Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2015

Văn học Việt Nam Pháp ngữ : dòng chảy cuộc đời và căn cước tự sự

Phạm Văn Quang

clip_image002Thế kỷ XX là thời đại của những đối kháng, những xáo trộn, những chuyển di và biến động, cả trên bình diện địa phương và thế giới. Những hiện tượng di dân đã kết tụ hàng loạt diễn ngôn chứng từ, lịch sử cá nhân và lịch sử cộng đồng, diễn ngôn về những trải nghiệm đau thương và khát vọng... Cũng từ đó nảy sinh các hình thái tự sự mới, cho phép làm nổi bật và định giá hình ảnh của chủ thể cá nhận trong xã hội đương đại. Bài viết sẽ đặt vấn đề về khái niệm dòng chảy cuộc đời trong trường hợp một số nhà văn Việt Nam Pháp ngữ. Mục đích trước tiên là trình bày hiện tượng nở rộ của loại hình dòng chảy cuộc đời như một chọn lựa của lối viết đương đại, sau đó xem xét dòng chảy cuộc đời như một tiến trình chủ thể hóa qua tự sự. Như vậy tự sự được xác định như một phương cách khám phá căn cước.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã cố gắng đưa ra một định nghĩa cho dòng chảy cuộc đời. Họ sử dụng những thuật ngữ như lịch sử cuộc đời (histoire de vie), tiểu sử (biographie) hay tự thuật (autobiographie). Trong bài viết của mình cho cuốn sách nhiều tác giả Les Récits de vie (1986), Danielle Desmarais định nghĩa dòng chảy cuộc đời như « một  loại tự thuật, của một tác nhân xã hội, trong khung cảnh tương tác nhất định. Đó là một diễn ngôn theo hướng “tường thuật” nhưng cũng theo cách truyền thống là “cuộc nói chuyện”. Tác giả xác định rõ hơn, « một mặt, đó là loại diễn ngôn của một cá nhân tự xây dựng hình ảnh mình như chủ thể suy sư và hành động và mặt khác cũng là diễn ngôn của một cá nhân thuộc một nhóm xã hội cụ thể, trong một thời điểm lịch sử nhất định » (tr. 11).

Cùng thời điểm này, nghĩa là năm 1986 tại Pháp, dưới một nhan đề đầy vẻ thách thức « Ảo ảnh tiểu sử », Pierre Bourdieu khai mào bài viết của mình khi cho rằng « lịch sử cuộc đời là một trong những khái niệm tầm thường, lén lút xâm nhập vào thế giới bác học ; trước tiên xuất hiện âm thầm nơi các nhà dân tộc học, rồi rất gần đây rầm rộ với các nhà xã hội học. Nói về lịch sử cuộc đời là dù sao cũng giả định [...] cuộc đời là một lịch sử và [...] một cuộc đời là một tổng thể các sự kiện bất khả tách biệt của một sự tồn hữu cá nhân được nhìn nhận như một lịch sử và truyện kể về lịch sử đó» (tr. 69).

Về vấn đề phát triển của phương pháp dòng chảy cuộc đời, những năm 1920, nhân học đã chọn dòng chảy cuộc đời như là phương tiện ưu việt để tìm hiểu và phân tích các nhóm xã hội. Còn với xã hội học, ở thời điểm đó, dù chưa thể hình thành một phương pháp luận chuyên biệt, nhưng rõ ràng những thực hành của dòng chảy cuộc đời đã liên quan mật thiết với sự phát triển của phương pháp tiểu sử học. Cụ thể, vào những nhưng năm 1930, Trường phái Chicago – một trào lưu tư tưởng xã hội học thuộc Khoa Xã hội học, đại học Chicago – đã sử dụng kỹ thuật dòng chảy cuộc đời để giải thích những hiện tượng xã hội về chuyển đổi và lệch chuẩn nội tại trong cộng đồng những người nhập cư, đối tượng là những người Ba Lan nhập cư vào Hoa Kỳ.

Ở Pháp, sau sự lên ngôi của xã hội học tân thực nghiệm, các sự kiện tháng Năm/68 đã cho phép các phương pháp tiếp cận định tính chiếm ưu thế. Đó cũng là thời kỳ vàng son của phương pháp tiểu sử học. Daniel Bertaux là người khai triển phương pháp này và có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà nghiên cứu chọ phương pháp này trong khoa học xã hội và nhân văn.

