Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 12 tháng 7, 2017

Người đeo lục lạc (kỳ 3)

Truyện của Võ Bá Cường


Chương 3: Con đường Nguyễn Hữu Đang

Hôm còn nằm ở Hỏa Lò, nhiều lần Nguyễn Hữu Đang lẩm bẩm một mình. Cuộc đời như một giấc mộng. Cuộc thế như một bàn cờ, nếu đi sai một bước sẽ mất mạng. Ông đã biết mình “đi sai một bước” nên mới có mặt ở đây. Ông nhớ lại:...Cuối tháng 5, mùa hè 1938, một hôm Nguyễn Hữu Đang cuốc bộ đến trạm bưu điện ở một tỉnh lẻ, cách Hà Nội hơn 100 cây số mua báo. Trong báo hôm ấy có bài tường thuật buổi lễ ra mắt của Hội Truyền bá Quốc ngữ ở Bắc Kỳ tại sân quần vợt Câu lạc bộ Thể thao An Nam (CSA) có tới mấy nghìn người dự. Sự có mặt của Thống sứ Bắc Kỳ và Tổng đốc Hà Đông. Đốc lý Hà Nội, Chủ tịch chi nhánh Hội Nhân quyền Pháp. Bí thư Chi nhánh Đảng Xã Hội Pháp SF10 nhiều nhân sỹ Pháp, Việt Nam nổi tiếng đều có mặt. Nguyễn Hữu Đang chăm chú đọc, đọc đi rồi đọc lại bài báo để suy nghĩ, nghiền ngẫm để hiểu sâu sắc các chi tiết của từng vấn đề nêu trong báo.

Ông Đang biết đây là một bộ phận của cách mạng đang được thể hiện trên đất nước mình, trong sự công khai của Mặt trận Dân chủ mà ông đã từng có chân trong tổ chức ấy cách đây một năm. Ông thật sự hãnh diện và sung sướng, lòng ông rộn lên như tiếng chim; chỉ lát sau ông đã hạ quyết tâm "hoạt động cho Hội".

Đang là một giáo viên trong trường, cuộc sống tuy yên ổn nhưng buồn tẻ. Đây là dịp để mình được xông vào xã hội để tìm lấy cái không khí mới mẻ, thỏa mãn khát khao tìm lấy một sự nghiệp.

Hồi ấy ông cũng đang tập viết báo, thi thoảng ra sức gọt dũa một bài ngắn cho một tờ báo tuần của Mặt trận. Và tự nhiên lòng người thanh niên trẻ tự thấy thỏa mãn nếu được tham gia một tổ chức mới cho việc chống nạn thất học thì sung sướng biết chừng nào. Môi trường này, công việc này như chắp thêm cánh bay vào bầu trời mùa xuân.

Đã bắt đầu nghỉ hè, các trường đóng cửa, ông bàn giao công việc với trách nhiệm của giáo viên rồi xách va li về Hà Nội và xác định dù có khó khăn gì về cuộc sống, vật chất, cũng quyết vượt qua. Ông tìm đến những gia đình giầu có để kèm cặp trẻ nhỏ, lấy tiền sinh nhai hàng ngày, viết tin vặt cho tờ báo Pháp "Tương lai Bắc Kỳ".

Thoắt đến mùa thu, cũng vào buổi chiều, trên đường phố Cống Đục, bất ưng được gặp anh Đào Duy Kỳ, tay đang xách chiếc cặp cũ bằng bìa cứng đựng căng giấy tờ. Anh Kỳ là Bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ kiêm Chủ nhiệm tờ báo Thế Giới, Bạn Dân. Hai người bắt tay nhau. Anh Kỳ hỏi:

- Cậu đã biết Hội Truyền bá Quốc ngữ ra đời chưa?

- Có biết.

- Thế đã đến giúp việc chưa?

- Chưa!

- Vô lí quá! Cậu không làm việc ấy thì làm việc gì hơn? - Anh Kỳ hơi cáu, làm ông Đang bật cười, dằn từng tiếng: - Điều đó chưa chắc. Nhưng việc ấy nhất định sẽ làm, chưa đến được vì còn lấn bấn cái cần câu cơm. Mà đến đâu?

Anh Kỳ dịu giọng: "Đến Hội quán Trí Tri, phố Hàng Quạt ấy, đến đấy tìm Quản Xuân Nam". Thấy anh Kỳ có vẻ vội vàng, Nguyễn Hữu Đang không muốn làm mất thì giờ của anh, chủ động chia tay, chẳng cần biết Quản Xuân Nam là người như thế nào, giữ vai trò gì trong Hội. Anh Kỳ đi được mươi bước lại quay lại dặn với: "Đến ngay và nhận việc ngay đấy nhé". Ông Đang quay đầu lại gật lia lịa hai ba cái… Rồi ông lẩm bẩm một mình: Đứng trước hoàn cảnh đất nước "Một đau - Hai khóc" nếu không có người tài hơn đời thì sao xoay chuyển được thời thế. Những bậc kỳ tài, kỳ ngộ hết thảy đều qua học hành thi cử mà ra. Cách mạng rất cần người tài, có học. Chính phủ nên dùng lễ mà mời họ ra như vua Thang mời Y Doãn ở đất Sằn cày ruộng, vua Văn Vương thăm Lã Thượng ở sông Vị câu cá mời ra giúp nước. Anh Kỳ có lời như thế, mình có một "dúm" chữ sao nỡ chối không ra giúp tổ chức Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Ông Đang đến nhận việc, mới chỉ có lòng sốt sắng, chưa biết có làm nên trò trống gì hay lại chỉ làm vướng chân các anh. Qua trao đổi với anh Vũ Huy Trác, ông nắm được tình hình Ban Dạy học của các lớp khai giảng đã hơn một tháng ở hai khu trường Trí Tri và Thăng Long, học viên chưa ổn định. Trà trộn vào những học viên thật lòng còn có những phần tử tuy là dân nghèo song tư cách kém, giả vờ đến học để quấy phá hay lợi dụng…Ông Đang toan tạm biệt anh Trác thì Quản Xuân Nam đến, sau câu giới thiệu ân cần của anh Trác, như đã dọn đường lòng tin của anh Nam, anh niềm nở tiếp nhận "lính mới" vồn vã tới mức hứa đề nghị với cụ Tố và ông Phan Thanh cử ông Đang làm Phó Trưởng Ban Dạy học.

Đúng ba hôm ông nhận nhiệm vụ tình cờ gặp cụ Nguyễn Văn Tố đến thăm khu trường Trí Tri. Cụ đi rón rén để giảng viên, học viên không để ý. Tiếng động bước đi khe khẽ. Ông Đang giữ im lặng chào cụ và hơi nghiêng mình với con người mà lòng đã ngưỡng mộ từ lâu. Không ngờ cụ rạp người đáp lễ một cách trịnh trọng quá đáng làm ông Đang sửng sốt ngượng ngùng. Khi nói chuyện, cụ dùng tiếng "ngài" làm ông Đang càng lúng túng…

Ngay từ ngày còn ở Thái Bình và sau này ông đã nghe thấy tên cụ Nguyễn Văn Tố, là người khác thường, thông minh uyên bác, trong sạch giản dị như vị cao hiền.

