Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Tính uy mua và nghệ thuật trong thơ Cao Tần

Đặng Tiến


Uy mua là phiên âm chữ Pháp humour, tôi tìm không ra từ Việt tương đương, đại khái như là hóm hỉnh, dí dỏm, hài hước, phúng thế, tếu, v.v. Dường như có lần Nhất Linh phiên âm thành u mặc.

Uy mua là hóm. Thêm cái ý: vượt lên trên những không may, vượt lên trên tai họa hay bi kịch. Không những lấy được khoảng cách, độ lùi, mà còn vượt lên trên. Uy mua là mình tự giễu mình, với giọng đùa cợt chứ không chua cay. Khi Cao Tần xưng ông, xưng “gãy cánh đại bàng” thì không phải là kiêu, mà là hóm. Đại ngôn một chút: uy mua là hòa giải với số mệnh. Nếu cần thu thơ Cao Tần vào cái hồ lô, thì có thể hô lên một câu ngắn: hòa giải với số mệnh.


*

Trong văn thơ Việt Nam ít có, nhưng vẫn có, uy  mua. Ca dao có câu vô cùng tinh tế:

Tưởng giếng sâu, anh (em) nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn, anh (em) tiếc hoài sợi dây

Ở mức độ đơn giản hơn:

Chàng ơi đưa gói em mang

Đưa gươm em xách để chàng đi không

Và dân giã hơn nữa:

Trời mưa trời gió

Xách đó đi đơm

Chạy về ăn cơm

Chạy ra mất đó

(đó: dụng cụ để đơm, bắt cá bằng tre đan)

Câu vần vè này không có nghĩa lý gì, và cũng không có giá trị gì, ngoài chất uy mua. Người không có óc uy mua sẽ cho là quê mùa, vớ vẩn. Nói lén: Xuân Diệu, sinh thời, là người sành và sính ca dao. Nhưng ít uy mua nên dứt khoát không chấp nhận câu:

Xùng xình như áo mới may

Hôm qua mới mặc, hôm nay mất rồi

Võ Phiến là nhà văn giàu uy mua, lại là người sành thơ Cao Tần, là người viết tựa cho Cao Tần, năm 1978, có nhận xét “trong thơ Cao Tần thường ẩn hiện nụ cười, cười như người Việt Nam vẫn cười trong tận cùng cay đắng”. Nhưng anh không chính xác gọi nụ cười dân gian “tận cùng cay đắng” ấy là uy mua.

Trong văn thơ cổ điển, bài thơ tiêu biểu cho tính uy mua và đạt đến nghệ thuật siêu đẳng là bài “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến, mượn lại ý thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, bài “Gượng đến mừng nhau một mặt không”:

Cải chửa ra cây, cà mới nụ

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Thơ Cao Tần hay, thành công nhanh và được yêu chuộng lâu dài, là nhờ vào nghệ thuật có nền truyền thống lâu đời. Chỉ mối sầu di tản không thôi, thì khó trụ được dài lâu và truyền tụng rộng rãi.

Những người di tản vào tháng 4-1975, ra đi hoảng hốt, thường không mang được hành trang gì. May ra còn giữ được đôi ba giấy má tùy thân. Quân nhân có khi còn giữ được trong người giấy tờ quân sự:

1. Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ

2. Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu,

3. Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ

4. Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

(Bài 17, tr. 52, «Cảm khái», tr. 39) [1]

Cao Tần dùng lời ăn tiếng nói dân gian “còn hơi lâu”, cũng như “còn lâu”, là từ ngữ phủ định dứt khoát: còn lâu tôi mới yêu anh, nghĩa là không bao giờ. Nhưng trớ trêu hiểu ngược lại, theo cú pháp bình thường cũng không sao, có thể còn lý thú: nước mất rồi thì giấy tờ sẽ có hiệu lực vĩnh viễn.

Câu 2, bản chất nó là uy mua. Nhưng vì tính đa nghĩa, chất uy mua loãng đi. Uy mua ở đây là câu nói tự nhiên, không chơi chữ, không tu từ (nhưng ở nơi khác, như câu đối, thì uy mua dùng phép tu từ, kỹ thuật ngôn ngữ, cái này không loại trừ cái kia).

