Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Từ dọn sạch vỉa hè tới miếng cơm đường phố

Lê Công Tư

Không khó lắm để có thể nhận ra có ba nhóm thường xuyên chiếm dụng hè phố để mưu sinh, trả nợ cho cuộc áo cơm. Nhóm thứ nhất là những ngôi nhà mặt tiền đã không bỏ lỡ cơ hội sử dụng luôn cái vỉa hè trước nhà để mua bán, giữ xe, thành phần thứ hai là những người sống trong hẻm trên con đường đó chiếm một khoảng nhỏ để bán vé số, nước giải khát, … Thành phần cuối cùng là những kẻ tha phương cầu thực, kiếm cơm trên vạn nẻo đường mà hè phố là chính, bởi quê nhà đã không còn đủ khả năng nuôi sống nổi những con người này.

Vỉa hè dọc theo bờ sông Hàn ở ngoài Đà Nẵng có lẽ là đẹp nhất nước, thanh lịch nhất nước, đẹp từ màu viên gạch cho đến kích cỡ viên gạch. Nhưng trên vỉa hè thỉnh thoảng vẫn có thể thấy một xe bán nước mía dưới một tán lá cây bên vỉa hè hay một người phụ nữ lớn tuổi có khuôn mặt hiền khô ngồi bán trái cây. Hình như những hình ảnh này đã giúp cho thành phố đáng yêu hơn một chút. Hà Nội cũng thế: một trong những cái hấp dẫn của thành phố này là những gánh hàng rong dọc hè phố chứ chưa bao giờ là những nhà hàng sang trọng. Cái đám du khách da trắng thực sự bị hấp dẫn vì những hình ảnh này.

Lấy lại lòng hè phố dành cho người đi bộ là hoàn toàn chính đáng. Diện mạo thành phố trở nên dễ nhìn hơn, thoáng đãng hơn, sinh hoạt trông có vẻ văn hóa hơn. Nói tắt một lời là nó hơn hẳn trước đó lúc nó bị chiếm dụng, về mặt mỹ quan đô thị. Cái vấn đề chính mà tôi muốn bàn ở đây là cuộc mưu sinh của thành phần thứ hai – những con người không có một thứ nghề nghiệp gì rõ ràng cả – và thành phần thứ ba – xem ra còn tệ hại hơn nữa vì nhà cửa cũng không có, ăn nhờ, ở đậu bên những mái hiên đời.

Không khó để có thể nhận ra cuộc mưu sinh của họ bị đẩy vào cái thế khó khăn cùng cực vì hầu hết đều không kịp trở tay. Không đơn giản một chút nào cho những gia đình đã có hai ba chục năm sống bám vào vỉa hè, đường phố rồi bỗng một ngày một đêm mất trắng con đường, một sinh lộ. Trong lúc dọn sạch vỉa hè, liệu những ai đang lãnh đạo đất nước này có nghĩ đến những đứa trẻ, con của những thành phần thứ hai, thứ ba? Buổi sáng chúng ăn cái gì để đến trường? Lấy tiền đâu để đóng học phí? v.v. Sẽ có nhiều đứa trẻ sẽ không thể đến trường được nữa vì ba má chúng mất một chỗ kiếm sống từ bao đời nay.

Cái mục đích cuối cùng của những cuộc cách mạng mà những người cộng sản muốn hướng đến là cố tìm cho những kẻ bần cố nông, vô sản một chỗ đứng. Và khi hô hào phát động những cuộc cách mạng thì cũng chính những con người nghèo khổ này tự nguyện vác súng ra trận trước tiên. Và lạ lùng thay, lúc cách mạng thành công thì cuộc sống của họ như thể vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Đã hơn nửa thế kỷ rồi, sự nghèo khó, bần cùng như thể vẫn còn nguyên vẹn đó. Khốn nạn hơn thế nữa, cái cách lấy lại cho bằng được vỉa hè bằng bất cứ giá nào, vội vã như đang được chứng kiến đã khiến cho thành phần thứ hai, thứ ba trở tay không kịp. Và họ cũng không được nhận bất kỳ một hỗ trợ nào từ phía nhà nước, và cũng chẳng có một dự trù nghề nghiệp nào sẽ dành cho họ ở phía tương lai. Một hành động vội vã như thế này trông nó giống hệt một cái tát vào mặt chế độ vì nó phản bội lại chính những đề cương ban đầu mà nó đề ra, nó phản bội lại những con người đã từng đứng ở đầu sóng ngọn gió lúc chế độ cần và khi xong việc thì sẵn sàng đạp đổ miếng cơm của họ. Dễ có cảm tưởng họ đã bị vắt chanh bỏ vỏ.

Đã lỡ làm lãnh đạo thì làm ơn có được một cái nhìn toàn diện, xuyên suốt, cái khả năng nhìn xa trông rộng mà từ hồi nào đến giờ vốn là thuộc tính của những người tự nhận mình là lãnh đạo. Một cái nhìn thấu tình, đạt lý. Làm ơn thấy rõ những hệ lụy có thể nảy sinh, có thể ảnh hưởng đến những lớp người tự hồi nào đến giờ vốn đã nghèo khổ nhưng làm ăn chân chính, đồng tiền kiếm được là bằng mồ hôi công sức, trong sạch hơn hẳn ba cái đồng tiền dơ dáy của đám quan lại tham ô.

Vẫn còn chưa muộn để nghĩ tới những đứa trẻ có khả năng không còn tới trường được nữa vì ba má của chúng đã mất một chỗ mưu sinh. Còn nhà nước thì cũng chưa có bất kỳ một kế hoạch cụ thể nào, một dự trù nào, một phương hướng nào cho tương lai của họ. Hãy làm ơn nghĩ tới những đứa trẻ có khả năng tối ngày lam lũ bên những đống rác nhặt ve chai thay vì chúng chờ đợi tiếng trống trường, bạn bè, thầy cô, sách vở.

Đà Lạt, 8-3-2017