Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 12)

Hoàng Tuấn Công


D. GIẢI THÍCH SAI NGHĨA ĐEN, HOẶC KHÔNG GIẢI THÍCH

GHI SAI, GHI NHẦM DẪN ĐẾN HIỂU SAI THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ

Thông thường, thành ngữ, tục ngữ dân gian đều có nghĩa đen (điều có thật, chuyện thực tế diễn ra như thành ngữ, tục ngữ nói) và nghĩa bóng (hàm ý của câu thành ngữ, tục ngữ). Nhiệm vụ của người làm từ điển (nếu khoa học, chặt chẽ) phải giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng và cách dùng của thành ngữ tục ngữ. Thậm chí, thành ngữ, tục ngữ có mấy cách hiểu về nghĩa đen, mấy cách hiểu về nghĩa bóng, quan điểm riêng của tác giả ra sao, hoặc những thành ngữ hiện chưa rõ nghĩa đen thế nào, chỉ biết nghĩa bóng và cách dùng, cũng cần nói rõ. Tuy nhiên, cách biên soạn của GS Nguyễn Lân khá tuỳ tiện. Có câu giải thích nghĩa đen, có câu lại lờ đi, giải thích nước đôi, chung chung, hoặc giải thích sai nghĩa đen, dẫn đến hiểu lầm hoàn toàn ý nghĩa thành ngữ, tục ngữ:

○ “bán bò tậu ễnh ương Chê kẻ không biết làm ăn”.

Câu này không được giải thích nghĩa đen. Vậy “ễnh ương” là con gì, nó có phải là một giống bò không? Tại sao có người vụng tới mức bán bò đi để mua con ễnh ương về nuôi?

Ễnh ương (花狭口蛙 - Kaloula pulchra) thuộc họ ếch nhái, đầu và bốn chân nhỏ, nhưng bụng lại rất to. Môi trường sống của chúng là các khu vườn hoang rậm, ẩm thấp, nhiều lá rụng, hay ngập nước. Ễnh ương giao phối, sinh sản vào mùa mưa, và thường phát ra tiếng kêu to “ộp...ương...ộp...ương...” kéo dài để gọi “bạn tình”. Đặc biệt, khi kêu thì bụng ễnh ương càng phình ra tợn (“ễnh”, mô tả cái bụng to, “ương” gợi tả tiếng kêu mà thành tên). Thế nên, loại bò gầy, suy dinh dưỡng, bụng ỏng đít beo, được dân gian ví với con ễnh ương (vùng Thanh Hoá còn gọi là “bò cóc”), lại có thành ngữ “Bụng như bụng ễnh ương”.

Học giả người Pháp Charles Roberquain trong sách Tỉnh Thanh Hóa (Le Thanh Hoa), thông qua ghi chép của một viên thanh tra thú y (1915) đã mô tả về những con bò “cóc”, “ễnh ương” này như sau: “...những đàn bò có dáng vẻ xấu, chưa nói đến chuyện gầy còm, ốm yếu, sự phát triển không đầy đủ, chưa hoàn hảo của hình thù, thiếu khí lực (...) con bò đã lớn mà sức vóc chỉ bằng con bê một tuổi là chuyện bình thường, nhiều con khác vóc dáng trung bình, giơ sườn ra, bắp thịt không có (...) tỉ lệ giữa các bộ phận cơ thể không cân đối.” (Le Thanh Hoa-Charles Roberquain-Nhà xuất bản G.VAN xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp 1929; Nguyễn Xuân Dương-Lâm Phúc Giáp dịch-NXB Thanh Hóa-2012).

Tuy nhiên, tại sao có người vụng đến mức bán một con bò tốt để mua về con bò khác gầy ốm, trông như con ễnh ương? Vẫn trong Tỉnh Thanh Hoá, Charles Roberquain đã viết: “Khi người dân Việt Nam có hai con bò mà họ chỉ cần một, thì họ bán con đẹp và để lại con xấu dành cho sự sinh sản”. Khoảng vài ba chục năm trước, vẫn còn những người chọn cách "làm ăn" bán đi con bò tốt, mua con bò khác ốm yếu, nhưng ít tiền hơn để nuôi. Mục đích là có thêm một khoản tiền dôi dư chi tiêu, trong khi vẫn có bò sinh sản, cày kéo. Kiểu tính quẩn, vì cái lợi trước mắt mà anh nhà nghèo cho là “hợp lý”, chính là một trong những nguyên nhân sinh ra loại bò cóc, thoái hóa, thiếu khí lực. Cũng cần nói thêm, so với trâu, thì tầm quan trọng về sức kéo của bò không bằng, đặc biệt, với những nhà nghèo, ít ruộng. Bởi vậy việc chọn giống bò không khắt khe như chọn giống trâu.

