Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Tản mạn quanh chuyện ĐẠI THẮNG hay QUỐC HẬN

Hà Sĩ Phu

1/ Đại thắng hay quốc hận?

Trong sự kiện 30-4-1975 của chiến trường Việt Nam, miền Bắc thắng miền Nam nên miền Bắc gọi đó là đại thắng, miền Nam thua và gọi đó là quốc hận. Nếu thoát ra khỏi nhãn quan của mỗi bên, chỉ lấy lợi ích và tương lai của cả đất nước, của toàn dân làm trọng thì xin hỏi biến cố kết thúc cuộc chiến như tháng Tư năm 1975 ấy là điều tốt hay xấu, có lợi hay có hại, đáng mừng hay đáng tiếc đây?

Có thể viện dẫn một chân lý chung đã thành kinh điển “Chiến tranh, nhất là nội chiến thì dù bên nào thắng, nhân dân cũng là kẻ thua”, nhưng cũng phải nói thêm: khi bên thắng là Cộng Sản (CS) thì sự “thua” của nhân dân có phần đậm hơn! Bởi CS thắng thì đưa cả nước vào quỹ đạo CS là quỹ đạo của một chủ thuyết có tính chất dân túy (Populismus), ve vãn người dân bằng những ảo tưởng đến mức độ ngớ ngẩn về mặt khoa học, nhưng lại có sức lôi cuốn, kích động, cực đoan nên tàn phá xã hội đến mức tan hoang. Giương cao búa liềm Công Nông nhưng Công Nông thời CS khổ hơn bao giờ hết. Riêng VN thì con đường CS còn dẫn đến một đại họa bao trùm hết thảy là nạn Bắc thuộc mới, trở lại mối họa truyền kiếp với nước khổng lồ Bắc phương. Một “đại thắng” của chuyên chính CS toàn trị lại trở thành một “quốc hận” đối với quốc gia, với nghĩa như một điều đáng ân hận, điều không may, điều đáng tiếc cho đất nước bởi khi CS nắm quyền toàn trị nó cản trở một cách mãnh liệt con đường Dân chủ pháp trị là con đường văn minh chung của nhân loại ngày nay.

2/ Những tấm gương của thế giới chứng minh điều gì?

Có ba nước cùng bị chia đôi, một nửa thành CS một nửa vẫn là chế độ Dân chủ pháp trị của thế giới văn minh, đó là nước Đức, Việt Nam và Triều Tiên.

Lịch sử đã bày ra ba tình huống khác nhau: Ở Đức chủ nghĩa CS sụp đổ, phần Tây Đức dân chủ làm chủ hoàn toàn đất nước thì có sự bao dung, hài hòa, tiếp tục là một quốc gia cường thịnh và dân chủ bậc nhất châu Âu.

Triều Tiên thì CS phía Bắc lúc đầu ngoan cố, hiếu chiến nhưng không thể khuất phục nổi nửa phía Nam nên dần dần được chính sách “Ánh dương” nhân đạo của Nam Hàn cảm hóa, nay đang có triển vọng hai miền bắt tay nhau thì hứa hẹn một quốc gia phát triển và hùng mạnh. Còn ở Việt Nam thì máu hiếu thắng của CS kết hợp với viện trợ của “kẻ thù truyền kiếp” Trung Cộng nên đã chiếm trọn miền Nam, đưa cả nước vào quỹ đạo CS thì đang tụt hậu khủng khiếp như ta đang thấy, kém thua bè bạn xung quanh hàng thế kỷ, có nguy cơ mất luôn cả độc lập! (xin không mô tả ra ở đây vì mọi việc đã phơi bày hàng ngày trên khắp các phương tiện truyền thông).