Câu 4 rõ chất uy mua: câu hỏi tự nhiên, cực kỳ duy lý. Vì cực kỳ duy lý mà nó ngớ ngẩn, thậm chí điển hình cho khái niệm phi lý (absurde) phổ biến trong triết học phương Tây khoảng giữ thế ký XX, du nhập vào Việt Nam, chủ yếu là qua tiểu luận và tiểu thuyết Camus. Nhưng điều này không can dự gì đến Cao Tần: uy mua của anh bắt nguồn từ tính dí dỏm trong truyền thống dân tộc. Chúng ta ai có dịp lân la trò chuyện với các bà cụ nhà quê, ít học hay thất học, sẽ ngạc nhiên về câu chuyện, ngôn ngữ cực kỳ sắc sảo, với những nét hóm hỉnh, tinh anh kỳ diệu của họ. Cao Tần sống thời đại mình, trong một bầu không khí văn hóa, văn học, một khung cảnh xã hội và trải qua một cuộc chấn động đổi đời, thì tự nhiên tâm tư mang âm vang “phi lý” sẵn có trong tư trào hiện đại. Và tình cờ thôi, nét dí dỏm dân gian trong anh vấp phải cái phi lý của lịch sử – tạo chất uy mua nhuộm màu phi lý có giá trị không riêng gì cho người Việt di tản, lưu vong, mà cho cả làng văn học Việt Nam trong nền văn chương thế giới. Chiều kích nhân văn và toàn cầu của thơ Cao Tần, nếu có, trong chủ quan của tôi, là chất uy mua trong tư trào văn học đang giảm tính bi kịch và tăng chất uy mua.

«Giờ gia hạn nơi đâu» là một câu thơ hóm hỉnh có hiệu lực, nhưng tự thân nó không có chất hóm. Nét dí dỏm dựa vào cả câu thơ, trong cả đoạn 4 câu và toàn bài tả những giấy tờ còn lại trong ví. Mệnh đề dẫn nhập là:

Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ

Tái tê cười…

Động từ “cười” báo hiệu cho câu thơ tếu, dù tự thân chưa phải tếu vì chữ tái tê, nhưng đã đưa tín hiệu uy mua, mà xưa kia Pascal gọi là “tiếng cười của tâm hồn” và gần đây Jankélévich gọi là “nụ cười của lý luận”. Hỏi gia hạn nơi đâu, lý sự thì lẩn thẩn mà đậm đà tình cảm vì đưa lên câu trước, ráp lại thành  mất nước rồi… còn “gia hạn nơi đâu”. Câu thơ bi thiết đòi lại một không gian đã mất, cứa mạnh vào niềm “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”.

Đoạn thơ sẽ tăng giá khi đặt vào toàn bài thơ:

Trong ví ta này một thẻ căn cước

Hình chụp ngay đơ rất mực cù lần

Da nhợt nhạt như bị đời nhúng nước

Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt

Tên chụp hình làm ta xấu như ma

Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết

Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà (…)

(Bài đã dẫn)

Mất nước tan nhà thì nào có can dự gì đến tên chụp hình mà chửi nó là «thằng khốn nạn». Đây là một lý luận hoàn toàn phi lý – mà Camus gọi là raisonnement absurde – để đáp ứng vào một hoàn cảnh phi lý,

(…) một đời quái đản:

Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư

Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản

(«Hát ngao trên tuyết», tr. 43)

Mắng tên chụp hình là giống như Nguyễn Khuyến, giận tuổi già, mắng cái răng, trong bài « Sất xỉ ».

Cao Tần không làm thơ trào phúng như Tú Xuơng, nhưng cùng chia cái ngông, cái «ông» với  Tú Xương: «Ông nốc rượu vào ông nói ngông (… ) Khách hỏi nhà ông đến, nhà ông đã bán rồi…»

Xuân Diệu có viết: “thực tình là tôi thấy những câu thơ xúc cảm của Tú Xuơng chiếm phần lớn nhất (…). Trào phúng là vỏ, mà ruột thì thật cảm xúc đớn đau, thì cũng thành trữ tình thôi”. Ý này áp dụng vào thơ uy mua của Cao Tần cũng đúng. Từ thế kỷ 19, các từ điển Littré và Larousse đã cho uy mua là “cái vui nghiêm trọng” (la gaité serieuse), Kierkegaard đi sâu hơn, cho là “nỗi thống khổ nội tại của nhân sinh”. Nhưng nói như thế thì hết cả… uy mua.

