Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (333): Nhã Ca (24)

Giải khăn sô cho Huế

Chương 9

Con chó giữa dòng

Chỉ một đêm ngủ dậy, sáng ra, đường sá bỗng náo nhiệt hẳn. Lính từ dưới Phú Bài theo quốc lộ 1 lên nhiều lắm. Họ đi bộ và vẫn cứ đi dọc từng người, đeo ba lô. Họ vừa đi vừa nhìn xung quanh, hai bên đường, và mỉm cười chào những người đang đứng nhìn theo họ. Không biết dự trữ từ bao giờ mà một bà già đã bày một rổ giá đựng thuốc lá ra bán ở góc nghẹo Ðường Nay. Vài anh lính dừng lại:

"Mẹ bán cho con một gói Ru by đi mẹ."

"Các anh muốn gói mô cứ lấy. Tui có biết Ru by là thuốc chi mô."

Một giọng hỏi:

"Vậy thuốc đâu mà mẹ bán vậy mẹ?"

"Há? Thuốc mô há? Thì tui tản cư về đây, tui thấy người ta bỏ lại có cái giá bán thuốc ni dưới gầm giường. Thấy mấy anh đi qua, tui bày ra bán kiếm ăn."

"Mẹ lấy bao nhiêu?"

"Biết chi mô. Mấy cũng được."

Người lính móc ví lấy ra tờ giấy hai trăm đưa hết cho bà già. Bà ta ngẩn ngơ:

"Nhiều ri! Mấy chục mà."

"Mẹ cầm hết mà tiêu."

"Khôn, khôn. Mấy anh đi đánh giặc, cầm lấy mà mua thức ăn. Tui biếu không đó..."

Vài người dừng lại, họ vất ra một trăm, hai trăm lấy thuốc. Chỉ một lát, thuốc lá hết sạch. Bà già cầm một nắm tiền toàn giấy trăm chạy theo mấy anh lính:

"Mấy anh ui, tui không lấy tiền. Cho chi mà diều ri nì..."

Mấy cái đầu quay lại, cười:

"Mẹ giữ mà mua thức ăn. Tụi con biết sống chết ra sao."

"Ði tới đầu đạn mà mẹ."

"Chúc mẹ may mắn..."

Ðoàn đi trước đã bỏ bà già quá xa, đoàn lính sau tiếp tục đi đến, thấy một bà già vừa chạy vừa kêu, không hiểu chuyện gì. Họ lại móc trong ba lô ra những đồ hộp nhỏ, liệng tới chân bà già:

"Bà đói hả? Ðây, cầm lấy mà ăn."

"Bà còn con cái chi không?"

Nhiều tiếng thăm hỏi. Nhiều hộp nhỏ rơi tới chân bà. Bà chưa kịp nhặt thì có mấy đứa trẻ con ở đâu chạy ra nhặt hết. Mấy anh lính nạt đùa:

"Ê nhường cho người già cả với tụi bây."

Bọn trẻ ù té chạy. Mấy cái hộp được trao tận tay bà già. Vài anh ân cần:

"Thôi bà trở về nhà đi, đừng chạy theo mà nguy hiểm lắm."

Ðoàn lính lại tiếp tục đi. Thái và tôi đứng ngóng xem có đoàn người nào tản cư về không. Nhưng chắc thấy lính Mỹ lên nhiều quá, họ không dám đi nữa. Má tôi rối rít giục làm hầm, bà quên là chúng tôi chưa có một bao cát nào. Ðoàn lính đi tới gần trưa mới hết. Chúng tôi yên tâm dọn ra bàn ăn. Lâu lắm mới có một bữa ăn đàng hoàng như thế. Dưới mợ Giáo vẫn tiếp tế thức ăn lên đều đều. Hôm nay chúng tôi có món thịt kho với đu đủ sống. Dì Vạn hà tiện thức ăn, kho thiệt mặn, nhưng chúng tôi ăn vẫn thấy ngon như thường. Má tôi hỏi thăm ở trên Từ Ðàm ăn uống ra sao thì Hà nói nhờ có ông Minh nên ăn uống sướng lắm. Ôn đi về là có thịt có rau. Nhưng mấy hôm nay đánh nhau quá, ông bận đi tải thương, nhà lại hết thức ăn, mấy đứa nhỏ đã bắt đầu khóc.

Ăn cơm xong, Thái đi bộ xuống tận Mù U, nghe nói dưới này có họp chợ. Nhưng chỉ mới tới Trường Bia thì đã bị lính đuổi lên.

