Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Xin mời vào thế kỉ XXI

Joschka Fischer

Phạm Nguyên Trường dịch

 

Muốn gọi khởi đầu năm 2016 là gì cũng được, nhưng không thể coi nó là bình yên. Giá chứng khoán ở Trung Quốc giảm làm mất ổn định tại tất cả các thị trường trên thế giới. Các nền kinh tế mới nổi dường như cũng đã khựng lại. Giá dầu mỏ lao dốc, đẩy các nước sản xuất dầu lâm vào khủng hoảng. Bắc Triều Tiên lên gân bằng vũ khí hạt nhân. Ở châu Âu, cuộc khủng hoảng về người tị nạn đang diễn ra làm gia tăng làn sóng dân tộc chủ nghĩa đầy nọc độc, đe dọa xé EU ra thành từng mảnh. Bên cạnh đó là tham vọng đế quốc của nước Nga và mối đe dọa của khủng bố Hồi giáo và chỉ còn thiếu những ngôi sao chổi bay ngang bầu trời nữa là ta sẽ có bức tranh về ngày tận thế như người ta từng tiên đoán.

Nhìn vào đâu cũng thấy hỗn loạn đang gia tăng. Trật tự thế giới được trui rèn trong bão lửa thế kỉ XX dường như đang biến mất và chúng ta không có một chút ý niệm nào về cái trật tự sẽ thay thế cho nó.

Liệt kê những thách thức mà chúng ta đang đối mặt không phải là việc khó: toàn cầu hóa, số hóa, biến đổi khí hậu, v.v. Chỉ không rõ bối cảnh của giải pháp cho những vấn đề đó – nếu quả thật sẽ tìm được giải pháp. Những vấn đề này sẽ được đàm phán – hay nếu không thể đàm phán được thì sẽ phải chiến đấu – trong cơ cấu chính trị nào, theo sáng kiến của ai và theo những qui tắc nào?

Trật tự chính trị và trật tự kinh tế – nhất là trên bình diện toàn cầu – không xuất hiện một cách đơn giản là từ sự đồng thuận hòa bình hay từ đòi hỏi của quốc gia hùng mạnh nhất. Đấy bao giờ cũng là cuộc đấu tranh để giành quyền bá chủ – thường là tàn bạo, đẫm máu và kéo dài – giữa những siêu cường cạnh tranh với nhau. Những trụ cột, những thiết chế và những tay chơi mới được hình thành thông qua những cuộc xung đột như thế.

Trật tự tự do của phương Tây từ sau Thế chiến II được xây dựng dựa trên quyền bá chủ trên bình diện toàn cầu của Mĩ. Là siêu cường thực sự duy nhất trên toàn cầu, nước này giữ thế thượng phong không chỉ trong lĩnh vực sức mạnh quân sự cứng (cũng như trong lĩnh vực kinh tế và tài chính) mà còn giữ thế thượng phong trong gần như tất cả các bình diện khác của quyền lực mềm (ví dụ, văn hóa, ngôn ngữ, phương tiện truyền thông đại chúng, công nghệ và thời trang).

Hiện nay, Hòa bình theo kiểu Mĩ (Pax Americana) – nền hòa bình đã từng bảo đảm ở mức độ đáng kể sự ổn định trên bình diện toàn cầu – bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Nhất là ở Trung Đông và bán đảo Triều Tiên. Mĩ có thể vẫn đang là siêu cường mạnh nhất thế giới, nhưng nước này không còn khả năng hay không muốn đóng vai trò sen đầm quốc tế hay chấp nhận những hi sinh cần thiết để giữ gìn trật tự nữa. Thực ra, trong thế giới toàn cầu hóa, với sự hội nhập chưa từng có về thông tin, công nghệ và – như chúng ta vừa chứng kiến trong thời gian gần đây – sự di chuyển của người dân, các trung tâm quyền lực đã bị xói mòn và phân tán. Từ bản chất, thế giới toàn cầu hóa không chấp nhận sự áp đặt trật tự của thế kỉ XX.

Tuy nhiên, mặc dù trật tự thế giới mới chắc chắn sẽ phải xuất hiện, nền tảng của nó vẫn còn rất mù mờ. Trật tự do Trung Quốc cầm đầu khó có thể xảy ra. Nước này vẫn là nước hướng nội, tập trung chủ yếu và sự ổn định và phát triển ở trong nước, tham vọng của họ dường như chỉ giới hạn ở việc kiểm soát các lân bang và vùng biển phụ cận mà thôi. Hơn nữa, trong tất cả các lĩnh vực Trung Quốc đều không có quyền lực mềm, mà đấy lại là điều kiện cực kì cần thiết nếu muốn trở thành động lực của trật tự toàn cầu.

Giai đoạn chuyển hóa hỗn loạn hiện nay dường như cũng khó kết thúc bằng nền Hòa bình theo kiểu Mĩ thứ hai. Mặc dù Mĩ vẫn giữ thế thượng phong về công nghệ, sự chống đối của các siêu cường khu vực và các liên minh kình địch tiềm năng sẽ rất mạnh.

Trên thực tế, thách thức chủ yếu trong những năm tới dường như sẽ là ảnh hưởng của Mĩ sẽ ngày càng suy giảm. Chưa có luật lệ nào qui định cách thức nghỉ hưu của một siêu cường. Siêu cường giữ thế thượng phong có thể bị đánh gục trong một trận thư hùng nhằm giành ngôi bá chủ, nhưng tự nguyện rút lui có thể không phải là lựa chọn tốt vì chân không quyền lực có thể là mối đe dọa đối với sự ổn định của toàn bộ hệ thống. Kiểm soát sự cáo chung của Pax Americana dường như sẽ là đề tài chính của nhiệm kì tổng thống tới đây – dù ai đắc cử thì cũng thế.

Đối với châu Âu điều này cũng gây ra vấn đề khó khăn không kém. Sự suy giảm của Pax Americana – từng là bảo đảm cho trật tự tự do của châu Âu suốt bảy thập kỉ qua – có dẫn tới khủng hoảng hay xung đột hay không? Sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa dân tộc trên khắp châu lục này dường như sẽ dẫn tới kịch bản đó, với những hậu quả khủng khiếp.

Tương lai ảm đạm của vụ tự sát của châu Âu không phải là điều không thể tưởng tượng được. Điều gì sẽ xảy ra nếu vì chính sách đối với người tị nạn mà thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, phải ra đi; nếu Vương quốc Anh rời bỏ Liên minh châu Âu; nếu chính khách theo đường lối dân túy ở Pháp, Marine Le Pen, được bầu làm Tổng thống? Lao xuống vực là hậu quả nguy hiểm nhất có thể tưởng tượng được, nếu không nói là hậu quả có khả năng xảy ra nhất.

Tất nhiên, có thể ngăn chặn được vụ tự sát. Nhưng những người đang lấy làm sung sướng khi tìm cách phá hủy vị trí của bà Merkel, phá hủy bản sắc châu Âu của nước Anh, và phá hủy những giá trị thời Khai sáng của nước Pháp là đang phá hủy chính cái bờ vực mà chúng ta đang đứng.

Joschka Fischer là cựu Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Phó Thủ tướng Đức trong giai đoạn 1998-2005.

Nguồn: http://www.project-syndicate.org/columnist/joschka-fischer