Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Lặn sâu vào dân tộc để sáng tạo cái mới: Thơ tiếng Việt của tác giả Cham

Inrasara


1. Truyền thống và hiện đại, tiếp thu và sáng tạo, tiếp nhận tinh hoa thế giới… là cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi đề cập đến văn hóa – hai thập niên qua. Lặp đi lặp lại đến thành nhàm. Nhàm và nhảm. Nhất là trong sáng tác văn học. Với văn học các dân tộc thiểu số thì càng. Bởi thực tế, chưa ai chỉ ra cho ta thấy cụ thể đâu là truyền thống văn học dân tộc. Từ Cham đến Tày, Khmer hay các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tất cả… Ta hiểu mơ hồ và làm mơ hồ. Từ đó xảy ra bao ngộ nhận.

Ngộ nhận, nên ta cứ đinh ninh mấy ê hê, thổ cẩm, thắng cố, vòng xòe, apsara, cái gùi, buôn plây phum sóc… là dân tộc. Cứ đùn thật nhiều ngôn từ cụ thể, lối nghĩ sơ giản, lối nói dân dã mộc mạc vào thơ là mặc nhiên ta đã đậm đà bản sắc. Không cần biết đến cách tân hay sáng tạo. Từ đó, ta vỗ về và ca tụng nhau, phê bình và nhận định tác phẩm của nhau. Mơ hồ vậy thôi, và không gì khác. Vô hình trung, các cụm từ trở thành khẩu hiệu sáo rỗng, mình hô cho mình nghe. Rồi thôi, và không gì hơn.

Bởi, gần nửa thế kỉ trôi qua từ khi đất nước làm một, đâu là công trình khoa học thật nền tảng về toàn cảnh văn học cổ điển Nùng, Dao, Êđê, Bana, Mông, Thái… được trình làng, để thế hệ sáng tác hôm nay có thể "tiếp thu và sáng tạo"? Không hiểu mình, ta hổng chân và mất đất đứng; không bnhận ra mình ở đâu để khởi đi từ đâu, ta dễ làm lang thang lạc lõng; không biết người thiên hạ đã đi đến đâu, hoặc ta đóng cửa ngồi lại với bản sắc hoặc ta hoang mang, mất tự tin.

Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Nhưng thế nào là bản sắc? Ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một/ những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa Cham? Ở phạm vi hẹp hơn, văn học chẳng hạn, đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn học Cham khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học đa dân tộc Việt Nam?

So với các dân tộc thiểu số khác, thế hệ sáng tác trẻ Cham có đôi chút may mắn hơn, có lẽ. Khởi đầu cuộc viết, họ được trang bị hành trang văn học dân tộc khởi từ nỗ lực không mệt mỏi của mấy thế hệ nhà nghiên cứu trước đó như: E. Aymonier, A. Landes, E.M. Durand, P. Mus, G. Moussay, Thiên Sanh Cảnh… để cuối cùng quy tập ở bộ Văn học Cham, khái luận - văn tuyển(1) ba tập của Inrasara ra đời vào năm 1995.

Đó là nền đất họ đã đứng, đứng để có thể tự tin bước đi.

Nhưng giữa bạt ngàn trang của những sử thi như Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, trường ca trữ tình như Ariya Bini - Cam, Ariya Xak Pakei, trường ca thế sự: Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Nau Ikak… đâu là cái tinh túy? Tinh túy đầy bản sắc, để các thế hệ tiếp nối dẫu luân lạc đến tận chân trời xa lạ nào, vẫn không thể đánh mất sợi dây kết liên với cuống rốn kia, khi sáng tác?

Đó chính là tâm hồn và tư duy Cham, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học: tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lí… biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực. Tâm hồn và tư duy tồn tại ngay trong cấu trúc ngôn ngữ, ẩn tàng gần như vô hình trong các tác phẩm xuất sắc nhất của nền văn học ấy(2).

Dù truyền thống kia bị đứt mạch hơn hai thế kỉ, khi hội đủ tố chất để thừa hưởng tinh túy kia, các cây bút trẻ Cham vẫn có thể biết "tiếp nhận và sáng tạo" từ kho tàng bản sắc văn học dân tộc. Những Bá Minh Trí, Diễm Sơn, Jalau Anưk, Sonputra, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên… – qua sự chuyển tiếp từ thế hệ trước đó không lâu: Inrasara, Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan… – thời gian qua, phần nào đó đã làm nên tiếng thơ riêng biệt của thế hệ mình. Và, cho dù họ làm thơ bằng tiếng Việt không phải là tiếng mẹ đẻ, hơi thở truyền thống thơ ca Cham cùng vài thủ pháp đặc trưng của cha ông vẫn được họ mang vào tác phẩm mới đầy sáng tạo.