Những năm 1980, tại Canada xuất hiện Trường phái Laval, được đánh giá như là trung tâm hàng đầu trong việc xây dựng và củng cố khoa học luận và phương pháp luận của dòng chảy cuộc đời, với sự đóng góp rất lớn của Nicole Gagnon, người đồng sáng lập trường phái này.

Ngoài những chuyên ngành truyền thống của khoa học xã hội và nhân văn, dòng chảy cuộc đời cũng đã chinh phục thế giới Mỹ Văn và triết học. Trong những mục tiêu khác nhau, thậm chí đối lập nhau, một vấn đề được đặt ra là sự nở rộ của dòng chảy cuộc đời và các bước xâm nhập của chủ thể vào xã hội có vén mở cho ta những hiện tượng khủng hoảng và tiến trình hình thành của cái tôi trong xã hội hay không.

Cần phải nhấn mạnh ngay rằng, sự phát triển của dòng chảy cuộc đời đi đôi với sự phát triển của khái niệm tự do và hình ảnh của một xã hội biến động. Trong tiến trình tham gia xây dựng xã hội và trong sự phát triển của bản thân, cá nhân được sáp nhập vào nhiều định chế phụ thuộc khác nhau. Vì thế cá nhân có thể chinh phục và thực hành một loại hình tự do cụ thể nào đó. Nhưng sự tự do cụ thể ấy sẽ tiếp tục biến đổi để chuyển hóa thành một loại hình tự do trừu tượng của cá nhân đơn lập. Hình thức tự do này chủ yếu bắt nguồn từ một ý thức hệ thống trị của chủ thuyết cá nhân luận. Nó cũng giải thích cho sự ra đời của nhiều hình thái cá thể hóa cô đơn, cá thể nằm ngoài và đối diện với sự vận hành của xã hội thiết định. Chính trong hoàn cảnh ấy, con người cá nhân có nhu cầu tự thể hiện và tự định giá mình.

Ở một giác độ khác, dòng chảy cuộc đời có thể gợi mở một nghiên cứu về bản thể luận chủ thể con người đương đại. Thực vậy, triết học hiện đại đã chứng minh và chỉ ra các đặc trưng của quá trình phát triển của cá nhân cũng như tiến trình chủ thể hóa. Theo đó, con người đương đại được minh định như là cội nguồn và nền tảng của những biểu hiện và hành động của chính mình. Nhờ lý trí và ý chí, con người đương đại tự xây dựng cho mình những chuẩn mực. Từ đó nảy sinh hình tượng chủ thể của cá nhân tự phản tỉnh.

Hình ảnh chủ thể đương đại như thế khơi gợi nhiều cách diễn giải để làm sáng tỏ dư vang của một tình trạng « vỡ mộng về thế giới » – thuật ngữ mượn từ nhan đề tác phẩm của Marcel Gauchet (Le Désenchantement du monde). Thế giới khách thể tạo ra cảm giác vỡ mộng, hay thế giới bị vỡ mộng ấy, cùng với những lí lẽ quyền lực riêng của nó, sẽ bị thay thế bởi vô số những thế giới đặc thù, vừa thể hiện những cá nhân bị tước đoạt và đối phó với những thăng trầm của tồn sinh thường nhật, vừa thể hiện những cá nhân trong hành trình của cuộc phưu lưu sâu thẳm.

Như vậy, dòng chảy cuộc đời chứng minh quá trình chuyển tiếp từ tiếng nói chung sang tiếng nói cá nhân. Walter Benjamin, trong khảo luận mang nhan đề Người kể đề cập đến hiện tượng suy tàn của một loại hình huyền thuyết như là nguồn gốc chuyển tiếp của trải nghiệm cộng đồng. Tác giả nhìn nhận rằng những tác phẩm truyện kể vốn tạo ra một nền tảng thực sự và bền vững, nhưng đến khi những quá trình cự tuyệt xuất hiện, chẳng hạn như sự tăng tốc của kỹ thuật, các tiêu chí của chuyện kể đã bị biến đổi và phá vỡ. Điều đó chứng minh sự lệ thuộc của những cá nhân vào sức mạnh phi nhân cách của các cơ chế kỹ thuật. Chính những sức mạnh phi nhân cách ấy có thể được đồng hóa như tiếng nói chung của cộng đồng. Trong tình trạng thiếu vắng tiếng nói chung thực sự của con người, sự xuất hiện của những dòng chảy cuộc đời đã tạo ra một không gian mới cho những tiếng nói cá nhân, và điều đó giải thích cho quá trình biến mất của những tham chiếu cộng đồng, nhưng giúp cho những giá trị cá nhân được thừa nhận. Như vậy có thể nói, dòng chảy cuộc đời cá nhân đã hình thành một vị thế nhất định và đánh dấu sự kết thúc của những dòng chảy truyền thống và các giá trị huyền thoại và phổ quát của nó.

