Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Văn hải ngoại sau 1975 (kỳ 33): Đặng Phùng Quân – án xử

Kết quả hình ảnh cho "Đặng Phùng Quân"Nguyên quán ở Vũ Tiên, Thái Bình, trong thời gian từ 1968-1975 dạy môn Triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, trong một số năm là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cần Thơ, Đại học Cao Đài (Tây Ninh) và Đại học Hoà Hảo (Long Xuyên), từ năm 1981 cư ngụ ở Mỹ.

Trong những năm 1957-1963, Đặng Phùng Quân viết văn, làm thơ với bút hiệu Trường Dzi trên những tạp chí Sáng Tạo (hiện còn giữ được truyện ngắn Tuổi Trẻ trong số đặc biệt Hà Nội), Thế Hệ (Xuyên Sơn làm Tổng thư ký), Tiểu thuyết tuần san (Nguyễn Thiện Dzai làm Chủ nhiệm), trang Văn Nghệ (Hồ Nam /Vương Tân phụ trách), v.v. Bỏ viết từ đó cho đến 1969.

Hiện nay, ngoài tên thật còn viết với bút hiệu V.T.D.

Các sách biên khảo đã xuất bản: L'existence d'autrui et la fidelite dans l'oeuvre de Gabriel Marcel (1967), Hiện hữu tha nhân với G. Marcel (1969), Triết học và Khoa học (1972), Chân dung triết gia (1973), Triết học và Văn chương (1974), Văn chương và Lưu đày (1985), Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ (2002) [trong sách này có một bài tổng quan về tình hình triết học và văn chương 100 năm qua (tức thế kỷ XX), một bài chuyên khảo về 2 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của Trần Đức Thảo (Phenomenologie et materialisme dialectique và Recherches sur l'origine du langage et de la conscience)], Phê phán hệ tư tưởng Mac-xit (2002) [bàn về những vấn đề tha hoá, tư bản, ý thức hệ của Marx và Engels, vấn đề vật hoá (Verdinglichung) của Georg Lukács, vấn đề lịch sử của Louis Athusser, v.v.], Tấu Khúc [bàn về văn chương và triết lý](2005).

Một số tập truyện ngắn đã xuất bản (in chung hoặc in riêng): Miền thượng uyển xưa (1983), Một dặm tương thân (1987), Tự truyện (1997).

Những dự án nghiên cứu đang xúc tiến: Cơ sở tư tưởng thời quá độ, Phê phán lý trí văn chương, soạn thảo Từ điển triết học.

án xử

v.t.d

Das Gericht will nichts von dir. Es nimmt dich auf, wenn du  kommst, und es entlasst dich, wenn du gehst/Kafka, Der Prozess.

Y là người thứ mười hai trong  danh sách đoàn bồi thẩm

hãy tưởng tượng một buổi chiều êm ả, mấy trăm người ngồi trong phòng đợi lũ lượt theo dẫy số ghi trên giấy hẹn xuống tầng hầm xếp hàng theo những khu sơn màu sắc khác nhau nghe người cảnh bị  gọi tên vào từng căn phòng đánh số tòa xử và gắn bảng tên chánh án  –

dãy ghế dài ở hai cánh phòng xử

chánh án ngồi đằng sau bục cao hình vành cung, chiếc ghế đệm da đen, thành ghế cao quá đầu

mười hai ghế có tay dựa xếp thành hai hàng ở phía bên trái

phía bên phải là hai bàn giấy có cửa thông phía sau

năm mươi bảy người theo số thứ tự ngồi vào những hàng ghế dài

ở chiếc bàn lớn giữa phòng đối diện với bục cao đã có những người ngồi đợi sẵn

tiếng hô của cảnh bị yêu cầu mọi người đứng lên khi viên chánh án từ cửa cuối phòng bước vào

dưới lớp áo thụng đen, một thân hình đẫy đà, một khuôn mặt béo nộn au đỏ tạng người cao máu và hai bên tai to, dày – viên chánh án với miệng cười vui tính chào mừng những người trong phòng  và giải thích thủ tục chọn bồi thẩm

và mở đầu, một người trong đám những người ngồi ở chiếc bàn lớn giữa phòng đứng lên, tự  giới thiệu là luật sư  phía bên nguyên cáo – ông chỉ tay về phía bốn, năm người ngồi trước mặt:

đây là những thân nhân của người quá cố

nội vụ – tóm tắt những điều Y còn nhớ khi ra về – một trường hợp bất cẩn giết người, nạn nhân là một phụ nữ da trắng khoảng ngoài năm mươi tuổi sau khi giải phẫu nối bốn van tim đã nằm tại phòng điều dưỡng đặc biệt và người bị truy tố gây ra cái chết của nạn nhân là một nữ y tá da đen chịu trách nhiệm trong giờ làm việc khi sự cố xảy đến

viên luật sư nói: quý vị cứ tưởng tượng một thân nhân cần đến sự săn sóc đặc biệt trong giờ phút bên bờ sống chết, song không được đáp ứng vì người y tá đã bỏ mặc bệnh nhân, phản ứng của quý vị thế nào?      bạn mang số 14, xin lỗi tên bạn có phải là Dick? bạn có khi nào biết đến phòng săn sóc đặc biệt? bạn chờ đợi gì ở nơi đây?       bà mang số 27, Var? bà có kinh nghiệm gì về một trường hợp giải phẫu gia trọng?         có ai có thể nói về cái chết không chờ đợi ở một người vừa được cứu sống do khoa y học tối tân hiện đại; như vậy có phải lãng phí không?

ba thiếu nữ y phục trang trọng của mẫu người bàn giấy ngồi ở cùng một phía với những luật sư nguyên cáo; một cô đứng lên chào mọi người và tự giới thiệu là luật sư đại diện cho bệnh viện nơi nạn nhân được điều trị

cô ta nói: quý vị ở thành phố này hẳn đã nghe tiếng bệnh viện H. của chúng tôi, bệnh viện này được xây dựng đã gần một thế kỷ, là cống hiến của nhà tỷ phú H cho quê hương của ông, là thánh địa đã chữa trị cho hàng triệu người trong lịch sử có mặt của nó, đã đẩy lui những đe dọa của điều dữ, đã san bằng những đau khổ của nhân loại          chúng tôi rất tự hào về tổ chức vĩ mô của một trung tâm y khoa với những hệ thống máy móc tân tiến nhất hiện nay        sự việc xảy ra ở bệnh viện của chúng tôi là điều đáng tiếc vì người quá cố lẽ ra đã được những bác sĩ của chúng tôi mang từ cõi chết trở lại đời sống

chúng tôi tin sự thật này sẽ rõ

một người có bộ ria cá chốt, tóc và râu điểm muối tiêu, trong bộ âu phục xềnh xoàng đứng lên hướng về phía đám đông, tự giới thiệu là luật sư của bị cáo, ông chỉ sang người phụ nữ da đen có thân hình bề thế, mập mạp

ông ta nói: thân chủ chúng tôi là một y tá làm khoán cho bệnh viện, sau khi sự việc xảy ra, cô đã không được làm trở lại; vấn đề đặt ra là trách nhiệm và công việc, cái “hiện hữu” và cái “bắt buộc phải”

tôi xin hỏi quý vị ở đây khi phải lựa chọn điều trị, quý vị chọn theo tiêu chuẩn nào? hẳn quý vị phải tin tưởng ở một bệnh viện uy thế lớn lao như vị nữ đồng nghiệp của chúng tôi vừa trình bày? khi một sự việc gì xảy ra thì đối tượng trước tiên là cái gì?

tôi cũng xin thưa một điểm tế nhị nơi đây là cô y tá bị thưa kiện ở đây là người da đen

nhiều người giơ tay xin phát biểu, thảo luận như một bi hài kịch không có chủ đề – có thể nói để thể hiện một thái độ rõ rệt, có thể nói để bày tỏ nhiệt thành nhập cuộc, có thể nói từ một hư ngữ tuyệt đối

sau cùng khi trở lại phòng hội, không phải những người được gọi tên giữ lại để những luật sư hỏi riêng, mà là mười hai người ngỡ ngàng như vừa trúng số, hai phụ nữ da trắng, hai phụ nữ Á đông, một phụ nữ da màu, bốn đàn ông da trắng, một Á đông và hai gốc Latino

mỗi người nhận một cẩm nang khuyến cáo không tiếp xúc với luật sư đôi bên, không đem nội vụ ra thảo luận ngoài giờ hiện diện trước tòa, không tự đi điều tra nội vụ, không đem sự việc về kể lại trong gia đình

ngày thứ nhất

người quá cố  như bất kỳ người phụ nữ trung niên nào khác không có cá tính gì đặc sắc – ngoại trừ bệnh tật – căn cứ vào lời trình bày của luật sư bên nguyên cáo, khai pháo ngày đầu tiên chính thức sau khi mưòi hai nhân vật bồi thẩm đi từ  cánh cửa bên trái vào phòng xử  với mọi người hiện diện từ luật sư, nhân chứng, nguyên cáo, bị cáo, công chúng đang đứng sẵn chào cho đến lúc viên chánh án cho lệnh mời ngồi      

luật sư nguyên cáo nói: nạn nhân trong vụ án này là người mẹ của những thân chủ chúng tôi; bà là một người gần gũi thân mật trong gia đình, một người đáng thương vì nhiều bệnh tật

