Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Về Đồng Tâm: nghe, nhìn, ngẫm… buồn vui…

(Rút từ facebook của Nguyễn Nguyên Bình)


Đến địa phận xã Đồng Tâm, hỏi thăm đường về làng Hoành, may gặp một chị người làng, chị tận tình chỉ đường, nhưng lại dặn chúng tôi đừng hỏi thăm nhiều nữa, cứ đi như thế là đến nơi. Chị còn nhỏ giọng: “Hôm qua công bố kết quả thanh tra, “họ” chặn đường ghê lắm, trong cuộc họp, chỉ họ nói là chính, dân nói mấy câu là họ cắt luôn không cho nói”. Trời, chưa đi đến nơi mà đã nghe “mùi thuốc súng” rồi, lạ thế!

Vào tới sân nhà cụ Kình, một lát sau, nhiều người làng đã kéo đến, có lẽ mọi người biết tin những người bạn của Đồng Tâm mới về. Trong nhà, cụ Kình cũng loay hoay trở dậy để tiếp chúng tôi. Hỏi thăm sức khỏe và thương tật, thì cụ đưa ra tấm phim mới chụp, thấy rõ cái xương đùi bị vỡ, đã phải nẹp lại và bắt tới 11 con vít, vẫn chưa liền. Cụ nói cái xương ấy bị vỡ (chứ không phải gãy) làm mấy mảnh, còn xương mỏm trên đùi thì bị gãy không nối lại được, rồi đây có khỏi thì cũng thành tật, đi lại sẽ khó khăn lắm (về việc vỡ, gãy xương đó, vừa rồi trên mạng có người thắc mắc, cho rằng xương đã gãy làm mấy đoạn, lại không chữa trị ngay, với một cụ già như vậy mà chưa nguy đến tính mạng thì không tin được! Ai không tin có thể xem trên tấm phim này – trong ảnh). Sự kỳ lạ đó chỉ có thể giải thích đó là do hồng phúc tổ tiên, và cũng là sự may mắn hiếm hoi của làng Hoành.


Trong khi mấy bạn đi cùng tôi đang nghe chuyện của cụ Kình thì tôi được nghe chuyện của mấy bác gái và mấy chị phụ nữ. Một bác có tuổi rầu rĩ: “Tự nhiên dân làng Hoành này lại mang cái tiếng chống chính quyền, rào làng kháng chiến, bắt người trái phép, phá hoại tài sản… Thật là tình ngay lý gian, khổ quá” (bác gái nói đến đó thì mọi người vội cắt ngang, an ủi: không phải đâu, bác ơi, làng ta tình ngay mà lý cũng ngay chứ) bác ấy vẫn buồn bã, nói: “Dân tôi bây giờ đâm bồ côi bồ cút, trước thì trông chờ Đảng Chính phủ, tưởng là gỡ được nỗi oan, nhưng bây giờ các ông ấy bỏ không cứu chúng tôi rồi. Các ông ấy sợ cứu giúp Đồng Tâm thì các nơi họ bắt chước theo, rồi sinh loạn, làm khó cho các ông ấy chứ gì? Nhưng cơ mà Đồng Tâm không phải như các nơi. Nơi khác họ bị thu hồi đất, thì họ được đền bù, chỉ thắc mắc nỗi đền bù không thỏa đáng thôi, chứ đâu như ở đây, đất cứ thu hết lần này lần khác mà chẳng được đền bù một xu. Lại còn lừa bắt người làng, đánh đập cụ già thành thương thành tật. Ai tự nhiên gây sự làm gì, họ đánh cụ Kình như thế, dân nào mà ngồi yên được, mới kéo cả ra, đông lắm, mà chỉ đàn bà là nhiều. Thấy họ có cả súng, cả dùi cui, lựu đạn, thế nhưng lúc ấy chẳng còn biết sợ là gì, ào ào đến vây quanh đám ấy, không bắt lại thì để chết à? Không bắt thì làm sao cứu được cụ Kình? May sao mấy chú ấy cũng chịu để cho dân bắt. Đã bắt người thì phải rào, phải rấp lối vào làng chứ, để thông thống lối vào, nhỡ họ đem thêm quân tướng vào triệt hết cả làng thì sao? Lúc ấy chỉ nghĩ được đến thế thôi… Ai cố tình đổ cho làng tôi gây sự thì làng cũng phải chịu. Chứ biết nói làm sao…” Khi được hỏi tên, bác gái hơi ngần ngại, bảo: “Cứ nói tôi là người làng Hoành là được rồi. Bây giờ cả làng ai chả nghĩ vậy, có phải mình tôi đâu”.
Một chị tre trẻ tiếp ngay sau bác gái, giọng sôi nổi: “Em thì chả ngại nêu tên, em là Đề, em phải nói là hôm qua nghe công bố cái kết luận ấy mà đến giờ vẫn đang uất đến cổ, phát khóc lên được ấy. Họ ép dân quá đáng lắm. Cái xã Đồng Tâm này đã hiến cho nhà nước bao nhiêu ruộng đất rồi. Nào hơn 200 ha làm sân bay, hơn 300 ha làm trường bắn ASEAN, nào 47 ha bổ sung dự án gì ấy… trước nay dân có ai kêu gì đâu. Nay còn 59 ha cánh đồng Sênh, họ lại cố lấy bằng được, mà họ cũng chẳng có giấy tờ gì làm chứng, đó là họ làm trái. Chúng em không chịu đâu, ai có đổ tội là chống đối, là vi phạm hay cái gì cũng chẳng ngại, phải giữ lấy đất cơm áo, chứ không thì sống bằng gì? Bố em là Nguyễn Văn Lạp, công an xã từ thời chống Tàu, là thương binh, nhà em có hai liệt sỹ, gia đình mới nhận bằng Mẹ anh hùng sáu tháng trước, không ai có thể nói gia đình em là phần tử xấu được. Bây giờ vẫn nghèo, chẳng dính gì đến tham ô tham nhũng như mấy ông cán bộ thời nay. Chả sợ ai quy chụp. Trước kia, làng này, xã này chứa chấp bao nhiêu bộ đội công an về huấn luyện,ở nhờ nhà dân, cùng ăn khoai sắn với dân, mà sắn khoai cũng trồng ở đất Đồng Sênh chứ đâu. Chốc nữa em đưa các bác ra tận đất mà xem, họ đã lấy bao nhiêu rồi, cứ mênh mông cả ra, thế mà vẫn chưa thỏa…”

