Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Chông chênh như người trẻ…

Ngô Thị Kim Cúc

(Bài viết về Hạnh Nguyên, giải truyện ngắn Văn Việt 2014 – 2015)

image

Hạnh Nguyên

*

Khi đặt tay lên bàn phím gõ những “truyện” đầu tiên, cô nữ sinh Hạnh Nguyên hẳn chỉ nhằm thoát khỏi điều gì đó thúc bách từ bên trong mà cô chưa thể gọi tên. Cô đơn trong phòng riêng giữa ngôi nhà của cha mẹ, cô học trò tuổi mười bốn bắt đầu tạo dựng một thế giới biệt lập để khỏa lấp nỗi buồn thiếu bạn của mình. Cô, công dân của thời đại internet, đã dễ dàng vượt mọi ranh giới địa lý, màu da, văn hóa… Không cần passport, visa, không buộc làm bất cứ thủ tục nhập cảnh nào, cô tự do thực hiện vô số cuộc hạnh ngộ với bất cứ người nào cô muốn.

Ở cách cô hai ngàn cây số, có một người đọc luôn thường xuyên có trong đầu câu hỏi: một nhà văn thế-hệ-internet-thế-kỷ-21 sẽ viết gì về con người/cuộc sống Việt Nam thời hiện tại, sẽ tạo ra một thế-giới-người khác với các thế hệ tiền bối ra sao?.

Với trò-chơi-bàn-phím, trong những truyện ngắn đầu tiên, Hạnh Nguyên đã mặc nhiên thay mặt thế hệ mình để phát biểu về nhiều thứ, trong đó có chuyện học hành. Trong hai truyện tiêu biểu: Mũi tênLúc nửa đêm, cô đã chạm tới những sự thật học đường màu xám vẫn xuất hiện trên mặt báo như một lời báo động đỏ…

Bị đè nén bởi gánh nặng thi-đua-học-tập và không tìm được sự chia sẻ từ người thân, đứa học trò nhỏ đã tự sát, để lại những dòng ghi chép mà người mẹ sau khi đọc được đã gục ngã. Chị không bao giờ ngờ tới bi kịch mà đứa con bé bỏng đã chịu đựng một mình giữa những người lớn điên cuồng thèm khát thành tích hão của sự học. Cách tạ tội mà người mẹ chọn lựa cũng là tự sát.

Con cái lớn lên bằng nỗi sợ. Nỗi sợ bị đánh, bị mắng, bị chửi rủa… Ở trường người ta không dạy chúng tình yêu. Người ta dạy chúng làm thế nào để nổi trội hơn đứa khác… Chúng không được dạy để làm thế nào đưa đất nước lên một tầm cao hơn, khiến người dân tự hào về nòi giống của mình hơn. Chúng chỉ được dạy làm thế nào để kiếm được nhiều tiền nhất và xây được nhà to nhất… Tôi không thích đi học… Tôi không có niềm vui, không có đam mê, tất cả là nghĩa vụ, là một áp lực. Và tôi biết tôi không phải người duy nhất…”.

Trong truyện ngắn Lúc nửa đêm có chân dung một nhóm trẻ đa sắc tộc xếp hàng cạnh nhau trong bức tranh có hai mảng đối lập: một bên là cha mẹ, bên kia là con cái. Cha mẹ ném con vào trường nội trú, bởi chúng hành động không như họ chờ đợi.

Đây là Tang, cô gái nổi loạn: “Tang đã được định sẵn khi lớn lên... cô sẽ được gả đi lấy chồng, một người đàn ông già trong dòng họ. Cô được nuôi dưỡng như một con búp bê mắt đen, nhưng đồng thời chính cô cũng đã từ lâu nuôi trong lòng một con thú khác... Hãy còn là một đứa trẻ, cô sống bằng tiền làm thêm trong một nhà hàng bình dân, ... cô chấp nhận việc bị bạo hành về tinh thần và thể xác để đổi lấy đồng tiền... Sau khi dành dụm được một số tiền kha khá, Tang trở về nhà... Bố mẹ cô ngay tức khắc tống cô vào trường trung học nội trú Đại Dương”.

