Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (461): Phan Nhật Nam (kỳ 1)

Kết quả hình ảnh cho "Phan Nhật Nam" 

Phan Nhật Nam tên thật là Phan Ngọc Khuê sinh ngày 9 tháng 9 năm 1943 tại Nại Cửu, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cha ông là Phan Văn Trình gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam là cán bộ kháng chiến chống Pháp, năm 1954 tập kết ra Bắc Việt Nam. Năm 1963, ông tốt nghiệp khóa 18 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt với cấp bậc Thiếu uý và được chọn vào Binh chủng Nhảy Dù. Trước biến cố 30 tháng 4 năm 1975, ông đã mang cấp bậc Thiếu tá của Binh chủng này.

Ông là một nhà văn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tác phẩm đầu tay của ông là cuốn Dấu Binh Lửa (1969). Tiếp theo là các tác phẩm: Dọc Đường Số Một, Ải Trần-gian (1970), Mùa Hè Đỏ Lửa (1972), Dựa Lưng Nỗi Chết (1973) và Tù Binh và Hòa Bình (1974). Những tác phẩm của ông đều lấy Chiến tranh Việt Nam làm bối cảnh.

Sau 1975, ông bị bắt giam vào trại tập trung cải tạo 14 năm (1975-1989), nhiều lần bị biệt giam hàng năm trời trong hầm tối. Ông cũng làm ra nhiều bài thơ.

Năm 1993 ông sang Mỹ định cư và cho ra mắt những tác phẩm: Những Chuyện Cần Được Kể Lại, Đường Trường Xa-xăm (1995), Đêm Tận Thất-thanhMùa Đông Giữ Lửa (1997). Năm 2002 cuốn Những Chuyện Cần Được Kể Lại được phát hành với ấn bản tiếng Anh dưới tựa The Stories Must Be Told.

Tác phẩm Mùa hè đỏ lửa của ông được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Tổng thống Việt Nam cộng hòa năm 1973.

Theo Wikipedia

Phan Nhật Nam trò chuyện với Lan Chi

Một trong các phóng viên chiến trường nổi tiếng thời trước 75 là Phan Nhật Nam. Bút ký chiến tranh Mùa Hè Đỏ Lửa được Giải Thưởng Phóng Sự Chiến Trường. Một giải thưởng mà nhà văn Chu Tử đã cho rằng trị giá không tương xứng và có ý định trao một giải khác có phần thưởng vật chất cao hơn. Một tác giả mà cuốn sách đầu tiên được nhà phê bình Hải Lưu (Đỗ Quý Toàn) đưa ngay lên màn ảnh nhỏ của TV với những lời giới thiệu trân trọng trong khi ông chưa hề gặp mặt PNN. Một tác phẩm tiêu thụ trong thời gian ngắn với số lượng 5.000 quyển và được tái bản nhiều lần.

Tôi quen anh vào khoảng 2006. Dáng khá cao, tính tình giản dị, tận tuỵ với bạn bè. Trí nhớ thì thật siêu phàm. Anh nhớ được nhiều chi tiết rất nhỏ.

Hè 2013, tại Quận Cam, tôi nghe Phan Nhật Nam trải lòng…

Tôi sinh năm 1943 ở Huế với tên đầu tiên là Phan Ngọc Khuê nhưng giấy khai sinh là ngày 28/12/1942 và đổi thành Phan Nhật Nam. Thuở bé tôi từng ở chiến khu với cha mẹ vì hai ông bà đều là cán bộ Việt Minh. Năm 1952, tôi vào Đà Nẵng học tiểu học ở Saint Joseph. Từ 1955 đến 1960 vào Nha Trang ở với ông cậu Hai một thời gian, đi tận Sài Gòn để ở nhờ với một ông anh họ khác... Nhưng rốt cuộc về lại Đà Nẵng học trường Phan Chu Trinh đến năm 1960. Ngôi trường này tôi rất yêu quý. Tôi cho rằng đây là một nơi sản sinh nhiều nhân tài tầm cỡ thế giới. Những bạn học của tôi, những người cùng lớp sau nầy đều là những người thành công, đóng góp cho xã hội nhiều mặt. Tất cả đều con nhà nghèo, gia đình bình thường nếu không nói là tầm thường. Năm 1959, mẹ tôi dắt em gái thứ hai vào Sài Gòn kiếm sống. Một mình ở lại Đà Nẵng, và năm 1960 tôi ra Huế vì Đà Nẵng không có Đệ Nhất. Dù nhà nghèo, học dốt (thường đứng gần chót) tôi cũng lấy được bằng tú tài, hạng bình thứ vào 1961. Mẹ tôi mất đầu năm 1961 tại Huế, chưa đầy 40 tuổi.

