Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

“Bóng chữ” của Lê Đạt dập dềnh hai tâm thức

Khang Quốc Ngọc

Có những bài thơ từ khi ra đời đã là một dấu hỏi lớn cho độc giả và cả giới phê bình bởi sức hút của sự độc lạ và cả cái hay đến thẫn thờ của câu chữ. Muốn chê thì chê không được mà muốn khen thì khen cũng không hết. Bài thơ “Bóng chữ” của nhà thơ Lê Đạt là một bài thơ như vậy. Chúng tôi cho rằng đây là một kiệt tác của sự cách tân Lê Đạt và của cả nền thơ Việt đương đại.

Câu thơ đầu tiên đã xuất hiện một sự lạ. Câu thơ đề cập đến nguyên nhân kết quả nhưng ý nghĩa lại như dồn tụ vào chữ “thấy”. Ở đây là “thấy em”. Thấy là sự hiện hữu của “em” ở mức độ rõ ràng hơn, huy động cả thị giác vào để tăng nồng độ thiết tha của con chữ lên. Nó là nhớ. Bởi thế, nỗi nhớ có hình ảnh sống động hơn. Do vậy, câu thơ đã có một sự lạ hóa tạo ấn tượng. Do đó, “thấy em” có độ lùi của thời gian, xuất hiện cái nhìn lí trí đi kèm với cái nhìn xúc cảm, thành thử câu thơ vừa như giãi bày vừa như một chiêm nghiệm. Cách nói mới “thấy em” như cố tình tạo ra một lằn ranh cho các ý thơ sau giậm nhảy để vụt lên.

Sự so sánh xuất hiện ngay liền phía sau, tác giả cố tình tách đôi ý câu thơ thành hai dòng “chia xa rồi anh mới thấy em/ như một thời thơ thiếu nhỏ”. Nhưng tại sao lại là “thời thơ thiếu nhỏ”. Một giai đoạn, một kí ức đã trôi qua hay chỉ là một cách nói tạo ấn tượng lạ? Xét góc độ trường nghĩa thì “thơ” là tuổi thơ, “thiếu” là thiếu nhi, “nhỏ” chỉ thời thơ ấu. Nếu thế, e rằng lời thơ rơi vô sự lủng củng vì trùng nghĩa: thơ = thiếu = nhỏ. Cách tân mà lủng củng thì vô nghĩa. Do vậy, xuất hiện cách hiểu khác ở trong trường hợp này. Chúng ta cần lưu ý, hai câu thơ như là hai vế của sự so sánh. Ở bên trên có “thấy em” thì bên dưới có “thiếu nhỏ”. “Một thời thơ thiếu nhỏ” là một thời thơ (văn) thiếu vắng sự có mặt của nhỏ (em) hay những điều bị xem là nhỏ nhặt như yêu đương đôi lứa. Là bởi một thời thi ca Việt Nam ta toàn là thơ thế sự, thơ chính trị hóa, thơ thiếu vắng bóng dáng em yêu, thiếu dáng đi của “chàng, nàng” thiết tha kiểu thơ Mới.

Bởi thế cho nên phía trên cũng cần định dạng lại để hiểu hơn ở góc độ khác từ ba chữ “chia xa rồi” là chia xa với đối tượng nào ở đây? Nếu hiểu theo nghĩa đơn thuần “chia xa em” là nguyên nhân chia xa với người yêu thì hoàn toàn không ổn. Bởi lẽ, như chúng tôi đã phân tích phía trên. Đồng thời, câu thơ của một thi sỹ rất coi trọng cách tân mà lộ diện ý nghĩa ra theo kiểu nghĩa đen thì đó đâu phải là cách viết của một người đam mê đổi mới, liệu có phù hợp?

Do vậy, xét ý nghĩa cả hai dòng thơ đầu, chúng ta có thể thấy ý thơ muốn đề cập đến ở đây là một thời thơ ca bị khuôn vào trong kiểu thơ ca buộc phải ngợi ca cái chung mà không được đề cập đến cái riêng tư một thời, làm cho nhân vật trữ tình mới thấy rõ bóng dáng của nhân vật “em” hơn khi buộc phải “chia xa”. “Xa” rồi thì nhớ hơn, nhớ rõ mồn một nên là “thấy em” thì mới có thể diễn tả hết nỗi niềm bị kìm nén, buộc phải lãng quên nhưng vẫn trong tâm thế âm thầm nhớ, cồn cào da diết nhớ, đắm đuối “nhớ”. Và thế là, Lê Đạt buông ra câu thơ “chia xa rồi/ anh mới thấy em” hay đến thẫn thờ là như vậy!

