Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (444): Túy Hồng (14)

Tôi nhìn tôi trên vách (kỳ 11)

Đầu hôm Sanh vào thăm tôi với một bó hồng đỏ mười chiếc cắm vào bình hoa đầu giường. Cuối tháng Sanh đi Hoa Kỳ du học bốn năm dài, Sanh nói cái tin đi với vẻ mặt buồn. Tôi cười chắc anh lấy vợ ngoại quốc luôn…

– Anh Sanh sao cứ chua cay với chị Khanh hoài, chị Khanh có chồng rồi… tại răng anh ấy không đi hỏi bà Trâm cho tiện. Thảo bảo.

– Anh Sanh qua năm bảy mối tình rồi mà chưa có vợ, chắc anh ấy bất lực liệt dương. Trâm giẫy nẩy.

Bệnh lành rồi, tôi vào ngay nhà thương thăm Nghiễm. Chàng có vẻ khá hơn, da mặt thấy thoáng ánh hồng, râu mép dài ra có vẻ tươi tốt. Nghiễm ngồi nhổm dậy khi tôi đâm bổ vào giường chàng. Chàng kêu, trời ơi, Khanh; trời ơi, Khanh …

– Em cứ tưởng chết đi không còn thấy mặt anh mặt con… Tôi nói trong hơi thở dốc.

Chàng đặt tay lên đầu tôi:

– Thôi từ nay em đừng đi xe lam nữa, xe lam chạy ẩu lắm.

– Năm nay gia đình mình thật rủi ro, anh bị nằm ở đây, em bị nằm ở đó… xui quá! Một tuần lễ không gặp nhau, anh có nhớ em không?

– Anh điên cha cái đầu.

Ngón tay tôi vuốt những sợi gân trên lưng bàn tay Nghiễm, bàn tay thư sinh trắng dài qua một cơn mất máu nên cầm lên lành lạnh.

– Trong thời gian em bị nạn nằm một nơi không ở bên anh để săn sóc, em cứ sợ có cô nào xông vào giành chỗ của em.

– Bệnh hoạn thế này, còn cô nào nữa!

– Thế mà còn, thế gian còn có những nữ văn sĩ thì đàn bà chúng tôi còn mất chồng.

Nghiễm lật ngược dưới gối đưa ra một gói hình chữ nhật:

– Em cất kỹ để lo cho anh, lo cho em, mấy chục nghìn của anh em góp lại ủng hộ.

– Phần em có con Bích Khuê lãnh trả hết.

Nghiễm nhăn nhó:

– Em cứ hay dây dưa đến chuyện Sanh.

– Hai tuần nữa Sanh đi Mỹ rồi.

Tôi mở gói nhật trình rồi cặm cụi ngồi đếm tiền: Hai chục nghìn, ba chục nghìn, bốn chục nghìn, năm chục nghìn, sáu chục nghìn… Bạn bè đã góp bàn tay vào đám cưới, bạn bè góp bàn tay vào hạnh phúc, sức khoẻ, bàn tay nâng, bàn tay đỡ, bàn tay ơn.

Nghiễm nhìn ra cửa cười đón người bạn vào thăm anh. Cái dáng dấp dài ngồi xuống ghế miệng lỏng lẻo ngậm “píp”, đôi mắt cười cợt sau cặp kính cận:

– Khoẻ chứ?

Nghiễm gật đầu. Tôi rót ly nước lọc.

– Anh Nghiêm Quan xơi nước.

– Xin chị. Nghiêm Quan cười, cái cười làm cho tuổi năm mươi rớt rụng hết mười, cái cười dám thách thức quãng dốc mòn của thời gian lên lão làm đôi mắt ánh thêm và sâu thêm.

– Hôm qua ông vui ở đâu? Nghiễm hỏi.

– Đi với “em” cả đêm.

Nghiễm cười, tôi nguýt dài. “Em”, em là kẻ tử thù của vợ. Bọn đàn ông văn nghệ người nào cũng có một “cháu” để ngoài đường và có một vợ để ở nhà. Bọn đàn ông văn nghệ nào cũng chia cuộc đời ra làm hai cảnh sống, một cho vợ và một cho người tình. Người nào có phần người đó. Bọn đàn ông văn nghệ không ai là không có tội với vợ. Tôi chủ trương rằng làm vợ bọn đàn ông này là giờ phút nào cũng phải ghen, cũng phải đổ bể chén đĩa, cũng phải nấu canh bằng nước mắt mình, cũng phải cầm dao phay đi lóc thịt xẻ xương tình địch. Tôi chủ trương rằng làm vợ bọn đàn ông này là phải khuấy phá cho gia đình thành địa ngục, phải đề phòng ba bề bốn bên, phải tấn công tới tấp sau lưng trước mặt. Giờ phút nào cũng là giờ phút hiểm nghèo, hạnh phúc nào cũng là hạnh phúc giả, ái ân nào cũng là ái ân nguội. Ôi! Hôn môi, hôn má, vuốt tóc, vuốt tai, vuốt đầu…, những động tác gượng gạo bắt buộc của một bài học thể thao tại nhà. Tôi chủ trương rằng làm vợ bọn đàn ông này dù có đặt tay lên ký một trăm tờ hôn thú cũng cầm bằng một cái lắc đầu. Có hôm tôi bảo Nghiễm:

– Anh phải làm sao cho em tin là em chưa bị bội phản?

Nghiễm dong tay:

– Anh vẫn yêu em như ngày cưới nếu anh không còn yêu em, anh sẽ tắt như ngọn đèn kia kìa.

Tôi bĩu môi:

– Đàn ông thề là cá trê đục vô ống.

Người đàn ông văn nghệ nổi danh là nổi danh cho ai, vui tươi và vui tươi cho ai, sung sướng là sung sướng cho ai, phục vụ cho ai để vẫn thường đem về cho vợ một bộ mặt quạu quạu, một thể xác mệt mỏi… Họ đích thật là của họ khi họ đau yếu, khi họ hoạn nạn và khi họ không còn sống nữa để người vợ lo chôn cất thủ tang để chế và nuôi con.

Tôi quay qua Nghiêm Quan:

– Anh thì suốt đời rong chơi hoa thơm bướm lượn.

Nghiêm Quan:

– Khổ lắm chị ơi… làm việc như trâu kéo cày.

Tôi vờ hỏi:

– Anh Nghiêm Quan… đi chơi với bạn thích hơn hay đi chơi với người tình thích hơn?

– Nếu không có rượu thì đi với bạn thật ít phần thích thú.

Tôi mở to mắt:

– Anh Nghiễm tôi không có “em” để đi chơi, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng “cháu” một bên mình.

– Anh Nghiễm thì tốt quá, tốt quá, chị khỏi lo.

Tôi mở hộp bánh mời khách rồi sửa soạn về nhà thăm con. Mẹ mừng rỡ khen tôi béo ra, khen bé Hiền ngoan ngoãn cả tuần nay không khóc đêm, không đòi bú đêm. Tôi cúi xuống nôi hôn con thật lâu thật dài rồi nghiến răng để tay khỏi bẹo con, miệng khỏi cắn con.

Mẹ đi vào nói:

– Từ đây phải đề phòng răng chứ tao sợ quá.

Tôi ngẩng lên:

– Sợ chi mẹ?

– Mi giao thiệp bạn bè răng đó cho hắn đánh đập, tau sợ quá.

