Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Mênh mông thế sự 42: Cuộc “trà đạo” thưởng lãm thơ Thiền

Dành tặng Nguyễn Duy, bạn tôi

Tương Lai

Ngôn từ có vẻ rổn rảng quá chứ thật ra chỉ là chuyện ngồi uống trà với nhau để đón nhận một ngẫu nhiên thú vị nhân câu chuyện “châu về hợp phố” giữa nhà thơ Nguyễn Duy với hai mươi bài Thơ Thiền Lý Trần in trên giấy dó truyền thống ngỡ đã lưu lạc nơi đất khách quê người nay được tìm thấy. Duy nói đây quả là một bất ngờ quá lớn, một “Big Bang” trong nỗi mừng và niềm xúc động của anh.

Duyên do là bà chị nghệ sĩ Xuân Phượng của chúng tôi gọi cho tôi: “Em ơi, chị vừa khui ra từ trong kho tranh của chị 20 bức họa Thơ Thiền Lý Trần in trên giấy dó do Nguyễn Duy và Nguyễn Bá Chung dịch thơ từng đưa đi triển lãm ở Boston, Mỹ. Chị muốn mấy chị em ta ngồi lại với nhau nhân dịp này, em nghĩ thế nào?”.

Trong cái buổi nhiễu nhương của một xã hội ô nhiễm

thật lắm thứ điếm

điếm biệt thự - điếm chợ - điếm vườn…

điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng

điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

“Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết

ta là gì

ta cần thiết cho ai” [Nguyễn Duy. Nhìn từ xa…Tổ quốc]

thì gầy một cuộc chơi tao nhã để được đắm mình vào với Thơ Thiền đặng tạm xua bớt đi những bụi bậm đang làm tắc nghẽn những xúc cảm thẩm mỹ, vẩn đục những rung động thi ca là chuyện đáng làm quá đi chứ. Tôi trả lời bà chị đang bước vào tuổi 88 nhưng vẫn dẻo dai hành trình phát hiện và quảng bá cái đẹp từ những bức tranh đã sưu tập được trong cả chằng đường dài:

Sẽ tổ chức ở nhà em, và tiến hành ngay”.

Để tăng thêm sự phong phú và tao nhã của cuộc thưởng lãm thơ Thiền, e phải lồng vào không gian trầm mặc được phủ kín những khung tranh thơ Thiền khổ lớn ngập tràn gian phòng khách nhỏ của tôi vốn dĩ đã hiện diện vài bức tranh quý được cân nhắc đặt vào vị trí khó thay đổi một cuộc thao diễn “trà đạo” chăng?

Gọi cho Viên Trân, người nâng niu gìn giữ trà Việt, đã từng thực hiện vài buổi “trà đạo” tại căn phòng này, tôi bộc bạch ý tưởng về một cuộc “thao diễn” mới nhằm thăng hoa nhã ý về buổi thưởng lãm thơ Thiền. “Hay quá” cô trả lời, “đã lâu cháu chưa gặp Cô Phượng và nhà thơ Nguyễn Duy, lần này cháu sẽ mời một loại trà đặc biệt với một ngẫu hứng thuyết minh cho một thứ “cổ trà” thời Trần thế kỷ 13 rất thú vị, chú ơi”.

Thế rồi đúng 5h chiều bà chị nghệ sĩ đã chu đáo cho chở 20 bức tranh khổ lớn kèm theo cả một số giá dựng tranh chất đầy một ô tô. Nguyễn Duy đứng ngây ra không trả lời yêu cầu của tôi: “nào, ông là người hiểu hơn ai hết cần đặt những bức tranh vào vị trí nào, cái nào đặt lên giá, cái nào treo trên tủ tường, cái nào dựng tạm lên thành ghế tôi đã bày sẵn ra kia”. Anh quá xúc động trước những khung tranh lồng kính khổ to in những bài thơ Thiền trên giấy dó cổ truyền đã từng triển lãm ở Đức rồi đưa sang Mỹ nay đã trở về với anh. Sững sờ chạm tay vào những khung tranh, ghé sát vào các khổ thơ viết bằng chữ Nho, dịch sang tiếng Anh, tiếng Việt nổi rõ lên sống động sau lớp mica trong suốt.

