Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

Quỷ vương (tiểu thuyết - kỳ 4)

Vũ Ngọc Tiến

quỷ vương

 

5. Trư Vương nước Việt

Dân từ bệnh viện trở về, nằm thượt trên giường, thảng thốt hoang mang. Từ mấy tháng nay, anh đã thấy đau tức trong ngực, húng hắng ho khan, đôi lúc khó thở. Lúc đầu Dân chỉ nghĩ mình bị suy nhược vì hút thuốc quá nhiều về đêm, nhất là những khi đầu óc căng thẳng trước những vấn đề khúc mắc ngoài chuyên môn của đề tài nghiên cứu. Cái viện nghiên cứu dặt những “nhà”, những “lều” học hàm học vị đầy mình mà sao thật lạ! Hễ ai an phận ngồi chơi xơi nước, sớm cắp ô đi tối cắp về thì không người dòm ngó, ghen tỵ. Nhưng nếu đam mê với công việc, đưa ra vài phát kiến táo bạo vào đề tài nghiên cứu là bị hầm hè khó chịu, đơm điều đặt chuyện tìm cách phá ngang, không để cho được yên.

Mà thôi, vớ vẩn, mình làm việc đâu phải vì danh lợi. Có điều cay đắng không ngờ khi thầy Hạnh xót trò dẫn mình đến gặp ông giáo sư bác sĩ già ở Viện Ung bướu mới phát hiện ra mầm bệnh ung thư phổi. Giáo sư động viên đây chỉ là nghi ngờ, chẩn đoán ban đầu nên mới có cuộc xét nghiệm lần thứ ba này. Nói là nói vậy chứ nhìn vào mắt ông, nghe ông trao đổi bằng tiếng Pháp với đồng nghiệp, mình biết mười phần chắc chín đã mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.

Các liệu pháp chữa trị bằng bao vây xem ra ít tác dụng. Bệnh này nếu đã di căn kể như mình lãnh án tử. Thôi đành vậy! Mình phải tranh thủ thời gian còn lại viết tiếp hai chương cuối và phần kết luận về những bài học lịch sử thời Lê sơ mà thầy Hạnh rất tâm đắc.

Bất giác Dân cồn cào nhớ Dung. Nghe đâu nàng mới mắc chứng viêm tuyến lệ, tròng mắt cay xè, suốt ngày lệ ứa nhòe đuôi mắt. Quyền đã nhờ người chữa trị, dùng đủ thứ thuốc đặc hiệu ngoại nhập rất đắt tiền vẫn chưa khỏi. Bệnh ấy do đâu mà có, để lâu liệu có làm nàng mất dần thị lực? Đôi mắt ấy khi xưa mới đẹp làm sao, tròn to đen láy, đuôi mắt biết cười!... Anh nhớ những lần gặp nhau ngắn ngủi, Dung động viên mình quên đi vết thương lòng, đừng tự hành hạ mình và lao vào công trình nghiên cứu. Dân vùng dậy, ngồi trầm ngâm bên mép giường một lát để trấn tỉnh rồi sang bàn làm việc mải mê viết…

Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập làm vua, đế hiệu Tương Dực, lấy niên hiệu là Hồng Thuận. Ngày tám tháng chạp năm Kỷ Tỵ-1509, vua Tương Dực thiết triều ở điện Kính thiên, bá quan văn võ cùng tung hô vạn tuế! Trịnh Duy Sản được phong tước Mỹ Huệ hầu sánh ngang với các thân vương trong hoàng tộc. Nguyễn Văn Lang được thăng tước từ Nghĩa Quận công lên Nghĩa Quốc công; còn Lương Đắc Bằng làm Thượng thư Bộ Lại coi việc can gián vua và bổ nhậm, thăng thưởng, điều động các quan trong triều…

Trong số các quan đứng chầu ở sân rồng trước điện Kính Thiên, quan Tế tửu Quốc Tử Giám Bùi Xương Trạch cảm thấy nhẹ lòng đôi chút. Ông đã nghe con trai Bùi Trụ thuật lại buổi hành quyết vua Uy Mục tột cùng man rợ đã phải thốt lên: “Trời hại nước Nam rồi! Sao lại có việc ác độc, trái với luân thường, khác gì loài cầm thú vậy? Lê Oanh với Lê Tuấn là anh em con chú con bác, còn Văn Lang với vua Uy Mục dù gì vẫn là máu mủ ba đời bên ngoại. Cho vua uống chén thuốc độc rồi khâm liệm, chôn cất tử tế cũng đủ trừng phạt, sao nỡ làm chuyện kinh thiên động địa thì các quan không phục, lòng dân ly tán, nước Nam ta tất sẽ còn loạn, còn loạn…”.

Từ buổi đó, ta vẫn canh cánh bên lòng lòng nỗi lo vận nước khó được chu toàn dưới triều vua mới. Nay Tương Dực biết trọng dụng Lương Đắc Bằng khiến ta nguôi ngoai nỗi lo, nuôi chút hy vọng. Ông ấy làm tướng cùng Văn Lang trấn thủ Tây Đô từ thời vua Túc Tông, nhưng dòng dõi khoa bảng lẫy lừng làng Hội Trào, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, từng đỗ Bảng nhãn khoa thi năm Kỷ Mùi-1499 triều vua Hiến Tông. Con trai ông ấy là Hữu Khánh nổi tiếng hay chữ ở nhà Thái Học trường Quốc Tử Giám, văn võ song toàn, sau này đỗ đạt có thể cùng cha phò vua giúp nước thoát khỏi vận suy.

Nuôi niềm hy vọng mỏng manh, Bùi Xương Trạch rủ mấy bạn đồng liêu Lê Tung, Vũ Quỳnh đến dinh quan Thượng thư Bộ Lại chúc mừng. Ba người đến cổng dinh đứng đợi, Đắc Bằng nghe lính hầu bẩm vội ra tận cổng vòng tay thi lễ, dẫn ba ông vào thư phòng ngập đầy sách. Hết một tuần trà, Lê Tung thay mặt ba người trịnh trọng nói:

- Thưa quan thượng thư, đám hạ quan chúng tôi thực lòng đến đây chúc mừng ngài vừa được hoàng thượng cho nắm Bộ Lại vừa kiêm chức Đài Thứ lo việc can gián vua thật là phúc lớn cho triều đình và thần dân trăm họ.

- Ấy chết, các ngài đừng khách sáo! Chúng ta đều là môn đồ thánh hiền, tình như thủ túc, đồng tâm hiệp lực lo việc nước cả thôi, nào dám phân biệt trên dưới.

Vũ Quỳnh nôn nóng ngắt lời Đắc Bằng:

- Vậy chúng tôi cũng mạn phép quan Thượng thư nói thẳng rằng cuộc hành quyết Uy Mục vừa qua lòng người cả nước đều lo dân tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, triều chính rồi đây sẽ ra sao, vua mới có hơn vua cũ... .