PNN có đôi mắt quá là buồn khi kể chuyện xưa, trái hẳn với vẻ sôi nổi khi nói về thời sự chiến tranh. Thì ai chả thế. Khi mà quá khứ không phải là nệm ấm chăn êm, không phải là cha ngồi đọc báo, mẹ ngồi khâu. Cái hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước đã cướp mất của PNN những tháng ngày êm đẹp của tuổi thơ. PNN không chọn nơi sinh ra và càng không trách nhiệm gì về quyết định của bậc sinh thành. Tuy vậy những ngày tháng trong chiến khu đã giúp PNN “nhìn” thấy, hiểu được bản chất của cộng sản cho dẫu chưa đủ trí khôn của đứa trẻ lên mười. Đôi mắt trẻ thơ đã biết sợ hãi khi chứng kiến sự dối lừa, sự tàn độc, và không biết có phải vì thế mà mẹ PNN không hề “tuyên truyền” điều gì với Nam. Hẳn là bà, vì mạng sống chồng cũng như bản chất quá đổi nhu thuận, hiền lành một đời không hề nói tiếng lớn chứ đừng nói tranh cãi với ai.

Không cha mẹ, nhà quá nghèo không thể tiếp tục học, PNN vào Võ Bị Đà Lạt, Khoá 18 (đúng ra đã vào Sài Gòn khám bệnh để đi khóa 17 (1960). Nhưng do lý lịch của cha mẹ nên trường Đà Lạt không nhận). Đến Khóa 18, an ninh quân đội xét lại hồ sơ mới cho nhập học (23/11/1961). Ra trường ngày 23/11/1963. Lúc ấy, tại miền Nam, lịch sử chỉ vừa mới lật trang Đệ Nhị Cộng Hoà chưa được bao lâu. Đơn vị lần lượt là Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù Biên Hoà; TĐ 9 (1965), TĐ 2 (1968) Sàigòn; Lữ Đoàn 2 (1968) Long Bình, Thủ Đức. Bị lột lon vì tội đánh lộn năm 1970. Từ nhảy dù chuyển về Quân Đoàn III Biên Hòa; Tiểu Khu Phước Tuy, TK Long An (1970), Biệt Động Quân (1972), Ban Liên Hợp Quân Sự 4 bên từ 28/1/1973 cho đến ngày 29 /4/1975.

Tôi cắc cớ hỏi vì sao bị lột lon, vì với tôi, Nam không có vẻ gì là một người lính “ba gai”. Cái “ân cần” của PNN có từ trong máu, tôi nghĩ thế. Những năm còn nhỏ, chiều chiều PNN rửa chân cho các em, quen chăm sóc em khi mẹ đi làm chưa về. Khi mẹ mất thì càng yêu thương em hơn, phản ứng nầy đã tạo nên một PNN chú ý từng nhỏ nhặt như khi một lần đến đây, ngồi ăn ngoài sân, Nam nhỏ nhẹ nhắc tôi “Cô mặc áo ấm vào, lát nữa trời lạnh đấy” hay khi tôi chuẩn bị đổ rác từ “sing” rửa chén, Nam đã rời bàn ăn vội vã đứng dậy lấy chân mở sẵn thùng rác cho tôi. Cả khi tôi cần đi sang thành phố khác, dù bận vô chừng, PNN cũng lái xe cả hơn giờ giúp tôi. Quan sát những nhỏ nhặt ấy, tôi thấy rằng PNN sẵn tính tận tuỵ với bạn bè. Phải chăng có được điều ấy là vì PNN được dạy dỗ trong phong trào Hướng Đạo và sống cùng với bạn bè từ thuở thiếu niên cho đến hôm nay. Tuy tận tuỵ ân cần nhưng khi tranh luận, PNN cũng là một người với bản chất khá nóng nảy.

