Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

LỊCH SỬ BIA BÀ

(Từ FB Thái Kế Toại)

Nói thêm một chút về lịch sử Bia Bà. 
Khoảng tháng 8-1969 lớp K13 Khoa Ngữ Văn ĐHTHHN chúng tôi rời khu sơ tán tại xã Tràng Dương Đại Từ, Thái Nguyên về làng La Khê xã Văn Khê huyện Hoài Đức Hà Tây.
La Khê chẳng những là một trong ba làng dệt lụa nổi tiếng của xứ Đoài mà còn có một lễ hội vô cùng độc đáo. 
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày rã La.
Căn cứ vào tư liệu điền dã cố GS dân tộc học Từ Chi trong cuốn sách "Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người" mô tả như sau: "Giữa lúc đông đảo dân làng đang có mặt bên trong đình, bỗng đèn tắt phụt. Giữa đêm tối mù, vang lên ba hồi trống, rồi ba hồi chiêng, nhịp đánh rất chậm, cố tình chậm... Trong khi đó, trai gái đứng gần nhau cứ mặc sức..., cho đến lúc chiêng trống im, đèn lại sáng".
Đêm tắt đèn và trò trai gái tự do đùa nghịch là tục bắt buộc phải có của hội rã La. Các cụ già bảo rằng tục này sẽ làm cho mùa màng sinh sôi, nảy nở, tươi tốt vì sinh lực của con người truyền xuống đất, đất lại truyền lại cho cây cối.
Những người phụ nữ nào đã trót có thai từ dịp hội làng như thế sẽ không bị làng phạt vạ. Ngược lại làng sẽ giảm cho một nửa số tiền nộp cheo khi cưới vì cho rằng, có thai vào ngày đấy là được Thánh ban lộc và năm đó làng sẽ gặp thuận lợi trong làm ăn sinh sống.
Tất nhiên là lễ tục phồn thực này đã mất đi dưới chế độ mới, nay nó đã được khôi phục lại nhưng yếu tố phồn thực không còn mà lại mang ý nghĩa khác hẳn, rất chi an ninh trật tự.
Dưới con mắt các cô cậu sinh viên Văn khoa thì làng La Khê là tuyệt đẹp, êm đềm với con sông Nhuệ trong xanh chảy bên phía Tây Bắc rìa làng. Những lối ngõ lát gạch, thành ngõ cao vút lúc nào cũng tiếng thoi va lách cách. Những mái nhà ngói cổ kính rêu phong.
Lán học lớp tôi dựng trên bờ sông Nhuệ. Bên kia là cánh đồng làng La Nội. Điều thú vị là từ cái sân nhỏ trên bờ cỏ mỗi chiều chúng tôi lại nhìn thấy ba đỉnh của dãy Tam Đảo bá vai nhau ở chân trời.
Năm ấy chưa có đền Bia Bà. Cả khu vực rộng lớn là xưởng dệt của hợp tác xã. Đôi lúc cánh nam sinh viên cũng được các cô thợ dệt mời vào xem họ làm việc thế nào. Đình La Khê thì bé nhỏ tiều tụy. Chùa La Khê cũng bé nhỏ. Nhà chủ trọ của tôi chỉ cách chùa cái ngõ nhỏ, sư thầy Hiền đang trụ trì là cháu của nhà chủ tôi.
 Bà ở đây là Đệ nhị cung phi của vua Mạc Đăng Doanh. Bà tên là Trần Thị Hiền sinh ngày mồng 2 tháng 3 năm 1511 tại làng La Ninh huyện Từ Liêm trấn Sơn Tây, nay là thôn La Khê phường Văn Khê thị xã Hà Đông thành phố Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình thế phiệt nhiều đời làm quan trong triều, thân phụ Bà là Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân đời Lê sơ. Được trời phú cho tư chất thông minh, lại nết na thùy mị và có nhan