Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

60 ngày ở Mỹ (kỳ 1)

Bút ký Hoàng Minh Tường

Sau hai tháng "tư du" Mỹ quốc, viếng thăm hầu hết các địa danh nổi tiếng xứ Cờ Hoa, theo lời mời của chính con trai mình (Mr. Ty), nhà văn Hoàng Minh Tường đã hoàn thành tác phẩm 60 ngày ở Mỹ. Mời bạn đọc thưởng thức thiên du ký hấp dẫn mà tác giả là một người cầm bút đã chạm ngưỡng cổ lai hy nhưng vẫn rất hào hứng với những chuyến xê dịch đường trường.

Văn Việt


Những lần du hí trước đây, hoặc là tôi đi theo tour, hoặc theo đoàn, theo lời mời của bạn bè, mọi việc như đã được lập trình sẵn, có người đưa đón, khoác ba lô lên vai là đi, khỏi lăn tăn…

Lần này đi Mỹ, người mời là cậu con trai, mà cả nhà gọi bí danh là Mister Ty (TY, cũng có ý viết tắt của Tình Yêu – LOVE). Mr. Ty sẽ hoàn thành khóa học cử nhân và tốt nghiệp vào tháng 12/2016. Giấy mời chính tay Mr. Ty ký tên, có chứng nhận của California State University, Fullerton, khiến Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội rất mau mắn làm thủ tục cấp visa chỉ trong vòng năm phút.

Cuộc thăm Mỹ lần này, tôi có hai nhiệm vụ. Một, mừng ngày nhận bằng cử nhân của Mr. Ty, nấu ăn cho Ty và tư vấn xem Ty có nên ở lại học tiếp cao học hay về nước. Hai, điền dã và trải nghiệm để hoàn thành tiểu thuyết Những Mảnh Rồng, mà trước đó một tháng tôi vừa viết xong bản đầu.

1. NHÂN VẬT CỦA TÔI

Ở California, ngoài Mr. Ty, tôi chỉ có một người thân duy nhất: kỹ sư công chánh ngoại hạng Bùi Đức Hợp, nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng trong tiểu thuyết Thời của Thánh Thần. Không có cuộc đời chìm nổi đầy dông bão và nhân ái vị tha của Bùi Đức Hợp, tôi không có nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng, không thể tái dựng một mảng đời sống của người trí thức miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, gần hai mươi năm sống đời công chức trong chế độ Sài Gòn, sau 30/4/1975 sống tiếp mấy năm cán bộ ngành giao thông vận tải dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, rồi vượt biên sang Mỹ…

Chương Kẻ tha hương trong Thời của Thánh Thần hầu như ghi lại trung thực lời kể của ông Bùi Đức Hợp, một thuyền nhân may mắn không phải làm mồi cho cá trong hàng vạn người bỏ nước ra đi vào thập niên 1980.

Tháng 8 năm 2008, khi tiểu thuyết Thời của Thánh Thần (Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam) ra mắt bạn đọc, người tôi gửi sách biếu đầu tiên là ông Bùi Đức Hợp, đang sinh sống ở California. Hẳn là ông đã đọc cuốn tiểu thuyết như đọc lại chính một phần đời mình. Hơn tháng sau, ông gửi một bức thư cám ơn tôi, nhưng không quên trách móc: “Biết rằng tiểu thuyết có quyền hư cấu. Nhưng tác giả dựng lên cảnh ông đại tá tỉnh trưởng Trương Phiên sai quân chôn đứng bẩy cán binh Việt cộng để cho xe ủi cán đầu thì không thể chấp nhận được. Chính quyền Sài Gòn không bao giờ cho phép làm điều đó. Cũng không có chuyện ông trưởng ty Công chánh Nguyễn Kỳ Vọng (mà nguyên mẫu là Bùi Đức Hợp) sớm nhìn thấy cảnh hành hình man rợ đó và đã kịp thời ngăn tội ác của Trương Phiên. Người đọc sẽ nhận ra ác ý ngụy tạo và vu khống của nhà văn. Tác giả nên cắt bỏ đoạn này…”.

Tôi trả lời ông Hợp rằng, đây là câu chuyện có thật xảy ra ở mặt trận Tây Nguyên, do chính ông anh họ tôi, từng tham gia trận đánh Mỹ ở Plâyme kể lại. Vả lại những cảnh tương tự làm sao không xảy ra trong suốt cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Nhưng tôi ghi nhận điều ông trăn trở, và sẽ chỉnh sửa ở lần tái bản. (Chao ôi, cho đến bây giờ, gần mười năm, Thời của Thánh Thần đã bị in lậu hàng chục vạn bản, bày bán trên các vỉa hè Hà Nội, Sài Gòn, nhưng vẫn bị coi là sách đen, cấm tái bản!).

Bốn năm sau, năm 2012, tôi có dịp tiếp nguyên mẫu tiểu thuyết Thời của Thánh Thần tại nhà riêng ở Hà Nội. Đó là thời kỳ ông Hợp chuyển từ New Orleans về sống ở California và thường xuyên về nước để làm công việc thiện nguyện (xây dựng nhà tình thương, mổ mắt miễn phí cho người kém thị lực, xây dựng nhà thờ họ Bùi, trường mẫu giáo mang tên người cha của ông là Bùi Đức Hậu ở quê nhà Xuân Bảng, Xuân Trường, Nam Định…). Trong câu chuyện với tôi, ông vẫn có ý trách móc về đoạn văn mà tôi vẫn chưa có cơ hội chỉnh sửa.

Vừa đặt chân tới Los Angerles, người đầu tiên tôi muốn đến thăm là ông Bùi Đức Hợp.

– Đợi ít ngày nữa ba ơi – Mr. Ty nói – Bác Hợp ở San Jose, cách Fullerton hơn sáu trăm cây số. Xe của con bị hỏng. Với lại con mới lấy bằng lái xe, chưa dám đi đường xa. Đi xe đò Hoàng thuận lợi hơn, ba ạ.