Bé Hiền cong môi lại như cái mỏ chim rồi cười toe toét. Tôi đưa tay bẹo nhẹ má con nghiến răng lại nói nựng. Bé Hiền bú chưa xong bình bò đã ngủ, trong giấc ngủ cũng cười nụ nhỏ. Tôi đặt con vào nôi, đi lại góc nhà lấy giỏ đồ bẩn ra sau rồi quét phòng chùi phòng. Thời gian hai vợ chồng vắng mặt, lũ em xuống ngủ đêm để săn sóc cháu đã biến gian phòng thành một đơn vị lôi thôi nhất nhà. Tôi kéo thùng sữa Guigoz vào một góc phòng, mở ra xem chỉ còn một hộp. Tháng này lại phải tiêu thêm một khoản tiền sữa cho con rồi. Những ngày đầu Nghiễm nằm nhà thương bệnh tình nguy cập, tiền thuốc có ngày phải mua hơn một vạn. Tôi mở tủ. Gia tài chỉ còn vỏn vẹn sáu chục nghìn của anh em bạn bè đóng góp, tôi ngồi xuống giường nín lặng. Cái máy rang bắp mượn tiền Bích Khuê mua tặng mẹ trong dịp cha về hưu mỗi ngày chỉ kiếm được vài trăm tiền chợ, lương đi dạy của Trâm đủ để đong gạo. Cổ phần hùn chung với Bích Khuê ở công ty nước đá hồi còn con gái bây giờ mỗi tháng chỉ thu vào có mười nghìn. Tôi thở dài. Mười ngàn bạc trong cơn bệnh ngặt nghèo là một nguồn sống. Khi chưa lập gia đình với nhau, Nghiễm là một người giàu có, tôi là một người giàu có. Cả một quãng đời độc thân dài, Nghiễm vung tay ăn xài lớn với bạn bè nên bây giờ chàng thật nhiều bạn. Chàng làm ra tiền, chàng tiêu ra tiền theo một đà đều đều. Hồi còn mồ ma con gái tôi cũng giàu có cho em út ăn nhờ nương dựa, cung cấp cho em út bao nhiêu cái cần thiết. Em út đã ngậm ngùi lớn ngày tôi lấy chồng… Nghiễm là một người đàn ông giàu có, tôi là một người đàn bà giàu có, đứng riêng ra thì vậy nhưng ráp lại thành một cặp thì thành đôi vợ chồng nghèo băn khoăn, thắc mắc, gây lộn…

– A, bà Khanh về. Thảo, Trâm, Cúc cùng la lên.

Út hát: “A má về, má mua cho con cái gì. Chị ơi, chị mua cho em bánh bò”. Thảo nhảy vào láu táu:

– Hú ba hồn chín vía bà Khanh, kẻ chết hụt trong một vụt thảm sát rùng rợn.

– Mua một con gà mệ về cúng với chín miếng thịt, chín con cua, chín cái trứng… Trâm la to:

– Cúng nhiều dữ vậy? Tôi trợn mắt.

– Cúng đến ba hồn chín vía mà không nhiều sao?

– Bà hà tiện thì mua gà con vừa mới nở về cúng vậy!

Lũ em vào phòng thay áo quần tìm dép la oai oái, bà Khanh đi cả tuần về dọn dẹp lại cái kho hạnh phúc của bà, vứt áo quần của tui mô, đá dép của tôi chỗ mô? Tụi này không muốn có thứ tự ngăn nắp, mất thì giờ lắm. Bà vào nhà thương với ông Nghiễm rồi tụi này lại bày bừa ra cho mà coi.

Trâm mặc bộ đồ màu hồng đến bên tôi nói nhỏ:

– Ngày anh Sanh đi Mỹ, chị có đi tiễn không?

Tôi nhún vai lắc đầu, Trâm gật gật. Tôi nói:

– Đáng lẽ tau không nên lấy Nghiễm!

– Mệt lắm! Trâm cau mày.

– Mấy thằng cha văn sĩ, thằng cha mô cũng có mèo. Tau bị phản bội.

– Không nên vơ anh Nghiễm vào cái nắm đũa đó.

– Anh Nghiễm mà có mèo là tau bỏ đi một nước, là tau ly dị một giờ như gió.

– Mà tại răng bà cứ quyết là anh Nghiễm có mèo?

– Bây giờ bao nhiêu thằng văn nghệ có vợ rồi đều ngoại tình hết!

– Tại răng chị biết?

– Chính mắt tau thấy một thằng cha.

– Một thằng cha chứ đâu phải tất cả mọi thằng cha.

– Những kẻ lấy vợ sớm, những kẻ lấy vợ hồi còn hàn vi, sau này trở nên danh giá, giàu có là những kẻ thế nào cũng ngoại tình. Ngày xưa họ lấy vợ, họ chỉ thấy có cánh hoa lý là đẹp, bây giờ họ bừng mắt, họ thấy hoa mai cũng đẹp, hoa hồng cũng đẹp, hoa sen, hoa thược dược, hoa mồng gà… hoa nào cũng đẹp, cũng lạ.

– Nhưng anh Nghiễm đã già khú đế mới lấy vợ, ăn chơi uống rượu đã đời phè phỡn mới lấy vợ…

Khi trên mặt đã có chút máu, khi trong bụng đã có chút chất bổ dưỡng, Nghiễm luôn luôn đưa tay lên vuốt tóc và xoa râu, Nghiễm đòi trốn nhà thương một bữa để đi hớt tóc, cạo mặt, cạo râu, Nghiễm đòi tôi mời vào bệnh viện một ông thợ cúp và cạo. Bây giờ sáng sáng tôi phải về sớm để ăn điểm tâm hai chén cháo ở nhà, tối lại mới vào nhà thương sau buổi cơm chiều vừa ăn vừa trông con. Một buổi sáng Chúa nhật, Nghiễm kêu ngứa đầu bảo tôi nán lại nhổ tóc bạc cho chàng. Những sợi tóc của Nghiễm mềm và nhỏ, đen mướt và dính vào nhau, người Huế gọi là tóc mật. Giữa đám tóc đen lưa thưa một vài sợi trắng bạc. Nghiễm bảo tóc anh bạc nhiều vì máu xấu chứ không phải vì thời gian. Chàng có một cảm giác bằng lòng khi ngửa bàn tay đón những ngọn tóc vừa bạc vừa sâu nhổ ra kêu cái “bựt” còn nguyên cả gốc lẫn ngọn. Tôi dí cọng tóc vào tay Nghiễm nói:

– Anh già quá rồi, anh già quá rồi, em còn trẻ…

– Tóc em cũng có vài sợi bạc mà em không biết.

– Trời ơi, ai mà nhổ của em được một sợi bạc là em cho một triệu bạc liền.

Nghiễm chợt đưa tay can tôi thôi nói khi có người bước vào. Đó là Tâm Thanh, cái tên lớn nhất trong làng văn, người đề nghị nên dành cho mỗi nữ sĩ một tát tai nổ đom đóm mắt. Tâm Thanh ngồi vào ghế:

– Mãi tới hôm nay mới thấy bà.

– Cứ sáng sớm tôi về nhà, đến tối lại vào.

Tâm Thanh cười đứng dậy đi quanh phòng nhìn dáo dác, mở cửa trông vào toilette rồi trở lại ngồi vào ghế trên đầu giường Nghiễm chép miệng:

– Gian phòng đẹp quá. Được nằm ở đây thật là sung sướng.

– Nếu đừng mất mỗi ngày một nghìn bạc tiền phòng thì gian phòng càng đẹp hơn nữa. Tôi hứ lên.

Tâm Thanh đặt một chân lên ghế lấy thuốc ra hút:

– Trông mặt mày thằng Nghiễm dạo này khoẻ lắm. Chính là nhờ được nằm trong cái phòng tốt như thế này mà nó mau bình phục. Bị cái nước An-nam Cộng hòa nó cực quá, nó chiến tranh liên miên, nó đánh giết nhau từ đầu tấu tới mãn táng; bị cái thằng dân An-nam Cộng hòa nó khổ đau đứ đừ quá, nó kêu rêu rên siết luôn miệng, nó nhăn nheo nhúm nhó cả ngày, nó trốn tránh chui rúc ăn ở chật chội trong những ngôi nhà nhỏ như cái mũi, nó phải làm việc vật lộn kham khổ mới có cái ăn, nó phải đánh đổi mạng mới sống nổi…, nó cực quá như vậy, nên thần kinh nó đau, gan nó đau, phổi nó đau, lòng ruột nó đau. Bây giờ nó được nằm nghỉ thẳng tay thẳng chân trong một phòng đẹp, rộng rãi, nó an thần sung sướng, nó được khỏi phải thức khuya, phải làm việc… nên bây giờ nó khoẻ ra, không cần uống thuốc cũng khoẻ ra.

