Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn với Thơ Quỳnh

Phan Tấn Hải

Mở ra trang đầu thi tập Thơ Quỳnh chúng ta gặp ngay lời tự tình của Hoàng Xuân Sơn:
. . . quỳnh ám ảnh suốt một đời anh
có thể là một đóa quỳnh nào đó
nhú mớm từ vườn đêm thẳm sâu
có thể là một dáng quỳnh nào đó
vừa thức giấc vừa tan biến đi
trong giấc mùa đông côi góa
có thể là giọng điệu thơ quỳnh lơi lả
khỏa thể vào âm nghi. . .
.
clip_image001


Đó là một dòng thơ sang trọng, quý tộc trong cõi đời rất bình thường này. Và những hình ảnh cực kỳ thơ mộng trong chữ đã biến đời thường này trở thành một cõi thơ dị thường, tinh khôi. Thơ Hoàng Xuân Sơn lúc nào cũng thế, như trong cõi mộng, một nơi ẩn mật của ngôn ngữ.
Thơ của họ Hoàng y hệt như những gì anh kể trong thơ, rằng đó là những dòng chữ "vừa thức giấc vừa tan biến đi," và là những hình ảnh tuy lơi lả nhưng lại cô đơn như bóng trong gương, tuy khỏa thể nhưng lại vang vọng ngoài tầm tay nắm bắt. Thơ Hoàng Xuân Sơn như thế đó, cũng là mộng từ vườn đêm thẳm sâu.

Tập Thơ Quỳnh của Hoàng Xuân Sơn vừa phổ biến tuần qua, với ấn bản điện tử do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện.

Đọc lời Tản mạn về Thơ Quỳnh bản thảo do chính nhà thơ Hoàng Xuân Sơn tâm sự – chúng ta có thể suy đoán rằng có những câu thơ được họ Hoàng suy nghĩ, cân nhắc, lựa chọn trong thời gian lâu tới 25 năm.
Cần tới 25 năm để suy nghĩ về một chữ, về một câu, về một đoạn thơ? Bạn hãy hình dung thế này: câu thơ viết xuống từ thời tóc xanh, và khi tóc bạc rồi mới kết thúc bài thơ. Những người biết tính Hoàng Xuân Sơn sẽ không ngạc nhiên. Hoàng kỹ lưỡng tới từng chữ, chớ không nói chi tới toàn thi tập.

Hoàng Xuân Sơn viết:

"Bản thảo tập Thơ Quỳnh được hoàn tất vào mùa thu năm 1991, đến nay đã tròm trèm hai mươi lăm năm; một quãng thời gian khá gọi là dài cho sự chuẩn bị và ra đời một tập thơ. Cũng giống như đời sống, tất cả sự kiện, sự vật đều có cái duyên của nó. Trong trùng trùng duyên khởi cuộc nhân sinh, những hạt mầm vay mượn có hạt chắc và lép. Hạt chắc có cơ duyên nẩy mầm sinh sôi góp mặt với đời. Hạt lép đành làm phận lẻ loi ngậm ngùi nơi cõi tối. Nhưng có hề gì phải không?" (Thơ Quỳnh, trang 1)

Về cơ duyên để thi tập Thơ Quỳnh ra đời, Hoàng Xuân Sơn viết:

"Tạ ơn họa sĩ Đinh Cường đã vẽ tranh bìa, họa sĩ Trương Vũ phác họa chân dung kẻ viết; và dược sĩ Mai Tâm cất công trình bày bìa tập Thơ Quỳnh.
Gần đây nhất, một người bạn mới, anh T.Vấn; tuy sơ giao mà tâm ý đã tương tri nghìn dặm. Cảm ơn bạn hiền đã có hảo ý trình bày và cho phép Thơ Quỳnh được góp mặt trong Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu dưới dạng e-book để giới thiệu với bạn đọc trong thời buổi in ấn cực kỳ khó khăn.
Rất cảm kích quý bạn văn Nguyễn Thị Khánh Minh, Vũ Hoàng Thư, T.Vấn, Duyên, Trần Vấn Lệ, Trần Thị Nguyệt Mai. . . đã bảo ban lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu cho Thơ Quỳnh được thêm hương sắc..." (Thơ Quỳnh, tr. 2)

Tập Thơ Quỳnh hình thành trong lựa chọn như thế, nên mang những mảng sáng tạo khác nhau trong đời nhà thơ họ Hoàng. Bạn có thể gặp những bài thơ không vần, những bài thơ có khi một dòng chỉ một chữ... và rồi nơi trang gần đó sẽ gặp một bài thơ có vần, có khi là thơ năm chữ mang hồn cổ phong, có khi từng nhóm thơ bảy chữ rất mực cần trọng, và có khi tám chữ hay nhiều hơn.

Thí dụ, mấy dòng thơ kiệm lời trong bài có nhan đề thơ ngắn – chỉ ba dòng thôI:
tựa như mình
khóc
rỗi.
Hay như khi Hoàng Xuân Sơn viết thơ năm chữ với bài nhan đề hoa – chỉ bốn dòng thôi:
một buổi mai tịnh độ
vân yên hà đương say
mộng đời không ai giữ
thức dưới tạng hoa gầy
Chữ dùng có vẻ nhà Phật (tịnh độ) nhưng lại rất đời thường thi sĩ, khi nói về khói mây lãng đãng (vân, yên). Khi nhà thơ thức tỉnh dưới hoa, có phải Hoàng Xuân Sơn ám chỉ rằng hoa nhưng không thực là hoa, rằng "hoa gầy" phải chăng là một đóa quỳnh nào trước giờ vẫn "ám ảnh suốt một đời anh"... Thế đó, họ Hoàng không nói minh bạch, nhưng lời rất mực thiết tha.
Nhưng Hoàng Xuân Sơn không giấu được trong thơ nét lãng mạn, nét say đắm của ông. Bạn hãy hình dung rằng vào một đêm trăng có vài vầng mây, nghĩa là, trăng bị mây che bớt để khi tỏ, khi mờ, thế rồi một mùi hương thoảng qua, họ Hoàng thấy ngay là "mùi hương con gái"...
Trời ạ… sao mà nhìn trăng và ngửi mùi đêm nhạy cảm lạ lùng như thế.