Giới làm văn học Việt Nam chưa mấy quan tâm vào phong cách uy mua, mà họ đồng hóa với trào phúng, dù rằng uy mua chỉ là thành tố nhỏ của trào phúng, có khi nó hủy diệt chất trào phúng; ngược lại trong văn chương bi kịch của  Kafka, Beckett, Ionesco… thường có uy mua. Thơ Cao Tần mang tính uy mua dân dã Việt Nam, trong truyền thống văn học dân gian: ca dao, tuồng chèo, câu đối – nhất là câu đối – và một số chuyện tiếu lâm cười mỉm. Đỉnh cao trong truyền thống đó là bài hát “Mất ô” của Trần Tế Xương, một đêm đi hát cô đầu:

Hôm qua anh đến chơi đây

Giầy dôn anh dận, ô tây anh cầm

Rạng này trống điểm canh năm

Anh dậy, em vẫn còn nằm trơ trơ

Hỏi ô, ô mất bao giờ

Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa

Chỉn e  rày gió mai mưa

Lấy gì đi sớm về trưa với tình

Mất ô mà vẫn thản nhiên, ỡm ờ, thậm chí còn huê tình như thế, quả là uy mua tuyệt vời.

Cao Tần cũng có cái giọng ấy, khi nhắc đến những câu hát cũ còn đọng trong tim óc người xa xứ, thỉnh thoảng ê a bật lên môi, với bạn cũ hay với một mình:

Hát tự nhiên đi mà bạn quí,

Giọng bạn khàn khàn hơn chú vịt bầu

Đừng e sẽ mất lòng tri kỷ,

Dù nghe bạn hát chỉ thêm đau

(...)

Bạn bỗng kể: khi về gặp nàng

Có lúc du dương nàng bắt hát

Cứ hát, ta nghe mà bạn quí

Mai đời di tản lại buồn tênh

Rồi ra cặp được đào thơm Mỹ

Bạn sẽ trăm năm hát một mình

(Bài 2, tr. 2, "Hát một mình", tr. 29)

Uy mua ở đây do bất ngờ ở kết luận, như bài hát "Mất ô", cả hai tác giả tinh quái đùa vui với một cảnh ngộ. Ở Tú Xương là nét dí dỏm nhẹ nhàng: mất ô này thì sắm ô khác, “lấy gì đi sớm về trưa với tình“ là một lời trách khéo, mắng yêu. Mắng mà vẫn yêu. Nhưng cái anh mất nước và mất vợ thì vô phương bù đắp. “Rồi ra cặp được đào thơm Mỹ“ là một cơ may ngang trái, có khi là oan trái. Đào Mỹ nào mà chả thơm. Nhưng chả nhẽ trăm năm với nhau chỉ bằng cái lỗ mũi? Hát một mình tự nó có khi là niềm vui, là hạnh phúc. Nhưng ở đây là khổ lụy không có lối thoát. Cái mâu thuẫn mà Kierkegaard gọi là  «niềm thống khổ nội tại của nhân sinh» ở đoạn trên, không phải là triết lý viển vông.

Từ “đi sớm về trưa với tình“ đến “trăm năm hát một mình“, Cao Tần theo gót Tú Xương và xứng là môn sinh. Vì vậy khi Cao Tần tự xưng là Nhà Thơ Di Tản thì tôi hoạn mất phần sau, gọi bạn là: Nhà Thơ Tú Cua.

*

Hóm hỉnh với tấm hình căn cước của chính mình, hay với giọng hát vịt bầu của người bạn là tinh nghịch với hoàn cảnh cá nhân; nhưng gắn liền với lịch sử đất nước, nên thơ Cao Tần có âm vang lâu và sâu, vừa tếu vừa mếu. Chua mà ngọt, bùi bùi, đăng đắng.

Nhưng khi cao hứng, nhà thơ đùa cả nước:

Bài học lớn từ khi đến Mỹ

Là ngày đêm thương nước mênh mang

Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí

Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng.

Nếu mai mốt bỗng đổi đời lần nữa

Ông anh hùng ông cứu được quê hương

Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo

Lùa cả nước vào học tập yêu thương

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp

Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm

Bồ bịch hết, không đứa nào là Ngụy,

Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

(Bài 6, tr.18, "Bài học lớn", tr. 26)

Uy mua là vượt lên khỏi thân phận, và hòa giải với mệnh số - ở đây là thân phận nghiệt ngã và mệnh số bi đát. Uy mua là tầm nhìn, lối nghĩ hiền triết vốn có trong tư tưởng phương Đông và truyền thống dân tộc. Cao Tần phát ngôn trong tư thế người bại trận, một chế độ bại trận, bị “đánh văng“, mất hết tài sản, chức năng, quyền lợi. Thậm chí còn bị xúc phạm trầm trọng trong tình cảm và danh dự. Cao Tần không đầu hàng, không thỏa hiệp, không hận thù  vì thua cuộc, bị “đánh văng“, mà vì đất nước “nghèo xí“. Uy mua nơi Cao Tần bắt đầu từ  lòng khoan thứ, ước ao mọi người đều bồ bịch, cùng nhau học tập yêu thương. Tuy nhiên không phải ai ai cũng sẻ chia tấm lòng cao đẹp ấy, từ phía bên này đến phía bên kia, chưa kể là không phải ai ai cũng chấp nhận uy mua. Cuộc đời Nguyễn Trãi không biết bao nhiêu gian truân, mà đã viết được câu:

Duy một tấm lòng ưu ái cũ

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông...

