Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Cuộc đời ngoài cửa – một hiện thực chưa tới bến! (*)

Nguyễn Đình Bổn

Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng một tình tiết thiếu hấp dẫn, nếu không  nói rằng có thể gây chán, khi hai “lão bạn già” gặp nhau và cùng nhau kéo đến một quán bia vỉa hè cũ để mà hoài niệm. Một trong hai “lão già” đó là nhân vật chính, người sẽ dẫn dắt bạn đọc đi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này, và chính sự va đập của những nhân vật trong một cuộc hành trình hơi phi tưởng, đã làm nên cái hấp dẫn từ những chương sau.

Cuộc hành trình đó, được mô tả như một chuyến đi bằng xe ô tô “khắp đất nước”, một chuyến đi thấm đẫm chất bi hài, nhưng bi lấn át hài, ở đó nhân vật chính, một người đàn ông có thể gọi là “thành phần trí thức”, bởi ông ta từng là giáo viên dạy Văn, ông ta còn là một nhà thơ không chuyên và đang chạy trốn một bi kịch thời đại: sự nguội lạnh, mâu thuẫn cách sống dẫn đến tan vỡ của một gia đình truyền thống. Đây là một mẫu nhân vật có phần cá biệt, sống khép kín và sau biến cố gia đình mới dám thử đưa đời mình ra ngoài cuộc đời bằng một chuyến đi. Rồi qua những mảnh đời ông gặp ngoài cửa xe, qua tương tác với cô con gái tham gia một cách bất ngờ vào phút chót, ông đã cư xử, nhìn lại, suy gẫm về chính đời mình, và hơn hết là thế thái nhân tình.

Trong suốt cuộc hành trình vất vả của hai cha con, từ những cuộc đời ngoài cửa xe của nhân vật, tác giả dần hé lộ một bi kịch về nhân thân của nhân vật chính. Và trong một không gian tù túng là chiếc xe hoặc ngột ngạt như phòng trọ, phòng khách sạn, sự tương tác bắt buộc đó làm bật lên cái bi kịch xung đột hai thế hệ, hai cách sống, hai cách nghĩ và tất nhiên hai cách cư xử hoàn toàn khác nhau trước những tình huống mà cha – con họ gặp phải. Nếu người cha cho rằng cô con gái của mình quá vô cảm, ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mặc kệ những cảnh đời quanh mình thì cô con gái trong độ tuổi chớm thành niên, lại nhìn người cha với ánh mắt xa lạ, đánh giá cha như một kẻ rỗi hơi, ưa chen vào những chuyện không phải của mình và có phần khùng điên, trong một đối thoại cô bé đã đưa ra nhận xét một cách khái quát: “… bây giờ ai chẳng khùng. Con có một trăm đứa bạn, cả trăm đứa khùng hết trơn. Mỗi đứa khùng với một lý do khác nhau. Đứa gia đình. Đứa yêu đương nhăng nhít. Nhiều đứa khùng rất… mông lung, chẳng hiểu tại sao khùng. Trẻ khùng kiểu trẻ, già khùng kiểu già” (trang 89)

Cuộc hành trình tưởng như vô định đó, đôi khi lại phải nhờ vào phương tiện hiện đại là chiếc điện thoại nối mạng của cô con gái để… dò đường. Họ đã lên núi, xuống biển, ghé miền quê, đến các thành phố chưa từng đến… tiếp xúc, chung đụng với nhiều cảnh đời, nhiều số phận. Từ chuyện bi hài như một tay “nhà thơ” lợi dụng sự chân chất của người dân tộc, đến nỗi đau uất nghẹn của những nông dân mất đất, ngư dân chết biển, thanh niên nghèo bán thận, những cô gái điếm cô đơn, những tay chủ quán, chủ khách sạn bịp bợm… với sự dẫn dắt câu chuyện khá tự nhiên, cuốn tiểu thuyết dần cuốn người đọc vào cảm xúc bỡ ngỡ nhưng cam chịu của nhân vật chính, hụt hẫng với ông khi đối diện những địa danh hằn trong trí nhớ qua thơ ca lãng mạn, giờ vẫn còn đó mà đã biến mất, bởi sự thực dụng khốc liệt của thời cuộc. Qua mắt nhìn của nhân vật, đó là một cuộc đổ vỡ, từ gia đình đến xã hội, từ ngoại cảnh đến nội tâm!