bà mang bệnh tiểu đường từ nhiều năm nay, lại có chứng áp huyết cao, suy thận và trong thời gian gần đây bà nhập viện ngày 27 tháng Hai và chịu giải phẫu để nối những van tim, sau đó được đưa ra phòng săn sóc đặc biệt, cho nên bà cần một sự săn sóc kỹ lưỡng; trong thời gian này bà không nói được, ngoài lúc nằm trên giường thì ngồi trên ghế di động được cột giữ chặt – sự việc đã xảy ra vào ngày 4 tháng Ba vào 7 giờ 40 chiều bà đã được phát hiện ngã từ trên ghế xuống đất và nằm bất tỉnh nhiều giờ trong thời gian bị can là y tá trực phòng và sau khi cấp cứu bà đã qua đời trong mấy ngày sau; nguyên nhân dẫn đến cái chết là cú sốc nặng do việc ngã từ trên ghế xuống sàn và không được phát hiện ngay, trong khi bổn phận của y tá là phải trông nom nạn nhân ở tình trạng đòi hỏi săn sóc cẩn thận; người y tá này đã khinh xuất trong nhiệm vụ của mình, gây ra cái chết cho một người lẽ ra đã được cứu sống nhờ khoa y học hiện đại tiến bộ

bị cáo là người y tá da đen được gọi lên làm nhân chứng thứ nhất: luật sư nguyên cáo hỏi cô có một nhận thức như thế nào về chức năng của phòng săn sóc đặc biệt, tại sao cô không phân biệt khác biệt giữa săn sóc gia trọng này với dưỡng bệnh hồi phục, cô có được huấn luyện về kỹ năng điều dưỡng cao cấp không, cô có phân biệt công việc làm khoán với nhân viên cơ hữu của bệnh viện, cô làm gì trong thời gian phục vụ, có phải cô đã bỏ mặc bệnh nhân trong suốt mấy tiếng đồng hồ nếu như căn cứ trên nhật trình báo cáo công việc

sơ đồ thứ nhất luật sư nguyên cáo đưa ra nghị trình làm việc trong ngày trên một phóng ảnh lớn sao lại tờ rời trong sổ nhật trình: 7am..8:30am...9am...10:20am...12pm...1pm...2:30pm...3:50pm...5pm....7:40pm: bệnh nhân được phát hiện nằm trên sàn

sơ đồ thứ hai chỉ thời gian nhập viện, giải phẫu, chuyển về phòng hồi sinh, thời điểm ngã bất tỉnh, cấp cứu, từ trần

sơ đồ thứ ba sao chép trang nhật trình ghi những công việc làm tỉ mỉ trong ngày xảy ra sự biến – ở cuối mỗi đoạn chuyển tiếp công việc có chữ ký của y tá trực ca

trả lời của y tá bị can/nhân chứng             chiếu theo tốc ký của lục sự

cô hành sự căn cứ trên những chỉ thị của bác sĩ qua khẩu dụ, hoặc viết tay để lại

có một khái niệm cần bàn cãi về ứng xử của cấp cứu đặc biệt hay điều dưỡng hồi phục (đối đáp qua lại không minh thi điều gì Y nghĩ)

cô khai: từ phòng trực của y tá nhìn sang căn phòng bệnh nhân qua cửa kính, rất khó nhìn thấy rõ ràng bên trong

không thể xác định thời điểm bệnh nhân ngã cho đến lúc phát hiện

thời gian sự cố là lúc đợi giao ban, trong khi phần vụ của cô trông nom hai phòng cạnh nhau

trong nhật trình có ghi 7:00 PM người bệnh vẫn được cột an toàn trên ghế

luật sư đại diện cho bệnh viện được mời để hỏi nhân chứng

câu hỏi chỉ để xác nhận an toàn của bệnh viện như một pháo đài kiên cố    

không có gì hỏi thêm sau khi được nhân chứng xác nhận đèn trong mọi phòng vẫn sáng

luật sư của bị cáo được nhường lời hỏi nhân chứng

tốt nghiệp năm nào        tại sao lại chọn nghiệp vụ này      có bị kỳ thị trong khi hành xử câu hỏi bị luật sư nguyên đơn phản kháng

những câu hỏi tiếp theo dựa trên những sơ đồ bên nguyên vừa trình bày trước đó

không có gì mâu thuẫn trong những thời điểm diễn ra; mọi việc theo một nghị trình sắp đặt từ ngày n cho đến n + 1;

câu hỏi cuối cùng quyết định là: nhân chứng không được trở lại làm việc sau sự cố

mơ hồ như thể cô ta đang bị thất nghiệp

trong giờ nghỉ của bồi thẩm ở trong nhỏ ngăn với phòng hội là một hành lang ngắn        người ta biết tên nhau tự nhiên khi ghi tên vào một tờ giấy mời tham gia bữa ăn trưa ngày thứ Năm phần đóng góp của mỗi người để làm món chili beef/bữa ăn tập thể duy nhất, có nghĩa là phiên tòa ít nhất còn kéo tới ngày thứ ba