Nam: Thôi đừng nhắc, chẳng hay ho gì. Nam gây sự ẩu đả với người bạn của gia đình Tướng Đỗ Cao Trí trước Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn khi Tướng Trí đang giữ chức tư lệnh.

HLC: Thế vì sao anh lại được về Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên?

Nam: – Vì anh Võ Tín, niên trưởng của tôi trước ở nhảy dù là Chánh Văn Phòng cho Tướng Ngô Dzu. Ông Dzu lúc đó là trưởng phái đoàn. Sau đó trưởng đoàn là Tướng Dư Quốc Đống. Ông Đống là Tư Lệnh Nhảy Dù nên ông biết tôi; phó đoàn là Tướng Phan Hòa Hiệp là vai anh nhưng từ nhỏ tôi lại gọi bằng cậu.

Tháng Tư 1975, tan hàng. PNN không ra đi do một xếp đặt như là định mệnh dù đang giữ nhiệm vụ của sĩ quan Ban Liên Hợp đưa người lên phi cơ đi Mỹ tại cơ quan DAO. Quyết định ở lại như một lần anh bày tỏ với Trần VũThôi thì chấp nhận đi ở tù vài ba năm cho xong chuyện. Có gì cũng được ở lại trên đất nước mình, như quyết định có thật của Boris Pasternak. Đã sống, chiến đấu cạnh người Mỹ suốt cuộc chiến (Nhảy Dù VN là đơn vị đầu tiên phối hợp hành quân với các đơn vị Không Kỵ, Nhảy Dù Hoa Kỳ từ 1965), nếu không hiểu biết nhiều thì cũng có được vài nhận định khách quan thế nào là người Mỹ hay quân đội Mỹ. Từ 1973 lại ngồi chung với họ trong bàn hội nghị Ban Liên hợp Quân sự ở Tân Sơn Nhất. Nhưng bao trùm tất cả là quan niệm: Là Người Việt với nhau, hy vọng sau chiến thắng chung cuộc rồi, người cộng sản Cộng sản Việt Nam hẳn cũng không đến nỗi nào?” để rồi sau đó là sự giày vò triền miên “Tại sao có thể như thế? Những ngày dài suốt thời gian từ 7/9/1981 đến 29/5/1988 tôi chỉ ao ước được đưa bàn tay ra khỏi khung cửa sổ nhà giam để xem gió mát như thế nào! Tôi thù hận ai đây? Mơ ước gì khi đã hiểu ra điều đơn giản cuối đời: Sự Thật lớn nhất là Cái Chết. En attendant Godot chăng? Không, con người chỉ chờ Cái Chết. Khác nhau chăng là chúng ta làm gì trong khi chờ lần chung kết kia.”

Ngay sáng ngày 30 tháng 4, Kim Cương, Vũ Hạnh, Cung Tích Biền lùng sục tìm người viết văn, làm báo… PNN trốn trong Trường Colette. PNN trốn ở đó cùng Chử Quân Anh vì Nam là con nuôi của ông Chử Ngọc Liễn (ông Liễn là Đổng Lý Bộ Nội Vụ). Chử Quân Anh lấy vợ quốc tịch Pháp và khu Colette lúc đó coi như nơi trú ngụ của Pháp Kiều.

Rời Colette, PNN trốn về Bà Rịa làm ruộng. Cuối cùng vợ khuyên, PNN ra trình diện ngày 23/6/1975. Cuộc đời lao tù bắt đầu từ đó cho đến ngày 19/1/1989. Xem như 14 năm tù VC với hai đợt kiên giam hơn 8 năm nằm hầm tối liên tục. Đến bến bờ tự do năm 1994.

HLC: -HO bao nhiêu?

Nam: Coi như HO 22 nhưng thực tế là RD # 4. (Rapid Departure). Đây là một chương trình đặc biệt do Trung Tướng John Vessey, đặt vấn đề với Hà Nội đầu tiên. Cũng có vài người từng nằm trong RD như Doãn Quốc Sĩ, Như Phong… Ngày đó dù có tên RD nhưng xin passport mãi không được. Cuối cùng nhờ BS Phạm Đức Vượng (hiện đang cư trú San Jose) dắt xuống Cần Thơ làm passport rồi mới được phỏng vấn.

