Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Những điều nhóm Cánh Buồm đã làm

(Báo cáo trước Ủy Ban VH-GD Quốc Hội ngày 22 tháng 7 năm 2017)

Phạm Toàn


Mở đầu

Năm 2009, nhóm Cánh Buồm ra đời.

Cánh Buồm tập hợp một số nhà hoạt động Giáo dục đã có tuổi và trẻ tuổi với mục tiêu khởi sự những công việc cụ thể nhằm gợi ý cho những việc làm hướng tới thay đổi nền Giáo dục quốc dân Việt Nam.

Tư tưởng nhất quán của nhóm là tìm cách chuyển một nền Giáo dục vốn tập trung vào việc dạy học sang một nền Giáo dục tập trung vào tổ chức việc học. Nhóm Cánh Buồm gọi tên đó là một nền Giáo dục Việt Nam hiện đại hóa.

Gọi đó là hiện đại hóa vì phải vừa làm vừa thử nghiệm – lý thuyết và thực tiễn cùng dắt tay nhau nhau tiệm cận với cái đúng – hoặc cái Chân lý của Việt Nam ở nơi đây và vào lúc này, chứ không là cái “Đúng” mơ hồ nhặt nhạnh từ nơi xa lạ.

Nhóm Cánh Buồm chấp nhận thách thức tạo ra những sản phẩm cụ thể (chương trình học và sách giáo khoa bậc phổ thông) là những giải pháp kỹ thuật được chưng cất từ thực tiễn Giáo dục Việt Nam nhiều chục năm nay, ít nhất là từ năm 1978 với hệ thống Giáo dục thực nghiệm do giáo sư Hồ Ngọc Đại khởi xướng.

Báo cáo này có các phần sau:

(a) Những sản phẩm của nhóm Cánh Buồm;

(b) Lý giải về các sản phẩm của nhóm Cánh Buồm;

(c) Dự phóng tương lai của công trình.

I./ Những sản phẩm của nhóm Cánh Buồm (từ 2009 đến 2017)

1. Tủ sách giáo khoa Cánh Buồm, gồm có

a. Sách Tiếng Việt bậc Tiểu học, 5 cuốn cho 5 lớp;

b. Sách Văn bậc Tiểu học, 5 cuốn cho 5 lớp;

c. Sách Tiếng Việt bậc Trung học cơ sở, 4 cuốn cho 4 lớp;

d. Sách Văn bậc Trung học cơ sở, 4 cuốn cho 4 lớp;

e. Sách Lối sống bậc Tiểu học, 4 cuốn; (đang sửa chữa, bổ sung cho đủ 5 lớp);

f. Sách Tiếng Anh Tiểu học, 2 cuốn; (đang sửa chữa, bổ sung cho đủ 5 lớp);

g. Sách Khoa học Tiểu học, 1 cuốn; (đang sửa chữa, bổ sung cho đủ 5 lớp).

2. Sách huấn luyện sư phạm vắn tắt về:

a. Giáo dục hiện đại;

b. Cách dùng sách Tiếng Việt;

c. Cách dùng sách Văn.

Ba cuốn cẩm nang này mới phục vụ cho bậc Tiểu học, nhóm đang biên soạn cẩm nang sư phạm cho bậc Trung học cơ sở.

3. Tủ sách Tâm lý học Giáo dục với 4 bản dịch:

a. Jean Piaget, Sự ra đời trí khôn ở trẻ em;

b. Jean Piaget, Sự hình thành biểu tượng ở trẻ em;

c. Jean Piaget, Sự xây dựng cái thực ở trẻ em;

d. Howard Gardner, Cơ cấu trí khôn.

4. Đặc biệt, nhóm Cánh Buồm có cuốn Một nền Giáo dục Việt Nam hiện đại – Kỷ yếu Hội thảo Tự Học-Tự Giáo Dục năm 2011. Đây là tài liệu huấn luyện nội bộ nhóm Cánh Buồm từ khi mới thành lập. Nó cũng được dùng để báo cáo tại Ban Tuyên giáo TƯ ĐCS VN tháng 3 năm 2010. Trong tập sách này còn có ý kiến phản biện của vài giáo sư danh tiếng.