Lương Đắc Bằng mỉm cười, chăm chú nghe như nuốt từng lời của Vũ Quỳnh. Ông khuyến khích cả ba vị đồng liêu, từng người nói hết suy nghĩ của mình, cả mừng vì trong triều vẫn còn những người giàu lòng yêu nước thương dân, tâm huyết với sự nghiệp chấn hưng vương triều nhà Lê. Hồi lâu ông ung dung đáp lời:

- Xin ba vị nhân huynh hãy bình tâm nghe ta giãi bầy mọi sự. Vụ hành quyết vua Uy Mục là bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát của ta với Lê Oanh. Văn Lang là kẻ võ biền, bình sinh tính tình nóng nảy, thù hận sâu sắc với vua Uy Mục lại đang nắm quyền cao nhất trong quân nổi dậy. Ông ta đòi Lê Oanh cho mình độc quyền xử lý Uy Mục nên mới ra nông nỗi ấy. Ta đã khuyến nghị với hoàng thượng thu bớt binh quyền của Văn Lang, tách con trai Nguyễn Hoằng Dụ ra khỏi cánh quân Tây Đô, giao thêm binh lương, tướng sĩ cho tướng trẻ này lui về trấn thủ phía Tây kinh thành, gần trại Tốt Động khi xưa để khắc chế cánh quân Đông Bắc của Duy Sản. Còn về lâu dài, việc chỉnh đốn triều cương, chấn hưng đất nước ta đã viết xong Trị bình thập tứ sách sắp dâng lên hoàng thượng may có các vị lại chơi cùng tham khảo thật may lắm lắm…

Đắc Bằng khoan thai đứng dậy, lại gần án thư lấy ra bản thảo cho mọi người truyền tay nhau đọc và góp ý. Bùi Xương Trạch thấy nó cũng giống với Kê minh thập sách của nàng cung phi Bích Châu dâng cho vua Trần Dụ Tông năm xưa, nhưng đầy đủ, rõ ràng hơn. Câu chữ của Đắc Bằng dung dị dễ hiểu, dễ nhớ, hợp với năng lực của vua trẻ mười bốn tuổi, không cầu kỳ, bóng bẩy như của nàng Bích Châu. Mọi người hứng khởi bàn bạc sôi nổi, thảy đều tâm đắc với Trị bình thập tứ sách. Lê Tung bàn thêm:

- Có lẽ để Trị bình thập tứ sách này sớm có tác dụng với Tương Dực, quan Thượng thư cũng nên sớm tìm cho hoàng thượng một hoàng hậu tuổi vừa đôi tám, xinh đẹp nết na để hầu hạ chăn gối, đêm ngày thủ thỉ khuyên vua làm theo chính đạo. Ngạn ngữ có câu “gái hơn hai trai hơn một”, tuổi ấy mới đủ chín chắn khuyên nhủ chàng trai mười bốn tuổi Lê Oanh.

Bùi Xương Trạch hồ hởi tiếp lời Lê Tung:

- Hạ quan có quen thân với người bạn quê ở huyện Văn Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương đang làm chức quan nhỏ trong dinh quan phủ nơi đó, nhưng nổi tiếng hay chữ không thua gì thầy đồ Vọng ở Tây hồ. Người này nuôi dạy con cái nghiêm cẩn theo sách thánh hiền, có cô con gái Nguyễn Thị Đạo tuổi vừa đôi tám, thông hiểu tứ thư ngũ kinh, văn hay chữ tốt lại rất ngoan hiền.

- Tốt quá, ta nhờ Xương Trạch tìm hiểu thêm rồi dắt cha con người ấy đến đây- Đắc Bằng vui vẻ nói.

Tiễn khách ra về, Lương Đắc Bằng lòng đầy phấn khích. Ông ngẩng nhìn trời cao xanh thẳm, lưa thưa mấy chùm mây trắng nõn như bông. Nắng như bớt hanh hao. Hoa trong vườn như thắm hơn, hương bay ngào ngạt. Mùa đông Kỷ Tỵ sắp qua, xuân Canh Ngọ đang đến gần. Cầu mong sao cho quốc thái dân an, nhà nhà no đủ vui khói cơm chiều. Ông quay vào thư phòng khép chặt cửa, miệt mài sửa lại Trị bình thập tứ sách theo góp ý của các bạn đồng liêu.

Xong việc, ông cho gọi con trai Hữu Khánh vào thư phòng để hai cha con đàm đạo. Có lúc cao hứng, họ ngâm những bài thơ hào sảng của vua Lê Thánh Tông, Ức Trai tiên sinh hay của Trạng nguyên Thân Nhân Trung, phó soái tao đàn Nhị thập bát tú năm nào. Ông hiểu mình và các bạn cùng chí hướng đã già, tiền đồ Đại Việt rồi đây trông vào lớp trẻ như Hữu Khánh, Bùi Trụ.

Chàng trai Hữu Khánh vui miệng kể lại cho cha nghe câu chuyện cùng Bùi Trụ làm thơ đối đáp với hai chú tiểu hay chữ ở chùa Tiên Thiên bên mép Tây hồ. Hôm đó, Bùi Trụ rủ Hữu Khánh dao chơi bên hồ, thổ lộ cùng chàng nỗi nhớ Lệ Thanh, thương thầy đồ Vọng. Chàng an ủi, động viên Trụ quên hết buồn đau, nuôi chí lập thân giữa thời tao loạn. Chợt họ nhìn thấy từ xa đi lại hai chú tiểu tay cầm xôi oản, miệng ca bài từ Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đôi bên đùa bỡn, làm thơ xướng họa rất vui vẻ.

Một chú tiểu nảy ra ý muốn thách đố bèn chỉ con thuyền đang lướt sóng cập bến cửa chùa Tiên Thiên bảo Hữu Khánh:

- Công tử cũng thuộc hàng nho sinh mẫn tiệp. Bọn ta cùng giả định đang ngồi chung với hai công tử trên thuyền kia. Giờ bọn ta ca tiếp bài từ của Phật hoàng, nếu ca xong công tử làm được bài thơ Nho tăng cùng qua một chuyến đò thì bọn ta xin biếu hết chỗ xôi, oản này cho công tử.

Bùi Trụ thích thú giục Hữu Khánh nhận lời thách đố. Chàng suy nghĩ một lát rồi ứng khẩu đọc trọn bài thơ:

Một hòm kinh sử, níp kim cương,

Người, tớ cùng qua một chuyến dương.

Đám hội đàn chay người đủng đỉnh,

Sân Trình cửa Khổng tớ nghênh ngang.

Sao người chẳng nhớ lời Hàn Dũ,

Đây tớ còn căm chuyện Thủy Hoàng.

Một chốc lên bờ đà tiễn biệt,

Người thì lên Phật, tớ nên sang.

