Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Xe đêm

Truyện Mai Sơn


Không có chuyển động nào hết. Không có biến cố nào hết. Không có sự việc đáng kể nào hết. Tất cả chỉ là những gì bình thường, nhỏ nhặt, nhàm chán nhất của cuộc sống. Tất cả phẳng lặng như một tờ giấy…

Nhưng là một tờ giấy màu đen… Thăm thẳm đen…

Và có lẽ đã hàng triệu lần, chúng ta có cái cảm giác này, cảm giác mà Mai Sơn đang phác lại trong truyện ngắn dưới đây.

Văn Việt


Đẩy chiếc ghế gập ngả hết về phía sau, tôi gieo người xuống như thể trút đi một gánh nặng. Ngay lập tức một nỗi u ám khổng lồ như cái lưới từ từ ngoạm lấy tôi từ trong ra ngoài. Không sao chịu nổi. Có lẽ chỉ đem cái thân xác này ném vào quan tài là thích hợp nhất. Mới đầu tôi không hiểu vì sao, nhưng chỉ vài phút sau, tôi hiểu nó đến từ đâu. Không thể thoát nổi.

Tôi thường lên xe một mình với những chuyến đi. Lên xe là chia tay. Lên xe là hồi hộp vì mang theo những gánh nặng hy vọng. Và có thể ký ức về chuyến xe gặp tai nạn hồi còn nhỏ đã đeo đuổi tôi. Lần đó mẹ đưa mấy chị em tôi về thăm quê ngoại ở Nha Trang, và khi trở lại, chiếc xe đò hai màu đỏ trắng mang tên Liên Hiệp chở chừng ba chục người khách văng xuống ruộng. Đầu tôi đập mạnh vào thanh sắt dựa phía sau. (Sau này mỗi lần cảm thấy hình như mình bị khùng điên, tôi lại truy về tai nạn này như một nguồn cơn). May là cả nhà không ai bị thương nặng. Đường xa, cần phải đi những chuyến xe sớm. Vậy là bóng tối ẩm ướt nhá nhem và những ngọn đèn vàng lập loè lặn sâu vào vô thức tôi từ đó. Cùng những bóng người lặng lẽ. Lủi thủi. Vội vã. Tôi không dám vội vã vì sợ thất bại, tôi chỉ lủi thủi với gánh nặng lời mẹ dặn “Phải nói sao để bà ngoại cho mẹ mượn mấy chỉ…”.

Lên xe đêm đó cùng một đoàn người rồng rắn bất tận, chạy trốn cái thị xã nhỏ thân thương sắp rơi vào tay những kẻ ẩn mặt vẫn thường xuyên bắn bừa bãi hoả tiễn 122 ly vào đủ mọi nơi.

Cùng gia đình chạy trốn những cuộc săn đuổi như người đàn bà trốn mãi vào rừng sâu trong truyện xưa để tránh chính quyền. Lên xe là buồn thảm nhớ mẹ cả trăm ngày đêm cả ngàn cây số vật vã trên những chuyến xe than rách nát chỉ để mua bán mấy thứ linh tinh. Lên xe, đứng suốt mấy tiếng đồng hồ, cùng cha tôi đi nhận xác mẹ tôi ở Sài Gòn.

Bà mẹ trẻ không thể dỗ được đứa con khóc ngằn ngặt. Ban đầu tiếng khóc trẻ thơ nghe trong trẻo, dễ chịu, nhưng rồi khi nó kéo dài không ngớt, và nhất là khi nó làm tôi giật mình thức dậy giữa lúc đang ngon giấc, thì tôi bực mình, cằn nhằn “Sao chị không mở áo quần nó ra xem có con gì đang cắn nó, hay có vật gì lộm cộm trong lưng nó không”.  Tôi nói theo sách vở. Bà mẹ trẻ không nghe lời tôi, cứ dỗ ờ, ờ, mẹ, mẹ đây, ờ, ờ, nhé nhé... Tôi không biết lấy sách vở nào ra để cằn nhằn nữa, đành chịu trận.

Tôi mở điện thoại nhắn tin: Có đứa bé khóc mãi trong xe, không ai ngủ được. Nhưng anh không nhắn tin nữa nhé, vì sợ hết pin thì sáng mai đến nơi không biết làm sao gọi em.

