn chương hải ngoại bùng phát. Những tên tuổi nổi trội có Nguyễn Mộng Giác về tiểu thuyết, có Hoàng Khởi Phong và Cao Xuân Huy về hồi ký chiến tranh. Về thể loại truyện ngắn thì xuất hiện một số cây bút tài hoa như Vũ Quỳnh Hương, Trần Vũ, Thế Giang, Đỗ Kh, Phạm Thị Ngọc, Trân Sa… vào cuối thập niên 80. Đây là mảng, theo thiển ý, Văn Học Hải Ngoại mang lại những đóng góp không thể phủ định được. Đến thập niên 90, hình như có những bế tắc: đề tài chống cái này, theo cái nọ… hơi bị nhàm. Thảm kịch vượt biển, học tập cải tạo, rồi cuộc sống lưu đày ăn gửi ở nhờ, được chạm trổ qua cái lăng kính căm hận mất mát, nhưng vẫn chỉ mới gãi ngoài da, chưa mang hết độ sâu đo cho đủ kích thước hẫng hụt đến chóng mặt của những cuộc đổi đời khủng khiếp. Văn chương thời đó hình như tiếp tục bó gọn vào cái tâm thức Sài Gòn nối dài, lệ thuộc một thứ quá khứ cliché tái tạo bằng quán tính, không quan tâm đến thế giới bên ngoài là nơi mình định cư, và cứ thế mang tố chất ghetto từ văn cách cho đến nội dung.

Văn xuôi miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có những Người người lớp lớp của Trần Dần, Vượt Côn Đảo của Phùng Quán… gây ấn tượng. Đến khi hòa bình lập lại, Nhân Văn và Giai Phẩm thổi lên một ngọn gió tự vấn với những truyện ngắn như Ông Bình Vôi của Phan Khôi, Con ngựa già của Chúa Trịnh của Phùng Cung chẳng hạn. Sau, cái rơi rớt lại chỉ là cái thân phận thê thiết của một số những nhà văn, nhà thơ… Tiếp theo, là nền văn học phục vụ chiến tranh, với những ràng buộc tất nhiên, và những Vỡ Bờ của Nguyễn Đình Thi hay Sóng Gầm của Nguyên Hồng không thể coi là thành công, vắng tiếng vang, ít ảnh hưởng. Cái “truyền thống” rất đáng hãi là nền văn chương minh họa thành hồng thủy dìm cho nhà văn chết đuối ngay trên cạn. Sau 75, cũng vậy… Văn chương lúc nào cũng có định hướng chính trị kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhà văn tự kiểm duyệt, trở nên quá khôn khéo như Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải… rất ít tính thuyết phục của văn chương đích thực. Thời kỳ Đổi Mới đột nhiên cho phép những đột phá rất ngoạn mục. Đầu tiên là Dương Thu Hương với Những thiên đường mù, Bên kia bờ ảo vọng…Sau đến Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, rồi Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, Nỗi buồn Chiến tranh của Bảo Ninh, Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn… Ngoài tính phê phán, có những tác phẩm tạo nên văn cách mới (đối với văn xuôi thời trước), và kéo được dăm ba năm cho đến đầu thập niên 90. Sau, thì lại phải chờ…

Đầu thiên niên kỷ này, chúng ta có gì để mong ước: trong nước, dẫu chưa có những tác phẩm ''thập toàn”, một số cây bút đã chứng tỏ bản lãnh văn xuôi của mình, như Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Tư, gần đây có Đỗ Hoàng Diệu… Ngoài nước, ít hơn, nhưng tác giả tập truyện xuất sắc Cái chết sau quá khứ là Trần Vũ cầm bút trở lại sau một thời kỳ đi hoang, rồi Mai Ninh đánh động với văn phong riêng tư trong Hợp âm trong vùng sân khuất, Ảo Đăng. Phong trào tìm tòi cái mới cũng manh nha trên những tờ báo văn học như Hợp Lưu chẳng hạn… Nhưng chết thật, tôi đang làm cái việc có vẻ như “nhận định” thật, vậy xin ngưng ngay động tác nhai lại này…

MN: …anh chưa đề cập đến những điểm mạnh và những điểm yếu?

ND: Về cái mạnh, thơ Việt Nam thế kỷ 20 là một nét nổi trội bứt phá, có chỗ đứng trên văn đàn thế giới. Theo cảm nhận riêng, tôi cho rằng những tác giả như Tản Đà, Hàn Mạc Tử, Bích Khê, Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính... gây được những dấu ấn tiền chiến rất nét. Sau đó, thơ “tráng sĩ” của Thâm Tâm, Huyền Kiêu, Huyền Trân, thơ lính của Quang Dũng, rồi thơ sau vụ án Nhân Văn- Giai Phẩm của Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Cung... nổi cộm lên như những đóng góp đáng trân trọng. Thời chiến tranh, thơ lính nối dòng Quang Dũng với Nguyễn Bắc Sơn trong Nam, Phạm Tiến Duật và Nguyễn Duy ngoài Bắc rất hay. Thơ miền Nam cũng thật đặc sắc; tạm kể Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Phạm Thiên Thư... Sau 75, thơ dòng Hải Ngoại cũng có những đóng góp không thể không nói đến. Cao Tần, Nguyễn Tất Nhiên là hai trong nhiều tác giả được lưu tâm... Rồi mới đây, những nhà thơ trẻ đang trên con đường thử nghiệm cách tân, như Vi Thùy Linh, Nguyễn Quốc Chánh, Thận Nhiên, Lý Đợi, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư... tiếp tục bồi sức sống cho thơ.