Đắc Bằng nghe chuyện thầm khen con trai và Bùi Trụ đều là những đứa tuổi trẻ tài cao, chí lớn, không hổ danh học trò của Bùi Xương Trạch. Tuổi già đang sầm sập đến đuổi xuân đi. Ta và các bạn bè đồng liêu trong giới khoa bảng thời Thánh Tông cần kiên định quyết tâm bồi dưỡng vua trẻ Lê Oanh, cùng thế hệ con cháu mình làm cuộc canh tân, chấn hưng đất nước…

Mùa xuân năm Canh Ngọ-1510, triều đình long trọng làm lễ cho Nguyễn Thị Đạo vào cung Khâm Đức lên ngôi hoàng hậu bên cạnh vua Tương Dực. Dân chúng Đông Đô nô nức đến cổng Đoan Môn xem buổi hành lễ. Khắp hoàng thành đèn treo hoa kết, đàn sáo du dương suốt mấy ngày đêm.

Lệ Thanh lúc này cùng các phi tần cũ của vua Uy Mục đều đang bị giáng xuống làm nô tỳ, mặc sức cho bọn hoạn quan sai bảo, hành hạ đủ điều. Hoàng hậu nghe theo lời khuyên của Đắc Bằng, xin với vua cho họ làm cung nữ, riêng Lệ Thanh được giữ ở cung Khâm Đức trông coi việc lễ nhạc và dạy chữ cho các cung nữ khác.

Bùi Trụ nghe tin buồn rầu thất vọng. Chàng đang nhờ Mạc Đăng Doanh tìm kế giải thoát cho Lệ Thanh ra ngoài cung, nay nàng được hoàng hậu yêu mến trọng dụng thật là hết cách. Chàng đâu biết, đó lại là ý của cha mình muốn con trai đoạn tuyệt hẳn với mối lương duyên oan nghiệt, chú tâm đèn sách chờ ngày thi cử. Ông đã nhờ Đắc Bằng nói đỡ với hoàng hậu nên nàng mới được như thế…

Chính sự những năm đầu triều vua Tương Dực có nhiều điểm đã đi dần vào nền nếp thời vua Lê Thánh Tông, một phần không nhỏ có công đóng góp của Lương Đắc Bằng và hoàng hậu Khâm Đức phối hợp trong ngoài dìu đỡ vua trẻ. Đê điều siêng đắp, kênh mương nội đồng năng được khơi thông. Mùa màng tươi tốt, dân chúng no đủ, hoan hỉ cười vui. Những nơi lụt lội, nhà cửa trôi đắm, lúa má chìm hại đều được triều đình mở kho phát chẩn. Nhiều loại thuế bất hợp lý được bãi bỏ, nhưng quốc khố vẫn đầy hơn các thời vua Túc Tông, Uy Mục.

Chỉ riêng năm Canh Ngọ-1510, Lương Đắc Bằng yêu cầu Bộ Hộ kiểm đếm tiền thuế thu được, khấu trừ mọi khoản chi dùng trong năm vẫn còn dôi dư: vàng mười thứ cực tốt còn gọi là “kiêm kim” chỉ để lưu hành trong cung 480 lượng, vàng mười loại thường 2.901 lượng, bạc 6.125 lượng…

Cũng trong năm Canh Ngọ-1510, vua sai Vũ Quỳnh tập hợp một nhóm nho sĩ tài năng biên soạn bộ sử Đại việt thông giám thông khảo gồm 26 quyển chia thành: ngoại kỷ chép việc từ thời Hồng Bàng đến thời 12 sứ quân cát cứ; còn bản kỷ chép việc từ thời Đinh Tiên Hoàng đến đầu thời Lê Thái Tổ. Để thẩm định bộ sử ấy, vua lại đặc cách sai Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận tóm tắt và đánh giá cho vua dễ đọc, dễ dùng trong lúc lâm triều bàn việc chính sự.

Nhà Thái học ở trường Quốc Tử Giám được trùng tu mở rộng. Vua còn sai lập thêm bia tiến sĩ để biểu dương các nhân tài, khuếch trương Nho học. Năm Tân Mùi (1511) vua nghe theo lời quan Tế tửu Quốc Tử Giám mở khoa thi Hội, đến kỳ thi Đình, nàng Lệ Thanh may mắn được đứng sau lưng hầu quạt cho vua và hoàng hậu Khâm Đức cùng ngồi trên điện, đích thân ra đề văn sách hỏi về đạo trị quốc cho các sĩ tử luận bàn.

Trong số người ngồi làm bài bên dưới, nàng bùi ngùi nhận ra Bùi Trụ đội khăn chữ nhất màu lam, đang thẫn thờ mài mực thảo bài văn sách. Chàng đấy ư, sau nhiều năm xa cách giờ giáp mặt chẳng ai dám mở lời, cách nhau chỉ vài bước chân sao ta không được lao tới ngã vào lòng chàng cho thỏa niềm nhung nhớ! Bài thi của chàng nhòe nhoẹt nước mắt nên không hợp cách, bị loại khỏi danh sách dâng lên vua thưởng lãm, phải chăng vì chàng với ta chung một nỗi đau vò xé tâm can?…

Tin triều đình nhà Lê ổn định do bọn gian tế cài cắm ở Đông Đô truyền về phương Bắc, hoàng đế Minh Vũ Tông là Chu Hậu Chiếu đùng đùng nổi giận, cho gọi lũ sứ thần Nhược Thủy, Hy Tăng về triều trách mắng:

- Đại Minh ta đang có nội loạn của thân vương Chu Chí Phiên nên trẫm chưa muốn mang quân chinh phạt Nam Man. Mấy năm qua triều đình tốn bao nhiêu ngân lượng, năm lần bảy lượt cho hai ngươi đi sứ là để thăm dò bọn chúng, dùng mạng lưới gian tế chia rẽ triều đình nhà Lê, khuynh đảo chính trường, làm mọi cách để nước chúng suy yếu chờ thời cơ đánh chiếm, biến Nam Man thành quận huyện của Đại Minh. Vậy mà lũ ngươi chịu thua một thằng trẻ ranh Lê Oanh, tội này đáng chém.

Bọn Nhược Thủy, Hy Tăng run sợ cầu xin tha mạng. Quan đại thần Vương Dương Minh đứng ra can ngăn, nói:

- Muôn tâu hoàng đế! Bọn này tuy có tội đáng chết trăm lần, nhưng xét cho cùng người hiểu rõ nước Nam Man và nội tình nhà Lê bên đó không ai hơn chúng. Thần xin bảo lãnh cho chúng quay lại Nam Man nằm vùng, đoái công chuộc tội.

Minh Vũ Tông vẫn chưa hả giận, sai đánh mỗi đứa 50 trượng rồi bắt làm quân lệnh trạng, có Vương Dương Minh ký bảo lãnh mới truyền chỉ bắt phải đi ngay về phương Nam không được chậm trễ.

Một chiều cuối thu năm Giáp Tuất (1514), trời sâm sẫm tối, gió thu mơn man thổi nhẹ, tiết thu heo may se lạnh. Mạc Đăng Doanh rủ Bùi Trụ cùng đến phường Hòe Nhai uống rượu và xem hát ả đào. Hai chàng thong thả bước vào quán rượu của lão bản A Páo ngồi chưa nóng chỗ, chợt thấy một thầy lang người Nùng có điệu bộ khả nghi, len lén vào quán, lên thẳng lầu hai có hai người ra tận cầu thang đón vào phòng kín trên đó.