Dòng chảy cuộc đời dẫn đến những bàn luận triết học và nhân học về vấn đề con người trong khả năng tự chủ chính mình : tự định đoạt những chuẩn mực và những quy tắc của bản thân. Dòng chảy cuộc đời làm sáng tỏ những điều kiện về tương quan của con người với chính mình và từ đó cho phép quan sát một triển vọng xã hội. Thực hành và nghiên cứu dòng chảy cuộc đời góp phần xây dựng một chủ nghĩa nhân văn hiện đại.

Trong lĩnh vực văn học, dòng chảy cuộc đời là một hình thức tư liệu hay cứ liệu, đồng thời cũng là một loại diễn ngôn. Nó được đọc như một dạng kịch bản được dàn dựng về cái Tôi, một cái Tôi đồng thời là chủ thể sinh học, chủ thể ngôn ngữ và chủ thể xã hội. Đó chính là chủ thể trên đường tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Tư sự như là quá trình xây dựng kinh nghiệm sẽ trở thành một vai trò cần thiết cho sự sản sinh ý nghĩa.

Khi nghiên cứu về văn học Việt Nam Pháp ngữ, chúng tôi ghi nhận trong các loại hình tự sự, dòng chảy cuộc đời chiếm vị trí quan trọng nhất. Sự phong phú của những tác phẩm này chứng minh một cảm thức nổi bật của con người trong xã hội đương đại. Chủ yếu đó là lối viết về những kinh nghiệm, những thực tế, những ký ức và về chứng từ. Lối viết này hướng đến một sự trở về, một cuộc khai thác quá khứ, khám phá lịch sử cá nhân và lịch sử cộng đồng, và mang nhiều màu sắc khác nhau về văn hóa, chính trị, tôn giáo. Chúng ta có thể kể đến những tác giả thuộc thế hệ đầu – thời kỳ thuộc địa : Trần Văn Tùng, Nguyễn Mạnh Tường, Phạm Văn Ký, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Tiếng Lãng, Lý Thu Hồ. Đặc điểm chung trong các tác phẩm của họ là diễn đạt những ước mơ, những lý tưởng, những khát vọng vượt thoát, để vươn đến một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng những thực tế đối với họ lại không giống với hình ảnh trong ước mơ và trong những ảo tưởng. Vì thế những kinh nghiệm về thất vọng, nỗi cay đắng và thất bại xuất hiện nhiều trong tự sự. Đó là đặc trưng của một hành trình bi kịch của tuổi trẻ. Nhận xét rất chí lý của vị Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié, người viết lời tựa cho tác phẩm của Trần Văn Tùng Những ước mơ của một chàng thôn quê An Nam (Rêves d’un campagnard annamite):

« Giả như mọi văn phẩm đều diễn tả một thảm kịch riêng tư nào đó thì thảm kịch ấy hiện ra ngay ở những trang đầu này, và độc giả luôn thích thú bị cuốn vào diễn trình của truyện kể, một câu truyện đưa nhân vật, đồng thời là tác giả vì đây là một tự thuật, đến mục đích khát vọng được nung nấu từ tuổi thơ : làm quan, khám phá nước Pháp, một nước Pháp-Thần tiên như anh ta thường hồn nhiên gọi như thế » (tr. 9).

Ứng với lời nhận xét trên là âm vang mơ mộng của tiếng nói tác giả ở đoạn kết của tác phẩm, làm nổi bật đặc tính hành trình bi thảm cá nhân mình :

« Đứa trẻ thôn quê, người vừa kể cho quý vị cuộc đời mình với những ngôn từ đầy xúc động, nay không còn nữa. Đứa trẻ này đã thành một chàng thanh niên chất chứa đầy ưu tư và toan tính. Anh đã trải qua những năm dài nơi phố thị. Anh đã đọc nhiều sách Pháp. Dòng đời đã trói buộc anh xa quê hương, xa cha mẹ, xa tổ tiên cội nguồn » (tr. 187).