Năm 1932 ông lên Hà Nội học, mỗi lần ra bờ hồ Hoàn Kiếm nếu đi theo phía Hàng Trống, Hàng Khay thường gặp một người trạc độ năm mươi; khỏe mạnh, trắng trẻo, thâm thấp, mặt vuông, mắt sáng, y phục dân tộc quần trắng, áo dài trắng, (có khi áo dài the thâm), tóc búi, đội khăn lượt, chân đi lẹt kẹp đôi hài Gia Định, tay cầm chiếc nón chóp, đó là Nguyễn Văn Tố, nhà Nho, Trợ lý khoa học Viện Bác Cổ Viễn Đông.

Trong bài viết "Người thuyền trưởng" của ông Nguyễn Hữu Đang có đoạn "Sáu năm sau, với sự thành lập Hội TBQN, tôi đã có cái may mắn được gần ông. Mới hiểu biết thêm, lại thêm lòng quý mến. Từ con người ông đã tỏa ra đức độ Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Thương yêu đồng bào, trung thực, thận trọng, khiêm tốn và hòa nhã, giản dị, xuề xòa, nhưng trong công việc cứng rắn, giữ vững nguyên tắc… Ông thuộc lớp người yêu nước, lấy con đường hoạt động văn hóa nâng cao dân trí làm sự nghiệp bình sinh của mình. Ông là người nhiệt thành hưởng ứng cách mạng Tháng Tám, tham gia Chính phủ Lâm thời, đứng bên Hồ Chí Minh trên đài tuyên bố ngày độc lập 2/9/1945 rồi đi kháng chiến với cương vị Bộ trưởng Cứu tế Xã hội đến lúc hy sinh…"

Việc truyền bá Quốc ngữ lúc bấy giờ được xem như cái nền tảng vững chắc, những kinh nghiệm phong phú cho phong trào Bình dân học vụ và Bổ túc Văn hóa. Cũng chính từ cái đốm lửa đó, từ nền dân trí còn thấp, sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng Bác nhân dân ta đã lập nên kỳ tích đến ngày 28/12/2001 - 94% dân số nước ta xóa nạn mù chữ.

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Văn Tố mới có dịp gặp nhau. Mến đức, trọng tài, Bác Hồ mời cụ Nguyễn Văn Tố ra giúp việc nước, nhận chức Bộ trưởng Cứu tế. Cụ Tố là Đại biểu Quốc hội Nam Định khóa I. Ngày 26/3/1946 trong kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, toàn thể Đại biểu nhất trí bầu cụ Tố làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, tức là Chủ tịch Quốc hội đến ngày 8/11/1946 cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế. Ngày 3/11/1946 cụ Tố lại giữ chức Bộ trưởng Không bộ trong Chính phủ.

Ngày 7/10/1947 Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến…". Thấy cụ là người chững chạc, nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược… Lúc biết đó không phải là Hồ Chủ Tịch, chúng đã bắn chết khi cụ tìm cách chạy thoát".

Nhà nước ta đã tổ chức lễ truy điệu cụ. Cụ Hồ đã giành những lời trân trọng sâu sắc để tưởng nhớ cụ Tố:

… Nhớ cụ xưa

Văn chương thuần túy, học vấn cao siêu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết

Mở mang văn hóa. Cụ dốc một lòng

Phú quý công danh cụ nào có thiết….

…….

Chính phủ khôn xiết buồn rầu

Đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc…

Nguyễn Hữu Đang nghĩ tuổi trẻ mình được sống với các vị Nho học uyên thâm như vậy nên những gì ưu điểm của Nho học đã ảnh hưởng tới tính cách, tư tưởng của ông nên ông thật gần gũi với gia đình cụ Phan Thanh, Tổng Thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ cùng dòng dõi học giả Phan Khôi. Các cụ là lớp nhà Nho cuối cùng đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Như cụ Nguyễn Đỗ Mục (mất năm 1949), Nguyễn Văn Tố, Võ Liêm Sơn (1888 - 1949) rồi ông đầu xứ Ngô Tất Tố. Nhưng mấy ai đã đi theo kháng chiến đến cùng như cụ Phan Khôi (1887 - 1959). Những dòng chữ ông Đang đã gạch mực đỏ dưới chân về đoạn văn Văn Cao tả Phan Khôi trong giây phút long trọng văn nghệ sỹ đi đầu quân: "Khi cụ bước lên bục, một cán bộ quân sự sợ cụ yếu đỡ cụ. Cụ đẩy tay anh ra. Trong thâm tâm cụ không muốn tuổi già được biệt đãi. Mắt cụ hơi ngơ ngác, nhưng trên khuôn mặt hơi nghiêm khắc, hình như thoáng một nét cười.

- Tôi là đoàn viên đoàn văn nghệ sỹ đi chiến dịch. Tôi được lên đây nói vì tôi nhiều tuổi. Già mà đi thì cũng lạ một chút… và tôi xin hứa rằng - Cụ dằn từng tiếng - Trong khi đi, tôi sẽ không dám phiền bộ chỉ huy, không phiền một ông vệ quốc nào đưa tôi về. Mục đích tôi đi chiến dịch là thế nào? Là nhìn vào sự thật mà viết…" Còn chị Phan Thị Thái viết về cha mình như sau:

"Người cũng hay giảng cho chúng tôi nhiều điều mà mãi mãi ba bốn năm sau chúng tôi mới được học ở trường. Một hôm người hỏi tôi: "Con biết Mác thích tính gì nhất không? "Tính thật thà". Tôi hiểu cha tôi muốn các con mình phải là người thật thà và thẳng thắn"

Lần nữa ông lại dùng mực đỏ tô đậm vầo dòng chữ: …"Cha tôi đã ra đi mãi mãi vào buổi trưa 16/1/1959 nhằm ngày 08 tháng 12 âm lịch tại Hà Nội. Người ra đi nhẹ nhàng trong yên lặng."

Bước vào Hội Truyền bá Quốc ngữ chỉ là một đoạn đường, đã gặp bao sự va đập ghềnh thác, nói chi đến cả cuộc đời người lúc lên thác xuống ghềnh để rồi khi bước vào Hỏa Lò mới thấm được tư tưởng Lão Đam "bất tranh" bỏ "tham thắng" biết "tri túc tri chỉ" là vậy.