2. Sau khi vương quốc Champa tan rã để hòa vào đất nước Việt Nam thống nhất, dù bao biến động của thời cuộc, xáo động của xã hội, li tán của dân tộc, các cây bút Cham vẫn cứ sống và viết, làm thơ và hi vọng. Nhưng viết, họ đăng ở đâu? Quan trọng hơn, họ có muốn xuất hiện như một tác giả biệt lập không? Đây là một câu hỏi gần như thừa, với đại đa số người làm thơ hôm nay. Thừa nên, rất ngớ ngẩn. Với Cham thì khác. Vô danh nằm trong truyền thống của văn chương Cham. Vô danh cả đến thời cận đại. Người đọc biết tên tuổi làm ra tác phẩm kia, nhưng người chép sách vẫn cứ không chịu ghi tên tác giả. Và lạ, cả tác giả cũng chẳng cảm thấy có gì nghiêm trọng ở đó. Vô danh đến gần cuối thế kỉ XX, khi ngoài kia nhà văn nhà thơ khắp thế giới hiện đại nỗ lực khẳng định cá tính qua phong cách độc đáo, khi thời kì văn học của "tác giả đã chết" sắp khai sinh, Cham cứ vô danh. "Su-on bhum Cam" của Jaya Mưyut Cam đăng trên đặc san Ước vọng được cho là bài thơ hay(3), không ít người biết Nguyễn Văn Tỷ là tác giả. Nhưng chỉ vài chục năm sau thôi, hầu hết người Cham ngâm đọc nó đầu làng cuối xóm mà không thèm biết ai là tác giả thực của bài thơ. Độc giả Cham vô danh hóa tác phẩm văn chương, để tha hồ tưởng tượng và sáng tạo.

Chưa muốn xuất hiện, không phải Cham chưa thật sự nhập cuộc vào đời sống văn học đương đại Việt Nam, mà thái độ này có xuất phát điểm từ quan niệm về văn chương. Tác phẩm văn chương là của chung mà "tác giả" chỉ là kẻ khởi xướng không hơn không kém. Từ đó mỗi tác phẩm mời gọi người đọc tham gia đồng sáng tạo, dù chúng là tác phẩm thành văn mang đậm dấu ấn cá nhân. Các Damnưy Cham được Ong Mưdwơn hát trong các lễ Rija là một trong những.

Trà Vigia làm thơ sớm, có thơ đăng trên nội san Panrang(4) ngay từ thuở Trung học. Sau Bảy lăm, anh vẫn viết đều đặn; còn hỏi có cần tập hợp chúng lại để ra mắt người đời không thì – không chút mặn mà. Inrasara tập tành ráp vần từ mười bốn, mười lăm mà mãi đến tuổi tứ thập mới gởi bài thơ đăng báo đầu tiên, in tập thơ đầu tiên. Jalau Anưk cũng hệt: Mười năm làm thơ đủ khả năng cho ra một tập sáng giá nhưng khi có người đề nghị in tập thì – chưa vội!

Một lối hành xử với văn chương chữ nghĩa rất Cham.

"Thấy rồi mới tìm.

Đạo sĩ Bà-la-môn khi đã rời bỏ rừng sống đời khất sĩ, trút mọi gánh nặng hay thành quả sau lưng, nhẹ nhõm như mây trời, làm cuộc phiêu lãng vô định và bất tận. Mãi mãi trên đường. Đường, có thể là đường phố hay con đường điền dã hoặc lối đi trong rừng, thậm chí đường hàng không – không vấn đề! Thơ ca nẩy sinh và ở lại trên con đường vừa đi qua đó.