Thì ra người Việt ở California không phải sống tập trung, cách nhau chỉ vài chục cây số như tôi tường, mà kéo dài từ San Diego đến Sacramento trên mười độ vĩ (từ 32 độ B đến 42 độ B), giống như ở quê mẹ Việt Nam, trải dài trên mười lăm độ vĩ từ chót Mũi Cà Mau tới Lũng Cú, Hà Giang. Một sự tương đồng đến kỳ lạ.

Dải xương sống Trường Sơn, tựa như sơn mạch Sierra Nevada chạy suốt chiều dài Bắc- Nam. Biển Đông bên kia và bờ Đông Thái Bình Dương bên này. Chỉ có điều California rộng lớn hơn Việt Nam và thưa dân hơn nhiều (diện tích 423.070 km2 so với 327.900 km2, và dân số 38,34 triệu so với 95 triệu). Cả tiểu bang là một hình chữ nhật đứng, trải dài dọc bờ Đông Thái Bình Dương hơn 1.200 km, ngang hơn 400 km. California có vẻ như như là mảnh đất của Trời dành sẵn để chờ đón những người Việt tha hương.

Hai ba con đi xe đò Hoàng từ bến gốc, trung tâm Little Sài Gòn. Đây là một hãng xe bus của người Việt hình thành từ vài chục năm nay. Giới trung lưu, giới trẻ, ai cũng có xe riêng, ít đi xe tuyến. Chỉ người già, người đi thăm thân nhân mới chọn đi xe đò. Lên xe, có cảm giác như đi một chuyến hành hương từ Sài Gòn ra Huế. Lao xao những giọng Bắc – Trung - Nam. Dầu dãi những gương mặt người già, người đi thăm thân nhân, người cất hàng buôn… chân chất, khắc khổ như vừa quá giang từ các bến xe miền Đông, Bến Thành, ngã ba Dầu Giây...

Xe đò chạy hai chiều Bắc Nam mỗi ngày ngược xuôi hai chuyến, máy lạnh sáu mươi chỗ, màu trắng sáng, sạch sẽ ngăn nắp, giá 40 USD/người. Vừa ngồi vào chỗ đã có người mang đến một chai nước lạnh, một bánh mì kẹp rau thịt cho bữa trưa. Rồi các màn hình gắn trên xe đồng loạt mở chương trình Thúy Nga Paris by Night trong suốt hành trình. Xe chạy hướng Bắc từ Westminster lúc chín giờ sáng, mười giờ đón thêm khách ở Los Angeles, mười hai giờ nghỉ giữa chặng mười lăm phút. Bốn giờ chiều tới San Jose.

Lâu không làm thơ. Nhưng rồi cảm xúc dâng đầy khi lặng lẽ ngồi ngắm, nghe, nghĩ về những đồng bào tha hương đang ngồi quanh mình. Phác thảo bài thơ Xe đò Hoàng hầu như đã hình thành:

Chuyến xe đò dọc miền Tây nước Mỹ

Từ Westminster lên San Jose

Gợi nhớ chặng đường Sài Gòn ra Huế

Tuyến xe người Việt nối những miền quê

Lao xao trên xe tiếng Trung Nam Bắc

Tivi mở kênh Paris by Night

Những gương mặt Việt nắng mưa dầu dãi

Mấy chục năm mưu sinh xứ người

Mấy chục năm rồi vẫn chưa thành Mỹ

Chỉ thuộc mấy từ OK, Thank you

Ăn đồ Tây vẫn da vàng mũi tẹt

Vẫn chảy trong hồn tiếng Việt mến yêu.

Ngày học địa lý ở trường đại học, tôi cố mường tượng ra dải sơn thạch Sierra Nevada, xương sống của sườn Tây nước Mỹ với đỉnh Whitney cao 4.421 mét quanh năm tuyết phủ, với công viên quốc gia Yosemte đầy mê hoặc, với hồ Tahoe, hồ Mono, hồ Clear mờ mịt trong sương… nhưng bây giờ, từ Los Angeles lên San Francisco, xe phóng với tốc độ 70 mile một giờ (tương đương 100 km/h) trên các tuyến cao tốc số 57, số 5 thẳng tắp, mới thấy California quá tuyệt vời.

Đô thị tiếp nối đô thị, những khu nhà hai tầng xinh xắn với sân vườn mát xanh. Những cụm nhà trung lưu quần tụ trên những đỉnh đồi. Những bãi đỗ xe bạt ngàn, những rừng thông đủ loại, từ thông cao tới thông lùn hình thù kỳ dị. Rồi núi tuyết như bò ra đường cao tốc. Rồi những đồi cỏ mịn mượt bị nước xâm thực, tạo thành những đường cong bất hủ, như vú, như mông, như thân hình thiếu nữ.

Có lúc xe chạy hàng giờ liền trên xa lộ mười hai làn xe thẳng tắp bổ đôi bồn địa San Joaquin. Đó là lòng chảo khổng lồ nơi hai con sông Sacramento và San Joaquin chảy ngược chiều rồi đổ vào vịnh San Francisco. Phóng hết tầm mắt vẫn chỉ thấy những cánh đồng cam, quýt, nho, táo, những bãi chăn thả, những trang trại bò, lợn, dê, cừu… bạt ngàn, nhưng hầu như vắng bóng người. Xa tít là các dải núi phủ tuyết lấp lánh.

Về nông nghiệp, California đứng đầu nước Mỹ. Từ ngày có trung tâm điện ảnh Hollywood, có hệ thống các trường đại học dày đặc, có thung lũng Silicon, tiểu bang vươn lên đứng hàng đầu cả về giáo dục, nghệ thuật, khoa học, công nghệ.

***

San Jose, thành phố tập trung đông người Việt nhất tiểu bang Cali, với trên 100.000 người, có trung tâm thương mại dịch vụ sầm uất tương tự như Little Saigon ở quận Cam.