Tôi chưa gặp cô gái này lần nào, chỉ nghe giới thiệu qua một người bạn của một người bạn. Và chỉ cần nghe nói cô ta xinh xắn, đang cô đơn, “Anh thích không em giới thiệu cho”, là tôi ừ luôn. Hai ngày sau đó, tôi và cô nhắn tin, gọi điện thoại làm quen. Một cô gái quê miền trung, ly dị chồng, con gái bảy tuổi, đang làm đủ thứ công việc theo mùa màng nông thôn để sống. Cô nói tôi lên thăm cô một chuyến. Tôi đồng ý.

Không có địa chỉ rõ ràng, chỉ là: “Anh đi xe SG-BM, đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ KJ thì xuống, bắt xe ôm đi khoảng hai chục cây số đến trung tâm thị trấn KN, rồi gọi em ra đón”.

Mình đang cần gì? Một tâm hồn à? Không, tôi đùa với người bạn trước ngày quyết định đi thăm cô gái, tôi còn muốn vất bớt tâm hồn đi cho khoẻ. Hay một tấm thân ấm áp cho mỗi đêm?

Tôi không tưởng tượng gì thêm về cô gái ngoài bộ ngực căng đầy và một thân thể khoẻ mạnh của những cô gái quen việc chân tay.

Xe bỗng dưng chạy chậm lại- một cái nhà với gần một trăm con người bên trong đang nghiêng ngả như người say. Rồi dừng hẳn. Ai đó trong xe nói: “Mới tới Bù Đăng”.

Nằm giữa tối mịt Bù Đăng. Không biết làm gì, tôi nhắn tin cho thằng bạn: “Kẹt cứng ở Bù Đăng gần hai giờ, chưa nhúc nhích”.

Thằng bạn nhắn lại liền: “Chắc bị hồn ma Bù Đăng Bù Đốp chặn đường rồi. Mày đang đi trên quốc lộ 14 khét tiếng đó”.

Là sao?

Một lát sau hắn gởi vào điện thoại di động tôi một đường link: http://vi.wikipedia.org/wiki/Chiến_dịch_Đường_14_-_Phước_Long

Chiến dịch đường 14-Phước Long là trận đụng độ quân sự lớn giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa diễn ra trên địa bàn tỉnh Phước Long trong chiến tranh Việt Nam, kết quả là Quân đội Nhân dân Việt Nam chiến thắng và chiếm được Phước Long. Tuy không nằm trong chiến dịch Tây Nguyên nhưng trận Phước Long (từ đêm 13 tháng 12 năm 1974 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975) có ý nghĩa như một trận đánh trinh sát chiến lược, thử sức đối với hai bên, cũng như thăm dò phản ứng của quốc tế, nhất là của Hoa Kỳ để mở đầu cho những diễn biến tiếp theo của Chiến dịch Mùa Xuân 1975, đưa đến sự sụp đổ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

“... Trong số 5.400 sĩ quan và bình sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phòng thủ Phước Long, chỉ có 850 người thoát được về trình diện tại Quân đoàn III[37]. Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết họ bắt được 2.444 tù binh, trong đó có 26 sĩ quan cấp tá và cấp uý, thu hơn 5.000 vũ khí các loại và một kho đạn đại bác trên 10.000 viên[38]”.

Xe thả tôi xuống khi trời mù mịt bên ngoài. Gió lạnh táp vào mặt từng miếng. Tôi lảo đảo ghé vào một cái gì như là cái lò gạch nhỏ, tháo cái ba-lô đựng quà tết ra khỏi lưng, ngồi xuống. Đúng đây là cái ngã ba có đèn xanh đèn đỏ lờ mờ ẩn hiện. Một người đàn ông lớn tuổi đi ngang qua huơ hai tay lên xuống qua lại như đang tập thể dục. Tôi hỏi ông bao lâu thì có một chuyến xe buýt chạy vào KJ. Ông nói “Nó vừa chạy, khoảng ba mươi phút nữa có thể có chuyến khác”. Ông dừng lại như muốn trò chuyện với tôi. Tôi cũng muốn giữ chân ông, hỏi thêm ông điều gì đó, nhưng không biết sẽ nói gì. Vả lại cái hàm miệng hơi cứng, và có vẻ như hai hàm răng đang bắt đầu lập cập. Chợt một giọng đàn ông trẻ trung từ đâu đó vang lên: “Không đâu, chú. Sáng sớm phải cả tiếng đồng hồ mới có một chuyến”. Tôi nhìn quanh. Từ sau một đống tro than, một bóng người đứng dậy bên cạnh chiếc xe Honda. Hoá ra nãy giờ anh ta ngồi sưởi ấm ở đó. Anh ta đi chầm chậm đến gần tôi. Bây giờ thì tôi nhận ra một thanh niên khoảng ba mươi tuổi, với khuôn mặt sáng sủa, cặp mắt đẹp, hơi có ria mép. Tôi thoáng nghĩ đến cô gái, lòng khấp khởi hi vọng. Anh ta mời tôi đi xe ôm. Tôi hơi ngần ngừ, nghĩ lúc này nếu được ngồi trong xe buýt thì tốt hơn. Nhưng chờ lâu quá. Tôi hỏi anh mấy câu rồi leo lên xe, thu hai tay vào sau lưng anh ta. Đường quanh co, lên dốc xuống dốc, ổ gà ổ voi. Gió lạnh quất vào mặt. Anh ta chạy nhanh quá. Từng đám nữ sinh trung học mặc một loại áo gió cùng màu xanh dương, cùng kiểu dáng đạp xe đến trường. Không thấy tiếng cười đùa ríu rít học trò. Hay là tôi không nghe thấy?

