Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 2)

Inrasara

B. Mở…

1. Từ tư thế ngoại vi

Đại đa số nhà thơ hậu hiện đại thuộc thời hậu đổi mới. Họ là nhà thơ ngoại vi. Ngoại vi bởi hoàn cảnh buộc họ lưu vong, bên cạnh do họ chọn lựa thế đứng ngoại vi khi sáng tác. Cả khi họ làm việc trong các cơ quan công quyền, họ vẫn ngoại vi. Có thể xem đó là tình trạng lưu vong chung của nhà văn trong thời hiện đại. Nedim Gursel: “Lưu vong theo nghĩa rộng, là một trong những định mệnh khả hữu cho nhà văn thời chúng ta”(9). Có kẻ lưu vong ngay trên đất nước mình như Lý Đợi, Khúc Duy; người hai lần lưu vong như Nguyễn Hoàng Tranh, lưu vong tâm linh như Chân Phương, lưu vong ngôn ngữ như Đinh Linh, ngay cả kẻ tự nhận sống ở đường biên như Inrasara cũng là một dạng lưu vong, cuối cùng là thức nhận sâu thẳm tình trạng lưu vong để làm cuộc giải lưu vong lẫm liệt như Đỗ Kh.

Ngoại vi, ngoại trừ vài tên tuổi nhất định, còn lại hầu hết tác phẩm của họ không được lưu hành chính thống, bị các phương tiện thông tin đại chúng trong nước từ chối, đại học dị nghị, nhà nước cấm đoán, nhiều nhà phê bình xa lánh hoặc làm như không hay không biết có thơ họ ở trên đời. Các giải thưởng văn học nhà nước không quan tâm đến họ đã đành, ngay các giải do tư nhân tổ chức cũng đánh trống lãng.

Thơ hậu hiện đại là thơ phản tỉnh mang tính phê phán hiện thực đất nước và thực trạng văn chương. Nhà thơ hậu hiện đại chối bỏ mọi dạng đại tự sự grand narratives làm ngu muội đầu óc và làm u mê tinh thần. Chối bỏ đại tự sự không gì hiệu quả hơn thái độ giải thiêng sự thể. Giải thiêng hình chữ S của đất nước (Nguyễn Hoàng Tranh), giải thiêng ảo tưởng bốn ngàn năm văn hiến (Đinh Linh) hay niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc (Nguyễn Đăng Thường), giải thiêng huyền thoại Việt Nam là nước thơ (Lý Đợi) và giải thiêng chính bản thân thơ ca (Bùi Chát): Thơ ca chỉ là món hàng như mọi món hàng, nó không đứng cao hay thấp hơn các hàng hóa khác.

Giải thiêng để cơ hội nhìn thực tại bằng cảm thức khác. Mang tư tưởng tự do, nhà thơ hậu hiện đại luôn có tiếng nói phản biện xã hội đương thời. Dân chủ giả tạo bàng bạc hay lồ lộ khắp nơi, họ chỉ nó ra. Lòng yêu nước chân chính bị đè bẹp để thứ yêu nước giả tạo lên ngôi, họ nói về nó. Bầu cử giả vờ, tổ chức lễ hội giả tạo, văn chương thiến hoạn hay theo đuôi, phép lịch sự với lối sống văn minh giả tạo và, khi báo chí sợ nói thật về mọi điều giả tạo, họ lên tiếng về chúng.

Thơ hậu hiện đại quyết bóc trần sự mê hoặc mà thông tin đại chúng các loại muốn tác động vào xã hội, hướng ý thức quần chúng theo chiều nhìn có lợi cho đại diện quyền lực hiện thời. Nhìn từ khía cạnh này, ở cấp độ nào đó, không ít thơ hậu hiện đại là thơ phản kháng. Thế nhưng phản kháng mang tính xã hội và chính trị chỉ là sự va quẹt nhất thời trong một môi trường xã hội và khí hậu văn học tù túng, chật hẹp.

