Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2016

Trắng Trên Đen 22&23

Ruben David Gonzalez Gallego

Vũ Thư Hiên dịch

ĐÔI TAY

Tôi không có hai tay. Thứ mà tôi buộc phải dùng đến khó có thể gọi là hai tay. Tôi quen rồi. Bằng ngón trỏ tay trái tôi có thể gõ phím máy vi tính, tôi có thể đặt cái thìa vào tay phải và ăn uống bình thường.

Có thể không cần có hai tay mà vẫn sống được. Tôi biết một cậu không tay biết thích nghi với tình thế của mình, mà thích nghi không đến nỗi tồi. Việc gì cậu ta cũng làm bằng chân tuốt. Cậu ta dùng chân để ăn, chải đầu, cởi quần áo, mặc quần áo. Cạo râu bằng chân. Thậm chí đơm khuy cũng bằng chân. Cậu ta tự xỏ kim lấy. Hàng ngày cậu ta rèn luyện tấm thân “trẻ con” của mình bằng cách tập lắc lư. Trong những trận ẩu đả ở nhà trẻ cậu ta có thể dùng chân đá vào háng hoặc vào cằm đối thủ. Uống vodka bằng cách lấy răng cắn chặt miệng cốc. Cậu ta là một nhóc bình thường của nhà trẻ.

Sống không có hai tay kể ra cũng không đến nỗi khốn nạn cho lắm, nếu như anh có đủ mọi thứ khác. Mọi thứ khác ở tôi – tức là thân thể tôi – còn tệ hơn hai tay. Hai tay là chính. Có thể nói trong con người cái đầu mới là chính. Cũng có thể không cần phải nói như thế. Chẳng cần nói, ai cũng biết có đầu mà không có hai tay thì không sống nổi. Hai tay của mình hay hai tay của ai khác không quan trọng.

Sergey có đủ hai tay. Hai tay hoàn toàn khoẻ mạnh. Từ thắt lưng trở lên mọi thứ ở cậu ta đều bình thường. Hai tay, hai vai, đầu. Tên cậu ta là Sergey Mikhailovich. Seriozha .

Ở trường, Seriozha là một trong những học sinh giỏi nhất. Nhưng với cậu ta, thế chưa đủ. Seriozha thường xuyên đọc các tạp chí khoa học – kỹ thuật, tham gia các cuộc thi hàm thụ dành cho học sinh, giải các bài toán đố trong các tạp chí rồi gửi chúng đi, Seriozha thường nhận được bằng khen.

Phía dưới thắt lưng là hai cái chân tong teo quấn vào nhau trong thế ngồi hoa sen vĩnh viễn. Ở phần dưới thắt lưng, Seriozha không cảm thấy gì hết, tuyệt đối không cảm thấy gì hết, vì thế cậu ta phải thường xuyên mang bóng đựng nước tiểu. Khi nước tiểu ở trong bóng tràn ra ngoài, Seriozha tự thay quần. Cái gì cậu ta cũng làm lấy hết. Seriozha không phải gọi các bà bảo mẫu, không phải phải quỵ luỵ họ, không phải nhờ họ giúp đỡ. Cậu ta còn tự mình giúp các bạn kém may mắn. Bón cháo cho bạn bằng thìa, giúp bạn gội đầu, mặc quần áo.

Seriozha không cha không mẹ. Cậu ta thuộc loại không đi được. Học trung học xong, Seriozha bị đưa đến nhà già.

Ở nhà già, Seriozha được đặt vào một căn phòng có hai cụ . Hai ông già hiền lành hết mực. Một cụ, thợ giày, vẫn còn nấu được keo dán trên bếp điện, cụ kia, một lão “xác ve” gần như mất trí hoàn toàn, nước đái trên giường lão chảy tràn xuống sàn. Serozha không được phát khăn trải giường để thay. Người ta cho biết mười ngày Seriozha mới được thay quần một lần, lệ ở đây là thế.

Ba tuần liền Seriozha nằm trong căn phòng sặc mùi cứt đái và mùi keo dán giày. Ba tuần liền cậu ta không ăn, cố uống thật ít nước. Bị dính chặt với bọng nước tiểu của mình, Seriozha không dám trần truồng bò ra đường để nhìn thấy ánh mặt trời lần cuối. Sau ba tuần, Seriozha chết.

Một năm nữa tôi cũng sẽ bị đưa đến ngôi nhà ấy. Sergey còn có hai tay, tôi thì không.