Ông Minh giữ đúng lời hứa, ông về lại thật. Ăn cơm xong, chúng tôi sửa soạn nghỉ trưa thì ông dắt xe đạp vào sân. Cả nhà ùa ra đón ông vào nhà:

"Sao ôn, tụi trên nớ răng?"

"Yên hết, không răng hết. Thầy Lễ nghe tìm được ra bác với cả nhà, thầy mừng lắm."

Hà lăng xăng:

"Con lên với ôn. Ðường ra răng ôn?"

"Thì vẫn đi ngả núi. Bắn nhau quá chừng. Tao phải cột hai vạt áo lên vác xe mà chạy."

Hà có vẻ hứng khởi:

"Con đi với. Con sửa soạn đi với ôn nghe má."

Má tôi lo lắng:

"Liệu đi được không con?"

"Ðược, được mà."

"Rứa răng Lễ nó chưa về?"

"Ði được là người tay không chân rời, chớ nó vợ con đùm đề, lại con Hy bị thương mần răng mà đi."

Rồi ông nói tiếp:

"Hà sửa soạn đi. Vân rót cho ôn chút nước."

Dì Vạn hỏi:

"Ôn có đem gạo theo phát không?"

"Có chớ. Có cái túi đó."

Hà đã sửa soạn xong, nó dắt xe đạp ra rồi cùng với ôn Minh đi lên Từ Ðàm. Má tôi lấy một ít thức ăn bắt Hà đem lên trên đó. Hà nói tối về thế nào cũng có bao cát. Vậy là Thái với tôi kiếm chỗ đào hầm. Chúng tôi định đào ngay trước sân. Thái bắt đầu công việc. Chúng tôi phá cái hầm cũ làm thành cái hầm mới khác.

Buổi chiều hôm đó, Hà về một mình, không có ông Minh, nó cũng không đem theo xe đạp. Ði theo nó có hai người sinh viên, mặt mày xanh xao, tóc tai rối bù như người sống từ một nơi thiếu ánh sáng mặt trời đã lâu. Hà nói:

"Ðây là mấy anh sinh viên, anh Chữ với anh Hát."

Má tôi hỏi:

"Làm răng mấy anh đi được mà Lễ chưa chịu đi."

Hà kể:

"Trốn đi đó chơ má. Họ canh dữ lắm. Anh Lễ đi thì họ biết liền. Con phải giả vờ đi vô đi ra cả chục lần, rồi mới đem mấy anh đi được."

Thái hỏi:

"Rứa họ không thấy hay răng?"

"Có, có cái tên gác trước cửa trông thấy. Tao sợ bất chết, sợ nó bắn. Nhưng thấy nó không nói chi cả. Nó nhìn theo."

Thái đùa:

"Chị có nháy mắt với hắn không?"

"Khỉ, sợ bất chết còn chọc. Mà tên đó còn trẻ, hắn tử tế lắm."

"Hắn có khi mô nói chuyện với chị không?"

"Không, ít lắm."

"Nó nhìn chị không?"

"Khỉ."

"Rứa là nó mê chị rồi."

Hai sinh viên gượng cười. Má tôi mời:

"Mời vô trong nhà, đừng đứng ngoài ni mà họ dòm ngó."

Hà đi dẫn đầu:

"Vô đi, vô nhà nghỉ đi."

Hai người sinh viên khệ nệ ôm mỗi người một bao cát to tướng. Gần năm trăm cái bao. Làm hầm đủ rồi. Hà nói. Má tôi hỏi sao ông Minh không đưa xuống. Hà nói ông bận đi tải thương. Mỹ tới cầu Bến Ngự rồi, nhờ Mỹ tới cầu nên quân giải phóng rút bớt lên ngả núi mà nhiều người mới chạy thoát được. Hà cho biết trên Từ Ðàm, đại bác câu như mưa, càng ngày càng dữ dội.

Ngay chiều hôm đó, cả nhà hiệp lực đào hầm lại. Mãi tới ngày hôm sau hầm mới dựng xong. Cái hầm cũ ở trong nhà vẫn còn giữ lại vì nhà quá đông. Chúng tôi đã mua được ít thức ăn, và mỗi lần ông Minh xuống chúng tôi lại gửi lên được một ít tiếp tế cho trên gia đình anh chị.

