Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Đời khát

Truyện ngắn Vũ Thị Nhuận

1.

Chợ Hôm mọi ngày thường vắng, hôm nay bỗng xôn xao đến lạ. Cái tên chợ Hôm đã đủ cho người ta hiều rằng nó được vớt vát, nhặt nhạnh sau phiên chợ sáng trên thị xã, người mua bán dồn về đây đề bán nốt những gì còn lại. Có lẽ vậy mà chợ Hôm chủ yếu dành cho những người nghèo và hôm nay chẳng phải vào dịp lễ, tết hay sau mùa thu họach, người ta đến đây chủ yếu để bàn tán xoay quanh… một người đàn bà đã ngả qua bên kia sườn của cuộc đời, bà Lụa.

Gọi là bà nhưng bà chừng ba mươi bốn ba mươi lăm tuổi gì đó. Với tuổi ấy, nếu sống nơi phố chợ đô thành, bà Lụa vẫn được gọi bằng cô. Thế nhưng bà Lụa này đã ở góa đến chừng mười bốn năm có lẻ. Ở cái làng này, đàn bà có chồng người ta rất ít khi gọi tên tục mà gọi bằng tên chồng, nhưng với bà Lụa thì lại khác. Có lẽ bà ở góa khi còn quá trẻ, quá lâu, đủ lâu để người ta quên đi bà là vợ của ai.

Khi còn trẻ, bà Lụa đẹp nổi tiếng cả thôn Bình Minh. Bây giờ bà vẫn đẹp lắm, một gương mặt như ngọc, đôi môi màu mận chín, sống mũi thẳng và đôi mắt đẹp đến ai oán não nùng, nó chẳng phải màu nâu, cũng chẳng phải màu đen mà hễ ai nhìn vào chỉ muốn lặn ngụp trong ấy. Gương mặt ấy, sóng mắt ấy được mang bởi một một thân hình tròn lẳn đủ sức khiến một gã đàn ông dù cục mịch đến đâu nhìn vào cũng cảm thấy hừng hực, râm ran từng thớ thịt.

Đất lề quê thói, bà cũng theo về nhà người ta ở cái tuổi mười sáu trăng tròn. Chồng bà, một thanh niên hiền lành ít nói và yêu thương gia đình bé nhỏ của mình. Qua hai lần sinh nở, bà Lụa lại càng mặn mà, đầy đặn hơn so với cái đẹp e ấp của thì con gái. Rồi cuộc đời bà bước qua một ngã rẽ, mà bà cũng như tất cả những người trong xã Bình Minh này đều ngờ ngợ nhận ra.

Hai đứa con, một đứa còn lẫm chẫm, một đứa bế ngửa chẳng biết gì. Buổi tiễn đưa chồng đi bộ đội chan đầy nước mắt. Bà Cục, mẹ chồng Lụa, ngồi trên chõng tre giã trầu, mắt nhìn chằm chằm vào khỏang trống vô hình rồi lẩm bẩm “Cóc đi rồi cóc lại về”.

Chỉ vỏn vẹn ba năm hạnh phúc, lòng người thì da diết mà chiến tranh thì vô tình. Anh chồng hy sinh sau mấy tháng chiến trường. Ngày nhận giấy báo tử của con trai, bà Cục vật vã, điên dại. Sông nước bao la mà bà chỉ có mỗi một thằng con để yêu thương hy vọng. Cả bao đời độc đinh, chẳng phải họ khiếm khuyết về đường sinh nở mà những người đàn ông của họ cứ lần lượt ra đi, chỉ lướt qua đời những người đàn bà trong khoảng thời gian rất ngắn, chóng vánh đến nỗi mọi ký ức về họ, những câu nói sở thích của họ được nhớ vanh vách. Vì sao ư, vì quá ngắn để cho người ta không thể nào quên. Nỗi đau xù xì đóng vảy trong lòng, nước mắt đã khô cạn đặc sệt, bà Cục hóa lòa còn Lụa lặng lẽ hơn từ đó.

- Này các bà ơi, có nghe chuyện mụ Lụa nhà mình chưa? Khiếp, cứ tưởng chính chuyên son sắt thờ chồng nuôi con, ai ngờ đĩ thế.

- Đĩ thế nào? Mụ mõ này nói gì nghe phát khiếp lên

- Chuyện thực trăm phần trăm đấy. Mười mấy năm ở góa, bây giờ không chịu nổi, hí hí…, lại đi dùng củ bột đâm vào cái lỗ trôn.

Không khí chợ nhao nhao lên.

- Thật không? Sao lại thế nhỉ…

- Chẳng có lẽ? Bà Lụa từ xưa tới giờ có tai tiếng bao giờ đâu. Mà làm sao bà biết?