người đàn ông da trắng trung niên vui tính, nói nhiều kể một vài kỷ niệm thoáng nhanh khi du lịch vùng hoa nam (dường như ông ta nghĩ mấy người á châu trong phòng đều là người trung quốc)/người thanh niên da trắng nhỏ tuổi dáng dấp học sinh mới bước vào ngưỡng cửa đại học ngồi im lìm như chỉ biết nghe Y nhận ra hai ngưòi phụ nữ bên cạnh thực sự không trao đổi bằng phương ngữ

người đàn ông latino tầm thước có dịp xen vào những câu chuyện trao đổi không mạch lạc để tự giới thiệu đang làm việc cho khu vực y tế quận (giữa thời buổi con số thất nghiệp đang lên cao)

buổi chiều mọi người uể oải theo dõi video ghi lại cuộc thẩm vấn giữa luật sư với y sĩ phụ trách khu giải phẫu và y tá trưởng khu điều dưỡng – những nhân chứng không thể hầu tòa vì công việc bận rộn

Y nghĩ cái chết vô bằng đối với tương lai của đối phương; (tự hỏi) mình đã có tư kiến từ lúc nào?

ngày thứ hai

luật sư bên nguyên cáo được phép nói trước tiên, đã khai pháo với những chứng cớ:

bị cáo đã bỏ mặc bệnh nhân trong nhiều tiếng đồng hồ, nếu như căn cứ trên sổ nhật trình ghi lại giờ giấc công việc

bệnh nhân ngã vì không được cột chặt vào ghế theo quy định

trong sổ nhật trình có điều ngờ vực – thói quen của cô y tá là gạch một đường dài tới tận chữ ký (có thể để phòng ngừa người khác thêm thắt vào báo cáo?), nhưng vào ngày có sự cố, y tá đã viết thêm trên đường gạch là bệnh nhân được cột chặt cẩn thận nửa thân trên và hai cánh tay

nhân chứng kế được triệu để hỏi trước tòa là một phụ nữ da trắng ngoài ba mươi, chức vụ giám sát khu săn sóc đặc biệt; cô tốt nghiệp và có  PhD về điều dưỡng

trả lời luật sư bên nguyên cáo, cô cho là bệnh viện đã làm tốt mọi chuyện để giữ lại mạng sống của bệnh nhân, căn cứ theo quá trình lâm sàng

y tá không làm tròn trách nhiệm săn sóc đặc biệt

bị cáo thiếu đạo lý nghề nghiệp

luật sư bên bị cáo phản bác: đối chiếu curriculum vitae của cô khi xin việc và những lời khai về sau của cô có công chứng, nhân chứng không đáng tin cậy vì cô khai năm tốt nghiệp hoàn toàn khác nhau – một người như vậy có thể nói chuyện đạo lý?

cô có biết bị cáo không được trở lại ngay sau sự cố?

Y nghĩ chứng cớ viết đè lên trên gạch ngang tới chữ ký của y tá bị cáo có phải do cấp trên cho phép thêm vào sau sự cố (hiển nhiên là y tá không được trở lại làm việc, cô không có quyền xem lại sổ nhật trình)               âm mưu một là, người y tá này khá nhậy cảm trong ứng xử hai là, thông đồng của bệnh viện để che đậy sự bất cẩn (tại sao bị cáo im lặng?)              luật sư bị cáo có nghĩ đến điều đó?

trong giờ nghỉ của bồi  thẩm, mười hai phán quan lại lục tục trở về phòng hội          ngồi vào chỗ (dẫu không quy định) người phụ nữ da trắng mập mạp tọa ở cuối bàn, một góc và chơi ô chữ trên máy vi tính xách tay, gắn ống nghe tai, người phụ nữ da đen ngối ở góc cuối đối diện, thỉnh thoảng tham gia một vài câu vào những trao đổi vu vơ giữa nhiều người, người phụ nữ da vàng dùng điện thoại di động nói chuyện, tiếng anh xen lẫn tiếng nhật, người đàn ông da trắng trung niên năng động, thường khai mào đề tài cho mọi người          như ám ảnh vì câu chuyện trong tòa, dẫn dắt về chủ đề nguồn gốc bệnh tật

kể ngày xưa khi chưa ai biết đến bệnh tật và con người cũng chưa nếm mùi đau khổ           có chàng thanh niên bướng bỉnh sống xa nhà làng và nhất định giam mình ở trong chòi, bà y lấy làm bực mình lắm, hàng đêm đến nơi y  rình rập đợi y ngủ  rồi cúi mình xuống trên mặt y phát ra một tràng rắm đầu độc y             chàng thanh niên nghe tiếng động và ngửi thấy mùi hôi thối nhưng không hiểu chuyện gì xảy ra             y bị đau, ốm o gầy mòn và ngờ vực nên một ngày kia y giả vờ ngủ, té ra mới biết thủ đoạn của bà già             y dùng mũi tên nhọn đâm thẳng vào hậu môn bà già, ruột gan lòi phèo, giết bà già chết ngắc