Cách ngày sau, một gia đình ở Từ Ðàm bạo gan đi ngả Tây Thiên, trốn về được An Cựu. Nhà này gánh gồng theo được nhiều thứ lắm, vì hai vợ chồng ông ta là chủ một quán tạp hóa. Ngang nhà tôi, họ tràn vào và xin ở tạm. Má tôi bằng lòng ngay. Họ chiếm ngay căn nhà bếp, lật đật giở hết cửa ra làm hầm. Ông chủ nhà này còn đem theo được cả xe gắn máy, cả dầu hôi, ông có đứa con gái bằng tuổi Hà. Vậy là hai cô nhỏ bàn nhau tìm cách trở lên Từ Ðàm, liên lạc với những người còn kẹt lại để trốn về An Cựu.

Ba bốn lần đi về không, mới có một lần đi lọt được. Anh Lễ tôi nhắn về là thế nào cũng thoát xuống An Cựu, nhưng đợi cho quân giải phóng rút bớt đã, sợ họ để ý.

Má tôi sốt ruột nhất, suốt ngày ngồi đứng không yên. Bà đi ra đi vào hỏi thăm những người từ phía Bến Ngự, Từ Ðàm tản cư về. Ông Minh bị cắt đứt liên lạc trong mấy hôm. Ðường núi đại bác câu nhiều quá, Hà và cô gái nhỏ tên Nga không dám mạo hiểm nữa. Nhưng vài ngày sau, ông Minh trở lại, ông vất chiếc xe đạp gẫy ghi đông ra giữa sân, rồi vừa thở vừa đi vào nhà. Má tôi hỏi ngay:

"Răng, trên đó ra răng rứa ôn?"

"Nguy lắm. Họ dàn quân, sắp đánh nhau rồi. Ðại bác bắn như mưa, chừng vài bữa nữa là nát hết."

"Trời ơi, rứa vợ con thằng Lễ ra răng hả trời."

Ông Minh thở dài:

"Tui cũng đương lo. Dù răng cũng phải cứu gia đình nó."

"Rứa ôn đi ngả mô về?"

"Ði dọc mé sông, đạn bắn như mưa. Người chạy loạn bị thương đầy. Tui vừa chở một người bị thương tới bệnh viện Huế rồi vô đây. Bên ni yên rồi, đi lại được rồi. Nơi bưu điện, nơi ngân khố còn chình ình mấy xác Việt cộng chân bị cột nơi đại liên, thấy ớn quá."

Hai anh sinh viên chạy ra, ông Minh nói:

"Ủa, tụi bây chưa ra nhà thương. Ra nhà thương mà giúp đỡ dân chơ. Ngoài nớ yên rồi có chi mô."

Ông quay lại Hà:

"Con đi tìm coi có ở chỗ mô sửa được, sửa cái ghi đông xe cho ôn con."

Hà vác xe đi rồi vác xe về:

"Ðã có ai mà sửa. Ôn lấy xe con mà đi."

"Ừ, thôi, bác cho tui miếng trầu. Tui phải đi chừ đây."

Má tôi lại gửi ít đồ ăn lên Từ Ðàm. Mấy ngày nay ở Trường Bia đã có chợ, người ta hạ cả heo để bán thịt, có rau dưới chợ Mai gánh lên bán. Tôi cầm tay Hà đưa ông Minh ra tận ngoài đường. Hà có vẻ dùng dằng, cứ dặn ông hoài:

"Ôn, nhớ rảnh là xuống đây nghe ôn. Ôn đừng ở trên nớ nữa."

Ôn Minh quay lại mắng Hà:

"Con nhỏ ni hư thiệt. Ðừng có buồn, ôn còn lo cho nhiều người trên đó nữa chơ. Ðể ôn đưa anh chị với mấy cháu về cho. Yên trí, yên trí."

Ông nói xong, trèo lên xe đạp, đạp thẳng ra phía cầu An Cựu. Thái chạy ra, ba chị em lại đi bộ ra ngả cầu. Mỹ đã gác ở đây, nơi đồn vận tải cũng có lính gác. Khu vực chúng tôi hoàn toàn yên rồi, chỉ lo cho anh chị tôi đang ở khu nguy hiểm nhất. Các thanh niên chạy loạn trở về đã đạp xe đạp đi ra ngoài trường Kiểu Mẫu coi đánh nhau bên phố. Chiến trận phía bên kia có vẻ ác liệt lắm. Chắc phía trên Từ Ðàm cũng thế. Chúng tôi đang đi bộ thì gặp một đoàn người từ phía cầu đi lại, người đi xe có, đi bộ có. Có tiếng xe gắn máy dừng lại sát chị em tôi. Tôi ngẩng lên nhìn và kêu mừng rỡ:

"Anh Trai."