- Chẳng lẽ bà bắt gặp à? Bà cũng quá thể… Ai lại đi rình mò người ta…

Giọng bà Xoe trở nên nghiêm trọng

- Chuyện sờ sờ ra như thế, tôi mà thèm đi rình à? Thế này nhé, chiều hôm qua đi vớt rổ bèo, tự nhiên tôi thấy có một đám mấy người, khiêng võng đưa một người đàn bà tới trạm xá. Tôi lần mò đến xem thì hóa ra mụ Lụa nhà ta. Cứ tưởng bà ta bị ốm. Tôi thấy cả lão Xoe nhà tôi khiêng đi ở cuối võng, tôi hỏi “Chuyện gì thế ông?” lão không nói, tối về lão kể tôi nghe hết. Nghe đâu là thèm hơi đàn ông quá không chịu được rồi tự làm một mình trong buồng, dùng cái củ bột non, làm gì chẳng biết mà đến nỗi nó bị gẫy ở bên trong, không đứng dậy được. Cuối cùng phải gọi bà mẹ chồng. Bà í chẳng biết thế nào, nên sang gọi ông nhà tôi đến đấy. ..

- Thật thế sao? Rõ khổ… Bà ấy cũng còn trẻ mà. Sao lại đến cơ sự ấy chứ?

Nhiều giọng nói chùn xuống

- Tội nghiệp, chồng chết thì lấy chồng khác, có gì là quá đáng….

- Nhưng bà ta ở với bà mẹ chồng cũng góa sớm, con thì con bé, bỏ ai nuôi, mà lại là vợ liệt sĩ nữa chứ. Trăm cái đeo bám vào người. Nhiều tiếng thở dài thườn thượt.

- Nhưng quan trọng là ai dám rước cái ngữ gái lạ lòng ấy. Đi lấy chồng thiên hạ thì còn mong có cửa, chứ cái làng này, chẳng ai dại mà dính vào…

- Nghe đâu bà ấy cũng có qua lại với một ông thương binh hạng nặng ở bên Thiết Trụ. Ông này hồi xưa là tiểu đội trưởng của chồng bà ý. Mà tôi còn nghe bảo rằng, ông ý là đảng viên cơ đấy, oai chưa?

- Cái bà này chẳng biết gì. Người ta là đảng viên lại là thương bình, danh giá thế thì ai lấy bà Lụa để cả làng chê cười. Lẹo tẹo với nhau coi chừng bị mất đảng viên ấy chứ.

- Chuyện kinh thiên động địa như thế mà các bà cứ nói như đùa. Cái ngữ đó phải cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông.

- Tôi nghe đâu bên Trung Quốc, đàn bà mà lẳng lơ đĩ thõa là bị ngựa giày hay là tùng xẻo đấy

- Các bà lo gì, giọng bà Xoe lại oang oang át hẳn những lời bình luận khác. Rồi các bà xem, mấy lão ở thôn cũng không bỏ qua chuyện này đâu, sẽ bắt viết tường trình, có khi còn đọc lên loa phóng thanh ấy chứ, phen này mụ Lụa được một trận bẽ mặt nhá.

Nhiều lời bình luận, người lên án kẻ cảm thương. Chiều tắt nắng, chợ tan dần, đám người kia cũng lần lượt kéo nhau về và cũng đi theo từng nhóm một để câu chuyện li kỳ được tiếp tục mổ xẻ phân tích cho cặn kẽ.

Ông Đích vẫn ngồi cuối chợ, trong cái chòi nhỏ bán nước chè ở đầu làng. Ông nghe ngóng câu chuyện từng chi tiết một. Chẳng lẽ người đàn ông mà mấy người đàn bà kia nhắc tới lại là ông. Một đảng viên, một thương binh hạng ba trên bốn, mất một chân và vẫn mang trong người một mảnh đạn chưa thể lấy ra. Ông muốn sống một cuộc đời tàn nhưng không phế, ông vẫn lao động dù rằng khó nhọc để tăng thêm thu nhập ít ỏi từ tiền trợ cấp cho thương binh. Mỗi khi trái gió trở trời phải gồng mình chịu cơn đau đớn tái buốt, ông lại tự cho mình may mắn hơn nhiều đồng đội đã không được nhìn ngày đất nước độc lập. Thế nhưng ông không cùng đơn vị với chồng Lụa, lại là lứa đàn anh nên không thể là tiểu đội trưởng của chồng Lụa được. Ông thở phào vì ý nghĩ đó…

Hôm nay, ông lại là người ra về sau cùng của phiên chợ, trời càng tối càng lạnh, gió bắt đầu rít lên từng hồi. Khoác cái áo đại cán sờn cũ, đội chiếc nón cối trên đầu, ông muốn tránh những lời chào hỏi xã giao trên đường về nhà và cũng tránh cho người ta thấy thái độ đăm chiêu của ông.