Hỏi về việc mới đây cấp trên họ nói sẽ đem ra truy tố 14 vị cán bộ huyện xã ở đây vì buông lỏng quản lý đất đai có gỡ được oan trái gì cho dân ta không? Câu này được một bác lớn tuổi, tên là Bùi Văn Nhạc, đã từng là chính trị viên đại đội, 55 tuổi đảng, trả lời: “Đó là số những người đã tham nhũng chia chác đất đai suốt từ năm 2002 đến 2013, việc đó không liên quan đến mảnh đất Đồng Sênh hiện đang tranh chấp. Đó là những người bị chính chúng tôi tố cáo từ mấy năm nay. Các đảng viên chính trực trong xã như cụ Kình, như ông Vệ, ông Doãn… đã hưởng ứng Nghị quyết TƯ 4 của Đảng kêu gọi mạnh mẽ chống tham nhũng, mới đưa đơn tố họ ra. Lúc đó, động cơ chỉ là muốn xây dựng Đảng, loại bỏ những cá nhân vi phạm kỉ luật Đảng, vì vậy chúng tôi rất vô tư, không bỏ qua sai phạm của bất kể người nào, kể cả trong họ hàng… Nhưng sự thực thì, đơn từ đã lắm, tố suốt mấy năm mà chẳng có “ông trên” nào đoái hoài xem xét đến. Đùng một cái, xảy ra vụ đánh người, cướp đất ầm ỹ cả nước, nên bây giờ mới đem ra truy tố cái món đã thiu từ lâu ấy. Người ngoài không biết, chắc cứ tưởng họ xử trí công bằng đấy nhỉ? Tưởng họ làm như lời ông thủ tướng, rằng là “xử quan trước, xử dân sau” có phải không? Dân chúng tôi ở đây thì biết tỏng, đó chỉ là động tác giả thôi, lại thêm cái kết luận mới công bố hôm qua cứ như đấm vào mặt dân, thì lại càng thất vọng với mấy ông ý. Chả còn tin cái gì cả…”.