Ông anh họ của tôi đang ngồi trên xe gắn máy, mừng rỡ hỏi thăm tíu tít:

"Lễ về được chưa? Nhà yên hết há?"

Tôi buồn bã:

"Nhà yên nhưng anh chị Lễ còn kẹt trên Từ Ðàm."

Anh cười. Tính anh vẫn vui nhộn như thế đối với chúng tôi:

"Anh về nhà rồi. Tới chơi nghe. Ðừng có lo cho Lễ, không răng mô. Có tin chi cho anh biết hí."

Anh định dợm đi, rồi lại thắng xe lại:

"Ê, tụi bây, tao có cái ni."

Anh đưa tay vô túi áo măng tô. Có vật gì phồng lớn ở trong đó. Hà đưa tay móc túi lôi ra một quả hột vịt lộn còn nóng. Anh lôi tiếp mấy quả nữa:

"Mỗi đứa một cái hột vịt lộn."

Trước khi đi, anh dặn:

"Ðừng có ra ngoài cầu. Mỹ nó gác nó bắn tùm lum đó. Người ta chạy loạn khóc như ri ở ngoài."

"Ở mô chạy xuống?"

"Anh cũng chạy bất chết, không có hỏi."

Có mấy tiếng súng nổ lẻ tẻ, Thái kéo tôi đi về.

Ngay hôm đó, Bé xuống nhà, giúp chúng tôi đắp đất thêm lên hầm và nói là sẽ đi trình diện. Nó nói trong ngày mai sẽ đưa gia đình về dưới Phù Lương vào trại tỵ nạn, vì nhà đã hết gạo ăn. Thái cũng nóng ruột đòi đi trình diện. Một vài người lính địa phương đạp xe đạp qua cho biết tin tức là quân đội đã đóng ở hữu ngạn, dẹp xong xuôi Việt cộng rồi, dân chúng hãy trở về và ai là quân nhân, công chức phải đi trình diện ngay. Có thể lên Tòa tỉnh hoặc ở trường Kiểu Mẫu cũng có văn phòng. Vậy là Thái thay quần áo đi ngay, mặc dù má tôi và tôi ngăn trở hết sức cũng không được.

Hai tiếng đồng hồ sau Thái trở về, nói là dường như phía hữu ngạn đi được rồi, quân Mỹ và Việt đã đóng hết. Bên phố bắn nhau như mưa, lửa bốc mù trời. Ở Từ Ðàm vẫn chưa dẹp xong, quân Việt Mỹ vẫn chưa dám xông qua cầu Bến Ngự, hay cầu Nam Giao. Dân chúng chạy loạn ở bên kia cầu kêu khóc như ri. Thái còn kể là ở trên tòa tỉnh, trên Nha đại biểu, còn đầy xác Việt cộng chưa ai chôn. Hai anh sinh viên từ giã gia đình chúng tôi để đi ra nhà thương Huế săn sóc những kẻ bị nạn. Thấy hợp lý, chúng tôi cũng không giữ. Tôi hỏi Thái đã trình diện chưa, Thái nói rồi, ngày mai đi lĩnh vũ khí và công tác. Thái cho biết cấp chỉ huy của hắn đã bị giết, một người đàn bà khác, có chức vụ nhỏ trong đoàn cán bộ xây dựng nông thôn bị chặt đầu, cắt hết tay chân. Tòa tỉnh vắng ngắt và hình như ông tỉnh trưởng cũng đã bị giết. Nhiều tin đồn lung tung ghê gớm lắm.