5. Nhóm Cánh Buồm còn tổ chức đưa các loại sách lên trang mạng Canhbuom.edu.vn có nhiều chục nghìn người truy cập, do đó cũng cần đến các cuộc Hội thảo nhằm hướng dẫn người dùng sách. Ngoài 2 cuộc Hội thảo tổ chức ở Viện IDECAF thành phố Hồ Chí Minh, còn có những cuộc hội thảo lớn tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội như:

a. Hội thảo Hiểu trẻ em – Dạy trẻ em (2009);

b. Hội thảo Chào lớp Một (2010);

c. Hội thảo Một Cánh Buồm – Một nhà trường Hiện đại (2011);

d. Hội thảo Tự học – Tự giáo dục (2011);

e. Hội thảo Em biết cách học (2012);

f. Hội thảo Cánh Buồm no gió – Thời đại Internet (2013);

g. Hội thảo Cao hơn, xa hơn… và dễ tự học (2014);

h. Hội thảo Chào Lớp 6 (2015);

i. Hội thảo giới thiệu sách Tâm lý học trẻ em (2015);

j. Hội thảo Hành trình trí tuệ (2016);

Nhóm Cánh Buồm đã thực hiện những đầu việc trên trong gần mười năm tồn tại của mình.

Cũng trong quá trình hoạt động đó, nhóm Cánh Buồm chưa bao giờ chi tiêu một xu nhỏ từ công quỹ.

Nhóm Cánh Buồm có một điều sau để lý giải về sự phát triển công việc của mình. Có một nguyên nhân căn bản tạo thành những lý lẽ cốt lõi giúp nhóm Cánh Buồm mang một sức hấp dẫn cần thiết phải được lý giải.

Điều mới mẻ tạo nên lực hấp dẫn của những sản phẩm Cánh Buồm là gì?

II./ Lý giải ngắn về những lý lẽ cốt lõi của nhóm Cánh Buồm

Đây là một hiện thực đối với sản phẩm của nhóm Cánh Buồm. Sự hấp dẫn của các sản phẩm Cánh Buồm rất dễ cảm nhận ở những nơi chúng được dùng thử: học sinh thích học, có nhiều học sinh học giỏi, giáo viên dễ dạy, phụ huynh dễ theo dõi sự tiến bộ của con em.

Nhóm Cánh Buồm cảm nhận được một đôi điều qua việc mình làm, có thể được gợi ý ra như sau.

1./ Định hướng – Thoạt kỳ thủy, nhóm Cánh Buồm chỉ có một định hướng: tìm ra những giải pháp để thực hiện một nền Giáo dục phổ thông tập trung vào tổ chức việc học của con em. Mọi hoạt động của nhóm đều tập trung vào thực thi định hướng đó.

2./ Nền tảng – Nền tảng của Giáo dục quốc dân là bậc Giáo dục phổ thông (GDPT) để bậc Giáo dục Đại học (GDĐH) xây dựng trên nền tảng đó. GDPT thì phải đồng chất trong khi GDĐH chỉ cần tự chủ. Sức quản lý của Nhà nước cũng chỉ có thể là nắm chắc GDPT trong khi có thể và hoàn toàn thả nổi GDĐH.

3./ Sứ mệnh – Do đó, cần định nghĩa lại về GDPT: đó là một công cuộc tổ chức sự trưởng thành của thanh thiếu niên toàn dân tộc. Trong sứ mệnh này đã hàm chứa việc tôn trọng người học ngay trong khi tổ chức nhào nặn học sinh có sự đồng hành của học sinh từ bé đến khi ra trường. Suy ra: không thể và không bao giờ cho học sinh phổ thông du học (kể cả du học ở những “trường quốc tế”), trong khi học sinh đại học có thể tùy nghi theo học trong nước hoặc ngoài nước.