Và chính cái không thích nghi với thực dụng đó, đã biến nhân vật thành cá biệt. Tuy vậy cái cá biệt đó không phải không mang tính phổ quát. Nhân vật chính, luôn nghĩ đến tha nhân trước mình, hết lòng vì tha nhân, có muốn làm người xấu cũng không xấu được, một mẫu người “cổ điển” nhưng lại cần cho một xã hội nhân bản, oái ăm thay lại gần như lạc loài giữa đám đông hiện tại, bi kịch hơn, chính cái lòng trắc ẩn đó lại khiến ông ta luôn lâm vào những tình thế khó xử ngoài đời và lạc loài ngay trong cái tổ ấm của mình và một phần là tác nhân làm nó đổ vỡ.

Càng về cuối, “cuộc đời ngoài cửa” càng khốc liệt, một sự khốc liệt dành cho một nhân vật lạc loài và lỗi thời. Đó có thể xem là một kẻ thất bại, bất lực từ thể chất đến tinh thần, dùng dằng, không dám chọn cho mình một cách sống lên núi, cất lều ở một mình như người bạn thân của ông ta (chương 3) và người bạn tình cờ gặp bên hẻm núi (chương 20- chương cuối) nên cái kết thúc bi thảm giành cho ông là đương nhiên. Cuộc đời thực tàn nhẫn ngoài kia chối bỏ ông dù ông đã thiết kế một hành trình xuyên suốt chiều dài đất nước để đi tìm nó. Nhưng do chỉ và duy nhất với tâm thức hoài niệm, tiếc nuối cái cũ một cách thụ động nên số phận ông gần như đã được báo trước: vực thẳm, chỉ có một cách duy nhất: lao xe vào vực thẳm!

Về ngôn ngữ của cuốn tiểu thuyết này, nhất là ngôn ngữ đối thoại, theo tôi, chưa nhuần nhị lắm. Có vẻ như tác giả cố tình trung tính hóa nhằm xóa nhòa ranh giới giữa các vùng miền, nhưng chính điều này lại làm cho những đoạn trao đổi giữa các nhân vật gây cảm giác khô cứng, bởi trong một tác phẩm, đối thoại là một trong những biểu cảm quan trọng nhất, nối liền độc giả với tác phẩm, nhất là trong một cuốn sách mà các nhân vật đều không có tên.

Dù vậy đây có thể xem là một cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc. Nhìn lại thế hệ của nhà văn Nguyễn Danh Lam và trẻ hơn, khi mà những cây bút đang chạy theo những trào lưu ngôn tình, bí hiểm… để tìm kiếm sự nổi tiếng và lợi lộc thì sự quay trở lại với mô tả hiện thực, cố gắng tiếp cận hiện thực khốc liệt như nó đang là (tất nhiên trong hoàn cảnh sáng tác – xuất bản hiện nay, điều này còn xa vời) là một ý thức đầy tự trọng của người cầm bút.

Chưa tới bến! Tôi nghĩ vậy khi đọc xong cuốn tiểu thuyết này. Một cuốn khác của Nguyễn Danh Lam đang nằm trong kệ sách của tôi, đó là cuốn “Giữa dòng chảy lạc” nhưng tôi chưa muốn đọc nó vì không muốn cảm xúc bị phân tán. Chưa tới bến, hiểu theo kiểu Nam bộ là “chưa đã, chưa thấm, chưa tới” nhưng cũng có thể hiểu rằng hạnh phúc (của nhà văn) là một cuộc hành trình (của chữ) chứ không phải bến bờ của nó.

Còn với nhân vật, chưa đến bến có nghĩa là thay vì chết, anh ta nên đi… làm cách mạng!

Nguồn: nguyendinhbon.blogspot.com

(*) Tiểu thuyết của Nguyễn Danh Lam. NXB Hội Nhà Văn, 2014