Cũng ngay chiều hôm đó, Thái đi một hồi, khi trở về, nhờ tài ăn nói hoạt bát, hắn đem về cho nhà nửa bao gạo. Má tôi nhìn bao gạo mừng đến chảy nước mắt. Tôi thì từ hôm liên lạc được với sở một lần rồi bị kẹt đường mất liên lạc luôn. Tôi mượn cái xe gắn máy của gia đình người ở tạm căn nhà bếp, rủ Thái xuống Thanh Lam một lần nữa. Lần này may mắn hơn, tôi liên lạc được với Sài Gòn và yên trí một trăm phần trăm là gia đình tôi vẫn yên ổn. Tôi chỉ chờ có máy bay là thoát được. Một ngày nữa trôi qua, Từ Ðàm vẫn kẹt trong khói lửa, bom đạn, và chúng tôi hoàn toàn không biết tin tức gì của anh tôi hết. Rồi những người ở Bảo Quốc chạy về, những người ở Bến Ngự chạy được về. Ông Minh cũng biệt tăm dạng. Ai lo việc người đó, tôi cố dò hỏi hết sức, nhưng không có kết quả. Hai ngày sau, một cậu em đi ngang qua, ghé thăm, cho hay tin cậu Ðội Hòa đã chết. Cậu Ðội Hòa là người điều khiển ban nhạc đại nội. Cậu đã già nhưng vẫn còn khỏe lắm, nhà cậu ở sát dưới chân bực cấp chùa Bảo Quốc. Một túp lều tranh đơn sơ, trước sân bày đầy chậu hoa, chậu kiểng. Trong nhà cậu, đủ các thứ đàn, từ những cây đàn thật cổ, tới những cây đàn mới nhất. Tôi thường ao ước được cậu cho một chiếc đàn tranh như thủa nhỏ cậu vẫn nói:

"Con học được, cậu cho cái đàn hồi trước của ngài ngự đàn, ngài đàn hay đến nỗi ma nó đứng ngoài nó nhịp."

Nhưng tôi lại không biết gì về quốc nhạc, và cũng không dám xin cậu chiếc đàn quý giá đó.

Bây giờ cậu Ðội Hòa đã chết. Cậu chết ở đâu? Trong lúc chạy loạn hay ở nhà? Còn số phận những cây đàn, túp lều tranh nữa. Tôi run giọng hỏi cậu em. Khánh kể là cậu Ðội Hòa chạy loạn tới trước nhà Khánh ở gần bưu điện. Ở đó đang yên, bỗng một trái đại bác bắn sai rơi xuống. Cậu chỉ trúng có một miểng đạn nhỏ nơi thái dương, và cứ thế, cậu nằm xoải người, tâm trí rất tỉnh táo, đợi máu chảy hết, khô người là chết. Tôi ứa nước mắt. Tôi đã khóc quá nhiều. Trước biến cố Mậu Thân, tôi đã khóc cho cái chết của ba tôi. Trong lúc thành phố tan nát, tôi đã khóc cùng với bao nhiêu người, bây giờ tôi khóc cho ông cậu nghệ sỹ hiền lành, thường cố làm vẻ nghiêm trang, cổ xưa trước mặt con cháu. Và những cây đàn nữa, bao nhiêu vốn liếng của cậu tôi, cũng là những vốn liếng cuối cùng của quốc nhạc, thôi thế đã theo cậu chôn vùi trong khói lửa.

Má tôi cũng ngồi lặng người đi một giây. Chắc má tôi nhớ lại thời nào cùng ở với cậu trong hoàng thành rực rỡ. Những tiếng đàn, tiếng phách. Những buổi sáng nhạc nhã vang lừng. Những áo mũ, những thanh âm ngày vua ngự triều. Má tôi cũng từng học đàn với cậu thủa nhỏ và được cậu che chở cho trong những lúc ông ngoại giận dữ vì má tôi không có khiếu về âm nhạc, học dở hơn cậu.

"Mà có chắc là ông Ðội Hòa thật không, hay con nghe ai nói lại?"

"Không, chính mắt con thấy mà. Ông chết trong nhà con."

Tôi nắm chặt bàn tay má tôi. Bàn tay má tôi run run. Mãi lúc sau, má tôi mới nghẹn ngào:

"Rứa còn bà thì răng?"

"Dạ không can chi, bác gái còn sống."

Má tôi quay sang tôi:

"Mần răng mà đi đón mợ con về đây."

Nhưng Khánh lắc đầu. Ở ngoài đó hay ở đây cũng có thể yên ổn mà cũng có thể ăn đại bác rơi lạc bất cứ lúc nào. Với lại chắc gì mợ tôi đã đi. Khánh cho biết là gia đình cậu tôi ra khỏi nhà trong lúc căn nhà còn đang bốc cháy. Cậu tôi vừa quay lại vừa kêu trời kêu đất, muốn lao trở vào để cùng cháy với mấy cây đàn. Người ta phải lôi cậu tôi đi. Từ đó cậu không nói với ai một câu nào cho tới khi cậu trúng miểng đạn chết.

