Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu: Mắt sáng quắc, tay xanh lè mã tấu

FB Sơn Kiều Mai

Chẳng hiểu sao, gần đây, cứ ai nhắc đến Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là tôi lại gật gù nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “mắt sáng quắc tay xanh lè mã tấu”.

Thú thật, tôi không biết Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là ai. Có biết láng máng ông này từng làm Giám đốc NXB Văn học, nghe đâu từng làm rể họ Tôn Gia danh giá ở Thanh Chương, Nghệ An. Vậy thôi.

Tôi cẩn thận tìm trong NHÀ VĂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI, trang 774, viết về tác giả như sau: Nguyễn Văn Lưu, tên thật là Nguyễn Ngọc Lưu. Sinh ngày 1 tháng 2 năm 1945. Quê quán: Ngọc Quang Hạ, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từng là nông dân, quân nhân. Đã qua trường Tuyên huấn Trung ương, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, nguyên là Giám đốc NXB Văn học.

Ra là thế! Thảo nào, trong LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG (quyển 4 – NXB Văn học, 2017), tác giả viết: “Chút tâm sự ngây thơ của hạng cổ lai hy, mong được các bậc cao minh lượng tình chỉ bảo thì đội ơn vô cùng” (tr. 263). Tác giả đã ở tuổi ngoài 70, nghĩa là tuổi đi ra đường người ta phải gọi bằng CỤ chứ không phải gọi bằng THẰNG. Cơ mà lạ một điều, tôi là loại hay đi, đi dọc đất nước từ Hà Nội vào Sài Gòn, ít thấy ai gọi CỤ mà chỉ thấy họ gọi hoặc hỏi THẰNG Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu dạo này…

Chẳng hiểu sao, gần đây, cứ ai nhắc đến Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là tôi lại gật gù nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “mắt sáng quắc tay xanh lè mã tấu”.

Theo giới thiệu ở bìa 4 quyển LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG thì Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu đã viết 4 quyển cùng mang tên LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG, cùng do NXB Văn học ấn hành. Quyển 1 (in 1995), giải thưởng loại B – Hội Nhà văn (1996). Quyển 2 (in 2012), Tặng thưởng loại B – Hội đồng LLPB VHNTTW năm 2013. Quyển 3 (in 2015), Tặng thưởng loại A – Hội đồng LLPB VHNTTW năm 2016.
Vậy là tác phẩm cũng được nhiều phần thưởng của Hội đồng đấy chứ. Các cuốn trước thì tôi chưa đọc, có cuốn gần nhất vừa mới in và LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG (quyển 4), tôi mở ra đọc. Thấy Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu “kiểm dịch” các giáo sư tiến sĩ: Nguyễn Đình Chú, Phong Lê, Trần Đình Sử, Trần Hữu Tá, Chu Văn Sơn, Văn Giá… Tác giả phê bình các nhà văn: Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Xuân Nguyên,…

Chẳng hiểu sao, gần đây, cứ ai nhắc đến Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là tôi lại gật gù nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “mắt sáng quắc tay xanh lè mã tấu”.

Mới đọc Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu thì thấy tác giả thạo đủ các loại vũ khí, từ dao găm, dao phay, cho đến kiếm, giáo, mác, lê. Mới đọc Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu thì thấy tác giả có cái miệng biện sĩ, thành thạo đủ cả chuyện Đông Tây kim cổ, kể ra, nếu có chỗ tranh luận thì hẳn miệng mưu sĩ/ biện sĩ này ắt là nên đưa đi tiên phong vào chỗ trận tiền. Nhưng quả thật, các loại vũ khí mà Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu múa may ấy đều là thứ dao cùn, kiếm rỉ, những thứ kiến thức mà Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu ba hoa khoác lác ấy chỉ để lòe những kẻ ít học, thiếu chữ, chứ còn nếu ngồi ở chỗ kẻ sĩ có học thì Nguyễn Văn Lưu hãy còn ở hạng… hạ đẳng.

Tôi chỉ là học trò của các thầy Chu Văn Sơn, được trực tiếp học chữ của thầy trên giảng đường khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, được học mót chữ thầy Nguyễn Đình Chú khi gặp gỡ ở nhà riêng; so với các môn đệ của các thầy, tôi vào loại thất học, chỉ lõm bõm nghe lỏm dăm ba chữ. Nay tôi cũng xin múa rìu qua mắt thợ mà viết mấy chữ vui vui nhân đọc LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG (quyển 4) như sau:

DỐT SỬ
Trang 245, Chu Giang viết người Pháp đô hộ Việt Nam suốt trăm năm (1847 – 1945). Tôi không rõ cái mốc năm 1847 Chu Giang nghe lỏm ở đâu, chứ người Pháp chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858 ở Đà Nẵng. Chiếm thành Gia Định năm 1859. Nhà Nguyễn ký Hòa ước cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ năm 1862, cắt 3 tỉnh miền Tây năm 1867. Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873 – Nguyễn Tri Phương tử trận. Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882 – Hoàng Diệu tự vẫn. Nhà Nguyễn ký Hiệp ước Harman với Pháp năm 1883. Năm sau, ngày 6/6/1884, Pháp ký Hiệp ước Patenotre với nhà Nguyễn, chính thức hoàn thành toàn bộ công cuộc xâm lược Việt Nam. Đây được coi là dấu mốc người Pháp đô hộ hoàn toàn Việt Nam. Chính vì vậy, trong TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thế mà hơn 80 năm nay…”. Từ mốc Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng năm 1858 nên Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”.