với mọi con trút (tatu – okwaru, ennokuri, gerego, bokodori) trợ thủ, y lén đào một cái huyệt để vùi thi thể ngay nơi bà già thường ngủ, dùng đất mới và chiếu phủ

cùng ngày người làng tổ chức bắt cá, quăng những mảng giây leo xuống nước, mủ cây loãng ra làm ngộp cá           và ngày hôm sau trở lại – một ngày sau vụ giết người – vớt cá, có một phụ nữ đem con đến chỗ bà già, kêu gào thét không nghe tiếng trả lời nên nàng máng con lên cành cây và dặn dò con đợi mẹ                  đứa bé trơ trọi biến thành tổ kiến

dòng sông đầy cá chết nhưng người mẹ không đi năm bảy chuyến như các bạn nàng chở cá về, nàng ăn hết cá tại chỗ, bụng chướng lên đau đớn làm nàng rên rỉ, càng rên mọi bệnh tật càng thoát ra khỏi người nàng truyền nhiễm khắp nơi giết vô số đàn ông trong làng

bệnh tật bắt nguồn từ đó

câu chuyện cũng vừa kịp giờ trở lại phòng tòa

ngày thứ ba

nhân chứng lần này cũng là y tá, con gái của nạn nhân, làm việc trong cùng nhà thương ở khu nhi đồng

hỏi cô có lời gì để khai thêm vào ngày xảy ra cái chết của mẹ cô?          cô có lên thăm chừng mẹ vào lúc trưa và 6 giờ chiều             cô có yêu cầu y tá phòng trực phải cột chặt mẹ cô khi cho bà ngồi trên ghế

như vậy là mẹ cô đã được cột an toàn trước khi ngã? không rõ, cô nhận xét y tá phòng trực là một người không mấy thiện cảm vì ít nói (tóm lại quan hệ giữa bị cáo và người nhà nạn nhân không mấy tốt đẹp vì không có thông giao đúng nghĩa)

luật sư bị cáo hỏi: cô bỏ công việc khu vực cô phụ trách để lên quan sát nơi mẹ cô nằm trong bao lâu              luật sư nguyên cáo phản đối/phản đối không hữu hiệu

nhân chứng không thể trả lời

hỏi cô có nói nhiều trong khi làm việc               luật sư nguyên cáo phản đối/phản đối không hữu hiệu

nhân chứng không thể trả lời

cô quả quyết bị  cáo không thi  hành theo yêu cầu của thân nhân trong gia dình, không tôn trọng bệnh nhân              bị cáo phản bác là tuân theo chỉ thị của y sĩ, qua chữ viết và ngôn từ

vấn đề vẫn là thời gian nhân chứng ở đó và thời gian xảy ra sự cố, người chết có được cột an toàn không? làm sao bà ta có thể ngã? trong bao lâu trước khi được cấp cứu?

nhân chứng quả quyết bị cáo không trông nom mẹ cô trong nhiều giờ đồng hồ rõ ràng có ác ý

giờ nghỉ tại phòng giải lao của bồi thẩm đoàn, tiếp tục câu chuyện nguồn gốc bệnh tật

hai người anh của phụ nữ/phạm tội gây bệnh tật đã dùng giáo giết chết nàng, một người cắt đầu nàng liệng xuống hồ đằng đông, một người cắt hai chân nàng liệng xuống hồ đằng tây               và cắm ngọn giáo xuống đất

một người góp ý: chết và sống có liên quan tới bệnh tật

một  người nói: đất và nước có liên quan tới cuộc đời

Y nghĩ: bà già và chàng thanh niên là quan hệ loạn luân; mẹ bỏ con là quan hệ đối nghịch

cái chết của người phụ nữ này thật ám ảnh

trong phiên tòa buổi chiều theo yêu cầu của luật sư bị cáo/y thị lại lên ngồi trên ghế nhân chứng (lần này không cần giơ tay thề)