Như vậy là hết, từ người già cả, cổ xưa nhất như cậu tôi, tới đứa nhỏ lai Mỹ đều đã bị quật chết trong trận chiến. Mỗi ngày có bao nhiêu tấn bom đạn, đã trút xuống đầu thành phố Huế. Mấy ngày nay, máy bay bay nhiều vô số. Ðứng ngoài quốc lộ, chúng tôi có thể nhìn thấy những chiếc phản lực liệng nhanh như chớp và thả xuống từng loạt bom, tiếp theo những tiếng nổ, dù dội xa, nhưng vô cùng kinh khủng. Ra xa hơn, đứng ở bên này sông nhìn sang, chợ Ðông Ba trở thành bình địa, nhà cửa bên phố như quấn chặt trong đám khói mù. Mỗi tiếng nổ, cát bụi, gạch ngói lại bay tơi tả như một trái pháo khổng lồ nổ tung xác.

Má tôi nghe tin cậu Ðội Hòa mất, rồi bặt luôn tin tức ông Võ Thành Minh, bắt đầu hoảng hốt. Ðôi khi đang ngồi ăn cơm, bà bỏ chén đũa ôm mặt khóc. Tôi sợ đầu óc má tôi trở nên bất bình thường. Trong hoàn cảnh này, ai cũng có thể điên được. Như một người quen cũ của gia đình tôi chạy loạn về ngang qua, má tôi níu lại. Bà ta đang khóc mùi mẫn, đi vào nhà kể chuyện chẳng có đầu đuôi gì hết. Rồi bỗng bật cười:

"Chưa khi mô tui nhìn thấy đám cháy to như rứa. Người chết cháy cứ như heo quay."

Cười được rồi, bà ta ngạc nhiên và lại ôm mặt khóc. Bà ta điên được từng phút ngắn.

Trưa hôm sau, Thái đã liên lạc được với đoàn của nó. Khi trở về, Thái báo tin:

"Người ta ở Từ Ðàm, Bến Ngự chạy về đông lắm. Phía mình đã gọi bằng máy bay, khuyên dân hãy chạy để quân đội tràn lên đánh địch."

Má tôi nhảy choi choi như một đứa trẻ con:

"Rứa há. Ðứa mô đi đón. Ði đón liền."

Tôi, Thái và Hà tình nguyện đi ngay. Chúng tôi ra tới cầu An Cựu. Tôi đoán chắc anh chị tôi có đi cũng chỉ đi được đường bờ sông, quân giải phóng sẽ rút lên phía núi, và ở đó, chắc súng đạn đang rền trời. Chúng tôi đi bộ ra cầu. Nhiều người chạy loạn quá. Họ gồng gánh, bỏ cả trẻ con vào thúng mà gánh chạy. Thái la cà lại hỏi, nhưng không ai muốn trả lời, hoặc có trả lời thì câu trả lời cũng chẳng giúp ích gì được chúng tôi. Mấy anh lính Mỹ gác ở hai đầu cầu nhìn đoàn người chạy loạn lôi thôi lếch thếch cười với nhau, chúng nheo mắt, làm trò, đôi khi đưa súng lên bắn chỉ thiên dọa nữa. Ðoàn người nghe tiếng súng là bỏ chạy, những tràng cười thích thú nổi lên đằng sau lưng.