Nói về thơ, tôi xin kể cả thơ được hát, với những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Tôi rất yêu chuộng Bob Dylan và Jacques Brel, như nhiều người cùng thế hệ. Ba bốn năm trước, khi đến Bruxelles ghé bảo tàng Jacques Brel, một nhà thơ hát thơ của mình, tôi không khỏi so sánh, và gạt qua những yếu tố ước lệ văn hóa cục bộ, tôi cho rằng Sơn là một nghệ sĩ rất lớn, có lẽ vì nghệ thuật của anh phải truân chuyên với cái thân phận con người Việt Nam qua một cuộc chiến 30 năm và những đảo lộn lịch sử khủng khiếp. Rồi so với Bob Dylan, tôi cũng nghĩ hệt như thế…

Về truyện ngắn, tôi nghĩ truyện ngắn Việt Nam cũng là một nét đáng kể. Chỉ 15 năm gần đây, chúng ta đếm cũng có trên dưới năm, bảy mươi truyện hay, hai ba chục thật xuất sắc. Nguyễn Huy Thiệp với những tác phẩm dừng lại ở đầu thập niên 90 gây ấn tượng mạnh. Hải ngoại, Trần Vũ tạo một văn cách đặc biệt. Trong nước có Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Thị Ấm đến rồi đi như những ánh sao băng. Thật đáng tiếc. Nhưng tại sao họ lại phụ rẫy văn chương như vậy…

MN: Còn mặt yếu?

ND: Đáng lẽ những câu hỏi này nên chỉ hỏi những người làm Phê Bình và Lý Luận văn học. Nhưng không đáp, sợ phụ lòng bạn đọc, vậy xin nói vài câu, dẫu có thiếu xót hay thậm chí sai lệch. Có ba mặt yếu:

Thứ nhất là tiểu thuyết. Hầu như về mặt hiện thực phê phán chưa ai qua được Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Còn văn chương lãng mạn (hiểu cho đúng nghĩa) chống cái xã hội công thức và duy lý hầu xây dựng con người và xã hội cho người hơn, Khái Hưng và Nhất Linh vẫn là hai khuôn mặt lớn. Đó là thời kỳ trước kháng chiến chống Pháp. Sau, đến tiểu thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, những thành quả nếu có, thì khá dễ quên. Trong miền Nam trước 75, có thể có một ít tiểu thuyết loại truyện vừa, phản ánh sự loay hoay gọi cho sang trọng là hiện sinh này nọ, nhưng cũng là loại khó nhớ. Thời gian 10, 15 năm qua, có Những thiên đường mù của Dương Thu Hương, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn là ám ảnh. Ngoài Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác ở hải ngoại, hồi ký Tháng ba gãy súng của Cao Xuân Huy, Miền Vĩnh Phúc của Vũ Quỳnh Hương, ít có tác phẩm nổi cộm, về cả phẩm lẫn lượng. Có lẽ tiểu thuyết đòi hỏi thời gian, dài hơi… trong khi chuyện miếng cơm manh áo, oái oăm thay, vẫn là bức thiết mặc dầu chúng ta sống ở những nước giàu nhất nhì thế giới.

Mặt yếu thứ nhì là Kịch, đặc biệt rất hiếm hoi những kịch bản văn học. Miền Nam ngày trước có Vi Huyền Đắc, và thỉnh thoảng Vũ Khắc Khoan. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa thì Lưu Quang Vũ. Vậy là chí ít… Tại sao? Trong khi đó, kịch là một thể loại đến trực tiếp với khán-thính giả, đi thẳng vào cuộc đời bằng cả nước mắt lẫn tiếng cười, đèo ngay trên lưng cái xã hội, có thể quẳng nó xuống, hoặc cưu mang nó khi đáng cưu mang.

Mặt yếu thứ ba là Phê Bình và Lý Luận Văn Học. Ở đây, tôi làm cái việc “trái phép” là phê bình Phê Bình. Thiển nghĩ, khi phê bình một sáng tác văn chương người viết không phải chỉ “phán” qua cảm tính của mình và áp đặt cái cảm tính ấy trên người đọc. Người đọc văn bản Phê Bình có thể đòi hỏi một góc độ nhìn, và cái góc độ đó chính là điều mà chúng ta gọi là Lý Luận, tức là từ Lý Thuyết Văn Học. Tôi liên tưởng đến Godel, người được gọi là hoàng tử của Toán học, cách đây 70 năm đã chứng minh rằng không một hệ số học (arithmetics) nào toàn túc (complet) mà không phải dựa trên một yếu tính bất quyết (undecidable). Như vậy, chỉ trên mặt logích hình thức không thôi, ta đã không thể xây dựng một hệ lý thuyết mà không phụ thuộc vào một định đề chỉ có thể chấp nhận như một điều hiển nhiên nằm ngoài hệ thống. Hệ luận: thế thì có cái gì có thể gọi là chân lý tuyệt đối, độc nhất, không thể bàn cãi triết giải? Vậy cho nên Lý Thuyết thì nhiều. Và văn học là bộ môn không đo đếm được, chắc chắn số lý thuyết không thể ít hơn số lý thuyết vật lý, cũng ở số nhiều, mà đối tượng chỉ một, là thế giới khách quan có khả năng kiểm nghiệm được.

MN: ....nhưng điều này quan hệ thế nào với Phê Bình?