4./ Trưởng thành – Học sinh phổ thông trưởng thành thể hiện ở năng lực tự học chứ không thể hiện ở kết quả của những kỳ thi tốn tiền và tốn sức. Hoàn toàn có thể bỏ tất cả các kỳ thi – trừ việc “thi” nhập học do các trường Đại học tự tổ chức theo hình thức thích hợp với từng trường. Với học sinh phổ thông, cần tổ chức chặt chẽ sự trưởng thành về kiến thức và tư duy theo chương trình, bậc học và sách giáo khoa.

5./ Chương trình – Một chương trình học ở bậc GDPT không phải là sự xếp sắp các tiết học vô hồn. Một chương trình học phải là một lý tưởng đào tạo. Trong giai đoạn hiện nay, lý tưởng đào tạo nên là những chàng trai và cô gái biết tự học – thích tự lập – đủ sức tự vào đòi. Ở Mỹ, có bang cảm thấy chương trình lõi của liên bang (common core) thấp tầm, khi đó họ có thể có chương trình riêng mang lý tưởng được họ coi là đúng hơn hoặc cao hơn và thích hợp hơn. Ở Việt Nam, nhóm Cánh Buồm muốn thêm một chi tiết: một chương trình học được thiết kế đúng sẽ dẫn tới việc bỏ thi cử.

6./ Bậc học – Việc thiết kế đúng chương trình học bắt đầu từ việc nhận thức đúng nhiệm vụ mỗi bậc học. Theo đó, bậc Tiểu học có nhiệm vụ chiếm lĩnh phương pháp học, bậc Trung học cơ sở có nhiệm vụ dùng phương pháp để tự chiếm lĩnh kiến thức cơ bản cần cho việc vào đời theo một trong ba hướng: lao động mà sống, học trường nghề, và học lên bậc hướng nghiệp bậc cao – bậc học hiện đang là Trung học phổ thông nên trở thành bậc Dự bị đại học của từng trường đại học – công việc thay đổi tý chút đó sẽ tiết kiệm năng lượng, đồng thời chất lượng cũg sẽ được nâng cao bất ngờ.

7./ Sách giáo khoa – Cuối cùng “trăm dâu đổ đầu tằm” và con tằm trong Giáo dục chính là sách giáo khoa. Sách giáo khoa (SGK) là bước cuối cùng kỹ thuật hóa toàn bộ những đòi hỏi mang tính lý lẽ cốt lõi. Mục này xứng đáng được nói sao cho bớt vắn tắt hơn.

7.a. Nhiệm vụ SGK

a. Sách giáo khoa phải thể hiện lý tưởng đào tạo sự trưởng thành của học sinh cả về kiến thức, tư duy, kỹ năng.

b. Sách giáo khoa phải dắt dẫn con đường tự tìm tòi của người học để tự mình trưởng thành cả về kiến thức, cách tìm đến kiến thức, cách vận dụng kiến thức.

c. Sách giáo khoa phải hấp dẫn giáo viên bằng cách giúp giáo viên đồng hànhvới người học – đồng hành với tư cách người hướng dẫn học sinh và cả trong việc tự nâng cao chính mình.

7.b. Nội dung SGK

a. Phải thể hiện rõ nhiệm vụ môn học. Dựa theo các sách giáo khoa đã có, nhóm Cánh Buồm, xác định như sau:

· Môn Tiếng Việt có nhiệm vụ giúp người học am tường và hành dụng tiếng mẹ đẻ trên cơ sở ngôn ngữ học.

· Môn Văn có nhiệm vụ giúp người học thông qua vật liệu văn chương để đến với ngôn ngữ nghệ thuật nói chung.

· Môn Lối sống có nhiệm vụ giúp người học có ý thức và có nền nếp sống đồng thuận trong xã hội, bắt đầu từ nhà trường, rồi đến các cộng đồng khác nhau: gia đình, tổ quốc, nhân loại.