2.

Ông Đích ngả người ra cái ổ rơm được lót một lớp lá chuối khô, cái chõng tre cũ kỹ được xếp gọn vào góc nhà trong mùa rét, có lẽ nó cũng cũ như đời ông vậy, không còn đủ sức để oằn mình gánh một người đàn ông chẳng mấy nhiều da thịt, rệu rạo những khớp xương đau nhức khó chịu. Đã hơn tuần nay ông không bán nước chè tươi được. Câu chuyện ở chợ Hôm chiều ấy ám ảnh ông đến quặn lòng, thương cảm có, tức tưởi có, nó làm cổ họng ông nghèn nghẹn.

Sau khi mồ côi mẹ, ông sống một mình, cuộc đời khắc khổ với gương mặt khắc khổ đã sắp đặt cho ông cái cuộc sống cô đơn này đây. Với ông, Lụa là một người đàn bà vẫn tràn đầy sức sống, khát sống đến cháy lòng. Một người đàn ông khiếm khuyết như ông, mang bệnh trong người mà Lụa lại quan tâm, lại yêu trộm nhớ thầm, lẽ nào lại thế? Hay tại cái số phận sần sùi như nhau mà Lụa có sự đồng cảm.

Có những khuya trời đông rét buốt, cái lạnh cũng đủ làm con người ta tím tái, mạch máu trong người như đông lại, ngừng chảy và tê cứng mọi cảm giác. Ấy vậy mà Lụa lại đến gõ cửa, tiếng gọi thật khẽ nhưng đầy hơi nóng làm tan chảy mọi dây nhợ trói buộc ông trong cuộc sống thanh cao, liêm khiết của một đảng viên. Nếu đến với Lụa, ông sẽ bị đối xử ra sao, Lụa sẽ sống sao với tiếng đời độc địa, rồi cuộc sống của cái thuyền chắp nối có đủ sức chở những số phận mong manh chòng chành chẳng giống ai trong sóng gió này? Một bà mẹ chồng mù lòa khó tính, một ông thương binh quá bốn mươi tuổi bệnh tật quanh năm, một người đàn bà suốt ngày úp mặt xuống đất có ốm cũng không dám ốm, hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, cũng quanh năm phụ làm ruộng làm rẫy chỉ mong đủ cái ăn.

Bởi vậy, sau những lời hỏi thăm xã giao những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, Lụa lại bẽn lẽn ra về. Mà cũng phải, Lụa là vậy, lặng lẽ, âm thầm như lẫn vào không gian và chẳng bao giờ dám nhìn vào mắt ông. Mới độ mươi bữa nay, Lụa lại đến, tiếng gọi gấp gáp da diết khiến ông không thể im lặng. Khi ông vừa nâng thanh gỗ cửa, Lụa sà vào lòng ông khác với cái bẽn lẽn cố hữu như mọi khi. Một người đàn bà tràn đầy nhựa sống, ham sống và khát sống. Sự khát sống ấy toát lên cái mùi nồng nàn mang hương phù sa bãi bồi trong mùa nước cạn.

Lụa nhìn ông đắm đuối, giọng thổn thức nức nở như van xin: “Ông Đích… anh Đích, em yêu anh, em cần anh… chúng ta phải sống vì nhau. Cả đời này em đã chết khô chết héo rồi, em thèm sống như người đàn bà bình thường… Ôm em đi anh”. Lụa dụi đầu vào ngực ông, có tiếng gì đó như dồn dập, vồn vã, Lụa ngước nhìn ông ướt đẫm khao khát chờ đợi: “Anh, ôm em đi, một lần thôi, đêm vắng lắm chẳng ai biết đâu mà sợ. Em thèm làm đàn bà, thèm lắm… Chẳng may có con thì em sẽ nuôi con, dù nó có thế nào chăng nữa…”.

Lụa nhắm mắt hờ hững, cả người cô như một thân cây hanh heo, chỉ cần một tàn lửa nhỏ là sẽ bùng cháy, mãnh liệt, cháy đến tận cùng. Ông Đích lấy hết sức bình sinh đứng phắt dậy như bị điện giật. Không thể được, liệu ông có đáng là một đảng viên không? Liệu con của ông với Lụa có bị nhiễm chất độc màu da cam như những đứa trẻ con người bạn chiến đấu?

Quay mặt để tránh cái nhìn ngạc nhiên của Lụa, giọng ông run run: “Em đi về đi, em còn trẻ chưa hiểu hết đâu”. Lụa đứng bật dậy, mắt nhạt nhòa: “Cả làng này như thế rồi mà đến anh cũng khinh em sao? Sống mòn mỏi là sống trong sạch ư? Phải, em còn trẻ, nhưng cuộc sống này đã làm em còm cõi, già nua. Em là bà Lụa, bà Lụa, anh nghe rõ chưa?”.