Đăng Doanh nhận ra đó là Khương Chủng và một gã hoạn quan trong cung Diên Thọ. Đăng Doanh nhanh trí bảo Bùi Trụ: “Huynh ngồi chờ đệ đi tiểu một lát sẽ vào ngay”. Chàng vào bên trong tìm gã hầu bàn quen mặt, dúi cho một đĩnh bạc nhờ nghe lỏm cuộc nói chuyện của ba kẻ khả nghi rồi thuật lại chi tiết cho mình càng kỹ càng tốt, sẽ được thưởng thêm hai đĩnh bạc nữa. Xong việc, chàng quay lại thản nhiên uống rượu, nghe hát với Bùi Trụ như không có chuyện gì. Đêm đó, Đăng doanh được gã hầu bàn kể cho nghe không sót một lời nói, cử chỉ nào của họ. Hy Tăng trách Khương Chủng làm hỏng việc khiến hắn không còn mặt mũi nào dám quay về đại quốc. Hắn đưa nhiều vàng bạc, châu báu cho Khương Chủng và nói:

- Ngộ muốn các hạ bằng mọi cách đưa vua Tương Dực đắm chìm trong sắc dục, quên hết việc triều chính, càng nhanh càng tốt.

- Bằng cách nào?- Khương Chủng hỏi lại.

- Dễ thôi, Lê Oanh còn non dại chưa biết hết mùi đời, các hạ phải lôi kéo hắn dâm loạn với các phi tần của Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục.

- Nhưng bọn họ, người trẻ nhất cũng hơn vua đến gần chục tuổi, làm sao quyến rũ?

- Thế mới hay. Hoàng hậu tuy trẻ đẹp, nhưng là người đoan chính, ngây thơ trong chuyện ái ân. Khi làm tình chắc chỉ một kiểu chân phương nên vua làm mãi cũng chán. Đám phi tần kia cứng tuổi mới thật lão luyện trong cuộc mây mưa. Hơn nữa họ lâu nay bị ức chế, thèm khát đàn ông đến cực độ nên khi vào cuộc trổ hết ngón nghề còn sành điệu hơn cả gái lầu xanh, đưa vua vào mê cung tình ái, bồng bềnh mê mẩn trong hoan lạc. Làm một lần rồi vua sẽ quen mui bén mùi làm mãi. Lúc đó chỉ sợ các hạ lo tìm không kịp cho vua thỏa mãn cơn thèm thôi.

- Ta vẫn còn đôi chút hồ nghi, nhưng sẽ thử xem sao.

- Ngộ còn mang theo đây một thứ bảo bối để các hạ cũng đem thử nghiệm cho vua mới Lê Oanh.- Hắn lôi trong bọc hành lý ra một cục nhựa cây màu nâu đen và một bộ đồ nghề bằng bạc rồi nói tiếp- Đây là nhựa cây anh túc trồng ở núi cao vùng Vân Nam, Quý Châu bên nước Đại Minh. Dân gian còn gọi là cây a phiến hay cây thẩu trầu. Nhựa của nó có tính dược đặc trị giảm đau cho vết thương và chữa trị bệnh tiêu chảy rất công hiệu. Nhưng cái chính là nó đã thành thứ tiêu khiển kỳ diệu. Chỉ cần dùng miếng mỡ gáy lợn đốt lên, hơ vào nhựa nhồi trong nõ điếu bằng bạc này mà hít hà sẽ thấy trong người lâng lâng phấn kích, làm tình cực khỏe, một đêm dăm trận không biết mệt. Dùng lâu, Lê Oanh sẽ u mê, bỏ cả việc thiết triều, đôi lúc ngông cuồng nghĩ ra nhiều trò tiêu khiển điên rồ…

Đăng Doanh nghe xong cả mừng, thưởng thêm hai đĩnh bạc rồi hăm hở về nhà kể lại tường tận cho cha nghe. Đăng Dung cười lớn và bảo:

- Bọn vua tôi nhà Minh muốn Tương Dực trụy lạc, nhà Lê suy đồi để chờ thời cơ xâm chiếm nước ta, nhưng đâu có dễ. Cha con ta lúc này cũng đang ẩn mình, nhẫn nhịn chờ thời chấn hưng nước Đại Việt, làm rạng danh cho họ Mạc, con à!

- Vậy con cần làm gì tiếp xin cha chỉ dạy.

- Con tìm ngay vài thuộc hạ giỏi võ công đón lõng Hy Tăng ở xa kinh thành, mạn Đông Ngàn chẳng hạn. Vừa bắt nọn, dọa dẫm bâng quơ, nhưng phải thật ôn tồn, lễ phép với nó. Sau đó đổi giọng mềm mỏng mời nó hợp tác, giao các mối buôn bán sản vật quý hiếm của hai nước để ta có thêm tiền, vàng lo việc lớn.

- Thưa cha, con sẽ làm ngay.

Mọi việc diễn ra đúng như Mạc Đăng Dung đã xếp đặt. Hy Tăng nghiễm nhiên trở thành con bài của cha con họ Mạc. Đôi bên lợi dụng lẫn nhau lâu dài…

Viết đến đây Hiếu Dân bỗng chạnh lòng nhớ vụ việc xảy ra trong Viện tháng trước. Có kẻ thối miệng đã ton hót với ông viện trưởng rằng đề tài nghiên cứu của Hiếu Dân có nhiều chỗ kích động bài Hoa, không có lợi cho tình hữu hảo giữa hai nước Việt- Trung. Anh đã phải tranh luận, đập bàn đập ghế ở phòng làm việc của viện trưởng, trưng ra nhiều tài liệu quý hiếm sưu tầm được, lẽ ra anh phải giấu kỹ cho đến khi công trình hoàn tất.

Một chi tiết nhỏ về buổi thiết triều của vua Minh Vũ Tông có nhằm nhò gì so với bao nhiêu sử liệu do ta và thầy Hạnh sưu tầm được. Người làm sử chỉ viết sự thật, không thể phụ họa theo thời tiết nóng lạnh trên chính trường mà đổi giọng. Thầy Hạnh luôn nhắc nhở ta lưu ý bóc trần âm mưu phá hoại chia rẽ nội bộ nước ta của bọn người phương Bắc. Ta còn nhớ như in cái lần thầy về Hà Nội, đưa ta đi gặp ông giáo sư bác sĩ ở Viện Ung bướu. Lúc về nhà, hai thầy trò đàm đạo sôi nổi về đề tài nghiên cứu. Thầy nhắc ta dù nghiên cứu về 100 năm lịch sử thời Lê sơ, nhưng con phải mở rộng hệ quy chiếu không gian, thời gian của để tài mà tìm hiểu nhiều vấn đề đang còn là ẩn ức trong lịch sử. Thầy đưa cho ta cả một cặp dày cộm những thư tịch cổ sưu tầm được ở bên kia, bên này biên giới chỉ để chứng minh cho ta thấy rõ những điều thầy cả đời dạy sử hằng ấp ủ.