Trong bước đường lưu lạc,“ngày ngày phóng xe như thằng phải gió, đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan“ Cao Tần đã mất nhiều, nhưng không mất hết. Còn lại là phần  nghĩa khí, cốt cách, khiến anh xứng đáng với tiền nhân.

*

Uy mua là độ lùi, khoảng cách, tầm nhìn từ xa, từ cao. Cao Tần, trong ngành không quân, quen nhìn đời từ trên cao:

Hơn mười năm nhà ông bay trên cao

Mặt đất nâu xanh nằm ngoan dưới gót

Nhân loại tí teo xinh đẹp chừng nào.

Nhân loại hiền từ như những con sâu.

Những đêm đen tàu trôi qua thành phố

Cả đất trời nở triệu ánh sao xinh

Mặc những đấu tranh lọc lừa dưới đó

Nhìn từ cao nhân thế thật thanh bình

(Bài 16, tr.48. "Trên non cao", tr. 23)

Không phải vì quen bay trên mây mà con người có óc uy mua.

Nhưng vì quen nhìn cao, nên khi bị «đời khốn kiếp đã quăng xuống đất», Cao Tần đã rủ bạn cùng đăng sơn:

Ta biết nhà ông rầu thấy mồ

Thôi cuối tuần này theo ta lên núi

Lên thật cao nhìn xuống đời lô nhô

Rũ bớt bụi trần, quen thân  múa rối

(…) Trên núi cao ta biết rành một chỗ

Có hòn đá xanh, có gốc thông già

Ngồi trên đá ông sẽ thành Trang Tử

Hồn nhẹ tênh theo bướm lượn chiều tà

(Bài đã dẫn)

Văn Trang Tử, Nam Hoa kinh thanh thoát, cao siêu, có khi làm người đọc ít quan tâm đến phong cách uy mua: «nếu cánh tay trái ta hóa thành con gà thì nhân đấy ta gáy canh; nếu cánh tay phải ta hóa thành viên đạn, thì ta sẽ kiếm chim quay» (Thiên đại Tông sư).

Nhưng chỉ nói đến nét dí dỏm thôi thì không bày tỏ rốt ráo nghệ thuật trong thơ Cao Tần. Điểm chính là thi pháp huê dạng, đa dạng, pha tạp những câu đùa vui, những từ dung tục trong kho khẩu ngữ bình dân, phong cách «thô tháp» theo nghĩa grotesca hay grotesque của người Ý, Pháp, thịnh hành thời  Phục Hưng.

Những câu dung tục xen vào nhiều hình ảnh tinh vi:

Những mái tôn cười ran hạnh phúc

Bài 14, "Băn khoăn", gồm 5 khổ, bắt đầu bằng một câu thơ nhiều âm bằng, na ná giống nhau, nhưng khác nhịp, người tinh ý mới nhận ra:

Chú nào đi đường ta bình minh này

(…) Chú nào trưa nay ngồi trên đồi ta

(…) Chú nào ngồi trước hiên ta chiều nay

(…) Chú nào biết yêu thương vài nụ hồng

(…) Chú nào đêm nay kê đầu gối đó.

Chứng tỏ Cao Tần nắm vững âm pháp và tôi luyện lời thơ kỹ lưỡng, có ý thức sâu sắc về kỹ thuật, tương quan giữa ý và lời.

Tiêu biểu nhất cho thi pháp Cao Tần là bài "Hát ngao trên tuyết" không có trong ấn bản đầu tiên. Chúng tôi trích toàn văn để người đọc thưởng lãm:

Hát ngao trên tuyết

Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ

Lên dòng sông đá bước nghênh ngang

Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí

Múa tưng bừng vào thinh không giá băng

Khoái thay đời ta một đời quái đản

Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư

Hai mươi năm sau thành nhà thơ di tản

Một đời quê hương khét mùi súng đạn

Một đời xót xa bằng hữu lao tù

Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt

Đi dọc quê hương đi vòng địa cầu

Đi thênh thang thở đồi cao gió mát

Đi ngất ngây thương lúa vàng hương cau

Đi uống rượu mừng, đi chia tan tác

Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau

Đi sỏi đá mòn, bếp hồng trước mặt

Đi bừng bão biển quê hương phía sau.

