Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Từ Nguyễn Trường Tộ tới bộ ngũ: “Vĩnh-Quỳnh-Tốn-Tố-Khôi” – Bài 3

Nguyễn Ngọc Lanh

Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi

clip_image001

Yukichi Fukuzawa

Wikipedia đã nêu rất đủ về Nguyễn Trường TộFukuzawa Yukichi (xin gọi tắt là cụ Nguyễn và cụ Fuku). Để so sánh, ai cũng nhận ra: Cả hai cụ sinh cùng thời, cùng đề xướng cải cách, nhưng một cụ thất bại, cụ kia thành công. Chỉ cần gõ hai cụm từ “nguyễn trường tộ” và “fuku yukichi” ta sẽ được google cung cấp hàng ngàn kết quả, trong đó không thiếu những so sánh cụ thể, chi tiết, để tìm ra nguyên nhân thất bại và thành công.

Chung quy, đó là sự khác nhau về: 1- Tình hình xã hội Việt và Nhật thời đó; và 2- Phẩm chất cá nhân không giống nhau.

Bài này, vẫn… so sánh.

Hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam

Nhiều ý kiến quy lỗi cho triều Nguyễn – nhất là vua Tự Đức; đồng thời ca ngợi vua Minh Trị. Một bên, không chấp nhận những đề xuất canh tân của cụ Nguyễn; bên kia hoan nghênh và thực hiện các đề xướng của cụ Fuku. Thực ra, hai ông vua này nhất thiết phải sinh ra – cùng với hoàn cảnh xã hội thời đó – vì đó là di sản tất nhiên của hàng trăm năm lịch sử trước đó.

Ở Việt Nam, đó là thời chia cắt đất nước (Trịnh-Nguyễn phân tranh), ở phía bắc là tình trạng “vua Lê – chúa Trịnh” với ý thức hệ Nho giáo ngày càng lạc hậu và trì trệ, nhưng rất kiên định. Suốt 200 năm, vua Lê giữ đúng thân phận với vua Tàu, khi gặp nguy nan vua Lê Chiêu Thống lại sang cầu cứu Tàu: Đó là sự kiên định ý thức hệ. Còn ở phía Nam (dưới quyền các chúa Nguyễn) việc học phát triển chậm chạp, đã vậy nội dung học càng lạc hậu hơn. Sau đó là nội chiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh với 50 năm loạn lạc.

Chú thích. Tác giả Vương Trí Nhàn khi đọc sách Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hoá của GS Vĩnh Sính (đại học Alberta, Canada) đã trích một đoạn như sau (nói lên sự lạc hậu của phía Nam). Chu Thuấn Thuỷ (1600-1682) là một trí thức Trung quốc sống ở thời nhà Minh bị Mãn Thanh xâm chiếm. Trong quá trình vận động phản Thanh phục Minh, có mấy lần Chu đã lưu lạc sang Việt Nam. Chính quyền đương thời tức các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có lúc tính chuyện dung nạp ông, nhưng việc không thành, về sau Chu sang ở hẳn Nhật, trở thành một trí thức có công giúp đỡ cho việc đưa nước này vào một giai đoạn hưng thịnh. Trước tác của Chu Thuấn Thuỷ có nhiều, và chắc phần chủ yếu là về nước Nhật. Tuy nhiên Chu cũng đã kịp ghi chép những ngày làm việc với người Việt, qua tập sách mỏng An Nam cung dịch kỷ sự (Ký sự về việc phục dịch ở An Nam 1657).