Thầy bảo, nhà Lê tính cả thời Lê sơ và Lê trung hưng trị vì nước ta 360 năm thì có tới 159 năm đất nước chia đôi, chìm trong nội chiến cốt nhục tương tàn, thây chất thành núi, máu chảy thành sông đều do bàn tay thâm độc nhà Minh can dự. Cuộc nội chiến thứ nhất (1527- 1593) giữa hai nhà Lê- Mạc còn gọi là nội chiến Nam- Bắc triều kéo dài 66 năm. Cuộc nội chiến thứ hai sách sử gọi là thời Trịnh- Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh ở Quảng Bình làm giới tuyến. Theo sử gia Trần Trọng Kim thời kỳ này kéo dài 93 năm, có cả thảy 7 cuộc chiến tranh lớn nhỏ.

Ít ai ngờ rằng trong cả hai cuộc nội chiến, vua tôi nhà Minh đã chơi trò lá mặt lá trái. Chúng công nhận một bên là chính thống, ra mặt giúp đỡ, còn bên kia là Ngụy triều kích động phải tiêu diệt. Mặt khác, chúng ngấm ngầm sai người sang gặp phe Ngụy triều khuyến khích giao tranh, hứa hẹn giúp đỡ. Ngay cả khi Trịnh Tùng mang quân tiến về chiếm lại kinh thành, vua Mạc Mậu Hợp bị giết chết, triều đình nhà Mạc phải chạy lên tận Cao Bằng vẫn có thể tồn tại ở đó trải bốn đời vua Mạc Toàn, Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan cộng lại được gần 85 năm nữa mới kết thúc.

Nếu không có sự viện trợ của bọn vua tôi nhà Minh thì nhà Mạc làm sao thoi thóp kéo dài như thế?... Vâng thưa thầy! Những lời dặn của thầy con luôn ghi tạc. Tài liệu về những văn bia, thư tịch cổ bằng chữ Hán, chữ Tày- Nùng của thầy mang cho hôm ấy, cộng với những tài liệu quý hiếm con bỏ công sức nhiều năm thu thập đang được chỉnh lý, cô đọng vào đề tài nghiên cứu để chứng minh quan điểm của thầy trò ta. Kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt không nô dịch được dân ta bằng vó ngựa xâm lăng thì tìm cách nô dịch hoặc làm yếu nước ta bằng văn hóa và dùng bọn gian tế phá nát triều cương cho nước ta mỗi ngày thêm loạn. Thầy Hạnh ơi! Con nuôi hy vọng nối chí thầy, đưa công trình nghiên cứu vào sách giáo khoa phổ thông hay vào giáo trình môn sử ở các trường Sư phạm cho học sinh, sinh viên thêm cảnh giác với lũ giặc phương Bắc, nhưng lại bị vướng cản bởi đám đồng nghiệp trong Viện.

Thói đời là vậy, chẳng trách cụ Ức Trai khi xưa phải thốt lên câu thơ não lòng: “Miệng thế nhọn hơn trông mác nhọn/ Lòng người quanh tựa nước non quanh”. Hơn lúc nào hết, trong cô đơn ngồi viết, ta càng thương thầy Hạnh, nhớ Dung vô hạn. Dung, em đang ở đâu, làm gì, bệnh viêm tuyến lệ có khỏi? Anh luôn bị ám ảnh mình là tác nhân gây ra bệnh viêm tuyến lệ của em. Dung đừng yêu anh nữa. Đừng xót xa cho cảnh nghèo kiết và số phận bất hạnh của anh vì như thế em làm sao khỏi bệnh. Hãy quên anh đi, hãy cứ sống vui trong biệt thự Hoa phù dung bên cu Bil và bé Kel là anh mãn nguyện…

Hiếu Dân thấy trong người bức bối, không gian tù túng. Anh mở tung hết các cửa đi, cửa sổ, đi lại quay cuồng như điên trong phòng. Hồi lâu, anh ra ban công, dừng lại bên những chậu lan hồ điệp cho lòng vơi nhẹ và anh lại viết, viết và viết…

Kể từ mùa thu năm Giáp Tuất-1514 vua Tương Dực bỗng dưng đổ đốn. Vua dâm loạn với hết lượt phi tần của các đời vua trước, hơn mình hàng chục tuổi. Với nàng Lệ Thanh được hoàng hậu Khâm Đức sủng ái, luôn cho hầu bên cạnh, vua cũng không tha. Lần ấy, hoàng hậu bị ốm, vua lấy cớ sang cung Khâm Đức thăm vợ rồi kéo Lệ Thanh sang buồng bên cạnh cưỡng hiếp. Nàng không dám chống cự vì sợ mắc tội khi quân, chỉ chắp tay van xin, khóc lóc, vua vẫn tảng lờ, vật nàng xuống sàn, xé bỏ xiêm y xoàn xoạt. Cuối cùng, nàng đành nhắm mắt nằm ngay đơ cho vua thỏa cơn dâm dục.

Nào ngờ sự lãnh cảm của người đẹp đang chín nẫu nhan sắc ở tuổi ba mươi lại cho vua trẻ hương vị mới lạ, ngất ngây hơn hẳn các phi tần khác giở đủ kiểu làm tình đã thành quen, chán như cơm nếp nát. Vua cười hô hố, bảo nàng như vậy. Từ buổi đó vua si mê nàng, ép hoàng hậu đưa Lệ Thanh sang ở hẳn cung Diên Thọ, đêm đêm vầy vò thân xác người đẹp cho đến tàn canh mới thôi.

Tháng chạp năm Giáp Tuất vua Tương Dực nghe lời xúc xiểm của gian thần Khương Chủng và hoạn quan Hữu Vinh, giết hại một lúc 15 vị vương công không cần xử án. Cao hứng lên, vua còn nghĩ ra nhiều trò tiêu khiển điên rồ, quái ác. Mùa xuân năm Ất Hợi -1515, vua sai bọn Khương Chủng, Hữu Vinh lùng sục trong các chùa chiền, bắt về 20 ni cô trẻ đẹp đưa lên thuyền lớn, lột hết tăng y để họ trần truồng chèo thuyền cho vua cùng Lệ Thanh du ngoạn, vừa uống rượu vừa ngắm cảnh hồ Tây. Bùi Trụ nghe tin nghiến răng căm giận, khinh bỉ hôn quân vô đạo; càng thương nàng Lệ Thanh rơi vào cảnh ngộ oái oăm khiến chàng trằn trọc suốt đêm không ngủ.

Sang năm Bính Tý -1516 vua bắt dân nai lưng nhọc sức đắp thành rộng cả ngàn trượng chắn ngang sông Tô Lịch. Để khoe mẽ với sứ thần phương Bắc, tỏ rõ uy quyền với quan, dân trong nước, vua sai nghệ nhân nổi tiếng Vũ Như Tô kén thợ giỏi, xây cung điện 100 nóc, xây Cửu trùng đài cao ngất, nguy nga tráng lệ.