Chưa đặt một chân sang bờ bên kia, chưa là người biết Paramārtha-vid mà đã xài chữ, đã vội vã “sáng tạo”, bạn chỉ dừng lại ở kẻ tập tò làm vần. Triết học Ấn Độ hoài nghi ngôn ngữ, cả thứ ngôn ngữ đã được nạo bỏ các thứ lớp sơn giả tạo, ý đồ. Viết ở bờ bên này, chẳng những bạn làm bẩn tư tưởng thôi mà còn xả rác vào chính ngôn ngữ nữa. Bước sang bờ bên kia, nếu bạn một đi không ngoảnh lại, bạn không thể trở thành một nhà thơ chân tính. Hiểu māyā, vượt bỏ māyā, nhưng bạn vẫn ở lại với māyā. Ở lại cùng và yêu thương māyā. Đấy là hành động cao cường của một Bồ tát-nghệ sĩ Bodhisattva-artist!"(5)

3. Nhưng thời đại hôm nay đã khác. Đặc san Tagalau 1, Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu Cham(6) ra đời vào mùa Katê năm 2000, sau mười một kì, đã trình làng hàng loạt tác giả thơ thuộc nhiều thế hệ cư trú ở nhiều vùng miền khác nhau. Từ bác tiều phu tuổi thất thập đến anh giáo viên trung niên vùng cao cho chí các cháu đang ngồi lớp cuối cấp Tiểu học trường làng. Thơ ngắn hay trường ca. Tiếng Cham lẫn tiếng Việt. Đây chắc chắn là mảnh đất lành cho thế hệ mới xuất hiện và thể nghiệm. Thử điểm danh: Huy Tuấn, Bá Minh Trí, Chế Mỹ Lan, Mih Tơm, Diễm Sơn, Sonputra, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Thạch Giáng Hạ, Trà Thy Mưlan, Shiyatna, Quỳnh Chi(7)

Dù mức độ ý thức và cách thể hiện mỗi người mỗi khác, tất cả đều tự thức về cá nhân và thân phận, về sinh thể mang tên con người là "tôi" trong lòng xã hội Cham giữa cộng đồng Việt Nam. Từ Jalau Anưk:

Nhễ nhại mồ hôi, xé lòng cơn đau đêm, lập cập run bi mìn sót lại.

Mẹ dội tôi vào đời, khóc oang oang, nhầy nhụa chiếc phòng, quờ quạng trong đặc sệt bóng tối, phủ lên palei gánh nặng một đời người.

Loài quạ thét trong đêm, tan tác bầy cú vọ, tiếng khóc vỡ òa đánh thức bầy gà lười gáy tinh mơ.

Đi cha tôi đi cánh tay trần gầy guộc, lôi không nổi bầy ngôn ngữ nằm sâu dưới vực, chiếc tàu gặp nạn, chìm vùi illimo.

Tôi cái thằng tôi trơ trẽn vỗ ngực, ngủ vùi cùng cái mác bảnh choẹ, láng coóng một cái đầu to hai mái rỗng tuếch bên trong, tỉnh vội soi gương thấy mình cũng chỉ là cái thằng Klu khờ khạo, mút mục ngón tay cái mà cứ tưởng là núm vú mẹ nâng niu ngày chào đời.

(Jalau Anưk, "Tôi")(8)

Cho đến Đồng Chuông Tử:

Tôi – hạt bụi cô đơn của trái đất…

Tôi bừng cháy.

Ta xóc hành trang đựng đầy gió

lên

đôi vai gầy gã trai Cham mơ mộng

cô độc đi…

(Đồng Chuông Tử, Thèm ăn, NXB Thanh niên, H., 2007)

Không phải những cái tôi như thể cái tôi lãng mạn thơ mộng thuở nào, hay cái tôi sơ giản chân chất đậm đà bản sắc, mà là cái tôi đầy hỗn độn nhiều bất trắc đồng thời biết phản tỉnh và dám tự lật trái mình. Lật trái để cười cợt mình. Lại Jalau Anưk:

Thuở ấy tôi đi
với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.

Thuở ấy tôi đi…
mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ.

