Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

Chúc mừng Tuyển tập “40 năm Thơ hải ngoại”

Xin chúc mừng 53 nhà thơ có mặt trong Tuyển tập BỐN MƯƠI NĂM THƠ VIỆT HẢI NGOẠI.

Bốn mươi năm tuy chỉ là một khung thời gian giới hạn, nhưng cũng tạm đủ dài để nói đến sự chung thủy đối với Thơ. Chung thủy với Người tuy khó mà dễ; nhưng chung thủy với Thơ thì ngỡ như dễ nhưng lại khó vô cùng. Bởi quan hệ nhân sinh không còn Tình thì còn có Nghĩa. Nhưng quan hệ với Thơ thì khi không còn niềm cảm xúc đam mê thi ca thì đành tiễn biệt chia tay với thơ. Không thể có trường hợp một nhà thơ hay một người có tâm hồn thi sĩ mà không rung động với thơ mình lại có thể sáng tác những vần thơ làm rung động lòng người khác được.

Có thể nói rằng, trong một hoàn cảnh bốn mươi năm “khóc cười theo vận nước nổi trôi” như thân phận người Việt – kể cả người ở lại và kẻ ra đi – mà vẫn còn chung thủy với Thơ thì thì xin được quàng một vòng hoa cho mỗi tác giả thi nhân góp mặt trong Tuyển Tâp thơ này.

“Thơ Việt Hải Ngoại” tuy là một khái niệm tổng quát, nhưng đại thể thường được hiểu như là khuynh hướng đại diện tiêu biểu cho dòng thơ của tập thể của những người Việt làm thơ chuyên nghiệp và tài tử ở các nước ngoài khắp nơi trên thế giới.

Với tình trạng sinh hoạt văn bút quá phong phú, đa dạng và trải rộng trên một địa bàn rộng lớn của người Việt hải ngoại trong hơn 40 năm qua, chưa có một con số thống kê nào chính xác và khoa học về số lượng nhà thơ và tác phẩm. Nhưng theo ước định của một số các bài viết và tác giả có tính chất thăm dò đáng tham khảo trong chừng một thập niên vừa qua thì có chừng 150 đến 250 người Việt làm thơ ở xứ người (trong đó có chừng 30% là chuyên nghiệp đã thành danh với quá trình làm thơ trên 30 năm). Vấn đề con số thống kê đáng tin cậy, xin nhường lại cho những nhà phê bình văn học có bề dày kiến thức và sự trải nghiệm với những công trình khảo cứu nghiêm túc.

Tin ra mắt Tuyển tập Bốn Mươi Năm Thơ Việt Hải Ngoại đang làm dấy lên nhiều ý kiến của giới văn bút Việt Nam Hải Ngoại. Có thể còn quá sớm để nắm bắt chính xác đâu là những ý kiến trọng tâm và đâu là những nhận định, suy diễn bên lề. Tuy nhiên, có ba câu hỏi trực tiếp đang được chuyển tiếp và phát tán trên các trang mạng xã hội và Email groups cũng như cá nhân là: (1) Trong số 53 tác giả thi sĩ có bao nhiêu vị nổi tiếng đủ bản lĩnh đại diện cho khuynh hướng thi ca Việt Nam Hải Ngoại; (2) Các tác phẩm thơ được tuyển chọn được đặt trên căn bản nội dung và thể loại nào để được liệt vào hàng đại diện điển hình cho “Thơ Việt Hải Ngoại”; (3) Sau lưng các tác giả nhà thơ được chọn (có những tên tuổi chưa bao giờ được cộng đồng văn bút biết đến) thì những nhà thơ đã thành danh, nổi tiếng với số lượng tác phẩm khá thâm niên và đồ sộ… ở đâu trong dòng thơ Việt 40 năm ở Hải Ngoại.

Đến đây, cũng xin được tô lại đậm nét để giới hạn rằng: Tuyển tập này do tác giả Nguyễn Đức Tùng thực hiện. Anh là một bác sĩ đa tài đang sống ở Canada; nói là nhiều tài bởi vì mới độ tuổi trung niên, ngoài nhiệm vụ thầy thuốc anh còn tới ba cái… “nhà” nữa: Nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học.

Năm 2011, Nguyễn Đức Tùng đã cùng với Trần Nhuận Minh, cho xuất bản cuốn sách “Đối thoại Văn Chương” dày tới 836 trang. Ngoài ra, anh đã có nhiều tác phẩm văn học qua nhiều thể loại, trong đó được biết đến nhiều nhất là cuốn “Thơ đến từ đâu”.

Theo ý kiến cá nhân của kẻ viết những dòng này thì trong sinh hoạt văn bút nếu cứ mãi bị dính mắc vào sự chấp có, chấp không thì rất dễ rơi vào tình trạng của người “làm nhà bên đường, ba năm không thành” (tác xá đạo bàng, tam niên bất thành) vì có quá nhiều ý kiến thị phi. Ngược lại, nếu “phá chấp” được thì cũng đừng nên xem một tác phẩm văn học nghệ thuật nào là duy nhất theo kiểu cực đoan “vô tiền Hán, thất thịnh Đường” như cụ Cao Bá Quát ngày xưa cả. Nghĩa là hy vọng Tuyển tập Bốn Mươi Năm (+) Thơ Việt Hải Ngoại tập 2, tập 3… sẽ còn tiếp tục ra mắt bà con.

Kính chúc 53 tác giả nhà thơ sẽ đến với bạn đọc với sự chuyển tải trọn vẹn cảm xúc thi ca.

Và thân chúc tác giả “tuyển thi” Nguyễn Đức Tùng thành công như dự ước.

Trần Kiêm Đoàn