Tôi hồi tưởng lại bài Trần Vũ phỏng vấn PNN. “Tôi đi Mỹ cứ như hắt cặn nước. Tôi đi Mỹ nhẹ tênh vất điếu thuốc. Quê hương gầm gừ khinh miệt. Đất xa trọn chốn lưu đầy… Trần Mạnh Hảo khi tiễn ra phi trường (5/11/1993) có lời cảm khích: Thế nào ông cũng khóc khi ra khỏi nước! Thế nhưng tôi đã không biết phi cơ cất cánh lúc nào, ngủ ngay khi vừa ngồi xuống ghế trên máy bay. Nhìn đâu ra Sài Gòn của Miền Nam khi toàn phi hành đoàn phát âm giọng Bắc vùng Thanh, Nghệ… Nghe ngang ngang, cứng cứng; thái độ khinh khỉnh, xấc xược (do biết chuyến bay thuần là người tỵ nạn đi diện H.O). Những năm đầu tiên ở Mỹ (1994-1996) tôi luôn ở trên đường xa như nhân vật trong phim Forrest Gump.

Sao thế nhỉ. Hắt cặn nước? Nhưng tôi không muốn suy nghĩ lâu về điều ấy. Tâm trạng ra đi rất khác cho mỗi người. Tôi không phải là Nam, người lính VNCH có cha tập kết, có mẹ hoạt động nội thành, có em gái tự tử bỏ ba con thơ, có người cha vào trại thăm, nhìn nhau coi như không có, nên tôi không thể có cảm giác hắt cạn nước. Cũng như cái cảm giác của Forest Gump. Chạy mãi, chạy mãi…

PNN có bảy tác phẩm trước 1975: từ tác phẩm đầu tiên Dấu Binh Lửa, Dựa Lưng Nỗi Chết, Dọc Đường Số 1, Ải Trần Gian, Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh Hoà Bình. Nhà xuất bản sách đầu tiên cho PNN là Đại Ngã của Nguyên Vũ, sau đó là Sáng Tạo của Doãn Quốc Sĩ và sau cùng, quan trọng nhất là Hiện Đại của Nguyễn Văn Thành.

PNN được khá về toán vì do các bạn cùng lớp kèm lại (sau này là các giáo sư Tôn Thất Tuấn, Tôn Thất Hải, Trương Công Nghệ, Lê Tự Hỷ của giới toán học, khoa học quốc tế…); nhưng rất kém về Việt văn. Nhờ cô giáo Quế Hương (người chồng là Bác sĩ Nguyễn Khoa Nam Anh, anh của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam) coi bản điểm thì mới biết chỉ “1. ¼” nên hỏng kỳ đầu khóa thi 1960. Từ thi Trung Học Đệ Nhất cấp cho đến hai lần tú tài đều hỏng oral, hỏng kỳ đầu là vì Việt Văn.

Tôi cảm thấy thú vị “Thế Nam bắt đầu viết từ khi nào? Vì lý do gì?”

Nam: -Nguyên Vũ là bạn cùng lớp thân nhau từ ngày di cư vào Đà Nẵng, 1954. Lúc bấy giờ, 1968 anh chàng đã nổi tiếng, kiếm ra tiền nhờ viết sách. Vào dịp cộng sản công tổng kích Mậu Thân, khi cùng chung phòng hành quân Lữ Đoàn 2 Dù Vũ là sĩ quan liên lạc pháo binh nhảy dù). Tôi hỏi Vũ viết sách như thế có tiền không. Vũ nói bản quyền đến 80.000 đồng trong khi vàng chỉ 8.000 đồng một lượng. Nghe hơi hướng 80.000 đồng trong khi lương cấp uý của tôi bấy giờ chỉ 7, hoặc 8000, nên tôi bảo sẽ viết hay và thật hơn. Vì là lính bộ binh nhảy dù nên hiểu sức nặng của nón sắt trên đầu, ba-lô trên vai..