Dưới con mắt Chu, xã hội Việt Nam hiện ra với những nhược điểm cố hữu và rất khó sửa chữa. Đó là một xã hội ít tiếp xúc với các xã hội bên ngoài. Ngay với thế giới Trung Hoa tưởng là quá quen thì chúng ta cũng không hiểu gì. Vừa gặp Chu, các nha lại địa phương đã giở trò hống hách, bắt người ta lạy, hỏi người ta bằng cấp gì, và nếu bảo rằng không có bằng cấp thì lập tức coi thường. Đúng là cái bệnh quá quê mùa và hay chấp nhặt mà ngày nay chúng ta còn bảo lưu khá đầy đủ! Đến như những câu chuyện mà các bậc gọi là thức giả bấy giờ quây vào hỏi Chu Thuấn Thuỷ thì phần lớn cũng là chuyện tầm thường. Sự non kém trong đời sống tinh thần của xã hội bộc lộ ở nhiều mức độ. Thứ nhất là lối học chỉ hớt lấy những cái lạ mà thiếu cơ sở học thuật, một sự ngây thơ trong tư duy khiến đương sự phải cười thầm “Người quý quốc đọc những truyện như Tam quốc diễn nghĩa hoặc Phong thần mà cả tin là thật, cứ đến đây hỏi tôi hết chuyện này sang chuyện khác mãi không thôi. [Trong khi ấy thì lại bỏ qua không nghiên cứu những sách kinh điển như Ngũ Kinh, Tam sử]. Tựa như bỏ vàng ngọc mà chọn gạch đá, nhổ lúa xanh mà trồng cỏ tranh, không hiểu cái gì phải lấy, cái gì phải bỏ ” (tr.393). Thứ hai là mê muội vì những trò mà nói theo thuật ngữ hiện đại là văn hoá tâm linh. “Nhưng tại sao chư quân tử từ trên xuống dưới lại cứ đến đòi xem tướng số. Hỏi thật không nhằm chỗ, đến cuối cùng không biết là đã làm nhục Du (Tức CTT). Người coi tướng, người xem sao đông biết bao nhiêu mà đếm cho hết. Trong tứ dân (tức sĩ nông công thương) và chín học phái (tức cửu lưu: Nho gia, đạo gia, âm dương gia vv), họ là hạng người thấp hèn nhất. So họ với nhà nho có đức nghĩa, khác xa một trời một vực, như đen với trắng, như nước với lửa, hoàn toàn tương phản” (tr 392).

   Dù đã kín đáo và lo phòng thân, cuối cùng người khách lạ cũng phải ghi trên mặt giấy cái nhận xét chung mà chúng ta ngày nay đọc lại có thể rất khó chịu, song phải nhận là không thể nói khác: “Tuy là nước nhỏ, nhưng khí kiêu ngạo, học vấn nông cạn, kiến thức có giới hạn, tuy có thể tuyển chọn được người tài năng trong nước Dạ Lang của mình, nhưng không tránh được vẻ ếch ngồi đáy giếng” (tr.401). Theo ghi chú của Vĩnh Sính, “nước Dạ Lang” nói ở đây là một ẩn dụ, bắt đầu từ câu chuyện có thật về một nước nhỏ thời Hán, trong giao thiệp với thiên hạ mắc bệnh hoang tưởng, từng tranh luận với các sứ giả quanh chủ đề “nước Dạ Lang so với Trung Quốc bên nào lớn bên nào nhỏ”. Dạ Lang tự đại đã thành một thành ngữ có ghi cả trong các từ điển phổ thông như Tân Hoa, Tứ giác, chuyên để chỉ những cộng đồng quen sống biệt lập nên không có ý thức đúng đắn về vị trí của mình trên thế giới.

Bên Nhật, đất nước thống nhất, nhưng với tình trạng “Thiên hoàng – Mạc phủ“ về hình thức cũng giống như “vua Lê – chúa Trịnh” ở miền bắc nước ta. Nhưng sự tương tự này chỉ là trên đại thể, còn những khác biệt lại rất cơ bản, khiến đến giữa thế kỷ 18, ở nước ta chỉ có thể xuất hiện vua Tự Đức, còn ở Nhật lại có thể xuất hiện vua Minh Trị.