Đấy là cái dốt sử thứ nhất của Chu Giang.

Chu Giang viết nhiều về Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí, nhưng viết rằng năm 1934 Phạm Quỳnh được đưa vào Nam triều (tr. 54) và báo Đông Tây của Hoàng Tích Chù định công kích Nam Phong (tr. 55) thì lộ ra cái dốt sử thứ hai.
Năm 1932 Phạm Quỳnh đã vào Nam triều làm Ngự tiền Đổng lý Văn phòng. Còn năm 1934 là Nam Phong tạp chí đóng cửa sau 17 năm hoạt động. Và Hoàng Tích CHÙ là tên của họa sĩ. Cái ông làm báo Đông Tây ấy là anh, và không có dấu huyền, tức là Hoàng Tích CHU. Nếu không tin thì hãy tra lại các từ điển mà xem.

Cái dốt sử thứ ba của Chu Giang là ba hoa về nhiều trí thức tinh hoa của Việt Nam thời cận đại và hiện đại nhưng viết bậy viết bạ. Trang 323 viết sự kiện năm 1916 trước khi Trần Trọng Kim cho in VIỆT NAM SỬ LƯỢC thì có biến Trung Kỳ, Trần Cao Vân và nhiều người khác bị xử chém. “Hoàng đế nước An Nam – Vua Thành Thái – thì bị đày đi tận đảo Réunion, giữa đại dương, gần cực nam Phi châu” (tr. 323). Vua Thành Thái đã bị phế truất từ năm 1907. Vị vua của nước An Nam lúc này là Hoàng đế Duy Tân. Tác giả Chu Giang đã dốt sử nhưng giỏi phét lác!

Trang 263, Chu Giang viết: “cụ Nguyễn Văn Tố, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội”. Ông tác giả ngoài 70 tuổi này ghê thật, chắc ông ấy cậy sống thọ hơn cụ Nguyễn Văn Tố nên hạ chức cụ ấy từ Chủ tịch Quốc hội ĐẦU TIÊN xuống làm Phó Chủ tịch Quốc hội?

Trang 254, Chu Giang viết “các Luận án Tiến sĩ của cố giáo sư Nguyễn Văn Huyên, cố giáo sư Trần Đức Thảo…”. Luận án Tiến sĩ của Trần Đức Thảo tên là gì? Bảo vệ ở đâu? Ông Chu Giang làm ơn chỉ bảo cho chúng tôi biết với? Năm nay vừa tròn kỷ niệm 100 năm sinh Trần Đức Thảo, chúng tôi rất muốn biết để giới thiệu cho công chúng bạn đọc yêu quý Trần Đức Thảo.

Ông Chu Giang dẫn sự kiện “Lò vôi thế kỷ” (Hà Giang – 1979) ở trang 272 thì tôi không rõ đấy là lò vôi nào. Chắc lò nung vôi để tôi rồi xây nhà. Chứ còn “Lò vôi thế kỷ” ở Hà Giang trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược là chỉ chiến trường Vị Xuyên mãi năm 1987-1988 kia ạ.

Chỉ riêng trang 267 thì lòi hết cái dốt sử nhưng giỏi ba hoa của Chu Giang khi viết “Tứ long Quỳnh – Vĩnh – Tốn – Tố” và viết về Nguyễn An Ninh “Nhật hất Pháp, ra tận Côn Đảo mời ông về cộng tác, làm Thủ tướng. Nguyễn An Ninh từ chối và hi sinh trong lao tù Côn Đảo”.
Thứ nhất, “Quỳnh – Vĩnh – Tốn – Tố” là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn và Nguyễn Văn Tố được gọi là TỨ HỔ Tràng An. Chứ còn “Tứ long” thi chắc là bốn con rồng lộn do ông Chu Giang nghĩ ra.
Thứ hai, Nguyễn An Ninh chết ở Côn Đảo ngày 14/8/1943. Vậy thì sau ngày Nhật hất cẳng Pháp, họ ra Côn Đảo để mời CỤ NHỚN MẢ về làm Thủ tướng à? Và lúc đó chắc người Nhật họ cậy nhờ ông Chu Giang để GỌI VONG PHỎNG VẤN chỗ CỤ NHỚN MẢ và cụ ấy từ chối? Toàn bộ cuộc gặp gỡ này chắc chỉ có một mình ông Chu Giang biết mà thôi chứ con cháu Nguyễn An Ninh không ai biết và giới sử học Việt Nam lẫn Tây phương đều mù tịt. Tôi phục ông Chu Giang quá đuê!

Tôi vạch vôi tạm vài chi tiết như vậy và có lời gửi đến ông Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ – Giám đốc – Tổng biên tập NXB Văn học, người đứng thứ 28 trong Hội đồng LLPB VHNTTW, người chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách này được biết để cân nhắc ra quyết định in SỚ ĐÍNH CHÍNH cho cuốn sách này.