ND: Chính vì Lý Thuyết Văn Học nhiều nên theo tôi, nhà Phê Bình Lý Luận chớ tưởng tượng mình độc quyền một thứ chân lý tối cao (có tính cách tôn giáo) và cao tiếng phê bình với giọng điệu phán xét, ban phát sự thật, rồi cuối cùng, ra tay bố thí danh vọng cho nhà văn mình thích, la lối dè bỉu nhà văn mình không ưa, mặc dầu đôi khi, và nhất là, sự ưa thích vừa nói chẳng dính dáng gì đến lý luận kê khai như hù dọa. Tôi thiết tưởng, vai trò của Phê Bình là giới thiệu cách nhìn tác phẩm qua một lăng kính lý thuyết Mỹ học và Triết học mà bản thân nhà Phê Bình trân trọng, đến với độc giả để chia sẻ, và tôn trọng tác phẩm như một sáng tạo độc lập với, nhưng có thể soi sáng qua, những đánh giá của mình. Nhà Phê Bình lắm lúc tưởng mình là kẻ cầm cương cho con ngựa nhà văn trong khi công việc phê bình và lý luận văn học là sự tái tạo tác phẩm mình phê bình qua một hệ mỹ quan, mời độc giả yêu một tác phẩm (chứ nếu không thì đừng đọc, thế thôi) và hiểu một tác giả. Nhưng rất hiếm khi tôi có dịp đọc những văn bản Phê Bình như vậy. Phải chăng vì nhà Phê Bình chưa, hoặc mới nắm sơ sơ hệ mỹ quan đó, nên chi nó lớt phớt bên ngoài, chưa thành da thành thịt, và chưa khả dụng trong công việc phê bình? Hệ luận là trong sách báo hải ngoại, văn bản phê bình trưng tên những ông (bà) Tây đã có nhãn hiệu trình tòa trong văn học Âu châu ra dọa, nào là Barthes, Lyotard, Simonne de Beauvoir, rồi Derrida, Nabokov, Steiner… như bảo kê cho sự còm cõi vay mượn. Ở đây, xin nói thêm về cái vay mượn lắm khi như trò đánh tráo của người đi làm xiếc chữ. Ngôn ngữ nào cũng đèo bòng một hệ cảm quan, thậm chí một mô thức suy tư, cá biệt so với những ngôn ngữ khác. Nhà văn trong một nền văn hóa đặc thù nào cũng đèo bòng một hành trang nghiệm sinh cá biệt, và chính sự cá biệt đó lại có khả năng trở thành phổ quát. Bởi tự nó, sự cá biệt kia vẫn là một hình thái cấu thành cho cái chung, là con người. Khi mang lý luận hoặc những thành quả của văn học Âu châu ra, câu hỏi đầu tiên là nền văn học đó mang được gì cho văn hóa Việt? Tất nhiên có, và có nhiều. Nhưng theo tôi, việc phải suy ngẫm và đánh động lại là những điều nó không thể mang lại được, và đó là phần mà người viết văn bằng tiếng Việt có khả năng cống hiến bản sắc của riêng mình, không tha hóa, đi bắt chước, lấy văn dịch người làm văn của mình. Ngày xưa Phê ít, Bình nhiều trong văn cổ. Nay, chúng ta thấy Phê thì nhiều, còn Bình thường mang dạng tán tụng lắm khi đến độ làm người đọc đỏ mặt. Cuối cùng, tôi cho rằng những tác phẩm văn học đích thực là những tác phẩm phá vỡvượt qua những giới hạn sẵn có của những nền Mỹ và Triết học đã và đang tồn tại, tức là nó khai phá những bước Lý Thuyết chưa giẫm chân vào. Trong trường hợp ấy, nó đi ra ngoài Phê Bình… Dĩ nhiên những tác phẩm tầm cỡ đó rất hiếm trên toàn thế giới, từ cổ chí kim!

MN: Trong thập niên cuối thế kỷ 20 và cả cho đến gần đây, nhà văn Nam Dao nhận thấy con đường văn chương Việt Nam nói chung đã đi đến đâu? Nó có được cải biến tốt đẹp hơn, dẫn tới chân trời mở và lôi cuốn hay vẫn là con đường cũ với cảnh thổ quen thuộc, với đá gạch nhựa đường chắp vá?

ND: Đó là thập niên có ít nhiều thử nghiệm, và nền văn chương của chúng ta vẫn giữ sức bật. Như đã nói, những nhà văn trong nước đang tìm tòi cái mới, về văn phong cũng như về nội dung. Đọc Trí nhớ suy tàn, Những đứa trẻ chết già của Nguyễn Bình Phương, Tự sự 265 ngày của Hồ Anh Thái, hay Ngọn đèn không tắt của Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta dẫu chưa hoàn toàn yên tâm về mặt thành tựu, nhưng phấn khởi với những khai mở sáng tạo. Ở bên ngoài, Ban biên tập Hợp Lưu hai năm qua đã cố gắng thổi một làn gió mới, kêu gọi khai phá trong truyện ngắn và đánh động sáng tác tiểu thuyết. Với những chủ đề như Nhà cho thuê, hay Yêu, Thế hệ sau chiến tranh, Hợp Lưu tạo một sân chơi văn chương lý thú và, trong một chừng mực nhất định, cho thấy có một số sáng tác gây chú ý. Nhưng thực sự, cả trong và ngoài nước, 10 năm vừa qua không phải là 10 năm có những bứt phá đáng kể. Nói như vậy, phần nào tôi đã trả lời vế thứ hai của câu hỏi.

MN: Anh nghĩ tại sao?