NHÀ GIÀ

Từ năm lên mười tôi đã sợ bị đưa đến nhà điên hoặc nhà già.

Để khỏi bị đưa đến nhà điên thì không khó. Chỉ cần biết ăn ở cho khôn khéo, vâng lời người trên và không khiếu nại, không bao giờ khiếu nại. Thỉnh thoảng những cậu hay khiếu nại về chuyện thức ăn tồi tàn hoặc bất bình về hành động của người lớn lại bị đưa đi nhà điên. Từ chốn ấy trở về các cậu ấy câm như thóc và hiền như bụt, nhưng đêm đêm các cậu ấy kể cho chúng tôi nghe những chuyện khủng khiếp về những tay y tá độc ác.

Đứa nào không đi được đều bị rơi vào nhà già tất. Không tại trăng tại sao gì hết, rơi là rơi. Chỉ đứa nào đã học được nghề rồi mới thoát khỏi nhà già. Sau khi ra trường, học sinh tốt nghiệp loại thông minh thì thi vào các trường đại học chuyên nghiệp, trình độ kém hơn thì thi vào các trường trung cấp kỹ thuật hoặc trường dạy nghề. Thi được vào đại học chuyên nghiệp chỉ có những đứa tài trí xuất chúng và hết sức chăm chỉ. Tôi học giỏi hơn tất cả các bạn. Nhưng tôi lại không đi được.

Đôi khi, các bậc cha mẹ đón những đứa không đi được về nhà sau khi chúng ra trường. Tôi tứ cố vô thân.

***

Khi tôi biết đến một ngày nào đó tôi sẽ bị đưa đến cái chốn kinh khủng ấy, sẽ bị đặt lên giường, không được cho ăn cho uống, không được săn sóc, bị bỏ mặc cho chết, thì mọi sự trong tôi lộn tùng phèo hết cả. Các thầy cô, các cán bộ quản giáo không còn là những người lớn thông thái và đầy uy tín nữa. Nhiều khi tai tôi nghe thầy giáo giảng mà trong đầu tôi lại nghĩ: rất có thể chính con người này chứ không phải ai khác sẽ đưa tôi đến chỗ chết.

Các thầy giảng về các định đề và các bất đẳng thức. Tôi máy móc thu nhận bài học.

Các thầy kể cho tôi nghe về những nhà văn vĩ đại, tôi thấy cái đó chẳng có gì thú vị.

Các thầy kể cho tôi nghe về những trại tập trung phát-xít – tôi oà khóc.

Một hôm bà bảo mẫu quát tôi, chuyện này xảy ra không phải một lần, còn tôi thì nghĩ về bà với cảm giác biết ơn. Tôi nghĩ rằng bà có lý, rằng bà có quyền mắng nhiếc tôi, bởi vì bà phải làm công việc chăm sóc tôi. Ở nơi rồi đây tôi sẽ bị đưa đến sẽ chẳng có ai mang bô đến cho tôi đâu. Bà bảo mẫu, một người đàn bà thất học, là người tốt, tôi thì xấu. Tôi xấu tại tôi nhờ vả các bà nhiều quá, tại tôi ăn nhiều quá. Tôi xấu vì tôi là con của một con chó đẻ da đen, là kẻ đã quẳng tôi cho các bà bảo mẫu hiền từ và tốt bụng đến như thế. Tôi xấu. Để trở thành người tốt, tôi chỉ cần một chút thôi, một chút xíu là đủ. Ai cũng có thể làm được điều đó, thậm chí những đứa ngu ngốc nhất. Tôi chỉ cần đứng dậy và bước đi.

Các thầy không hiểu tại sao tôi hay khóc. Tại sao tôi không muốn nói chuyện với bất cứ thầy nào, không thích làm luận với đề tài tự chọn. Thậm chí những người thông minh nhất, tốt bụng nhất trong các thầy, những người tốt nhất, tốt không ai bằng, cũng từ chối nói với tôi về tương lai của tôi. Những đề tài khác tôi không quan tâm .

***

Năm ấy, khi tôi học hết trung học cơ sở , thì lớp 9 và lớp 10 ở nhà trẻ đóng cửa. Học sinh các lớp trên tan tác, họ bị đưa đến các nhà trẻ khác, một số thì bị đưa đến nhà điên. Số này gồm những cậu đầu óc bình thường. Họ không may: như thường thấy ở những người bệnh liệt não, cơ phận phát âm của họ có tật. Hội đồng cấp trên đến kiểm tra nhà trẻ chẳng cần suy đi tính lại, tống ngay họ đến nhà nội trú đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển trí năng.