Bám lấy, tôn thờ Nho Giáo; lại chọn thứ lạc hậu nhất

Nho giáo ở Nhật đã được “bản địa hóa” khi kết hợp với Thần Đạo, Phật Đạo và Võ Sĩ Đạo. Người Nhật dứt bỏ nó khá dễ khi tiếp cận với trào lưu tư tưởng tiến bộ của phương tây. Nước ta không thế. Ta tôn thờ “thanh nho” rất lạc hậu.

Khi thống nhất đất nước, vua Gia Long chỉ có thể chọn đạo Nho làm quốc giáo, mặc dù ông vua này đã ít nhiều tiếp xúc với kỹ thuật Tây phương. Tiếc rằng Hoảng tử Nguyễn Phúc Cảnh sớm chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp lại mất sớm, không có số làm vua. Khi  vua Gia Long đã lên ngôi (1802), nước Pháp vẫn cứ đề cập đến cái Hiệp Định cũ kỹ, hết giá trị, mà giám mục Bá Đa Lộc đã thay mặt ông ký với triều đình Pháp – trong đó nước Pháp sẽ giúp quân sự để đổi lấy đảo Côn Lôn. Mặc dù phía Pháp không hề thi hành nghĩa vụ mà nay cứ muốn có quyền lợi, đủ khiến Gia Long cảnh giác với tham vọng. Tuy Gia Long trọng đãi vật chất một số cá nhân sĩ quan Pháp (do giám mục Bá Đa Lộc tự tuyển mộ) nhưng vua không cho họ dự triều chính; cụ thể mỗi cá nhân được phong tước rất cao, bổng lộc rất lớn (cho 50 người hầu hạ), nhưng không bổ nhiệm chức vụ. Ngược lại, vua lại tin tưởng – đặt vào vị trí trọng yếu – các nhà nho uyên thâm từ bên Tàu sang ta (tỵ nạn nhà Thanh) và họ cũng một lòng giúp vua cai trị đất nước và mở mang việc học. Chính do vậy, hoàn cảnh Việt Nam từ sau đó chỉ có thể sinh ra lớp vua quan thấm nhuần đạo này. Vua Tự Đức, rất thông minh, ham học, do vậy càng tiếp thu sâu sắc Nho Giáo. Thông minh, yêu nước, thấy rõ thế nước lâm nguy, đức vua đã nhiều lần kêu gọi các vị cận thần và giới sĩ phu hiến kế, kể cả khi ra đề thi (năm 1862). Vua cũng đọc kỹ các bản điều trần của cụ Nguyễn, có bút phê nhiều chỗ và đã nhiều lần thảo luận hoặc hỏi ý kiến các vị trọng thần trong Viện Cơ Mật… Như vậy, không thể nói rằng vua và triều đình thờ ơ trước sự nguy nan của đất nước. Nhưng những đóng góp mà vua nhận được đều từ cái nền Nho Giáo, dù nhiều vị quan đã từng ra nước ngoài, từng muốn đất nước thay đổi. Bản chất sự canh tân dưới triều Minh Trị (bên Nhật) là cuộc cách mạng tư sản thì ở nước ta còn quá xa lạ.

Chú thích.