(Jalau Anưk, "Tạ lỗi")

Tuệ Nguyên cụ thể và sát sườn hơn:

Tôi: kẻ không là gì cả

cuộc sống ân sủng và tôi được sống

những thân phận trôi giạt nhấp môi nhại giễu cuộc đời nhau

tôi học được cách cười gượng


Trong địa hạt của tình yêu chân lý và cái chết

tôi chỉ làm kẻ hành khất đứng chôn chân ở ngưỡng cửa

ôm mang cả nỗi thống khổ lẫn niềm vui… hớ

(Tuệ Nguyên, "Tôi: kẻ không là gì cả")(9)

Ngay cả Bá Minh Trí, giọng thơ lành là thế, vẫn biết "cười mình":

Thật cười buồn tôi

cho mình quan trọng dưới đầm lầy mắc cạn

(Bá Minh Trí, "Cười mình")(8)

Hiểu mình vừa bị đánh bật gốc khỏi nền văn hóa dân tộc qua cơn phấn khích đầy háo thắng trong cuộc vật lộn với cơm-áo-gạo-tiền, trong hướng vọng chiếm lĩnh đỉnh cao "tử số" [mọi sức rướn đang ngoi tìm tử số/ ngậm tiếng hát riêng lẻ – thơ Inrasara], tất cả họ thức nhận mình đang rời xa cội nguồn. Có thể nói, không người Cham trẻ tuổi nào khi cầm bút viết văn làm thơ mà không ý thức đến tồn vong của văn hóa dân tộc. Tại sao tôi viết thơ? Tại sao là tiếng Việt mà không là tiếng Cham? Văn bản này dành cho ai? Ai đọc nó? Và nó sẽ đi về đâu, ngày mai?

Cô gái hát khúc dân ca

Mãi nghe sông trôi về biển

Vẫn nghe mùa màng vọng lời ru đứt quãng

Đời mênh mông mênh mông…

Sân khấu trần gian

Em gọi vào đâu?

(Diễm Sơn, "Cô gái hát dân ca")(8)

Xưa, dẫu thống thiết như Pauh Catwai: “Sa bauh cơk tajuh gilaung/ Sibơr ka thraung bhap ilimo Một ngọn núi bảy nẻo đường/ Ngả nào cho thông văn hóa dân tộc?” hay trầm thống như Ariya Glơng Anak: Bhian drơp ngap ralo, piơh hapak khing ka thraung Sự nghiệp cao vời, cất giữ nơi đâu cho ổn?”(10) – ưu tư về sự tồn vong văn hóa dân tộc luôn đặt lên hàng đầu. Vẫn là câu hỏi đó, từng đặt ra với Glơng Anak, Pauh Catwai hai thế kỉ trước, hôm qua tiếp tục đặt ra với các thi sĩ Cham – không khác. Một câu hỏi lớn hỏi xuyên thế hệ. Thất bại: hỏi; thành công: vẫn hỏi. Mắc kẹt nơi vùng sâu vùng xa nghèo cực: hỏi; hay bật lên sáng rỡ giữa đô hội phồn hoa, câu hỏi vẫn chưa một lần làm vắng mặt.

Câu hỏi đặc Cham.

Câu hỏi từ thẳm sâu tâm thức mỗi "đứa con của Đất" dội vọng ra – đã, đang và sẽ mãi mãi đi tìm câu trả lời. Câu trả lời phải là tiếng đáp trả chân thành bật lại từ mỗi sinh thể mang sinh phận Cham. Từ tâm hồn "tôi", trước tiên. Sau đó, từ em, từ anh, qua bà con lối xóm rồi lan ra cả cộng đồng.

Phan Rang

nắng, gió và cát

biển xanh mênh mông hát

Hoa Tagalau tím nở đồi hoang

vin bóng những tháp Chàm

Tôi sinh ra nơi ấy!

Lớn lên cùng cây lúa, con mương

Đánh đổi tuổi thơ với khó nhọc

Để rồi chẳng ngâm được Ariya

chẳng viết được một chữ K

như lạ xa với dòng máu Cham

(Bá minh Trí, "Tự bạch")

Mùa đã thức

Ginơng đã vang

Xaranai đã véo von từ cõi xa xăm gọi bừng mặt trời ngái ngủ

Gọi lùi bước Yang toan đi

Gọi giật hồn tha ma lảng vảng

Gọi ầm ầm tapuk bhaw

Gọi phụt mạch nước ngầm trên mảnh vườn bén liếc gót chân thô

(Jalau Anưk, "Nhắn em")

Nhưng có phải để bảo vệ bản sắc, muốn ôm khư khư truyền thống mà các thi sĩ trẻ Cham hãi sợ ngó ra ngoài, không dám mạnh bạo đạp tung cánh cửa truyền thống để bước vào thế giới xa lạ mênh mông ngoài kia không? – Ngược lại là khác.