Xe vừa đỗ, đã thấy nhân vật của tôi, mũ len trùm kín đầu, áo khoác dạ đứng đợi trong gió lạnh thổi hun hút. Mấy năm không về quê vì những căn bệnh kinh niên buộc ông khó xa nổi mấy phòng khám bệnh viện, giờ đây xuất hiện trước tôi là một ông già trong bộ khung to cao kềnh càng, nhưng có vẻ liêu xiêu không vững.

“Nhớ quê lắm nhưng không về nổi chú ạ”, ông nói và nắm tay tôi lên cầu thang dẫn tới căn phòng trên tầng hai khu cư xá Leon cách bến xe vài chục mét. Đây là khu chung cư hầu như của người Việt, hàng rào bao quanh, có cửa chính ra vào bằng khóa từ, có bể bơi, sân chơi, gara ô tô.

Bác Hợp ở căn hộ chừng ba chục mét vuông, dạng studio, vừa kê đủ một giường ngủ, một bàn làm việc, vừa làm nơi nấu ăn và tiếp khách. Tôi quá đỗi ngạc nhiên về nơi ở quá ư giản dị của một kỹ sư công chánh đặc hạng từng thiết kế và thi công đập trị thủy cửa sông Mississippi bang Louisiana, có mức lương hưu không dưới năm ngàn đô la một tháng.

Sau này thì tôi hiểu ra. Ông thuộc típ người sống không chỉ cho mình. Tiền thuê nhà 1.200 USD/ tháng, tiền ăn và thuốc (tất nhiên ông có bảo hiểm y tế, miễn phí dịch vụ khám chữa bệnh) chừng 500 USD, còn lại hơn nửa, ông dành để làm từ thiện và trợ giúp cho con cháu.

Căn phòng ở thuê, ngoài chiếc máy laptop để liên lạc với quê hương, con cháu, với Hội VNHelp, hầu như không có vật dụng gì đáng giá. Mười tập sách, mỗi tập vài ba trăm trang do ông biên soạn và tự in ấn suốt chục năm qua có tên chung Nhật ký tha hương, chỉ để ghi lại những chuyến đi hầu khắp thế giới, những cuộc thiện nguyện khắp ba miền Bác Trung Nam … với số tiền nhiều ngàn đô la, đủ nói rằng ông đâu sống cho riêng mình.

Sống một mình, thế này là đủ rồi chú ạ. Hai con gái của tôi, đứa bác sĩ, đứa giáo viên có gia đình riêng đời sống đầy đủ, tôi không muốn phiền hà chúng nó. Lúc nào tôi “đi” cũng luôn trong tư thế thanh thản – ông như muốn thanh minh với tôi.

– Chú sẽ ngủ trên tấm phản này. Sẽ trải nệm và túi ngủ cho thằng cháu nằm dưới. Thức ăn trong tủ lạnh tôi đã trữ sẵn cả tuần. Riêng tối nay, tôi sẽ đãi hai cha con ở nhà hàng Nha Trang, hay Ánh Tuyết chuyên hải sản và gỏi bạch tuộc. Biết chú và cháu đến, tôi đã mua sẵn hai chai vang, một đỏ một trắng. Vang California chính hiệu ngon lắm. Đãi chú thôi, chứ cả năm tôi không đụng một giọt nào…

Bữa lẩu hải sản ở nhà hàng Ánh Tuyết đông nghịt người. Khách ngồi chật cả mấy dãy bàn. Mới qua ngày ông Táo chầu trời mà đã ngập bánh chưng giò chả. Khách mới đến xếp hàng từng tốp ngoài hiên. Cứ ngỡ như đang ở khu ẩm thực nào đó ở quê Việt. Bữa ăn rất ngon. Chai vang đỏ không phải chịu phí vì bác Hợp là người quen của chủ nhà hàng. Tôi như một gã nát rượu, cố uống cho hết chai vang Mỹ tuyệt hảo, để lại thì phí quá.

Tôi nằm thao thức trên tấm ván đã trải nệm, lại riêng một máy sưởi do bác Hợp ưu ái dành cho, nhưng thao thức mãi không ngủ được. Lời nhắc nhở trước khi tắt đèn: “Chú nhớ lần tái bản tới phải sửa chi tiết Trương Phiên dùng máy ủi cán đầu bẩy cán binh Cộng quân đi nhé”, khiến tôi day dứt mãi.

Lúc ấy tôi định kể lời tự thuật của tác giả bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim, mới in trong tuyển tập thơ Hữu Loan, cho ông nghe. Rằng câu chuyện dùng bừa để xử chết địa chủ thời cải cách ruộng đất ở xứ ta là chuyện hoàn toàn có thật. Chính bố mẹ bà Phan Thị Nhụ, vợ nhà thơ Hữu Loan là nạn nhân của cuộc thảm sát kiểu này.

Hồi ấy Hữu Loan là chính trị viên tiểu đoàn đi tham gia cải cách ruộng đất ở Thanh Hóa. Ông gặp lại cô gái mười bẩy tuổi Phan Thị Nhụ giữa lúc bố mẹ cô vừa bị đấu tố, bị chôn ngang người, bị trâu bừa cho đến chết, một mình cô lang thang không nơi nương tựa. Quá thương cảm người con gái xấu số, Hữu Loan đã đưa cô về quê, từ bỏ đơn vị, từ bỏ giấc mơ thi sĩ, lấy cô Nhụ làm vợ, âm thầm đẽo đá sinh nhai và đẻ mười người con, sáu trai, bốn gái…

Khi nhân loại bị triệt tiêu phần Người, để khơi dậy phần Con thì bên này hay bên kia đều vọt trào thú tính. Đức Quốc xã hay chính quyền xô viết Stalin; cách mạng văn hóa thời Mao, hay chế độ Polpot; Việt cộng hay Cộng hòa… khi say máu chém giết, mất tính người, đều dẫn đến thảm họa. Nhà văn không thể bịa tạc được hiện thực. Julius Fučík từng kêu lên: “Hỡi con người, hãy cảnh giác!”.

2. NHỮNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Trong tiểu thuyết Những Mảnh Rồng, nhân vật chính của tôi, có tục danh là Thuyền Nhân, từng là sinh viên trường Đại học UC Berkeley, một trường đại học hàng đầu của Mỹ, có phong trào phản chiến ở Việt Nam sớm nhất, quyết liệt nhất. Berkeley là một đại bối cảnh trong tiểu thuyết, nơi nảy nở mối tình thơ mộng của cặp tình nhân vừa qua tuổi vị thành niên: Thuyền Nhân - Phạm Hải Hành và Ngô Đoan Diễm. Vì thế, để hoàn chỉnh lại bản thảo, tôi phải đến thiên đường tình yêu của họ. Từ San Jose lên Berkeley chỉ chừng hai giờ ô tô. Tôi ngỏ ý mời bác Hợp đi cùng như một hướng dẫn viên.

– Sức khỏe tôi không cho phép đi xa, chú ạ. Xe tôi kia, Ty có thể lái, nhưng cháu mới có bằng lái xe. Vả lại không quen đường, đi không an toàn.

Ông dẫn tôi ra bãi xe trước nhà, nơi có con xe của ông, một chiếc Nissan 91 bốn chỗ đỏ chói, như mới, nhưng ông bảo đã dùng nó 26 năm rồi, lẽ ra phải mang ra nghĩa trang Junk Car, nay chỉ đáng giá 500 USD, còn rẻ hơn con Acura 2000 USD của Mr. Ty.

– Hôm vừa rồi có một xe đâm vào con ngựa sắt này, bảo hiểm bắt đền cho tôi 1.000 USD cơ đấy. Của bền tại người chú ạ. Tôi vẫn dùng xe này đi khám bệnh hay loanh quanh trong thành phố. Nhưng hôm nay chú đi Berkeley, phải dùng xe xịn và tài xế thông thuộc địa bàn. Để tôi gọi cho chú một taxi. Chỗ người quen, chắc chỉ 300 USD.

Tôi và Mr. Ty đưa mắt cho nhau, thầm bảo: Thà cắt cổ còn còn hơn. Nhưng rồi không còn cách nào khác, nếu muốn một giờ là gặp sinh viên trường UC Berkeley.

Như đọc được ý nghĩ và nhìn thấu túi tiền của một nhà văn nghèo, chục năm nay bị đầu nậu sách vặt sạch, trước lúc lên taxi, bác Bùi Đức Hợp nháy tôi ra cửa, dúi vào tay tôi chiếc phong bì đỏ chói, loại phong bì người già dùng lì xì cho trẻ con ngày Tết.

“Tôi mừng tuổi chú và cháu. Nhưng chú chỉ được mở khi về đến quận Cam”. Cầm chiếc phong bì dày cộp, tôi tò mò và áy náy quá. Khi xe qua Oakland, tôi đành không thực hiện lời dặn. Trời ơi, nhiều tiền thế này. Một ngàn USD. Ồng già thương tôi, muốn làm từ thiện với tôi, muốn trả tiền taxi và chiêu đãi cha con một bữa tiệc thịnh soạn ở Berkeley đây.

Trước đó mấy ngày, biết tôi sang Mỹ, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, tác giả Bóng đè, sau chuyến về nước ra mắt cuốn tiểu thuyết mới rất ấn tượng: Lam Vỹ, đang có mặt ở San Francisco, nhắn tin cho tôi. Chúng tôi hẹn gặp nhau buổi trưa ở Berkeley.

– Ở đây người ta không thích dân Bắc, nhất là vừa từ Việt Nam sang. Ba nên kín đáo, đừng chuyện trò gì, tốt nhất là không nói chuyện chính trị – Lên xe rồi mà Mr. Ty vẫn nhoài người lên ghế trên, rỉ tai tôi. I am sorry.

Tôi biết Ty vừa đọc tin trên mạng, rằng các nghị sĩ người Việt đang đề nghị chính quyền thành phố ra dự luật cấm cờ đỏ sao vàng ở San Jose. Một động thái quá khích.

Lái xe tên Dũng, một người đàn ông chừng dưới năm mươi tuổi, săn chắc nhanh nhẹn như một võ sư, người Sài Gòn, mới nhập cư hơn bốn năm. Mới gặp, tưởng lạnh lùng khó gần, nào ngờ lên xe, biết tôi mới ở Việt Nam sang, Dũng rất cởi mở, chân tình. Chúng tôi mau chóng thân thiết. Chuyện nổ như pháo ran. Ở Sài Gòn, Dũng là dân gốc quận Nhất, có nhà riêng, xe taxi riêng, tháng thu nhập hơn mười triệu, đủ xài. Do mâu thuẫn với vợ (hay một vở kịch sắp đặt sẵn?), người vợ mang con gái sang định cư ở Florida. Hơn chục năm sau, con gái có gia đình, có quốc tịch Mỹ, làm giấy bảo lãnh cho cha sang Mỹ. Lúc này Dũng đã có gia đình mới, người vợ trẻ và đứa con trai. Dũng sang San Jose trước, rồi đưa vợ con sang sau, mua taxi tự lái, tháng thu nhập dăm ngàn USD.

– Vậy là con gái rất yêu bố – tôi nói. Thỉnh thoảng Dũng có sang Florida thăm con gái và bà cả không?

– Cô ấy vừa bệnh mất năm ngoái rồi anh ạ. Bất ngở quá, nhận tin con gái báo, em phóng con xe này liên tục hơn hai ngày hai đêm sang lo tang cho cô ấy…

Hơn năm mươi giờ chạy xe từ cực Tây sang cực Đông nước Mỹ ư? Tôi tưởng mình nghe lầm, hết nhìn Dũng lại nhìn con xe như để kiểm chứng. Dẫu chạy xe trên những đại lộ thẳng tắp ngang qua Arizona, Texas theo đường chim bay thì cũng không dưới sáu ngàn kilomet.