Hôm ấy ông đã lấy hòn gạch non viết lên cái sân chạt nhà tù Hỏa Lò

"Hậu kỳ thân, nhi thân tiên

Ngoại kỳ thân, nhi thân tồn"

Hãy đi sau người ta rồi anh mới được đi trước, hãy nhường danh lợi cho người ta. Đừng đi vào con đường tranh giành quyền lợi của nhau thì thân anh mới còn. Những bài học ấy có được do ông học ở các nhà trí thức kể trên. Ông thường nói với mọi người Hội Truyền bá Quốc ngữ đã học được người xưa: "Xe một cữ - Chữ một khuôn" đấy là nói về sự thống nhất cao của tổ chức. Chứ không như bây giờ "một người, một ngựa, thi nhau chạy" thi nhau ra roi nên hậu quả khôn lường.

Ông chỉ tiếc hận sao không mãi mãi đi theo con đường của cụ Tố.

Chương 4: Những ngày ở gần ông cụ

Nhớ những ngày ở Hội truyền bá Quốc ngữ nên mình mới được gần ông Cụ. Hôm đó sau khi Thường vụ Trung ương họp để thông qua văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác trực tiếp soạn thảo và quyết định chọn ngày 2/9/1945 (ngày Chủ nhật) là ngày Lễ Độc lập. Sau này ông mới biết Tổng Bí thư Trường Chinh đã gặp Cụ Hồ để trao đổi về việc làm sao cho kịp, tổ chức cuộc mít tinh lớn, để Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào. Ông Mười Hương nhớ ông Trường Chinh bảo: “Lớn hay không là ở dân, ở các cậu có huy động và tổ chức được hay không? Nhưng ngày 2/9 phải thể hiện có ý thức văn hoá. Xem trong văn hoá cứu quốc có ai hiểu biết và làm được điều này. Cụ Hương giới thiệu Nguyễn Hữu Đang và Phạm Văn Khoa. Cụ bảo phải có hai con người ấy mới tổ chức nổi Lễ tổ chức đúng thời điểm ngày Tuyên ngôn Độc lập mà chính Bác Hồ đã ấn định vì không thể chậm hơn trong cuộc chạy đua thời gian với những diễn biến thời cuộc…

Ông Mười Hương là người gợi ý giao việc này cho Nguyễn Hữu Đang lúc đó ông là thủ lĩnh của hai phong trào đang có ảnh hưởng trong quần chúng và trí thức là Truyền bá Quốc ngữ và Văn hóa Cứu Quốc. Tổng Bí thư Trường Chinh biết quá rõ Nguyễn Hữu Đang một cây bút quen thuộc trên các tờ báo Thời Mới, Ngày Mới, Đời Nay…. Còn cả hai phong trào trên thì Tổng Bí thư lại là người trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động Văn hóa và lực lượng trí thức chuẩn bị cho Tổng Khởi nghĩa tháng Tám 1945. Hơn thế ngay tại đại hội Quốc dân Tân Trào Nguyễn Hữu Đang người đã vào Đảng 1943, nhưng tham gia tổ chức học sinh "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội" ở Thái Bình từ năm mười sáu tuổi nên đã được bầu vào ủy ban Giải phóng Dân tộc. Vì thế mà đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hữu Đang lo liệu công việc tổ chức ngày Lễ Độc Lập.

Thời điểm cuộc họp hôm đó, Nguyễn Hữu Đang có việc cần giải quyết gấp, nên đến nơi thì phiên họp vừa giải tán. Bước lên mấy bậc thềm, cụ Nguyễn Văn Tố từ phòng họp đi ra, cụ mừng rỡ chụp lấy tay Nguyễn Hữu Đang nói: "Anh vào ngay đi, Cụ Hồ đang đợi anh trong đó". Nguyễn Hữu Đang theo cụ Tố vào phòng họp. Đó là lần đầu tiên Nguyễn Hữu Đang được gặp mặt Cụ Hồ. Ông nhớ như in hôm đó là ngày 28/8/1945. Vì đó là thời khắc lịch sử phải được tính từng phút một. Nguyễn Hữu Đang đã kể lại mà Nhà thơ Phùng Quán đã tả trong Ba phút sự thật như sau:

"Ông cụ ngồi ở ghế tựa, mặc bộ quần áo chàm, tay chống ba toong. Cụ Tố kéo Nguyễn Hữu Đang đến trước mặt Cụ giới thiệu: "Thưa Cụ, đây là ông Nguyễn Hữu Đang, người mà phiên họp quyết định cử làm Trưởng Ban Tổ chức ngày lễ". Cụ Hồ nhìn ông với cặp mắt rất sáng, cặp mắt mà về sau này nhân dân cả nước đồn rằng có bốn con ngươi. Cụ nhìn ông Đang như muốn đánh giá người mà Cụ quyết định giao trọng trách. Cụ hỏi ông Đang với giọng Nghệ pha, rất giống giọng cụ Phan Bội Châu mà có lần ông Đang đã được nghe: "Chính phủ lâm thời quyết định làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2/9. Chú có đảm đương được việc tổ chức không?"

Ông Đang thầm thắc mắc, tại sao lại cho thời gian ngặt nghèo đến thế, có bốn ngày. Liệu có thể hoãn được không? Biết tâm trạng ông Đang, Cụ Hồ hỏi: "Chú có làm được không?" Ông Đang trả lời: "Thưa cụ, vì còn ít ngày quá nên rất khó khăn". Ông Cụ không giải thích chỉ động viên ông phải làm bằng được để xứng đáng với lòng tin cậy của Chính phủ. Ông hiểu không thể trì hoãn được, và ông hình dung ra tất cả khó khăn như núi mà ông phải vượt qua để tổ chức ngày đại lễ như vậy, trong khi mình chỉ có hai bàn tay trắng. Ông thưa với Cụ Hồ: "Thưa Cụ, việc Cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi". Cụ Hồ nói ngay: "Có khó thì mới giao cho chú chứ". Nghe Cụ nói ông thấy trong con người ông bừng bừng khí thế muốn lập nên được những kỳ tích, những chiến công vang dội. Ông thưa lại: "Thưa Cụ, Cụ đã nói như vậy, con xin nhận nhiệm vụ, con xin hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành trọng trách". Cụ Hồ đứng lên bắt tay ông, dáng bộ, gương mặt rất vui vẻ, bằng lòng. Cụ nói: "Chú về bắt tay ngay vào việc đi! Sáng ngày kia, chú đến báo cáo xem công việc tiến hành thế nào". Ông chào Cụ rồi ra về, khi vừa bước xuống hết những bậc thềm rộng thênh thang của Bắc Bộ Phủ, như chợt nghĩ ra điều điều gì liền quay lại phòng họp. Cụ Hồ vẫn còn đứng đó, Cụ hỏi ngay: "Chú còn cần gì nữa?" "Thưa Cụ, để hoàn thành trọng trách, xin Cụ trao cho con một quyền". "Quyền gì, chú cứ nói đi". "Thưa Cụ! Quyền được huy động tất cả những cái gì cần thiết cho buổi lễ, về người cũng như của…". "Được, tôi trao cái quyền đó cho chú. Nếu ai hỏi huy động theo lệnh của ai, cho phép chú được trả lời: Theo lệnh của Hồ Chí Minh". Như vậy Ông Cụ hiểu yếu tố "Con, Người" là cái cần thiết quan trọng nhất, người lãnh đạo phải có tâm đức trí tuệ vừa kiên quyết vừa uyển chuyển, điều hòa và cân bằng lấy. Cụ Hồ đã thu nhận tinh hoa của dân tộc, tiêu biểu là Nguyễn Trãi. Trong khoảng 500 năm dân tộc ta có được một nhà nho đạo hạnh, sau đó lại hiện ra một Hồ Chí Minh, hai con người đều là nhà văn hóa lớn của thế giới. Rõ ràng dân tộc ta đã tiếp nhận được cái hay của loài người (chủ nghĩa Mác). Không chỉ có tiếp nhận mà còn trả lại cho thế giới "Một thế giới nhân đạo"