Thơ hậu hiện đại tự thân mang ý hướng phi tâm hóa. Không phân biệt thơ của người làm thơ cư trú tại các trung tâm văn hóa lớn hay tỉnh lẻ, xóa bỏ mọi đường biên phân cách thơ của người dân tộc thiểu số/ đa số, thơ trong nước/ hải ngoại, thơ của nhà thơ đã hay chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chính thống hay phi chính thống. Nhà thơ hậu hiện đại quyết đánh tan mặc cảm phân biệt giới trong sáng tác văn học.

Giải tán phân cách giới là cách thể giải trung tâm quan trọng. Vài chục năm qua, các tên tuổi: Trịnh T. Minh-hà, Phạm Thị Hoài, Lê Thị Huệ, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Hương, Đỗ Lê Anh Đào,… đã đi được những bước dài. Ở trong nước, sau phong trào nữ quyền luận sơ khai qua sáng tác của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư là nhóm Ngựa Trời với “cuộc cách mạng thơ dang dở” của họ. Không cần tuyên bố to chuyện mà, chỉ bằng một nhát dao, Nguyễn Thị Hoàng Bắc đã cắt đứt cái đuôi hậu tố “nữ”, rất tuyệt.

tiếng nước đái
             nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
                 hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
(10)

Khởi đầu, hơi thơ “Ngọn cỏ” đi mạnh mẽ và trang trọng như bao bài thơ hiện đại khác. Người đọc đinh ninh sẽ bắt gặp nỗi gồng mình [phê phán hay tuyên bố gì đó đại loại] ở câu tiếp theo, như đã từng thấy nó biểu hiện ở thơ nữ trẻ mấy năm qua. Nhưng không, bài thơ bỗng chuyển hướng qua giọng phớt đời, khinh bạc rồi bất ngờ bẻ ngoặt sang đùa cợt đầy khiếm nhã!

Ví vắng bóng “ngọn cỏ gió đùa”, bài thơ chỉ dừng lại ở ngưỡng nữ quyền luận hiện đại: nghiêm trọng và quyết liệt. Nhưng chỉ cần một làn gió, tất cả đã lột xác, bài thơ làm cú nhảy ngoạn mục sang bờ bên kia của mĩ học hậu hiện đại. Tính chất nghiêm cẩn của giọng thơ đã được tháo gỡ. “Ngọn cỏ” thời lãng mạn được Nguyễn Thị Hoàng Bắc giải phóng. Hãy để cho ngọn cỏ tự do đùa với gió mà không buộc nó phải chịu phận so đo trong tinh thần phân biệt đối xử với sự đái. Cả sự đái của đàn bà cũng được cởi trói, qua đó thân phận tòng thuộc của chị em được giải phóng(11).

Giải trung tâm đầu tiên và cuối cùng của thơ hậu hiện đại thể hiện ngay trong cách ứng xử với ngôn ngữ. Lợi thế đa vùng địa lí, đa sắc tộc, trải qua nhiều thể chế chính trị với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, tiếp nhận nhiều nguồn ngôn ngữ khác nhau, tiếng Việt hiện đại đã sinh sôi nảy nở đến không kịp ghi nhận. Rồi tiếng Việt của người Việt di cư sang Đức, Đài Loan, Canada; tiếng Việt của châu Úc, châu Âu, châu Phi lai ghép với tiếng bản địa nhập cảng trở lại càng làm cho kho tàng tiếng Việt thêm phong phú, đa sắc thái, tạp nham nhưng không kém lí thú. Chúng được đẻ ra và sống đời sống ngày thường, làm thành hơi thở không thể thiếu của cuộc sống người Việt hiện đại. Nhưng tiếng Việt ấy hiếm khi có mặt trong sáng tác văn chương. Chúng luôn bị văn chương nhìn bằng con mắt nghi kị, trịch thượng. Mãi khi thế hệ thi sĩ hậu hiện đại xuất hiện, chúng mới hết bị phân biệt đối xử. Tất cả chúng đều được đối xử công bằng, sòng phẳng. Chúng đi vào tác phẩm văn chương như từng hiện diện trong đời sống. Nguyễn Hoàng Nam và Đỗ Kh, Vương Ngọc Minh hay Lý Đợi, Bùi Chát với Đặng Thân, Đinh Linh hay Nguyễn Đăng Thường,... đã làm cuộc giải trung tâm đó, đầy ngoạn mục.