· Môn Khoa học có nhiệm vụ giúp người học quen với tác phong thực nghiệm để có tư duy thực chứng trước các hiện tượng tự nhiên và xã hội.

· Môn Ngoại ngữ (Tiếng Anh) có nhiệm vụ giúp người học làm ra và sở hữu một công cụ tiếng nước ngoài để có thể phiêu lưu vào một nền văn hóa xa lạ theo mục đích sống của mình.

b. Phải thể hiện rõ nhiệm vụ bậc học. Nội dung này thể hiện rõ ở chủ đề của từng năm học tiểu học, nhưng lên bậc THCS thì học theo từng vấn đề để chuẩn bị cho học sinh vào đời.

· Môn Tiếng Việt Tiểu học: Lớp 1 Ngữ âm học tiếng Việt; Lớp 2 Từ vựng học tiếng Việt; Lớp 3 Cú pháp và logic câu tiếng Việt; Lớp 4 Văn bản tiếng Việt; Lớp 5 Hành dụng tiếng Việt (các cách biểu đạt khoa học, nghệ thuật và xã hội bằng Tiếng Việt).

· Môn Tiếng Việt Trung học cơ sở: Lớp 6 Tiếng nói và chữ viết tiếng Việt; Lớp 7 Từ vựng tiếng Việt; Lớp 8 Các cách biểu đạt tiếng Việt; Lớp 9 Ngôn ngữ và tư duy trong các cách biểu đạt tiếng Việt.

· Môn Văn Tiểu học: Lớp 1 Đồng cảm; Lớp 2 Tưởng tượng; Lớp 3 Liên tưởng; Lớp 4 Bố cục tác phẩm; Lớp 5 Các dạng hoạt động nghệ thuật trong đời sống.

· Môn Văn Trung học cơ sở: Lớp 6 Cảm hứng nghệ thuật – vì sao làm ra tác phẩm nghệ thuật; Lớp 7 Giải mã trữ tình và kịch; Lớp 8 Giải mã tự sự; Lớp 9 Truyện Kiều của Nguyễn Du, Faust của Goethe.

c. Phải thể hiện rõ việc làm và thao tác học. Cơ sở của việc xác định các việc làm và thao tác học sẽ dẫn tới việc giáo viên không giảng giải tùy tiện mà thay vào đó là giáo viên tổ chức việc làm với các thao tác xác định để người học tự tìm đến tri thức. Đó không chỉ là cụ thể hóa khẩu hiệu “Làm mà học” (Learning by Doing) mà còn là con đường đưa học sinh đến với tư duy một cách tự nhiên: tư duy khoa học, tư duy nghệ thuật, và tư duy xã hội-chính trị.

Làm lại những thao tác chắt lọc của người đi trước thể hiện rất rõ ở ba môn Nghệ thuật, Khoa học Lối sống:

· Môn Văn: chỉ có thể qua việc làm lại các hành động và thao tác chắt lọc của người đi trước (người nghệ sĩ nhà văn, nhà thơ…) thì học sinh mới được tự mình làm ra cái Đẹp nghệ thuật để thay vào cung cách “giảng văn” ép học sinh phải cảm nhận nghệ thuật giỏi lắm là đạt ngang tầm người giảng giải. Các thao tác đó được nằm trong chủ đề của từng cuốn sách giáo khoa như đã trình bày bên trên.

· Môn Khoa học: học sinh được làm lại những thao tác phổ quát của nhà khoa học từ thượng cổ cho tới nay. Đó là thao tác quan sát, tự đặt ra hoặc cùng nhau đặt ra những câu hỏi dẫn tới những giả thuyết (hoặc giả thiết) nghiên cứu, dẫn tới công việc thực nghiệm để tự mình đi tới những kết luận khoa học. Tư duy khoa học sẽ hình thành từ những hành động đó chứ không hình thành qua nghe giảng – cũng không qua những “cải tiến” mang danh hiện đại như xem phim tư liệu chẳng hạn.