-Anh không tin à? Có hương hồn cô ấy chứng giám. Em cũng không hiểu sao mình lại có sức mạnh và sự dẻo dai đến thế. Chặng ngang qua hoang mạc Texas có khi hàng mấy tiếng đồng hồ chỉ mình em và con đường nhựa thẳng tắp không một bóng xe… Vừa lo đám tang cho cô ấy xong, em nằm vật, ngủ li bì suốt hai ngày.

Tôi đọc thấy một tình yêu sâu đậm, da diết, cố kìm giấu bao nhiêu năm tháng trong câu chuyện của Dũng.

– Bên này ai cũng có xe, nên gọi taxi không dễ – Hình như Dũng có ý thanh minh – Em chạy một ngày 300 USD là thường. Có ngày còn được nhiều hơn. So với hồi ở Sài Gòn, kiếm tiền bằng taxi ở bên này dễ hơn.

– Vậy là một tháng có thể kiếm mười ngàn…

– Thế đã nhằm nhò gì. Có thể kiếm vài chục ngàn USD một phi vụ, như buôn lậu, cờ bạc… Cảnh sát liên bang vừa bắt một băng nhóm người Việt chuyên giả đò gây đụng xe để ăn tiền bảo hiểm. Họ phục mấy năm mới bắt được anh ạ. Trò lừa gạt, sớm muộn cũng vào tù. Muốn kiếm 45 USD một giờ, tháng vừa rồi em đã bỏ nghề taxi rồi...

– Nghề gì mà hốt bạc nhiều vậy?

– Nghề trang điểm xác chết, anh ạ. Quen thân lắm bà chị người quen cũ mới rủ em cùng làm. Đám ma người già, người ốm trong bệnh viện, là lẽ thường. Thân chủ báo cho mình địa điểm, thời gian. Mình chỉ đến nhà lạnh nhận xác, rồi trang điểm, nhập áo quan là xong. Một ngày trang điểm vài xác chết cũng kiếm được cả ngàn USD. Nhưng cực nhất là những xác chết bị tai nạn, những xác chết bị bệnh nguy hiểm. Có xác chết chỉ còn như một đống thịt bầy nhầy. Có xác chết bốc mùi… Bà chị từ miệt vườn miền Tây mang bốn đứa con nheo nhóc sang, vậy mà bây giờ đứa nào cũng nhà cửa đàng hoàng, đi xe bóng lộn… Bà chị nghĩ em cần tiền, rủ rê mãi để truyền nghề, nhưng em xin chào thua…

Chỉ một cung đường từ Milpitas lên Oakland mà tôi như đọc được cả mấy pho sách.

Berkeley kia rồi. Một thành phố trên cao nhìn xuống vịnh San Francisco. Bỗng gợi nhớ Đà Lạt. Những con đường quanh co lên xuống dốc như trườn đi qua những biệt thự, những đồi thông, những hàng sồi cổ thụ. Xe con đủ màu như những con bọ cánh cam đỗ nép ven đường. Mr. Ty vốn là anh chàng phớt Ăng lê trầm tĩnh, vậy mà cũng xăng xái chọn cảnh, chọn điểm đứng và bấm máy liên tục. Chúng tôi bỏ xe đi bộ, thích thú dừng bên những tủ sách ngoài trời, một loại thư viện công cộng rất đặc trưng cho thành phố đại học này. Người ta dựng những chòi gỗ như tổ chim bồ câu, có mái nhọn xinh xinh trên những trụ đỡ như chùa Một Cột, trong các khung kính chia các ngăn giá sách. Sách ai đó đã đọc, nay muốn chuyển cho người khác thì đem ra các thư viện công cộng này. Thật đáng yêu, thành phố của tri thức.

Idian Rock Park là một mỏm đá kỳ dị thu hút du khách khi đến thăm Berkeley. Từ đây, phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh vùng vịnh, với những cây cầu nổi tiếng Golden Gate Bridge, Bay Bridge vắt qua vịnh biển. Chúng tôi hòa cùng những tốp khách, nhờ chụp ảnh và len lỏi trên những bậc đá đã mòn vẹt chân người.

Đúng giờ hẹn, đến nhà hàng Hàn Quốc ở khu phố cổ, đã thấy vợ chồng Đỗ Hoàng Diệu đứng chờ. Ngày tôi gặp cặp vợ chồng Việt-Mỹ trong căn nhà thuê ở ngõ phố Hạ Hồi, Hà Nội, Alec Holcombe nói tiếng Việt còn ngượng, giờ đã như một chàng rể Việt thuần thục. Trong bộ com lê xám, Alec không cần cái mác tiến sĩ giáo sư trường Đại học Ohio, anh vẫn bảnh trai như một tài tử điện ảnh, khiến bao cô gái xao xuyến. Dịp nghỉ này Alec đưa vợ và hai con từ Ohio về chơi với gia đình chị gái. Từ San Francisco sang đây chỉ mất gần giờ đồng hồ. Gặp cha con tôi, cả Diệu và Alec như gặp người nhà.

Tôi vốn chơi với nhà văn Đỗ Văn Phác, bố Diệu, từ ngày ông hay gửi những thiên bút ký, truyện ngắn ngồn ngộn đời sống xứ Thanh về báo Văn Nghệ. Ngày ông bị bệnh nguy kịch, ông có nguyện vọng tha thiết được gặp tôi và nhà văn Nguyễn Khắc Trường ở quê. Thế là vợ chồng Diệu thu xếp một chuyến xe cho tôi và ông Mảnh đất lắm người nhiều ma về Tĩnh Gia. Ông Phác nằm trên giường đưa cả hai tay ra với chúng tôi, giữ mãi. Được gặp hai ông tại quê nhà là tôi toại nguyện lắm rồi. Không ngờ sau những lời nói ấy, hai tuần sau, nhà văn, thầy giáo Đỗ Văn Phác qua đời.

