Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 286): Tuyển tập nhạc Một ngày cho tình yêu – phần 7, Nguyễn Đức Quang – Vỗ Cánh Chim Bay

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

clip_image002

clip_image004

Nguyễn Đức Quang – Vỗ Cánh Chim Bay

Ca Sĩ: NGUYỄN ANH TÂN

ĐỌC THÊM:

Vỗ Cánh Chim Bay

ẤU TÍM

Thành Kính tưởng nhớ nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang – anh đã bay vào cõi hư vô sáng ngày 27 tháng 3 năm 2011 .

clip_image006

Vỗ Cánh Chim Bay, một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, người xây dựng phong trào Du Ca cuối thập 70, những bài hát tiêu biểu của nhạc sĩ, ai sống thời sinh viên học sinh thuở ấy, hẳn cũng một lần nghêu ngao hát: “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang – lê sau bàn chân . . .” Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Có trong các phong trào Hướng Đạo – Nghĩa Sinh, các buổi sinh hoạt liên trường thế nào cũng ca vang: “Cùng đi lay Trường Sơn – Cùng đi xoay Hoành Sơn – Cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm – Vượt khơi ra đảo xa, Lướt ngàn nước sông nhà – Ta đắp bồi cho Mẹ Cha . . .” Về Với Mẹ Cha. Cuối tuần vừa qua tại San José có một buổi văn nghệ bỏ túi tại quán cà phê Paloma, để cùng nhớ về phong trào du ca thuở trước, để cùng vỗ tay hát theo người nhạc sĩ có giọng hát mạnh mẽ chinh phục đám đông một cách dễ dàng, bao lần dậy sóng trong các sân trường giờ sinh hoạt. Tưởng thế, bỗng dưng nhạc sĩ quỵ xuống, trên trang web Du Ca Việt Nam thông báo: Web Du Ca Việt Nam trân trọng thông báo cùng qúi anh chị em du ca viên và qúi bạn yêu văn nghệ bốn phương : Nhạc Sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang vừa trải qua một cơn xuất huyết mạch máu não vào ngày thứ Sáu 11- Feb -2011 , trong lúc ông thật bận rộn và dành hết thời giờ để sắp đặt cho ngày sinh hoạt văn nghệ tại San Jose sắp tới.

Viết về nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã có nhiều người viết, nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã có nhiều người nhắc, tôi chỉ biết viết về một thuở biết về du ca, biết về nhạc của Nguyễn Đức Quang. Biết đến nhạc hùng, nhạc sinh hoạt của nhạc sĩ từ những ngày tham gia Hướng Đạo, tham gia Nghĩa Sinh, đến khi gặp chính nhạc sĩ cùng nhóm du ca đến tận sân trường sinh họat cùng các nữ sinh Sương Nguyệt Anh, khi ấy tôi mới bắt đầu để ý đến nhóm Du Ca Sài Gòn Gia Định, cùng sinh hoạt với các anh các chị vài lần, sau đó “bị” ông cụ ngăn lại, không cho gia nhập vì lý do rất đơn giản, ông cụ sợ con gái bị lôi kéo vào sinh hoạt chính trị. Thế là chỉ được làm thiện nguyện viên, đi theo hát hò lòng vòng trong các sân trường, trong các lần nhóm du ca sinh hoạt tại Sài Gòn – Gia Định, đi xa hơn nữa là không được phép đi. Tôi nhớ mãi bài hát Vì Tôi Là Linh Mục được hát lần đầu tiên với giọng hát của Anh Sơn (?) tôi phải mở ngoặc đóng ngoặc dấu chấm hỏi, vì lý do nghi ngờ trí nhớ của mình, không biết còn chính xác hay không! Anh Sơn ngồi trên xe lăn, mặc chiếc áo bà ba màu đen, cất giọng hát ấm và ngọt, chiếc loa cầm tay để phóng thanh, không phải chiếc microphone đắt tiền, truyền âm thanh qua những chiếc loa vang dội, hai chiếc đàn guitar đệm theo giọng hát, sân trường lặng thinh để nghe vài nốt nhạc thế thôi mà bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên thành khói bay thênh thang giữa bầy bướm trắng, ngày thường ồn như chợ vỡ. Bài Thiên Thu, cũng thơ của Nguyễn Tất Nhiên được phổ nhạc vào cùng năm 1970, nhưng không được yêu chuộng nhiều có lẽ vì lời thơ hòa cùng nét nhạc thảm não quá: “Sao thiên thu không là thiên thu – Cho ngươì yêu chết trong nấm mồ – Tôi bước quanh tha ma nghĩa địa – Tôi muốn đi theo câu tạ từ – tìm lại bóng người chỉ một giây thôi – đành sao quên tôi. Sao em đành lòng quên tôi, buồn!”

