Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 6)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 8: Cố hương

Con đường từ phố Đậu thành phố Thái Bình về làng Trà Vi. Sâm sẫm những ngọn cây, bao bọc lấy ngôi chùa cổ kính Trà Vi, nơi một thời đã giam lỏng vị trí thức yêu nước Lão thành cách mạng Nguyễn Hữu Đang.

Con đường cách đây 17 năm Nhà thơ Phùng Quán về thăm cụ Đang trong những ngày áp Tết. Để rồi: "Hai anh em ôm chặt lấy nhau giữa bậc cầu ao, và cả hai gương mặt già nua phút chốc đẫm lệ".

Tôi về lần này cốt để gặp cụ Nguyễn Kim Đoán, cũng là một Lão thành cách mạng, ở cái tuổi "thập thò cửa lỗ". Chẳng biết sống chết lúc nào? Cụ Đoán với ông Đang là con chú con bác, là người đón ông Đang từ nhà tù cấm cố Hà Giang về nuôi trong nhà hơn hai năm. Lúc đầu không có chế độ. Mãi sau được Ty Công an cho lĩnh mỗi tháng 20 đồng và cái sổ mua gạo mậu dịch 12kg một tháng. Về Trà Vi cũng do ngọn lửa từ nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thổi sang tôi trong buổi tiếp kiến chiều 26 tháng 4 năm 2007. Hôm đó, Thủ tướng đã nhắc tới nhà Lão thành cách mạng kỳ cựu Nguyễn Hữu Đang quê ở Thái Bình.

Nỗi lo trách nhiệm của người cầm bút cứ ám ảnh tôi về nhân vật lịch sử này. Không khác gì nỗi lo của Nhà thơ Phùng Quán đã nói với vợ: "Em bớt cho anh một phần lương hưu tháng này, lấy tiền tàu xe, ăn đường về Thái Bình thăm anh Đang! Vợ Phùng Quán bảo:"Nhưng Tết nhất tới nơi rồi, chờ ra Giêng anh đi có được không? "Anh bỗng thấy nóng ruột quá… Đợi ra Giêng e chậm mất. Anh Đang đã gần cái tuổi tám mươi, mà lại thân có một mình…". Tôi nghĩ : Thì ra cả hai chúng tôi đều thường trực nỗi khao khát được đối diện thân phận con người Nguyễn Hữu Đang.

Bà Bùi Thị Mùi vợ ông Đoán đã già, đi lại khó khăn vất vả, bà phải ngồi trên chiếc xe lăn, từ nhà ra ngõ, rồi từ ngõ về nhà. Chiếc xe lăn là thế giới thu nhỏ của bà từ lúc xảy ra tai nạn. Tuy đoạn đường rất ngắn, từ ngõ vào sân có hai khúc ngoặt, một ngày bà đi lại nhiều lần nên cũng quen. Đêm tối như thế nào bà cũng không sợ ngã. Hôm nay, bà lăn xe vừa ra tới chỗ khóm trúc đầu sân gặp tôi đi vào. Bà dừng lại, tay trái quờ vào cành trúc như muốn vịn lấy. Khi nghe tôi hỏi về chuyện cụ Đang, bà nghiêng đầu nói ngay:

-Tôi hơi nặng tai… Anh nói to lên!

Lần thứ hai, tôi cất giọng to hơn, nhấn mạnh từng âm tiết "Nguyễn Hữu Đang". Bà cười to: "Rõ rồi! Rõ rồi!” Tự nhiên tay bà đập cái quạt mo phành phạch xuống càng xe rồi hắt hơi tràn mấy tiếng. Bà nói như phân bua với mọi người: “Lỗ mỗ như già này còn có người hỏi đến. Hay thật ! Tôi không còn là người khổ hạnh nữa rồi, còn có người đến hỏi chuyện nhất là chuyện bác Đang tôi. Rồi bà kể: “Tôi mới là người đầu tiên đón bác Đang từ trụ sở ủy ban xã về" - Bà nói liền mạch: "Cách đây mấy chục năm, vào buổi tối khi tôi đang lấy thùng vục nước từ dưới ao lên bể, không biết là thùng thứ bao nhiêu, kiệt sức nên đành đánh bệt xuống. Mắt như muốn nhắm lại để thở. Bỗng có tiếng chân bước thậm thịch, cái bóng người lù lù đi từ ngõ vào. Gan lỳ như tôi, chẳng sợ ai cũng phải giật mình, hoảng hốt. Tôi rùng mình, chớp chớp mắt, nhìn kỹ thì ra ông Luyến Phó Chủ tịch xã. Tôi sợ thực sự! Nhà có việc gì đây mà "xã" tìm đến, hay con cháu lại có tội tình gì ở đâu giờ làm khổ ông bà? Thời ấy dân tình cứ nhìn thấy cán bộ là sợ. Mà lạ thật "không biết mình sợ cái gì nhỉ?" Bố ai biết được? Mỗi lần thấy cán bộ vào nhà là cứ thấy lo lo. Mà nhà nào cũng vậy, chẳng phải riêng tôi. Ông Luyến cất lời chào tôi. Tôi chào lại, rồi hai người đi vào sân. Tôi vào nhà trong vơ được chiếc chiếu gấp đôi lại trải ra hè mời ông "ủy ban" ngồi. Ông lão nhà tôi không biết chạy đâu? Bọn trẻ đi chơi cả, nên nỗi sợ hãi càng thấm sâu vào tôi. Nỗi lo trùm lên tất cả. Tôi ngồi như thu lại, như lấy lại lòng dũng cảm, bụng bảo dạ “Tôi cóc sợ, cóc tin vào các ông, nhà tôi đã hi sinh cho cách mạng nhiều rồi nhưng tôi phải nghĩ đến nát óc về cái đúng cái sai, cái thiện cái ác, cái nên làm cái không nên làm. Tôi nghe ông uỷ ban nói:

- Chắc bà chưa rõ hôm nay tôi đến đây để làm gì?

- Thưa vâng! - Tôi khẽ gật đầu rồi hơi liếc sang "ông xã" thấy ông như ông “quan lớn”, và nghĩ nhanh phải tìm cách bảo vệ mình.

Ông nói: - Tôi đến để thông báo với bà Nguyễn Hữu Đang được đưa về ta tiếp tục quản thúc giáo dục. Như thế là Đang được tha đúng thời hạn 15 năm tù giam chặt, trên cho về quê tiếp tục giam lỏng 15 năm nữa, để theo dõi giáo dục. Đó là chính sách khoan hồng của Đảng ta và cũng do Đang cải tạo tốt! - Ông Luyến giảng giải thêm: "Bà ạ! Đảng bắt Đang vì tội chống phá Đảng, tha người cũng do Đảng đại nhân đại nghĩa. Đảng ta là Đảng cầm quyền, anh minh không làm gì sai trái với ông Đang. Nhưng bây giờ biết giam giữ ở đâu? Thôi thì máu loãng còn hơn nước lã. Ông Đoán với ông Đang là con chú con bác, chẳng về đây thì biết đi đâu?

"Ông xã" nói như đóng róng cho nhà này rồi còn gì! Đầu óc tôi lúc ấy lù mù, người lạnh toát khi nghe ông Luyến nói nhỏ bên tai: "Trên phổ biến đây là tên chống Đảng cực kỳ nguy hiểm, cần quản lý cho chặt… Ông ta đi đâu một bước, làm một việc gì tốt xấu ra sao, ông bà phải báo với "ủy ban" ngay. Xã luôn luôn theo dõi hành động của Đang và cả ông bà nữa xem có thành thực hay không? Nghe như trên nói Đang đã đi qua nhà tù Hỏa Lò, buồng giam hắn rộng vài mét vuông, mỗi tí lỗ thông hơi sát tận trần nhà, có những con muỗi to bằng con ruồi bay lên bay xuống như máy bay phóng pháo lao vào khi có người đến ở. Rồi trại Tân Lập (Yên Bái), trại cấm cố Hà Giang. Các anh ấy kể bên trong cái nhà ấp vịt ấy là những sàn xi măng nóng, nhầy nhụa mồ hôi, nhớp nháp như con lợn trong chuồng đầy cứt đái. Khổ thế! Nhục thế! Mà hắn vẫn ngoan cố… Vẫn cứ sống.

Bà Mùi hai tay ấp vào lòng, hết nhìn trời sao, lại nhìn ông Luyến. Rồi bà cúi đầu đảo mắt nhìn điệu bộ "ông ủy ban" mà rối ruột, lo lắng nghĩ: "Gớm! Các ông các bà bây giờ hơi thí là "dọa". Nhưng lời nói ấy của ông như vốc do ném vào mặt bà, bay mù mịt chẳng biết đâu mà lần. Thân phận như bà đi họp xóm chỉ biết tìm chỗ vắng có bóng tối mà ngồi, ai hỏi gì chỉ lí nha lí nhí, bảo giơ tay thì giơ tay, bảo đả đảo thì đả đảo, hoan hô thì hoan hô chứ biết con mẹ gì. Bà ấp úng trả lời:

- Thưa ủy ban, "ủy ban" nói vậy, em biết vậy, chứ trước bảo bác Đang em làm việc với Cụ Hồ, chúng em cũng biết thế, có lên chỗ Cụ Hồ bao giờ đâu mà hỏi cho ra nhẽ. Giờ bảo bác Đang em chống Đảng, "mô tê" thế nào em chịu. Bây giờ "ủy ban" bảo đón về nuôi… người nhà mình sao nỡ từ chối…Nhưng nếu có bề gì vợ chồng em không chịu trách nhiệm đâu nhé.

Ông xã nói to: "Không được, người nhốt trong nhà bà, nó làm gì, nghĩ gì, sắp làm gì bà phải biết chứ! Thấy gì khang khác, bà phải báo ngay cho chúng tôi. Hiểu chửa!"

- Thế thì khổ cho nhà em quá, "ủy ban" ơi! Nhà em đang yên đang lành, giờ phải giữ một người tù, canh nó như canh trộm cả ngày, ai mà chịu được.

Ông xã như không nghe thấy câu đó. Lúc ra về, "ông ủy ban" còn ngó vào chuồng lợn và không quên nhắc:

- Nhà bà đã làm đủ nghĩa vụ lương thực và thực phẩm cho Nhà nước chưa mà trong chuồng còn con lợn to; chưa thấy đăng ký với ủy ban?