Người chạy với chó, chó chạy với người. Những con chó ở đâu chạy theo đoàn người mà nhiều thế không biết. Một con chó đen bị những bước chen lấn, chạy tràn xuống một đầu cầu mép sông. Bỗng một phát súng nổ, con chó kêu một tiếng thảm thiết, lăn tròn và rơi xuống nước. Tiếng cười ồn ào nổi lên. Mấy người Mỹ đen, Mỹ trắng đứng trên cầu tiếp tục bắn ngăn không cho con chó lội lên bờ. Con chó cứ xa dần bờ, kêu oẳng oẳng, hết sức thảm thương. Những viên đạn vẫn bắn tới tấp nhưng hình như không định giết con chó, mà chỉ giữ không cho nó vào bờ. Có những viên đạn bắn trệch lên bờ đường, những viên khác dội xuống nước. Ðoàn người tản cư chạy tới hỗn loạn, kêu khóc rền trời. Tiếng kêu khóc càng to thì tiếng cười của một số người Mỹ bên kia sông cũng càng lớn. Ngã xuống rồi đứng dậy, đứng dậy rồi chúi nhủi. Dân tộc tôi đấy sao? Con chó đang cố lóp ngóp lội vào bờ tìm sự sống đó sao? Ðáng thương cho dân tôi, nước tôi, thân phận người dân không bằng một trò đùa, không bằng một con chó. Tôi cúi xuống nhặt hòn đá cầm chặt trong tay. Tôi bóp chặt hòn đá như bóp chặt tim mình. Quăng đi, liệng vào mặt chúng. Ðồ dã man, tàn bạo. Trong một lúc, nhìn đoàn người lúc nhúc chạy, la khóc, sợ hãi, tôi bỗng uất hận tràn người. Dân tộc da vàng nhỏ bé thật, nhưng còn gì béo bở nữa đâu? Con chó chạy rong dài trong bao ngày đã khô nước miếng, đã lở loét, rụng lông. Tôi đưa hòn đá lên. Liệng đi. Liệng vào mặt chúng rồi ra sao thì ra. Nhưng không, hòn đá mà làm được gì! Con chó đã xa bờ lắm. Nó cố kêu lên mấy tiếng nữa, rồi hai chân trước không phải bơi mà đập nước lung tung. Tôi thả rơi hòn đá xuống đất. Ðoàn người la hét khóc lóc đã đi qua được đoạn đường, một vài gói đồ rơi lại không kịp nhặt. Ðoàn người khác tiếp tục đi tới. Con chó bây giờ đã chìm cả mình xuống nước, mặc cho giòng nước lặng lẽ cuốn đi cùng những giòng máu đỏ thấm hồng mặt nước sông xanh. Tôi nuốt nước miếng, cổ họng khô đắng, nước mắt như muốn trào lên. Thái đứng cạnh tôi im lặng. Mặt nó và Hà cùng tái nhợt trong một nỗi thống khổ, nhục nhã như không bao giờ gột rửa được.

Một bàn tay đen đui đưa lên vẫy chúng tôi. Một hộp thịt ném tới lăn lóc dưới chân. Không biết nghĩ sao, Thái đá mạnh vào hộp thịt. Hộp thịt lăn lóc rơi xuống sông và chìm nghỉm. Vài tiếng cười khả ố vang lên. Tôi đưa khăn lên chùi nước mắt, nghẹn ngào bảo các em:

"Mình về đi."

Trước khi đi, tôi lại nhặt viên đá cầm trong tay để rồi không làm gì hết. Chỉ một viên đá này mà đổi tới ba phát súng, ba mạng người, dám lắm. Lúc này, ai chả có thể là kẻ địch da vàng dưới lối nhìn của những con mắt xanh.

Khóc lên đi, gào to lên nữa đi, khóc với quê hương yêu dấu đang quằn quại, đang gẫy xương sống. Ðoàn người đi qua, rồi đoàn khác tiếp tục. Những đôi mắt vàng úa, thất thần, những bàn tay níu chặt bọc quần áo, gia tài còn lại và đi mãi. Cỏ đã cháy, cây đã ngã, nhà đã sập. Giòng sông xanh thơ mộng mùa xuân đã loang đầy máu người, máu chó. Ðống gạch càng ngày càng cao. Hòn đá cầm chặt trong tay để làm gì. Tôi ném nó vào một ngôi nhà đổ. Hòn đá mất tăm luôn dấu vết.