Hiểu được phút bối rối của anh, Tiến Nhơn, Trung Trực, Trọng Chức dựng tạm tất cả những bức tranh minh họa thơ Thiền của Duy và Bá Chung dịch lên giá, đặt trên ghế, treo lên cửa tủ tường. Càng hiểu hơn nỗi xúc động của Duy khi anh đã từng phải đưa bạn lên nhà tôi để chụp lại hai bức tranh thơ in trên gỗ mà anh thửa riêng tặng tôi, bài “Hưu hướng Như Lai” của Thiền sư Quảng Nghiêm và bài “Đáp Từ Đạo Hạnh Chân Tâm Chi Vấn” của Kiều Trí Huyễn đang treo trang trọng trong phòng khách vì ở nhà, anh không còn giữ được bức nào nữa [hình như sau đợt bị mối xông].

Chuyển cho anh chén trà nóng “uống đi cho tỉnh rồi hãy chỉnh lại trình tự hai mươi khung tranh theo cảm nhận của ông, nhưng trừ hai bức đã định hình suốt 5 năm qua tại đây rồi” tôi cười với anh.

Dừng lại trước bức Quốc Tộ của Thiền sư Pháp Thuận [915-990], Nguyễn Duy nói với tôi, “bác Tương Lai chắc còn nhớ hôm ấy “Ông Sáu Dân đã từng trầm ngâm đứng mãi trước bài thơ này.

Quốc Tộ Vận Nước

“Quốc tộ như đằng lạc Vận nước đan xen với nhau như mây quấn

Nam thiên lý thái bình Đất trời Nam đang hưởng thái bình

Vô vi cư điện các Nếu triều đình thấm lẽ vô vi

Xứ xứ tức đao binh ” Mọi nơi sẽ không còn chiến tranh

Nguyễn Duy dịch thơ:

Vận Nước

Bời bời vận nước quấn mây

Trời Nam mở lượng đó đây thái bình

Thiền tâm thấm tận triều đình

Thì nhân gian dứt đao binh đời đời

Theo chỗ tôi biết, cái tứ thơ của Pháp Thuận khuấy đông tâm tư ông Sáu Dân cho mãi đến lúc ông ấy ra đi. Có một ngẫu nhiên đáng nhớ là những ngày chuẩn bị cho việc hình thành một tổ chức nghiên cứu khoa học giữa một số trí thức Việt Nam ở Mỹ và một số trí thức trong nước vào tháng 5.2008 cũng là lúc Nguyễn Duy bày cuộc triển lãm Thơ Thiền và cho ra đời cuốn “Thơ Thiền Lý Trần” do giáo sư Lê Mạnh Thát viết lời giới thiệu. Ông Sáu Dân đã có lần lưu ý tôi về một ý mà ông suy ngẫm mãi về quan điểm duyên sanh hướng đến cái nhìn bao dung của triết lý Phật giáo trong thơ Thiền, đặc biệt là trong bài Vận Nước được gợi lên trong bài giới thiệu ấy.

Ngô Tiến Nhơn bỗng chen vào lời kể của Nguyễn Duy, nhắc tôi nhớ về câu chuyện gợi ý cho buổi gặp của thầy Lê Mạnh Thát với ông Sáu Dân dịp ấy để rồi ôn lại một số kỷ niệm thú vị liên quan đến Phật giáo và Thơ Thiền thời Lý Trần. Chuyện này dài xin dành cho một dịp khác.

Tiếp tục mạch cảm xúc, Nguyễn Duy nói về một số bài thơ và cách minh họa bằng những hình ảnh được chọn lọc bởi đôi mắt tài hoa ghi vào ống kính trải dài trên nhiều vùng đất nước của hai bố con anh. Căn phòng nhỏ phủ kín những bài thơ lồng vào khung ảnh gợi dậy những hoài niệm của một thời để nhớ và cũng để buồn đau về sự phũ phàng của thời gian được nhân lên bởi sự ngu xuẩn của sự “vô học chuyên chính” đang làm tàn tạ và băng hoại những “hồn thu thảo” và những “bóng tịch dương” của một thời xưa cũ một đi không trở lại: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy. Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” [Quốc sư Vạn Hạnh.“Thị đệ tử”] “Sợ gì suy thịnh thế gian. Thịnh suy như cỏ bên đàng treo sương”. [Nguyễn Duy dịch thơ].

Đúng là khi đã đạt đến cái tầm “nhậm vận” thì “thịnh” hay “suy” đều không sợ hãi. Nhưng sẽ vẫn phải rất đáng sợ những kẻ đang dựa dẫm vào lịch sử để trơ trẽn lấp liếm sự tráo trở và nham hiểm trong cuộc tranh bá đồ vương nhằm kiếm chác quyền lực, nhưng rồi trắng tay trong cuộc chiến đó, nay đang vớt vát sự nhiễu nhương bằng những chiêu trò trích dẫn lịch sử với ngôn từ đạo đức giả bịp bợm và vô sỉ. Chuyện nhậm vận thịnh suy là câu chuyện của những bậc thức giả, không là chuyện của những con kỳ nhông chính trị đổi màu theo mưa nắng thế cuộc đang “lập lờ đánh lận con đen” tìm cách vớt vát sau đã cháy túi trong canh bạc quyền lực.