Y mục kích  đủ kiểu chiến thuật chiến lược bầy ra hàng hàng lớp lớp

bị cáo xác nhận vẫn cột chặt bệnh nhân trên ghế và theo yêu cầu vào buổi chiều sẽ đưa bà ta về lại giường; trong buổi trực ngày xảy ra sự cố, y thị và một nữ y tá khác phụ trách bốn phòng, phòng trực nhìn ra bốn phòng săn sóc đặc biệt này

một bản dương ảnh được yêu cầu chiếu trên màn hình để mười hai bồi thẩm có thể hình dung khung cảnh              màn hình quét một vòng không gian từ chỗ ngồi của y tá tại phòng trực nhìn ra những căn phòng của bệnh nhân

theo lời khai của bị cáo căn phòng nạn nhân vào chiều hôm đó không mở đèn nhưng phòng vệ sinh có để đèn và (chắc chắn) có một người vào lúc đó

bị cáo phải trông nom hai phòng bệnh và có thể trao đổi với y tá của hai phòng kế cận

một sơ đồ được vẽ ngay trên tờ giấy trắng khổ bích chương máng trên một giá gỗ để luật sư hai bên có thể trưng những chứng cớ: từ chỗ ngồi của y tá đến dẫy phòng bệnh phía trước, hành lang hai bên dẫn đến thang máy và lối thoát sang tháp lầu lân cận

dường như lời khai về một bóng người trong phòng vệ sinh không được ai chú ý (luật sư hai bên không hề hỏi lại)

ngày thứ tư

Y kiểm điểm lực lượng: phía nguyên cáo có hai luật sư và mấy người phụ tá (đưa hồ sơ, kiếm tài liệu, thảng hoặc cả những người từ bên ngoài chạy vào to nhỏ với luật sư – chắc hẳn,  có thêm chứng cớ mới), phía bệnh viện có ba cô luật sư trẻ như sinh viên mới ra trường, phía bị cáo đơn độc một luật sư có bộ ria cá chốt

nhân chứng hôm nay là người con trai thứ trong gia đình                  hỏi quan hệ giữa hắn và người mẹ, hắn đáp hắn là con cưng của bà mẹ, thuở nhỏ mỗi khi có chuyện gì bực tức hắn đều tìm đến mẹ để tâm sự

hắn đã ngoài ba mươi nhưng hắn vẫn là đứa con bé nhỏ của bà mẹ

lần đầu tiên ảnh bán thân của người quá cố in qua máy vi tính được chuyền tay cho mỗi người bồi thẩm xem/chân dung một phụ nữ vào tuổi năm mươi vẫn còn nét trẻ trung, không hẳn là một mỹ nhân nhưng không xấu xí (khó thể hình dung là một người mắc nhiều chứng bệnh, tiểu đường, cao máu, cao mỡ, kích xúc, yếu thận đã khám nghiệm MRI, X-R, làm bypass...)

luật sư bị cáo hỏi: quan hệ giữa hắn và bà mẹ, hắn có ghen với cha không? hắn (dường như không dễ dầu gì mắc bẫy trước câu hỏi cạm bẫy Oedipe, ít ra hắn cũng có trình độ học thức) đáp bố mẹ đã ly dị từ lâu

hỏi: bà mẹ ở với ai                  hắn khai; bà mẹ sống với một  người chồng mới ở một cái travel trailer ngoài vùng phụ cận thành phố từ mấy năm nay

hỏi: người dượng đâu                họ đã không nhìn nhau từ sau ngày bà mẹ chết, người đàn ông đó thừa hưởng cái trailer

luật sư nguyên cáo hỏi: hắn có thương yêu bà mẹ

đáp; mọi người con có mặt hôm nay tại tòa coi mẹ như một thần tượng, một Mẹ Maria của tất cả, sự mất mát không thể bù đắp

trả lại công bằng cho cái chết phi lý này

bấy giờ Y mới nhìn kỹ khuôn mặt trắng trẻo của nhân chứng, một thanh niên tầm thước, tóc xoăn húi cao, ăn bận chải chuốt

65% lối diễn đạt của hắn có vẻ thương người mẹ quá cố thật tình, 25% tình cảm diễn xuất tính toán của kẻ được ủy thác làm đại biểu trong gia đình, vì sau đó không thành viên nào trong gia đình được dàn xếp lên làm nhân chứng

vấn để giải mã là quan hệ ám ảnh nhiều bồi thẩm vì trong câu chuyện ở phút giải lao,

một người đố mọi quan hệ trên đời này có tuyệt đối hay không?            không ai được nhắc đến nhân chứng trong ngày hôm nay và quan hệ mẹ-con, theo quy định luật pháp

dường như Y là người nhớ đến câu chuyện của Ockham (Ockham là ai? một người hỏi) – không thể; và

câu chuyện là một người thợ đang quét lại sơn trắng cho bức tường ở La Mã; hắn muốn làm thay đổi tự nhiên cho kinh thành và hắn là người đầu tiên tạo một cái mới chưa từng hiện có, bức tường màu trắng

nhưng đồng thời hắn thấy bức tường này giống với màu của một bức tường khác ở Luân đôn, vì thực tình bức tường thành phố này mầu trắng

vấn đề là người thợ quả chưa hề nghe biết bức tường thành Luân đôn màu trắng, hắn không cần biết