Tiếng nấc nghẹn hòa vào đêm lạnh buốt, gió rít từng hồi sắc mỏng như lưỡi dao cứa vào lòng người. Ông Đích ngồi phịch xuống thảm rơm khô, đầu óc lơ lửng, tim như có ai bóp nghẹt, mắt nhòa với nước đắng chát.

3.

Tiếng gà gáy, tiếng í ới của người ta gọi nhau ra đồng chuẩn bị một vụ thu hoạch mùa rẫy làm cả xóm lao xao. Ông Đích choàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ thật dài, mắt cay rát khô khốc, miệng chát đắng. Ông lồm cồm bò dậy tìm cái siêu trát đầy bồ hóng. “Phải rồi, mình phải sang nhà Lụa, nói chuyện với bà Cục mẹ chồng Lụa, để xin cô ấy về với mình”. Có gì là xấu xa cơ chứ, như cây cần ánh sáng, cá cần nước để thở, người đời cần có nhau…

Căn nhà vách đất ba gian vẫn im ắng như tính khí cố hữu của chủ nhà, đơn độc, cô quạnh. Trên vách đất, thỉnh thoảng có những mảng vá rất khéo còn nguyên màu bùn mới. Ống Đích ngập ngừng, dựng lạng sửa lại cái áo. Hay Lụa đã ra đồng? Tiếng võng kẽo kẹt chậm rãi như tiếng mọt ăn gỗ, gọt đẽo vào lòng người đến buồn thảm.

- Có ai ở nhà không? Cô Lụa có nhà không? Ông mạnh dạn lên tiếng

Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng khua dép như quờ quạng chậm chạp trên nền đất. Ông bước vào sân trong, tiếng nói khẽ khàng như rụt rè vọng ra

- Ai hỏi gì em nó thế?

- Dạ, cháu đây cụ ạ. Cháu là Đích đây. Cụ ở nhà một mình à? Cô Lụa có nhà không hả cụ?

- Bác Đích đấy à, khổ, tôi mắt mũi lèm kèm, bác bỏ quá cho. Bác hỏi em nó có việc gì không? Rõ là khổ.

- Dạ, cháu sang đây là để…

- Thôi, bác đừng nói nữa, tôi biết cả rồi. Tại tôi, tại tôi- Cả người bà run run, tiếng ho khan đục và hụt hơi đến khô rát, cổ đầy những dây đan mắc chằng chịt. Bà ngừng một lúc im lặng. Ông Đích không muốn cắt ngang tiếng nấc của bà Cục mà lặng lẽ cầm lấy bàn tay bà để dòng tâm sự của bà tuôn trào. Bà thở thật sâu rồi lại hít vội vào.

- Em nó bỏ nhà đi mấy hôm nay rồi, bác xem, làng này có tha cho nó sống mà nuôi con đâu.

Bà nhắm díp mắt lại, hai giọt nước đặc quánh chậm chạp rơi ra từ hốc mắt sâu hoắm. Khổ đau vất vả một đời đã vắt kiệt sức lực của bà, nó không đủ để chảy thành dòng một cách nức nở, tức tưởi. Người ta vẫn bảo, người già khó khóc lắm, vì lấy đâu nước mắt mà khóc, lấy đâu ra hơi mà khóc. Khóc cũng làm người ta mệt, rời rã khô héo như một cành cây được ép ra nước, còn bà, một cành cây khô và lại quá heo hanh.

- Đời tôi đã khổ, nó có kém gì đâu. Ông nhà tôi chết năm tôi hai mươi mốt tuổi mới có mỗi được thằng chồng nó. Bác xem, ông ấy bị Tây nó bắn, mà vì cái gì cơ chứ, chỉ có hai hào bạc. Trong một trận càn, tôi bế con chạy theo mấy người phụ nữ lên cống, ông ấy cùng mấy người đàn ông chạy về Cao. Tôi nghe ông Tạo thợ may bảo, bốn thằng Tây đen đeo súng đen ngòm túm được hai người trốn trong bụi tre. Chúng nó gí súng vào cố và hét lên “chiền, chiền” (tiền). Ông Tạo móc mãi trong túi được hai hào bạc đưa cho chúng nó, thế là nó tha ông ấy, còn ông nhà tôi thì bị chúng nó đạp vào đầu và bắn thủng bụng.