Quân dân làm việc khổ sở đói khát suốt mấy năm trời chưa xong, hao tốn ngân lượng, chết hàng nghìn người. Việc triều chính bê trễ, tấu biểu các nơi gửi về tồn ứ thành chồng cao ngất vẫn không thấy vua thiết triều, phê chuẩn. Quan thượng thư Bộ Lại kiêm Gián nghị Ngự sử đài Lương Đắc Bằng khuyên can vua nhiều lần không chuyển. Ông thất vọng, tủi hổ với bạn đồng liêu Bùi Xương Trạch đành cáo quan về quê dạy học ở ấp Hội Triều, nghiên cứu lý số trong sách Thái ất thần kinh.

Cha con Bùi Xương Trạch ra tận bến sông Cái ở làng Nhật Tân lưu luyến tiễn đưa. Lương Đắc Bằng cầm tay Xương Trạch, nhìn dòng nước chảy, nghẹn ngào đọc câu thơ của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “Vạn sự thủy lưu thủy- Bách niên tâm dĩ tâm”. Còn chàng nho sinh Bùi Trụ ôm chặt Lương Hữu Khánh hẹn ngày tái ngộ. Cha con họ Bùi đứng lặng bên bờ sông lao xao tiếng gió, xanh mướt dâu đay, nhìn theo con thuyền khuất dần trên sóng nước lênh đênh trôi tít về phía trời xa.

Bùi Xương Trạch quay sang con trai, thở dài nói: “Hiền tài bỏ đi hết vua càng đổ đốn, triều đình rồi đây sẽ như bãi cứt trâu nát, buồn thay!...”.

Lời than của cha lại khiến Bùi Trụ càng nôn nao nhớ Lệ Thanh, thương nàng đang phải ngậm hờn nuốt tủi sống đời ô trọc bên ông vua lợn…

6. Quyền thần Trịnh Duy Sản

Dân nhận được tin nhắn của Quang Huy hẹn gặp ở quán café Chiều Tím, anh buông bút, dứt mạch viết đi ngay vì hình như phóng viên này có chuyện cần nói ở tỉnh K. Nếu là vụ bà Thơ hay tập đoàn Bil- Kel mình sẽ im lặng nghe để biết chứ không tham góp thêm gì. Tình hình ở K lúc này khá phức tạp, càng gần đến đại hội sẽ càng phức tạp hơn. Ông Bình, cấp phó của bà Thơ còn trẻ, được bà ấy trực tiếp bồi dưỡng nên làm căng lắm, đòi tiếp tục điều tra đến cùng nguyên nhân mất cặp tài liệu trong ngày xảy ra án mạng. Phóng viên Huy quen biết ông Bình chắc có nhiều tư liệu về Quyền và tập đoàn của Uy nên muốn hỏi mình chuyện gì đây. Nếu chỉ để tìm hiểu đời tư của ông Quyền tất sẽ làm tổn thương đến thầy Hạnh và Thùy Dung. Vụ việc ở quán café Chiều Tím năm xưa chắc cậu ấy đã nghe bà chủ quán kể lại.

Không phải ngẫu nhiên Huy chọn nơi đó làm điểm hẹn. Mình thân với Huy cũng đã lâu. Cậu ấy là cây bút có tâm có tầm, không như mấy người viết báo lá cải chỉ thích soi mói đời tư các sao trong giới nghệ thuật hay bóng đá để câu khách. Linh tính anh mách bảo, người như Huy muốn tìm hiểu lai lịch, đời tư ông Quyền chắc có chuyện lớn, tốt ít xấu nhiều…

Dân vừa dựng xe đã thấy bà chủ quán ra tận cửa đon đả chào hỏi. Anh bước vào quán thấy Huy đang ngồi ở chiếc bàn kê gần cửa sổ nhìn ra hoa viên có giàn phong lan nở nhiều loại hoa quý, khoe sắc trong nắng thu vàng nhạt. Huy đang chăm chú xem báo, mặc sơ mi kẽ ca rô màu nhạt, ngoài khoác hờ chiếc gi-lê nhiều túi, thứ trang phục ưa dùng của cánh phóng viên. Anh có vóc người to cao, mắt sáng, mũi cao nổi trên gương mặt chữ điền với vầng trán rộng và sáng. Huy đứng dậy chào, bàn tay dày và ấm nóng nắm chặt tay người đối diện cho Dân một cảm giác gần gũi, tin tưởng. Huy nheo mắt cười hỏi nhẹ:

- Anh vẫn khỏe, uống gì?

- Cũng café đen đá như Huy thôi.

- Anh có vẻ là khách quen của bà chủ?

- Ngày xưa thì thế, giờ chỉ thi thoảng ghé qua… Nhưng sao Huy lại chọn quán này, mọi khi ta vẫn hẹn nhau ở café Hói phố Hàng Gai?

- Tôi muốn anh đổi chỗ ra đây uống khí trời, ngắm hoa chứ ngồi mãi trong căn hộ chung cư ổ chuột nhà nước xây từ đời tám hoánh như anh mà đọc, viết cả đêm lẫn ngày không ốm ho lao mới lạ.

Bà chủ quán nói xen:

- Có cô Hương khách quen ở đây, người đẹp nền nã, thích anh Dân lắm mà anh ấy cứ làm lơ, rõ phí.

- Duyệt đi ông anh, cho thoát cảnh cơm niêu nước lọ- Huy cười hưởng ứng.

- Cô ấy mới bỏ chồng, có một con, chỉ là bạn cũ thời sinh viên. Thôi ta vào chuyện chính đi kẻo muộn, đến giờ tan tầm kẹt xe thì khốn.

- Tháng trước báo của tôi đăng bài tường thuật buổi nói chuyện của ông Quyền ở mấy trường cao đẳng của tỉnh K. Cô phóng viên trẻ viết bài này khá hay. Giờ báo lại đăng tiếp bài bình luận của cô ấy về buổi ông Quyền diễn thuyết tại Viện Nghiên cứu Giáo dục có nhiều ý lạ. Tôi muốn ông cho vài lời nhận xét.

- Theo mình, một quan chức cấp tỉnh mà quan tâm đến giáo dục, nhất là môn Sử là điều đáng trân trọng, Huy ạ!

- Có điều hơi lạ vì cả hai lần diễn thuyết ông ấy đều có ý khen ngợi và cổ động cho công trình nghiên cứu của anh.