Những chân thú hoang lạc rừng đất lạ

Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu

Sông không đầu đuôi sông màu đá cục

Dưới trên lẫn lộn trời đất mang mang

Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc cực

Một mình cười cùng thinh không giá băng

Khoái thay hồn ta một hồn dị thường

Khi bốc lên núi lưng trời cũng thấp

Khi bi ai thân cỏ mọn bên đường

Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết

Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm?

Núi cao! Núi cao! Ta về không đến

Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?

Tháng 2/1978

Quan điểm bài này vẫn là tầm nhìn cao trong không gian, xa trong thời gian; tác giả nhìn đời và nhìn mình từ xa, thanh thoát, thảnh thơi, bao quát và bao dung. “Khoái thay” ở đây không phải là đắc chí tự mãn mà là niềm thanh thoát giải tỏa, hóa giải kiếp người “đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau” để rồi “đi chẳng hết, về không đến”.

Khí thơ tuôn ào một mạch, như một dải sông Hoàng, mộng và thực xô đẩy nhau trong âm vang hào sảng, bi tráng, ngất ngất Hồ Trường, đạm đạm Thâm Tâm. Bài thơ vượt ra khỏi tâm sự cá nhân lưu vong, loang ra thành tiếng vang của một thời đại trong nhiều âm sắc, chính trị và văn hóa. Lịch sử, địa dư, phong tục, tự sự, tâm tình chen  lấn vào bản hào ca chất ngất chữ nghĩa, dạt dào nhạc điệu, trùng trùng hình ảnh.

Lối «hát ngao» hay cuồng ca này nằm trong truyền thống lâu đời ở phương Đông cũng như phương Tây. Trong văn học Lý Trần, Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung (1230-1291) có bài "Phóng cuồng ngâm", bản dịch Trúc Thiên 1969, có thể Cao Tần có biết. Cùng một hào khí khinh khoát, cùng một “tay gậy nhởn nhơ phương ngoài phương” nhưng thơ Cao Tần thực tế, dựa trên những hình ảnh cụ thể lảy ra từ những mảnh đời ly tán,  từ quê hương xa cách, mang chất ngậm ngùi cảm động. Từ đó nó là khúc tráng ca tiêu biểu cho một thời đại, đồng thời nó đánh dấu một khúc quành trong tâm thức Việt Nam. Bằng nghệ thuật – ở đây là thi ca và uy mua – con người có khả năng vượt qua thân phận phi lý, mà lịch sử oan nghiệt, như một đám cháy lớn, hoặc đã tạo ra, hoặc đã làm trầm trọng thêm, hoặc đã khơi động cho sáng tỏ hơn.

Nghệ thuật không chế ngự, không khắc phục được lịch sử, nhưng bảo vệ phẩm chất con người sau hố bom định mệnh; thậm chí nghệ thuật còn vượt lên, để tồn tại sau lịch sử. Lịch sử là sự việc đã, hay đang qua; nghệ thuật là tác phẩm còn lại, là tình đoàn kết và liên đới lâu dài của dân tộc, giữa con người trong nhân loại.

To tiếng như vậy, dù đúng dù sai, là cũng tàn mùa… uy mua, cùng với mùa rau muống năm nay.

Coi như vì tham chữ mà rách chuyện.

Vị chi là: câu thơ Cao Tần ba mươi năm rồi, tôi đọc vẫn chưa thông.

Viết xong, đọc lại bản thảo, mới nhận ra điều sơ đẳng: bút hiệu Cao Tần cũng là uy mua.

Đặng Tiến

Orléans, 20/8/2006


[1] Thơ Cao Tần, bản 1978, do Tạp chí Bút Lửa và nxb Người Việt thực hiện, bìa do họa sĩ Nguyễn văn Mộch, khổ nhỏ 10x17 cm, giấy màu hồng, in kiểu tiểu công nghiệp, 56 trang, gồm 17 bài thơ làm trong năm 1977, đã rải rác đăng trên báo Bút Lửa. Các bài thơ không có tên, chỉ đánh số từ 1 đến 17.

   Sau đó, 1984, nhà Tin Yêu tại Seattle của nhóm Thanh Nam tái bản, khổ lớn 21x27 cm, Ngọc Dũng vẽ bìa, in đẹp, có lời giới thiệu của Võ Phiến viết tháng 1-1978. Những bài thơ lần này có tên và không theo trật tự lần trước. Và thêm 1 bài làm 1978 và 2 bài 1982. Tiểu luận này sử dụng bản 1978 ; khi trích dẫn ghi cả hai tham bản cho tiện việc độc giả tra cứu.

Nguồn: http://www.art2all.net/tho/dangtien/dt_caotan