Ngừng giây lát, bác Nhạc nói tiếp, giọng chùng xuống: “Nói thật, trước nay dân Đồng Tâm hiền lành lắm, chỉ biết nghe một chiều, chả biết xem tin tức gì ở nơi nào khác, chả biết mạng mẽo là gì (Ngay trong gia đình cụ Kình, chỉ có người cháu dâu là biết sử dụng máy tính, biết vào mạng, nhưng trước kia cũng không biết về các trang liên quan chính trị, chính em). Chúng tôi cứ tưởng các vụ tham ô tham nhũng xảy ra ở huyện, xã này đã là to lắm. Nay mới biết, cái tham ô tư túi cỡ vài ngàn mét đất nông thôn, mấy trăm triệu với cả tỷ đồng chưa là gì đối với các “quan” của cả nước. “Việt theo” họ tính kế chiếm hàng mấy chục vạn mét vuông, lừa đảo, đánh đập, bắt người trắng trợn đến thế mà còn không hề bị xử lý nữa là. Đau vô cùng. Ngẫm lại thấy rùng mình, chắc là hôm đó họ định giết người diệt khẩu. Họ biết cụ Kình có mang cả một cặp tài liệu giấy tờ ghi rõ lịch sử đất đai ở Đồng Tâm, cụ lại thuộc đến nằm lòng những nội dung trong đó. Cho một tay phó trưởng công an huyện, với cú đánh có nghề, quyết liệt như thế, rồi nhét giẻ vào mồm, bắt đem đi, không cho chữa trị, như vậy không phải là quyết đoạt mạng người già trên 80 tuổi hay sao? Còn may, lúc đã bị đánh cú đau như thế mà cụ vẫn đủ tỉnh táo để vứt cái cặp ấy cho một người làng và kịp hô giữ lấy, và bản thân cụ thì đã tạm qua cơn nguy hiểm…

Nhưng… cũng lại nói thật, bây giờ tuy đã mất hết lòng tin vào những người có quyền thế ở những cấp cao như vậy, và thấy rằng, cứ thế này thì mất Đảng mất chế độ đến nơi, chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn lo ngại. Mất Đảng, mất chế độ thì sẽ ra sao? Tình hình có dẫn đến rối loạn không?”. Nghe đến câu hỏi này của bác Nhạc, tôi đành phải ra lời: Có thể tình hình sẽ không đáng lo như bác nghĩ, trên thế giới cũng đã có nhiều nước vốn có “đảng” toàn trị và “chế độ” như ở ta, nhưng khi xảy ra việc “mất đảng, mất chế độ” rồi, tình hình chỉ thấy tốt lên, không thấy rối loạn. Sau đây bác nên tìm đọc thông tin nhiều chiều, chắc sẽ tìm được câu trả lời chính xác, bác ạ.

Cũng qua sự bộc lộ chân tình của người cựu chiến binh làng Hoành ấy, mới biết, cuộc khủng hoảng Đồng Tâm là hoàn toàn không hề có một sự can thiệp nào từ bên ngoài, và cũng chẳng phải những người dân ở xã Đồng Tâm, cũng như ở làng Hoành đã không có cái gì là chủ động chuẩn bị, cũng không có tổ chức nào được lập sẵn để chống đối nhà cầm quyền. Sự việc diễn tiến theo một quy luật tự nhiên, bắt đầu từ nhu cầu đấu tranh dân sinh, nhu cầu tự vệ mà thôi… Vì vậy, trách nhiệm giải quyết khủng hoảng phải là của phía chính quyền. Tiếc thay, chính quyền không những đã chối bỏ trách nhiệm, mà còn có những động thái cố tình đổ thêm dầu vào lửa kiểu “Phủ bênh phủ, huyện bênh huyện” hoàn toàn đổ lỗi cho dân. (Nhưng xét cho cùng, với bản chất độc tài, độc đoán; với luật đất đai vô lý vô lối, nhà cầm quyền có muốn cũng không thể giải quyết dứt điểm sự việc một cách hợp tình hợp lý, vừa thuận lòng dân, lại vừa thuận lòng quan (Viettel) được). Cũng qua đây, chúng tôi hiểu, tại sao trong giai đoạn đầu, Đồng Tâm vẫn giương biểu ngữ: “Nhân dân Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng vào chính sách và đường lối của Đảng và Nhà nước”; họ cũng không muốn có sự tham gia của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào bên ngoài. Điều đó không có gì khó giải thích. Lúc đó Đồng Tâm vẫn cho rằng sự việc không quá phức tạp, không vượt quá thẩm quyền và khả năng giải quyết của chính quyền cấp thành phố ở Hà Nội. Cũng vì vậy, bà con Đồng Tâm đã thật lòng vui mừng đón ông chủ tịch thành phố về xã. Ở xa không biết, thì có người khen Đồng Tâm khôn ngoan, có chiến thuật, có sách lược nên mới lấy được bản cam kết lịch sử của chủ tịch Chung; có người lại bực bõ, trách Đồng Tâm là khoảnh, là ngu trung…