Nghiễm đưa tay xoa râu, tôi chồm lên nói:

– Bây giờ mấy ông nhà văn đồng thanh lập một cư xá tĩnh dưỡng. Hễ ai đau quăng vào đó nằm.

– Cháu sao chị? Tâm Thanh hỏi.

– Dạ, cám ơn anh, cháu đang làm nghề bò, cả tuần nay đi tiêu hoa cà hoa cải.

– Mặc kệ chị ạ, đừng lo, trẻ con nó đau thì cứ để cho nó đau. Có đau mới mau lớn.

Tâm Thanh ra về bỏ quên kiếng mát, tôi cất vào hộc tủ.

Đến tối tôi vào, Nghiễm bảo tôi ngồi lên giường cho chàng cầm tay kể chuyện quan trọng. Hồi trưa một ông bạn của Nghiễm mười năm không gặp tình cờ lại thăm chàng, ủng hộ chàng mười nghìn bạc và khuyên chàng đừng nằm dưỡng đường tư nhiều ngày tốn tiền, ông sẵn lòng cho chàng mượn một căn phòng trệt ở cao ốc nửa năm để dưỡng bệnh, mỗi tuần đi bác sĩ xin toa mua thuốc tiêm và uống.

– Cho ở một phòng sao? Tôi hỏi dồn.

– Cho mình ở không phải trả tiền. Anh biết chỗ đó rồi, đẹp lắm, mát lắm, yên tĩnh lắm.

– Cả gia đình mình ở có vừa không?

Nghiễm lắc đầu:

– Phòng cá nhân chỉ một mình anh ở để dưỡng bệnh. Ở đó sáu bảy tháng rồi về nhà.

– A… à… à…

– Bệnh của anh thì cần phải nằm một nơi yên tĩnh, không tiếp xúc với bạn bè. Bây giờ anh về nhà thì thật chật chội, ồn ào, bệnh trở lại nặng nề hơn, còn vấn đề nằm nhà thương thì không đủ điều kiện để nằm lâu. Bây giờ, anh về nằm dưỡng ở đó thì cũng là một cách nằm bệnh viện.

– Thế thì ai lo cơm nước cho anh, ai săn sóc hầu hạ. Tôi băn khoăn.

– Ừ… vấn đề hết sức phụ thuộc. Ở building có câu lạc bộ, buổi trưa người ta hứa nấu cơm cho anh ăn, mang vào tận phòng, còn buổi tối thì em làm bít-tết ở nhà bới vào thêm món súp rau, mì luộc…

– Thế còn ai tiêm thuốc cho anh.

– Ở building vẫn có cô đi chích dạo ngày, mỗi mũi có mười đồng bạc, hay mười lăm đồng bạc chi đó.

– Thế thì em vẫn tối đi sáng về chẳng có gì thay đổi. Chỉ có mình anh thay đổi chỗ ở mà thôi.

Chiếc quạt máy xoay tít trên đầu hình như cho nhiều gió quá, mọi cánh cửa hình như đón nhiều ánh sáng quá, tôi hỏi Nghiễm có ngợp không, có chói không; rồi xuống đường mua cho chàng tờ báo.

Nghiễm giục tôi sửa soạn về gấp, bảo hãy ghé quán bà ba Bủng ăn tô bún thang cho ngon miệng. Tôi lắc đầu nói nếu muốn ăn thì chỉ vào tiệm ông Ba Ninh ăn bún bò. Về đến nhà, mẹ đang nấu nước sôi muối dưa cải. Người Huế muối dưa bằng cải cay và cải củ với nước nấu sôi cho muối sống vào.

Tôi kể lại câu chuyện Nghiễm nói hồi sáng, mẹ mừng rỡ gật đầu:

– Bệnh đó là bệnh dằng dai không phải chữa cấp bách một sáng một chiều mà khỏi, mà dây dưa hằng năm. Thằng Nghiễm nằm nhà thương được một tháng chưa?

– Hai mươi tám ngày rồi mẹ ạ!

– Nằm đủ một tháng rồi dọn về đó đi. Có được cái phòng nằm dưỡng bệnh tốt quá. Hay mi cứ ở hẳn luôn trên đó với hắn đi để con tau trông coi cho.

– Con vẫn đi đi về về như khi anh nằm ở bệnh viện vậy.

Ngày trả lại phòng cho nhà thương, sáu chục ngàn đồng của bạn bè đóng góp đi veo, tôi đọc nhanh vẻ sững sờ trên gương mặt Nghiễm, tôi thấy tôi tê tái và tôi nghe được cả hơi gió thổi bay những tờ bạc năm trăm từ tay chúng tôi.

Nơi dưỡng bệnh của Nghiễm là một căn phòng cá nhân đầy đủ tiện nghi. Tôi đếm từng viên gạch bông vàng bóng loáng, sờ sịt những bức tường xanh, ngó lên quạt trần, mở cửa đi vào phòng vệ sinh, rửa mặt soi gương nhìn cơn vui hồng hào hiện lên hai má. Tôi cầm ngón tay út của Nghiễm nói trong sự mất bình tĩnh:

– Tại làm sao mà ông bạn lại đối xử với anh tử tế như vậy?

– Ngày xưa, hắn đói rách hắn vay anh.

Bây giờ, ngày ngày cứ bảy giờ sáng tôi rời Nghiễm về nhà lo cho con, bảy giờ tối mang cơm vào ăn với chàng, ngủ trên đi-văng song song xa xa giường chàng. Trâm đi mượn và mua bài vở cho ban đêm tôi nghiền ngẫm học. Nghiễm kêu nhớ con, thèm thuốc lá, thèm ăn canh cua rau đay, thèm ăn chả trứng đúc với thìa là. Tôi đặt bút ngửng lên hỏi:

– Anh có nhớ rượu không?

– Sợ rồi. Nghiễm rùng vai.

– Sợ thì sợ rồi nhưng quả thật có thèm không?

– Quả thật là không thèm. Sợ luôn cả món tiết canh nữa.

Con đường từ nhà tới đây không tiện đường xe lam, tôi phải đi bộ một đoạn đường dài mới có xe đi ngang gần nhà. Lần thả bộ đầu tiên có một gã chạy Honda đỏ xình xịch đỗ lại hỏi:

– Có quá giang không?

Tôi tưởng mình bị tán tỉnh, cụp mặt nói nhỏ:

– Ai khiến! Đồ…

Điều đó nói lại khiến Nghiễm cười xòa:

– Gái Huế từ già tới trẻ cứ đi ra đường là tưởng bao nhiêu cặp mắt đều nhìn dán vào mình, nhìn chằm chặp vào mình, rồi xáp lại ve vãn, tán tỉnh mình.

– Đi xem đất về cất mặt lên trời, đó là tác phong của gái Huế. Tôi vênh mặt.

– Gái Huế còn một điểm xấu nữa là khi có người đàn ông nào lại làm quen là cứ cho rằng mình bị mất mát một cái gì. Đi ăn cơm với đàn ông một lần là la hoảng lên mình dễ dãi quá, mình xong một đời rồi.

– Đau nằm một chỗ sắp biến thành đàn bà mà còn gân cổ cãi lý. Tôi nguýt.

– Khó tìm ra được một gái Huế tự nhiên không hoang mang bậy bạ, ăn thì chắc một bụng, ngủ thì đầy một giấc, tay thì khoan thai. Nghiễm lắc đầu.

Tôi ưỡn ngực dí ngón tay trỏ vào trán mình:

– Anh đã tìm ra được một người là tôi mà anh không biết. Anh đã tìm ra những người nữa là bọn em tôi mà anh không biết … và tất cả phụ nữ của tỉnh Thừa Thiên mà anh không biết.