Cứ đà này thì e nội dung dự định cho buổi trà đạo để thưởng lãm thơ Thiền sẽ phá sản, nghệ sĩ của trà không có thời gian mời trà và giới thiệu về trà với chủ đề “cổ trà đời Trần” theo ngẫu hứng của cô. Đành phải cắt đứt dòng độc thoại và đối thoại để mời “dằn bụng” với món xôi xéo cổ truyền nhà làm và mấy thứ bánh Huế do Trịnh Vĩnh Trinh mang đến để rồi còn thưởng thức vị trà sen tuyệt hảo được thao diễn bởi Viên Trân.

Phòng chật cũng có cái hay, thực khách đã có trên tay đĩa xôi và bánh tự chọn để vừa ăn vừa đến sát những khung tranh mà nhìn ngắm và đọc thơ trong nguyên bản, bản dịch nghĩa và dịch thơ và cùng trao đổi, bình luận.

Kỳ đến chậm, người tổ chức cuộc triển lãm và đọc thơ Thiền Lý Trần tại Cộng hòa Liên bang Đức dạo nào đã ngỡ ngàng trước một “cuộc chơi bản địa” có phần ấm cúng và thân tình. Tay bắt mặt mừng, anh thuật lại những ấn tượng buổi ấy của những trí thức, doanh nhân Việt Nam sống nơi xứ người xúc động và tự hào ra sao trước di sản của ông cha.

“Dằn bụng” như thế cũng đã tạm đủ, cuộc “trà đạo” bắt đầu với hương vị trà sen tỏa ngát từ những chén trà trên tay những người thưởng trà sau khi nhìn ngắm những thao tác châm nước, chuyên trà của người cầm trịch cuộc chơi tao nhã này. Cô Viên Trân trầm giọng giới thiệu về cách hái sen và ướp trà sen của người xưa ra sao và nay cô còn theo được những gì.

Hình như chuyện ướp trà đã khuấy động một nỗi niềm sâu kín trong tâm thức nhà thơ, tay vẫn còn nâng chén trà, hắn ề à với giọng quen thuộc “xin cho tôi kể về một chuyện về cái bếp than và siêu nước pha trà của một thuở”. Thế là rung cảm liên tài của những tâm hồn nghệ sĩ đã cho chúng tôi được thưởng thức một bài thơ cảm động về siêu nước pha trà trên “ngọn lửa cứ giả vờ le lói mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng” qua giọng đọc trầm ấm không lẫn vào đâu được của bạn tôi, Nguyễn Duy:

Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng

ngọn gió nhà ai thấp thoáng bên đồi

tiếng móng ngựa gõ ròn dốc vắng

nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi

em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ

ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người

tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng

tay vẫn còn nâng chén trà vừa ấp úng sôi

em biết chứ chả ai lơ đãng cả

hòn than kia đang đỏ đến hết lòng

mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói

mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng.

[Đà Lạt một vầng trăng. 1981]

Ở đây, “sợi khói” của 25 năm trước không “đi vòng” mà đi thẳng vào lòng người đang lặng đi giữa cuộc “trà đạo”. Như được khơi nguồn thi hứng, người cầm trịch buổi trà đạo cứ giục giã gia chủ trình bày bài viết về trà mà cô từng có dịp đọc. Không thể chối từ nên sau nhiều lưỡng lự, người viết đã phải đọc “tản mạn về một ấm trà” gợi lại một kỷ niệm riêng tư để có chút đóng góp vào không khí thân tình của những tấm lòng trong thiên hạ cùng ngồi với nhau tại đây. Sẽ là quá dài nếu phải đưa vào đây câu chuyện tản mạn nọ, xin dành cho một “mông mênh thế sự” vào dịp Trung thu tới, để nhường lời cho những thuyết minh thú vị của Viên Trân về cuộc đối đáp với một đối tác về trà đến từ Trung Quốc trong cuộc trình diễn nghệ thuật pha trà.

Từ chiều sâu của khát vọng giữ gìn và nâng cao giá trị trà Việt như một niềm tự hào về truyền thống dân tộc, con người đã dành trọn vẹn tình cảm và trí tuệ của mình cho việc gìn giữ nếp nhà trong nghề trà cổ truyền, Viên Trân đã ngẫu hứng đặt tên cho các động tác pha trà, từ việc châm nước, chuyên trà đến mời trà đều gợi lại những sự kiện, những tên tuổi, những chiến công từ những trang sử hào hùng đời Trần chống giặc Nguyên xâm lược.