Cùng buổi sáng hôm đó, tôi nghe thêm được nhiều nguồn tin lắm. Bên phố coi như đã thanh toán gần xong. Cầu Tràng Tiền đã gãy, công binh Mỹ đang cố gắng bắt tạm nhịp cầu khác để chuyển quân qua, và súng đại liên, tiểu liên, máy bay bắn xuống như mưa trên những căn nhà đổ nát. Ở phố, người ta không dám chạy thoát ra đường, từ nhà này, dân chúng đục thủng tường qua nhà khác, và cứ thế, họ thoát về ngả Gia Hội, hoặc có người chạy ngược lên Kim Long. Người ta nói tới cái chết của ông Tinh Hoa, chủ hiệu sách, ông đói và khát quá, chạy băng ra đường. Trước khi ra, ông đã nghiên cứu một lối chạy, chạy xiên xẹo, ngang qua ngang lại theo chữ chi để tránh đạn. Nhưng đạn vẫn bắn tới và ông ngã sấp, chết liền tại chỗ. Người đoán là Việt cộng bắn, người đoán quả quyết là Mỹ bắn, nhưng dù ai bắn thì ông ta cũng đã chết. Tôi nghĩ tới những người đang mắc kẹt ở Từ Ðàm, ở Thành Nội. Toàn thành cao bao xung quanh, cửa Chánh Tây là lối tiếp quân của Việt cộng, phía các cửa Thượng Tứ, Ðông Ba, cửa Sập thì đạn máy bay, đạn Mỹ bắn như mưa. Có bao nhiêu người đang quay quắt, quằn quại trong đó. Những chiếc hầm kiên cố nhất chỉ có thể chịu đựng nổi với những cỡ súng nhỏ, làm sao chịu thấu với những quả hỏa tiễn, những tấn bom hằng ngày trút xuống. Còn thành nội cổ kính nữa, di tích cuối cùng của một thời lịch sử, với những cành vàng điện ngọc, với những chiếc bình bằng sứ điểm hoa xưa cổ hàng trăm đời vua, với chiếc ngai vàng bỏ không nữa. Thôi, súng Nga Sô, Tiệp Khắc, súng Mỹ, đã san bằng, đạp nát một thành phố của cổ kính, của lịch sử. Không bao giờ còn dựng lại được nữa. Tôi không hy vọng gì nữa. Ngày thường, tôi ít để tâm đến vấn đề này, nhưng lúc này, nhìn những tấn bom trút xuống thành nội, lòng tôi đau thắt lại. Má tôi đã từng kể chuyện trong hoàng cung thời trước. Nào lầu vàng điện ngọc, nào nơi Ngài ngự, nào nhạc ban mai, chuông buổi tối. Nào ngày đưa đám Khải Ðịnh, có cọp bạch về chầu. Bao nhiêu giai thoại, bao nhiêu huyền sử trong những câu chuyện thủa nhỏ, đẹp và hay hơn cả truyện cổ tích.

Quá trưa hôm đó, một chuyện bất ngờ xảy ra nữa, bất ngờ đến nỗi cả gia đình chúng tôi bàng hoàng sửng sốt, bấu da bấu thịt xem chuyện có phải thực hay trong mơ. Ăn cơm trưa xong, cả nhà đang ngồi kể lại chuyện mỗi người nghe được thì có tiếng gọi ngoài cửa:

"Mệ ơi, mệ."

Má tôi quên cả xỏ guốc, chạy ùa ra sân. Con Mai, người làm của anh chị Lễ tôi đang khiêng một đầu, đầu đằng sau là một người đàn ông lạ còn trẻ, ở giữa là Hy, em gái chị dâu tôi. Hy nằm trên cái võng và đang cố ngóc đầu lên để nhìn. Con Mai vừa kêu: Mệ ơi, mệ ơi, vừa đưa một tay vẫy rối rít. Hy được khiêng vào nhà, con Mai chỉ ra đường vừa khóc vừa nói:

"Mệ ơi, thầy Lễ đang chạy đằng sau, đang ở ngoài đường."

Tôi chạy băng ra trước, má tôi chạy theo, rồi Hà, rồi Thái. Ngay trước ngõ, anh tôi đã tới nơi. Anh tôi đang đẩy một chiếc xe sắt trẻ con, đi chân không, tóc tai rũ rượi. Trên xe đặt hai đứa con trai mặt mày đầy thuốc đỏ, và đang mếu máo khóc.

Tôi ôm choàng lấy các cháu. Cháu gái lớn Ti Na đang chạy lúp xúp đằng sau cũng nhào vào lòng tôi. Nước mắt tôi trào ra. Các cháu tôi cũng khóc thút thít. Anh tôi chỉ lui đằng sau:

"Chị đang ở đằng sau nớ."

Tôi rời tụi nhỏ, chạy tới phía cầu. Nhưng chỉ ngang nghẹo Ðường Xay, tôi thấy chị dâu tôi đang ngồi bệt xuống đất, chiếc nón tơi tả đặt một bên. Chị bế đứa con nhỏ mới sinh, mặt mũi cũng đầm đìa nước mắt. Tôi ôm cháu nhỏ, dẫn đường. Chị dâu tôi không đi dép, mệt mỏi đi theo sau. Vào tới nhà, anh chị tôi đứng trước bàn thờ ba tôi. Chị tôi gục đầu vào bàn thờ mà khóc. Mấy đứa nhỏ khóc theo. Má tôi, tôi và Hà cũng chảy nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Nguồn: talawas.org