Ưu tư, tìm tòi và khám phá lại. Tuệ Nguyên đã dũng mãnh dấn bước trên con đường mù mờ đó. Thế giới thực là ở bên kia hiện thực đời sống ngày qua ngày, một thế giới mới lạ nhiều cuốn hút đòi hỏi phương cách chinh phục lạ biệt:

Tôi đang sống cùng thời đại với họ,

nhưng khi họ cứ mải mê dò từng bước để đi thì tôi lại nằm một xó tập bay

Ở đó mọi thứ đã hết còn mang bộ mặt đồng bộ, đơn nhất.

Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn

mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu.

(Tuệ Nguyên, “Những đoạn trích”)

Không ít thi sĩ trẻ Cham đã dứt áo ra đi. Bởi nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ gom góp để bảo tồn, họ sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Vẫn còn là chưa đủ, khi ta nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là bất di bất dịch. Vì ngay bản sắc cũng là các sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông cha ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau sẽ gọi là bản sắc điều họ đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua bảo vật cha ông để lại mà phải dám làm ra sản phẩm mới, có đóng góp mới.

Jalau Anưk thôi thúc thế hệ đi tới, cũng là cách tự hối thúc:

Đi đi em!

phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể

sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui

phố cũng thích Xaranai

phố cũng say đắm lòng tháp cổ

phố cũng rộn ràng với Ginơng

phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara

phố cũng hiểu Ariya

phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể

Đi đi em! Đi đi! – Mang hình em vào phố

tỏa hơi em vào phố

chìa cả sần sùi bàn tay em vào phố

và lớn lên cùng phố

phố sẽ trải ngực mình/ mở đôi vai mình

để lúc mệt nhoài em gối ngủ giấc trinh nguyên

phố không nuốt chửng em đâu

bởi phố trú dưới vòm trời – rộng lắm!

mà ở đâu dưới vòm trời cũng có những mái nhà cho cả em, anh

(Jalau Anưk, "Dưới vòm trời là những mái nhà")

"Phố không nuốt chửng em đâu", thì tại sao phải ngại ngần? Jalau Anưk hỏi thế. Mưtai di kraung, mưtai di thatik/ Thei mưtai di danaw kabaw mư-ik takai palei Chết nơi biển cả sông sâu/ Ai đâu lại chết vũng trâu ven làng – Ông bà Cham nói thế. Đồng Chuông Tử hiểu thế. Anh đi, dự tưởng một giấc mơ mới, giấc mơ sinh thành từ cái nhìn phóng chiếu về phía thế giới rộng lớn hơn, thuộc giai độ địa cầu:

trong giấc mơ xanh tươi của bầu trời tôi

trái đất đã cạn khô nước mắt từ những tiếng kêu nơi lịch sử tội tình trổ nụ

nhiều đời mây tí tách hiến thân vào nghi lễ cầu nguyện muộn màng

thế hệ bị doạ nạt cấp tính khát khan vòm vọng

một giờ cho trái đất

sự hưởng ứng hờ hững, qua loa, nửa vời.

một giờ cho trái đất

lồi lõm buồn vui không gian tôi.

(Đồng Chuông Tử, "Một giờ cho trái đất")

4. Sống xen cư và cộng cư với người Việt, tiếp nhận thơ dân tộc Việt ngay từ thuở bập bẹ abc, nhưng Cham có lối nghĩ khác. Sống dọc bờ biển Duyên hải Nam Trung Bộ, khác với các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, các thi sĩ trẻ Cham viết khác. Khác từ cách thể hiện đến lối phản biện xã hội.

Phản biện của các cây bút Cham "đa dạng và đa diện hơn, sâu thẳm và dữ dội, đồng thời sâu cay và chua chát hơn. Sỏi đá và mảnh đất quê hương, ở nơi ấy họ thấy em bé sứt môi, những phận đời trôi giạt, hồi chuông và những mảnh vỡ, nhất là đêm và những giấc mơ. Bao nhiêu giấc mơ đa chiều và vô lượng chiều. Hoang mang, thất thố, hụt hẫng, chán chường, mỏi mệt. Tuyệt vọng và hi vọng. Ngôn ngữ Cham độn tiếng Việt, mấy đám trẻ học đòi, thế hệ già bảo thủ, những đứa con hư hỏng nổi loạn và bất trị, những đứa con yêu cuồng dại tự do (Tuệ Nguyên), chối từ và ghì níu, ôm ấp nâng niu hay khinh miệt chối bỏ. Tất cả.