2. Hậu hiện đại vào Việt Nam

Gần mươi năm qua, từ khi “chủ nghĩa hậu hiện đại” postmodernism xuất hiện trong thế giới chữ nghĩa Việt Nam, nó đã gây dị ứng không ít từ nhiều phía. Dị ứng đầu tiên phát sinh từ não trạng sợ hãi cái mới, là điều khó tránh; tiếp, từ nỗi lo sợ bị mất giá (hư danh) hay mất ghế. Từ đó, ta thấy có những phản ứng tiêu cực đến phản [chuyển] động. Đã đành! Nhưng ngay những người có xu hướng ủng hộ cái mới cũng mang mặc cảm dị ứng lây. Nỗi này xuất phát từ bản thân người đọc không nắm được tinh thần hậu hiện đại, nhất là khi một số nhà phê bình vẫn còn chưa thật tự tin khi bàn về hậu hiện đại, khiến dư luận cứ lưỡng lự, muốn xa lánh trào lưu văn chương này.

Phía người viết, bởi mới tiếp nhận sơ sài hậu hiện đại [và cả bất tài nữa], đã vội [học đòi] sáng tạo rồi vội vã ném ra ngoài mưa gió cuộc đời “đứa con tinh thần” èo uột của mình. Thế là vài nhà phê bình [cũng vội vàng không kém chộp lấy và] trưng ra mấy bài thơ “hậu hiện đại” nhem nhuốc kia rồi kêu đích thị hậu hiện đại nó là như thế, càng gây hồ nghi cho công chúng độc giả hơn.

Nếu chủ nghĩa hiện đại modernism xuất hiện ở thời điểm cuối của thời kì hiện đại mà cao điểm của nó kéo dài từ cuối thế kỉ mười chín đến đầu thập niên bốn mươi và kết thúc vào đầu thập niên sáu mươi, thì chủ nghĩa hậu hiện đại gần như có mặt cùng lúc với thời kì hậu hiện đại postmodernity: đầu thập niên bảy mươi của thế kỉ trước. Từ đó, hậu hiện đại trở thành một trào lưu văn hóa rộng lớn tác động rộng rãi đến nhiều lãnh vực: văn học - nghệ thuật, chính trị - xã hội,… Nó nhanh chóng bắt tay với người anh em như hậu cấu trúc luận, nữ quyền luận và đặc biệt, hậu thực dân luận, lan truyền ra khắp thế giới. Từ châu Âu, châu Úc cho đến châu Mĩ Latin và cả châu Á: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc,…

Đứng trước trào lưu như là một xu thế chung mang tính toàn cầu ấy, Việt Nam không thể đứng ngoài. Dù chậm, nhưng ngay từ đầu thế kỉ XXI, các nhà phê bình và dịch thuật ta cũng kịp đã giới thiệu lí thuyết văn nghệ này đến với người đọc. Vài tên tuổi như Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Văn Dân, Nguyễn Minh Quân, Phương Lựu, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Tấn Hải, Ngân Xuyên, Nguyễn Ước,…

Người sáng tác cũng đã có mặt. Họ sáng tác có ít/ nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp: Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Khúc Duy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Đặng Thân, Nguyễn Viện, Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Hoàng Long, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Khương Hà, Phương Lan, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phạm Tường Vân, Khánh Phương, Lê Hải, Jalau Anưk...

Hậu hiện đại đang xảy ra tại Việt Nam, đó là thực tế. Lực lượng chưa nhiều. Không ít của chưa nhiều này không tự nhận sáng tác theo hậu hiện đại; còn lại cũng chưa áp dụng đầy đủ thủ pháp hậu hiện đại. Hơn nữa - ngoài nhóm Mở Miệng - mỗi nhà thơ đều sáng tác đơn độc, nên hậu hiện đại Việt chưa thể hình thành một trào lưu rộng lớn, tác động nhiều chiều đến văn học và xã hội nói chung.