Xin mời đọc họ Hoàng qua bài thơ nhan đề tưởng hương chỉ có sáu dòng ở trang 24:
mùi gái thoảng qua
mây trời bắt được
đêm
ẩn dưới tà trăng
bàng hoàng
nguyệt

Một điểm nổi bật khác nơi Hoàng Xuân Sơn là tấm lòng với bạn hữu. Độc giả có thể thấy trong tập "Thơ Quỳnh" nhiều hình ảnh bạn hữu của anh. Thí dụ, thơ tặng Hồ Trường An ở trang 21-22.
Hay như bài thơ ghi lại hình ảnh họ Hoàng đi bên thi sĩ Bắc Phong và chợt thấy một giai nhân tóc vàng ở trang 26, bài ngồi với bắc phong ở van houte với bốn dòng gói trọn trong chữ cả gió bay, cả tuyết đẫm, cả tóc vàng, và cả mùi hương thoảng qua:

gió thổi vào trong em tóc vàng
chợt thấy mình: hai đứa lang thang
má em thơm hay mùi son phấn
áo dạ mềm. tuyết. đẫm vai ngang
Thơ Quỳnh của Hoàng Xuân Sơn hay dị thường như thế... Cho nên, nhiều bạn văn nghệ đã có lời rất mực trân trọng.
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh viết về thi tập Thơ Quỳnh:
"Thơ bát ngát niềm trân trọng và hân thưởng. Tôi được học rằng, biết hân thưởng là một mỹ đức…
Ngoài trời, đang buổi xuân mưa thong thả, những hạt nhẹ như không kia là tơ trời? Và tiếng hát bao la, là mầu xanh mải miết trôi? Xanh cao chỉ lối. Xanh tơ ban tặng. Xanh đong đầy đồi, Thơ cũng mở ra niềm hy vọng." (Thơ Quỳnh, tr. 230)
T.Vấn, người trình bày thi tập cho Hoàng Xuân Sơn, đã viết:
"Một đời người. Một đời thơ. Dù cho có phải cạn sức, cạn lực, cạn hơi, cạn thở, cạn tiền, cạn túi vì thơ thì cái nghiệp ấy đã vận vào người, chắc thi sĩ Hoàng Xuân Sơn khó tránh khỏi.
Thôi thì nếu ông đã chọn sống cho hết nghiệp của mình thì tôi cũng hoan hỉ mà giúp ông một tay cho những chùm thơ Quỳnh này theo gió bay vào hư vô, để tiếng hót con chim Sơn đến được với nhiều người, nhiều nơi, nhiều lúc. Đến cả nhiều thế hệ đời sau." (Thơ Quỳnh, tr. 236)
Vũ Hoàng Thư ghi nhận:
"Có lẽ người yêu thơ Hoàng Xuân Sơn nên ở lại hoa viên để thấy thơ-như-hoa ấy nở cho chính mình từng đêm. Để nghe Thơ Quỳnh xướng lên giữa những giây phút cau mày trong cuộc lữ, một nháy động giữa muôn trùng, không là bất mãn trần gian hay đuổi xua thế cuộc, chỉ là một phút mong manh rất thơ và rất quỳnh, hiểu như là một loài hoa mà cũng là một tiếng ưu, tiếng hoài…" (Thơ Quỳnh, tr. 248)
Duyên ghi nhận:
"cơ duyên lạ. được làm quen, người thi sĩ
bạn Đinh Cường. mình, bạn nhau thôi...
anh nói vậy, và tôi hạnh phúc.
rất tuyệt vời. thi sĩ, Hoàng Xuân Sơn." (Thơ Quỳnh, tr. 250)
Trần Vấn Lệ ghi nhận:
"Năm nay, 2016, Hoàng Xuân Sơn để cho đời thi phẩm mới, Thơ Quỳnh. Nó không hẳn là Thơ mà nó là Hoa, nghĩa là nó vừa là Thơ vừa là Hoa, trước ngọn gió mới tôi nghe một mùi hương thanh khiết tỏa ngát dưới ánh trăng Rằm. Đọc thơ Hoàng Xuân Sơn, thấy thú vị. Hít thơ Hoàng Xuân Sơn, thấy mình như chu du không bờ không bến...Hoàng Xuân Sơn xa chính mình, kéo theo Huế xa cùng với người. Đời người ta có ai gần với ai mãi! Cõi người ta có chỗ nào không vướng víu tâm hồn!" (Thơ Quỳnh, tr. 254)
Trần Thị Nguyệt Mai ghi nhận:
"Cách đây hơn 30 năm tôi mới được dịp xem hoa quỳnh nở, tình cờ trong một ca trực đêm tại cơ quan. Từng cánh quỳnh như chờ đợi kẻ tri âm bung ra tỏa hương thơm dịu nhẹ. Hoa trắng, sang trọng, đẹp. Chỉ nở một lần rồi tàn tạ.
“Thơ Quỳnh” của Hoàng Xuân Sơn có phải cũng như đóa quỳnh kia chỉ dành cho người tri kỷ?" (Thơ Quỳnh, tr. 256)
Thi tập "Thơ Quỳnh" của Hoàng Xuân Sơn có thể hạ tải từ đây:
http://t-van.net/?p=31962
.