nhưng bất ngờ hắn đã thực hiện hai biến chuyển, bức tường la mã trở nên trắng, vả chăng trở nên giống với bức tường luân đôn

cánh hiện thực coi quan hệ này là một thực thể rất mực hiện thực, người thợ sơn tạo ra đồng thời màu trắng cho tường thành la-mã và cái tương tự giữa hai bức tường, giống như ở nơi tường thành luân đôn có quan hệ giống nhau với tường thành la mã; thành thử ra người thợ sơn đã tạo ra hậu quả cho tường thành luân đôn tương tự như tường thành la mã, dầu chưa hề đặt chân tới luân đôn

cánh duy danh coi người thợ sơn tạo thuần ra màu trắng của tường thành la mã; một khi thực sự nó đã thành trắng. giống như tường thành luân đôn và ngược lại tường thành luân đôn giống tương tự nhờ ở màu trắng đã sẵn có

quan hệ thực chẳng phải cái bằng xương thịt

cái thực của nó đến từ phẩm chất

người mẹ có thương những đứa con đang ngồi kia/những người con có thương mẹ thật tình

tuyệt đối hay không?

trả lại người mẹ (chúng tôi muốn)

nhân chứng trước khi được trở về chỗ ngồi nói như thế

bà già, thanh niên, tổ kiến, phụ nữ/ kẻ nào làm ra bệnh tật? trong bữa ăn chili không ai có đáp  án

ngày thứ năm

bị cáo lại được triệu lên ghế nhân chứng trong giai đoạn chung thẩm này; cô ta chiến đấu quyết liệt

luật sư bên nguyên thẩm vấn giờ giấc khác biệt trong sổ nhật trình; cô phản bác: không hữu hiệu

hỏi: cô không cột chặt bệnh nhân theo quy định an toàn; đáp: không rõ

khẳng định cô đã vắng mặt nhiều tiếng đồng hồ trong khi bệnh nhân ngã trên sàn; phản ứng: không thích hợp

cô không xác nhận thay đổi chứng từ trong sổ nhật trình

tóm lại, cửa phòng che khuất tình hình bên trong khi y tá ngồi ở phòng trực, bệnh nhân ngã không liên quan đến cái chết, thân nhân của người chết không yêu cầu điều gì  trừ sau khi người mẹ chết

luật sư nguyên cáo trong cáo trạng gọi sự kiện này là một vụ giết người êm ái, một tội ác đạo đức đã tước đoạt quyền sống của người chết và tình mẫu tử của những đứa con trưởng thành – cần lên án gia trọng

luật sư biện hộ cho bị  cáo xác nhận thân chủ của mình là con dê tế thần của chế độ tư bản, ông nhấn mạnh cô y tá đã bị cho thôi việc sau sự biến, dầu hợp đồng vẫn còn hữu hiệu, ông tôn trọng quyền sống của người khác nhưng ông cũng nhắc đến giải thoát là cứu cánh của bệnh tật

buổi chiều ngày thứ năm là luận hội của bồi thẩm đoàn Y nghĩ mọi sự kết thúc mau khi mười hai  người vẫn ngồi ở chỗ quen thuộc, người đàn ông da trắng trung niên năng động mặc nhiên được mọi người đồng thuận là trưởng nhóm, điều hợp thảo luận

bốn câu hỏi được nêu trong bản hướng dẫn của chánh án: nhận xét là y tá bị cáo không có trách nhiệm trong việc bệnh nhân bị tai nạn đi đến chỗ chết; bị cáo không trực tiếp là người làm cho bệnh nhân chết; nếu từ 10 hay nhiều hơn biểu quyết đúng thì không cần tiến hành hai câu kế tiếp; hay nhận xét bị cáo hoàn toàn chịu trách nhiệm việc gây ra tai nạn cho bệnh nhân; đề nghị trừng phạt như thế nào, trong đó có đề nghị số tiền đền từ 25 ngàn trở lên cho mỗi người con trong gia đình người chết

Trưởng nhóm đề nghị cách làm việc; thảo luận rốt ráo những trọng điểm và thắc mắc, hay mỗi người trình bày cảm nghĩ cá nhân để bỏ thăm xác nhận

những đề nghị yêu cầu tòa cho xem lại lời khai của y sĩ về sự cố và cần xem lại cuốn video đã trình trước tòa; viên cảnh bị đã đem lại những chứng cớ yêu cầu theo lệnh của chánh án

người thanh niên da trắng dáng dấp học trò ít nói trong giờ nghỉ của mấy ngày họp mặt bồi thẩm là người nói nhiều trong thảo luận, cậu ta tin là y tá đã nói dối trong những lời khai trước tòa và phạm tội bất cẩn trong khi săn sóc bệnh nhân