ND: Giản dị thôi, trong nước, thời văn học đổi mới là văn học của phê phán và của những sự thật xã hội không còn che đậy vụng về được nữa. Ít nhất, thời đó văn chương bước qua, dẫu có chút rụt rè, sự bóng gió, ám chỉ, ẩn dụ của hai chục năm trước vốn đã gây tê trong hoàn cảnh lịch sử và khuôn khổ chính trị của cả xã hội. Nhưng sau phê phán và bóc trần sự thật là đến lúc phải xây nên những dự tuởng để vượt cái thực tại kia thì nhà văn hầu như chựng lại. Chúng ta đọc những phóng sự trên VNExpress, Tuổi Trẻ… và có khả năng nắm bắt được hiện thực xã hội nhiều hơn là đọc những tác phẩm văn chương. Hơn nữa, nắm bắt cái hiện tại dẫu cần nhưng chưa đủ để xây một cái gì mới hòng vượt thoát đến một tương lai. Muốn xây, phải có kiến thức thực sự. Kiến thức đó đến từ khả năng tư duy độc lập, kinh qua sự gạn lọc của trí tuệ và kinh nghiệm, không bó khuôn vào những ranh giới áp đặt, không dễ dãi chạy theo những mẫu mực thời thượng. Văn học tương quan với mọi mặt của xã hội. Khi nó đổi mới, xã hội đang cục cựa sinh sôi. Khi nó bế tắc, những phạm trù tưởng là tách bạch với nó cũng đang bế tắc, thậm chí ở mức độ có thể còn gay gắt hơn. Trong thời đại Internet, có quá nhiều thông tin, có người cho rằng thông tin là kiến thức. Chính vì thế người ta nêm vào đầu cho chặt thông tin. Thông tin không gạn lọc và hệ thống hóa chỉ có thể giết kiến thức và khả năng tư duy độc lập. Xã hội nương vào tập hợp những thông tin lổn nhổn chỉ còn đèo trên lưng thứ tư duy vụn vỡ cục bộ, tạo cái ảo giác kiến thức qua bằng cấp khiến nay trong nước nào Giáo sư, nào Tiến sĩ và Phó tiến sĩ thật lẫn giả… chạy rông đầy đường. Nhưng như vậy, lấy gì để xây một xã hội đang giậm chân trước thời đại, đang hoang mang trước ngã ba đường ý thức hệ, đang ngẩn ngơ bên cạnh hố sâu tụt hậu? Khi không còn nền tảng nào cả, con người, trong đó có nhà văn, không làm nổi chức năng của mình, để bản năng sinh vật đưa cả xã hội vào tình trạng thoái hóa đạo lý, quá độ tiến tới một xã hội vô luân, thuần vật thể với cái giá trị đồng tiền được nâng lên cấp thần linh và dễ dãi biện minh với thứ chủ nghĩa thực dụng hiểu ở nghĩa cạn!

MN: Đấy là trong nước, còn ở ngoài?

ND: Ở ngoài nước, những năm 80 là thời kỳ văn chương chống Cộng, có bao nhiêu mất mát oan khiên mang ra nói, mãi rồi cũng nhàm, cũng hết. Vả lại, thoát được chuyên chính vô sản thì đâm đầu vào “chuyên chính tư sản”, với tất cả hào quang của xã hội tiêu thụ thừa mứa. Với nhiều người, “hạnh phúc” tóm vào những yếu tố như anh (chị) mua nhà có vườn, mấy garage, xe anh là loại xe gì, con anh học ở đâu, có vào trường Y không? Đến thập niên 90, giai đoạn đầu là hợp lưu, tìm và nhập dòng với văn chương trong nước. Nhưng tiếc thay, hợp lưu cho đến nay nói chung vẫn chỉ một chiều, với những ảo tưởng tan ra như bọt xà phòng. Tuy có những đóng góp của một số nhà văn tuổi chưa đến 40, văn chương bên ngoài vẫn chưa dẫn đến những chân trời mở so với truyền thống. Giai đoạn cuối thập niên 90 và đầu thiên niên kỷ đã có khác, nhưng còn chập chững. Hiện đã có những cây bút trẻ tiếp tục xông vào những chân trời mở, phá những không gian khép kín, từ những chân trời đó văn phong cũng tự nó khai phóng và thay đổi. Nhưng đây mới là dăm bước đầu…

Tôi không phải là người đầu tiên nghe tiếng than rằng văn chương Việt Nam đang bế tắc. Hình như sự bế tắc này cùng một lúc hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở Âu và Mỹ châu. Hiện cả thế giới đang bế tắc: khoa học kỹ thuật thì tiến quá xa so với sự phát triển con người về cách làm người với nhau, tức là phương diện đạo lý. Văn chương bế tắc là một mặt, nhưng – một cách biện chứng – mặt kia là con người cũng đang cố vùng ra khỏi những bế tắc đó. Ở trong nước, nhà văn Nguyên Ngọc khuyên mỗi người viết nên cố nắm bắt lấy cái phông triết học cơ bản cả Đông lẫn Tây, học lấy một ngoại ngữ, đọc để mở tầm nhìn, để tiếp thu tinh hoa và những phát kiến hiện đại. Tôi cho đó là một lời khuyên chân thành và chí lý. Phải biết đọc và hiểu rõ những giới hạn cũ thì mới khai phá được những cái mới. Dĩ nhiên, cái mới nào cũng có nền tảng, và nền tảng đó chính là cái cũ, nhưng là cái cũ đã bị phủ định để làm bàn đạp mở đường khai nguồn cho sáng tạo. Tinh thần cầu tiến cầu học để sáng tạo trong ngôn ngữ của mình, khác xa với sự làm dáng, vay mượn, bắt chước kệch cỡm... thỉnh thoảng ta bắt gặp, như Mai Ninh đưa hình tượng, con đường cũ với cảnh thổ quen thuộc và đá gạch nhựa đường chắp vá…

MN: Anh vừa khoác cho văn học di dân Việt Nam thập niên 80 chiếc áo choàng Chống Cộng. Vậy theo anh, các tác phẩm trong nước cùng thời điểm ấy như Ác mộng của Ngô Ngọc Bội về thảm kịch cải cách ruộng đất, Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập về mặt kia của chiến tranh chống Mỹ cứu nước là gì?