Những tác giả thuộc thế hệ đầu này có hoài bão tìm kiếm một chân trời mới và thường dấn thân vào những nẻo đường tri thức, thể hiện hình ảnh con người trách nhiệm trong xã hội của thời đại. Những truyện kể dòng chảy cuộc đời của họ trở thành những phương tiện truyền đạt ký ức cá nhân và cộng đồng. Chúng ta hoàn toàn có thể nhìn nhận diễn ngôn dòng chảy cuộc đời như một trào lưu diễn đạt của cộng đồng về những ý chí sinh tồn.

Những tác giả này đại diện cho một tiếng nói đa dạng nhưng cùng một trải nghiệm. Nguyễn Mạnh Tường với Nụ cười và nước mắt của tuổi xuân cũng như Phạm Duy Khiêm qua Vị thế của một con người hay Phạm Văn Ký trong Anh em ruột : họ đều minh định cho tiếng nói của một thế hệ trên con đường khẳng định mình, và thường gặp phải những nghịch cảnh hay tình trạng khủng hoảng, chọn lựa hoặc bắt buộc. Nhân vật của họ trong truyện chủ yếu là người vô xứ, lưu vong, với số phận trôi dạt giữa hai dòng. Nhà phê bình Pháp Jean-Jacques Mayoux, trong một cuộc đối thoại với Phạm Văn Ký, đã có nhận định về nhà văn này như sau :

« Thưa nhà văn, trong một khoảng không lạ thường, trong một vực thẳm xa vắng, ông đã làm nảy sinh một sức tưởng tượng hướng về quê hương xa cách của ông cũng như trường hợp của James Joyce hướng về Dublin vậy. Phải chăng, chính nhà văn đang tìm kiếm nguồn gốc kỳ bí của thế giới? Cũng có thể bây giờ nhà văn đang ẩn cư ở một Phương Đông ngay trong cái dáng vẻ bề ngoài của mình. Nhưng, dù vậy, nhà văn lại quá xa cách với Phương Đông ngay trong chiến thuật văn chương. Mallarmé đã sinh ra nhà văn bằng cách giúp nhà văn tự hủy mình, để ngay trong chính đất nước của Mallarmé nhà văn trở thành một người phát minh ra một Việt Nam tinh tuyền nhưng không hiện hữu. Đúng ra thì việc phải xa cách với mẫu ngữ, với đất mẹ, với khung trời quê hương, đã buộc nhà văn phải thinh lặng hay phải phát ngôn dài dòng, nhưng hình như thực tế nhà văn của ông lại đến từ những hủy thể ấy. Nhưng thực tế đó không chỉ là của riêng nhà văn, mà của cả một thế hệ mới các nhà văn vô xứ như ông. Cũng như ông, họ nói một ngôn ngữ khác, họ khám phá trong cái lạ thường của ngôn từ một nguồn sức mạnh chứ không phải nguồn gốc của những liên tưởng quen thuộc : đó là một ngôn ngữ phi liên tưởng, mới lạ, âm u, đam mê, phi cội nguồn » (tr. 717).

Các tác phẩm về ký ức và chứng từ cũng bắt nguồn từ những xung đột xã hội, những khủng hoảng chính trị và những biến động di trú và lưu vong. Thực vậy, những sự kiện lịch sử đã xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt từ chiến tranh Đông Dương đến hậu chiến tranh với người Mỹ, đã góp phần hình thành nên một lối viết cho văn học, một lối viết về bản thân, quy tụ cả những nhà văn đã thành danh và những người viết mới và nghiệp dư. Có một số tác giả chỉ xuất bản tác phẩm của mình vào giai đoạn cuối của cuộc đời hoặc thậm chí sau khi họ qua đời. Trường hợp thứ nhất có thể kể đến một số tác giả thuộc thế hệ những người lính thợ Đông Dương hoặc những người có liên quan đến sự kiện trưng tập này : Lê Hữu Thọ với tác phẩm Hành trình của một ông quan nhỏ (Itinéraire d’un petit mandarin, 1997), Thiệu Văn Mưu với Một người con xa xứ (Un enfant loin de son pays, 2003) hay mới đây có Nguyễn Văn Thanh xuất bản Sài Gòn-Marseille chuyến đi không khứ hồi (Saïgon-Marseille aller simple, 2012). Những truyện kể này đều tái hiện số phận nhân vật bị công cuộc khai thác thuộc địa đẩy đến những năm tháng cùng quẫn của cuộc đời. Các tác giả phác hoạ ở đó « một cuộc đời còn in dấu sâu đậm một sức nặng của những truyền thống Việt Nam, một cuộc đời bị xô đẩy vì sự kiện khai thác thuộc địa, một cuộc đời bị thương tích trong các trại công binh, một cuộc đời lưu đày và vô xứ vĩnh viễn » (Sài Gòn – Marseille chuyến đi không khứ hồi).