– Ôi chao! Chị em cô… lúc nào cũng rúc vào nách nhau, lúc nào cũng níu vạt áo dài nhau mà a a ê ê, mà chạy, mà dị quá, dị quá… Nghiễm thè lưỡi nhăn mặt.

– Nhưng làm gái Huế có một điều sung sướng nhất là năng được đàn ông Bắc với đàn ông Nam nhắc tới.

Nghiễm nói nhanh:

– Muôn đời tôi cũng không mê nổi gái Huế.

Tôi chong mắt:

– Hớ… hớ… thế thằng cha nào đã mê tôi, đã bám tôi, đã đau thương tuyên bố: anh mà không lấy được em là anh khóa sổ, không lấy ai nữa.

– Cả đời tôi chỉ làm một chuyện dại là chuyện dại đó. Nghiễm ngồi phắt dậy.

Cơn giận bất ngờ chực hừng lên, tôi nóng ngay má, tôi ướt ngay mắt:

– Anh nói vậy đó hả, anh nhớ hộ tôi lời đó nhé để thỉnh thoảng nhắc chừng tôi. Tôi hay quên lắm.

Tôi hạ cái nhìn xuống trang sách, lặng lẽ mím môi mấy ngón chân động chạm vào nhau. Nghiễm cười hắc hắc:

– Ức! Ức rồi…, nói chơi vậy mà cũng ức.

– Đàn ông đáng tin nhất khi họ nói chơi.

Đêm hôm đó, tôi chong đèn trắng nằm học bài đến hai giờ sáng, giấc ngủ muộn kéo đến nhẹ như một màn lưới thưa ngăn ngang ý nghĩ nhỏ: “Những nữ sĩ nổi tiếng hầu hết là gái Huế”. Sáng hôm sau về nhà chậm, trời đã lên nắng, áo dài nilông và nắng thấm rát lưng mỏng khi tôi đi bộ ra con đường lớn đón xe lam. Đi bộ là một sự thường, Nghiễm hay cười sự thường đó mỗi lần chợt nhắc đến cô ca sĩ người Huế đã đi bộ từ đài phát thanh Saigon về đến nhà với một tay đưa ra trương dù. Nghiễm cười đó là một sự mỏi tay, đó là một sự mỏi chân. Làm ca sĩ nhiều tiền thì cứ việc đi xe. Saigon xe đâm ngang đâm dọc, xe ủi tới ủi lui, xe phóng qua phóng về, sự giao thông có vẻ hộc tốc hốt hoảng, cuồn cuộn bụi bay, Saigon không phải là bối cảnh ích lợi cho gái Huế trương dù đội nón thả những bước bộ uyển chuyển, phong lưu đài các. Gái Huế đi bộ giữa Saigon trông ra vẻ cô đơn, lạc lõng, lầm than, mỏi mệt, tội nghiệp để tránh né những đống rác lớn, những xe rác to hình khổng tượng. Những người con gái Huế ở Huế thì đẹp thì hay, vào Saigon ra chiều thất thế… Mỗi buổi sáng về nhà tôi đều ghé chợ Bến Thành mua thịt bò tươi làm bít-tết mang vào cho Nghiễm. Chàng ăn ngủ đều đều, dạo này có da thịt ra, lên cân vùn vụt. Bây giờ cứ hai tuần chàng vào Grall khám bệnh một lần. Tôi muốn cho chàng được chữa chạy tối đa nên tôi đã xin dạy học trường tư mười sáu giờ mỗi tuần. Số tiền tôi kiếm ra vừa đủ cho chàng dưỡng bệnh và con ăn sữa.

Tuần trước Nghiễm nói:

– Anh đau lần này là lần đầu mà cũng là lần cuối.

– Lần sau anh đừng đau nữa, cực xác thịt, anh nằm một chỗ trông ra ngoài sốt ruột lắm. Em thì không cực, vậy thôi, vào đây với anh thì khỏi phải trông con ở nhà. Tôi thêm.

– Em đi dạy học vất vả, học trò trường tư hỗn láo…

Tôi vuốt sống áo chàng:

– Anh bỏ hẳn rượu thì bệnh không tái phát. Anh mà đau lại thì khổ cho bạn bè quá… Họ đã giúp chúng ta làm đám cưới, họ đã giúp anh trong cơn bệnh này. Lần sau mà đau nữa chắc không ai giúp cả.

– Cái đó không thành vấn đề, bạn bè và anh mỗi thằng đều có bổn phận đối với nhau. Nghiễm lắc đầu.

Tôi nằm xuống chồng lên người chàng, ôm lây cổ chàng:

– Ban ngày em không có mặt ở đây, chắc phải có một nữ văn sĩ, một nữ ca sĩ, một nữ sinh, một nữ lực sĩ đến đây trông nom anh.

Nghiễm cười xòa:

– Đau yếu thế này còn ai mà tới nữa…

Tôi tưởng tôi đang vuốt ngón tay út của Nghiễm cho tròn, đang đè cục cấm ở cổ Nghiễm cho dẹp xuống, đang bẻ bàn chân của Nghiễm cho kêu…Nghiễm nằm đây phòng ngủ ấm cúng của chúng tôi dọn về đây thanh tịnh biệt lập. Chàng mới cắt tóc hồi sáng, mới cạo râu hồi sáng, cơn đau lột xác chàng trẻ ra, hiền lành phúc hậu ra. Tôi cào cào lòng bàn chân cho chàng cười, tôi gãi cổ chàng cho chàng nhột, tôi thọc tay vào nách chàng cho chàng khép lại – người Huế gọi là chơi trò cụt-kít-con-nít. Cuộc sống vẫn đều đều làm ra hạnh phúc, tinh thần tôi vẫn thanh bình sung sướng, xác thịt tôi vẫn lao xao sung sướng.

Tôi vẫn mỗi tuần mười sáu giờ dạy học trường tư, vẫn trộm cười sau lưng học trò từ mạch vui di chuyển rộn ràng trong máu, vẫn lắng nghe thằng học trò nhỏ nhất lớp thỉnh thoảng đứng lên mách:

– Thưa cô, trò Thành chửi tên ba má em.

Tôi nghiêm mặt suỵt suỵt:

– Thành không được phạm thượng, không được nham nhở… cô sẽ phạt. Tôi quay mặt vào bảng đen cười thầm rồi quay ra nói tiếp: Từ nay các em phải giữ kín tên phụ huynh lại cho kỹ. Tôi nói ngầm: Cô cũng giữ kín tên phụ huynh cô cho kỹ vậy.

Hai giờ sau nhà trường cho phép học sinh nghỉ để đi phúng điếu một giáo sư vừa quá cố. Nỗi vui nhỏ vang dậy cả cõi lòng, tôi lẻn ra cửa về mau thăm Nghiễm. Gian phòng chàng nằm dưỡng sức ở ngoài bìa sau vắng hoe có một cửa sổ nhỏ mang rèm tím kín bưng. Cửa lớn đóng kín, tôi nhẹ nhàng đi bằng mười ngón chân đến bên cửa sổ nhón người lên vén màn nhìn vào.

Ai đã cầm đuôi quả tim của tôi mà bóp, ai đã giữ đầu cuống phổi của tôi mà bít kín lại, ai đã đặt ống vào động mạch của tôi mà hút hết máu, ai đã lôi đầu lôi cổ tôi nhấc bổng lên mà rút hết gân, tôi mở to mắt ra nhưng không định nhìn, tôi há miệng ra nhưng không định hét, tôi dội bật người lại phía sau ngã ngồi trên cát nóng. Mồ hôi tháo rút ra khỏi người cho tôi lạnh ngắt. Từng giọt mồ hôi ở lưng bàn tay to như những nốt nhạc khổng lồ, hai lỗ tai tôi nổ bùng bùng, tôi vẫn ngã ngồi trên cát nóng. Rồi tôi nghe người tôi nổi sốt, một cơn sốt quá cao không đo được bằng ống cặp thủy. Tôi ngồi dậy bàng hoàng ngốc nghếch đi về nhà. Tôi đứng lại, người tôi chỉ muốn đổ xuống đường. Một chiếc xe xích-lô máy từ đàng sau chạy chậm tới mời tôi lên:

– Về đâu cô?