Như vậy, nghĩa đen thành ngữ đang xét là: bán một con bò tốt, mua về con bò khác còi cọc gầy ốm, “bụng ỏng, đít beo” trông như con ễnh ương. Có bài ca dao cười, diễn dịch rất hay câu tục ngữ này: Nhà anh khéo liệu khéo lo, Bán một con bò tậu cái ễnh ương, Đem về thả ở gầm giường, Đêm nằm ương ộp lại thương con bò (dị bản Hắn kêu ương ọp lại thương con bò”)...

Nghĩa bóng: chê kẻ vụng về, tính quẩn, không biết cách làm ăn. Tục ngữ Việt còn có câu gần nghĩa, nói về vụng làm ăn, tính toán: Bán bò tậu ruộng, mua dê về cày.

○ “bụng đói như bò bắt nợ (Con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói, chẳng béo tốt gì) ý nói: đói quá”.

Đói có muôn vàn kiểu đói, sao lại ví “đói như bò bắt nợ”? Thành ngữ này không đơn giản chỉ là “ý nói: đói quá”, đói vì “con bò mà người có nợ phải trả hẳn là bị đói” (vì nhà nghèo) như GS suy diễn.

Chó gầy xấu mặt nhà nuôi, vì chó ăn theo người. Nhà nghèo, người còn thiếu cơm ăn, chó làm sao béo tốt được? Nhưng bò đâu có ăn cơm, thóc lúa, lương thực? Nó ăn cỏ và uống nước lã! Thế nên, bò nhà nghèo vẫn béo tốt như thường. Thậm chí, nhà nghèo, bò càng được chăm sóc cẩn thận và rất béo tốt, bởi đó là cả gia tài của họ. Hơn nữa, có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến bị bắt nợ, không hẳn nhà nghèo mới bị bắt nợ.

Vậy sao lại nói “đói như bò bắt nợ”? “Bò bắt nợ” là con bò bị chủ nợ bắt về, buộc (nhốt) một chỗ (gây sức ép buộc con nợ phải lo trả nợ và tránh bị đánh tháo). Trong khi chưa chính thức thuộc quyền sở hữu của chủ nợ, thì bò không được cho ăn uống gì, luôn nhớn nhác, thể hiện vẻ sợ hãi. Ý thành ngữ là bị đói khát, giam hãm trong hoàn cảnh trớ trêu, bơ vơ nơi xa lạ, không được ăn uống chăm sóc, cũng không thể tự đi tìm kiếm thức ăn được…Cảnh con bò bị bỏ đói, bỏ khát, hai hông lép kẹp, lõm sâu xuống, còn là hình ảnh con bò bị làng bắt thuế, buộc người có nợ phải chạy lo nộp cho đủ.

○ “im như thóc đổ bồ (Người có thóc đổ vào bồ không muốn cho người ngoài biết, sợ người ta vay mượn) Ý nói im lặng một cách ích kỷ”.

GS Nguyễn Lân không hiểu nghĩa đen thành ngữ, nên giải thích sai. “Im” ở đây không phải tả động tác đổ thóc vào bồ một cách nhẹ nhàng, kẻo có người (đang rình ở xó nhà hay bờ vách?!) nghe tiếng rào rào của thóc chảy vào bồ rồi đến vay mượn. Giàu hay nghèo, có thóc hay không, người ta nhìn vào gia cảnh đủ biết, đâu cần phải đi rình xem có nghe tiếng thóc đổ vào bồ hay không? Sự im lặng theo nghĩa đen ám chỉ những hạt thóc đã ở yên trong bồ, đã cất vào bồ, đưa vào trong kho, buồng kín rồi, không có gì xáo trộn nữa. Đó là sự im hơi, lặng tiếng ở một nơi kín đáo, không hề cựa quậy. Có dị bản nhấn mạnh hơn: Câm như thóc hoặc Im như thóc trầm ba mùa. Thóc “trầm ba mùa” là thóc không còn khả năng mọc mầm nữa, một sự im lặng tuyệt đối và mãi mãi. Nghĩa bóng: Sự sợ sệt, im thin thít, hoặc bị bắt buộc phải im lặng không nhúc nhích, không dám tỏ thái độ phản ứng trước bất cứ một việc gì. Đó là cách ví von, sự mô tả giàu hình tượng của dân gian.

○ “bối rối như bà sư đẻ Chế giễu người luống cuống trước một sự việc”.

Trước nhiều “sự việc” bất ngờ, người ta có thể bối rối, “luống cuống”. Tuy nhiên, “bối rối như bà sư đẻ”, lại là cách ví von rất đắt của dân gian. Bởi bà sư đâu có được phép lấy chồng, không có chồng sao lại đẻ con? Thế nên, cái “bối rối” của bà sư chính là sự lúng túng, mất bình tĩnh tột độ, không biết xử trí, che giấu thế nào trước việc vụng trộm bị bại lộ.

○ “lầm rầm như đĩ khấn tiên sư Chế người lẩm bẩm trong miệng điều gì không dám nói ra”.

Chắc hẳn không ít bạn đọc sẽ thắc mắc “đĩ khấn tiên sư” là gì? Tại sao lại phải khấn “lầm rầm”? Rõ ràng GS Nguyễn Lân mới chỉ dừng ở mức nói đại ý cách dùng, cách hiểu, mà giải thích ý nghĩa cũng chưa đúng.