Đối chiếu tình hình ba nước ấy rõ ràng bật ra quy luật: ở đâu mà Dân chủ pháp trị đứng vững (Hàn Quốc) hoặc hoàn toàn làm chủ (Đức) thì ở đó tình hình sáng sủa, trái lại ở đâu CS thắng thế bao trùm thì ở đó xã hội phân ly, kinh tế bất ổn, văn hóa suy đồi và tương lai mất nốt cả độc lập, đó là Việt Nam. Đích danh thủ phạm đã hiện ra rõ mồn một chứ còn gì nữa, đó là chủ nghĩa CS, chủ nghĩa mà trí tuệ hiện đại của toàn châu Âu đã tổng kết thành nghị quyết 1481, đã chỉ rõ CNCS chẳng qua là một ngộ nhận nhất thời, một đại họa nhất thời của nhân loại, phải được loại trừ.

Tình hình đã rõ như thế, nhận thức tiên tiến của con người đã rành mạch như thế mà những người cầm quyền ở VN vẫn cứ nhất mực “kiên trì” cái chủ nghĩa phản động, phản tiến hóa ấy (mặc dù chính người đứng đầu ĐCSVN cũng phải công nhận một thế kỷ nữa cũng chưa rõ chân dung cái chủ nghĩa ấy sẽ có diện mạo thế nào). Biết rõ một chủ thuyết chỉ là tà thuyết nhưng không bỏ được vì không được bỏ! Mà quyền chọn con đường đi cho đất nước mình mới là Dân quyền và Nhân quyền cơ bản nhất, nó quyết định mọi thứ quyền cụ thể khác. Khi cái quyền cơ bản nhất ấy đã bị áp đặt thì xin đừng khoe các quyền khác làm gì!

3/ Những lực cản chính

Xin điểm vài nguyên nhân chính khiến cho tà thuyết chính trị Mác-Lê vẫn cứ trễm trệ trên đầu nhân dân ta:

- Chế độ chính trị Mác-Lê gây tác hại cho nhân dân và đất nước nhưng trái lại, nó đem đặc quyền đặc lợi như vua chúa cho đám người cầm quyền nên họ quyết giữ chế độ vả trị tội rất nặng công dân nào muốn phê phán chế độ.

- Chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng hiện nay chỉ có thể biến VN thành chư hầu theo kiểu “tằm ăn dâu” nếu VN cũng là chế độ CS, trong đó ĐCS nắm quyền tuyệt đối. Vì thế Trung Cộng quyết giữ cho VN phải ở chế độ CS để thực hiện cho xong dã tâm xâm lược. Lực cản này còn ác liệt hơn lực bảo thủ của bản thân ĐCSVN.

- Dân thì vô cảm, hầu như không quan tâm đến chính trị, trừ những nơi dân cần phải đứng lên để giữ lấy đất đai ruộng vườn đang bị cướp. Sự vô cảm của dân có những nguồn gốc khác nhau:

+ hoặc do lối sống thực dụng của xã hội tiêu thụ, chỉ biết vui thú với những hưởng thụ cá nhân và gia đình mình, không quan tâm gì đến số phận chung.

+ hoặc vốn đã có lý tưởng, có ý thức chính trị nhưng sau thời gian thấy bị lừa dối, phản bội nên nay đã chán ngấy tất cả.

+ hoặc nếu quan tâm đến chính trị là bị chính quyền gây khó, làm khổ ngay, nên phải tránh để được sống yên.

+ hoặc cũng muốn góp phần cải biến xã hội nhưng chẳng thấy có “ngọn cờ” nào có hiệu quả đáng để tin tưởng mà tham gia, v.v.

Dân là những người thụ động, buộc phải thích nghi để sống còn nên không thể trách dân mà phải giúp cho dân thoát khỏi tình trạng lảng tránh, thờ ơ ấy. Đó là nhiệm vụ khó khăn đặt lên vai các nhà Dân chủ và các tổ chức Xã hội dân sự, mà hiện nay còn rất tản mạn chưa tìm được cách hoạt động chính thức trong một xã hội CS toàn trị, mà về dân chủ thậm chí còn thua cả thời Pháp thuộc).