Ông đang nghĩ ngợi thì Cụ Hồ giục ông về ngay để bắt tay vào công việc. Nguyễn Hữu Đang không về nhà mà đi thẳng lên Bộ Tuyên truyền, gọi dây nói cho các báo yêu cầu họ nghe ông đọc chậm một thông cáo thượng khẩn về một ngày Đại lễ mà ông nghĩ ra ngay một cái tên gọi rất hợp làm nổi bật ý nghĩa lớn là "Ngày Độc Lập". Tuy đêm đã khuya, các báo mới bắt đầu lên khuôn máy in. Ông ra lệnh vì đã được Cụ Hồ cho phép, họ phải đăng kịp thời vào số báo ra sáng ngày mai.

Đêm ấy 28/8/1945, Cụ Hồ thức suốt sáng để viết Tuyên ngôn Độc lập, còn ông Đang ở lại Bộ Tuyên truyền cũng thức suốt đến sáng để nghiên cứu kế hoạch chương trình tổ chức "Ngày Độc Lập".

Trời sáng rõ, ông nhờ ông Trần Kim Xuyến, Đổng lý Văn phòng Bộ Tuyên truyền liên lạc ngay với Trần Lê Nghĩa, Phan Văn Khoa ở Hội Truyền bá Quốc ngữ, Nguyễn Huy Tưởng, Lê Văn Lợi ở Hội Văn hóa Cứu quốc, Nguyễn Dực ở Đoàn Hướng đạo, Trần Lâm ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Thiện Căn (tức Cầm) nay là ông Nguyễn Văn Đáng và một số những bạn thận tín cùng hoạt động xã hội với ông nhiều năm ở Hà Nội để thành lập Ban tổ chức ngay tối 29/8/1945. Phân công nhanh, rồi phân tán, chạy tới tấp như cờ lông công vậy. Bộ máy ban đầu đơn giản, thậm chí thô sơ, nhờ sự hưởng ứng tham gia của đồng bào các giới nên sau khi ông Nguyễn Hữu Đang có bản thông cáo ngắn gọn của Ban Tổ chức Ngày Độc Lập, in trên trang nhất các báo ngày hôm sau với nội dung: "Ngày 2/9/1945 Chính phủ Cách mạng Lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, Tuyên ngôn Độc Lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm đóng góp công, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này xin mời đến Hội quán Trí Tri phố Hàng Quạt gặp Ban Tổ chức…"

Sáng hôm sau, đồng bào đã tập hợp trong ngoài, chật Hội quán, người ghi tên nhận công công tác, người góp tiền, góp vàng, góp vải vóc, gỗ ván… Nhiều người từ chối không lấy giấy biên nhận. Ông Đang mời mọi người họp chớp nhoáng và đưa ra ý kiến: Việc cần thiết trước tiên là phải dựng một lễ đài thật đẹp, thật lớn, thật uy nghi, xứng đáng với ngày lịch sử trọng đại của dân tộc tại trung tâm vườn hoa Ba Đình để Chính phủ Cách mạng Lâm thời đứng lên ra mắt. Vậy đồng bào hiện có mặt tại đây cùng chúng tôi đảm nhiệm trọng trách đó.

"Ông Đang vừa dừng lời, một người trạc ngoài ba mươi, ăn mặc lối nghệ sỹ, đeo kính trắng, bước ra nói: "Tôi là họa sĩ Lê Văn Đệ. Tôi xin tình nguyện nhận việc dựng lễ đài". Ông Đang bắt tay nghệ sĩ nói: "Tôi được biết tên tuổi anh từ lâu, và nhiều lần xem tranh của anh. Tôi xin thay mặt Ban tổ chức hoan nghênh nhiệt tâm đóng góp của anh. Nhưng, lễ đài độc lập là một công trình kiến trúc tuy dựng gấp rút tạm thời mà vẫn phải đạt những tiêu chuẩn không thể thiếu sự vững chắc, sự hài hòa công trình với tổng thể cảnh quan. Nói ví dụ như không vững chắc, mấy chục con người đứng lên, nó đổ sụp xuống thì ngày lễ coi như thất bại. Bởi vậy cần có một kiến trúc sư phối hợp với anh". Một người trẻ tuổi ăn vận chỉnh tề từ trong đám đông bước ra tự giới thiệu: "Tôi là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, cùng hoạt động Hội Văn hóa Cứu quốc với Phạm Văn Khoa. Hôm qua tôi được anh Khoa cho biết ý đồ của Ban tổ chức, tôi đã vẽ xong bản đề án thiết kế lễ đài". Anh Quỳnh nói xong thì trải cuộn giấy can sẵn cầm trên tay lên mặt bàn. Đó chính là toàn cảnh Lễ đài Độc lập mà sau này mọi người đã được nhìn thấy in hình trên báo chí. Bản vẽ thật đẹp, thật chi tiết, tỉ mỉ… Lễ đài với tổng thể vườn hoa Ba Đình, vị trí dựng lễ đài, chiều cao, chiều rộng mặt bằng, mặt cắt ngang, cắt dọc lễ đài, độ lớn các xà gồ, tổng diện tích mặt ván gỗ lát… Sau khi nghe anh Quỳnh thuyết trình, Nguyễn Hữu Đang xem xét cân nhắc rồi đặt bút ký duyệt bản thiết kế, đóng dấu Ban tổ chức. Nguyễn Hữu Đang nói với Lê Văn Đệ, Ngô Huy Quỳnh: "Ban tổ chức quyết định giao việc này cho hai anh. Các anh cần gì, chúng tôi sẽ lo chạy đầy đủ. Hiện nay chúng tôi có một kho ba nghìn thước len đỏ, cần dùng bao nhiêu các anh cứ lấy dùng. Lễ đài phải dựng xong trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Đúng năm giờ sáng ngày 2/9 tôi sẽ đến nghiệm thu. Chúc các anh hoàn thành nhiệm vụ".