Do sự thúc đẩy của Nguyên Vũ, PNN viết. Nguyên cớ có thể nói là do viết sách sẽ được nhiều tiền hơn lương lính tác chiến. Tuy vậy, làm sao người “dốt” Việt văn lại có thể viết được nhỉ? Nam cười lành: “Nhà nghèo, tôi không có sách để đọc nên rất dở Việt văn từ thuở trung học như đã nói. Thời gian ở Võ Bị Đà Lạt, không có tiền ra phố, vì lương sinh viên sĩ quan không bao nhiêu lại phải gởi về nuôi em. Ngày Chủ Nhật, khi mọi người đi chơi thì tôi cỡi ngựa của trường, hoặc vào thư viện tìm đọc sách các tác giả viết, dịch sang Pháp văn. Tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các cuốn La Vingtcinqieme Heure, La Second Chance, Vol de Nuit… Tôi áp dụng những hiểu biết, kỹ thuật nầy khi viết Dấu Binh Lửa. Họ viết câu ngắn, giản dị nên lần lần tôi thấm hiểu các ông Constantin Gheorghiu, A. Camus, Hemingway, Saint Exupery, Chekov… Nhưng tôi nể phục nhất là Dostoievsky.

Định mệnh đã mỉm cười với PNN. Nguyên Vũ đọc, khen hay rồi xuất bản. “Dấu Binh Lửa”, tác phẩm đầu tay, dày trên 300 trang, in lần đầu 5.000 cuốn. Bán hết trong thời gian ngắn vì người lính đọc rất nhiều. PNN nói rằng anh viết về họ đúng như đời sống thật. “Giới văn học ngoài Bắc cũng không thể phủ nhận như Vương Trí Nhàn, Tô Hoài… dù tỏ vẻ đả kích cho đúng lập trường… Một ông từ Hà Nội (tôi đoán là Hà Minh Tuân) lên trại tù Yên Bái (1978) để tỏ lời ngợi khen cũng từ cuốn nầy” PNN nói. Nhà phê bình Hải Lưu (Đỗ Quý Toàn) đem lên chương trình Văn Học Nghệ Thuật của TV Sài Gòn quảng cáo, khen ngợi. Hải Lưu cứ ngỡ tác giả là một người tóc lớn tuổi và từng kinh qua nhiều chiến trường. PNN chỉ gặp Đỗ Quý Toàn mấy năm sau khi Nam đầu quân với Tuần Báo Đời của Chủ Bút Trùng Dương, Nguyễn Thị Thái.

Trước đó, Võ Bị Đà Lạt có báo Đa Hiệu, PNN tập tành viết vở kịch “Sau Cơn Lụt”. Vở kịch này được gửi cho Bách Khoa và “bị” Lê Ngộ Châu chê “yếu” quá. Năm 72, PNN mới viết cho báo Diều Hâu của Phạm Huấn, Nguyễn Đạt Thịnh, chuyên phóng sự chiến trường. Tuy thế, vẫn chưa thành nhà nghề, giới viết văn Sài Gòn vẫn không nhận vào hàng ngũ của họ vì coi Nam chỉ là một anh lính nhẩy dù lỡ nhẩy vào văn chương mà thôi. Mấy mươi năm sau ở hải ngoại cũng thế, “các ông gọi là nhà văn” có những sinh hoạt riêng tư, Nam không tham dự. Sau Nhà Xuất Bản Đại NgãSáng Tạo của Doãn Quốc Sĩ. Tuy thế, PNN bắt đầu “bật” lên từ vận động của Nguyễn Văn Thành. Ông Nguyễn Văn Thành trước kia bán sách dạo cho con nít trước chợ Tân Định. Khi khá, ông mở NXB Hiện Đại. “Đấy là một người rất giỏi” PNN nói. “Ông ta đã lobby như thế nào đó để các tác phẩm của Hiện Đại đồng loạt đoạt giải. Trong một năm, Tuý Hồng, Nhã Ca, Thuỵ Vũ đoạt giải thưởng 1,2,3 bộ môn văn; Du Tử Lê đoạt giải thơ với cuốn Đời Ở Mãi Phương Đông”, PNN tiếp: “Cũng qua bàn tay ông nầy, Mùa Hè Đỏ Lửa mới thành hình vì nguyên thủy chỉ là những bài đăng rải rác ở Sóng Thần, Đời, Diểu Hâu…”. Ông nầy còn tạo nên hiện tượng Lệ HằngViệt Hóa Nhạc Trẻ với những bài hát như “Thuở nhỏ em với anh chơi bắn súng ben..ben..”