Nếu chỉ biết nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang qua các bài hát hùng ca, thì thiếu mất một góc mơ mòng trong trái tim tràn ngập tình cảm của ông. Ông trân trọng trang trí nâng niu tình yêu bằng những nốt nhạc bổng trầm, để vẽ vời vạt mây hồng buổi sáng, để thổi ngọn gió se lạnh buổi chiều, dạt dào thảng thốt tiếng chim đập cánh vội vã cất bay. Nhạc tình phổ thơ của Nguyễn Ngọc Thạch – Bên Kia Sông tràn đầy những hoa bướm hy vọng, tha thiết gọi mời người yêu, có người diễn giải người tình trong nhạc của Nguyễn Đức Quang là Việt Nam – là quê hương đất nước, nhất là trong bài Người Yêu Tôi Bệnh: “Nàng nằm đớn đau tháng năm dài buồn thiu – nàng cầu cứu tôi giữa cơn bệnh đầy vơi! Đã lắm lúc đau xót vì nàng, yêu nhau sao đành dở dang, nghĩ đến mắt kia lúc lìa trần, vỡ nát trái tim muôn phần. Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều, ngày nào mất nhau xớt chia chẳng được đâu!”

Khi viết lại, gõ lại những lời nhạc của ông, tôi viết theo trí nhớ, gõ theo tiếng hát vang vang trong trí, ngay cả âm ư hát theo. Nỗi xao xuyến bồi hồi một thuở tràn trề sức sống, lý tưởng đầy ắp muốn ôm ghì quả đất muốn níu cả mặt trời, tưởng tượng mình có thể dời sông lấp biển khi gào vang: “Cùng đi lay Trường Sơn , cùng đi xoay Hoành Sơn, cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm .. . . Ta đắp bồi cho mẹ cha!” Nhạc tình thật sự của ông chỉ có một bài, Vỗ Cánh Chim Bay mà tôi biết – bài hát này chỉ truyền trong vòng bạn bè thân thuộc – ít ai biết để hát – có lẽ bài này được viết cho riêng một người vào năm 1963, lời hay nhạc bâng khuâng mất đó có đó, theo kiểu – trời nhẹ lên cao tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn – nên có yêu mà rồi “thôi kệ” có nhau chỉ học nói thương đau, chỉ là ngọn giáo buông mau thì yêu chi cho mệt, dù có đêm đan tay che mặt xót thầm. “Vỗ cánh chim bay trên cao – Một làn mây giăng mất lối – Thoáng bóng em phương trời nào -Buổi chiều lấm tấm mưa Thu – Chỉ là phút chốc bơ vơ – Chỉ là cơn gío vụt qua.

Vỗ cánh chim bay lao xao – Nửa đèo ngổn ngang lá úa – Nếu có bên nhau ngày nào – Chỉ là tập tiếng thương đau – Chỉ là ngọn giáo buông mau – Thiên tình sầu khuôn mặt chìm sâu.

Này em phiêu du trong cuộc tình – Phấn son phai mưa Đông một mình – Rừng cỏ may rơi rụng mông mênh – Bỏ mình anh trên hòn đảo vắng. Này em rong chơi trong chiều hồng – Mắt long lanh bão lên ngập lòng – Sợi buồn ai dệt giữa hư không ? Để chợt thấy mình vướng bâng khuâng.