Và đây là lời Jen, một đồng tính nữ: “Tớ thích nữ... Mẹ từng có ý định nhờ ai đó hiếp tớ một trận cho tỉnh trí ra... Tớ từng muốn giết hết tất cả mọi người, cả đàn ông và cả đàn bà rồi tự vẫn. Nhưng sau rốt tớ đã không làm... Tớ cả quyết rằng tớ phải tiếp tục tồn tại, tiếp tục bất tuân lời của mẹ... Sau rốt tớ thấy mình đang đứng ở đây... Này, nói cậu hay, địa ngục đang rỗng không, bởi ác quỷ đã ở sẵn đây rồi”.

Và cuối cùng là toan tính của Tôi: “Vậy là tôi sắp mười tám tuổi rồi, tôi sẽ ra khỏi đây và có thể tự quyết định cuộc đời mình. Từ lâu tôi đã sớm lên một kế hoạch cụ thể... Ngay khi vừa ra trường, tôi sẽ đi tìm một cây cầu thật cao nào đó và gieo mình từ trên xuống...”.

Nếu những đứa trẻ vị thành niên ấy không thể thỏa hiệp với cái thế giới nhỏ chỉ gồm có cha mẹ-con cái thì làm sao chúng có thể tồn tại trong cái xã hội mênh mông của con người? Làm sao để chúng tìm thấy chỗ của mình? May sao, trong đám bè bạn của Tôi vẫn còn có Chal, chàng trai sợ đau, sợ đến mức trở thành bệnh lý... Tình bạn giữa Chal và Tôi giống như một đốm lửa rất nhỏ nhưng lại cho phép người ta hy vọng...

*

Thế hệ chúng tôi là thế hệ chiến tranh. Đối mặt với chiến tranh, con người cảm thấy bé nhỏ đến vô nghĩa. Cái chết là một ám ảnh. Người ta có rất nhiều cách để bị giết, không cần biết anh thuộc phe nào và anh là ai. Cái chết không phải sự đe dọa mà như là kết cục tất yếu. Con người cô đơn và bất lực trước cái ác của chiến tranh.

Thế nhưng, một cô gái sinh vào năm 1996, không hề chịu đựng một ngày chiến tranh mà vẫn bị cái chết ám ảnh, thì phải hiều điều đó thế nào?

Nhân vật của Hạnh Nguyên, những “thiếu thời lơ lửng” như cô, thật lạ lùng, luôn bị cái chết đè nặng (Những thiếu thời lơ lửng là tên tập truyện ngắn đầu tay của Hạnh Nguyên, NXB Văn Học và Quảng Văn ấn hành, 2014). Những cái chết ấy sao quá đỗi phi lý và phí uổng. Nhân vật của Hạnh Nguyên một mình đối diện với chính mình, trong tư cách con người. Câu hỏi của họ là: Cuộc sống này có thực sự ý nghĩa và có đáng cho ta tiếp tục?

Đó là Tom trong Chính hạ, người hay nói rằng “sẽ không sống đến quá tuổi mười lăm. Đến tận bây giờ đôi khi nó vẫn nói với tôi, theo cách lơ đãng nhất mà người ta có thể nói về cái chết của mình… ”.

Đó là Neil trong Bạn của tôi, “Đúng, tôi là một phiên bản lỗi thời. Tôi bước đi trong thời đại này hoàn toàn cô độc… cả tôi và Neil đều được sinh ra trong thời đại cô độc. Nếu không sống dựa vào nhau, chắc chắn chúng tôi sẽ vô cùng sợ hãi”. Neil là chàng trai đã bị một chiếc xe mất lái đâm chết lúc mới mười tám tuổi.

Trong những truyện viết sau khi đã vào đại học, nhân vật của Hạnh Nguyên với sự tự ý thức rõ hơn về bản thân, thì đồng thời cũng có đời sống nội tâm dằn vặt hơn, và đơn độc hơn…

Trong Giới hạn của khí trời , cô sinh viên trẻ từng nghĩ về một người đàn ông với biết bao điều thơ mộng, thế nhưng trong một phút bất chợt, cô đã tới nhà “một lão già to béo làm việc ở tiệm cắt tóc bình dân nằm gần lối ra của siêu thị nơi tôi sống... tôi không biết ông ta là người mexico hay tây ban nha”, và “Tôi ngủ với Sami, tôi cho ông ta lần đầu tiên của mình...”.