Sáng ngày 31 tháng 8 năm 1945, Ông đến gặp Cụ Hồ ở Bắc Bộ Phủ. Sau khi nghe ông báo cáo ngắn gọn, đầy đủ mọi việc có liên quan đến ngày lễ, Cụ nói giọng hết sức nghiêm trang: "Chú phải nhớ, ngày 2/9 tới sẽ là một ngày lịch sử. Đó là ngày khép lại cuộc cách mạng tháng Tám và ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Ngày lễ Độc lập. Ông cùng Ban tổ chức đã thể hiện đúng ý tưởng của Cụ, và đồng chí Trường Chinh “Phải tổ chức ngày lễ “có ý nghĩa văn hoá”. Nên sau ngày Độc lập một vị khách nước ngoài có mặt, khi đó ông là sĩ quan trong đơn vị tình báo OSS của Hoa Kỳ, trong hồi ức của mình Archimedes L.A Patti viên thiếu tá chỉ huy trưởng đã thốt lên lời nhận xét về tính tổ chức cao của những người cách mạng Việt Nam cùng sự hưởng ứng mãnh liệt của dân tộc thể hiện qua buổi lễ lịch sử đó. Duy chỉ có một chi tiết nhỏ chưa được hoàn hảo đó là kế hoạch truyền thanh trực tiếp buổi lễ tại quảng trường để phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bị trục trặc nên tại quảng trường Norodom thành phố Sài Gòn không nghe được lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và trong kho lưu trữ Quốc gia, có thư của Bộ Tuyên truyền đề ngày 31/8/1945 gửi ông Thị trưởng Hà Nội về việc tổ chức ngày Độc lập có dấu tín hẳn hoi với nội dung:

Bộ Tuyên truyền Chính phủ Lâm thời sẽ tổ chức ngày 2/9/1945 "Ngày Độc Lập". Muốn cho ngày ấy có một tính cách thiêng liêng Ban Tổ chức chúng tôi yêu cầu ngài hạ lệnh cho các chùa chiền, nhà thờ mở cửa, quét tước sạch sẽ và đốt trầm hương suốt ngày hôm ấy để mừng ngày Độc lập.

Kính thư.

Nguyễn Hữu Đang.

Rồi hai lá thư gửi ông Thị trưởng Hà Nội liên tiếp nữa một thư yêu cầu ngài cho treo cờ ở vườn hoa Ba Đình và các dãy phố lân cận, và cho sửa soạn một chiếc cột cờ cao 12m, đầy đủ dây và bánh xe (Poulie). Thư khác yêu cầu ngài Thị trưởng thông báo cho các Phố trưởng để các ông ấy báo tin cho các nhà trong khu vực mình, các cụ muốn đi dự lễ sẽ đến họp ở Hội quán Khai Trí hồi 13 giờ trước khi đến vườn hoa Ba Đình. Hai thư trên đều do Nguyễn Hữu Đang ký.

Là Trưởng lễ Ngày Độc Lập do Cụ Hồ giao việc. Cái ngày người ta được chứng kiến một người râu đen, mắt sáng, mặc lễ phục kaki đọc bản mở đầu Tuyên ngôn Độc lập với một câu bất hủ: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng". Còn cái Lễ Đài Độc Lập như Nhà thơ Phùng Quán đã bình: "Lễ Đài Độc Lập là cái mốc giữa đêm dài trăm năm nô lệ và bình minh Độc Lập Tự Do của cả dân tộc đã thay đổi". Buổi lễ đã để lại trong lòng dân tộc cả nước một ấn tượng sâu sắc và đẹp đẽ. Bởi trên Lễ Đài Độc Lập, chiếc ấn vàng và cây kiếm tượng trưng của chế độ quân chủ Việt Nam đã được trưng trước quốc dân đồng bào, cáo chung cho triều đại phong kiến cuối cùng. Nguyễn Hữu Đang trên lễ đài Độc lập hai tay dâng cây kiếm cho Cụ Hồ. Trước quốc dân đồng bào, Cụ Hồ đã giơ cao thanh kiếm nói đanh thép: "Lưỡi kiếm này để trừng trị những tên hại dân phản quốc".

Những ngày làm việc trực tiếp với Cụ Hồ già Đang mới thấu hiểu "Ngày Độc lập" đến ngày Quốc khánh nó quan trọng thế nào.

Tình thế khẩn trương của ngày Độc lập 2/9. Ông cho đây là trận đánh cuối cùng sau bao chiến dịch đánh chủ nghĩa thực dân mùa thu 1945: Nó đi qua nhiều bước. Mỗi bước là một trận đánh.

- Trận vô hiệu hóa chính quyền thân Nhật.

- Trận đánh Tổng khởi nghĩa

- Trận đánh chính thức hóa nền độc lập nhà nước công bố long trọng với quốc dân đồng bào trong nước và trên thế giới

Ngày Độc Lập (2/9/1945) đánh dấu thời điểm thiêng liêng dân tộc ta "trở lại" độc lập một lần nữa, chứ không phải "bắt đầu" như nhiều người nói vội vàng.

Chiều tối 2/9 nghĩa là sau khi Chính phủ ra mắt quốc dân đồng bào ở vườn hoa Ba Đình, Bác Hồ về nhà ông Phạm Văn Bô do ông Nguyễn Lương Bằng giới thiệu. Đây là nhà buôn bông vải sợi ở 48 Hàng Ngang, giờ thành nơi di tích lịch sử. Bác bỏ áo ngoài vắt ở thành ghế, rồi Cụ nằm nghỉ ở cái ghế xếp nhà ông Bô. Cụ Hương và một số đồng chí Trung ương cũng có mặt ở đó. Cụ nói “Trong đời tôi ngày này là ngày hạnh phúc nhất. Không ngờ đồng bào đến đông thế, còn vui vẻ trật tự nữa. Trật tự đây không phải do các chú, là do khí thế và tính nghiêm chỉnh của đồng bào về ngày lễ Độc lập vì thế không đứa nào dám phá phách. Cụ khen cánh chú Đang tổ chức giỏi, khoa học và văn hoá.

Nhìn lại quá khứ khi dân tộc ta hình thành trên cơ sở dân cư lãnh thổ và chính quyền ổn định. Tập đoàn người "Lạc Việt" cũ bắt đầu có thế tự chủ dần dần được hoàn chỉnh và củng cố với ý thức mãi mãi giữ riêng quyền quản lý khu vực sinh sống của mình. Một nền độc lập có từ đó. Nhưng bị nước láng riềng Trung Hoa lớn mạnh "đã phát triển sớm hơn từ nghìn năm" uy hiếp và luôn xâm phạm nền độc lập của ta. Nền độc lập Lạc Việt, không thể liên tục tồn tại, mà phải nổi lên từng đợt chống ngoại xâm, với thời là Bắc thuộc, nền độc lập này lâu nhất kéo dài nhiều thế kỷ từ nhà Đinh đến nhà Nguyễn đã bị chủ nghĩa thực dân chấm dứt rồi kìm hãm suốt tám mươi năm nô lệ. Khỏi phải nói trước đây biết bao lần mất đi nền độc lập, rồi lại giành lại được, qua các cuộc chống xâm lăng, để lại những tên tuổi vinh quang. Mỗi lần chiến thắng là một lần chiến thắng oai hùng.

