Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

Văn học miền Nam trước 1975 – từ một góc nhìn

FB Hoàng Vũ Thuật

LỜI NGỎ:
Cùng các bạn. Văn học miền Nam trước năm 1975, một bộ phận không thể thiếu của văn học Việt Nam. Trải hơn 40 năm đất nước đã thống nhất, nhưng vẫn chưa được nhìn nhận đánh giá đúng mức. Những hệ lụy của lịch sử, chiến tranh đã làm tăng thêm tính phức tạp khi bàn đến thời kỳ này. Nhưng văn học bao giờ cũng tồn tại khách quan trước mọi diễn biến của thời đai. Sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá thật công bằng và dân chủ là nhiệm vụ người cầm bút. Nhân Cuộc gặp gỡ mùa thu giữa các nhà văn trong nước và các nhà văn hải ngoại sắp diễn ra ở Hà Nội; sau khi đọc một số cuốn phê bình nghiên cứu về văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 của Nhà phê bình - Tiến sĩ Trần Hoài Anh, tôi có đôi lời về vấn đề trên.

VĂN HỌC MIỀN NAM TRƯỚC 1975 – TỪ MỘT GÓC NHÌN

Phải nói thẳng, chúng ta chưa có một cuộc tổng kết nào rõ ràng về thành tựu ưu và khuyết của văn học Việt Nam (bao gồm cả hai miền) giai đoạn 1954-1975. Những hệ lụy lịch sử và chiến tranh đã làm tăng tính phức tạp, dè dặt khi luận về thời kỳ này. Chúng ta còn mang tư tưởng e ngại, chưa có được cái nhìn khách quan về các hiện tượng văn học vốn tồn tại như một tất yếu trong lịch sử văn học nước nhà. Nói văn học Việt Nam là nói cái gì? Dòng chảy của văn học Việt Nam không thể khu biệt trong ranh giới miền Bắc (dưới chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), mà bỏ qua văn học miền Nam (dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa), ấy là chưa nói đến văn học vùng giải phóng, văn học hải ngoại của các cộng đồng người Việt. Đất nước đã thống nhất sau hơn 40 năm, nhiều hiện tượng văn học còn là ẩn số chưa được giải mã. Nói ẩn số, bởi nhiều tác phẩm ở miền Bắc bị chìm xuồng, sau phong trào Nhân văn Giai phẩm, hoặc có thể có những tác phẩm ẩn khuất đâu đó chưa có điều kiện công bố. Còn ở miền Nam thì sao? Điều này khá phức tạp, bởi lẽ chúng ta chưa chịu công nhận, hoặc công nhận thì công nhận sao đây? Các cây bút đôi miền vẫn còn bất đồng chính kiến, chưa ngồi lại bàn bạc dân chủ và cùng tôn trọng tác phẩm văn học như những hiện tượng khách quan! Nhưng lịch sử không dừng lại. Lịch sử trôi đi ngoài ý muốn chúng ta. Ẩn số văn học Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời...Ở đây, tôi xin bày tỏ những suy nghĩ về văn học ở miền Nam mà tôi đã tìm hiểu, đọc được đâu đó.
May thay chúng ta có không ít các nhà phê bình, nhà văn, nhà thơ đã chú trọng và nêu ra vấn đề này. Đặc biệt nhà phê bình Trần Hoài Anh đã dành hẳn những công trình của mình cho việc bàn về văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 qua các bài phân tích giới thiệu trên Văn Nghệ, báo điên tử và qua hai tác phẩm "Lý luận phê bình Văn học ở đô thị miền Nam 1954 - 1975" và "Đi tìm ẩn ngữ Văn chương"(*). Đất nước trải qua nhiều sự cố, đó là một thực tế bi thương. Văn học không thể đứng ngoài những biến cố ấy. Ở miền Bắc, phương pháp sáng tác văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chiếm địa vị độc tôn. Trào lưu ấy xuất phát từ Liên Xô (cũ) và Trung Quốc từ những năm hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ra đời. "Người mẹ" của M. Gooc ki, được xem như khuôn mẫu cho các nhà văn noi theo. Các phương pháp sáng tác, các khuynh hướng, trào lưu khác được coi như là phản động, không lành mạnh. Cá tính sáng tạo bi mất hẳn. Nhà văn viết theo một chiều. Văn học vì thế không có sự đa dạng, phong phú và rộng mở với cái nhìn đa diện đa chiều. Nhiều tác phẩm ra đời bị mất hút trong sự quên lãng, không mang lại dấu ấn cần thiết. Trái lại ở miền Nam, nhà cầm quyền để cho các trường phái siêu thực, ấn tượng, tượng trưng, hiện sinh...như ngọn gió tràn vào mặc sức. Người nghệ sĩ sáng tạo thuộc quyền của mình. Phải nói thực ra như vậy, trong khi ta muốn tìm "ẩn ngữ văn chương" dường như chưa có lời đáp.