Bà đưa tay áo chùi chùi vào mắt, vào mồm, lặng đi một lúc lâu, bà lại thổn thức

- Cái hôm em nó bị bất động, tôi định sang tìm bác mà bác lại lên chợ. Tôi sang gọi ông Xoe, thế rồi cả làng ầm lên. Khổ thân nó, tôi vừa mắng nó lại vừa thương, đàn bà như nó, tuổi còn trẻ thế mà… Cả làng này nào để cho nó yên đâu. Mấy hôm nay, ngày nào cũng có người đến tìm và bảo nó lên nhà trưởng thôn làm tường trình…

- Tường trình gì thưa cụ?

- Thì các ông ấy bảo thế chứ tôi làm gì có chữ mà biết. Nó bỏ đi luôn sau cái hôm đầu tiên đi lên nhà ông trưởng thôn… – Bà lại lặng người đi – Khi đi nó bảo tôi là “Con lạy u, làm xấu hổ gia đình. Ở đây người ta sẽ làm nhục con đến chết. U ở nhà với con Sợi, có đám nào được thì u gả nó hộ con. Con đem thằng Len đi với con, bao giờ người ta quên chuyện cũ thì con về với u”. Nó đi thế này biết bao giờ mà gặp lại nó, người làng này bao giờ quên chuyện cũ mà mẹ con bà cháu được gặp nhau.

Bà lại lặng người đi, tiếng khóc khàn đục nửa như bị chặn lại nửa như muốn vỡ òa.

- Tôi biết em nó muốn đi lại với bác – Bà nhỏ nhẹ như tâm sự- nhưng vì tôi hẹp lòng bác ạ, ngăn cản nó. Tôi bảo bác là thương binh, lo cho mình còn vất vả… mà nó thì cũng nghèo quá… Tôi cũng thương thằng con trai của tôi, nó chết khi mới hai mươi ba tuổi. Nghĩ quá hoá quẫn, bây giờ em nó đi rồi, tôi ân hận lắm – Bà lại nghẹn ngào – Nếu hôm nay bác không sang thì tôi cũng sẽ sang tìm bác, ở tuổi này rồi, cuộc sống đếm trên đầu ngón tay…

Gian nhà đất im lặng, cả ông Đích và bà Cục cùng ngồi đó. Mỗi người mang theo suy nghĩ của riêng mình nhưng cả hai đều nghĩ về Lụa… Có tiếng bước chân nhanh nhanh thình thịch về phía ngõ nhà bà Cục, bà thở dài

- Lại đến xem em nó về chưa để bắt lên trình diện đấy.

- Sao cụ biết họ sẽ vào ngõ nhà mình?

- Tôi mắt mũi lèm kèm, trời cho cái tai thính lắm bác ạ.

Tiếng chân gần hơn, rõ ràng là bước vào trong sân, giọng một người đàn ông liếng thoắng

- Bà Lụa có nhà thì phải lên gặp trưởng thôn ngay, đừng để tôi nhắc nhở mãi nhé.

- Em nó không có nhà, nó đi làm xa rồi.

- Bà lại còn bênh con dâu hả? Người trong hợp tác xã này không được ô uế như thế, không giáo dục tới nơi tới chốn thì sẽ ảnh hưởng tới văn hóa của xã.

Dáng ông trưởng thôn chắc nịch đã lồ lộ ở cửa ra vào.

- Bà ngần này tuổi rồi mà không hiểu biết chuyện đời là gì, thế bà không thương con trai bà à? Con Lụa làm như thế là làm dơ bẩn tông đường nhà bà đấy. Tôi không mạnh tay thì xem chừng sẽ có kẻ bắt chước làm theo. Đường đường là vợ liệt sĩ mà lại không sống lành mạnh gì cả. Có cả ông Đích ở đây nữa à? Tôi cũng nghe phong phanh tin đồn về ông đấy. Cũng may mà chưa có ai bắt gặp. Tôi nói để ông biết liệu sống sao cho xứng đáng là một người đảng viên thương binh.

Ông Đích ngồi bất động, còn Bà Cục mím chặt môi. Ông trưởng thôn lia mắt một cái lườm dài thõng thượt khắp cả gian nhà lạnh ngắt. Cái nhìn ấy dài, dài lắm, nó đủ dài để buộc chết một số phận, buộc chặt không cựa quậy được. Ông chau mày rồi quay nhanh ra ngoài hiên, tiếng bước chân có vẻ bực tức, xa dần xa dần. Bà Cục bất thần đứng dậy, chao đảo, gương mặt bà rúm lại như một tờ giấy bị bóp xiết trong lòng bàn tay, bà gào thét trong tiếng nấc

- Chúng mày, chúng mày thật độc ác. Nó đã đi rồi mà vẫn chưa tha nó hay sao…Chúng mày giết chết nó đi rồi giết cả bà cháu tao đi…

4.