Trước khi tạm biệt làng Hoành và xã Đồng Tâm, chúng tôi được chị Đề và chị Hoan lấy xe máy đưa ra thăm thực địa. Tận mắt thấy cánh đồng Sênh đẹp như mơ, chúng tôi càng hiểu tại sao các quan Viettel cố muốn giành cho bằng được. Đồng Sênh bằng phẳng, dựa vào dãy núi chạy tới tận vùng Hương Sơn Mỹ Đức, lại có tỉnh lộ 429 cặp theo, nhìn bằng con mắt tâm linh phong thủy hay con mắt trần thế thực dụng thì đều thấy đẹp. Các chị nông dân chỉ cho chúng tôi cái bờ tường đang dở dang bao quanh cánh đồng kia là Viettel họ đã bỏ ra hàng mấy chục tỷ để xây, định sau này cấm không cho dân vượt qua, vừa rồi họ đã cấm dân đi con đường 429 này, nhưng dân chúng em cứ đi. Cấm dân mà lại không cấm người Trung Quốc mới vô lý chứ, mấy lần bắt gặp toán người Trung Quốc vào đây, họ bốc đất lên xoa trên tay rồi rê rê xuống xem. Hỏi thì người phiên dịch nói lảng rằng họ đang tìm đường đi Chùa Hương, rồi lủi. Xung quanh đây có mấy ổ Trung Quốc, hai bên cổng trường bắn ASEAN này, gần núi Đầu Rồng này, trong cánh đồng 47 ha còn có một trung tâm trồng nấm, thấy nói cũng là của Trung Quốc. Họ ở đấy khá lâu rồi, không thấy bán nấm ra ngoài bao giờ… Các chị còn cho biết, trong quả núi kia có một cái hang lớn lắm, ngày xưa bộ đội ta giấu máy bay MIG 17 trong đó; bộ đội cao xạ Trung Quốc ngày ấy cũng đã vào hoạt động ở vùng này, bây giờ chắc Trung Quốc cũng đang nhòm ngó gì nơi đây chứ không thể là bình thường. Có người đân trong làng còn nghi ngờ rằng Viettel muốn chiếm cánh đồng ấy để nhượng bán cho Trung Quốc. Một cái tin động trời như thế, ai dám tin? Nhưng có lẽ cũng không thể hoàn toàn bác bỏ. Ngẫm nghĩ thấy, Viettel từ khi kinh doanh dịch vụ viễn thông, đã chả nhập bao nhiêu máy móc thiết bị của TQ đấy thôi? Máy móc TQ bán giá cạnh tranh, kinh doanh ắt phải lãi nhiều, mà có thể phía nhà cung cấp kia họ còn ưu tiên ưu đãi vì các mục đích khác, chưa biết chừng. Đã lệ thuộc họ trong kinh doanh thì khó mà từ chối những gì họ muốn, biết đâu được… (phần này xin tham khảo thêm bài phân tích của nhà giáo Nguyễn Tiến Dân: “Trung cộng đang toan tính điều gì ở mảnh đất Đồng Tâm” – cũng trên trang Tiếng Dân này). Lại ngẫm, nếu trước đây, khi những người cầm quyền còn đủ dũng khí kình chống thế lực cực đoan bá quyền TQ, đồng hành với dân, thì những hiện tượng trên đã không thể bị bỏ qua. Chính quyền huyện, xã và cơ quan quân sự địa phương phải coi đó là vấn đề “nhạy cảm” để cảnh giác theo rõi, đề phòng. Đàng này, có ai ỏ ê gì đâu, bao nhiêu tinh lực họ còn tập trung vào việc đối phó với dân, trọng tâm công tác là biến đất của dân thành “đất quốc phòng”! Nỗi đau của người Đồng Tâm cũng là nỗi đau thắt lòng của người viết bài này. Không đau, không lo sao được khi cảm nhận bọn Tàu đã đang toan tính một mưu mô nào đó trên mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

Có thể nói: chính động thái đổ thêm dầu vào lửa của nhà cầm quyền như vừa qua mà ngọn lửa Đồng Tâm vẫn không bị dập tắt. Lửa đấu tranh ở Đồng Tâm vẫn còn ngún cháy. Người dân Đồng Tâm nay đã bắt đầu suy nghĩ khác, nhất là những người vẫn được nhân dân coi là “già làng trưởng bản”. Rồi đây, theo quy luật, cuộc đấu tranh của Đồng Tâm sẽ phải chuyển hóa từ dân sinh sang dân chủ; nhận thức và tâm hồn người Đông Tâm sẽ phải có bước “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo xu hướng mà đảng cầm quyền đang đang rất không mong muốn, đang cố sức ngăn chặn.

Nguyễn Nguyên Bình
20-7-2017.

Không có văn bản thay thế tự động nào.