Nhà phê bình Trần Hoài Anh thẳng thừng rằng "...cái khó là làm thế nào để tìm lại tư liệu về văn học miền Nam vốn dĩ không còn nhiều vì đã mất mát và rơi rụng qua những biến cố của thời cuộc, đồng thời phải làm thế nào có cái nhìn công bằng, khách quan về bộ phận văn học vốn trước thời đổi mới đã bị đối xử không công bằng, thậm chí bị vùi dập không thương tiếc" (trả lời phỏng vấn Một Thế Giới). Ông đã từng kể với tôi, trong một lần đi công tác miền Tây Nam bộ, người ta đem sách miền Nam trước đây ra bán giấy lộn. Thế là ông chọn và mua bỏ vào bao đem về. Đó là các tác phẩm của Nguyễn Văn Trung, Thanh Tâm Tuyền, Nhã Ca, Vũ Hạnh... Ông nói văn học không có lỗi gì trước lịch sử. Văn học cần được tôn trọng và đối xử công bằng và tử tế. Tính phi biên giới, phi chính trị của nó cần được nhìn nhận khách quan. Tôi bảo vệ nó, trước hết, bảo vệ tư liệu, sau đó bảo vệ các giá trị trong tư liệu ấy. Tôi không xem xét các nhà văn có lý lịch xuất thân từ giai cấp, xã hội nào, mà coi tác phẩm của họ viết về thân phận con người tới đâu, vấn đề dân tộc ra sao, nó có nằm trong tâm thức yêu ghét trên tinh thần nhân văn của nhân loại không?
Không lạ gì, trong tác phẩm vừa xuất bản “Đi tìm ẩn ngữ văn chương”, nhà phê bình Trần Hoài Anh đã dành trọn phần thứ nhất cuốn sách cho mục mình cần thảo luận: Lý luận - phê bình Văn học miền Nam (1954 - 1975) Di sản văn chương dân tộc. Ông không chỉ tìm thấy nó, thực ra ông đã công nhận nó. Văn học miền Nam là một bộ phận không tách rời của dân tộc. Ông nói cũng qua lần phỏng vấn đó "Theo tôi nước ta nói chung còn nghèo, văn học ta cũng còn nghèo vì vậy chúng ta không nên lãng phí mà vội bỏ đi một bộ phận văn học rất phong phú đa dạng, rất nhiều giá trị ẩn tàng như văn học ở miền Nam giai đoạn 1954-1975''. Nhìn thẳng để thấy những hệ lụy dẫn đến những khiếm khuyết ở văn học miền Bắc trong cùng giai đoạn lịch sử cũng là cách để chúng ta trân quí hơn những thành tựu của văn học nước nhà đã đạt được trong thời kỳ đổi mới với những tác phẩm đã thật sự vượt trội so với thời điểm trước đây. Tên tuổi Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chu Lai, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư, Hoa Níp... ra đời như để bù đắp cho năm tháng thiếu hụt đó.
Chính quyền miền Nam trước đó chỉ ngăn cấm những tác phẩm vi phạm luật lệ nhà nước. Họ không ngăn cấm việc tự do sáng tác của văn nghệ sĩ. Các lý thuyết, trào lưu văn học phương Tây tràn vào miền Nam như ngọn gió đa dạng, muôn màu sắc. "...hàng loạt tác phẩm của các nhà văn hiện sinh ở nước ngoài được dịch và giới thiệu. Đó là các tác phẩm của Sartre như "Văn chương là gì" (bản dịch của Nguyễn Văn Tạo), "Bức tường" (bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Văn Phúc); các tác phẩm của Albert Camus như "Giao cảm" (bản dịch của Bùi Giáng), "Dịch hạch" (bản dịch của Võ Đăng Dung), "Sa đọa" (bản dịch của Trần Thiện Đạo), "Ngộ nhận" (bản dịch của Bùi Giáng), "Sứ mệnh văn nghệ hiện đại" (bản dịch của Trần Phong Giao) và một số cuốn sách chuyên khảo về chủ nghĩa hiện sinh như "Sartre Heidegger trên thảm xanh" của Tam Ích, "Hiện tượng luận về hiện sinh" của Đặng Phùng Quân..." (Đặc điểm và những khuynh hướng chủ yếu của lý luận - phê bình văn nghệ ở miền Nam trước 1975. (**)) Rõ ràng bằng khả năng khám phá từ các nguồn tư liệu vốn không dễ tìm, Trần Hoài Anh đã tái hiện diện mạo đời sống văn học miền Nam 1954-1975 thông qua việc giới thiệu chân dung đội ngũ các nhà văn, nhà lý luận phê bình với nhiều khuynh hướng khác nhau phản ánh bức tranh đa phức của văn học miền Nam trước 1975, từ Nguyễn Văn Trung, Đặng Tiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Tô Thùy Yên, cho đến Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tấn Long, Hoàng Điệp, Huỳnh Phan Anh, Tam Ích, Võ Phiến, Thanh Lãng, Lê Tuyên, Lê Huy Oanh, Phạm Công Thiện, Tạ Tỵ, rồi Huỳnh Hữu Ủy, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Bằng, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Xuân Hoàng, Cao Huy Khanh... Mỗi người một vẻ, mỗi lĩnh vực khác nhau, nhưng họ đã trình ra bức tranh rộng lớn của văn học miền Nam thời ấy.
Phải thừa nhận rằng Trần Hoài Anh là người dũng cảm, không e ngại bổ nhát cuốc đầu tiên lên cánh đồng giàu phù sa của văn học miền Nam mà người đời còn dè dặt. Sự quả cảm ấy, chứng tỏ ông rất tôn trọng văn học Việt Nam dù ở đâu, thuộc chính kiến chính trị như thế nào. Văn học có sức sống riêng, có thể vùi lấp, che khuất, nhưng không thể hủy diệt. Văn học tồn tại như giống nòi người Việt vậy. Tôi cảm phục trước ông vậy - nhà phê bình, Tiến sĩ Trần Hoài Anh!
Quảng Bình, 25/9/2017
H.V.T
______
(*) Hai tác phẩm của Trần Hoài Anh, Nxb Hội Nhà văn (2009, 2017)
(**) Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Nxb Hội Nhà văn, 2017

Ảnh nhà Phê bình, Tiến sĩ Trần Hoài Anh và những cuốn sách của ông.

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

https://www.facebook.com/vuthuat.hoang/posts/414916758906001