Kể từ khi ra hải ngoại, sách của PNN tiếp tục được xuất bản bởi Nam Á của Mai Trung Ngọc ở Pháp, Tú Quỳnh, Kháng Chiến nhưng tự xuất bản thì nhiều hơn: Những Chuyện Cần Được Kể Lại, Đường Trường Xa Xăm, Mùa Đông Giữ Lửa, Đêm Tận Thất Thanh, Mùa Hè Châu Âu, The Stories Must Be Told, Chuyện Dọc Đường, Tù Binh Hoà Bình bản tiếng Mỹ; và gần nhất là Vietnam War Epilogue do Thư Viện Toàn Cầu dịch và xuất bản.

Ngoài số lượng sách trên, PNN viết các bài ngắn, dài theo nhiều đề tài đăng khắp nơi. PNN thường viết về con người, sự kiện và các vụ việc liên quan đến VN bao gồm cả trước và sau 1975. Theo PNN, những bài đặc biệt là viết về Nguyễn Chí Thiện, bài về Việt Cộng Nằm Vùng, bài về Hiện Tượng Phân Hoá trong cộng đồng người Việt hải ngoại. PNN cũng thú vị với những đề tài về những người cộng sản phản tỉnh như Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa... Nam chỉ có hai bài duy nhất về giới nghệ sĩ là bài viết về Trần Thiện Thanh và một bài về tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa.

Cái lý do viết vì tiền nói ra lúc đầu thật ra chỉ là nói cho vui. Sự cần thiết viết từ Mậu Thân 1968 đến nay đã được PNN giải thích gọn lỏn bằng bốn chữ: Bất Bình Tắc Minh.

Tại sao phải bất bình nhiều thế?

– Thì cô coi, một anh thiếu úy 21 tuổi lần đầu đựng trận lớn ở Bình Đại, Kiến Hòa thì thấy cái gì? VC ư? Là mấy thằng con nít mặt búng ra sữa móc ở ao bèo lên. VC ư? Là hai ông bà già từ hầm chui ra sợ hãi vái lia lịa. VC ư? Là cô tên Lai, tay cầm một bọc vòng vàng, ngồi ngớ ngẩn giữa đám nhà cháy. Do quá kinh hãi, cô vất gói vàng xuống đất, tôi kêu cô ta lấy lại thì... Khổ quá, cô ấy tưởng tôi không lấy vàng thì có nghĩa cần cái khác và tính cởi khuy áo. Tôi dẫn cô ta ra bến thuyền qua Mỹ Tho gặp lại bà mẹ, cô ta mới hoàn hồn. Cũng trong một ngày đó, 20 tháng 8, 1964 khi trở về Sài Gòn dẹp biểu tình thì bị ném đá, bị chửi rủa. Chỉ một ngày, tôi chứng kiến bao sự việc như thế. Bằng ấy thứ dồn nén trong con người tôi. Phải viết ra. Không viết thì chỉ có nổi điên lên.

Thì ra thế. Là chứng nhân và thôi thúc viết từ những gì nhìn, nghe. Mà những gì PNN “nhìn”, “nghe” thì từ chiến trường, từ mỗi thước đất đi qua với cảnh khổ, cảnh chết của người dân, người lính miền Nam trước 1975, nên thứ văn chương xa hoa, lãng mạn tình yêu, tình ái, anh, em hoàn toàn xa lạ đối với anh.

Tôi tủm tỉm cười “Ngôn ngữ anh/em thì xa lạ trong văn chương Nam chứ bên ngoài thì Anh/Em với bao người rồi? Mấy vợ mấy con và mấy người tình?. PNN không nói. Anh cho rằng gia đình là những gì rất riêng tư, không nên nói ra. Người đọc là muốn đọc điều mà người ta có tham dự trong đó, liên quan với nó. Anh thương yêu ai là chuyện riêng của anh, viết vào trong sách nghe tầm phào. Gia đình không là yếu tố của chuyện viết lách. Chỉ một lần viết về vợ con là cuốn Bi Ký viết trong tù (1979-1981). PNN cũng kể vui câu chuyện là Tết năm 1974 qua 1975, Chu Vị Thuỷ, vợ của Họa sĩ Đằng Giao là bạn thân thiết có hỏi sao không thấy Anh Nam có liên hệ này nọ thì hôm sau PNN mới đưa vợ con đến. Vậy thì có lẽ độc giả nào tò mò cũng đành chịu thôi.