Chỉ đến 1945 thì nền độc lập của ta mới thật vững vàng vươn tới đỉnh cao của xã hội. Nền độc lập mà Cụ Hồ khẳng định trong bản Tuyên ngôn mở đầu "Ngày độc lập 2/9" tại vườn hoa Ba Đình xuất phát từ quyền lợi tự do, bình đẳng giữa mọi người và giữa mọi dân tộc.

Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu Tuyên ngôn bằng mấy câu rút ra từ hai văn kiện lịch sử nổi tiếng thế giới, được coi như biểu tượng nền văn minh tinh thần của nhân loại cuối thế kỷ 18. Tuyên ngôn độc lập của cách mạng Mỹ 1776: Trong đó có dân chủ và nhân quyền là linh hồn của độc lập" và tuyên ngôn con người. Và quyền công dân của đại cách mạng Pháp 1789. Độc lập trong châm ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là độc lập toàn vẹn, triệt để, bình đẳng trong quan hệ Quốc tế, đồng thời gắn liền với dân chủ, nhân quyền trong quan hệ nhà nước, công dân

Tư tưởng nhân văn tiến bộ ấy, cộng với lập trường dân tộc tự quyết, cứng rắn, với thắng lợi cách mạng Tháng Tám (gồm sự thể hiện khối đoàn kết dân tộc vùng lên giành độc lập, việc xóa bỏ chế độ quân chủ lâu đời, ảnh hưởng cố vũ phong trào giải phóng thuộc địa trên thế giới, và sau hết là xu hướng xã hội chủ nghĩa. Tiềm ẩn ở bên trong đã làm cho ngày "Độc lập" cắm một cái mốc đồ sộ trên con đường phát triển của Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho đời sống dân tộc. "Ngày Độc lập" đã đi vào lịch sử, và trở thành ngày Quốc khánh.

Ông nhớ lại hôm đến báo cáo với Bác Hồ về công việc chuẩn bị tổ chức ngày độc lập để nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày lễ, Cụ dặn: "Chú cần nhớ, đây là sự kiện lịch sử lớn kết thúc cách mạng Tháng Tám khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Ông Cụ vốn là người khi nói vẻ hồn nhiên, lời nói xuề xòa, dễ dãi song thật ra bao giờ cũng cân nhắc, từng tiếng, dùng từ chính xác. Rõ ràng "khai sinh" không phải là ngày "thành lập". Trân trọng "ngày độc lập", mỗi ngày Quốc khánh đến, chúng ta nhắc lại mục đích cuối cùng của dân tộc là hiệu quả " độc lập trong đời sống xã hội".

Chúng ta tự đặt lại câu hỏi "độc lập để làm gì?". Câu trả lời chính xác sẵn có trong châm ngôn của nhà nước: Độc lập để hưởng tự do (tức là dân chủ nhân quyền) và hạnh phúc (tức là đời sống vật chất được đầy đủ) châm ngôn là thế đấy. Nhưng với ai nó như đã cũ… đã quen… nhưng thực ra nó như khí trời ta thở hít.

Về cuối đời của Bác Hồ: Để chuẩn bị cho cái "chết" đến gần Bác không quên nhân dân còn thiếu tự do hạnh phúc trong câu cuối lời di chúc Ông Cụ tha thiết kêu gọi mọi người hãy góp tài năng, nhiệt tình công sức để đem lại cho đất nước dân chủ và phồn vinh.

Trước đấy, khi sơ kết sự nghiệp, cố nhiên chưa xong và Cụ suy nghĩ căng về lợi ích thiết thực của độc lập. Ông Cụ đã phát biểu đanh thép một câu bất hủ: " Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc thì tự do độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì".

Ôi câu nói đầy thiện chí và quan tâm, nhưng không phấn khởi như thấm thía một bài học về đấu tranh giải phóng ở các nước thuộc địa, như cảnh cáo các cơ quan đoàn thể có trách nhiệm giải quyết dân sinh như hạ quyết tâm tìm cách bổ sung sửa chữa, lại như tiếc hận mình đã không đáp ứng được mỹ mãn nguyện vọng và lòng tin của đồng bào…

Một nét tâm tư trăn trở, bịn rịn lúc xế chiều, ông viết: Thông cảm với nỗi băn hoăn day dứt, biết đâu Ông Cụ chẳng mang theo sang thế giới bên kia. tôi tưởng tượng ngày Quốc khánh sắp tới, từ một cõi vĩnh hằng nào, Ông Cụ ân cần nói vọng về đất nước quê hương trên trái đất câu đánh giá nghiêm khắc ấy, rồi cũng như cách đây 50 năm thân mật hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" Lần này quần chúng nghe rõ càng hay, nếu không thì nhờ kinh nghiệm bản thân từ lâu quần chúng đã thấy được như Lãnh tụ. Đấy là những gì già Đang đã rút ra được từ trong con người cách mạng Hồ Chí Minh, con người ông ngưỡng mộ kính yêu từ phút gặp mặt đầu tiên ở Bắc Bộ Phủ để nhận nhiệm vụ tổ chức "ngày lễ Độc lập".

Chương 5: “Đi Mai Côi thôi đường về”

Đi Mai Côi – Thôi Đường Về” Đó là câu ca xưa nói lên cảnh chết chóc thê lương. Người tù lội qua suối sang bên bờ bên kia lấy hai bàn tay ôm ống chân tuốt xuôi xuống, lông chân rụng hết. Họ nhìn nhau rồi lại nhìn ống chân mình thở dài. Có người lo quá cất tiếng khóc gọi “Mẹ ơi!” trong cơn sốt run cầm cập.

Phương tiện đi vào trại Mai Côi, Tân Lập những năm đầu chỉ có một chiếc xe đạp cọt kẹt và một cái thuyền nan để chuyển công văn tài liệu lương thực, thực phẩm. Trên quãng sông Hồng chảy từ Ngòi Lao vào họng Thác Dùng, nơi K2 của trại Tân Lập. Nước Ngòi Lao chảy xiết như lao xuống họng thác mà rợn óc. Chỗ nước xoáy đã dìm chết hai phạm nhân ngụy quân Sài Gòn mới chuyển ra, được Thượng sĩ Nguyễn Xuân Phòng cán bộ trại giam Tân Lập dũng cảm lặn xuống hai ba lần mới tìm được xác họ, giờ ông là Đại tá giám thị trại giam Thanh Lâm. Lại một lần nữa một phạm nhân đã lặn xuống gỡ rác cuốn trong tua bin cũng bị nước cuốn chết.