Ai như em dán dính mình bằng quần Jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?

Ai như em bập bẹ Cham, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm avian flu?

Ai như em ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas?

(Jalau Anưk, “Ng.”, Tienve.org, 2006)

Đây không phải do khác thế hệ. Hoàng Thanh Hương cùng thời với Jalau Anưk, đề tài thơ mãi quẩn quanh “Lời cầu hôn của rừng”, “Lời tượng”, “Lời ru”, “Tiếng đàn goong”, “Buôn xa”… hay Hoàng Chiến Thắng (1980, Tày) đồng trang lứa với Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, nhưng thơ cứ giản dị, chân chất. Trong khi Hoàng Chiến Thắng mắc kẹt nơi “Bài ca người gánh lúa”, “Đàn bà núi”, “Câu Sli đánh rơi”, “Đi tìm lời ru”, “Gọi ngày xuống núi”, “Vụ mùa”, “Theo bóng núi”, “Xa núi”... không khác một Dương Thuấn thuở nào (Gọi ngày xuống núi, NXB Hội Nhà văn, 2008) để mà ôm ấp hay tiếc nuối, ngợi ca và hi vọng thì Tuệ Nguyên đã đẩy vấn đề tới tận cùng. “Ở nơi ấy như tôi thấy”, “Nghệ sĩ ban mai & bé gái sứt môi”, “Đêm”, “Truyện mi kể”, “Mặc”, “Hắn và giấc mơ”, “Những mảnh vỡ”, “Chúng ta là những kẻ đáng thương”... đầy phản tỉnh và phản biện.

Càng không phải do các cây bút Cham đã về thành “hội nhập” làm người phố chợ. Hoàng Chiến Thắng không đang là học viên Khoa Viết văn thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là gì! Mà là khác ở tư duy. Thứ tư duy cần đến sự làm chủ vốn từ vừa phong phú vừa trừu tượng. Tư duy đó đòi hỏi cái nhìn khác về thế giới xung quanh. Đa số nhà thơ Cham không nhìn hiện thực một chiều mà nhiều chiều. Họ hiếm khi tô hồng cuộc sống mà phản biện đời sống xã hội đương đại – phản biện chính con người mình trong xã hội họ đang sống ấy. Nhìn khác và thể hiện khác.

Chính cảm thức mới đã tạo nên sự khác biệt lớn"(12).

5. Tư duy đó đòi hỏi một lối viết khác. Các cây bút trẻ Cham tiếp nhận cha ông, bên cạnh họ không từ chối vận dụng mọi thủ pháp học được từ bên ngoài. Hiện thực, hiện thực huyền ảo hay siêu thực, hiện đại với hậu hiện đại, cả tân hình thức hoặc thơ trình diễn.

Khi kẻ thắng đuổi kẻ bại chảy lòng vòng
tôi làm kẻ đứng nhìn
khắc ghi tên mình trên mặt biển.
Tôi đi vào con đường không có bảng chỉ dẫn
mỗi lần lầm lạc tôi bắt đầu đánh dấu.
Sự sắp đặt đã đánh lừa cuộc sống
của tôi
của em
và của tất cả.
Những kể lể về việc tự nhủ với thành bại vinh nhục
thúc đẩy tôi quen dần với đời sống ma thuật.

(Tuệ Nguyên, "Những đoạn trích")

Lối ngắt đoạn để mỗi đoạn thơ có thể đứng biệt lập tách khỏi một bài thơ như của Pauh Catwai được Tuệ Nguyên "tiếp thu và sáng tạo" khá thành công. Đây là thể thơ thích hợp với lối tư duy phân mảnh hậu hiện đại(13).

Nhưng chỉ thế thôi, ngoài một số rất ít người viết Cham dùng lại thể thơ tự do có vần với nhịp điệu thuận tai, còn lại hầu hết đã cắt đứt với mọi thể thơ "truyền thống". Họ chọn lối thơ tự do không vần và nhịp chỏi, hoặc thể thơ xuôi khả năng chuyển tải tâm thế giới trẻ trong thế giới hiện tại phồn tạp. Ở đó, Tuệ Nguyên vận dụng nhuần nhị thủ pháp phi tâm hóa thể loại, xóa bỏ ranh giới truyện rất ngắn và thơ. Jalau Anưk xáo trộn cả ba thứ tiếng Anh - Việt - Cham trong cùng một bài thơ. Lối ngắt câu, vắt dòng, dấu chéo, dấu gạch ngang được nhiều người tận dụng - triệt để. Thứ ngôn từ thông tục, thô ráp của đời thường được sử dụng vô ngại bên cạnh những ngôn từ đẹp đầy tính "văn chương".

