Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Xin hỏi ông Trương Minh Tuấn

Nguyễn Đăng Quang

Chắc phải là người có tài tuyên truyền, thuyết khách nên mới hơn 1 năm làm Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lại nhanh chóng được cho kiêm nhiệm thêm chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSVN. Gần đây ông không chỉ thể hiện là Tư lệnh “thép” trong lĩnh vực Thông tin-Truyền thông, mà còn chứng tỏ là người tiên phong và có kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô! Có lẽ đây là bước chạy đà, chuẩn bị cho xuất TBT sắp tới? Nếu đúng vậy, xin được chúc mừng ông!

Cách đây không lâu, hệ thống thông tin-báo chí nhà nước đồng loạt đăng tải bài viết ca tụng “Sự phát triển ngoạn mục” của nền “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” với tiêu đề “Sức thuyết phục của Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”, ký tên Trương Minh Tuấn. Tôi đoán tác giả đích thị là ông. Mặc dù ông rào trước đón sau là “không tranh luận về học thuật, mà chỉ đề cập đến các vấn đề thực tiễn trong quá trình phát triển của đất nước, và sự tiếp nhận của cuộc sống người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN”. Song những độc giả, đặc biệt là những độc giả lớn tuổi không thể không thắc mắc, và muốn nêu lên những khúc mắc, mâu thuẫn rất cần tác giả giải đáp! Tôi không có ý định tranh luận với ông về học thuật, chỉ xin nêu vài khúc mắc cụ thể liên quan đến luận điểm mà ông cho là “được sự tiếp nhận của người dân, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với KTTT định hướng XHCN” được ông tô hồng trong bài viết của mình! Ý kiến ông thế nào, xin ông cho công bố công khai trên báo in và cả báo mạng do ngành ông quản lý, đồng thời, nếu có thể, xin ông vui lòng gửi vào hòm thư điện tử của tôi theo địa chỉ sau: DangQuang42@gmail.com. Tôi xin được trân trọng cám ơn ông nhiều!

Dưới đây là 4 vấn đề cụ thể và ngắn gọn, nhờ ông giải đáp giùm:

1/. Trong bài, ông trích dẫn câu nói của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giầu, người khá giầu thì giầu thêm” và gán cho cụ Hồ là người tiên phong phát kiến ra nền “KTTT định hướng XHCN”. Ông nói “Lời nói của Bác Hồ đã đưa ra chấm phá đầu tiên về mục tiêu của KTTT định hướng XHCN”. Tôi cho ông nói như vậy là rất khiên cưỡng! Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước VNDCCH năm 1945 và trong bản Hiến pháp 1946 sau đó, cụ Hồ đâu có đề cập đến CNXH chứ đừng nói đến khái niệm “KTTT định hướng XHCN”. Ngay trong bản Di chúc năm 1969 là văn bản chính thức cuối cùng để lại cho ĐCSVN, cụ Hồ cũng đâu có căn dặn Đảng phải xây dựng CNXH hoặc thực hiện mô hình “KTTT định hướng XHCN”? Khái niệm “KTTT định hướng XHCN” mãi sau này, vào đầu thập kỷ 1990’s, ĐCSVN mới sáng tạo ra cơ mà! Vậy cớ sao ông lại khẳng định cố Chủ tịch HCM là người tiên phong phát kiến ra mô hình “KTTT định hướng XHCN”? Tôi tin rằng, nếu cụ Hồ sống lại, cụ sẽ quở trách ông là thiếu trung thực, cố tình gắn cho cụ điều mà cụ không hề nói, thậm chí không có trong tư duy và suy nghĩ của cụ! Vậy tội này là tội gì, thưa ông?

2/. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu ĐCSVN hiện nay, một chuyên gia lão luyện về lý thuyết xây dựng Đảng, cũng còn đang hồ nghi, không tin là sẽ có CNXH, chứ đừng nói đến học thuyết “KTTT định hướng XHCN” nữa! Ngày 23/10/2013, phát biểu trước Quốc hội để góp ý cho bản Hiến pháp sửa đổi 2013, ông Trọng nói: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”. Câu nói này của ông Phú Trọng làm nhiều người ngạc nhiên và lúng túng, nhưng thực ra, điều ông Trọng nói lại rất biện chứng! Ông đã buột miệng nói sự thật, một sự thật hiển nhiên, cho dù điều đó trái với định hướng tuyên truyền của Đảng và làm không ít đảng viên hoang mang, giao động!