- Tôi cũng thấy ngỡ ngàng cảm kích, đã gọi điện cho bà xã ông ấy, nhờ chuyển lời cảm ơn chân thành của tôi đến Quyền. Phải thừa nhận diễn giả cũng là người thông minh, quyền biến. Ông ấy đề cập đến thủy lợi thời Lê qua quýt vài câu rồi tỏ ra cao thượng giới thiệu rất kêu về công trình nghiên cứu của tôi. Nhưng nếu nhà báo đọc kỹ sẽ thấy bài diễn văn của ông Quyền còn ngụ ý khoe kiến thức thủy lợi các triều từ Tiền Lê đến Đinh, Lý, Trần là của mình. Thật ra trong đề tài Lịch sử 100 năm thời Lê sơ, khi đề cập đến chính sách khuyến nông thời Lê Thái Tổ nói về thủy lợi, tôi đã dành nhiều trang hệ thống lại công tác thủy lợi từ triều Trần trở về trước để các em học sinh, sinh viên hiểu được công sức to lớn của ông cha xưa trong quá trình kiến quốc. Sau đó tôi mới đi vào phân tích kỹ công tác thủy lợi của thời Lê Thái Tổ có nhiều điểm hay, tiến bộ so với thời trước.

- Chơi với nhau lâu, chắc anh Dân đã biết, tôi cũng mê đọc sử. Đề tài của anh khiến tôi tò mò muốn đọc quá. Nó viết về thời Lê sơ có những gì mới lạ không?

- Thời Lê, nói chính xác hơn là Lịch sử 100 năm thời Lê sơ. Thầy giáo Hạnh, người thầy tôi nhất mực kính trọng từ hồi học phổ thông thường dạy tôi rằng, nhà Lê trị vì 360 năm, dài nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến nước ta, nhưng cũng phức tạp nhất, để lại nhiều bài học đắt giá. Triều đại nào cũng có cái hay cái dở, lúc thịnh lúc suy, song với nhà Lý, nhà Trần có nhiều bài học theo hướng tích cực; còn nhà Lê lại có nhiều bài học theo hướng tiêu cực.

- Vậy anh nói sơ cho nghe những bài học lịch sử thời Lê đi, tôi bắt đầu mê đề tài của anh rồi đấy.

- Được thôi… Tôi chỉ nói cho nhà báo nghe các bài học tiêu cực, còn các bài học tích cực có đầy trong sách giáo khoa, sách nghiên cứu, tham khảo. Người Việt mình có thói tự sướng và phò chính thống nên các nhà viết sử chỉ thích tô hồng. Xét trong 100 năm thời Lê sơ, nhà Lê chỉ lóe sáng, thịnh trị được 37 năm dưới triều vua Lê Thánh Tông, còn lại hơn 30 năm đầu và 30 năm cuối đều rất rối ren

- Và những rối ren đó cho ta những bài học lịch sử, phải không anh?

- Trước hết, nói về 33 năm đầu thời Lê sơ ta thấy, thời gian ngắn ngủi mà trải ba đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông; thêm một ông Nghi Dân năm 1459 trèo tường vào cung giết em cướp ngôi, làm vua được nửa năm thì bị các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt giết chết đủ biết rối ren đến chừng nào.

Lê Lợi đánh thắng giặc Minh lên ngôi vua lúc đã gần 50 tuổi, trong người ủ bệnh từ thời kháng chiến mười năm gian khổ. Ông tự biết mình không sống được lâu, luôn bị ám ảnh Thái tử Nguyên Long còn nhỏ, mình chết rồi sẽ có kẻ cướp ngôi của con trai. Lê Lợi không tin ai cả, nghi ngờ hết thảy các đại công thần cùng mình đồng cam cộng khổ trong cuộc kháng chiến. Ông chia họ thành hai loại: công thần gốc trí thức tinh hoa ở kinh đô cũ như Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo, Lưu Nhân Chú…, nguy hiểm hơn nên tranh thủ lúc còn sống ông giết trước; với công thần gốc Thanh- Nghệ là loại võ biền như Lê Sát, Lê Ngân thì trước lúc lâm chung (1433) ông ghé tai truyền mật chỉ, bày sẵn mưu kế cho cháu ruột mình là Lê Khôi cùng cháu con bà chị là Đinh Liệt, nên 4 năm sau (1437) hai ông này cũng bị giết nốt.

Mỉa mai thay chính hai ông Lê Sát, Lê Ngân trước đó cũng hớn hở đồng tình hợp sức với Lê Lợi diệt trừ nhóm sĩ phu có học kia. Không ai có thể phủ nhận Lê Lợi là vị anh hùng dân tộc chói sáng trong lịch sử. Tuy nhiên xét riêng về điểm này, Lê Lợi cũng ghê gớm, hiểm ác còn hơn cả Chu Nguyên Chương sáng lập ra nhà Minh. Hệ lụy của nó làm đất nước rối ren đến tận năm 1459 mới chấm dứt bằng cái chết của Lê Nghi Dân. Thiết nghĩ, bài học đau đớn trong hơn ba mươi đầu thời Lê sơ là khi chính quyền trong tay những người mỏng học thì họ đều sợ nhất những người có học, lắm chữ, xem họ như cái gai trong mắt cần nhổ sớm.

- Thế còn bài học lịch sử ba mươi năm cuối thời Lê sơ?

- Giai đoạn lịch sử này tôi đang viết dở đến đời vua Tương Dực, nhưng bài học lịch sử thì đã rõ. Một nền hòa bình lâu dài là phúc lớn của dân tộc, nhưng nếu đi theo nó là sự xuống cấp vô độ của giáo dục thì xã hội sẽ nhan nhản bọn người lòng lang dạ sói lên nắm quyền, quỷ sống lẫn với người, đẩy đất nước đến bờ vực suy thoái, rối ren hậu quả khôn lường…

Hai người chuyện trò, tranh luận sôi nổi trong quán café Chiều Tím. Bóng chiều đã lạt. Quán thưa vắng dần. Quang Huy lờ mờ nhận ra Hiếu Dân đang mang hết tâm huyết dùng đề tài nghiên cứu của mình làm khâu đột phá trong cải cách giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa bắt đầu từ môn Sử. Cứ theo cách nói, thái độ thẳng thừng của Dân, hình như anh hy vọng sách giáo khoa môn Sử phải được xóa đi làm lại từ đầu.

Ý tưởng này không tồi. Theo lời kể của Dân, đó cũng là tâm huyết của thầy giáo Hạnh cả đời dạy sử mà Huy đã đôi lần gặp qua ở chùa Sùng Miên trên núi Hoàng Liên. Ông Quyền là người nhanh nhạy, nắm bắt được ý tưởng này đã khéo đưa vào hai bài diễn thuyết khá tinh tế, giàu sức thuyết phục. Là người lợi khẩu, ông nói lưu loát, ngữ điệu uyển chuyển theo mạch cảm xúc khiến người nghe không thể ngờ đó là ý tưởng ăn cóp của Dân. Không ít người khen ông Quyền là ngôi sao chính trị đang lên cũng là điều dễ hiểu. Con người này quả không đơn giản. Tham vọng quyền lực của ông ta có lẽ không dừng ở tỉnh K nhỏ bé.