1- Năm 1862, sau khi qua được kỳ thi Hội, một số thí sinh được dự thi Đình (để có danh hiệu tiến sĩ), đề bài do đích thân vua ra. Năm đó, vua yêu cầu các thí sinh hiến kế chống giặc Pháp, với câu hỏi như sau: “…Nam kỳ thì giặc Tây lấn cướp. Bắc kỳ thì bọn phỉ lăng loàn. Đánh dẹp chưa ngớt, khuya sớm không yên. Tuy rằng trong triều còn có người lão thành nhưng mà sức chẳng theo lòng. Ngoài quận còn có quan lại giỏi mà chưa thật xứng đáng, làm cho quân mệt của thiếu, năm tháng chồng thêm. Trong, không thể sửa sang. Ngoài, không thể đánh dẹp. Chỉ có lo lắng làm cho già nua. Đã bao lần hạ chiếu cầu hiền, mở rộng đường nói. Khốn nỗi tài thực chưa thấy, chước hay chưa nghe. Như qua sông lớn, ai người chèo lái? Vỗ đùi than thở, chốc lát khôn quên. Vả chăng, đời nào chẳng sinh người tài, trong ấp mười nhà ắt có người trung tín. Cho nên trẫm mời rộng các vị sĩ phu, khiêm tốn nghe lời kỳ dị… Cùng với ba chước ngự nhung, chẳng qua là giữ, đánh, hòa, ba phương pháp ấy mà thôi. Nhưng có lúc lợi cho chỗ này mà không lợi cho chỗ khác. Có việc hợp với đời xưa mà không hợp với đời nay. Thế thì cái cơ trị loạn đều do người làm nên mà xét trong kinh sử lại có nhiều chỗ khác nhau, giống nhau… Cho nên, trẫm mong được nghe lời phải ngay, may ra giải được cơ nguy hiểm… Hãy vì trẫm mà trình bày hết cái lẽ trị loạn qua các triều đại, cái lý do vì sao chính sự khi sai khi đúng và các điều quan yếu hiện nay về các mặt tiêu tai, giẹp loạn, trị binh, chọn tướng, tiến hiền, yên dân, chống giặc… cốt sao cho sát với sự cơ, có thể bổ ích cho thực dụng. Để rồi, trên nhờ mệnh trời dài lâu, dưới thỏa tâm tình quần chúng, nước nhà được trị yên dài lâu…”(3).

Đọc các câu trả lời thí sinh (và sĩ phu nói chung), ta thấy các lời bàn rất phân tán,khiến nhà vua lúng túng khi quyết định. Từ đó, ngày nay chúng ta càng thấy được giá trị của các bản Điều Trần của cụ Nguyễn. Ít nhất có ba nguyên nhân khiến các đề xuất của cụ không được thực hiện: 1) Thực chất, nội dung các bản Điều Trần là phải thay đổi chế độ, tức thay đổi ý thức hệ Nho Giáo; 2) Đã qua thời kỳ giao thương, thực dân chính thức thực hiện kế hoạch chiếm nước ta; 3) Dưới triều Tự Đức có tới 400 cuộc nổi loạn của nông dân, khiến sự tiêu hao nguồn lực rất lớn, không thể có ngân sách thực hiện “đến đầu. đến đũa” vài ba canh tân nhỏ.   

Phẩm chất Nguyễn Trường Tộ

– Khỏi cần nói về sự hiểu biết thế giới và tấm lòng yêu nước (đương nhiên rồi), vẫn có ý kiến cho rằng cụ Nguyễn chỉ là “trí thức cận thần” tức là chỉ muốn lập công với vua – bằng cách tới tấp gửi vô số “bản điều trần” trong đó lễ phép van nài vua thực hiện những gì mình mong muốn. Trái lại, cụ Fuku là “trí thức độc lập” (có người dùng “trí thức dấn thân”), cứ tự mình thực hiện ý đồ của mình, bắt đầu bằng giác ngộ và giáo dục dân chúng: Mở trường, dạy khoa học; viết sách, viết báo…

– Lại có ý kiến phản bác răng nếu cụ Fuku sống ở nước Việt, cụ cũng thất bại – vì luật lệ độc tài ở Việt Nam sẽ xử tù (hoặc xử tử) cụ ngay lập tức – nếu cụ mở trường mà không dạy Nho Giáo, lại dạy các môn “tà đạo”. Thời ấy, triều Nguyễn coi văn minh Tây phương là “di” (mọi rợ). Thời ấy, nước ta làm gì có quyền tự xuất bản sách? Làm gì có báo chí để mà đăng bài?