Có câu: Tâm động quỷ thần tri, nghĩa là: trong lòng nghĩ gì quỷ thần đều biết. Khi khấn vái nghĩa là “giao tiếp” với “người âm” hay thần linh, người ta thường phải khấn lầm rầm, xen cả tiếng xuýt xoa, chỉ đủ để quỷ thần nghe thấy, thể hiện sự tôn kính, sợ sệt. Tuy nhiên, ở đây thành ngữ dân gian không nói việc lầm rầm khấn vái nói chung mà là “lầm rầm như đĩ khấn tiên sư”. Bên Tàu ngày xưa chốn lầu xanh thường có bàn thờ vị Tổ nghề thanh lâu “bạch mi xích nhãn” (mắt đỏ, lông mày trắng). Truyện Kiều có câu: “Giữa thì hương án hẳn hoi, Trên treo một tượng trắng đôi lông mày…Cô nào xấu vía có thưa mối hàng, Cổi xiêm lột áo sỗ sàng, Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm, Đổi hoa lót xuống chiếu nằm, Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi...” Đĩ khấn tiên sư nghĩa là khấn vái “tổ nghề” (bán trôn nuôi miệng), cầu xin được “đắt khách”. Mà khấn để cầu một việc đáng xấu hổ, buồn cười như vậy đĩ nào dám khấn to? Thế nên, khi cúng bái nói chung, người ta đã phải “lầm rầm” rồi, khấn tiên sư nghề làm đĩ lại càng phải lầm rầm hơn. Cũng nên chú ý, lầm rầm là nói ra rồi, nhưng nói nhỏ chứ không phải là “không dám nói ra” như GS giải thích. Bởi “không dám nói ra” tức là chỉ để bụng mà thôi.

○ “nuôi khỉ giữ nhà Tức là làm một việc trái khoáy (Vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi).”

Đúng là việc làm trái khoáy, nhưng giải thích “vì người ta chỉ nuôi chó để giữ nhà thôi thì thà rằng không giải thích, bởi ai cũng biết điều đó. Nếu thế, khi sửa thành “Nuôi cáo giữ nhà” hoặc “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cách lý giải về sự “trái khoáy” của GS vẫn là “vì người ta chỉ nuôi chó giữ nhà thôi” sao?

Vậy tại sao dân gian lại chọn con khỉ? Khỉ là con vật láu lỉnh, tinh nghịch, biết cầm nắm, sử dụng công cụ, thực hiện một số động tác như người. Đặc biệt, khỉ có thói hay bắt chước người rất tai hại. Rất khó quản lý hoặc răn dạy khỉ, nên kể cả nuôi trong nhà, người ta vẫn thường phải nhốt, hoặc xích nó lại. Nếu được thả tự do, không có người giám sát (tựa như giao việc trông coi nhà cửa cho nó), khỉ sẽ bắt chước người làm một số việc rất nguy hiểm. Ví như thường ngày khỉ thấy người nhóm lửa nấu nướng, nó cũng lén cầm mồi lửa “châm thử” vào mái tranh, mái kè... Thậm chí dân gian còn lưu truyền câu chuyện thương tâm. Nhà kia nuôi con khỉ, thường ngày nó thấy chủ cắt tiết gà làm thịt. Khi chủ đi vắng, nó lẻn ngay vào buồng, bắt chước chủ trói đứa trẻ đem ra cắt tiết...Rồi chuyện khỉ sổng chuồng lấy quần áo của người để mặc, kê đít ngồi, hay ra vườn phá phách hoa quả, ăn một phá mười. Khỉ phá hại là vậy, nhưng nếu có kẻ trộm đột nhập, thì nó lại hoàn toàn không có ý thức hay bản năng giữ nhà. Thế nên, nếu nói “Nuôi thỏ giữ nhà” thì cái hại có chăng chỉ là chúng không xua đuổi kẻ trộm được như chó, chứ không phá phách, làm hỏng việc, tai hại như khỉ.

Thế nên, Tục ngữ Mường cũng có câu: Nuôi khỉ khỉ đốt nhà (Ruôi khỉ, khỉ đột nhá). Tục ngữ Hán gần nghĩa: “狐狸看鷄 - Hồ ly khán kê - Giao việc trông coi gà cho chồn cáo”; “以狼牧羊 - Dĩ lang mục dương - Dùng sói để chăn dê”; “老鼠看倉 - Lão thử khán thương - Nhờ chuột coi kho”. Cáo, sói, chuột xuất hiện trong ba thành ngữ này vì: cáo ưa bắt gà; sói thích thịt dê; chuột chuyên đục khoét, ăn hại lương thực, thực phẩm vậy mà lại nhờ chúng trông coi chính những thứ ấy. Đó là điển hình cho sự sai lầm khi tin tưởng, trông chờ, nhờ cậy không đúng đối tượng, kết quả chỉ có hại.