· Môn Lối sống thay thế môn Đạo đức với những lời khuyên luôn luôn đúng nhưng bao giờ cũng khó kiểm soát. Môn Lối sống tổ chức cho trẻ em bắt đầu từ việc tổ chức lối sống tự lập để xác định vai trò và trách nhiệm cá nhân của mình ngay từ Lớp 1. Trách nhiệm đó sẽ tiếp nối trong cách tổ chức cuộc sống cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ tới lớn. Cách học này sẽ thay thế những “lớp học” gọi tên là “Năng lực sống” lẻ tẻ, vụn vặt (cách tặng hoa, cách lên cầu thang gác, … thậm chí cách tạo lòng dũng cảm bằng cách bước lên thủy tinh vụn (!), thiếu hẳn một tầm tư tưởng của con người hiện đại.

III./ Dự phóng tương lai công trình của nhóm Cánh Buồm

Từ khi nhóm Cánh Buồm ra đời, chúng tôi luôn luôn có ý thức tìm đến sự chỉ đạo của tổ chức, vừa để tránh sai sót, vừa để tạo điều kiện thực thi trách nhiệm phục vụ công cuộc chấn hưng nền giáo dục quốc dân.

a. Rất may mắn, sau khi ra đời cuối năm 2009, thì ngay từ tháng 3 năm 2010, nhóm Cánh Buồm đã có vinh dự báo cáo đề án Giáo dục Hiện đại hóa của nhóm tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN; người chủ trì là ông Phó ban thường trực Vũ Ngọc Hoàng. Chúng tôi rất vinh dự mở đầu cho một loạt báo cáo sau đó của giáo sư Hồ Ngọc Đại, giáo sư Lê Ngọc Trà, giáo sư Nghiêm Đình Vì, và kết thúc bằng cuộc báo cáo của giáo sư Hoàng Tụy. Tại cuộc họp này khi kết thúc ông Vũ Ngọc Hoàng đã cảm nhận rằng đường lối và cách làm của nhóm Cánh Buồm vừa thiết thực vừa giữ được đoàn kết.

Cũng chính tại trụ sở Ban Tuyên giáo TƯ, vào năm 2013, tại cuộc họp chuẩn bị cho Cánh Buồm vào Hội An thực nghiệm ở ba trường tiểu học, ông Vũ ngọc Hoàng đã đánh giá nhóm Cánh Buồm là “nhóm lao động cộng sản chủ nghĩa”. Tiếc rằng sau đó công việc thực nghiệm ở Hội An đã không được tiến hành. Nhưng nguyên nhân không hề thuộc về sai sót hoặc khuyết điểm của nhóm Cánh Buồm.

b. Ngày 3 tháng 2 năm 2012, theo gợi ý sát sao của Bà nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nhóm Cánh Buồm được mời báo cáo về bộ sách giáo khoa đã công bố và đề án Giáo dục của Nhóm Cánh Buồm tại Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ Giáo dục và Đào tạo. Người chủ trì buổi đó là ông Vụ trưởng Lê Tiến Thành cùng hai Vụ phó Trần Thị Thắm và Phạm Ngọc Định. Rất tiếc, công việc không được tiếp nối, ngoài sự mong đợi của nhóm Cánh Buồm.

c. Năm 2014, cũng tại Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của của Quốc Hội, nhóm Cánh Buồm cũng đã có vinh dự báo cáo toàn bộ công việc của mình. Bản báo cáo viết đã được gửi lại Ủy Ban.

Một kiến nghị của Cánh Buồm

Nhóm Cánh Buồm trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội, đồng thời kiến nghị Ủy ban giúp đỡ sao cho Bộ Giáo dục và đào tạo chấp nhận chương trình và sách của Nhóm được thực hiện tại một có sở giáo dục với điều kiện hội đồng giáo dục và phụ huynh chấp nhận thực thi các sản phẩm giáo khoa của nhóm Cánh Buồm.