Cả cách xuất hiện của các thi sĩ trẻ Cham cũng khác. Thế giới mở, văn hóa internet ra đời tạo không gian mênh mông cho giới trẻ thể hiện. Có thể in photocopy như Tuệ Nguyên hay in chính thống như Đồng Chuông Tử, hoặc chỉ chọn Tagalau đặc san riêng Cham để kí gởi sáng tác của mình như nhiều cây bút mới khác. Chưa vội ra mắt, hoặc nếu có thì chỉ chọn mạng internet để đăng tác phẩm mình, như Jalau Anưk(12). Trình diễn thơ, bạn trẻ Cham cũng không chừa(14). Nghĩa là tất tần tật.

Đây là điều chưa một nhà thơ dân tộc thiểu số khác nào thử làm, cả tên tuổi được xem là trẻ(15). Nữa: Trụ lại quê hay vào thành phố hoặc chuyển khẩu ở hẳn tại trung tâm văn hóa - kinh tế lớn, với các cây bút trẻ Cham - không vấn đề gì cả. Nhưng lạ, rất ít người ở thế hệ này muốn gò mình sinh hoạt hội đoàn các loại.

6. Dù gì thì gì, dẫu có phiêu lưu khai phá tới đâu, dẫu cư trú tận đất trời nào, thi sĩ Cham thuộc mọi lứa tuổi vẫn chưa bao giờ vĩnh viễn rời xa nguồn cội.

Anh đi

tìm hạnh phúc lứa đôi hay tìm bóng hình apsara vụt mất

trong xa xưa từ nắng, gió, cát

điệu múa kỳ ảo quen thuộc

ngỡ như có âm vang tiếng trống ginơng giữa tiếng mưa tha hương

Giật mình...

hồn quê hương chợt thức trong anh.

(Sonputra, "Mưa, vạt nắng và anh")

Cát, nắng và gió réo gọi. Vũ điệu apsara vẫy gọi. Hồn quê hương Cham thức gọi. Một lần trong muôn ngàn lần nữa, họ lần tìm lại con đường quê hương để làm cuộc trở về:

Con đường quê hương lưu lại trong tôi bao cảnh đẹp thơ mộng
cánh đồng trú mình trong vòng tay ôm của dòng sông lở loét và khu rừng còi cọc đâm đầu về ngọn
Cabbang che khuất tầm nhìn
nét nhát chẻ thôn nghèo Caklaing thành hai mảnh
như dang tay đón
như tiễn đưa
những đứa con tha phương
những du khách
cả nền văn minh chỉ còn là vết tạp nham…

Ôi! con đường đã dìu tôi vào đời
nay đã phẳng lặng bởi nét son đô thị hóa
vác trên mình ngàn khối bê tông của những ngôi nhà hai bên lề
còn đâu những nhịp thở của bước chân cô đơn thì thầm với sỏi đá
còn đâu đàn bò nhởn nhơ với cỏ dại hai bên lề đường
còn đâu giàn nho và đồng lúa xanh ngào ngạt hương
nhưng
giữa dòng người vô tình qua lại

Con đường lẩn vào đời sống quê hương. Lặng lẽ.

(Tuệ Nguyên, "Con đường quê tôi")

Chỉ khi những đứa con tha phương trở về như là trở về, thì mọi truyền thống và hiện đại, tiếp thu và sáng tạo, tiếp nhận tinh hoa thế giới,… thôi còn là những cụm từ, mấy khẩu hiệu vô hồn bật ra ở đầu môi chót lưỡi, mất hết sức nặng vốn có của chúng.

Chỉ khi đó thôi, thi sĩ mới tìm thấy mình an cư ở Nhà như là nhà mình giữa miền sỏi đá Quê hương.

Sài Gòn, 2014

_

Chú thích

(1) Inrasara, Văn học Cham I, Khái luận - văn tuyển, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994; Văn học Cham II, - Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995; Văn học dân gian Cham - Tục ngữ, Thành ngữ, Câu đố, NXB Văn hóa Dân tộc và Đại học Tổng hợp TPHCM, 1995.