ND: Tôi nào dám khoác áo cho cái gì đâu... Cứ giả thử tôi kêu văn chương của cộng đồng di dân cũng... hướng về xây dựng đất nước, mang đậm đà bản sắc dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy niềm tự hào từ cuộc chiến thần thánh Chống Mỹ Cứu Nước để... và vân vân... thì đúng là tôi khoác áo thụng đỏ tế sao vàng... cho một chuyện hoang tưởng. Theo hay Chống là hai mặt của một thái độ dấn thân, tự thái độ ấy đối với những người cầm bút là điều đáng quí đáng trọng. Vì thế, tôi không có thành kiến gì với văn chương chống Cộng. Sau 75, hàng trăm nghìn đồng bào vượt biên chết trên biển cả thì đặt câu hỏi tại sao và chống những cái đã gây nên sự chết đó thì có chi để trách cứ? Vấn đề trong văn chương, cho cả chống hay theo, là biểu đạt thế nào. Theo kiểu bôi hồng và hô khẩu hiệu, chẳng ai nghe. Chống bằng cách bôi đen, cũng hô khẩu hiệu, tác động chẳng khác gì mấy. Viết văn, là đi tìm, nói kiểu đã nhàm, chân-thiện-mỹ, để chia sẻ với những người đọc mình. Vậy theo hay chống, cứ việc, nhưng cho đúng, cho đẹp, và nếu có thể thì hướng đến những điều tử tế để cưu mang tương lai. Điểm chốt cho cái theo hay cái chống vẫn cứ là thân phận con người, nhất là thân phận nạn nhân, bị nghiền nát ra dưới cái bánh xe khắc nghiệt của lịch sử. Viết với chất liệu cấu thành từ máu và nước mắt của những nạn nhân thì không thể hô khẩu hiệu, hoặc bôi hồng tô đen, và cách xếp loại theo cái này, chống cái kia trở thành không mấy cần thiết.

Tôi chưa được tiếp cận Ngô Ngọc Bội nhưng đã đọc Nguyễn Quang Lập. Trong mạch này, phải kể thêm Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Nhật Tuấn... Mạch đó là mạch hiện thực phê phán, vạch trần tệ nạn về đạo lý, xã hội. Nhưng nếu câu hỏi ám chỉ họ chống Cộng thì tôi e đi quá xa, và tôi sợ đấy mới là động tác khoác áo cho họ.

Văn chương (kể cả văn luận chiến) chống Cộng không dễ. Trước tiên, phải tìm được những cái lỗ hổng trong tư tưởng Mác, và trong sách lược Lê-nin. Sau, là bản chất phong kiến của tư tưởng Mao. Kế đến, chứng minh kiểu theo đuôi không phê phán ở Việt Nam, tất cả dựa trên đòn bẩy lòng yêu nước và niềm tin rất tôn giáo vào bốn chữ thần thánh độc-lập thống-nhất, đẩy mấy chục triệu con người vào một cuộc chiến 30 năm. Cuộc chiến ấy son phấn thành huyền thoại, ấn sâu vào tâm thức dân tộc, thành khí giới bảo vệ và biện minh cho xã hội hiện nay mặc dầu, nhìn lại, nó đang hình thành ngược hẳn lại với những mục đích Cách Mạng ban đầu, có khuynh hướng phi nhân, phi đạo lý, vong thân, thực dụng đến độ bán mình như một món hàng... Tóm lại, sự thất bại của một chế độ xã hội chính trị là một sự thất bại văn hóa. Trong chừng mực, nó biểu hiện quá trình đến tình trạng một xã hội phi văn hóa, với những con người, là sản phẩm và đồng thời cũng là những tác nhân sinh thành ra xã hội đó. Đối tượng văn chương, như đã nói, là con người-nạn nhân, với những vùng vẫy, để tiếp tục làm người, với chân-thiện-mỹ...

MN: Anh có nghĩ mình viết khác hơn những ngòi bút đương thời? Nếu có, trên những phương diện nào: nội dung, kỹ thuật, hình thức…?

ND: Về nội dung và hình thức (trong đó có vấn đề kỹ thuật), tôi nghĩ tuy gọi là hai nhưng nội dung và hình thức gắn bó với nhau đến độ như một. Hình thức chuyển tải mới, chắc chắn nó có khả năng dung chứa nội dung mới. Nếu cái nội dung thực sự là mới, nó không thể bị câu thúc vào phương cách chuyển tải cũ được. Hình thức và kỹ thuật mới là cái dễ phát hiện, nhưng nó chuyên chở nội dung nào mới rất khó thẩm định. Tôi cho rằng nếu nội dung mới không có, hoặc có nhưng chưa đủ chín, những hình thức kỹ thuật gọi là mới kia sẽ bị thải vào quên lãng. Nhưng nói cho cùng, văn chương mới cả nội dung-hình thức chỉ đồng thời tồn tại với một xã hội lúc nào cũng đổi mới, với những con người nắm bắt cái mới và dũng cảm đi khai phá nó.

Những cái tôi đã viết, khác thế nào thì xin dành quyền thẩm định cho bạn đọc. Còn những gì sẽ viết, làm sao tôi biết chắc được tôi sẽ viết gì nhỉ? Nhiều khi định một đàng, lúc cầm bút thì nhân vật đẩy chính tác giả đến một nẻo khác! Trong truyện ngắn Khoảng chơi vơi, tôi có đề cập đến tương quan và tương tác giữa tác giả với nhân vật. Với tôi, đó là cả một vấn đề khi viết. Truyện sinh động khi nhân vật sống và hành động theo tính cách tác giả xây dựng, cái tính cách ấy dần dà lôi nhân vật đi, thậm chí lôi vuột khỏi ý định và tầm kiểm soát duy ý chí của tác giả. Tác giả có níu, nhân vật vẫn giằng ra. Sự đôi co này lắm lúc đẩy tác giả từ yêu đến ghét nhân vật, nhiều khi đến cả ý đồ muốn “giết” nhân vật gây vấn đề. Nhưng thật oái oăm, thế là đồng nghĩa với sự hủy hoại luôn sáng tác của mình… Nhà văn chạm tới gót chân Thượng Đế sáng tạo ra thế gian và con người ở cái bi kịch đó!