(Nếu ai tinh ý thấy từ cử chỉ, dáng điệu, đến giọng nói ấp úng của bà, tất cả đều diễn tả một điều bà Mùi rất hãi "ủy ban")

Theo kế hoạch, chiều hôm sau bà Mùi lên tận "ủy ban" đón bác Đang. Hôm ấy có cả hai anh cán bộ chấp pháp Ty Công an đưa ông Đang về nữa. Trời cuối năm lạnh, bác đi lủi thủi một mình, vai khoác cái bao tải rách, trông mặt mũi bác già đi xấu xí quá, vẻ mặt âu sầu, gầy đét và xanh. Hai mắt bác Đang như to ra, nằm trong cái hố sâu hoắm nom dài dại thế nào ấy. Râu tóc bờm xờm, nhăn nheo, dấu hiệu đau ốm những ngày tù tội chưa qua. Thân hình bác gầy guộc, cái rét cuối năm làm bác run cầm cập. Quần áo rách mướp, một manh như những mảnh vải vụn được ghép lại khoác lên người bác. Nhiều chỗ hở cả da thịt nhăn nheo, hoặc tím bầm như vừa có ngọn roi ai mới đánh bác. Mu bàn chân phải bác có mụn nhọt to bằng ngón tay út, đỏ hồng. Đầu mụn nhọt nung mủ trắng. Bác nhăn mặt ngồi xuống đầu hè, gặp ai bác cũng chào hỏi một cách cung kính lễ phép mặc dầu có người là ngành dưới, ít tuổi hơn bác. Bác nói năng dè dặt, thận trọng, có ai nhìn thẳng vào bác, bác vội cúi mặt xuống hoặc quay đi, như sợ người ta soi xét ý nghĩa của mình. Hàng tiếng sau mới thấy bác khẽ nhếch mép cười. Cái cười vội vã và khô héo.

Hôm bác Đang về đúng vào ngày giỗ cụ Tú. Mấy anh em trong họ còn ngồi lại nói là chờ anh Phạm Đình Thái (tên bí danh của ông Đang) về quê chịu thêm 15 năm quản thúc.

Bác lấy chai rượu dâu trong tay nải ra rót cho mỗi người lưng chén con: "Rượu này do bác chế ra đấy! Mỗi người nếm thử một tý". Còn lại lưng chai, bác nút chặt cất đi. Người đâu mà tằn tiện thế! Ông Đoán nhà tôi mau mắn nắm lấy tay bác Đang bảo:

- Bác về được nhà là quý lắm rồi. Đảng ta thật là "đại ân", "đại đức". Không có Đảng "sáng suốt" thì sao bác được về. Mà lần này bác có ở hẳn nhà hay lại đi? - Ông Đoán hơi cúi xuống hỏi nhỏ: - Bác được tha, hay được phóng thích do thời gian giam giữ cải tạo tốt?

Bà Mùi nheo mắt tiếp: Tôi nhớ bác Đang tôi cười, cái cười nhạt thếch như nước ốc ao bèo, liếc mắt nhìn hết mọi người nói:

- Không phải vì hết án mà về đâu các ông các bà ạ. Tôi về thuộc diện đại xá chính trị phạm ghi trong hiệp định Pari "Đại xá chính trị phạm". Cái trại tôi ở được giải tán cả trại, và tất cả những tù chính trị ở đó đều được về. Riêng tôi tuy về còn phải nhận cái "Tự do hạn chế", phân biệt đối xử như thế nào đó, nhưng về danh nghĩa thì được coi là đại xá.

(Sau này khi trả lời phỏng vấn đài RFI đêm 10/9/1995 đại để bác cũng nói thế). Cái rét làm bác co người lại. Ông Đoán chạy vào trong buồng rút cái áo dạ rách đưa cho bác, miệng nói: - Bác khoác thêm cái áo này cho đỡ rét. Lúc ấy bác Đang run run, cất giọng tiếp:

- Thực tình tôi chẳng muốn về quê phiền hà họ mạc dân làng. Vì trên không giam giữ tôi nữa, để ở Hà Nội rối rắm cho dư luận. Để tôi ở nhờ cơ quan nào đấy nhưng không đâu nhận. Để ở Sở Công an Hà Nội hay Bộ Công an cũng không tiện mà tôi thì lắm bạn bè, nhiều người quen biết…. Họ sợ tôi, nên nhà chức trách phải đưa về quê! Dấu tôi ở trong làng này mấy ai biết mà tìm tới, chỉ có họ mạc, dân làng nên việc quản lý tôi cũng thuận "Mỗi người dân là một Công an viên". Họ có đôi mắt “anh minh” thì tài thánh tôi đi đâu cũng không nổi. Tôi có động rạng gì, chỉ nháy mắt đã có người đi "tố cáo". Làng mạc như cánh rừng rậm đầy gai góc bao bọc lấy tôi, dù có nhanh như con chim cuốc, nhỏ như hạt bụi, với con mắt của quần chúng cũng không dấu mặt vào đâu được. Nhân đây tôi nhờ ông Đoán, và các ông bà trong họ xin phép ông "ủy ban" cho tôi sáng mai được ra thắp hương cho bố mẹ, ông bà, sau về từ đường họ Nguyễn… Hai nơi tôi đến đều làm điều nghĩa với tiên tổ, có cần ai giám sát theo sau hay để tôi có chút tự do đi một mình đến với các cụ được sống một phút thanh thản.