Các thể tài lớn về lưu đày, vô xứ, bỏ quê hương, đã ăn sâu vào lối viết về bản thân các tác giả Việt Nam. Những thập niên cuối của thế kỷ XX chứng kiến sự nở rộ của thể loại này. Đó vẫn là những tác phẩm ghi dấu những quãng đường truân chuyên nhưng cũng rất thi vị của cá nhân, gia đình và dòng tộc. Những tác phẩm phản ánh thế giới dòng tộc và cội nguồn như Chân Đăng (Chân Dàng ,1980) hay Đứa con của Chân Đăng (Fils de Chân Dàng, 1983) của Jean Văn Mai là một minh chứng – Jean Văn Mai là thế hệ con của những người Việt mộ phu (travailleurs engagés) trên Tân Đảo (Nouvelle Calédonie) thời Pháp thuộc. Có thể liệt kê thêm trong thể loại này Việt Nam : thế hệ thứ tư (Vietnam : quatrième génération, 2008) của Joséphine Lê Quán Thời (Phi Long). Tác giả là nhân chứng trực tiếp về hành trình lưu đày của một gia đình, đồng thời cho thấy những trang sử còn bị bỏ quên của thời kỳ Pháp thuộc, đã khiến cho nhiều số phận cuộc đời bị rơi vào tình trạng đau thương tột cùng.

Vấn đề thuộc địa thực sự đã gợi ra nhiều chủ đề lớn và được khai thác một cách phổ biến bởi nhiều tác giả, đặc biệt liên quan đến dòng chảy cuộc đời cá nhân và cộng đồng. Nhưng nhìn chung, trong chiến thuật hiện tại hóa lịch sử và xã hội, lối viết về bản thân và cộng đồng không chỉ có khuynh hướng đáp ứng cho các nhu cầu hoài niệm và tâm sự, mà còn hướng đến một nhiệm vụ quan trọng hơn có tính chất cộng đồng, đó là làm chứng. Nuage Rose – Hồng Vân – trong Tam Vân ở xứ sở của những cây súng (Trois Nuages au pays des nénuphars, 2012) là một minh chứng :

« Năm 1975, chiến tranh cuối cùng cũng chấm dứt, nhưng hoà bình vẫn chưa trở lại. Đất nước từ nay thống nhất, nhưng vẫn chưa hoà hợp. Trong những tồn tại khác biệt của mình, « hai Việt Nam » vẫn còn đó những khoảng cách, những đối lập với nhau. Trong cả văn hóa, tinh thần, não trạng... và cho đến ngôn ngữ » (tr. 241-242).

Thực vậy, nhiều tác giả thực hành loại diễn ngôn này không chỉ để phác hoạ những nẻo đường cuộc đời mình mà còn để thực hiện một nhiệm vụ hồi tưởng ký ức và chứng từ cho cộng đồng. Những hồi ký của Mạnh Bích Việt Nam thống khổ, 1945-1975 (Le Viet-Nam crucifié, 1945-1975) hay của Nguyễn Kỷ Nguyên Sài gòn sau 1975. Một lịch sử bị quên lãng (Saigon après 1975. Une histoire oubliée) cũng có khả năng tham gia vào những lời chứng sống động. Như vậy, những dòng chảy cuộc đời là diễn ngôn chứng từ của cá nhân về các sự kiện lịch sử, thường mang dấu tích của đau thương, đối với cuộc đời của một con người hay một gia đình, thậm chí một cộng đồng.