Sau hương vị thanh khiết huyễn hoặc của chén trà sen, vị đậm chát nồng nàn của chén “cổ trà” thấm đượm từng ngụm rồi đọng lại vị ngọt trong cổ tưởng như có sức khơi dậy âm vang của “những buổi ngày xưa vọng nói về”! Và rồi người pha trà không thể dừng lại ở động tác thao diễn trà để xin được trình diễn một bài thơ về trà mà cô từng ấp ủ. Giọng ngâm của cô như làm cho vị trà đượm thêm trong hương trà đọng lại trong tâm hồn những người tham gia cuộc “trà đạo” thưởng lãm thơ Thiền!

Cho dù vậy thì cũng không thể neo lại thời gian để đắm mình trong hương trà và xúc động với thơ của người trong cuộc mà càng thấm thía hơn những giá trị của trí lự, cảm xúc và tầm vóc của ông cha qua Thơ Thiền thời Lý Trần. Cuộc chơi nào rồi cũng phải có hồi kết. Đã đến lúc đứng dậy để lại đến sát hơn những khung tranh mà ngắm nhìn, mà suy ngẫm, mà trao đổi những bình luận, những suy tư. Chỉ có điều, lần này không là đĩa xôi xéo và bánh Huế trên tay thực khách thưởng tranh, bình thơ, mà là bát bún thang đang bốc khói.

Thì ra, đi vào sự thanh khiết của cuộc chơi tao nhã rồi cũng buộc phải trở về với thực tại của bề bộn ngổn ngang những tạp nham trần thế để tự vấn “tôi là ai mà còn trần gian thế” [Trịnh Công Sơn]. E phải có chút mắm tôm pha vào bát bún thang mới dậy mùi. Vâng, mùi cuộc sống, như nó vốn thế. Mắm tôm do nhà thơ Nguyễn Duy mang đến.

Và hắn đặt tên là “mắm tôm Formosa” vì vùng biển quê hắn bị đầu độc không phải từ thủy triều đỏ như ông thứ trưởng Bộ TN-MT nhanh nhảu và dõng dạc nói theo chỉ đạo của trên nhằm bảo kê cho “bạn”, để sau đó phải nuốt lời để chỉ đích danh thủ phạm.

Thực khách vui vẻ thưởng thức bát bún thang cổ truyền với niềm an ủi “đậm đà tính thời sự” cũng do Nguyễn Duy từng viết ra thơ chuyện oái oăm này. Bài thơ vừa mới ra lò của tác giả “Đánh thức tiềm lực” thuở nao lần đầu tiên đọc cho ông Sáu Dân nghe và nghe ông bộc bạch “đau, nhưng chịu được”! Vậy 30 năm sau liệu có ai trong bộ máy quyền lực dám nghĩ được như con người ấy? Lời dạy của người “đồng chí cùng chung ý thức hệ” của rôm rả những “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng, Vận mệnh tương quan” thì những ai đó có thể nhớ thuộc lòng nhưng những lời mộc mạc chân tình của Sáu Dân thì e khó nuốt nên cũng khó mở miệng.

Có lẽ thế nên bài “Thơ nhậu” của Duy hôm nay như mũi dao lách vào tim đen kẻ dẻo mồm trơ trẽn với vẻ mặt đạo mạo vô hồn quen thuộc định chạy tội cho Formosa, trấn an dư luận bằng những đối sách vô trách nhiệm với dân. Bởi lẽ đó nên đành phải từ cuôc chơi tao nhã của buổi trà đạo thanh khiết mà về lại với sự uế tạp của thực tại để góp sức tẩy uế nhằm làm quang quẻ bớt đi những dối trá lừa mị bẩn thỉu đang đầu độc cuộc sống.

Buộc phải phũ phàng mà chuyển từ Thơ Thiền sang Thơ Nhậu vậy, mong cuộc đời bao dung mà đại xá cho cái kết ngạo ngược này:

Ăn cá đi anh, chưa chết ngay đâu

Nếu có chết tháng sau mới chết.

Ăn mực đi anh, chưa chết ngay đâu

Nếu có chết tuần sau mới chết

Ăn tôm đi anh, chưa chết ngay đâu

Nếu có chết ngày sau mới chết.

Ăn nghị quyết đi anh, chưa chết ngay đâu

Nếu có chết nhiệm kì sau mới chết.

[Nguyễn Duy. Thơ nhậu]

Sài Gòn ngày 2.9.2016