Sau chuyến về Việt Nam ra mắt tập tiểu thuyết Lam Vỹ, Đỗ Hoàng Diệu vui lắm. Nàng bắt chồng gọi món Hàn Quốc mà mấy năm từng làm cư dân ở đây Alec thích nhất, để chiêu đãi chúng tôi. Thì ra, thành phố này không xa lạ gì với họ.

Cuối năm 2006, sau khi ra mắt tập truyện ngắn Bóng đè nổi tiếng và tai tiếng, cái tên Đỗ Hoàng Diệu sôi sục trong làng văn và vả cả giới quan chức, như một hiện tượng, như một kẻ đốt đền. Diệu được đích thân ông trưởng khoa Đông Nam Á trường Đại học Berkeley mời sang thuyết trình về văn học Việt Nam. Chuyến Tây du này là cơ duyên để nàng quen biết chàng, lúc đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ về văn hóa lịch sử Á Đông.

Cuối năm 2006 họ cưới nhau tại một nhà thờ Mỹ, có cha mẹ Alec và ông trưởng khoa chứng giám. Con gái đầu lòng của họ, Asa Lieu Holcombe ra đời năm sau đó. Và tiếp đó là cậu con trai kháu khỉnh.

Những năm đầu tiên Diệu làm công dân Hoa Kỳ đó, hai vợ chồng từng ở thuê trong những căn phòng chuyên dành cho sinh viên. Diệu chăm con, đi chợ, nấu ăn, đọc sách và học cách cãi nhau với chồng bằng tiếng Mỹ lịch sự nhất. Cô vợ Việt đáo để, thông minh luôn lấn lướt chồng, nhưng chẳng bao giờ làm nhà khoa học cáu giận. Bây giờ cũng vậy, Alec nói với tôi bằng thứ tiếng Việt đã được tu từ như một nhà ngôn ngữ giàu có: “Cháu luôn tìm mọi cách thua Diệu. Cho nàng sướng”. Vi diệu quá. Luôn thua vợ, nhưng bao giờ ánh mắt của họ nhìn nhau cũng như cặp tình nhân đang tuần trăng mật.

Chúng tôi ăn barbecue, uống rượu vang đỏ và thêm cả một chai Soju. Tửu lượng Alec chẳng kém gì tôi, và đã có Diệu cầm lái khi về, nhưng mỗi lần vợ lừ mắt là anh chàng lại đặt ly xuống như sợ phạm luật, trông đến tức cười.

Biết chủ đích của tôi, ăn trưa xong, Alec đưa chúng tôi đi thăm trường đại học danh tiếng mà anh đã thuộc từng đường ngang ngõ tắt. UC Berkeley quả danh bất hư truyền. Tháp biểu tượng sừng sững bên khu thư viện danh giá và những giảng đường trầm mặc, những phòng thực nghiệm đồ sộ cùng sân vận động nổi tiếng.

Được thành lập từ năm 1868, UC Berkeley trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của nước Mỹ, nơi từng khám phá ra chất Plutonium để phát triển bom nguyên tử thế chiến thứ hai, nơi đã đóng góp bảy mươi giải Nobel cho thế giới. Từ năm 1965, khi Mỹ đưa quân sang Việt Nam, nơi đây trở thành trung tâm phản đối chiến tranh. Công viên trung tâm Willard Park tuần nào cũng đông nghịt người biểu tình ủng hộ Việt Nam, từng có lúc được gọi tên là công viên Hồ Chí Minh. Và trên đường Haste vẫn còn bức tranh vẽ hình cô bé Kim Phúc bị bom na pan Mỹ đốt trần, như một lời tố cáo với toàn thế giới. Nhưng bây giờ thì ngược lại. UC Berkeley trở thành nơi đi đầu bài xích cộng sản.

Hòa lẫn với sinh viên đủ quốc tịch và khách tham quan, chúng tôi đi tha thẩn trên những bãi cỏ mênh mông, những con đường ven suối lẩn dưới bóng cây, đùa chơi, chụp ảnh với những chú sóc, những chú thỏ và bầy vịt nhởn nhơ. Đỗ Hoàng Diệu bỗng reo lên khi phát hiện ra mấy chiếc xe đạp còn mới, khóa khung vào cột sắt, nhưng đã bị vặt hết vành bánh, yên xe, nằm chỏng trơ bên đường. “Các vị xem này. Thử đoán xem đây là triển lãm sắp đặt hay là minh chứng hùng hồn về tư bản giãy chết?”.

Mọi người cùng cười thích thú phát hiện ra một góc hài hước của UC Berkeley. Tôi đoán thể nào chi tiết này cũng sẽ được nữ văn sĩ đáo để nhưng rất hóm hỉnh và cá tính này đưa vào một trang viết nào đó của nàng.

***

Vào dịp nghỉ Noel và đón năm mới 2017, Mr. Ty kết thúc khóa học California State University, Fullerton.

So với UC Berkeley, Đại học Fullerton ở hàng dưới, nhưng không thể ngoài top 10 các trường đại học hàng đầu của miền tây nước Mỹ. Tôi đã có nửa tháng ở trong khu ký túc cạnh trường mà Mr. Ty thuê ở, có nhiều buổi sáng, buổi chiều đi dạo bộ quanh những con đường dọc ngang trường, rồi chạy khắp SCUF Parking, cái bãi xe ngày nghỉ rộng mênh mông như sân vận động Hàng Đẫy, ngày học xe đậu bạt ngàn nhiều hơn cả bãi xe sân bay Nội Bài.

Chạy, hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn bồn hoa khoe sắc, những thảm cỏ hàng cây được chăm tỉa như ở các resort, các cô cậu sinh viên đủ quốc tịch, và luôn ước ao giá ở Hà Nội, Sài Gòn có một môi trường văn hóa giáo dục, một khuôn viên trường, với những tòa giảng đường, thư viện, siêu thị bề thế chuyên bán đồ lưu niệm riêng, với sân vận động và cả một cánh rừng hàng chục hecta như thế này.