– Trái lại, nếu cụ Nguyễn sống ở Nhật, liệu cụ có thành công? Chưa chắc. Vì qua các Bản Điều Trần, ta thấy những hạn chế vĩ mô trong tầm nhìn của cụ Nguyễn. Chủ yếu, cụ kiến nghị các biện pháp – dù rất hệ thống, toàn diện – để đuổi kịp phương Tây về kỹ thuật. Kể cả việc cải cách giáo dục cũng chỉ nhằm mục đích này. Trong khi đó, cụ Fuku thấy rằng “kỹ thuật” và “khoa học” phương tây chỉ là biểu hiện cụ thể của một nền văn minh mới, cao hơn hẳn và sẽ phủ định nền văn minh đang thống trị cả chấu Á. Ngày nay, chúng ta hiểu đó là Văn minh công nghiệp (với chế độ dân chủ) so với Văn minh nông nghiệp (với chế độ quân chủ). Tự Truyện của cụ Fuku cho hậu thế thấy được điều này.

Hoàn cảnh nước Nhật

Do chiến công dẹp nội loạn, một vị tướng được vua Nhật phong là Chinh di đại tướng quân(chinh di: dẹp bọn mọi rợ) được quyền cai trị cả nước (lập ra Mạc Phủ làm tổng hành dinh, từ năm 1192-1867), chỉ dưới vua. Từ đó, giới quân sự có địa vị cao nhất, với tấng lớp samurai(võ sĩ) rất đông đảo ủng hộ hết lòng. Và cha truyền con nối, không khác triều đình. Chế độ Mạc Phủ trải 3 thời kỳ (3 dòng họ), trong đó thời kỳ cuối (gọi là Edo: 1603-1668) dài tới 265 năm. Thực chất, thời kỳ Edo – do dòng họ Tokugawa trị vì là thời kỳ phong kiến tập quyền, chuẩn bị điều kiện chuyển sang chế độ tư bản.

– Khi Trung Quốc (nghĩa: nước trung tâm) có địa vị trung tâm, tự xưng là “thiên triều”, các nước xung quanh có trình độ thấp hơn, trong đó 3 nước có biển (Nhật, Triều, Việt) là khá nhất. Đây là 3 nước dùng chữ viết của Trung Quốc, do vậy du nhập cả đạo Nho và lập ra chế độ phong kiến theo đúng hình mẫu Trung Hoa.

Riêng Nhật, nhiều núi, ít đất nông nghiệp, bốn bề là biển… do vậy người dân sớm dám vượt trùng khơi tìm đến các xứ lạ và có đầu óc quan sát, học tập. Khi chủ nghĩa tư bản đi tìm thị trường, Nhật sớm tiếp xúc với Bồ Đào Nha và Hà Lan. Đó là hai nước tư bản nhỏ bé, mạnh về thương thuyền, không mạnh về quân sự, nên đem lại lợi ích kinh tế mà không đe dọa dùng vũ lực (so với sự tiếp xúc của Pháp với Việt Nam). Sự say sưa học tập Hà Lan khiến nước Nhật có một môn, gọi là “Lan Học”, rất được hâm mộ. Cuối thời Edo, Nhật đã chế tạo được đồng hồ, có trường cho nữ sinh, có sách y học (Giải Phẫu) có Luật và có báo chí… Đồng thời, Nhật cũng tự đóng được những con thuyền buồm (lớn nhất: 500 tấn, chở sứ bộ sang tận Âu, Mỹ), đi thám hiểm khắp các nước châu Á. Dân Nhật đã lập nghiệp tại Hội An. Nhưng rồi tới lúc Nhật nhận ra trình độ phát triển của mình (nước nông nghiệp) chưa đủ cao trước mối đe dọa kỹ thuật và tôn giáo của tư bản, nhất là khi Mỹ, Pháp, Anh cũng tìm đến. Nhật bắt đầu đóng cửa. Và Mỹ đã dùng vũ lực để ký những hiệp ước bất bình đẳng. Mâu thuẫn nội bộ khiến chế độ Mạc Phủ bị lật đổ, triều đình lấy lại quyền lực, lực lượng tiến bộ đưa một hoảng tử 14 tuổi lên ngôi. Đây là ông vua ủng họ duy tân, tự đặt niên hiệu là Minh Trị.