Lúc đầu người ta sử dụng khu đất ở làng Mai Côi nằm trong đất của hai địa chủ Lê Hộ và Bùi Văn Minh bị ta trưng thu 3/1946 cùng 3 gia đình nông dân phải di chuyển để lấy đất xây dựng trại. Người thầu khoán xây dựng trại Mai Côi là ông Lê Quang Thi với một nhà trung tâm chạy quanh tám mái, gồm tám nhà giam, một nhà hỏi cung, một nhà ăn, nhà ở cán bộ chiến sĩ. Vật liệu xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, có hai cổng đối nhau, xung quanh rào toàn bằng tre, ngoài hàng rào là giao thông hào bọc quanh, sâu lút đầu người.

Với 100 cán bộ chiên sĩ, ở đây có 35 tay súng cực giỏi. Đấy là những thanh sắt nguội trong trung đội vũ trang bảo vệ nhà giam. Trung đội trưởng Hà Khắc Phổ, đầu húi cua, dáng cao to, khỏe như chú lợn rừng đảm nhiệm. Hồi đó giám thị trại là Nguyễn Văn Thanh (1947-1954) và ông Võ Đình Nhân, nguyên phó cục trưởng Cục quản lý trại giam là người tìm đất xây dựng trại Tân Lập.

Ngày 6/12/1947 Công an khu X đã cử đoàn cán bộ đến kiểm tra nơi giam giữ đã có nhận xét: “…Trại giam Mai Côi do vùng khí hậu độc thiếu thuốc men chữa bệnh, chiếu chăn không có, trong mùa rét này, rất ái ngại cho họ” (Trang 10 trong 60 năm xây dựng và chiến đấu trại Tân Lập).

Người vào trại Tân Lập phải đi vào ban đêm, điện thoại đặt xa cơ quan, di chuyển cơ quan cũng vào ban đêm. Xe đạp không được đi trại vì để lại dấu vết. Đó là những quy định ngặt nghèo về phòng giam bảo mật của Ty Công an Phú Thọ ban hành sau Hội nghị Công an Toàn quốc họp từ 25 đến 29/1/1948.

Bảo mật thế, không hiểu sao cuối 1949 giặc Pháp cho máy bay đánh phá trại ác liệt. Nhiều phạm nhân trong nhà giam chạy không kịp bị bom chết.

Hồi đó tổ chức trại giam gọi là Cục Lao Cải đã hướng dẫn trại lập hồ sơ danh sách phạm nhân bị bắt trong giảm tô, cải cách ruộng đất, giám thị trại giam Tân Lập đã tiến hành xét và trả tự do cho những người bị oan không đáng giam giữ trong các đợt giảm tô và Cải cách ruộng đất.

Cục Lao Cải đã tiếp tục tiến hành khảo sát nghiên cứu tổ chức lại trại giam Mai Côi mới. Cục đã cử Vũ Đình Nhân làm giám thị. Ngô Văn Toán và Lương Sừng làm phó giám thị. Đó là tháng 8/1959, thời gian này Nguyễn Hữu Đang và nhóm Nhân văn cũng nhập trại Tân Lập, Mai Côi cùng đi phát ruộng hoang Cầu Lầy – Anh Vân – Soi Đẽn và khu đất hoang Bằng Thừa – Bằng Mo.

Những mái nhà tranh được dựng lên ở khu đất Soi Đẽn, hàng ngày phạm nhân mò trong nước, lội trong bùn, phát cây, cuốc cỏ trồng lúa, trồng sắn, trồng mía và chăn nuôi gia cầm. Quanh ngôi nhà đó là những đường hào sâu thăm thẳm. Ngày 7/7/1962 Bộ Công An ra Chỉ thị 15/VP-C51 về tăng cường công tác trại giam, người ta quản lý phạm nhân một cách nghiêm ngặt nhất là những tội phạm được quy là bọn phản cách mạng. Trại đã đặt ra bốn tiêu chuẩn để cho cán bộ cơ sở đánh giá phạm nhân.

-Thành thật tự thú hết tội lỗi còn giấu giếm, hoặc chưa nói hết, thực thà tố cáo tội lỗi đồng bọn phản cách mạng mà mình biết, dù chúng đã bị bắt vào hay còn ở ngoài xã hội.

-Tự nguyện, tự giác lao động.

-Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy không có lời phản tuyên truyền, hoặc hành động phá hoại.

-Tích cực đấu tranh chống những hành động vi phạm kỉ luật phạm nhân, tố cáo hành động phá hoại của kẻ khác một cách kịp thời.

Ở đây người ta thực hiện nghiêm túc phân loại phạm nhân. Số phạm nhân A1, B1 được giam riêng nơi kiên cố nhất. Nguyễn Hữu Đang, Thụy An,…và nhóm nhân văn đều được bỏ chung vào những giam hầm đó và bố trí “đặc tình’ đi sâu vào tư tưởng nhóm “Nhân văn”. Mọi cử chỉ dù là nhỏ nhất cũng khó qua được mắt cán bộ. Nguyễn Hữu Đang cùng nhóm Nhân văn hàng ngày được tập hợp ngồi xổm, trên nền đất để học tập chính trị, gọi là “nạo rửa” cái tư tưởng phản động của mình. Năm 1962 trại đã dành 4-5 tháng ngày công vào công tác “nạo rửa”.

Sau lúc “nạo rửa” cống rãnh lại được đưa lên đồi sưởi nắng hoặc lội xuống các thùng đấu đầy lau lách để phạt cây cuốc cỏ trồng cấy. Phải nói người ta đưa sản xuất nông nghiệp đi đúng hướng, phạm nhân được ăn no hơn và bắt đầu biết trồng cây, gây rừng làm nghề thợ rèn, mộc, làm thủy điện Thác Dùng.

Những ngày leo núi chân tay và trí óc Nguyễn Hữu Đang quằn lên sự đau khổ vì không được ở ngoài xã hội để đóng góp trí tuệ cho xã hội. Ông muốn giới trí thức văn nghệ sĩ hãy làm việc hết mình, như những người nông dân cày trên đồng ruộng, người tri thức đem cái đầu để suy nghĩ, để phát minh, để sáng tạo, ra cái mà nông dân lao động đang chờ đợi, nhằm thay đổi đời sống nhân dân. Thế mà giờ Nguyễn Hữu Đang vẫn phải bấm đốt ngón tay tính từng ngày nằm trong trại giam, với bao con mắt nhìn ông khinh rẻ. Ông như con lợn bị trói bên cạch là nồi nước sôi. Con lợn trói bốn vó nằm đấy hàng ngày phải nói chuyện, phải trả lời những câu chẳng đâu vào đâu mà ông chưa bao giờ nghĩ tới…với thầy quản. Ông sống như cái bóng khẽ động đậy, như cái máy cổ lỗ cũ kĩ mà người ta muốn tháo đi từng bộ phận để vất bỏ nó như đồ phế thải lúc nào cũng được. Đó là sự thực, cái sự thực trong nhà tù được đúc lại trong các buồng mà người ta gọi là “kiên”.