Chợ Hôm vào mùa lúc nào cũng xôn xao, người qua kẻ lại, tiếng rao mua tro, mua phân vang cả ngõ. Văn hóa làng là vậy, một người làm là cả làng làm theo. Mùa tết, nhà nhà trồng hoa bán tết, cả làng làm mứt táo mứt mận. Được một dạo có cái cân quả tạ, trong làng đã có hơn chục gia đình gom góp vốn vay mượn họ hàng để tậu cho được, cứ một lượt cân là được một cân cà chua hay su hào. Tiếng người chèo kéo, mặc cả, thượng vàng hạ cám đều được đem ra trao đổi.

Mới vài năm qua, xã Bình Minh có vẻ thay da đổi thịt nhiều. Gia đình nào cũng tậu được xe đạp tốt, mà xe từ bên Liên Xô về, họ không chuộng loại xe Hữu Nghị nữa. Có nhà còn mua được cả xe máy chạy còng cọc nghe đến dòn dã. Nhiều nhà ngói mọc lên, người ta sẵn sàng nai lưng ra để làm cái nhà to cho bằng chị bằng em trong khi bụng còn đói, có người phải đi vay mượn đến hơn nửa tiền xây nhà, có người tự làm nhà vì quá gắng sức, lao tâm khổ trí mà chết. Và cứ thế, cuộc sống khiến con người phải gồng mình khoác một bộ cánh theo khuôn đúc, được đo ni đóng ván kềnh càng, nặng nề và khô cứng, đôi khi tàn nhẫn.

Cảnh làng xã thay đổi, không chỉ ở người sống mà cả cho người chết. Những khu mộ dòng họ ngày một nguy nga đua nhau mọc lên, về cả mức độ cầu kỳ lẫn giá trị về tiền.

Vợ Lãm đang ngồi cắt tỉa lại đám hàng cho phiên chợ ngày mai. Mặt nhăn nhó, hình như chị ta đang lẩm bẩm chửi ai thì phải. Rõ khổ, hai vợ chồng mới lấy nhau chưa tròn năm, đang mong có con để bế bồng. Có con thì thích rồi nhưng phải làm lụng nhiều để dành, mà cả năm nay, vợ chồng Lãm cũng làm mửa mật ra đấy chứ, cũng sẽ dư dả được vài tạ thóc nhưng lại phải đóng góp cho việc xây mộ tổ. Tiếng Lãm từ ngoài ngõ vọng vào rôm rả

- Này, mình đã chuẩn bị tiền nong sang đóng cho Bác trưởng tộc chưa? Chi nhà mình có mỗi mình tôi thôi đấy, đừng để bác ấy nhắc mà dơ mặt.

- Mình bảo sao, chưa đến hạn chót mà. Ừ, tôi cũng đang lo đây nhưng chưa đủ. Đợi phiên chợ ngày mai tôi bán lứa gà nữa.

- Bên họ Nguyễn họ làm rậm rịch làm tôi cũng sốt ruột. Họ Vũ nhà mình từ xưa đến giờ có kém gì họ đâu. Phải xây cho thật oách, to hơn họ để họ không xem thường mình được.

- Xem thường… giời ạ! Cứ nghèo như mình thì người ta tất sẽ xem thường.

- Mình nói thế chứ… cứ xây mộ cho các cụ thật to, được ở nhà cao cửa rộng các cụ mát mẻ, khoan khoái thì sẽ phù hộ độ trì cho con cháu… Mình lo làm gì.

- Chẳng lo gì mà nếu năm tới tôi đẻ thì… Các cụ thì được nhà cao cửa rộng mà có biết con cháu phải ở nhà tuếch toác như thế này, méo mặt để lo đóng góp hay không?

- Mình cứ lo bò trắng răng, thôi chuẩn bị ăn cơm đi. Tôi đói rồi. Mà bu đâu rồi nhỉ?

- Vẫn còn nằm trong buồng đấy, sướng nhá….Già còn đú nên mới thế đấy

- Thôi, mình im đi cho tôi nhờ…

5.

Chợ Hôm nó đã không còn là cái chợ họp về chiều hôm nữa, đông đúc hơn, đầy màu sắc hơn. Chỉ có ông Đích vẫn ngồi đó, luôn tay rót nước chè tươi cho khách bộ hành. Đã hai năm nay ông vẫn chờ đợi, mà chờ cái gì thì ông cũng không biết nữa. Nhiều lúc ông lại ước, giá mà bây giờ Lụa ngồi trước mặt ông… Chuyện gì sẽ xảy ra vào cái đêm đông rét cắt da cắt thịt ấy, nếu hai con người ấy, hai số phận ấy đổ ụp vào nhau nức nở, vỡ òa…? Chắc chắn Lụa sẽ không đến trạm xá và sẽ không ra đi biền biệt như thế.