TM Nhóm Cánh Buồm

Phạm Toàn

Biên bản

Tọa đàm về “Đổi mới giáo dục”

giữa nhóm Cánh Buồm và

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,

Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Nội dung: Ủy ban lắng nghe các chuyên gia báo cáo và đề xuất về đổi mới giáo dục của các chuyên gia giáo dục

Thời gian: 8:15 - 11:15 sáng 17

Địa điểm: trụ sở của Ủy ban, số 22 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội

Thành phần:

- Đại diện của Ủy ban: ông Trịnh Ngọc Thạch (Phó chủ nhiệm Ủy ban), ông Phạm Tất Thắng ( Thường trực ủy ban) và một số thành viên chuyên trách trong Ủy ban.

-        - PGS Vũ Cao Đàm, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

-        - Đại diện nhóm Cánh Buồm: Nhà giáo Phạm Toàn, Thanh Hải, Trọng Tấn.

Diến biến chính:

1. 1. PGS Vũ Cao Đàm thuyết trình “Bàn về Cải cách chương trình giáo dục”

Kết luận và khuyến nghị chính yếu của bản báo cáo:

i. Cải cách giáo dục hết sức gian nan

ii. Cần dứt khoát về mặt tư tưởng, từ bỏ chương trình cũ

iii. Không thể cải cách theo lối tinh giản chương trình

iv. Cần nhiều biện pháp đặc cách, có sự chỉ đạo từ quản lí vĩ mô. Không thể giao khoán cho Bộ GD.

v. Cần tham khảo Tuyên ngôn Bologne 1999 và Báo cáo của UNESCO

vi. Sách giáo khoa không phải là vấn đề lớn. Cần khuyến khích mọi thành phần xã hội biên soạn. Bộ GD cần đóng vai trò phê chuẩn sách giáo khoa theo khung chương trình cải cách đã  khống chế.

Chi tiết xin xem tài liệu đính kèm: ​

clip_image001 VuCaoDam_caicach.pdf

2. 2. Thầy Phạm Toàn thuyết trình về Chương trình và sách giáo khoa Cánh Buồm

Nội dung: cơ bản như Tờ trình

Nhưng, có khác với tờ trình đôi chút, do cách trình bày miệng vui vẻ của thày Toàn – mà bác Vũ Thế Khôi thích bắt các em trong nhóm “hãm phanh” – có mà Giời hãm ông ấy!

Do đó, nói đến chỗ nào, thầy Toàn tặng lại Ủy ban số sách đó (tổng cộng gần 20 đầu sách sản xuất cho tới năm 2012). Riêng cuốn Cơ cấu trí khôn, do là sách đi mượn của ông Chu Hảo, nên sau khi báo cáo xong, thày cất ngay vào cặp.

Ngoài ra còn nêu ý: cần phân ban sớm (theo đề xuất được trình bày trong Kỉ yếu Giáo dục Hiện đại), cần có Nhà trường không bắt nạt trẻ em bằng điểm số, thi cử…).

Xong xuôi, thầy Toàn mời Ủy ban tới dự hội thảo ra mắt sách tái bản có chỉnh sửa tại L’Espace vào tháng 10, không thấy vị nào nhận lời ngay.

3. 3. Thảo luận

Đại diện Ủy ban hỏi, hai thầy trả lời:

i. Chương trình của Cánh Buồm theo chương trình nào?

Thầy Toàn: không theo chương trình nào, Bộ làm gì có chương trình.

ii. Sách Cánh Buồm và sách của GS Hồ Ngọc Đại giống khác thế nào?

Tiếng Việt 1, Cánh Buồm có tham khảo HND, nhưng đã chỉnh sửa, dễ học và dễ dạy hơn. Các lớp sau hoàn toàn khác nhau.

Văn. Cánh Buồm hoàn toàn khác. Sách của Gs. Hồ Ngọc Đại lặp lại sách thày Toàn làm từ năm 1986. a

iii. Mới chỉ có sách tiểu học, thế cấp 2,3 thế nào?