Chú thích. Năm 1612, Mạc Phủ bắt thuộc hạ “thề bỏ Công Giáo” (nếu đã trót theo), năm 1616 cấm tàu buôn nước ngoài; năm 1622 xử tử 120 người truyền giáo và người dân Nhật theo Công Giáo; năm 1624 trục xuất người Tây Ban Nha và năm 1629 xử tử hàng ngàn người Công giáo. Cuối cùng, chiếu chỉ Tỏa Quốc được ban bố cấm bất kỳ người Nhật nào ra khỏi nước Nhật (đã đi thoát, bị cấm quay về… Năm 1650, người Cơ Đốc giáo về cơ bản đã bị thủ tiêu, và ảnh hưởng kinh tế, chính trị và tôn giáo với Nhật Bản đã trở nên khá mờ nhạt. Chỉ có Trung Quốc, và Công ty Đông Ấn Hà Lan, và một giai đoạn ngắn là người Anh, có quyền đến Nhật Bản trong thời kỳ này, nhưng chỉ với mục đích thương mại. Còn những người châu Âu khác khi đặt chân lên bờ biển Nhật Bản đều bị giết chết mà không cần xét xử. Tóm lại, Nhật “đóng cửa” và “diệt đạo” sớm và mạnh hơn ở nước ta. Nhưng mầm mống tư bản đã hình thành, khác với Việt Nam.

Nước Nhật tạo ra Fukuzawa Yukichi và chính cụ sinh ra nước Nhật

Fuku sớm bỏ môn Lan Học, mà quay sang học Mỹ và các nước tư bản lớn. Điều kiện xã hội cho phép cụ dịch sách khoa học và các tác phẩm chính trị tiến bộ, viết báo, mở trường và viết sách… Sách bán rất chạy chứng tỏ trình độ dân trí không thấp (ở Việt Nam thời đó, tới 99% dân mù chữ). Tất nhiên, khó khăn cần vượt là không nhỏ, nhưng Fuku không cần gửi Điều Trần cho Mạc Phủ. Làm sao bọn này “nuốt” nổi? Khi Nhật Hoàng chủ trương duy tân, triều đình nhận ra chính Fuku đã đặt sẵn những nền móng đầu tiên… Và trọng đãi ông. Hạnh phúc cho dân Nhật là Fuku sống lâu hơn Nguyễn Trường Tộ tới gần 30 nặm

Rốt lại

Việt Nam có Nguyễn Trường Tộ là tặng phẩm quá đặc biệt Trời cho, quá diễm phúc (nhưng không có số hưởng phúc). Fuku nếu sinh ở Việt Nam chắc đâu đã làm được như Nguyến Trưởng Tộ, trong điều kiện Nho Giáo còn quá thâm căn, cố đế?

Cụ Nguyễn bỏ Việt Nam sang Nhật chắc đâu đã làm được như Fuku, vì cụ học không hệ thống, không thể dịch được sách giáo khoa và càng không thể trực tiếp dạy các môn khoa học…

Nói ngoài bài

Đó là nói về những Nguyễn Trường Tộ hiện đại. Các cụ Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Tương Lai, Nguyễn Huệ Chi, Tô Văn Trường, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đình Cống (gồm cả 72 hiền sĩ kiến nghị bản Hiến Pháp tự soạn), cùng hàng trăm vị khác… thực chất là những Nguyễn Trường Tộ hiện đại. Khó khăn mà họ đang gặp – về đại thể – giống hệt tiền bối. Họ cũng được phép gửi Điều Trần suốt đời…

(còn tiếp)

Nguồn: http://nghiencuulichsu.com/2015/08/12/tu-nguyen-truong-to-toi-bo-ngu-vinh-quynh-ton-to-khoi-bai-3/