Sự nở rộ của dòng chảy cuộc đời phản ánh ít nhiều hành trạng của thể loại diễn ngôn. Nói cách khác, hành trạng của thể loại diễn ngôn lại chịu tác động bởi những biến thể xã hội hay những tình trạng khác nhau của xã hội, nơi chủ thể được hình thành và phát triển. Như vậy, từ góc độ xã hội học thi pháp, các truyện kể cuộc đời trở thành một địa hạt nền tảng cho phép chúng ta quan sát những tương quan giữa tác phẩm và xã hội, giữa thể loại tác phẩm và ý thức hệ. Nhưng cũng từ nguồn cứ liệu hỗn hợp ấy ta có thể nhận ra một hiện tượng của thời kỳ đương đại : hiện tượng trở về của chủ thể. Vừa là hư cấu vừa là hiện thực, dòng chảy cuộc đời đồng thời giúp độc giả chất vấn về thể loại văn học và về tâm thế của chủ thể đương đại. Phê bình văn học trong những giai đoạn 1960-1970 có khuynh hướng ca ngợi chủ nghĩa văn bản mà ít quan tâm đến hình ảnh chủ thể sáng tạo, nhưng từ những thập niên 1980 trở lại đây, phê bình văn học phải thừa nhận « một hình thái mới của tiểu sử và cuộc đời tưởng tượng ». Văn học Việt Nam Pháp ngữ cũng nằm trong mạch phát triển này khi chứng minh sự trở lại của chủ thể trong những mảnh vỡ của nó, trong những hình hài không nguyên vẹn của nó.

Như vậy, tự sự là một hành động tái cấu một cuộc đời. Những chứng từ hay những ký ức một khi được đặt dưới những tình tiết kể đều có mục đích kêu gọi sự chia sẻ và tham gia từ phía độc giả vào tiến trình tái thiết những hình ảnh của chủ thể cá nhân. Đó chính là tiến trình tìm kiếm căn cước. Trong viễn ảnh đó, ý nghĩa của chứng từ và ký ức tương ứng với ý nghĩa của căn cước tự sự. Căn cước tự sự theo nghĩa của Paul Ricœur là « một dạng thức phản chiếu bản thân, một dạng thức tách khỏi bản thân [...] cho phép bản thân nằm ngoài phạm vi vật chất hoá tích cách, đồng thời tạo cho bản thân sự chuyển di về quá khứ và về lịch sử tính cơ bản của chính mình » (Johann Michel, 2013, tr. 28).

Viết về cuộc đời mình, đó không phải là một « tư tưởng chết », như ai đó đã nói, mà là một cuộc phục sinh trong thân xác của ngôn từ. Khi chất vấn « về cái tôi như là một cá nhân trong hành trình hội nhập gian khó, nhân vật Văn trong tiểu thuyết Sóng ngầm (Lame de fond) của Linda Lê đã nhận ra chính mình như sau :

« Từ nay ta chỉ là một vong linh giữa những vong linh khác. Thế thì ta chỉ việc im lặng, chỉ việc thay văn bia mộ chí đọc thầm cho mình những vần thơ này : Ta muốn người đời vu khống mình đến tận nấm mồ/ Ta còn muốn sau nấm mồ người đời vẫn thấy ta hư vô, hay ta chỉ việc tin rằng mình sẽ không trôi dạt nơi vực thẳm như kẻ bị sa địa ngục muôn đời lạc lõng giữa Đông và Tây » (tr. 277).

Phải chăng đó cũng là tiếng nói của mọi nhân vật trong các dòng chảy cuộc đời của các tác giả Việt Nam trên lộ trình tìm kiếm chính mình và ý nghĩa cuộc đời mình ? Câu hỏi dành cho độc giả để cùng chia sẻ những suy nghiệm về thân phận con người trong thời đại của chúng ta, một thời đại bấp bênh, rạn nứt và chia xé.

Tài liệu tham khảo

Arendt, H. La condition de l’homme moderne, Paris : Calman Lévy, 1969.

Bertaux, D. « L’approche biographique, sa validité méthodologique, ses potentialités », Cahiers internationaux de sociologie, vol. 69, Juil-déc. 1980, tr. 197-225.

Bertaux, D. Les récits de vie, Paris : Nathan, 1997.

Bourdieu, P. « L’illusion biographique », Actes de la Recherche en Sciences Sociales, 62-63, 1986, tr. 69-72.

Desmarais, D. & Grell, P. (dir.) Les récits de vie. Théorie, méthode et trajectoires types, Montréal : Les Éditions Saint-Martin, 1986.

Gauchet, M. Le désenchantement du monde, Paris : Gallimard, 1985

Mayoux, J.-J. & Pham V. K., « Voix d’Est, Voix d’Ouest », Les Lettres nouvelles, 38 & 39, 1956

Michel J. Ricœur et ses contemporains, Paris : PUF., 2013.

Krsiteva, J. Sens et non sens de la révolte, Paris : Fayard, 1996.

Renaut, A. L’ère du vide, Paris : Gallimard, 1989.