Ông nghe được mùi phù sa nồng nàn theo gió mùa đông bắc tràn về như cái mùi của Lụa, cái mùi của một người đàn bà ở quá, cái khát khao được sống, sống rất thật như cây cần ánh sáng như cá cần nước. Cái lạnh vừa rét mướt vừa ấm áp mơn man suy nghĩ của ông. Phải rồi, sau gần hai năm, người ta đã quên Lụa, quên câu chuyện của buổi chiều ấy, quên số phận chòng chành như quang gánh không cân. Chẳng biết bao giờ cô trở lại như lời cô đã hứa… để cùng ông hàn huyên, nói những câu chẳng đầu chẳng cuối, đứt quãng… Người ta đã ra đi mà nỗi đau, nỗi ân hận vẫn còn nguyên vẹn ở đâu đây.

- Các bà có biết tin gì chưa?

- Có chuyện gì nữa à? Mụ mõ này có nhiều tin giật gân ra phết.

- Chuyện hay lắm, của bà Lẫm. Ối dào, ngủ với giai bị con dâu bắt được. Rõ là dơ mặt.

- Có con dâu bà ấy đang bán su hào bắp cải đằng kia, nói khẽ chứ.

- Ối dào ơi, không phải khẽ gì cả, chính con dâu bà ý tố cáo mà, còn gọi cả làng đến làm chứng đấy – Vừa nói bà Xoe vừa nhướng cổ về phía một người bán su hào – Vợ Lãm này, mày thử nói cho các bà ý biết có phải mẹ chồng mày tòm tem với cái ông Thưởng, sống ở cuối làng, chuyên đi mua tro của thiên hạ không? Ống này ấy, năm rồi đã phải đóng tiền phí cho Hội Bảo Thọ của làng rồi đấy nhé, năm nay sẽ được gia nhập vì đủ năm mươi tuổi. Lên ông lên bà cả rồi mà vẫn còn dơ không chịu được.

- Bà hỏi bu cháu ạ? Ối giời… Hôm trước cháu với nhà cháu về đằng ngoại ăn giỗ, đi nửa đường thì cháu nhớ ra là quên dúm đậu xanh mà u cháu dặn, thế là cháu quay lại. Trời ạ, trời cũng chưa tối mà bà ấy làm to quá, rên rỉ ầm ầm nên cháu mới vào xem… Thật chẳng còn thể thống gì. Thế mà lúc lào cũng dặn cháu, lấy chồng là phải theo chồng. Cháu làm toáng lên rồi túm cả quần áo của hai người lại để cả làng đến xem cho dơ. Từ nay còn dám há mồm dạy bảo cháu không?

- Mày thật quá thể, con dâu cũng phải giữ sĩ diện cho mẹ chồng chứ. Bà ấy mới có bốn mươi mà lị. Thế chồng mày bảo sao?

- Giữ sĩ diện… Bà ấy không bắt căn bắt vặn cháu từng tí một à? Chồng cháu im như thóc, mỗi lần cháu nói đến là chỉ bảo “Thôi mình im đi cho tôi nhờ”.

- Thảo nào, từ hôm nọ tới giờ cấm thấy mặt bà Lẫm ra khỏi cửa.

- Tôi còn nghe nói là, thằng Tèo con ông Teo bắt gặp quả tang hai người ở chỗ cái giếng khô ấy vào cái tối mà nó đi soi. Ông Thưởng phải hứa sẽ sửa xe đạp cho nó không được lấy tiền, còn bà Lẫm thì dúi cho nó mấy đồng nữa cơ đấy.

- Chỗ đấy rắn rít như thế mà họ không sợ à?

- Thì vắng vẻ như thế mới ít người qua lại

- Mà cũng có khi vì vợ chồng mày nữa đấy. Ai lại vợ chồng son, chẳng ý tứ gì cả, bà ấy cũng còn sức khỏe mà… Nhìn vợ chồng mày cứ hùng hục rên rỉ, bà ấy làm sao mà chịu được.

- Khiếp, các bà nói hay nhỉ? Chắc cứ thấy người ta đeo vàng thì mình phải ăn cắp hay sao? Phải biết vắt nước dãi mà bước đi chứ.

- Thế trưởng thôn biết chưa?

- Sao lại không biết! Nghe đâu lần trước đã họp bắt ông í viết tường trình đấy, sau đó đọc cho cả hội các cụ nghe. Tôi nghe thấy họ bảo là ông í viết không thành khẩn nên đã bắt viết lại rồi.