– Ông cho về đường Cống Quỳnh cạnh chợ Thái Bình.

Tới đầu hẻm, tôi nhét tờ giấy trăm vào tay ông xích-lô máy rồi loạng choạng đâm sầm đi vào nhà. Mẹ ngồi ở bực cửa đứng phắt dậy kêu hoảng:

– Răng rứa Khanh? Có chi rứa Khanh?

Tôi chới với đi như bơi vào phòng nằm lăn ra, mẹ chạy theo đứng bên giường hỏi tới tấp:

– Có chuyện chi không?

– Con bị gió.

Mẹ đến bên nóc tủ lạnh lấy chai dầu Bạch Hoa, cởi áo vén tóc tôi ra xoa khắp. Mẹ gọi to lên:

– Cúc ơi, Cúc ơi, xuống cạo gió cho con Khanh.

Cúc chạy chân đất vào cầm tay tôi la hoảng:

– Bị gió nhiều quá! Mẹ ngồi lui xuống chân giường để con cạo.

Cúc mở xắc tay của tôi ra tìm đồng bạc kẽm lắc đầu:

– Trời ơi, mẹ cho con đồng bạc một thôi, toàn cả bạc hai chục, một chục, năm chục, cạo đau chết.

Cúc thoa dầu vào lưng tôi, cầm đồng bạc kẽm cạo theo xương sống, cạo theo xương sườn, cạo ở cổ, ở trán. Cúc bảo:

– Chỗ nào cũng có gió, cả người chị Khanh đầy gió, lộng gió. Nếu không cạo nguy lắm.

Thảo mới đi vào lên tiếng:

– Chị Khanh có cần đi bác sĩ không?

– Không, chị Thảo ra tiệm thuốc Bắc mua cho em một thang thuốc xông. Chị cứ nói là mua một thang thuốc để xông là họ bán cho. Cạo gió xong, nấu lên xông liền là hết gió ngay. Mấy con bạn em ở trường mỗi lần bị gió đều làm vậy. Cúc can.

Nửa giờ sau, Thảo bưng nồi nước xông và hỏi mẹ:

– Tối nay chị Khanh có vào với anh Nghiễm không?

– Có chứ. Lúc đau yếu mà bỏ người ta nằm một mình…

– Sao đành! Thảo tiếp.

Thảo mang cất nồi nước xông, mẹ kéo mền đắp lên đến cổ tôi rồi bảo mọi người ra cho tôi nằm yên.

Mọi người đã dồn nén tôi, đã ép sát tôi vào cơn tối đa ẩn ức, tôi không phải bị gió, tôi không phải được cạo gió. Tôi phải được hú lên như chó sói, lồng lên như ngựa vía, rống lên như sư tử, tru lên, gào lên, điên lên. Tôi phải được phựt cháy lên như dầu xăng, phải được nổ banh ra như bình ga. Cho tôi một con dao phay để múa tít, cho tôi một sợi thừng để tôi siết cổ, cho tôi một chảo mỡ để tôi tạt vào mặt, cho tôi một trăm hòn đá để tôi ném vào, cho tôi một chén nước mắm để tôi đổ vào mũi. Tôi cần muối, cần tiêu, cần ớt, cần bột mù-tạt để bốc từng nắm vãi lung tung, đập vỡ chén bát, xé rách quần áo ra nệm… Tại sao bây giờ tôi vẫn chưa khóc được? Sao người tôi khô rang? Sao người tôi nóng bỏng? Sao tôi chỉ gặp cát chứ không gặp nước? Tôi muốn nức nở, tôi muốn đầm đìa, tôi muốn lã chã… Hành ơi, tỏi ơi, tôi cần hai thứ đó để có những giọt nước mắt. Cơn khóc sao không đến? Nước mắt đàn bà rẻ lắm, sao tôi không bắn ra được, không rỉ ra được một giọt nhỏ? Sao tôi lại dồn ép ẩn ức tôi đến cùng độ thế này? Tôi dài lắm mà, dài vô tận, rộng hơn năm tháng, sao lại rút bé tôi lại bằng cuốn lịch thế này? Tôi to lắm mà, tôi nhiều lắm mà, tôi là cả một nồi cơm, sao lại ném tôi trong chiếc mo cau nhỏ thế này? Tôi là một con cọp, sao lại nấu tôi thành hai lạng cao hổ cốt như thế này? Tôi đá xa cái mền vùng ngồi lên giựt đứt hai cái khuy bấm ở eo áo dài, cởi móc soutien, tháo hạt nút lớn ở lưng quần. Tôi đánh cái đầu vào tủ áo quần, đánh cái đầu vào vách tường, bặm bàn tay lại thành một quả đấm, hai hàm răng tôi nhe ra cắn nhau, cắn ngấu nghiến, hai mắt tôi trợn to đến lòi tròng ra ngoài. Tôi đã đứng sẵn trước chiếc gương trang điểm. Tôi trong gương. Tôi nhìn tôi trong gương. Khanh nhìn Khanh trong gương: hai con mắt long sòng sọc to một cách kỳ lạ, hai hàm răng nghiến trèo trẹo, xương mặt bạnh ra như người tiền sử, hai mắt trắng bệch bạc, chót mũi đỏ ngầu, cả chiếc cổ mang bốn vệt cạo gió tím sẫm, trên trán, giữa hai lông mày cũng có một đường cạo gió, đầu tóc rối tung to xù như bà phù thủy Sa-phà-ray, hai bàn tay làm nên hai quả đấm. Tôi nhìn tôi trong gương. Sao tôi xấu thế này, xấu đoản, xấu xa xấu xí vô hậu, xấu nhất trên trời dưới đất. Tôi xấu, nhất định tôi xấu, người đàn bà nằm dưới bụng Nghiễm mới đẹp, người đàn bà nằm dưới bụng Nghiễm mới là nhan sắc.

Tôi đã ngắm người đàn bà đó rồi, tôi đã đứng ở cửa sổ, kiễng chân lên, vén bức rèm cửa màu tím để ngắm người đàn bà dưới bụng Nghiễm. Tôi nhìn tôi trong gương, đưa mạnh quả đấm, quả đấm rớt xuống thành bàn tay. Tôi nhìn xuống bàn trang điểm: năm cây son ngũ sắc đứng thẳng, hộp phấn tròn nằm ngang, hai chai nước hoa Nghiễm mua cho ở thời kỳ tiền hôn. Tôi lại nhìn lên tôi trong gương: cái mặt xấu. Cái mặt xấu liền méo xệch, đôi môi mếu máo khóc. Cái mặt xấu liền đỏ hoe, cặp mắt ngập tràn nước mắt mặn, cái mặt xấu sụt sịt cho chót mũi sình lên. Cơn khóc òa mạnh, tôi mang cơn khóc đến nằm lăn ra giường, kê đầu cơn khóc lên mặt gối chữ nhật, ôm vào bụng cơn khóc chiếc mền hồng gạch, một ngón tay cho vào miệng để cơn khóc cắn…

– Chị Khanh ơi, em nói với mẹ làm món bít-tết để chị mang vào cho anh Nghiễm.

– Chị Khanh ơi, hay là để mẹ làm luôn cả món mì ống trộn bơ luộc với cà rốt khoai tây cho chị hí!

Trâm đã lọc cháo pha đủ số bình bò cho bé Hiền bú đến sáng mai. Trâm hát “Giã từ học đường hai bàn tay trắng, đi vào cuộc đời trắng hai bàn tay…” đi vào đến bên tủ lạnh cất đồ. Tôi vội kéo mền lên lút mặt.