Từ mấy năm nay, Đại học Fullerton đã liên kết với Đại học Ngoại thương Hà Nội gửi sinh viên ưu tú năm cuối sang học để lấy hai bằng đại học. Mr. Ty vừa nhận được văn bằng cử nhân quản trị kinh doanh loại xuất sắc, một phần thưởng mà thế hệ chúng tôi nằm mơ cũng không có được.

– Ba có nhớ thằng Bryan, bạn cùng lớp với con không? Tuần tới nó sang Hà Nội dạy tiếng Anh đấy. Bryan mời ba đến dự liên hoan tối nay.

Nhớ rồi. Bryan, anh chàng có bộ râu quai nón đẹp trai, mê cô bạn cùng khóa với Ty, đã rủ nhau về Hà Nội hè vừa rồi, đến nhà tôi chơi mấy buổi. Chuyến đi ấy dường như cơ duyên khó cưỡng để vừa tốt nghiệp xong anh chàng đã muốn khoác ba lô sang Việt Nam.

Nghe Ty thông báo, tôi khấp khởi được chứng kiến một ngày vui. Bảy giờ tối, chúng tôi đến nhà hàng Zito’s Rozza ở Westminter.

Khỏi nói bữa tiệc buffet vui như thế nào. Bố mẹ, anh em, bạn bè ngồi chật tám bàn tròn. Thực đơn có những món ăn dân tộc do chính tay mẹ Bryan nấu, nước hoa quả và bia tươi Guileless thỏa thích. Ba mẹ Bryan gốc Ireland, thuộc lớp bình dân Mỹ, Bryan là anh cả của hai đứa em nữa. Khi biết Bryan vừa tốt nghiệp đã có việc làm ngay, lại được sang Việt Nam làm việc, cả nhà mừng khôn xiết. Cả hai ông bà cứ nắm tay tôi và tuôn ra hàng tràng những lời cảm thán toàn những sorry, very, enjoy, happy, mà tôi cảm thấy hơn là hiểu.

Bryan bảo, chuyến sang chơi Việt Nam hè vừa rồi khiến cậu chàng say Hà Nội như điếu đổ. Vừa nhận bằng tốt nghiệp, cậu vào mạng tìm ngay việc làm ở Việt Nam. Nhìn thấy tấm bằng của trường Đại học Fullerton, nhiều công ty ô kê ngay. Lương khởi điểm hơn hai ngàn USD một tháng ở Việt Nam đã thuộc hạng người giàu, sống ung dung hơn cả thu nhập mười ngàn USD ở Mỹ.

Suốt mười ngày trước và sau Tết ta, tôi như được sống lại tuổi trẻ thời sinh viên. Mồng hai tháng giêng, tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng đặc cách mời hai ba con đến ăn Tết với gia đình tại khu ký túc Viện Công nghệ California (California Institute of Technology, viết tắt là Caltech).

Caltech là một trường tư thục, thành lập năm 1891, tại thành phố Pasadena, cách Los Angeles chừng hai mươi cây số. Quy mô trường chỉ khoảng hơn 2.200 sinh viên, trong đó gần một ngàn sinh viên đại học và hơn một ngàn sau đại học. So với Harvard, MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), hai trường đại học hàng đầu của Mỹ ở miền Đông mà một tháng sau tôi có vinh dự ghé thăm, thì nhỏ hơn về quy mô đào tạo, nhưng vị trí và tầm quan trọng về khoa học kỹ thuất và khoa học ứng dụng của Caltech không hề thua kém.

Năm 2012- 2013 từng xếp thứ nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Times Higher Education. Nơi đây đã giành 32 giải Nobel, từng là nơi Albert Einstein đến thỉnh giảng và hoàn thiện lý thuyết tương đối tổng quát.

Xe vừa đến Pasadena đã có cảm giác như lọt vào một đại công viên, với những con đường ẩn dưới hàng long não xanh mướt. Cả khuôn viên trường năm mươi hecta là một đại resort được chăm sóc từng thảm cỏ, từng bồn hoa, hàng cây, tường rào, thanh sạch, trong lành đến ngỡ ngàng. Thì ra tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng quả có con mắt xanh. Anh đã đến Harvard, đã được mời ở lại làm việc, nhưng anh lại chọn Caltech, vì nơi đây có môi trường yên tĩnh và thuận lợi hơn để anh kết hợp làm việc, nghiên cứu và cùng vợ chăm cho hai cậu con trai lộc ngộc đang học phổ thông.

Mới gặp Thắng trong bữa tiệc đón giao thừa ở nhà người bạn Mr. Ty ở Garden Grove, tôi đã bị cuốn hút bởi nhà khoa học sinh năm 1973 gốc gác từ vùng quê Văn Giang - Hưng Yên, tự đi lên từ đồng ruộng. Cái chất thôn quê ở Thắng còn phô trên gương mặt chữ điền, nước da bánh mật, vóc dáng thợ cày cuồn cuộn trên cơ bắp.

Hồi học đại học, dịp mùa vụ Thắng thường đạp xe về nhà phụ giúp bố mẹ. Tảng sáng chủ nhật dong trâu ra đồng, làm nhoáng nhoàng xong sào ruộng khoán, chiều tối lại đạp xe lên trường để kịp lên lớp ngày mai. Bề ngoài như một vận động viên thể thao, nhưng bên trong lại tiềm ẩn tố chất một nhà khoa học.

Ngày còn ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội và cả bây giờ, Thắng đều luyện chạy bộ mỗi ngày hai mươi cây số. Chiều nào cũng có mặt trên sân cỏ trong vị trí trung phong. Nhiều ngày đọc sách liền hai mươi tiếng đồng hồ, đọc những sách khoa học hóc búa, đọc triết học, kinh tế và những tác phẩm văn học kinh điển.

Với xuất phát điểm chỉ là một sinh viên khoa thú y, Đại học Nông nghiệp ở Trâu Quỳ, như mọi người chắc bây giờ chàng kỹ sư nông nghiệp cũng chỉ xách túi đi các xã tiêm chủng bò lợn hay mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi. Nhưng, ngay từ năm cuối khóa, Thắng đã chọn con đường nghiên cứu khoa học. Anh được ở lại trường giảng dạy, tự học, rồi đăng ký thi, tìm học bổng ở những trường danh giá trên thế giới.