sắc hơn người, nên năm Minh Đức thứ 1 (1527) đời Mạc Thái Tổ, nhà vua cho đón Bà vào Đông cung chọn làm Phi tử cho Thái tử Mạc Đăng Doanh. Năm 1530, Thái tử lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Đại Chính, Bà được phong làm Đệ nhị cung. Khi vào cung vua, Bà vẫn hay lam hay làm, thức khuya dậy sớm lo liệu thu xếp việc nhà rất là ổn thỏa. Năm 1532 Bà sinh được Hoàng tử, song cũng từ đó sức khỏe giảm sút, bệnh tật cứ đeo đẳng mãi làm cho Bà hao mòn sức lực. Năm 1538 vua cho Bà về dưỡng bệnh tại quê nhà La Ninh và cử các quan Ngự y về chạy chữa thuốc men rất tận tình, song vẫn không qua khỏi, đến ngày 16 tháng 11 năm ấy Bà qua đời ở tuổi 28. Triều đình cử nhiều viên quan giữ trọng trách trong triều mang lễ vật về điếu viếng rất trọng thể và đưa Bà đến nơi an nghỉ tại cánh đồng Đa Bang trong làng. Năm 1539 nhà vua cho hai vị quan Đại phu trong triều là Tả Thị lang Bộ Lễ Nguyễn Tiến Thanh và Hiệu lý viện Hàn lâm Bùi Hoằng cùng soạn thảo văn bia ghi lại.
Bia Bà sừng sững ở cánh đồng Đa Bang làng La Khê suốt ba thế kỷ rưỡi. Đến ngày 25 tháng 2 năm 1913, đất lún, bia đổ. Bấy giờ có một người làng La Khê (không rõ họ tên) ý thức được giá trị của Bia Bà, tự nghĩ rằng, đây là tấm bia của tiền nhân, nay bỗng bị đổ, chỉ sợ nước chảy đá mòn, người đời sau không đọc được bia nữa nên đã bỏ ra cả ngày trời cầm bút sao chép lại, để trong cuốn sổ Thánh tích của làng. Ít lâu sau Bia Bà lại được dựng như cũ. Thời gian thấm thoát đến những năm tám mươi của thế kỷ XX, bia lại đổ
sụp. Sau đó bia được đưa về để ở sân đình làng La Khê. Từ đó khách thập phương đến chiêm bái mỗi ngày một đông. Thể theo nguyện vọng của đồng dân, Ban quản lý di tích làng La Khê đã tiến hành dựng nhà để bia và ngôi đền thờ Bà ở ngay trong khuôn viên của đình.
Ngày nay trở lại La Khê mỗi độ đầu năm tôi lại ngạc nhiên về sự đổi thay. Sự đô thị hóa của nó đã xóa hết những dấu vết kỷ niệm của lớp tôi một thời thơ mộng, êm đềm. Tại khu đình chùa, đền Bia Bà được xây dựng hoành tráng. Bên cạnh cả Đình La Khê, Chùa La Khê cũng hoành tráng không kém. Người đông nghìn nghịt, khói nhang nghi ngút.
Tất nhiên là cái xưởng dệt ngày xưa không còn một vết tích nào. Cả làng không còn một cái khung dệt cửi, không còn tiếng thoi đưa lách cách. Những cô bạn gái dệt lụa của chúng tôi đã trở thành những bà lão lọm khọm rồi... Họ đã trở thành các bà bán vàng mã, bán hương, bún ốc cùng con cháu.
Và, sông Nhuệ chỉ còn là con ngòi nhỏ đen ngòm thoi thóp. Hai bờ sông biến mất. Đường Lê Văn Lương kéo dài nối đường Láng Hạ từ Giảng Võ xuống giờ gọi là đường Tố Hữu kéo theo những dãy nhà cao tầng ngạo nghễ nuốt mất cánh đồng thơ mộng giữa hai làng La Khê - La Nội. Cũng bên con đường này thỉnh thoảng những trận đánh đầy khói lửa giữa nhân dân giữ đất và chính quyền lại diễn ra.
Mùa xuân Bính Thân 2016