Còn với những bạn văn đương thời, khi đọc, tôi đi tìm phần hồn trong văn chương của họ. Một tác phẩm thất bại, rất dễ nhận. Đó là những tác phẩm mà độc giả bỏ rơi, truyện ngắn thì đọc dăm dòng đầu, tiểu thuyết thì hai ba trang rồi gấp lại, trả tác phẩm vào cái vực lãng quên. Vượt được cái phản ứng bị bỏ rơi, tác phẩm phải có giọng văn và tạo ra được không khí. Không khí đó tùy cấu trúc truyện, trong đó phương thức sử dụng yếu tố thời gian và không gian là căn bản. Giữ được độc giả, tôi quan tâm đến những bất ngờ, tránh để độc giả đoán trước được sự việc và dò ra diễn tiến đến chung cuộc, dẫu họ có mở ra đọc phần kết ngay từ đầu. Nhưng thể hiện được như vậy, theo tôi, tác phẩm vẫn chỉ ở mức trên trung bình. Muốn thật hay, đòi hỏi nhiều hơn. Người xưa mang hình tượng để xếp loại. Hay thì như một tiếng chuông đánh lên, ai cũng nghe thấy, và tiếng chuông còn ngân nga sau khi đọc xong. Nhưng muốn xuất sắc, tiếng chuông đó đánh làng bên này, làng bên kia vẫn nghe được tiếng chuông ngân. Tôi xin thêm, tiếng chuông ngân nga ám ảnh, và nếu có một ai đó, chỉ một thôi cũng đủ, đọc xong tác phẩm rồi thấy mình không còn nhìn sự vật và cuộc đời như trước khi đọc thì đó mới là tuyệt tác. Tiếng chuông ngân đó là phần hồn người viết. Điều này, kỹ thuật hình thức không mang đến được. Nó tùy vào nội dung, và muốn hay không, nó là cái nhà văn có gì để chia sẻ với người đọc, biết mình viết để làm gì. Khi tiếng chuông ngân từ năm này qua năm khác, thời này qua thời khác, thì nó vươn lên tầm khái quát nhất. Đó là cái mẫu số chung của con người đạt đến qua sự cá biệt của nhà văn, từ thân phận, lịch sử đến văn hóa… Tôi đã viết trong lời tựa của hai tập truyện Trong buốt pha lêKhoảng chơi vơi, rằng “Viết là cách làm người của nhà văn. Viết không đơn giản là chuyện văn hay chữ tốt. Văn chương khác với son phấn. Khác với ánh đèn sân khấu của những màn kịch tung hô. Cái còn, đo bằng độ lắng của văn chương ở chiều sâu tâm thức người đọc.” Trở lại câu Mai Ninh hỏi, vì là cái phần hồn, tôi tin mỗi người một khác và hy vọng rằng những ngòi bút đương thời trên trái đất này không ai giống ai. Và đừng ai giống ai!

MN: Chỉ trong vài năm, với 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử, 1 truyện vừa, hàng chục truyện ngắn, 7 vở kịch, 9 cái ký về một số nhân vật trong văn học, rồi còn tiểu luận, nhận định… phải xem là một công trình đáng kể, Nam Dao có hài lòng với sức viết của mình không? Đã thấy những gì mình muốn viết, muốn tỏ bày được vơi đi?

ND: Phải nói rõ, trong số truyện ngắn có 10 là những chương trong bộ Tiểu Thuyết Lịch Sử trong đó tôi dùng thể chương-hồi. Mai Ninh hỏi tôi có hài lòng không, tôi chỉ có thể trả lời, vợ con tôi thì không hài lòng lắm… Trong điều kiện thời gian hạn hẹp, tôi hơi quá đà, đôi khi tôi tự hỏi mình có viết những cái thừa thãi làm mất thời giờ người đọc không? Hy vọng rằng không, nếu lỡ có, xin bạn đọc lượng thứ cho. Còn những điều tỏ bày có vơi đi không thì dĩ nhiên là có, và cách hiểu câu hỏi cho chính xác thì… có vơi đến sắp cạn kiệt chưa? Nói đùa thôi, vơi thì có vơi, nhưng những điều muốn nói, nhất là về cái thời cận đại và hiện đại thì tôi còn. Tôi đang hoàn thành tiểu thuyết Bể Dâu, một trong cái bộ ba tiểu thuyết lịch sử mà hai tập đầu là Đất Trời và Gió Lửa. Tôi nghĩ, chúng ta mỗi người phải tái tạo và chiếm hữu lại Lịch Sử, xếp đặt những sự kiện thế nào để nhận biết sai trái, hiểu ra những nghịch lý, và định hình những chuyến tầu nhỡ trong quá khứ. Tất cả những động não đó là nhằm xây dựng một cách nhìn tương lai, mong sao cho tương lai không mịt mù như những ngày xưa khốn khó… Chủ yếu là phải đặt lại một số vấn đề Văn Hóa, và đi đến tận cùng, thôi để tầm nhìn chính trị ngắn hạn chi phối!

MN: Trong ba thể loại chính của văn xuôi, thể loại nào cho ngòi bút của nhà văn Nam Dao được ung dung phóng thả nhất? Theo quan niệm của anh, có những khác biệt đáng lưu tâm nào giữa cách viết tiểu thuyết và truyện ngắn? Nói cách khác, những điều mà một nhà văn cần phải tránh hay để ý đối với loại này hay loại kia để hình thành một tác phẩm hay.

ND: Thật tình, chẳng có thể loại nào Nam Dao ung dung được mà phóng thả! Nhưng tôi mong gây được quan tâm về Kịch bản Văn học, bộ môn chúng ta rất yếu. Kịch chủ yếu dựa trên đối thoại và là thể động, nên nhiều khi thoại trong Kịch không giống như thoại trong Truyện. Với truyện ngắn Không có vua, thoại cực hay nhưng khi Nguyễn Huy Thiệp chuyển sang Kịch thì ôi thôi, nó cứ… như thế nào ấy… Trong thời đại đầy phương tiện truyền hình truyền thanh, thiếu Kịch là thiếu một mảng lớn. Trước viễn tượng những biến chuyển xã hội, Kịch diễn trước công chúng mang ngòi của những trái bom nổ cho ý thức vuột khỏi quán tính ù lì. Vì thế, Kịch bản Văn học là một nhu cầu cấp thiết cho những xã hội cần thay đổi.