Được học bổng toàn phần tại Bỉ, học xong thạc sĩ, lại đăng ký học tiếp tiến sĩ ở Đại học Texas - Hoa Kỳ. Với luận văn tiến sĩ nghiên cứu về y sinh và huyết học xuất sắc, nhiều trung tâm “săn đầu người” ở Mỹ và các nước đều ngỏ ý mời Thăng đến làm việc. Nhưng anh chọn Caltech và ấp ủ nhiều hoài bão.

Buổi gặp gỡ đầu năm truyền thống ở nhà vị tiến sĩ có tới ba gia đình và hơn chục nghiên cứu sinh Việt Nam đang làm việc và hoàn thành luận án tiến sĩ tại Caltech và các trường đại học xung quanh. Họ là Thắng Hà, Dũng, Kiên, Hoàng, Tiến, Trình, Gia Bảo…, chỉ trên dưới ba mươi, kém Thắng vài tuổi, cùng tập hợp trong một đội bóng bán nhà nghề thường giao lưu trên sân cỏ những ngày cuối tuần. Nhàn, vợ Thắng và mấy cô gái, người xào nấu, người cuốn nem rán, nấu chè, gói bánh tíu tít chuẩn bị bữa cỗ thuần Việt y hệt như mâm cỗ quê nhà.

Trong khi mọi người làm cỗ, Thắng nháy cha con tôi ra xe để anh đưa một vòng thăm thú Caltech, cũng là cách gián tiếp khích lệ tinh thần khởi nghiệp của Mr. Ty. Tôi thực sự bước vào thánh đường học thuật hàng đầu nước Mỹ với những tòa nhà cổ kính hơn trăm năm được xây bằng những nguyên vật liệu mang từ Pháp, Ý, những hành lang lát gạch đỏ đã mòn vẹt từng in dấu chân Abert Einstein. Kia, phòng thí nghiệm Gates, tòa nhà khoa học đầu tiên chằng chịt loại cây hoa leo trăm tuổi. Kia, khẩu pháo vươn cao nòng và mô hình chuẩn của vật lý cơ bản, biểu tượng của Caltech. Và khu phòng thí nghiệm vật lý Norman Bridge, phòng thí nghiệm toán-lý Alfred Sloan, nơi thỉnh giảng và làm việc của những bộ óc lớn của nước Mỹ và thế giới.

Không có hàng rào, chẳng người gác cổng, chẳng ai hỏi han giấy tờ. Có thể vào ngồi trong những giảng đường, những thư viện mênh mông, như chính mình là chủ. Cả khuôn viên trường rộng hàng chục héc ta mở toang với bên ngoài. Hầu như các trường đại học ở Mỹ đều tự do và dân chủ như thế cả. Ở UC Berkeley, ở Đại học Fullerton hay Harvard, Massachusetts tôi đến sau này, cánh cửa trường đại học đều mở toang đón mọi người.

Bữa tiệc thịnh soạn như một bữa cỗ truyền thống mồng hai Tết ở quê nhà. Không biết bằng cách nào, từ bao giờ, cô giáo Nhàn vốn là bạn cùng quê với tiến sĩ Thắng, dạy hóa sinh ở Đại học Sư phạm Hà Nội, nay mang hai con theo chồng, đã chuẩn bị một bữa cỗ Tết như hết thảy những nàng dâu Việt đảm đang: gà luộc (gà đi bộ hẳn hoi) rắc lá chanh. Nem Sài Gòn ăn với cà rốt, su hào, đu đủ ngâm dấm ớt. Nem chua Thanh Hóa, thịt đông, giò lụa, thịt quay, bò xào cần tây, thịt kho tàu… Tất nhiên không thể thiếu bánh chưng xanh, dưa hành.

Thầy trò anh em con cháu đông hơn hai mươi người ngồi quây quần trên sàn trải chiếu trong không khí se lạnh gợi nhớ quê Việt. Tôi nhận ra một gương mặt quen quen ngồi cạnh tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng. Hỏi ra, mới biết đó là thạc sĩ Hoàng, con trai bạn tôi, phó giáo sư Phạm Thu Yến, giảng dạy ở Khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội.

“Cháu có nghe mẹ cháu nói đến bác. Tiếc là chưa được đọc Thời của Thánh Thần của bác".

Hoàng mở đầu câu chuyện có dính líu đến văn chương, sau đó phát triển thành chủ đề tuổi trẻ và đất nước, sôi nổi, thú vị, kéo dài suốt cuộc vui.

Chợt nhớ đến một lớp trí thức tinh hoa, những Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Lương Định Của, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện, … những năm sau cách mạng tháng Tám 1945, đã từ bỏ hết vàng son, náo nức trở về từ Pháp, từ Nhật để một lòng phụng sự Tổ quốc.

Thế hệ các trí thức trẻ ngồi quanh tôi đây không thể thua tài, kém chí cha anh. Không thiếu những gương mặt tầm cỡ Ngô Bảo Châu ở mọi lĩnh vực khoa học, văn hóa nghệ thuật, nhưng hỏi có mấy ai khi thành tài muốn trở về nước làm việc?

Nào các bạn. Hãy mở lòng với nhau. Có bằng tiến sĩ rồi, các bạn có về phụng sự đất nước không? Mọi người cười ồ. Tức cười. Một câu hỏi ngô nghê. Lương tiến sĩ năm triệu đồng, tức hơn hai trăm đô la, mấy chục nghìn tiến sĩ trong nước còn thất nghiệp, về làm gì cho thêm chật ghế.

Không khí bỗng trầm hẳn xuống. Không ai muốn nhắc dến câu chuyện bi hài này nữa.

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện Vua Lê” từ lâu rồi.

Chất xám ở Việt Nam giờ là thứ rẻ nhất thế giới.

(Còn tiếp)