Tôi hét to:

Các em học sinh đó là người Kinh, hả anh?

Phải.

Người dân tộc không đi học à?

Người dân tộc ngày càng lùi sâu vào trong rừng, vì người Kinh đến đây ồ ạt chiếm hết đất và công chuyện làm ăn của họ”. Anh bớt ga, nghiêng đầu nghe và trả lời tôi.

Chắc họ oán người Kinh mình lắm phải không?

Đúng rồi. Có mấy lần họ biểu tình đó- Anh chạy chậm hẳn lại.

Rồi sao?

Chính quyền dẹp cái một.

Bất giác tôi co vai vì lạnh buốt. Chính quyền, chính quyền. Ở giữa núi rừng thế này mà cũng cần đến sức mạnh của chính quyền nữa sao? Ở đâu cũng có chính quyền à?

Mình cứ chạy mãi đường này có qua Đà Lạt được không?

Được, nhưng xa lắm.

Đường tốt không?

Tốt. Dễ đi.

Như vậy cái làng này không phải là một ốc đảo?

Chú nói gì?

Tôi thấy mình kỳ quặc, sao lại hình dung ra một ốc đảo giữa vùng rừng núi này?

Anh chợt tăng tốc dể chạy lên một cái dốc cao. Cái dốc. Cái dốc. Ông danh tướng Pháp Charles de Gaulle mở đầu bộ Hồi ký chiến tranh ba tập của ông bằng một chương mang tên Cái dốc- La Pente. “Toute ma vie, je me suis fait une certaine ideé de la France”. Bây giờ tôi thấy không chỉ những vĩ nhân như de Gaulle mà hầu hết những người bình thường Việt Nam chung quanh tôi đều có những nỗi niềm cay đắng với đất nước mình. Chỉ vì đất nước đang bị dày xéo bởi bạo lực, sự ngu tối và lòng tham vô độ của những kẻ cầm quyền. Và họ cũng có những cái dốc cao ngất phải vượt qua, hay không thể vượt qua. Chính ở Việt Nam mà tư cách làm người được hiểu sâu xa nhất trong sự thiếu vắng hầu như tất cả những thuộc tính và ý nghĩa của nó.

Sao đầu óc mình cứ đầy ắp những điều to tát giữa lúc mình đang đi vào một nơi hẻo lánh, một nơi chỉ cần nằm xuống là có thể lẫn vào cây cỏ đất đá? Quả thật, đôi khi từ giữa rừng một người quảy gánh bước ra, không rõ đàn ông hay đàn bà và chỉ trong thoáng chốc họ biến mất. Cảm giác này tôi từng trải qua khi đi ngang qua một tỉnh miền núi phía bắc thấy một người đàn ông đứng chống cuốc giữa cái đám rẫy hoang dại xơ xác giữa trưa nắng. Ông ta giống một cái cây khô héo. Chỉ cần nằm xuống là tan biến vào đất cát. Chỉ cần nằm xuống, ngã xuống là chết, là hết. Hôm kia, ở giữa Sài Gòn, một cô bé chạy xe đạp hơi loạng quạng một chút, mắc tay lái vào chiếc xe máy và té ngã giữa đường, và như chỉ chờ có vậy, chiếc xe buýt phía sau lao tới cán lên em, khiến em chết tại chỗ. Hôm qua, một người ngoại quốc năm mươi lăm tuổi đi xe đạp đến trường dạy học, khi thả dốc nhẹ nhàng xuống cầu (một hình ảnh đẹp quá), ông bị xe tải đâm sầm, chết. Tôi rất muốn đi xe đạp đến cơ quan, nhưng sự chậm chạp, chân tay lọng ngọng của tôi chắc chắn sẽ là mồi ngon cho thành phố hung bạo và hỗn loạn này. Nó sẽ nuốt tôi ngay lập tức.