Về tiểu thuyết và truyện ngắn, khác biệt hiển nhiên là chiều dài (chứ không phải dày) của tác phẩm. Truyện ngắn cô đọng, vì thế không thể chuyển tải quá nhiều điều, tốt nhất là chỉ một, và tập trung xoáy vào nó vừa trên mặt cảm tính, vừa trên mặt trí tuệ. Văn cách trong truyện ngắn như vậy rất đòi hỏi, không phải kiểu cứ “hứng” lên là viết được. Tiểu thuyết khác ở chỗ không và thời gian thường là bao quát hơn, người viết có nhiều chỗ để vẫy vùng hơn, có thể đề cập đến nhiều nội dung. Nhưng cũng chính thế mà tiểu thuyết lại cần một thứ cấu trúc chặt chẽ, vì nếu không, người viết đi lạc, và người đọc tất nhiên cũng thế. Vì số trang tương đối nhiều, giữ làm sao cho độc giả không gấp sách quăng vào quên lãng là cả một vấn đề. Mỗi chương trong tiểu thuyết, tương đương với mỗi đoạn trong truyện ngắn nhưng khác ở chỗ là nó phải mở, điều kiện để có những chương sau. Và mở thế nào cho độc giả tiếp tục đọc là cách thế lơ lửng để kích thích tưởng tượng và tò mò của người đọc (truyện chưởng Kim Dung là bậc thầy trên phương diện này). Ngoài ra, yếu tố thoại trong Tiểu Thuyết cần hơn trong Truyện Ngắn, thứ nhất là để độc giả “thở” và thứ nhì là tăng mức sinh động (cứ thử đọc 400 trang không có lấy một câu thoại trong Đi tìm thời gian đã mất của Proust mà xem, rất mệt!). Những điều tôi vừa nói là kinh nghiệm riêng, nó có giá trị như một tỏ bày tâm tình thôi. Tôi không hề dám lập thuyết, vì chính tôi, tôi cũng có thể dễ dàng tìm ra những thí dụ trong văn học thế giới không nằm trong những kinh nghiệm riêng tư nói trên.

Cho tôi được kết thúc phần trả lời như thế này: truyện ngắn hay tiểu thuyết quí ở bề dày chứ không phải chuyện dài ngắn. Cái gọi là bề dày đến từ đâu? Từ cuộc sống, từ cách nhìn của người viết, từ những gì người viết muốn chia sẻ, nghĩa là cách nhà văn đáp câu hỏi viết để làm gì.

MN: Gần đây, trên diễn đàn văn chương, một vài ngòi bút nêu lên vấn đề văn chương dấn thân, không tránh né hiện thực xã hội mình đang sống. Theo Mai Ninh, văn chương dấn thân phê phán lại hay đi kèm văn chương ẩn dụ. Nam Dao nghĩ sao về lối viết đã gọi là phê phán mà rồi lại ẩn dụ bí hiểm đó?

ND: Ơ, lạ nhỉ, thế là có cái thể loại văn chương không dấn thân à? Hay người ta hiểu văn chương dấn thân là phải gồng lên chống cái này, theo cái nọ. Việt Nam ta thì xưa nay thể loại này không hiếm. Thế dấn thân mà lại ẩn dụ bí hiểm là làm sao? Như một kỹ thuật trong văn chương, ẩn dụ là lấy cái này để nói cái kia. Kỹ thuật cao, ẩn dụ mang tính tượng trưng và có tác động cường điệu hóa tính bi hay tính hài của điều mình muốn nói, như Métamorphose của Kafka, hay Les chaises của Ionesco. Cường điệu hóa được, bởi kỹ thuật ẩn dụ nhằm kích thích trí tưởng tượng của người đọc, quyến rũ họ gia nhập cuộc chơi tái tạo tác phẩm qua sự tưởng tượng, tư duy và cảm nhận của chính họ.

Câu hỏi, tôi hiểu, là văn chương không tránh né hiện thực xã hội nơi mình đang sống mà lại hay ẩn dụ bí hiểm thì là cái gì? Ở mức độ thành công, ẩn dụ là nghệ thuật nâng cấp phê phán đến độ triệt tiêu toàn bộ những hiện thực xã hội thiếu nhân tính. Không đạt được như vậy, ẩn dụ chẳng là cái gì cả, ngoài thứ ngôn từ có chút trí trá giả hình, lấp lửng nước đôi, để mưu cầu hai chữ bình an của những kẻ “sống khôn ngoan” với ngòi bút của mình. Chao ôi, đã “khôn” thế sao lại còn muốn viết? Chỉ khôn ngoan, tôi nghĩ họ có thể thành bất cứ ai, nhưng họ không thể thành nhà văn được. Còn nếu cứ co ngòi bút nép mình trốn trong cái “kỹ thuật” ẩn dụ bí hiểm mập mờ giữa an sinh cá nhân và một hiện thực xã hội bức bách ý thức hầu có cơ tạo nên những thay đổi tất yếu, thì một ngày kia có người sẽ nêu lên câu hỏi gay gắt về chức năng và trách nhiệm của nhà văn thời hậu đổi mới. Câu trả lời, tôi đoan chắc, là chẳng đẹp đẽ gì!

MN: Tiếp tục chuyện dấn thân”... Cách đây đúng một năm Nam Dao tham dự chủ đề Ký do Hợp Lưu đề xướng, phối hợp rồi thực hiện trên Văn Xuân Quý Mùi. Thư mời của ban chủ biên khi ấy đòi hỏi Ký dấn thân, không tương nhượng bóng tối hay tránh né thực trạng Việt Nam như nhà văn Hoàng Khởi Phong đã mạnh mẽ đề nghị Ký quạt. Ký mà bến đi là văn hoá và bến đỗ cũng là văn hoá. Nhưng sau đó, Nam Dao nhận xét nhà văn Việt chưa sẵn sàng đối mặt thực tế Việt Nam. Là một người viết Ký, đã từng có nhiều bài ký Hoàng Cầm một vị thuốc đắng, Phùng Cung thơ và người, Xổ Bụi viết về Trần Dần... anh giải thích thế nào về tình trạng khan hiếm Ký và đặc biệt thiếu dấn thân này?