Bà Mùi nói ngay:

- Cái đó hơi khó đấy! Để báo "ông ủy ban" xem có đi được không? Biết đâu mà nói trước với bác.

Rồi tôi thấy bác lấy tay áo chùi nước mắt anh Nhà văn ạ. Bác uống hớp rượu dâu đỏ phần trong chén của mình, quay ra nói với vợ chồng tôi:

- Chỉ thương ông bà Đoán những ngày sắp tới phải sống chung với một thằng "chống Đảng" trong cái "Tổ Quỷ", gián điệp, hút xách, đĩ điếm, đủ tội mà họ đã gán cho tôi…

Nói rồi bác đứng dậy đi vào trong nhà thắp nén nhang đầu tiên khi về làng.

Ngoài sân bà Đoán đã cho vơ thêm vài chiếc chiếu rách trải ra cái sân chạt, lấy chỗ cho mọi người chạy lên thăm ông Đang. Có người vì sự thương cảm, có người đến dể thỏa cái chí tò mò của mình xem mặt người chống Đảng hầm hố ra sao. Hai bà đứng ở ngoài cổng cứ nói “chõ” mồm vào sân: “Xe đưa “hắn” về đậu ngay cửa Ủy ban xã. Người ta bỏ cả chợ chiều đi xem thằng tù về làng đứng chật cổng, trẻ con bu bám lên cửa sổ nhìn vào. Con mẹ hàng thịt bỏ cả phản thịt hí hẩng gọi nhau dòm dòm ngó ngó, lúc quay ra mất mẹ nửa cái sỏ lợn, bắt đền bắt vạ, rồi cãi vã nhau. Rõ là một lũ “dớ dấn”. Bà tóc xoăn quát lên vậy. Bà đội khăn mỏ quạ nói tiếp :”Kìa ! Bà xem từ trong Ủy ban đang đi ra là bà Đoán rồi đến “hắn”, một lô một lốc lũ cháu nội ngoại theo sau, kéo về đây, sau nữa là ông chủ tịch xã, rồi đến ông Luyến phó chủ tịch, ông trưởng công an xã, và nhiều nhà đương chức khác. Chắc lúc nãy ở phòng ông Luyến và các ông ủy ban đã “chần” cho “hắn” một mẻ ra trò để hết cái bệnh huyênh hoang khoác nào là “dân chủ - dân quyền” cái con mẹ gì của lão” Giờ con mẹ đội khăn lại kiễng chân lên chỉ :”Hắn” kia kìa, đầu tóc bơ phờ như thằng sắp chết lại còn lắm chuyện”

Ông Đang lững thững đi ra sân, có người nhìn ông tò mò, kẻ thì dửng dưng bình thản như chưa hề quen biết.

Ông Đoán đứng giữa sân giơ tay ra hiệu người mới đến với ông Đang.

-Đây là bà Mão, họ nội nhà bác – đây là bác Nguyễn Hữu Phả - đây là bà Cận họ xa họ gần nhà ta cả đấy. Bác có nhớ không ? Một ông già ngồi gần chỗ ông Đang nói như quát.

-Khí không phải ông về chơi với làng, nước có lâu không? Các ông gớm thật bỏ làng đi hoạt động cách mạng, hết đánh Tây lại đánh Nhật, xa làng bỏ cửa nhà, bỏ anh em rồi dành được độc lập, chiến thắng Điện Biên, thằng Pháp cút, thằng Mỹ thua, rồi nước nhà thống nhất các cụ mới mò về thăm thú lũ chúng tôi, cánh già làng mu mơ, sứt sẹo, điếc lác, các cụ có thương chúng tôi không? Đúng là gan Cộng sản! Gan cóc tía. Chả như tôi không xa bà lão được một đêm vì lúc ngủ cứ gối đầu lên tay bà lão mới yên tâm thì làm sao làm được cách mạng.

-Rồi ông điếc quát lên;

-Ông Đoán đâu! Không mang rượu ra đây cho mỗi thằng một chén mừng quan trên về làng. Tôi có sẵn túi sung xanh vặt ở nhà sang góp cho ông đãi khách. Nói rồi ông ta đổ tóa loa cái túi sung xanh ra chiếu. Mấy đứa trẻ nhanh tay vồ đút vội vào mồm nhai dau dáu, ông điếc “xỉ mũi” rồi lờm bọn trẻ.

Ông Đang cúi chào ông Phả, nắm tay ông Phả hỏi to: Ông được mấy con? Một đứa trẻ trọc đầu hếch mắt nhìn ông Đang nói trống không : “Bọ” ấy được bốn đứa. Nhiều quá! Lão đẻ như vịt vỡ cả kế hoạch nhà nước. Ông Phả dơ tay dọa nó, nó chạy ra cuối sân dẩu mõm cãi lại “Không đúng à? Đẻ sòn sòn như vịt, phạm chính sách của Đảng đấy!”