Không, đó không phải là điều gì to tát. Ngay cả khi sắp chìm vào giấc ngủ cô đơn và phía trước là chuỗi ngày eo sèo, tôi vẫn không ngừng nghĩ ngợi đến xã hội và đau đớn. Nó là một đại trại, một đại ngục, nhưng cũng chính vì nó quá lớn, vì cái đại qui mô của nó mà hầu hết mọi người tưởng rằng mình đang “tại ngoại”. Thực ra thì mọi người đang bị cầm tù, đang trần truồng, miệng mồm khô rang vì lâu ngày không biết nói gì. Nỗi sợ hãi chiếm đóng họ toàn phần. Nỗi mặc cảm đóng băng họ. Sự cam chịu trói chặt họ vào cái thường nhật. Và họ bị tước hết mọi quyền cơ bản để làm một con người, một công dân bình thường. Thế mà lâu nay tôi vẫn cứ nghĩ là mình trí tuệ, biết cách tìm lấy tự do cho tâm thức, biết cách tạo dựng một khoảng trời riêng để tồn tại.

Có lúc tôi nghĩ bọn chúng đâu phải là Thượng đế, và tôi vẫn còn đang nắm trong tay số phận của tôi. Nhưng không phải vậy. Chỉ cần một hôm nghĩ đến con tôi, bầy cháu tôi và những đứa trẻ ngây thơ đang lớn lên là tôi nhận ra ngay vây quanh mình là bóng tối bất khả hồi quang. Dày đặc. Dâng lên. Ùa tới. Là vô tận đêm dài. Không có chút ánh sáng nào rọi vào. Và những bữa tiệc ngập ngụa tanh tưởi của ma vương, quỉ sứ, cai ngục, đao phủ, những kẻ bại não đang diễn ra trong đó.

Một chiếc xe buýt đột ngột hiện ra ở khúc quanh, chiếm hết cái mảng trời xanh tôi thấy qua vai anh xe ôm. Xuống dốc. Tôi tưởng anh sẽ chạy chậm lại, nhưng không, anh vẫn như đang đuổi theo một con thú hoang nào đó sau những khúc quanh bồng bềnh sương mù. Tôi tưởng ở đây, giữa vùng rừng núi, mọi thứ sẽ chậm lại, sẽ chùng xuống. Khí lạnh đánh thẳng vào mặt tôi. Tàn bạo. Dữ dằn. Cảm giác này tôi đã từng bắt gặp khi bước xuống sân bay Bắc Kinh một sáng năm nào. Tôi đành phải kêu anh ngừng xe lại cho tôi đi đái, để tạm thời tránh cái lạnh đang muốn cắt xé tôi. Vừa đứng đái tôi vừa loay hoay mở điện thoại ra. Không có cuộc gọi nhỡ nào. Không có tin nhắn nào. Có nên gọi cho cô ta không? Tôi nghĩ. Và tôi không gọi. Thậm chí tôi muốn quay lại, quay lại ngay khi chợt thấy mình giống như một nhà báo đi điều tra một tội ác chống loài người và sẽ không còn đường thoát ra nữa khi đã lọt vào giữa cái thị trấn miền núi đèo heo hút gió này. Nhưng chợt nghĩ đến cái ba-lô đựng quà, tôi phân vân, và sự phân vân đưa tôi trở lại sau lưng anh chàng chạy xe ôm.

Một cô gái gầy gò buồn thảm, có vẻ như cô đẹp, ngồi trên chiếc xe Honda wave màu xanh đón tôi ở đầu con dốc đất đỏ. Cả thị trấn vẫn còn ngái ngủ. Phía trên dốc, sâu vào bên trong là một khoảng sân rộng có mấy chiếc xe buýt to tướng màu vàng màu đỏ bầm như những cái quan tài khổng lồ đang đậu im lìm.

Và chúng sẽ di động.

Tôi dán mắt nhìn chúng.

Không có cách nào khác, chẳng bao lâu nữa tôi sẽ ngồi vào đó.

9/2013