4/ Một vài căn bệnh về tâm lý

+ bệnh hiếu thắng Cộng sản: bệnh hiếu thắng vốn có từ lâu nhưng từ khi lan truyền chủ nghĩa CS, nó xúi dục con người phải chiến thắng mọi thứ kẻ thù để giành chiến thắng thì hiếu thắng thành bệnh nặng. Đánh thắng cả “hai đế quốc to” là oai hùng lắm, nên khi đất nước tạm chia đôi lập tức phải tìm cách vũ trang để đánh thắng miền Nam cho kỳ được. Sau 1975 Mỹ sẵn sàng viện trợ thì không thèm nhận viện trợ, bảo VN chiến thắng thì Mỹ phải bồi thường chiến tranh mới đúng tư cách… Nhưng hiện nay đến lúc phải chiến đấu để chiến thằng âm mưu bành trướng của Tàu thì ý chí chiến thắng ở đâu chẳng thấy, cho nên sự hiếu thắng chỉ là hiếu thắng kiểu CS.

Ông cha mình biết chiến thắng quân ngoại xâm nhưng cũng phê phán thứ hiếu thắng vô bổ: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, chứ đánh được người thì mặt vàng như nghệ!”. Có những thứ chiến thắng mang lại tai họa ngay cho kẻ thắng. Đại thắng để chiếm miền Nam đúng là thứ hiếu thắng CS, nên cuộc Đại thắng trở thành Quốc hận đối với đất nước

(Xin nói thêm: Nếu đã coi ngày 30/4/1975 là ngày Quốc hận, CS làm chủ miền Nam, thì đó chỉ là Tiểu Quốc hận! Đại Quốc hận phải là ngày 19/8 và 2/9/1945, ngày đó đánh dấu cả giang sơn VN bắt đầu nhuộm đỏ, từ đó sinh ra mọi thứ “hận” về sau).

+ Sính dùng bạo lực, tưởng dùng lực với người khác là biểu thị sức mạnh. Nhưng cổ nhân đã dạy “Thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường” (thắng người khác chỉ là thứ lực cơ giới, lực cơ bắp; tự thắng được mình mới là kẻ mạnh). Tự thắng mình để mình tiến bộ lên về trình độ đã là khó, nhưng khó nhất là tự bỏ được những thói rởm, thói hư của mình mới càng khó hơn, mà cái thói hư nhất của CS là bệnh say chiến thắng người khác trong khi tự nuông chiều mình, nuông chiều chế độ của mình vô hạn.

+ Tâm lý thích vọt lên đỉnh. Kẻ ở dưới đáy thường mơ khát vọng vọt lên đỉnh, vọt lên hàng đầu, vọt lên đón đầu, chứ không thích đứng khoảng giữa mặc dù từ đáy tiến lên hàng giữa đã là chuyện khó khăn. Ví dụ như một thằng học dốt luôn xếp thứ 50/50 ở lớp. Trong giấc mơ nó luôn mơ đứng đầu lớp cho oai chứ không mơ tiến lên vài bậc, xép thứ 40-45 chẳng hạn. Dễ hiểu tại sao lớp vô sản đầu tiên lại có khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào. Đào tận gốc trốc tận rễ” Chẳng qua vì Trí Phú Địa Hào là bốn cái khát khao nhất của họ, cho nên khi cướp được quyền là họ lao ngay vào cuộc tranh giành để trở thành Trí Phú Địa Hào như bấy lâu khao khát. “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” chẳng phải đã thành cái cần câu nhử tất cả những kẻ khát khao đó hay sao? Khi có quyền họ biến ngay thành Phú Địa Hào vì ba thứ đó cướp được dễ dàng. Chỉ có cái Trí thì khó mà cướp ngay được nên thực hiện sau cùng, lắm của nhiều tiền rồi cũng phải mua lấy cái bằng… Tiến sĩ!

Để kết thúc câu chuyện bàn luận cho vui này, xin đọc lại bài thơ “Bài ca Trí Phú Địa Hào”:

Bài ca TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO

                                   Bốn anh Trí Phú Địa Hào

                            Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ

                                 Đảng ta thương Trí ngu ngơ

                       Cho CÔNG-NÔNG-TRÍ chung cờ liên minh

                                 Trông lên LIỀM-BÚA hai hình

                             Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu

                                  Quay sang tìm Phú, Địa, Hào

                              Thấy ba bụng phệ… đã vào… Đảng ta!

(HSP-1996)

H.S.P.

30/4/2018