cô thiếu nữ mập mạp chơi vi tính cảm động muốn khóc khi nói đến nỗi thương tâm của chàng thanh niên nhân chứng mất mẹ, cô cũng nghĩ đến những người con khác – nỗi đau đớn không thể đền bù

trưởng nhóm đồng tình với những nhân chứng điều dưỡng đã khai trước tòa trách nhiệm thuộc về bị cáo – ông nghĩ cần trừng phạt

người đàn bà nhật không phản bác nhưng bày tỏ quan niệm về sự tự nhiên xã hội trong cái chết phương tây                 người ta không chết ở nhà, của gia đình                nhưng chết ở một nơi khác

bệnh viện ngày nay là nơi để chết/ bà ta dùng chữ designated spot for dying

có một thống kê xã hội chỉ ra hơn 70% người ta vào nhà thương để chết, để không chết ở nhà     

buổi chiều kết thúc: tám trên mười hai người giơ tay biểu quyết sau câu hỏi đưa ra rất mau của trưởng nhóm (dường như bất ngờ với dự tính chung cuộc – hắn, chàng thanh niên trẻ và hai người phụ nữ da trắng không đồng tình) là y tá vô can – tiếp tục ngày thứ sáu

ngày thứ sáu

Y đi ngang cửa phòng tòa vào buổi sáng, bóng dáng những người luật sư đôi bên ngồi bên trong, những chồng hồ sơ dầy cộm đã được cất đi trơ lại dẫy bàn trống

tưởng tượng một điều người ta không thấy một ngày như những ngày trước đó cô y tá như thường lệ buổi sáng đến chích insulin cho bệnh nhân ghi vào sổ giờ làm việc sau đó đỡ bệnh nhân từ giường ra ghế nằm cô nhớ cẩn thận cột giây an toàn cho bệnh nhân cô đi sang phòng bên thăm một bệnh nhân vừa được đưa từ phòng giải phẫu vào chiều ngày hôm trước cô chưa kịp đọc lý lịch bệnh tình của người mới trừ lời dặn viết trên giấy treo ở cuối giường, quay trở ra phòng trực gặp bạn đồng nghiệp phụ trách hai phòng kế bên là người cô ưa thích, không phải vì khổ người (cô y tá kia thon nhỏ, tương phản với cô), họ cũng không ưa cùng những món ăn, sở thích nhưng họ cùng hoàn cảnh, làm khoán cho bệnh viện do cơ quan trung gian điều hợp phái tới, giá biểu giờ cao hơn cơ hữu nhưng không có phúc lợi bảo hiểm

buổi chiều quả  thực con nhỏ y tá ở khu nhi  đồng leo lên thăm mẹ (cô nghĩ, nó bỏ đi hàng giờ mà cấp trên không biết, nó quanh quẩn trên này, hỏi nhiều điều rối trí, cô giả bộ làm ngơ không nghe rõ) cô nghe nó cằn nhằn chửi rủa trong miệng, như những đứa con khác của người đàn bà nằm bệnh, mổ xẻ. trợ tim , chích thuốc... thân hình bà vẫn còn nét xuân mơn mởn

ngại đố kỵ cô cố tình tránh nó, và cô nhớ tắt đèn phòng để dỗ giấc ngủ bệnh nhân

người đàn ông cũng tránh đứa con riêng của vợ, đợi nó đi ra rồi mới lén vào phòng/hắn nghĩ là rất chính đáng đến thăm vợ sau nhiều ngày họ xa nhau – sau một trận tranh cãi kịch liệt với bầy con riêng của vợ, bọn nó đã trưởng thành, đứa nào cũng có công ăn việc làm của bọn cổ cồn trắng, chúng khinh miệt thứ lao động như hắn; phòng không thắp sáng, người đàn bà sau mấy năm chung sống ở trailer nằm theo chiều dốc của ghế mặc áo nhà thương không cài nút, đôi vú trắng mởn phía dưới bụng để lõa những sợi lông vàng, hắn để bàn tay lên đùi nàng cảm tưởng như nàng hé mở đôi mắt miệng mấp máy muốn nói một điều gì, hắn cởi giây an toàn bỗng dưng hứng khởi và  hắn đã kéo giây khóa quần xuống thật mau ở tư thế làm tình như thoáng vào trong người nàng, cái sướng khoái vụng trộm chớp nhoáng khi hắn chạy nhanh vào phòng vệ sinh để thoát nước tiểu và dòng tinh khí xuất nhễ nhãi trước khi chuồn mau và sau lưng thoáng nghe như tiếng đổ                  _____________người đàn bà trong cơn mê cơn tỉnh ngã xuống

Y rõ sự thực ấy biết ngỏ cùng ai, để xứng đáng lấy được mười phiếu thuận cho đủ túc số    

đặng phùng quân

Nguồn: http://www.gio-o.com/DangPhungQuan/DangPhungQuanAnXu.html