Một anh cao lớn, mặc quần áo bộ đội, đi giầy xắng đá từ ngõ cuốc vào, áo lông Đức choàng ngoài, không cài cúc, cười nói oang oang. Ông Đoán bảo:

-Anh này về đằng ngoại cụ Tổng, mới đi lao động ở Đức về giàu lắm. Bác có nhớ không? Ông Đang lắc đầu.

Một thằng tóc dài, hai tay đút túi quần, lưng tựa vào cột cổng nhà ông Đoán, vẻ rất khệnh khạng miệng huýt sáo. Ông Đoán nói với ông Đang:

-Thằng này con bà dì, ở cuối làng, tôi cũng không nhớ tên nó nữa, không phi nội, cũng tắc ngoại, người nhà cả.

Ông Đang lơ láo, đưa mắt nhìn khắp mọi người, ngoài mấy gương mặt cùng tuổi hoặc trên dưới một ít, đều méo mó già cả, còn lại toàn người xa lạ. Ông Đang nói cùng họ mạc xa gần, cùng nơi “chôn rau, cắt rốn”. Sau mấy chục năm trở về quê thành người xa lạ. Mấy chục năm đi hoạt động cách mạng, sa đâu ấm đấy, chỉ lo công việc, chả chí thiết gắn bó nơi đâu, nơi nào cũng nhờ nhờ, tạm tạm. Giờ về quê với con cháu bỗng dưng trở thành người xa lạ, về làng mà như phá vỡ sự yên tĩnh của làng, mang thêm khó khăn đổ vào họ mạc, vào nhà chú Đoán. Làng quê biết bao lo toan, mưu tính, buồn vui, họ lo từng bơ cám, mớ rau bỗng dưng phải chứa chấp một ông già tù tội, không tiền bạc, thóc gạo mang theo, rồi phải lo ăn, lo ở, lo lúc ốm lúc đau cho ông ấy. Có khi lại chết ở đâu thì phiền hà cho cả họ.

Ông già điếc lại quát to vào tai ông Đang: -Đồng chí có công từ thời lập Đảng, chắc lương bổng hơn tôi. Tôi sau khi đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên bị bom vùi mấy lần giờ điếc hẳn, nay tôi xung phong vào đội quân trồng cây của các cụ, may ra sống thêm năm nữa là chết thôi.Vài năm nữa tôi sống thêm với khu xóm, con cháu tôi, tôi “chối kệ” việc đời, chả giục dặn chúng nó làm gì nữa, con cháu sinh ghét, cũng chẳng vành cạnh với làng xóm. Rồi ông thở như người kéo bễ nói: -Sắp chết rồi, sắp chết cả rồi, ông Điếc quay lại quát vào tai ông Đang lần nữa.

-Anh phải gọi tôi là anh, tôi hơn anh hai giáp, lại ở chi trên nữa đấy. Tôi chán đời là vì chả ai hiểu tôi, ông chính phủ, ông ủy ban xã cũng chẳng ai hiểu tôi. Hôm nọ đi trồng cây với các cụ về, điếc không nghe thấy tiếng chuông, gặp thằng thanh niên chở gạch, tay ngai nó thúc vào nạng sườn tôi, tôi ngã quay ra đường, nó chẳng quay lại đỡ tôi dậy, nó quay lại nhe răng cười trắng ởn, rồi cắm cổ đạp xe đi. Tôi bò được vào ủy ban thưa mấy ông, cái anh tự vệ lại quát tôi “Ai bảo điếc lác lại đâm ra đường. Chết là phải” Tôi bấm bụng kêu đau đi về, nằm cả tháng. Pháp luật đấy! Tình làng xóm đấy! Anh ở trung ương về thì hiểu gì về quê hương? Giờ tôi mới biết mình già rồi, tuổi già vô tác dụng, suốt ngày chỉ thế nhức mỏi, mệt mã, ăn rồi bảo chưa, nói cứ như nói đùa. Thôi thì mặc mẹ nó! Cái sống, cái chết, cái thăng trầm, luân lạc, ở đời mấy ai tránh khỏi? Nó là thứ trò chơi con nít cả. Ông điếc gập đầu chào mọi người, đấm lưng, chống gậy ra về.

Ông Đoán lúc này mới quát thật to vào tai ông điếc: “Không ở lại uống rượu sung xanh cùng ông Đang à?” Ông điếc xua tay lắc đầu, lững thững đi ra ngõ. Tiếng gậy chọc xuống nền chạt kêu công cốc. Bà Mão bảo: Công ông điếc ở Điện Biên về cũng chỉ là “công cốc”.