- Rõ khổ, chỉ vì ham hố một tí mà phải chịu xấu thế, rồi có khi ông ấy lại bỏ làng mà đi như bà Lụa cũng nên…

Ông Đích vẫn ngồi đó, im lặng. Thì ra người ta vẫn chưa quên Lụa như ông nghĩ. Lại một người đàn bà khác, cũng ở góa. Họ đang ở cái tuổi chưa già, như trái còn xanh nhưng được hái sớm để ép chín. Bởi vậy, nhựa sống vẫn căng tràn lúc nào cũng tưng tức, căng phồng như sắp nứt ra. Nhưng bà Lẫm may mắn hơn Lụa, bà chẳng phải là vợ liệt sĩ, người mà họ sẽ nắm để “giáo dục ” là ông Thưởng, một người đã làm đơn xin gia nhập hội bảo thọ rồi.

“Ừ, phải giáo dục chứ, nếu không cái làng này loạn mất à?”. “Loạn là loại cái gì? Chẳng lẽ vào hội bảo thọ sẽ không được phép yêu đương lấy vợ sao?”. “Lấy vợ cũng được nhưng phải báo cáo đoàn thể, sống phải có tôn ti trật tự chứ”. “Mà đã gia nhập hội các cụ rồi thì yêu đương làm gì nữa, như thế là dơ lắm”…

6.

Cả nhà Văn hoá xã có đến mấy chục người, toàn hàng các cụ, họ đều được mời cả đấy. Mà người ta muốn gì từ cái buổi họp hôm nay nhỉ? Để thăm hỏi cơ nguyên, an ủi những người trót dại hay chỉ vì tò mò? Mỗi người một tâm trạng nhưng tất cả đều háo hức. Chỉ một mình ông Thưởng ngồi ở góc phòng im lặng, cúi mặt xuống.

- Hôm nay chúng ta có buổi họp này là do Hội bảo thọ của chúng ta đã có cụ Thưởng có lối sống không trong sạch lành mạnh. Sau đây là đơn tường trình lần thứ hai của cụ. Lần thứ nhất, cụ khai là chỉ quan hệ với bà Lẫm có một lần, nhưng thực sự theo chúng tôi điều tra thì cụ Thưởng đã không trung thực. Lần này, cụ khai là có quan hệ nam nữ với bà Lẫm hai lần. Đó là những lần cả làng đều biết. Chúng tôi cũng đã họp sơ bộ và đi đến thống nhất, không tán thành bản tường trình lần hai vì “một lần bắt được chín lần không”. Chắc chắn cụ Thưởng và bà Lẫm phải có quan hệ nam nữ trên hai lần. Xin mời ý kiến của các cụ.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với cụ, chúng ta đều vào hội các cụ rồi, sống phải làm gương cho con cháu chứ. Chúng ta phải răn đe để lần sau không còn ai dám tái phạm.

- Cho tôi xin hỏi, như thế khi vào hội bảo thọ sẽ không được quyền lấy ai nữa hay sao?

- Cái cụ này rõ là chẳng hiểu vấn đề, lấy vợ hay lấy chồng thì phải xin ý kiến của hội và phải được chấp nhận. Nhưng đây không phải là lấy mà là quan hệ nam nữ bất chính, trái pháp luật.

- Nếu muốn lấy vợ thì đừng vào hội các cụ nữa.

Cả phòng xôn xao, người đề nghị nhắc nhở, người thì yêu cầu phạt tiền, cụ trưởng hội vỗ tay ba cái thật to.

- Thôi chúng ta đã có nhiều ý kiến rồi, bây giờ tôi xin mời cụ Thưởng phát biểu cảm nghĩ của cụ về việc làm khuất tất của mình. Cụ nói thế nào đó mà để cho đám trẻ nó biết xấu mà tránh.

- Kìa, cụ phát biểu đi chứ, cụ có quyền bào chữa cho mình để mọi người cân nhắc.

Cả phòng tự nhiên im phăng phắc. Không một tiếng động, người ta nghe rõ cả tiếng thở rưng rức, nghèn nghẹn của ông Thưởng. Đôi mắt ông đỏ ngầu, một màu đỏ lạ lùng khiến người ta lạnh gáy, đỏ hơn máu. Gương mặt ông đanh lại, cương cứng, răng nghiến vào nhau kèn kẹt nghe đến rợn người.

- Hay là cụ thấy điều lệ của hội quá khó, cụ không muốn gia nhập hội các cụ nữa phải không?

Ông Thưởng đứng bật dậy, như nước vỡ đê. Mọi ánh mắt tò mò xen lẫn ngạc nhiên dồn về góc phòng phía ông. Tiếng ông rít qua kẽ răng nghiến chặt:

- Chúng mày là ai? Chúng mày không được quyền sỉ nhục tao. Phải, tao không muốn làm các cụ. Vì tao là người, là con người…

Tokyo, ngày 20/11/2011

Tác giả gửi Văn Việt.