Nhưng tất cả gặp nhau ở cảm thức hậu hiện đại.

Cảm thức hậu hiện đại postmodern sensibility

Cảm thức hậu hiện đại là một lối cảm nhận về thế giới như là một hỗn độn, vô nghĩa, bất khả nhận thức; nơi mọi bảng giá trị đều đổ vỡ, mọi định hướng ý nghĩa đều vô ích. Con người không còn manh niềm tin vào những gì lâu nay họ từng tin: Thượng đế hay Nhà nước, Tổ quốc hay Con người, Chân lí hay Lịch sử,.... Mọi “nỗ lực khôi phục trật tự đẳng cấp, hoặc những hệ thống ưu tiên nào đó trong cuộc sống, đều vô ích và không thể thực hiện được” (I.P. Ilin). Nhận thức thế giới của con người luôn là nhận thức đầy thiếu khuyết. Nói cách khác, tri thức chỉ là một hiện tượng, được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ discourse, hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Nó không gì hơn một trò chơi ngôn ngữ. Trong lúc ngôn ngữ như một phương tiện đạt đến “chân lí” cũng không đáng tin cậy nữa.

Cảm thức thế giới là hỗn độn chaos, “khi mọi trung tâm không chắc chắn, các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện và sống một cách thực tế, xâm nhập vào nó bằng “tình cảm mật thiết” (I.P. Ilin)(12). Thâm nhập thực tại, các nhà hậu hiện đại vượt bỏ niềm tin vào các đại tự sự grand narratives [hay siêu tự sự metanarrative], nói như Lyotard, chỉ là “các hệ thống giải thích”, những thứ chính thống hóa, toàn trị hóa quan niệm về thời đại vừa phiến diện vừa mang ở tự thân tính chất bạo động.

Phi đại tự sự xem trọng yếu tố cá nhân, là đặc điểm nhân văn của hậu hiện đại. Phi trung tâm hóa khẳng định vai trò ngoại vi là đặc điểm dân chủ mới của hậu hiện đại. Nó tôn trọng sự đa dạng, các giá trị trái nhau, những phi chuẩn, ngoại vi, dân tộc thiểu số, nữ, da màu, phi Tây phương, ngôn ngữ nhược tiểu, nền văn học “ngoại vi”,...

Nên có thể nói, hậu hiện đại là chủ nghĩa đa nguyên văn hóa. Thật sai lầm tai hại khi kết án hậu hiện đại chống lại truyền thống. John Barth: “Một nhà văn [hậu] hiện đại… có một nửa đầu của thế kỉ ở dưới nịt, nhưng không phải ở trên lưng”. Nghĩa là hậu hiện đại chấp nhận truyền thống (không chấp nhận truyền thống mới là phi-hậu hiện đại), nhưng không biến truyền thống thành gánh nặng.

Chú thích

(9) Nedim Gursel, “Chữ nghĩa của lưu đày, lưu đày của chữ nghĩa” – Talawas.org, 2003.

(10) Nguyễn Thị Hoàng Bắc, 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư xuất bản, Hoa Kì, 2002.

(11) Inrasara, “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, H., 2008, tr. 92-120.

(12) Phần này được tổng hợp từ các tác phẩm:

- Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, Văn Nghệ, Califonia, Hoa Kì, 2002; Nguyễn Hưng quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000; Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

- J-F. Lyotard, La Condition postmoderne: Rapport sur le savoir, Editions de Minuit, Paris, 1979; Fredric Jameson, Postmodernism or, the Cultural Logic of Late Capitalism, Durham: Duke University Press, 1993; Richard Appignanesi - Chris Gattat, Introducing Postmodernism, Icon Books UK - Totem Books USA, 2006; Jeff Collins - Bill Mayblin, Introducing Derrida, Icon Books UK - Totem Books USA, 2005 và các tác phẩm cùng loại về lí thuyết gia hậu hiện đại.