Ông Đang ở nhà tôi được mấy tháng, cứ nhấp nhổm đòi đi nơi khác, vì lo nhà tôi quá nghèo không lấy gì nuôi thêm được một miệng ăn nữa. Mãi sau tôi lên Công an tỉnh Thái Bình hỏi: "Các ông gửi người ở nhà tôi, gia đình lấy gì nuôi ông ấy?". Tôi bỗ bã nói như thế. Ông cán bộ trả lời: “Mỗi bữa bà ném thêm một bát khoai bi vào nồi hay ghế thêm ít sắn khô là được. Ăn thế, hắn cũng sướng hơn hơn ăn cơm tù rồi. Tôi cãi ông nói vậy đâu được. Nuôi người như nuôi lợn, sống thế quái nào được phải tội chết. Nói xong tôi lại lo sợ anh cán bộ để ý tôi thì khổ. Sau bác được cấp mỗi tháng hai mươi nghìn, sổ mua gạo mậu dịch tháng mười hai cân. Tuy cấp trên cho thế, nhưng họ đâu có sòng phẳng, nhiều tháng không thấy tiền trợ cấp tôi cùng cháu Rậu đèo nhau lên Công an tỉnh hỏi và dọa: "Không có tiền gạo thì tôi trả người cho các ông đấy". Bác Đang ở nhà tôi được hơn hai năm. Một hôm bác bàn với ông Đoán tìm cách đuổi bác đi. Ông nhà tôi bảo: "Ai nỡ nào lại thế? Còn lấy cớ gì đi khỏi nhà tôi là tùy ở anh bàn với ủy ban chứ". Thấy bác Đang không thể ở được với gia đình, ông “ủy ban” đưa bác xuống ở trông nom trại nuôi lợn để xã có cớ cho thêm mỗi tháng vài cân thóc và nắm rơm khô.

Thời kỳ này ông Đang dốc sức dịch lại cuốn "Cương lĩnh Đảng Cộng sản Liên Xô" mà ông kêu người ta dịch sai nhiều quá. Như ông đồ già, lưng ông khòng khòng, ngồi trên chiếc ghế gỗ xộc xệch tự tay đóng lại mấy lần. Chồng bản thảo của ông là những tờ giấy kiểm tra của học sinh trường cấp II Vũ Công sau khi được thày cô chữa bài đều được ông Đang mua lại hoặc đổi kẹo cho các cháu. Gặp được thày cô quan tâm đến ông họ biếu cả tập. Ông ngồi rọc vuông từng tờ, cắt xén cẩn thận rồi lấy dùi xiên gáy, xe dây đay làm chỉ đóng theo kiểu các cụ đóng sách giấy bản thời cổ.

Cầm xấp giấy học trò nhòe nhoẹt mực, ông Đang không khỏi nhớ lại cái thời đi tham gia truyền bá Quốc ngữ, ai còn, ai mất? Nhớ ông Hoàng Xuân Hãn hiện đang ở nước ngoài. Ông là người có công soạn thảo học quốc ngữ theo lối văn vần: " O tròn như quả trứng gà, ô thời có mũ, ơ đà có râu" làm cho dân mình đọc lên dễ thuộc, dễ nhớ, khó quên. Đó chính là lòng yêu nước của giới trí thức.

Ông Đang ngồi nhớ lại mà lòng vui, tâm hồn ông như được đẩy cao lên sự phấn khởi quên đói, quên rét. Tối đến ông ra ngõ nghe người ta í ới gọi nhau đi họp Chi bộ. Họ hỏi nhau: " Đồng chí đã ăn cơm chưa?" Nghĩ đến miếng cơm nóng, ông thật sự thấy thèm. Các đồng chí đi họp thì cuốc bộ, lội bùn với nhau cứ bước phăm phăm, chả anh nào kêu khổ. Những anh "đồng chí" ấy nếu có ai cầm cổ tay hỏi " xã hội chủ nghĩa là gì" thì mù tịt, chả anh nào dám trả lời " là cơm no áo ấm" vì lúc ấy đang đói bỏ mẹ. Những "đồng chí" nông dân đặc sệt, đã nêu cao "lập trường tư tưởng" của mình đi theo Đảng đến cùng. Rồi vô tình trở thành những phần tử lạc hậu bảo thủ, dựa vào tổ chức Đảng ngăn cản ý kiến dân chủ của nhân dân. Sau này chắc chắn họ trở thành những ông cán bộ xã, huyện, tỉnh, phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hóa mà cuối đời ông đã gặp họ ở quê.

Tối hôm ấy ông Đang đang ngồi đọc sách, thấy bóng người nhẩy qua cửa sổ vào nhà "rịch" một tiếng, nhanh như hổ vồ, cầm đèn pin rọi vào chỗ ông, mặt bàn cuốn lịch sử Đảng Cộng Sản Liên Xô đang dịch sang tiếng Việt.

"Vị khách bất đắc dĩ" cất giọng dọa nạt hỏi:

- Mày đang viết tài liệu gì? Ngựa quen đường cũ phải không? - Rồi cậu ta dơ cái đèn pin dứ dứ vào mặt ông vẻ khiêu khích.

Ông Đang nhẹ nhàng:

- Tôi dịch lịch sử Đảng Liên Xô, có phải tài liệu gì đâu?

Anh ta lại chỉ vào tấm ảnh Các Mác hỏi:

- Thằng nào như thằng Mỹ thế này?

- Ông Mác, người tìm ra Chủ nghĩa Cộng sản các ông đang đi theo đấy!

Anh ta ngớ ra chẳng hiểu "mác mẽo" gì hết, cuộn cho luôn vào túi và bảo:

- Mai lên gặp "ủy ban" đấy! Nghe chưa?