Trâm đến bên giường ngồi xuống:

– Chị bị ngọn gió độc quá hí. Mẹ đã làm xong bữa ăn tối cho anh Nghiễm rồi, lát nữa chị dậy.

Tôi ngậm ngang tiếng khóc nằm im lìm. Trâm ì ỉ hát vài tiếng ngắn rồi đi ra khi sáu tiếng chuông đồng hồ lần lượt đánh.

Giờ này tôi phải vào với Nghiễm để kịp bữa ăn tôi. Hai miếng thịt bò bít-tết, một lớn một nhỏ, hai đĩa nui, hai đĩa đồ luộc, một ổ bánh mì cắt đôi… để đối diện với nhau ăn. Không, tôi không muốn vào ở với Nghiễm nữa, kể từ đêm nay và cho hết tất cả những đêm của cuộc đời, tôi muốn bỏ dở cuộc sống chung lớn và dài, để rút về gia đình. Trả Nghiễm về với tự do, trả con cá biển về với nước mặn, trả ngang hạnh phúc, trả ngang đám cưới, trả ngang tình ái. Trả ngang hết, rút về rửa tay, chấm dứt nhiệm kỳ làm vợ. Tôi chấm dứt nhiệm kỳ làm vợ của tôi ngày hai mươi tháng mười một ăm một ngàn chín trăm sáu mươi chín. Tôi phải ly dị cho rồi người chồng gian nhất trong những người chồng. Lúc này chàng đã bịp tôi, lâu nay tôi đã làm một người vợ khờ như bao nhiêu người vợ khờ khác. Hạnh phúc là một cơn ói mửa. Lâu nay hai thân thể đã ráp lại thành một bộ phận vợ chồng tạm thời, lâu nay chỉ là xác thịt đã tưởng thưởng nhau. Tôi là một người đàn bà thích mang nhiều danh dự. Thât đau khổ quá cho những gì đã qua. Phải ly dị nhanh như một tia chớp, phải bỏ ra ngay những gì đang nắm giữ trong bàn tay ngắn và nhỏ này. Ly dị, chỉ có ly dị mà thôi. Người đàn bà này vốn thích mang nhiều danh dự. Không làm cách gì hơn ngoài ly dị. Cơn khóc đã tạnh, tôi ngồi lên ôm đầu gối rồi lấy một bàn tay ra đặt vào bụng. Cái thai máy mạnh như lời bác sĩ. Mẹ mang cái giỏ đựng bốn ngăn gà mên đi vào đặt xuống đất.

– Gắng ngồi dậy mà vào với chồng. Sợ đồ ăn nguội…

Trâm ở ngoài nói vô:

– Vô đó mà nằm còn khoẻ hơn ở nhà.

Tôi cột đuôi tóc ngược lên, bước ra sau mở máy nước đưa vào mặt hứng rửa. Rửa mặt kiểu này thì bao nhiêu mồ hôi trôi hết, mụn lại mau lành. Tôi cười thật lạt. Tôi vào đứng trước gương không thèm đánh phấn, không thèm thoa son vào môi, không thèm vẽ bút chì đen lên lông mày. Tôi đưa tay lên đầu, mớ tóc đang rối, phải gỡ ra thật thẳng không người ta tưởng mình điên, gỡ tóc cho khỏi rối thôi, không thèm chải một kiểu nào cả, không thèm mang áo dài xuya-ra, không kiểu nào cả, không thèm mặc soutien-gorge, không thèm mặc quần satin tuyết nhung, không thèm đi giày xì-cát-panh, không thèm, không thèm… Tình ái đã chua như nước muối dưa rồi, tình ái đã bứ như bột khoai rồi. Từ đây không thèm tác điệu. Tôi mặc một sơ mi màu xanh phụ nữ bán quân sự ngày xưa, tôi mặc quần đen mỹ á đi dép nhựa mềm cầm giỏ bước ra. Thảo trợn mắt nhìn rồi ngoác miệng la:

– Ăn mặc gì như gái giang hồ về nhà.

– Ăn mặc vậy thì chồng đang bệnh cũng phải ngồi dậy ngoại tình với kẻ khác. Trâm nói.

Một tiếng nấc cụt chặn ngang cổ, cấm tôi nói, cấm tôi khóc. Tôi đi nhanh ra đầu hẻm đón tắc-xi bảo lại nhà Bích Khuê. Đoạn tuyệt nghĩa cơm nước, đoạn tuyệt tình vợ chồng. Hô lên một tiếng ly dị rồi là hết. Tối nay tới nhà Bích Khuê ngủ lại mai về. Tôi đi lui đi tới trước cổng biệt thự của Bích Khuê mấy lần dợm mở cửa bước vào rồi lại thối lui, rồi lại đứng tần ngần. Một chiếc xe xích-lô chạy chậm mời tôi lên, tôi thẫn thờ bảo cho về đường Hai Bà Trưng.

Xe dừng, tôi ngồi nán năm phút mới bước xuống. Người đàn ông mặc quần áo ngủ màu xanh đang đứng đợi tôi, tôi cắm đầu bước tới. Nghiễm, nước mắt chảy ra từng hột lớn trở trên đầu, trên ngực không mang soutien. Tiếng trách nhẹ nhỏ như tiếng muỗi kêu:

– Sao em vào muộn thế? Gần tám giờ rồi biết không?

– Em bị gió, tưởng bệnh nặng.

Đêm vàng mờ ánh điện yếu, đêm có một nỗi bứt rứt như tôi, đêm có một hố tuyệt vọng như tôi và đêm cũng có một chiếc lưng đang mỏi như tôi. Nghiễm cúi xuống xách giỏ đồ ăn cầm tay tôi đi vào.

– Tay em sao ướt và lạnh thế này?

– Tay em khóc ra mồ hôi.

Vào trong phòng ánh đèn trắng sữa bò, Nghiễm ngó tôi chăm bẳm, ngó đa nghi ngờ vực:

– Em bị gió thật à? Em bị gió… Ai cạo gió cho em, mấy vệt đây ghê quá!

– Con Cúc. Đi dạy suốt bốn tiếng đồng hồ về đến nhà lăn đùng ra… mệt ngất ngư.

Tôi đứng xa Nghiễm ra, cúi xuống cầm gà mèn đồ ăn lên và bật khóc:

– Đồ ăn nguội hết rồi. Đồ ăn của anh nguội hết rồi.

Mặt Nghiễm ngơ ra một lát, tay chàng vuốt tóc tôi, tay chàng sờ gà mèn đồ ăn. Tôi khóc òa lên:

– Để em hâm lại đồ ăn… Tôi khóc lớn hơn: Hâm lại đồ ăn một tí chứ mấy. Nguội lạnh hết rồi…

– Thôi, khỏi cần. Nghiễm nói nhanh.

Miếng thịt bò hơi dai nhưng Nghiễm vẫn ngon lành ăn hết, chàng bỏ lại mẩu ruột bánh mì. Nghiễm bảo tôi, thôi đừng cố gắng ăn, uống một ly sữa cho khoẻ. Nghiễm bảo tôi lấy xà bông bột ngâm chén bát để dành sáng mai rửa, Nghiễm bảo tôi đi ngủ sớm, Nghiễm bảo tôi vén áo lên đưa lưng cho chàng xem những vết cạo gió tím bầm. Nghiễm nằm nghiêng hai chân kẹp chiếc mền, tôi nằm nghiêng mền trùm phủ mặt. Mười giờ đêm Nghiễm phát ho hai cơn dài và kêu lên:

– Khanh ơi, ngực anh nóng như hơ lửa.

Tôi tung mền lật đật vùng dậy lấy cái bọc cao su ra câu lạc bộ mua mười đồng nước đá về chườm ngực chàng, cắt một múi chanh nhét vào miệng chàng. Nghiễm cầm tay tôi nói mệt nhọc: Ngồi với anh một tí.