Còn lại mình tôi là thiếu niên. Theo luật, tôi có quyền được hưởng chế độ giáo dục mười năm. Nhưng có mấy ai để ý đến luật.

Tôi bị chở đến nhà già.

Cái xe buýt của nhà trẻ chạy trên những con đường gồ ghề xóc kinh khủng. Tôi được thầy hiệu trưởng thân chinh đưa đến nhà già. Thầy cười rộng miệng. lấp lánh răng vàng, thầy hút thuốc “Cosmos ”, thầy bao giờ cũng hút “Cosmos”. Thầy hút thuốc và nhìn ra đàng trước, qua kính xe.

Người ta khiêng tôi khỏi xe cùng với xe lăn. Dù sao mặc lòng, tôi cũng là một kẻ tàn tật được ưu đãi. Theo lệ thường, học sinh đi khỏi nhà trẻ không được mang theo xe lăn. Họ được chở tới nhà già không có xe lăn, Người ta đặt họ lên giường, rồi bỏ mặc đấy. Theo luật, trong vòng một năm nhà già có trách nhiệm phải cấp phát cho người mới đến một xe lăn khác, nhưng đó là theo luật. Chứ ở nhà già, nơi tôi bị đưa tới, có độc một cái xe lăn. Một cái xe lăn cho tất cả mọi người. Người nào còn có thể tự mình trườn ra khỏi giường để leo lên xe thì xếp hàng lần lượt để leo lên xe lăn mà “đi chơi”. Chỗ để “đi chơi” đến chái nhà già là kết thúc.

Mùa thu. Tháng chín. Trời chưa lạnh. Một ngôi nhà gỗ thấp được xây dựng từ trước cách mạng. Nhà không hàng rào. Trên cái sân mọc đầy ngưu bàng , những con người kỳ dị lang thang, thu mình trong áo zipun và mũ bịt tai.

Một dàn đồng ca đang hát. Dàn đồng ca thường trực của các giọng nữ. Không thấy bóng các bà đâu, họ đang ở trong nhà. Tiếng hát vẳng ra từ đấy.

Ôi, kalina nở hoa

Nơi cánh đồng, bên suối

Em phải lòng anh rồi

Chàng trai, chàng trai ơi!

Chưa bao giờ. Cả trước đó, cả sau này, chưa bao giờ tôi được nghe một bản hợp xướng định mệnh não nề đến như thế. Khi còn ngồi trên xe buýt tôi thấy trong lòng bồn chồn lo lắng. Nhưng khi nghe dàn đồng ca nọ rồi thì nỗi bồn chồn biến thành tâm trạng vô cảm. Tôi thờ ơ với mọi sự trên đời.

Người ta đẩy xe lăn của tôi vào nhà. Trong hành lang tối thui, có mùi ẩm mốc và mùi chuột. Họ đưa tôi vào một căn phòng, bỏ tôi ở đấy và đi ra.

Căn phòng nhỏ. Sơn trên tường đã rã. Hai cái giường sắt, một cái bàn gỗ. Một lát sau, thầy hiệu trưởng nhà trẻ bước vào. Đi cùng đi với thầy là một cán bộ nhà già và một bà bảo mẫu. Tôi biết bà ta là bảo mẫu vì bà vận áo choàng xanh.

Bà bảo mẫu đến bên tôi. Bà chăm chú quan sát tôi.

- Giời ạ, thằng bé tí tì teo! Làm sao lại thế này được? Cả những đứa bé thế kia mà giờ người ta cũng mang đến đây. Sao lại thế, hở? Các người hết sạch lương tâm rồi.

Bà đi ra.

Thầy hiệu trưởng bực bội rít thuốc, tiếp tục câu chuyện bỏ dở bằng giọng công việc.

- Dù sao thì đồng chí cũng nhận chứ? Này, cần lắm đấy.

- Đừng có vật nài. Đồng chí phải hiểu cho chúng tôi chứ. Nó năm nay mới mười sáu. Phải không nào?

- Mười lăm, - tôi máy móc chữa lại.