“CHỮ LỎNG”
Đọc LUẬN CHIẾN VĂN CHƯƠNG (quyển 4) thấy Chu Giang dẫn sách nghe ghê răng lắm, nào Phạm Trọng Yêm, nào Phật,… Nhưng tôi thấy tác giả dẫn đi dẫn lại câu “Tiên thiên hạ NHI ưu CHI ưu, hậu thiên hạ NHI lạc CHI lạc” (tr. 249, và nhiều trang khác) thì thấy hài hước quá. Câu này của Phạm Trọng Yêm, một nhà tư tưởng thời Bắc Tống, được trích trong NHẠC DƯƠNG LÂU KÝ, đã quá nổi tiếng phải là: “Tiên thiên hạ CHI ưu NHI ưu, hậu thiên hạ CHI lạc NHI lạc”. Người ta lo trước cái lo của thiên hạ, mà vui sau cái vui của thiên hạ như thế, đâu phải NHI-CHI.

Trang 266, Chu Giang nhầm giữa ông Tả Khâu Minh giữ chức Tả sử, là sử gia nổi tiếng của Trung Quốc, sống cuối đời Xuân Thu, đầu đời Chiến Quốc, với ông Tả Từ thời Tam Quốc. Chu Giang viết mỉa mai việc lạm phát tiến sĩ, có câu: “cần gì phải đi học tiến sĩ cho mất công tốn của, của mình, của Nhà nước, chỉ cần làm theo ông Tả Khâu Minh là được (tức ông Bệnh Tả Truyện thời Tam Quốc, đi đâu cũng đem theo sách đọc”.

Song điều khiến tôi bất ngờ nhất ấy là khi Chu Giang nhắc đến Ngũ qui, Ngũ giới ở trang 272. Tác giả viết: “Còn Ngũ qui là qui Phật, qui Nho, qui Hồ Chí Minh, qui vũ trụ và qui chính mình là trở về với bản thể, hòa cùng vũ trụ, thân Tứ Đại lại trở về Cát Bụi. Vô thường mà Thường Hằng” (tr. 272).

Hình như khi viết những dòng này, Chu Giang hơi quá chén? Hoặc tác giả nhớ lộn sang những “chiết ní” của Đạo Lăng hoa? Hoặc tác giả nhớ đến “Thanh Hải vô thượng… bịp”? Cho nên Chu Giang mới viết ra những dòng cũng có họ bìm bịp như vậy. Bất giác tôi nhớ đến câu nghe nói của Đặng Thân: NÍ NUỘN NÀ NÍ NUỘN NỒN.

Trong Phật pháp thì có Tam qui và Ngũ giới. Ngũ giới là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Còn Tam qui, nói cho đủ là Qui y Tam Bảo (Tam Bảo là 3 ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng). Qui y Tam Bảo là Quay trở về nương tựa ở Phật, Pháp, Tăng.

Nay Chu Giang làm hẳn nồi lẩu năm mùi, thành Ngũ qui. Nếu cứ nghe và tin theo phương pháp khọc (khoa + học) của Chu Giang như vậy thì chẳng khác gì chuyện mấy ông quán nước Giáp, Ất, Bính, Đinh hỉ hả bảo nhau là có một loại giống mới lai ghép thành công giữa cụ Xít-ta-lin ở bển với Mẫu Thượng Ngàn ở ta: “Sáng đọc nghị quyết, chiều bắc ghế hầu đồng, tối họp chi ủy, nửa đêm áp vong gọi hồn đa cấp. Sống và làm việc theo lời thầy bói, định hướng theo thầy địa lý, ủ mưu tranh đấu dựa thầy bồ thủy, cô hồn..; rồi thì sáng tạo ra kinh tế siêu nạc/ đi tắt đón đầu, văn hóa phiên phiến/ đậm đà bản sắc trung cổ”.

Tôi đọc ngay tiếp đến dòng dưới, đoạn Ngũ qui, thấy tác giả viết: “Tinh hoa Nho – Phật bàng bạc trong cuộc sống. Hay đấy mà dở đấy. Không được học từ tấm bé, có bài bản, hệ thống, thành thói quen, thành tiềm thức cho đến suốt đời thì chỉ bàng bạc mà thôi”. Tự dưng tôi phải vỗ đùi: Tiên sư anh Chu Giang, anh ấy tự họa chân dung… tài thế!

Chẳng hiểu sao, gần đây, cứ ai nhắc đến Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu là tôi lại gật gù nhớ đến câu thơ của Tố Hữu “mắt sáng quắc tay xanh lè mã tấu”./.

Lại Nguyên Ân, Tien Dang, Bình Nguyên, Ngôn Nguyễn Hữu, Phương Anh Trần, Phương Nguyễn Ngọc, Thạch Phạm Xuân, Nguyễn Hữu Sơn, Mậu Nguyễn Đức...

P/S: Tròn 12 năm tựu trường (9/9/2005)

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

https://www.facebook.com/son.kieumai/posts/772747669578229