Kỷ niệm đáng nhớ trước 1975 là lần ra Bắc trao trả tù binh, Ngày 4 tháng 3, năm 1973 có mang theo cuốn “Mùa Hè Đỏ Lửa” theo lời cố vấn của Nguyễn Văn ThànhĐỗ Ngọc Yến. Kể từ khi cha tập kết, chưa bao giờ có liên lạc, ngày trao trả đó có Bùi Tín đi cùng theo một dự mưu mà sau nầy mới rõ. Bùi Tín hỏi PNN có muốn gặp cha không, anh trả lời có. Nhưng PNN dí dỏm tự ví mình như Vi Tiểu Bảo bằng sự ma mãnh như sau: Đoạn đầu, anh trả lời rằng muốn ở lại Hà Nội để gặp cha, đồng thời còn bịa rằng người phóng viên bên cạnh là bạn học cũ. Lúc ấy có khoảng 30 phóng viên quốc tế, đa số thuộc khối xã hội chủ nghĩa hay Đông Âu vây quanh. Đoạn sau thì bất ngờ PNN nói ngược: “Tôi vừa nói láo mà các ông đã tin!! Cái láo sơ đẳng nhất mà sao các ông tin được? Tôi là người Huế, anh ta là người Bắc thì làm sao là bạn học thuở nhỏ được? Tôi là người Huế nơi mà người cộng sản vừa chôn mấy ngàn người, có chứng cớ đây.” PNN đưa tài liệu là hình ảnh do anh chụp trong cuốn mùa Hè Đỏ Lửa.

PNN tiếp “Tôi chỉ mới nói láo sơ đẳng vậy mà các ông đã tin, thì các ông biết gì về những trò hiểm độc, dối trá của CS?”. Bùi Tín lúc đó là sĩ quan báo chí của phái đoàn Bắc Việt thấy mưu định “chiêu hồi” PNN ở lại Hà Nội không thành nên thúc giục Nam lên máy bay để đi về. Nhưng Đài Hà Nội cho phát lời PNN nói trong đoạn đầu (với ý muốn gọi là “muốn ở lại Hà Nội để gặp cha”) và không phát đoạn sau nên khi trở về PNN bị phạt 60 ngày trọng cấm về tội phát biểu bất lợi cho quốc gia và tội phổ biến tác phẩm bất hợp pháp.

PNN đến San Jose cuối năm 1993. Từ đó di chuyển qua nhiều tiểu bang, đi khắp thế giới, xuống đến Úc, lên tới Bắc Âu để gặp bạn bè phổ biến các sách mới xuất bản. Sau đó vì con gái mua nhà ở Houston và PNN về ở đây đến 1998. Trong thời gian này PNN có ghi danh học University of Houston. Năm 1998, PNN đến Minnesota làm social worker cho VSS, một văn phòng xã hội của chính phủ do Đại Tá Lữ Mộng Chi, em Trung Tướng Lữ Lan làm giám đốc. Ông Chi là một trong những sĩ quan giỏi về tổ chức và tham mưu của QLVNCH. Nam cũng làm chuyên viên thuế cho Sở Thuế Vụ Minnesota và đi học ở U of M. Đi học là do thích học chứ không phải vì trọng khoa bảng, công danh. Cho nên đến giờ nầy vẫn không có cấp bằng nào cả. PNN nói rằng anh thích Đỗ Ngọc Yến là vì điểm nầy.

Nói về những ngày tháng đi học, PNN bày tỏ: “Tôi rất thích lối giáo dục của Mỹ. Thật tuyệt vời. Họ dùng câu văn ngắn gọn và focus vào sự kiện. Còn nói về thuế thì ở cấp độ cao thế nào tôi không biết chứ người thường thì rất khó trốn thuế, một cent cũng không thể thiếu.” Tôi bật cười khi nghe nói vậy. Một quốc gia tân tiến bậc nhất với bao kinh nghiệm từ những đầu óc siêu việt thì đương nhiên người thường làm sao có thể qua mặt phạm luật pháp được.