Cơn nóng chỉ gay gắt lồng ngực mười phút rồi hạ ngay, tôi lấy khăn ướt đặt ngang trán chàng, lau những giọt mồ hôi dầu tiết ra ở chót mũi, ngồi cạnh Nghiễm suốt một tiếng đồng hồ cho đến khi chàng mở mắt ra mỉm cười: Em đi ngủ đi.

Sáng hôm sau, Nghiễm vẫn dậy sớm, mở hết những cánh cửa cho bình minh vào phòng. Ly sữa điểm tâm của chàng tôi cho vào hơi nhiều Ovomaltin. Nghiễm cười bảo có một dạo chàng rất mê Ovomaltin. Tôi mặc cả bộ áo quần nằm ngủ hôm qua cầm giỏ về nhà, ghé chợ Bến Thành mua thịt bò nóng. Miếng thịt phô, miếng thịt philê, miếng thịt nào cũng mềm, cũng ngon, cũng đỏ au máu, tôi phải sáng suốt chọn một trong hai miếng thịt mang nhiều danh dự nhất của hai mươi quầy thịt ở chợ Bến Thành. Tôi mân mê miếng nạc lưng bò, phần dưới hơi nhiều gân. Trưa nay, tôi sẽ lạng hết gân ra bằm vụn để nấu một tô canh với hành răm nóng sốt cho cha chan vào cơm. Tôi ngồi xuống hàng rau bày dưới đất, - tối hôm qua Nghiễm bảo củ cà rốt em chọn hơi già ăn không được ngọt – ông bán hàng mời cô mua một ký của cải đỏ Đà Lạt mới về ăn cho thêm máu. Tôi xách chiếc giỏ nặng trình trịch, chiếc giỏ đựng những món rau, thịt, quả, củ, được tôi chấp nhận là tươi tốt nhất chợ Saigon, những món ăn nhất định phải làm cho Nghiễm thêm máu và mau tiêu.

Về đến đầu hẻm, gặp Trâm đi ra. Trâm đứng lại nhìn áo quần tôi rồi lắc đầu: Trông xuống dốc quá!

Cái nhìn mờ đi sau lớp lệ mỏng, tôi vội bước vào nhà. Bé Hiền chợt khóc ré lên như bị kim đâm vào da. Tôi đặt giỏ chợ vào góc phòng hối hả rửa tay. Bế lên lòng rồi, bé Hiền vẫn còn ngoác miệng la. Thôi thôi đừng khóc nữa, con hư, mụ dạy, không nghe nên mụ đánh. Xin mụ đừng đánh bé Hiền, xin mụ tha cho bé Hiền nhỏ nhít. Bố bé Hiền mới là quân to lớn tệ lậu, chê vợ bỏ con ngoại tình. Bé Hiền sẽ ở với mẹ. Bố mẹ bé Hiền sắp ly dị, mẹ bé Hiền sẽ nghỉ bố bé Hiền ra khi lành bệnh. Bé Hiền theo mẹ vì trên đầu bé Hiền có hai cái xoáy. Một xoáy ở với cha, hai xoáy ở với mẹ, ba xoáy đi ăn mày. Hai mắt tôi đong đầy nước khi nhìn con toét miệng cười. Cuộc ly đị phải để dành sau cơn bệnh. Cắn hai hàm răng lại mà ly dị, tước mười cái móng tay ra mà ly dị. Ly dị là không thắp cho đời con một cây đèn sáng. Nhưng dù sao cũng phải ly dị, dù cây đèn của đời con mờ mờ, vì người đàn bà này vốn thích mang nhiều danh dự. Tôi nén cơn khóc, nén tiếng thở dài ẩm ướt gục gặt đầu: để Nghiễm lành bện rồi sẽ đi riêng. Đời bây giờ chữ tình, chữ tù, chứ lý, chữ nhân, chữ từ bi, bác ái đều bị thôn tính nhưng lòng người đàn bà này vẫn đựng đầy một chữ nghĩa. Tình ái đã tuột khỏi trái tim thịt đỏ ở giữa hai lá phổi, nhưng tình nghĩa vẫn leo tít trên tối thượng đỉnh đầu người vợ trẻ này. Chữ nghĩa và tôi đã nhập làm một, chữ nghĩa nằm trên chiếc nhẫn vàng cho nhau ngày dạm hỏi, chữ nghĩa nằm trên miếng thịt bò chọn lựa khắp chợ Saigon cho chồng ăn thêm máu, chữ nghĩa nằm trên bộ ngực nóng rang trong cơn bốc hỏa của chàng tối hôm qua, chữ nghĩa nằm trong cốc rượu, chữ nghĩa ngồi ở thể diện bạn bè đã góp công góp của làm nên đám cưới, giúp đỡ vợ chồng đêm Nghiễm xuất huyết. Cánh tay đeo đá của lực sĩ Huỳnh Cân cũng không nhấc khỏi chữ nghĩa trong lòng tôi.

Tôi vùng vằng đặt mạnh con vào nôi, tôi đạp vào cái nôi một phát, con bé Hiền mở miệng cười thật rộng đút lọt chiếc muỗng cà phê. Tôi muốn được rên siết hừ hừ, tôi muốn được giậm chân đành đạch kêu la, muốn lên lầu đuổi hết cha mẹ em út ra đường để ở một mình thảnh thơi khóc hu hu. Tôi nhớ mạnh, nhớ dữ dội, nhớ thẳng, nhớ ra từ một đêm suy nghĩ: Người đàn bà giành giựt hai cánh tay xương dài của Nghiễm, người đàn bà giành giựt cái bụng của Nghiễm, người đàn bà ăn cắp ăn kiêu sinh lý và tinh thần tình ái của tôi là Bích Vân, Bích Vân hoa hòe màu sắc mà trước đây Nghiễm lắc đầu bĩu môi: Cái con bé hip-pi chán quá, mười ngón tay đeo sáu chiếc nhẫn, cái cổ đeo một chùm xâu chuỗi ốc, mắt kiếng thì to như chiếc nịt ngực, áo quần thì hoa lá xanh vàng. Nghiễm bĩu môi một lần nữa: Chán quá, con bé, chán quá! Chán thấy mẹ!

Răng tôi đã cắn phải trái ớt cay nhất xứ Huế, mũi tôi đã ngửi phải mùi nước mắm hôi nhất miền Nghệ An, da tôi đang nổi mụt ghẻ ngứa nhất của nước Tàu, tôi muốn nghiền cho mòn cả hai hàm răng ra, tôi muốn bóp cho nát vụn cả chiếc mũi ra, tôi muốn cào gãi liên hồi cho trầy da tróc vẩy ra. Tôi dữ dội nhớ lại từng nét mặt của Bích Vân. Ôi! Chồng tôi vừa bị cướp! Tôi dữ dội nhớ lại từng nét mặt của Bích Vân. Con ong đốt vào đùi Bích Vân thì con ong gãy vòi, con muỗi chích vào tay Bích Vân thì con muỗi xuất huyết, con rắn độc cắn vào Bích Vân thì con rắn độc chết, Bích Vân sống. Thôi, tôi cho Bích Vân ông chồng tôi đó, thôi tôi cho Bích Vân nguồn hạnh phúc tôi đó, cho một ông chồng nguyên vẹn, một hạnh phúc nguyên vẹn.

– Khanh đã về đó hả.

Tôi đáp tiếng mẹ hỏi bên ngoài:

– Dạ con mới về.

Mẹ đem vào hai bộ áo quần ngủ của Nghiễm và xấp tã của bé Hiền bảo tôi cất vô tủ. Mẹ ngó tôi một lát ngắn rồi nói:

– Trông người mi hư đi nhiều quá. Liệu mà giữ. Không khéo cả hai vợ chồng đều lăn ra đau một lúc thì tọa họa.

Tôi cười một tiếng ngắn: Bây giờ mà đau thì một mình mình chịu, không ai chia sẻ, không ai nhắc nhở, và rót nước cho mình uống thuốc, không ai khuyến khích mình mau lành. Trước kia, hai người chung một cơn đau.