(2) Về khác biệt trong cách nói và cách nghĩ giữa Cham và Việt, xem: Inrasara, "Về hai cách nói", tạp chí Tia sáng, 20-1-2010.

(3) Nguyễn Văn Tỷ, “Su-on bhum Cam” ("Nhớ quê Cham") bài thơ dài 29 cặp lục bát, đăng trong Ước vọng I, nội san của Trường Trung học Pô-Klong cũ, 1969.

(4) Nội san Panrang, Tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Ninh Thuận, do Thiên Sanh Cảnh làm chủ bút, xuất bản được 8 kì (1972-1974).

(5) Inrasara, "Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ", Tienve.org, 2008.

(6) Tagalau 1, Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu Cham ra đời vào mùa Katê năm 2000, đến 2010 đã ra được 11 số, in ở nhiều nhà xuất bản khác nhau.

( 7) Huy Tuấn và Diễm Sơn sinh năm 1972, Jalau Anưk và Chế Mỹ Lan sinh 1975, Bá Minh Trí - 1979, Đồng Chuông Tử - 1980, Tuệ Nguyên - 1982, Sonputra - 1984, Trà Thy Mưlan - 1988, Thạch Giáng Hạ - 1991…

(8) Các trích đoạn thơ Jalau Anưk, Bá Minh Trí, Sonputra và Diễm Sơn được trích từ đặc san TagalauVăn học Cham hiện đại – Thơ, NXB Văn học, H., 2008.

(9) Các trích đoạn thơ Tuệ Nguyên được rút ra từ tập thơ Những giấc mơ đa chiều, NXB Hội Nhà văn, H., 2009.

(10) Xem Inrasara, Văn học Cham I, Khái luận - Văn tuyển, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.

(11) Inrasara, "Nhập cuộc về hướng mở", Tham luận tại Hội thảo khoa học Văn học Nghệ thuật với hiện thực đời sống đất nước hôm nay của Hội đồng Lí luận Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Đà Lạt, 12-7-2010; tạp chí Nhà văn, 9-2010.

(12) Tuệ Nguyên, các tập thơ in photocopy: Khúc tấu rối bù, 2007; Ch[tr]ào & Những vết bẩn (2008) và Những giấc mơ đa chiều, NXB Hội Nhà văn, H., 2009. Năm 2008, Tuệ Nguyên đã in ồ ạt sáng tác của mình trên website Damau.org, Tienve.org…. Đồng Chuông Tử, Thèm ăn, NXB Thanh niên, H., 2007; Mùi thơm của im lặng, NXB Hội nhà văn, H., 2009. Các sáng tác của Jalau Anưk chủ yếu đăng trên website Tienve.org, Inrasara.com và đặc san Tagalau.

(13) Từ thể ariya Cham, hình thành một thể khác: pauh catwai (như thể ariya) mà mỗi cặp lục bát đều đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh, một châm ngôn với đầy đủ ý nghĩa nhưng được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà vẫn thống nhất ở giọng điệu, tư tưởng. Thử đọc một đoạn trong Pauh Catwai:

Suy tư theo dòng đời

Viết Poh Chatôi qua lời thơ

Đá nổi mà vông chìm

Là không dưng kiến ăn tươi kiến

.

Mưa giọt một giọt hai

Nhặt vào bầu rồi treo lên gióng

Rẻo cao vang tiếng sấm

Nguồn sâu xuống tận chốn rừng thưa.

Tôi đã tiếp nhận "truyền thống" này để làm ra “Bài thơ không viết” (Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997):

Có những bài thơ không viết bao giờ

Không phải bài thơ tôi không muốn viết

Nho độ nhụy đầu mà trời làm rét

Vạn chùm xanh bỗng cọc giữa mùa

Cặp tình nhân hãi cả ước mơ

Chịu chôn đứng bên này bờ thường nhật

Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật

Trăm ngõ ra chẳng lấy một lối vào…

(14) Đồng Chuông Tử và Tuệ Nguyên tham gia Trình diễn thơ tại Festival Thơ - Huế 2010.

(15) Ở tiểu luận "Nhập cuộc về hướng mở", tôi đã thử đi sâu phân tích vài khác biệt giữa thơ tiếng Việt hiện đại của các tác giả Cham và các dân tộc thiểu số khác.