Có điều gì đó rất không bình thường và có phải đây là câu trả lời: “Từ rất lâu tôi đã biết rằng mình có một thế giới riêng biệt lập, và không một ai có thể tiếp cận... Đáng lẽ tôi nên vẽ tranh minh họa cho bố mẹ, để nói và giúp họ hiểu, rằng tôi lúc nào cũng bất ổn và chính bởi thế mà tôi luôn ở trong trạng thái ổn định vô cùng”...

Trong Người lạ, câu chuyện là một tình huống mà ba nhân vật bỗng nhận ra mình đang bị nhốt trong một cái thang máy mất điện đã nhiều giờ. Trong cái hộp tối đen đang cạn dần dưỡng khí, cái chết chỉ là vấn đề thời gian...

Chúng ta bị nhốt bên trong chính mình... Không phải ai cũng nhận ra... Chúng ta là những người được chọn để thoát khỏi thế giới phàm tục... Nếu cô tự sát, đó là một lối thoát... ”. Đó là gợi ý của người đàn ông nhiều tuổi nhất trong ba người.

Còn quá nhiều điều tôi chưa làm được, quá nhiều nơi tôi chưa được đến, những món ăn tôi muốn được nếm, những cuốn sách tôi thèm được đọc... Dù sợ hãi bao nhiêu đi chăng nữa, tôi vẫn muốn được sống... ”. Đó là suy nghĩ của cô gái hai mốt tuổi.

“Rồi một hôm tôi gặp mẹ trong siêu thị. Tôi hỏi mẹ bao giờ về nhà. Lúc đó mẹ tôi đi cùng một người đàn ông lạ, chắc là bồ... Mẹ tôi nói, con cứ về trước đi, không phải chờ. Tôi nói, tôi đâu có chờ, rồi tôi nói “các người là một lũ khốn nạn”, sau đó tôi bỏ đi”. Hồi ức đen tối về gia đình đổ vỡ của cậu trai mười sáu tuổi.

Và cái kết của truyện là, “Đội bảo hộ tìm thấy ba thi thể trong thang máy số hai, bị dừng lại đột ngột tại tầng mười sáu do sự cố nổ cầu dao điện. Hai nam một nữ, xác định nguyên nhân tử vong do mất máu bởi các vết thương gây ra bằng dao rọc giấy...”.

Trong Wind Shadow, là chuyện của hai cậu sinh viên. Họ bị thu hút, đúng ra là chỉ từ một phía, để rồi sau đó trở thành một cặp. Họ khác nhau đến trái ngược và người này cảm nhận sự cần thiết phải được nhận ra/bổ sung bởi người kia. “cũng như tôi và cậu đang ngồi đây, chúng ta không thật sự tồn tại với những người không nhìn thấy, không biết đến. Nhưng như thế đâu có nghĩa là chúng ta không có thật, phải không?”.

Truyện chỉ là những miêu tả mỗi cảm giác, mỗi suy đoán, như từng hơi thở nhỏ đã làm nên sự sống. Người đọc dõi theo họ, hồi hộp âu lo rằng nếu tình bạn ấy bỗng tan vỡ vì một lý do bất chợt... Có phải trong mấy tỉ con người trên địa cầu, có một số người thật sự cần nhau và tìm đến nhau, không cần lời giải thích. Bởi đó là chỗ duy nhứt để họ bám víu, để không bị lôi tuột đi giữa triệu triệu con sóng sinh linh vô thường...

Một Hạnh Nguyên chưa tới hai mươi tuổi, đã nối kết những thông tin trên mạng và từ những cảm hứng gợi mở, cô đã “tả” lại nó dưới dạng thức ngôn ngữ của riêng mình. Có thể nói Hạnh Nguyên dù chủ ý hay không, cô đã làm rất tốt “trách nhiệm” của một nhà văn lứa tuổi U20.

Đang học tiếp đại học trên một đất nước cách xa quê hương nửa vòng trái đất, Hạnh Nguyên sẽ bổ sung vốn sống bằng những nghiệm sinh của chính mình, và có thể cô sẽ viết khác đi. Nhưng khác đi hay không, điều đó chẳng quan trọng lắm. Bởi chúng ta, những người đọc cả già lẫn trẻ, có rất nhiều thời gian và lòng tin để chờ đợi một Hạnh Nguyên mới...