Thấy vị khách không mời đến "tịch thu tang vật", ông Đang thở dài đi ra ngõ chuồng trại, nghe tiếng người hỏi nhau: "Có vớ được tài liệu gì không?" "Chỉ tóm được cuốn sách tiếng tây, và cái ảnh tên mũi lõ". Có tiếng cười ré lên: "Thế thì đích thực tên chống Đảng rồi còn gì! Sau tốp người ấy lại hỏi nhau:

- Hôm qua mày mua được can dầu của thằng lái máy cày à? Mày vớ bở rồi! Dầu ma dút giờ đem ra ngã ba Vũ Công bán một lãi gấp ba. Mà đ…. mẹ cái thằng lái máy cày, nó bảo nó là công nhân Xí nghiệp máy kéo, giai cấp nó mới là lãnh đạo cách mạng. Lãnh đạo con mẹ gì chúng nó, cày lỏi bừa dối để có dầu đem bán. Trước kia nó chưa biết ăn cắp dầu thì xã cứ bắt bọn tao mang gà, mang rượu ra cho ăn cho uống. Vì thế trẻ con mới hát "Trâu đen ăn cỏ/ Trâu đỏ ăn gà". Còn thằng công nhân Điện lực, Tết đến xuống HTX vác lợn về, ông "ủy ban" không cho, ông Chủ nhiệm không ký thì ba ngày Tết tối mò cả làng cả xã. Không có lợn, nó không cho điện, "cúp" luôn. Bọn nó tuyên bố với xã:

- Có "ki lô oét"' mới có "ki lô oát" (KW).

- Oét là lợn, “oát” là điện đấy con giời ạ. Trẻ con làng này còn có câu hóm hỉnh nữa "Có cầu "thớt" mới có cầu "dao"! Cầu dao công tơ điện mày có biết không? - Rồi cả bọn cười hơ hớ đọc to câu đồng dao:

"Muốn cho điện sáng vào nhà

Ruột lợn ruột gà phải nối đến nơi".

Bọn nó lại cười hơ hớ, bước phăm phăm trên đường lội và cất tiếng "Chào đồng chí, chào đồng chí nhé".

Ông lững thững đi vào nhà, chui trong cái màn rách mắc trên tấm phản không có chiếu trải, khẽ khàng nằm xuống nghĩ ngợi!

Ông rất lo xa người ta hiểu một cách sơ lược "Lãnh đạo theo đường lối quần chúng", nghĩa là ngồi bên trên để "tìm hiểu quần chúng" luôn tự đặt mình trên nhân dân. Mà họ quên mất chủ nghĩa Mác đã dạy họ: "Người lãnh đạo không có quyền đặt mình trên nhân dân". Còn Cụ Hồ lại dạy: "Cán bộ là đầy tớ của dân".

Rồi một đêm BBC đưa tin:

"Nguyễn Hữu Đang một vị Lão thành cách mạng kì cựu ở Thái Bình sau khi ở tù ra, lại tiếp tục giam lỏng ở quê mới bị đày ra coi trại nuôi lợn tập thể".

Thật là cái tin quái ác, chẳng hay hớn gì cho ông Đang, và cũng chẳng vui gì cho làng xóm. Ông ra nằm ở cái xó chuồng lợn quả là đúng rồi. Nó nói có sai đâu? Nhưng cái thằng BBC không thấy cái tình của người làng muốn bác ra đó để có thêm thu nhập khi hạt thóc rụng, nắm rơm khô, hoặc cuối năm chí ít cũng được bát nước xuýt, vài lạng mỡ chài của HTX lúc mổ lợn chia cho xã viên…

Nước ấy, ông "ủy ban" chỉ có đưa ông về ở với thày cô giáo trường cấp II là ổn. Vừa hòa vào cuộc sống tập thể, bác ấy đỡ cô đơn, lúc ốm đau còn có người trông nom. Nói đi nói lại, nếu để ngoài chuồng trại, chẳng may trái gió trở trời ông lăn quay ra, đêm hôm biết gọi ai?

Ông Đoán lấy chiếc chìa khóa mở tủ, cái dây buộc chặt vào khuy áo hơi ngắn khiến khi tra chìa vào ổ, cụ phải cúi sát người xuống tay run run, giọng lập cập, mãi mới mở được. Cụ lôi ra tập ảnh, trong đó có ảnh cụ Nguyễn Hữu Phiếm chụp với ông Đang. Cụ chỉ vào ông Phiếm nói: "Cụ Nguyễn Hữu Phiếm (tức ông Dương), người trong họ, được ông Nguyễn Danh Đới, Xứ ủy Bắc Kỳ giác ngộ cách mạng. Cụ Đới cũng là người giác ngộ cho Nguyễn Hữu Rung (Ruông) và Nguyễn Hữu Đang. Cụ Phiếm đã đưa các ông đi tham gia phong trào cách mạng, sau này trở thànhThống đốc Ngân hàng đầu tiên của Việt Nam. Cũng như cụ Phiếm, ngay từ nhỏ ông Đang rất hiếu học, sau này trở thành người có tài. Ông thuộc dòng thứ 10 trong gia tộc, do cụ Tổng Huyên sinh ra. (Trang 37 gia phả họ Nguyễn)

Ngoài sự hiếu học, ông thường thích bơi lội, đá bóng, mắt ông rất sáng, tai hơi điếc. Người khỏe, là cầu thủ bóng đá của thị xã Thái Bình thời 1935 - 1936. Với hai biệt danh "Bôi đen" và "Tí Bồ". Nhiều khi về nhà, ông nằm ngửa ở sân tập đá bóng "móc" gọi là móc Sài Gòn.