Giấc trưa không ngủ được, tôi cảm thấy đôi mắt cay cay và mặt mũi nong nóng. Nhà bên cạnh làm bánh bông lan nghe thoang thoảng mùi trứng gà mùi bơ mùi thơm.

– Anh Nghiễm có ăn đồ ngọt được không hè? Để đi đổ cho anh một hộc kem. Thảo hỏi.

– Anh đau gan cữ ăn trứng gà. Anh lại ghét đồ ngọt, bữa tê có người đem cho một cái bánh ga-tô, anh đem lại cho cô y tá. Tôi xua tay.

Trâm đứng dựa cả cái bụng vào lưng tôi, táy máy đưa tay lên vạch tóc tôi ra. Tôi ngúc ngắc cái đầu vừa con vừa nói chuyện. Trâm bảo, ngồi yên, chị có tóc bạc đây này. Tôi ngửa tay lấy sợi tóc bạc ngắn ngủn Trâm vừa nhổ xuống cùng một luc svới mối chấn động bàng hoàng vừa lo vừa sợ vừa buồn bã xâm lấn ven miền thân thể và dính siết óc não. Trâm nhổ xuống sợi tóc bạc thứ hai rồi sợi tóc bạc thứ ba, tôi rụng rời đứng dậy hỏi lớn:

– Có thật tóc tau bạc không?

– Chẳng lẽ lông mèo.

– Chị sợ già quá vậy, chị Khanh, em sẽ giấu không cho anh Nghiễm biết chị có ba sợi tóc bạc. Thảo cười.

– Cóc cần. Tôi bĩu môi.

Trâm nheo mắt:

– Phải cần đời, phải cần chồng mới gọi là biết sống.

Thảo tác diêu:

– Đàn ông cũng sợ thời gian như đàn bà vậy, bằng chứng là tóc của họ mỗi ngày mỗi bạc đi, mỗi rụng đi, trong khi râu, lông nách cứ dài ra tua tủa.

– Thời gian thêm cho mình cái không cần và bớt của mình cái mình cần.

– Ghét.

Mẹ đang cặm cụi giặt áo quần cho Nghiễm, cho tôi, cho mấy đứa em, cho bé Hiền. Tiếng xối nước vào thau, tiếng múc nước chạm vào lu. Năm giờ chiều, mẹ đã hối giục, Khanh ơi, lo làm món ăn bới vào cho hắn. Tôi vẫn nằm ráng đặt cánh tay lên trán đè nặng cơn suy nghĩ. Giờ này Bích Vân chưa rời phòng Nghiễm, làm món ăn sớm lót tót mang vào lỡ hắn chưa về… Tôi chợt có ý tưởng: thôi tối nay không vào với Nghiễm nữa, tối nay ở nhà với con, nghe mấy đứa em lau chau nói chuyện. Mẹ giục lần thứ hai: Khanh ơi, sẵn bếp lửa đang cháy, xuống làm món ăn đi.

Miếng thịt bít-tết lần này tôi làm cháy ở ngoài, sống ở trong, Nghiễm sẽ khen khéo. Bao nhiêu ngần ngừ, bao nhiêu chán chường, bao nhiêu giục giã, đến bảy giờ rưỡi tôi mới mang cơm vào cho Nghiễm. Chàng vẫn đứng đợi ở cửa lớn, vẫn giành cầm cà mèn và vẫn lời trách móc cũ:

– Sao vào chậm thế, gần tám giờ rồi.

– Bị gió hôm qua vẫn chưa bớt.

Vào trong phòng, ánh đèn sáng, Nghiễm nhìn sơ tôi hấp tấp hỏi:

– Sao trông em bơ phờ thế!

– Hôm nay con Cúc không cạo gió cho em.

Nghiễm nhăn nhó:

– Từ nay đừng cạo gió nữa, độc địa lắm… bầm đen cả lưng. Em đừng tưởng cạo “ra gió” nhiều sẽ bớt bệnh. Cạo gió như vậy là làm cho những ống máu dưới da lưng bị bể, đau lắm. Người không đau mà cạo gió cũng bị bầm lưng, ai cạo gió cũng ra gió cả.

– Tại sao cạo vào em lại thấy khoẻ?

– Dễ chịu gì! Đau thấy mẹ… Cạo gió đau quá làm cho con người mình tỉnh ra. Nghiễm gạt.

Tôi soạn bốn ngăn gà mèn để lên bàn, lòng nổi lên một phảng kháng nhỏ, tôi gắp miếng thịt bò qua đĩa thủy tinh đầu lắc một cái nhẹ, tôi đặt muỗng nĩa, chai xì dầu chai tương ớt vào khay, toàn thân nổi lên phủ nhận.

Từ nay tôi sẽ phản kháng, tôi sẽ lắc đầu, tôi sẽ phủ nhận trước mỗi lời nói, trước mỗi một ý kiến Nghiễm đưa ra. Tôi sẽ cạo gió, sáng mai về nhà sẽ bảo Cúc cạo gió thật nhiều, từ nay, đau đầu tôi cũng cạo gió, đau bụng tôi cũng cạo gió, đau thương hàn, đau phổi, đau gan, đau đái đường, đau ghẻ ruồi, què tay què chân tôi cũng sẽ cạo gió. Nghiễm bảo tôi uống thuốc Bắc, Nghiễm bảo tôi uống thuốc tây… Còn lâu, tôi chỉ cạo gió. Cạo gió sẽ lành bệnh, sẽ bớt tủi hờn, sẽ thêm an ủi vì có hai con mắt yêu thương nhìn mình, hai bàn tay xoa vuốt mình, một đồng bạc kẽm và chút dầu nóng cồn cào đau xót hiện diện trên lưng mình. Cạo gió đơn phương, và một, và trung thành, trong khi đó thì thang thuốc Bắc, chẳng hạn là hà thủ ô, chữa trị tới mười bệnh nào là xanh tóc, tốt da, đau lưng, mỏi gân, bổ máu, bổ tim, trong khi đó thì một hộp thuốc Tây, Totocalcium chẳng hạn, cũng chữa trị tới mười bệnh: thiếu xương, trẻ em chậm lớn, sâu răng, đau mới mạnh mất máu, mỏi mệt, đàn bà thai nghén, đàn bà cho con bú, lao tâm lao lực, yếu phổi… Một viên thuốc tễ chữa đến mười bệnh, một ống thuốc Tây chữa đến mười bệnh, trong khi đó thì cạo gió là cạo gió, cạo gió duy nhất chữa một bệnh, trung thành chung thủy với một bệnh. Từ đây, tôi chỉ tuyệt đối tuân theo kỷ luật của tôi. Nghiễm ngang thì tôi dọc, Nghiễm thẳng thì tôi xiên, Nghiễm co thì tôi duỗi. “Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa. Như mặt trời mặt trăng cách trở. Như sao hôm sao mai không cùng ở. Hai ta như tháng mười hồng tháng năm nhãn. Em theo chim đi về tháng tám. Anh theo chi cùng với tháng ba qua. Một ngày xuân anh trở lại nhà nghe mẹ nói em có về em hái ổi. Anh nhìn lên vòm cây gió thổi…”. Đó là những câu thơ tôi thuộc được trong tuần báo “Diễn đàn” của Phạm Thành Tài.

– Mai em gắng vào sớm hơn một tí nhé!

– Biết làm sao được khi em bị gió.

– Thế em làm gì bữa nào cũng tối mịt mới vào?

– Tôi biết tôi không đi chơi, không đánh bài, không vào Tax sắm đồ là được.

– Em có biết rằng những lúc như lúc này anh cần có em bên cạnh, cần từng giờ từng phút…

Tôi rửa bát đĩa xong, ngồi xem sách một lát thì Nghiễm đã ngủ. Gần mười hai giờ đêm, Nghiễm thức giấc gọi khẽ: Khanh đã ngủ chưa?

Tôi im lìm như chiếc giường tôi đang nằm ở trên, tôi nghe Nghiễm trở mình hai ba lần rồi trở lại trạng thái tỉnh.