ND: Bảo rằng Nam Dao nhận xét nhà văn Việt chưa sẵn sàng đối mặt thực tế Việt Nam thì có hơi quá. Trước hết, là nhà văn Việt Nam ở hải ngoại về thăm quê cha đất tổ thôi. Còn sau, đối mặt là thế nào? Nếu kể ra tệ trạng xã hội thì chúng ta thấy nhiều nhà báo trong nước, trên báo điện VNExpress chẳng hạn, đã làm những phóng sự nào là về trẻ em bụi đời, dân ghiền ma túy, nạn mãi dâm, ông thứ trưởng Lương Quốc Dũng đi mua dâm của con nít, những người ở giai đoạn cuối bệnh AIDS, các cô gái quê lên Sài Gòn đứng đợi để vài chục “chú rể” Đài Loan tuyển chọn, các kiều nữ đi “săn chồng Tây” ở khu Phạm Ngũ Lão, các công tử đại gia đua xe Mercedes, BMW... trên phố phường trong thành phố mang tên Bác (chắc ngậm cười thôi !). Những đề tài này, nếu chỉ kể, tôi e người ngoài không thể rành như ở trong đâu, cho nên bảo tránh né thực tế Việt Nam thì hơi oan. Thế không lẽ lại ký về chuyện nước phở bỏ quá nhiều mì chính? Bánh cuốn Thanh Trì mà ăn với nước mắm pha đường? Lên Đà Lạt thấy nhà cửa khu chợ ngổn ngang, không qui hoạch, và thế là... tôi buồn, tôi nhớ một thời quá vãng, nước mắt rưng rưng?

Hiện nay, phải nói trong nước tương đối thoáng hơn trước, cho nên những chuyện vặt như không cấp visa du lịch hay “đàn áp” gia đình thân quyến vì một bài ký là chuyện tưởng tượng. Xưa, thí mạng đi tìm tự do, không lẽ hôm nay mang tự do bán rẻ đổi con dấu thị thực nhập cảnh mà du khách đến từ Nhật, Singapore... vào Việt Nam không cần nữa? Chúng ta viết được cái gì mà quan trọng đến cái độ phải cấm cản ấy? Thế nhưng tại sao kêu gọi văn hữu ký “quạt”, không tương nhượng bóng tối... mà rồi không có bài?

Có thể, tôi xin giả thiết, rằng Ký là một thể loại không dễ viết chăng? Phần tôi thì thế thật. Với tôi, tôi viết về những thân phận-nạn nhân của những người tôi quí mến. Nên khi viết, tôi thấm nỗi đau của họ, hoang mang lo sợ như họ, ấm ức tủi hờn qua họ. Không như với những nhân vật ‘hư cấu’, họ có thật, và tôi đâm ra phải trải nghiệm tâm tư họ, hoá thân thành họ, và may thay, chỉ ở cái khoảnh thời gian cần có để viết về họ. Viết ký, vì thế rất mệt. Viết xong, như trút nợ. Thứ nhất là đối với họ, trả lại cho họ một chút công lý, dẫu muộn nhưng cũng là những an ủi, và nhất là lòng biết ơn về những đóng góp cũa họ vào văn hóa. Thứ nhì là đối với bạn đọc của tôi, trong quan hệ hạn hẹp cá nhân, tôi giới thiệu trung thực những con người tôi tin là đáng nhớ...

MN: Như kịch thì cũng có lúc phải hạ màn. Anh còn điều gì muốn nói thêm với độc giả Hợp Lưu, xin anh cứ nói.

ND: Chẳng chỉ Kịch, mà cuộc đời chúng ta rồi cũng đến lúc sẽ có cái ông Xanh trên kia ông ấy kéo màn xuống hộ. Mai Ninh phỏng vấn, tôi rất vui, nhưng đây là lần cuối. Chẳng phải vì tôi không dám nhận trách nhiệm về những gì mình nói, nhưng thật tình, tôi nói dài rồi mà hình như vẫn thiếu, chưa thấy mình nói gì cả? Vô ngôn, mới là bất tận ngôn! Trong cuộc trao đổi giữa chúng ta, tôi thêm một lời tâm tình. Đi tìm danh, lợi hay quyền uy có hàng trăm cách, nhưng lập thân tối kị thị văn chương, tìm qua văn chương rất hão huyền. Vì thế, nhà văn đi tìm cái phần hồn mình muốn gửi gấm, ngay bây giờ, đừng đợi mai sau, và viết như đi đến tận cùng cái thân phận mình, cần thì lấy nước mắt, thậm chí lấy máu làm mực. Cứ viết, rồi tâm nguyện như Đỗ Phủ: Văn chương thiên cổ sự. Thất đắc thốn tâm tri, nghĩa là văn chương từ muôn thuở, hay dở chỉ lòng mới biết mà thôi.

Thân xác sẽ thành cát bụi, biết đâu cái phần hồn đó của nhà văn lại không tồn tại ở cái khoảng thời gian ta không còn đó để thấy huyễn hão phù vân. Tôi sẽ bay qua thế giới này như một đám mây, và chỉ xin một hy vọng, là đừng che ánh nắng ban mai hay làm mưa nhỏ xuống cuộc đời. Chỉ thế thôi, cũng là đủ!

Mai Ninh thực hiện qua điện thư 10-2004.

Nguồn: http://amvc.free.fr/Damvc/Nam_Dao/TapVan/TrachNhiemNhaVan.htm