Gia đình nông dân hiếu học, có chút chữ nghĩa, khi đi theo cách mạng giúp được Chính phủ nhiều việc, thế mà người ta kết luận: "Bọn phản động Nguyễn Hữu Đang - Trần Dần - Lê Đạt. Một đặc điểm chung hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động" Điều này thì tôi phải cãi giúp nhân dân Trà Vi thôi! Cụ Đoán nói thêm: "Ai bảo bác Đang tôi lội ngược dòng đều không đúng, bác lội xuôi dòng đấy! - Cụ Đoán quả quyết: Đấy là con người đúng đắn.

Ông Đang ngấm sự chua xót trong lòng, không nói gì hơn, chỉ thương cho số phận một con người; trong đó cái "bi thương" có khi không may lại rơi vào một người như cụ Đang. Nhưng cái "hùng" của con người đó lại thuộc về dân tộc, mà cuộc cách mạng thời nào chả có những người oan khuất.

Bà Bùi Thị Mùi lăn xe ra ngõ tiễn tôi, kể cho tôi nghe câu ông Đang thường dặn: "Tôi ăn cơm với chú thím, thím bớt ra ra cho tôi mỗi ngày một nắm gạo để làm vốn". Bà cười "khinh khích" - Người đâu mà lạ thật. Sẻn so quá lắm.

Bà Mùi nắm tay tôi cười hằng hặc mà rằng: “Con đường đá lổn nhổn từ ngã ba rẽ xuống xã Quang Bình là lối vào nhà thờ Trà Vi. Đến trường cấp II xã Vũ Công có đoạn đường từ ngoài vào bờ ao cá Bác Hồ có mấy cây sung già sà xuống mặt nước, tự nhiên mọc lên mấy cái mái che vểnh bằng áo cót, hay bằng áo mưa xanh đỏ của mấy bà già ngồi bán quả khế chua, mấy nải chuối, ít tép vụn, mấy củ hành, củ riềng họa hoằn người ta thấy trên cái mẹt rách còn xếp từng bó rau muống ao non ngọn. Gần đây có cả hàng bán thịt chó sống. Những chú chó cỏ thui vàng, bị cắt cổ máu vẫn rỉ xuống đất nhe răng nhìn lên trời xanh như muốn thả tiếng sủa vào nỗi oán hận con người….”

Có lần bà Mùi đã chứng kiến cảnh ông Đang đứng dưới mái quán xiêu vẹo nói với bà lão: - Xin gửi trả bà mấy đồng hôm trước tôi mua chịu cá mắm. Tôi vừa lĩnh được hai chục nghìn tiền nhà nước cho một tháng, trả bà ba đồng, còn đúng mười bảy đồng chẵn. - Ông nói như vẻ sợ hãi cuộc sống của mình cả tháng sắp tới sẽ thế nào đây?

- Thì cụ cứ giữ lại mà tiêu, đây là tiền cho mượn chứ có biếu cụ đâu mà lo toan bứt rứt.

Già Đang ngước lên, trán lấm tấm những giọt mồ hôi. Như có điều gì thôi thúc trong người già mà không nói ra được. Đây là một cử chỉ, một sự từ chối của bà lão đã mấy lần khi ông đòi trả nợ.

- Tôi cám ơn bà, xin bà hãy bằng lòng cầm lấy.

Bà lão bán quán nhìn ông bằng con mắt ấm áp dịu dàng, tưởng như bà sắp nói ra điều gì, sau đó bà cúi người rất thấp ấn lại đồng bạc quăn mép vào tay ông.

Bà quay ra phía bờ ao, nhìn qua mặt nước chiều đông. Bà đứng không nhúc nhích. Từ phía sau, nhìn thấy lưng bà như rung lên. Rồi bà quay phắt trở lại, bằng cử chỉ nhanh nhẹn, mạnh mẽ nhìn ông già Đang nói với giọng gần như bực bội:

- Tôi hoàn toàn muốn giúp cụ một cách thành thật, mà cụ làm tôi phải nghĩ ngợi. Hay là cụ từ chối không cho tôi làm việc tốt, hoặc là cụ không muốn biết đến cái tình của làng xóm. Lúc ấy bà lão nhìn ra mặt ao lá vàng như đổ xuống. Bà lẩm bẩm “Chiều rồi, già cả rồi. Thôi cụ về đi!”.

Già Đang chia tay bà. Bà lão nhìn ông đâu bằng con mắt "dò xét". Ông Đang muốn mãi mãi ở lại với cái làng quê yên lành Trà Vi, muốn làm điều gì thật ý nghĩa để lại trên cõi đời này… Tự nhiên ông nhảy phắt lên xe cắm cổ đạp về trại lợn…

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)