Vỗ cánh chim bay thênh thang – Tình cười cho hoa đón nắng – Nếu có cho nhau ngọt ngào – Chỉ cần một cánh hoa ngâu – Chỉ mòn như bóng âm hao – Chỉ mềm như cõi trời cao ! Vỗ cánh chim bay về ngàn – Còn gì trên mây lãng đãng – Nếu có cho nhau một đời – Chỉ là rũ giấc mơ thôi – Chỉ là buồn rất xa xôi – đem ân tình ru mãi trên môi.

Vỗ cánh chim bay vào lòng – Đêm đêm trở giấc mênh mang – Đan tay che mặt khóc thầm – Đêm nay sao trời lạnh căm.” Chỉ cần nghe nhắc nhở đến nhân vật của một thời, mà lòng sững lại, tôi có rất nhiều dịp để có thể tò mò hỏi cho ra ai là em trong bài hát, nhưng không hỏi, vì sợ làm mất đi cái đẹp huyền ảo của nhạc của thơ, tìm ra Diễm chết Diễm, tìm ra Mộng Cầm mất Mộng Cầm. Người của nhạc hẳn biết bài nhạc ấy của mình, người của thơ hẳn biết bài thơ ấy của mình, đủ ấp ủ hạnh phúc một đời.

Năm 1975, những nhạc những thơ bị xúc bỏ vứt đi, các anh các chị đeo băng đỏ trên cánh tay, hăng hái tham gia vào chiến dịch diệt trừ văn hóa đồi trụy Mỹ Ngụy, chỉ biết làm theo lệnh truyền từ công an phường, từ công an khu vực, xông vào nhà kệ sách có bao nhiêu thoải mái hất bỏ xuống đất, thoải mái quăng lên chiếc xe ba bánh được dùng chở vật liệu xây dựng dính đầy cát bẩn, không cần biết quyển sách ấy là sách gì, sách học sách nghiên cứu, có quyển đóng bìa da, gáy có chữ in bằng kim nhũ, có quyển được bao bìa vải đen có đỏ có. Nỗi sợ hãi không còn gì nữa hết thúc đẩy tôi ngồi ghi lại chép lại bao điều tôi yêu thích, những quyển nhạc, những quyển sách may mắn trốn được trong ngăn bàn viết, trong tủ quần áo, trong bếp được chép lại, chép bằng cây bút paker tôi yêu – ngày đi Mỹ các quyển sách viết tay này được tôi khuân theo, dấu vào va li đựng quần áo. Cậu con trai làm mất của mẹ một quyển nhạc chép tay, quyển ấy tôi đóng bìa cứng màu đỏ huyết dụ, cắt một bó hoa hồng màu kim nhũ từ tấm thiệp Giáng Sinh trang trí trang bìa, cẩn thận mang đi ép ny lông dầy – các việc làm này từ đóng sách đến làm bìa hoàn toàn bất hợp pháp, tôi được các bạn lén lút làm cho “từ cửa sau”. Một người bạn làm việc cho nhà xuất bản Nguyễn Bá Tòng, ngay góc đường Bùi Chu chịu khó mang giấy ca rô còn lại từ thuở trước đến nhà in, dùng máy móc cắt đóng dán cho cô bạn . . . “quái đản” danh từ này tôi dùng đúng y như anh chàng này nói, khi được tôi nhờ vả. Kể ra thế này biết đâu có người lại tìm ra bạn.

Lý do tôi vừa nhận được điện thư từ những người “muôn năm cũ” xưa rích xưa rang, chẳng hề biết mặt, chỉ hay rằng có học chung trường, biết vài tên tuổi, thế thôi mà hình ảnh cứ thế quay vòng lại, tóc dài áo bay, con đường Huỳnh Tịnh Của – vạt nắng đậu trên mái ngói âm dương. Bấm vào maps google, tìm lại mái trường xưa, không còn gì nữa, ngay cả cái tên. Thôi thì . . . đêm nay trời lại lạnh căm, các bạn Tân Định xưa ơi!

(Theo NGÔ ĐỒNG NHẤT DIỆP LẠC)