Tiếp đến, là “em về” được đặt trong câu thơ “Em về trắng đầy cong khung nhớ” thì muốn hiểu được câu thơ trên, trước hết ta phải lưu ý đến hai chữ tuy không liền kề nhưng lại ở hai dòng thơ kế nhau. Đó là hai chữ “mưa” và “mây” (Mưa mấy mùa/ mây mấy độ thu). Chắc cũng không khó để mọi người hiểu ra ẩn ý của hai chữ trên, chúng tôi thiết nghĩ, đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là có sự tạo tác đầy ẩn ý của tác giả. Ông cố tình đảo ngược vị trí của hai chữ ấy nhưng vẫn cho chúng đứng cạnh nhau ở hai đầu dòng là đương nhiên không thể chúng ta không lưu ý.

Thế thì “em về” là nhân vật trữ tình “em” về đâu? Về trong thực tại thì sao phải “cong khung nhớ”? Một sự mơ hồ đã được kéo ra và mở rộng dần biên độ. Em đã và đang về trong tâm tưởng anh rồi, bởi phía sau là hai dòng thơ ẩn chứa sự lấp lửng “mưa mấy mùa/ mây mấy độ thu”. Hơn nữa, phía dưới xuất hiện ngay dòng thơ “vườn thức một mùi hoa đi vắng” là coi như một lần nữa khẳng định ý thơ phía trên. “Vườn thức” bởi “mùi hoa đi vắng” hay “hoa đi vắng” nhưng đâu đây vẫn tràn ngập “mùi” hương hoa đã làm cho “vườn thức” trong xao động? Vậy cho nên, trạng thức ấy bắt buộc phải đến để kích hoạt những cảm xúc dồn nén đến ngơ ngẩn.

Thì đó thôi, câu thơ “Em vẫn đây mà em ở đâu?” lại chẳng đem đến cho chúng ta một trạng thức ngơ ngẩn sao? Câu thơ như một sự ngắt hơi chứa đầy mâu thuẫn: đã “em vẫn đây” thì tại sao lại “mà em ở đâu?”. Phía trước đậm đặc “em” nên trong tâm thức nhân vật trữ tình luôn luôn ắp đầy hình bóng con người “em”.

Đó là “em” trong vô thức, “em” trong kí ức. Câu thơ dập dềnh hai tâm thức, một bên là nằng nặng kí ức, một bên là ngơ ngẩn thực tại. “Em ở đâu” buông ngay ra sau khi như ý thơ đã cài mặc định phía trước “em vẫn đây”. Điều đó một lần nữa thổn thức lên rằng, “em” kia đang thiếu hụt bởi một lí do nào đó bên ngoài ghê gớm lắm, cái thế lực ấy có thể bắt hình bóng “em” (dẫu có đầy ắp trong tâm khảm nhân vật trữ tình anh) thì cũng phải bặt tăm mà chịu phép của bóng chim tăm cá. Thế thì, “em vẫn đây mà em ở đâu” đâu phải chỉ là câu thơ nhung nhớ đến thẫn thờ mà nó còn là tiếng nói như rút từ tâm tư con người mình ra, diễn tả nỗi đau kìm nén đến ghê người! Thương thay một cảnh sống ép xác không còn được là chính mình!

May thay, sự kìm nén ấy vẫn bật ra những tiếng nói lay động tận cùng trong tâm tưởng “Chiều Âu Lâu/ bóng chữ động chân cầu”. Vâng, cái dồn nén ấy tụ lại thành “bóng chữ” đã làm “động chân cầu” khi bóng “chiều Âu Lâu” đang buông.

Nén chữ và cách nói lạ để tạo ấn tượng độc đáo là chủ ý của tác giả. Tỉ lệ sử dụng cách nói lạ rất cao “thấy em/ thời thơ thiếu nhỏ/ trắng đầy cong khung nhớ/ mưa mấy mùa/ mây mấy độ thu/ vườn thức/ hoa đi vắng/ bóng chữ động chân cầu”.

Bởi thế, chỉ có thể dùng hình tượng “em” để nói lên những chiều sâu hun hút trong tâm tưởng con người một thời thì mới đủ để nhấn nhá mà riết róng lên thành âm hưởng trữ tình xa xót. Không thể chỉ nhìn “Bóng chữ” như là một bài thơ tình đơn nghĩa. Theo chúng tôi thì đây là bài thơ cách tân mẫu mực. Ở đó có sự nén chữ tối đa, ở đó có sự kết hợp ngữ âm cao thấp bổng trầm giàu chất nhạc, nhịp điệu chậm và chắc, có cao trào. Câu chữ Lê Đạt sắp xếp trong “Bóng chữ” có ý đồ, nó kích thích sự tìm hiểu của độc giả, nó làm cho người ta thắc thỏm đi tìm. Cái hay là ở chỗ đó, bài thơ khước từ sự dễ dãi, có cái cách tân độc lạ song không đến nỗi bí hiểm. Và đó chính là cái nền tạo sức sống lâu bền cho “Bóng chữ” mà cho đến nay chưa thấy một bài thơ cách tân nào có thể sánh ngang tầm.

Bóng chữ

(Lê Đạt)

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

bóng chữ động chân cầu