T.Toàn: chúng tôi đã có đề cương cho hết cấp 2, để nhóm CB yên tâm làm sách tiểu học và nhìn rõ: Tiểu học như thế, thì Trung học cơ sở phải cao hơn, đẹp hơn. Sẽ công bố đề cương để sau khi đã hiểu sách Tiểu học CB, ai và nhóm nào đồng ý thì tham gia viết tiếp.

iv. Đã bỏ phân ban vì thấy hỏng, sao lại đề xuất phân ban?

Thầy Đàm: phân ban theo khối như thế là hỏng, phải phân ban lại theo hướng nghiệp. Đấy cũng là xu hướng chung của thế giới.

Thầy Toàn: phân ban không sai, mà sai cách phân ban, cần làm cho đúng. Tham khảo cách phân 5 ban như ở Pháp, không như ở mình (Ban Khoa học, ban Vắn chương, ban Kinh tế và Xã hội, ban Công nghệ, ban Âm nhạc và Múa).

Hỏi tiếp: thế nên phân ban như thế nào?

Thầy Đàm: Mỗi nước mỗi khác, cần tính dựa theo đặc thù từng quốc gia, ta cũng nên làm như vậy. Cách làm cụ thể có thể bàn sau, nhưng nhất định phải phân ban.

Thầy Toàn: Nên đấu thầu, phương án nào tốt hơn thì làm.

v. Bình luận thế nào về việc “tiếp cận năng lực và phẩm chất như hiện nay”?

Thầy Toàn: Hô khẩu hiệu không giải quyết được vấn đề.

vi. Bộ đang tính “Tăng cường tự chọn, giảm tải các lớp dưới, tăng tải lớp trên”,

Như trên đã nói: không thể cải cách bằng “giảm tải”. Không bình luận thêm.

Trong khi thảo luận, bên phía chủ nhà gặng hỏi, nên thầy Toàn đề xuất ba việc tổng quát:

(1) Tổ chức cơ chế đấu thầu: minh bạch phương án, phương án nào tốt hơn thì trúng thầu. Ví dụ: phương án phân ban. Có điều luật về đấu thầu, kiểm soát, trúng thầu.

(2) Tự do thực hành, tự do lựa chọn chương trình, đối xử bình đẳng

(3) Lập Forum để các nhóm làm sách công bố sản phẩm.

Về ý đấu thầu, thầy Đàm rất đồng tình với ý kiến của thầy Toàn, và định lập một nhóm “Máy Bay” để cạnh tranh với nhóm Cánh Buồm. Kiên quyết không để một nơi độc quyền sách giáo khoa.

Ngài Phó chủ nhiệm thay mặt Ủy ban phát biểu kết luận, tiếp nhận các ý kiến, đánh giá cao tâm huyết của hai thầy, hứa nghiên cứu sau. Ủy ban nhận thấy một tiếp cận mới, đồng tình với quan điểm dân chủ hóa, quan điểm đấu thầu và xã hội hóa việc làm SGK. Nhưng cũng xin giải trình rằng Ủy ban chỉ thực hiện công việc giám sát và phản biện, còn thực thi là việc của Chính phủ. Bộ sách được tặng sẽ cố gắng nghiên cứu.

Thày Toàn hình như cũng cám ơn lại, nhưng nhấn mạnh “cám ơn các em nhóm Cánh Buồm có lý tưởng đẹp, đã thực sự tạo ra một cái Mẫu việc làm Cải cách GD, là niềm vui cuối đời của một người già chưa hoàn thành nhiệm vụ với Đời…”,

Cuộc họp kết thúc lúc 11:15, hai bên bắt tay giao lưu và chụp ảnh lưu niệm. Không xảy ra vụ ôm hôn thắm thiết nào. Việc chụp ảnh diễn ra hết sức nghiêm túc như bức ảnh dưới đây cho thấy:

Thư kí: Trọng Tấn

1 (3)

clip_image003

2 (2)