Chẳng có một quốc gia nào trên thế giới lại dựa vào một học thuyết kinh tế-xã hội chưa hề hiện hữu trong lịch sử loài người để bắt dân tộc đi theo, làm theo mô hình đó cả! Nếu có ai làm vậy, thì đấy có phải là phiêu lưu, mạo hiểm không, thưa ông? Không rõ ông đã hỏi xin ý kiến và được ông Trọng gật đầu, đồng ý chấp thuận chưa? Ông Trọng khẳng định, đến hết thế kỷ này chưa thể có CNXH hoàn chỉnh ở nước ta, vì thế tôi tin, đến đầu thế kỷ tới, không thể có cái gọi là “Nền KTTT định hướng XHCN” được? Như vậy, ông và nhiều đồng chí của ông nói thế chẳng khác nào “Nói vậy mà không phải vậy!” đúng không, thưa ông Tuấn?

3/. Một chuyên gia kinh tế, người nhiều năm tham gia hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của Đảng và Nhà nước ta là ông Bùi Quang Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thừa nhận là trong suốt gần 30 năm qua, ông không thể giải đáp được câu hỏi thế nào là “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” cả? Hồi tại chức, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về kinh tế tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (tức trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cũ, không rõ là ông Tuấn đã qua trường này chưa?). Thính giả và học viên ở đây đều là các lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong dịp này, nhiều người hỏi ông Bùi Quang Vinh thế nào là thể chế “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”, ông Vinh đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó mà mãi có tìm ra đâu? Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm!”

Thế mà nay, một ông quan tuyên giáo, người chưa từng làm kinh tế, dù là kinh tế gia đình, lại tuyên bố là đã tìm được mô hình kinh tế mà ông Bùi Quang Vinh trong suốt 30 năm qua tìm mãi nhưng chẳng thấy, vì “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”! Ông quan này còn khẳng định mô hình “KTTT định hướng XHCN” này không chỉ rất thuyết phục mà nó còn tạo ra sự phát triển ngoạn mục nữa! Đúng là cán bộ tuyên giáo. Tài thật, tài đến thế là cùng!

4/. Sau cùng là vấn đề này: Trong khoảng trên chục năm qua, hầu như mọi phái đoàn cao cấp của Đảng và Nhà nước ta, khi đi công cán nước ngoài đều phải thực thi một nhiệm vụ là vận động, thuyết phục hoặc yêu cầu nước chủ nhà đồng ý “Công nhận nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia có nền Kinh tế thị trường đầy đủ”!

Nhưng tôi có một thắc mắc muốn được hỏi ông. Tôi biết, ông và toàn thể các Ủy viên khác trong Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN không chỉ phải nắm vững mà còn phải quán triệt tuyệt đối, là toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thực hiện nhiệm vụ chiến lược là “Xây dựng nền KTTT định hướng XHCN”! Vậy nguyên cớ gì khi ra nước ngoài các ông phải dấu tiệt, cắt hết cái đuôi “định hướng XHCN” đi, rồi cất kín, giấu tịt ở nhà, chỉ mang khúc đầu là “Kinh tế Thị trường” để yêu cầu người ta công nhận mà thôi, vậy là làm sao?

Phải chăng, chính vì vậy mà đến nay chẳng có mấy nước thỏa mãn yêu cầu này của Đảng và Nhà nước ta, phải không thưa ông? Nếu vấn đề này không nằm trong danh mục “Bí mật quốc gia”, xin ông vui lòng cho tôi biết thực chất của sự bất nhất này là gì không, thưa ông?

Trên là 4 câu hỏi cụ thể liên quan đến chủ đề và cũng là nội dung chính của bài báo ký tên ông, mong ông vui lòng giải đáp. Trong khi chờ đợi, xin gửi ông lời chào trân trọng.

Hà Nội, ngày 17/7/2017.

N.Đ.Q.