Năm 2003 PNN bị mổ gan mật nên anh về Denver ở hai năm với gia đình em gái út, Phương Mai, với sự giúp đỡ hào hiệp của Nguyễn Trọng Hùng, đại uý của Đơn vị 101. Năm 2005 do Denver lạnh quá, PNN bèn quay lại California nhưng chọn miền Nam. Tại đây sinh hoạt viết bài cho các báo vùng Orange Countycũng như các nơi khác ở Gia Nã Đại, Úc. Trong khoảng thời gian này, PNN thuê phòng của nhà Hồ Văn Sinh ở cùng Nguyễn Chí Thiện, người quen từ Trại Ba Sao, Hà Nam Ninh trước khi về Nam, 1981.

Một cơ duyên đến. Nam Lộc mời PNN làm show ASIA 50 về Trần Thiện Thanh, do đã làm một lần năm 1972 với cơ sở Tiếng Hát Đôi Mươi của Trần Thiện Thanh về Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo, với bài Người Ở Lại Charlie. Sau đó SBTN mời PNN làm biên tập viên cho đến hôm nay. Một số chương trình PNN biên tập hay thực hiện riêng như: Những Vấn Đề Của Chúng Ta, Văn Học Nghệ Thuật; hay nhũng chương trình dài hạn như Sống Cùng Mệnh Nước Nỗi Trôi của Ngọc Đan Thanh; hoặc Kim Nhung Show như Lịch Sử VN Cận Đại; 1975, Một Cuộc Đổi Đời; Trên Hành Trình Tự Do và mới nhất là Thời Sự Ngày Mai với Kinh Tế Gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Báo Sống là một trường hợp đặc biệt. Nhân xem các chương trình do PNN biên tập, thực hiện một mình hay làm chung, các bạn trẻ của Tuần Báo Sống đề nghị PNN biên tập lại các bài để đăng Sống.

Tháng 10 sắp tới đây, Người Lính Viết Văn lại dong ruổi lên đường đến Dallas, San Jose, Sacramento để giới thiệu hai tác phẩm: Cuốn Phận Người Vận Nước, tập trung các bài viết về người và tình thế Việt Nam từ 1945 đến 1975; cuốn kia là Chuyện Dọc Đường bao gồm các chuyện khá thật nghe được, chứng kiến, tham dự, sống cùng từ 1975 đến nay khắp nơi Nam-Bắc Việt Nam, ở các trại tù, trên đường đi xuyên nước Mỹ, nghe ra trên Xe Đò Hoàng..

Ai cũng có mơ ước dù to hay nhỏ. Trước khi tạm biệt, tôi cũng hỏi PNN về mơ ước của anh.

Câu trả lời nhanh gọn là: “Không mơ ước gì cả. Tất cả những gì muốn, có khi mất rất dễ dàng. Như hồi bé nhà quá nghèo, có mơ cũng không có. Khi ở tù cũng vậy, ước cũng chẳng được. Kinh nghiệm nằm 8 năm kiên giam lần hai cho tôi biết rõ như vậy. Có cái bắp ngô mong được ăn mà bỏ vào miệng lại phải lấy ra vì chạm vào cái răng sâu. Thế nên bây giờ tôi chỉ có hai nhu cầu về vật chất: Được ngủ và tắm chứ ăn cũng không cần”. PNN ngậm ngùi tiếp: “Lẽ tất nhiên rất mong được ngồi yên không phải ra đường để viết, đọc... và được yên ổn vụ nhà cửa. Hiện tại đang bị rắc rối dẫu là nhà đi thuê; sau 20 năm ở Mỹ dọn nhà 21 lần nên quá kinh sợ chuyện dọn nhà với mấy ngàn cuốn sách. Nếu được ở yên khỏi đi làm, coi chừng tôi lại đi học tiếp. Nợ Direct Loan đến hơn $7,000, không học chính phủ cũng bắt phải trả tiền lời.

Hoàng Lan Chi cũng chỉ có một nhu cầu bây giờ: Gửi tâm tình này của người lính viết văn Phan Nhật Nam đến độc giả và tôi tin rằng những cái tưởng chừng không phải là mơ ước của Phan Nhật Nam sẽ được độc giả khắp nơi đón nhận bằng việc ủng hộ thật nồng nhiệt cho hai tác phẩm của Nam. Tôi hy vọng những người yêu người lính viết văn sẽ đến gặp Nam trên đường thiên lý sắp tới từ San Jose đến Dallas, DC… vào tháng Mười 2013.

Quận Cam mùa hè 2013

Hoàng Lan Chi

Nguồn: http://hoanglanchi.com/?p=7585