Đã có lần ông nói với người tù nằm bên cạch, ở Tân Lập sau này cũng được chuyển lên “Cổng trời” Hà Giang (Kiều Duy Vĩnh), hai anh em cùng khóa chung tay – cái khóa tù: “Tư tưởng và tác dụng của ngòi bút đúc kết bằng máu thịt của sự thực. Bao nhiêu tình cảm và hành động của con người xuất hiện theo chiều hướng ngòi bút. Ngòi bút quyết định một phần giáo dục con người. Ngòi bút tạo nên con người, nặng cho ngòi bút bao nhiêu vì những vinh dự và yêu cầu này đặt lên ngòi bút.” (Nguyên Hồng).

“Cái sự thật đen tối của chế độ cũ được xóa bỏ, trên nửa đất nước ta. Bây giờ đông đảo những người làm ra cuộc sống hôm nay của miền Bắc XHCN phải được hưởng sự thay đổi ấy. Sự thực của người dân miền Bắc là muốn cuộc sống no đủ, thân thiết, ước mơ, tư tưởng, những gì mà họ đã đi theo Cụ Hồ và cách mạng giành được, như vậy họ mới có lòng tin và tiếp tục theo Đảng. Những sự thực khác hẳn. Sau cải cách ruộng đất người mẹ ngồi cho con bú, nhìn ông chồng tối vác cầy về, khi anh ta vừa cầy xong thửa ruộng nhà mình mới được chia, cất lời bông đùa với con trai lớn đang ngồi tập viết. Nông thôn nhìn bề ngoài đã thay đổi nhưng lề thói làm ăn còn lạc hậu, đời sống biết bao chật vật. Ruộng đất giành được làm sao có sức sống mới? Có năng suất mới? Nhưng đằng sau sự hồ hởi ấy là bao gương mặt xót xa, nước mắt còn lã chã rơi vì sai lầm trong cải cách ruộng đất. Toàn Đảng toàn dân đang lo toan sửa sai”.(Nguyên Hồng).

Trước cảnh đó đã có tiếng nói cất lên của nhóm Nhân văn để mọi người phải suy nghĩ. Người ta nhắc tới Hungari, Ba lan đã kiến thiết XHCN hơn mười năm, mà vẫn còn những vụ đổ máu gây nên bởi phiến loạn và phản động.

Công việc của ngòi bút là viết nên sự thật đó. Sự thực đó đang đòi hỏi nhà văn cất lên tiếng nói, tiếng nói ấy phải chân thành, nó như luồng gió mát thổi vào lòng người mỗi sớm mai.

Ông Đang cùng số phạm nhân vần hòn đá xuống làm kè chia suối Ngòi Lao làm hai, đắp nửa bên tả trước, rồi mới đắp phía bên hữu. Ông muốn tránh chỗ nước “xói” mà không tránh được. Nước ngòi Lao hung dữ đã cuốn bao người xuống họng Thác Dùng. Hôm nọ có người lặn xuống móc rác cuốn vào tua bin, nước hút xuống làm anh ta chết. Tên người công nhân dũng cảm đó là ai, ông không biết được? Chỉ biết anh ta là công nhân Thủy điện Sông Đà-Quê Phù Ninh – Vĩnh Phúc. Nhìn vào hành động của anh công nhân đứng trước cái chết không sợ, chỉ lo làm sao có điện sáng ở Thác Dùng, ở xóm Ngòi Lao. Anh đã sống với cái tên thật của mình, làm chủ được tư tưởng và vận mệnh của mình. Trách nhiệm đó ngòi bút nhà văn phải nói lên được sự thực. Phải để người đời sau gặp lại gương mặt anh công nhân đó bằng trang văn. Anh ta hi sinh để ánh sáng điện được thắp lên núi rừng Tân Lập.

Anh công nhân quê Phù Ninh và mấy chiến sĩ công an trại Tân Lập cũng đã gửi xác mình cho sự nghiệp thủy điện Thác Dùng. Họ đâu có xót xa vì ham sống. Vì cái khát khao của cha mẹ họ là nay đất nước mình được làm chủ, ruộng đất đã về ta. Thế mà một người cầm bút như ông lại bó tay trước sự thật hào hùng đó. Ông bảo Kiều Duy Vĩnh “Mình thành thật đấu tranh cho Đảng, đi theo Đảng, chứ mình không như mấy thằng nói về Đảng như người “bán dầu cù là soen soét cái mồm là vì dân vì Đảng”.

Mỹ có âm mưu đánh phá ra miền Bắc, cho nên những phần tử nguy hiểm như ông Đang họ khép cho tội không chịu hối cải, thì cũng không cần đưa ra tòa xét xử chỉ cần tập trung cải tạo giam giữ và thời gian có thể kéo dài hơn (án cao su) chính ông cũng có lần cầm cuốc xẻng theo sự hướng dẫn của ông quản giáo đào hầm tránh bom Mỹ để chuẩn bị cho ngày ngồi tù tiếp theo dài hơn.

Ông nghe cánh phạm được đi làm tự do ở ngoài về đã thì thào với nhau “Mỹ mở cuộc tiến công “Mũi tên xuyên” sử dụng 64 chiếc máy bay hiện đại từ hai tàu sân bay đánh vào Hòn Gai, Thanh Hóa, cửa Hội Sông Gianh và sau đó có “Nghị quyết vịnh Bắc Bộ” đã được Quốc Hội Mỹ thông qua.

Cái tin đó đã ăn sâu vào trại, đọng lại trong ánh mắt hấp hém của người tù, họ không dám công khai nói chuyện với nhau về chiến tranh nhưng trong lòng ai cũng có sự phấp phỏng lo toan chờ đợi…Một cái gì sắp xảy ra…

Trại Yên Lập lúc đầu có mấy phân trại, sau chia ra tám phân trại nhỏ sơ tán ở các địa điểm, vườn cam nhà anh Bồ ở Phai Nón, đất nhà ông Dục ở Dốc Mo và Tiến Mỹ rồi Dốc Chinh, cầu Lầy và Mai Côi. “Mai Côi” là nơi khó khăn rừng sâu, núi thẳm ông Đang ở.

Ngày 11/6/1965 vào khoảng 12 giờ trưa. Bốn chiếc máy bay Mỹ bắn phá trại Tân Lập ở Dốc Bằng Mo. Do nhiều ngày sơ tán đã có phần mệt mỏi, Ban giám thị sinh ra chủ quan, nhân ngày chủ nhật cho phạm nhân ở lại trong trại không ra các nhà lô, máy bay địch đã ném bom trúng 6 nhà ở làm chết 23 phạm nhân, bị thương 60 người.

Do đó Bộ Công An đã đồng ý chuyển trại lên Hà Giang.

Tháng 10/1965 Nguyễn Xuân Liêm, Phó Cục trưởng cục C51 cùng một số cán bộ Cục đi tìm địa điểm sơ tán tại xã Xuân Giang – Bắc Giang – tỉnh Hà Giang. Và trại đã cử Huỳnh Thể, Huỳnh Giới làm nhiệm vụ mở đường xây dựng trại Hà Giang.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)