- Ừ thì mười lăm. - người đàn ông đồng ý – Một tháng nữa nó mới chết, chậm lắm là hai. Tôi chỉ có quyền chôn người không dưới mười tám tuổi. Đây là nhà già, đồng chí hiểu chửa? Thử hỏi tôi sẽ bỏ nó vào đâu trong hai năm ấy? Tất cả tủ lạnh đều hỏng hết rồi. Hỏng, đồng chí hiểu không? Đồng chí hãy nhớ lại, hãy nhớ lại đi, năm ngoái đồng chí đã trả lời tôi thế nào khi tôi nhờ đồng chí giúp đỡ về vụ tủ lạnh? Nhớ ra rồi hử? Thế thì đừng xin xỏ nữa, vô ích. Cứ đưa nó đến nhà trẻ thiểu năng não, ở đấy người ta có quyền chôn cả trẻ sơ sinh.

- Đừng quyết định vội, đồng chí, ta ra đàng kia thảo luận cái đã. Tôi phải gọi một cú điện thoại.

Họ bỏ đi.

Tôi ngồi lại một mình. Trời tối dần. Một con mèo chạy trong hành lang.

Bất thình lình căn phòng tràn ngập một mùi kỳ quặc và khó chịu. Mùi hôi mỗi lúc một mạnh thêm. Tôi không hiểu có chuyện gì xảy ra.

Bà bảo mẫu đi vào với một cái khay. Bà đặt cái khay lên bàn rồi bật đèn. Lúc ấy tôi mới có hân hạnh được biết cái mùi khó ngửi ấy từ đâu mà ra. Cháo đậu đấy ạ. Một búi xanh lục nhão nhoét, hình sao mùi vậy. Ngoài món cháo đậu hạt, trên khay còn có súp cải chua và một mẩu bánh mì. Không có cái thìa nào.

Bà nhìn cái khay, thấy trên đó không có thìa. Bà bước ra. Mang thìa vào. Cái thìa bám đầy cháo đậu đã khô. Bà bẻ một miếng bánh mì lau qua loa cái thìa. Quăng nó vào đĩa súp.

Bà đến gần tôi. Chăm chú ngắm.

- Không. Thằng này không sống nổi qua mùa đông. Chắc như bắp.

- Xin lỗi cô, - tôi nói – sao ở đây tối thế hở cô? Sao cửa sổ lại mở để gió lùa vào phòng như thế?

- Đây là phòng cách ly, là phòng tốt đấy, em ạ, được cái gần lò sưởi. Chứ em bị phân vào phòng chung cho kẻ liệt kia. Ở đấy gió mới dữ. Cô nói rồi, em không qua nổi mùa đông đâu, thằng nhóc. Nhà thì cũ mèm.

- Ở đây có nhiều mèo không cô?

- Ở đây không có con mèo nào hết.

- Cháu trông thấy một con mèo chạy trong hành lang mà.

- Không phải mèo đâu, chuột cống đấy.

- Sao lại chuột? Giữa ban ngày ban mặt?

- Thì sao? Cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày còn không sao, chứ ban đêm chuột chạy trong hành lang, bọn cô phải đóng chặt cửa phòng, không dám bước ra đấy. Chuột ở đây dữ lắm, mới rồi chúng nó xơi hết hai tai một bà lão liệt. Em ăn đi kẻo nguội.

Bà bước ra.

Tôi kéo đĩa súp bắp cải lại gần, máy móc ăn. Cứt. Súp bắp cải, cứt. Cháo đậu, cứt. Đời như cứt.

Tôi ngồi. Suy nghĩ. Bỗng thầy hiệu trưởng chạy vào, vui sướng xoa tay.

- Gallego ơi, em không được phép ở đây đâu, mà ta cũng cóc cần. Quay về nhà trẻ thôi. Em muốn về nhà trẻ chứ?

- Em muốn.

- Thế là phải.

Ông ta nhìn đĩa thức ăn.

- Về còn kịp bữa tối đấy. Thầy không đưa em đến nhà nội trú thần kinh nữa đâu. Hiểu chửa?

Và máy móc nhắc lại:

- Gal-lê-gô.

- Gonsalez Gallego. – tôi sửa lại.

- Cái gì? Em thì biết cái gì. Thầy đã nói Gallego, nghĩa là Gallego.

Chúng tôi về đến nhà trẻ. Kịp bữa tối.

- Thế nào, cậu kể đi, ở đấy thế nào? – trong bữa tối một cậu ngồi xe lăn hỏi tôi.

- Đợi đêm đã. – tôi nói – Đêm tớ sẽ kể cho các cậu nghe.