Chia tay, anh giúp Dân dắt xe ra tận mép đường, nắm chặt tay nói giọng ấm trầm đầy cảm thông chia sẻ:

- Anh Dân này, tình hình tỉnh K lúc này rối ren phức tạp lắm. Tôi đang nắm trong tay nhiều tài liệu và những lá đơn khiếu kiện của công dân gửi đến tòa soạn. Có những lá đơn nêu không ít chuyện chẳng hay về ông Quyền nên tôi mới phải mất công điều tra. Muốn hiểu kỹ một con người, tôi thường hay liên tưởng đến ông kiến trúc sư cầm bút vẽ, bổ tòa nhà theo nhiều khía, ngắm nhìn từng lát cắt để tìm ra nét ưu, điểm nhược. Việc tôi lân la đến quán café Chiều Tím, hỏi chuyện bà chủ hay chị Hương mong anh đừng để bụng. Đó chỉ là thao tác nghề nghiệp. Quan hệ giữa anh và vợ chồng ông Quyền tôi đã rõ, nhưng chỉ tham khảo, không để lộ ra cho đồng nghiệp hoặc nói với cơ quan điều tra. Tôi hứa khi công khai mọi chuyện về ông Quyền trên mặt báo sẽ không có một câu chữ nào gây tổn thương đến Thùy Dung, thầy Hạnh. Anh cứ yên tâm.

- Được như vậy xin cám ơn anh trước.

- Chị Hương khi gặp tôi cũng có mong muốn như anh. Chị ấy đẹp, thông minh và tế nhị lắm. Anh dấn thêm đi, đừng vì cuộc tình ngang trái mà khép chặt cửa lòng mãi thế…

Dân phóng xe đi rưng rưng cảm động. Nỗi lo canh cánh bên lòng lúc đi được giải thoát. Anh tin Huy sẽ thực hiện lời hứa, nhưng cũng lo nếu những điều anh phóng viên này nghi ngờ Quyền và công ty của Uy có liên quan đến vụ án mạng xảy ra với bà Thơ là đúng thì Dung sẽ ra sao. Em đã quá buồn khổ mà mắc bệnh viêm tuyến lệ, nay nếu phải chịu tiếng oan làm vợ hay chị dâu kẻ sát nhân máu lạnh sẽ không chịu nổi khổ đau, nhục nhã. Các cháu Bil và Kel tương lai rồi sẽ ra sao. Dân lái xe trong tâm thế vô định. Tay lái anh vô tình lượn theo đường Văn Cao đâm thẳng ra hồ Tây, rẽ về hướng làng Trích Sài, nơi có chùa Tiên Thiên cổ kính. Gió hồ thổi lộng ru hồn anh vào ảo giác, sống kiếp nho sinh Bùi Trụ đêm ngày khắc khoải nôn nao nhớ nàng Lệ Thanh. Anh xuống xe, ngồi vào chiếc ghế đá ven hồ và hình ảnh kiếp xưa hiện lên như một cuốn phim cổ trang truyền hình nhiều tập…

Bùi Trụ đi tìm Đăng Doanh để hỏi thăm về vụ vua Tương Dực thiết triều hạch tội Trịnh Duy Sản khi quân phạm thượng, sai lính ngự lâm nọc ra đánh ba mươi trượng trước sân rồng ở điện Kính Thiên. Các quan trong triều xì xầm bảo nhau, ông vua lợn này hôm nay uống thứ thuốc liều hay sao mà dám cả gan vuốt râu cọp, đụng đến đại thần quyền nghiêng cả nước.

Cha chàng đang bệnh không dự buổi chầu nên sai con đi dò hỏi ngọn ngành. Gặp nhau, Đăng Doanh hồn nhiên kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bạn nghe: Hoàng hậu Khâm Đức thấy vua mải mê rượu chè, hú hí với các phi tần mà bỏ bê việc triều chính nên lo lắng không yên, tìm cách khuyên giải chồng.

Hôm đó vua vừa tỉnh rượu, nhờ có Lệ Thanh bên cạnh nói đỡ, vua chịu nghe lời hoàng hậu chuẩn bị thiết triều. Hoàng hậu cả mừng, liền đưa mắt cho Lệ Thanh cùng mình dìu vua đi tắt vườn thượng uyển trong hậu cung để lên điện Kính Thiên cho gần.

Bỗng Trịnh Duy Sản xông vào quát lớn:

- Hoàng thượng sao không thiết triều?

- Có việc chi gấp thế hở Mỹ Huệ hầu?- Vua hỏi lại.

- Vũ Như Tô vừa bẩm với thần, thiếu ngân lượng nên gỗ đá không đủ, thợ không có cơm ăn, làm sao hoàn thành cung điện một trăm nóc và Cửu trùng đài cho hoàng thượng trong năm nay được.

Hoàng hậu Khâm Đức thấy vậy nghiêm giọng nói:

- Ông là trọng thần đương triều mà không hiểu phép tắc, dám xông vào nơi hậu cung là điều cấm kỵ, lại nói năng thô lỗ, không thưa bẩm đúng đạo quân thần thì làm sao bảo được các quan đây?

Duy Sản trừng mắt quát lại:

- Hoàng hậu chẳng qua chỉ là cô gái quê mùa Nguyễn Thị Đạo ở phủ Thượng Hồng do ta cùng các đại thần dựng lên, biết gì mà phách lối.

- Im ngay cả đi. Các ngươi không coi trẫm ra gì nữa hử. Mỹ Huệ hầu ra mau, ra ngay!...

Vua Tương Dực quát đuổi Trịnh Duy Sản ra ngoài, sượng sùng nhìn sang Hoàng hậu. Nàng Lệ Thanh lúc đó mới dám lên tiếng, kể lại cho vua và hoàng hậu nghe ngoài cung đồn đại rằng, ông này lợi dụng việc xây cất cung điện và Cửu trùng đài đã cài người nhà của mình thông đồng với quan giữ kho bên Bộ Công bòn rút ngân lượng và gỗ quý.

Duy Sản tự tiện xông vào tận hậu cung là muốn ép vua cho phép chi thêm nhiều ngân lượng nữa cho thỏa lòng tham như cái thùng không đáy. Hoàng hậu nghe xong bàn với vua phải xử nghiêm việc này vừa giữ thể diện cho vua vừa răn đe Duy Sản và các quan.

Nào ngờ việc Trịnh Duy Sản bị phạt đánh ba mươi trượng nhanh chóng lan đi khắp kinh thành, dân chúng đàm tiếu khiến ông ta cảm thấy vô cùng nhục nhã. Đăng Doanh từ tốn thuật lại cho Bùi Trụ toàn bộ câu chuyện và khuyên:

- Đệ ngờ rằng triều đình sắp có biến loạn. Huynh nghe chuyện để biết, đừng bình phẩm gì sẽ không có lợi, tai vay vạ gió như bỡn.

- Chẳng lẽ chỉ vì bị vua phạt vài chục trượng mà Trịnh Duy Sản dám làm loạn hay sao?

- Huynh nên biết từ ngày lập công to được vua phong tước Mỹ Huệ hầu, Duy Sản dương dương tự đắc, khinh thị các quan, nhờn cả với vua. Nay bị vua nghe lời Hoàng hậu làm nhục trước mặt bá quan văn võ ngay giữa sân rồng, ông ấy làm sao chịu nổi mối hận này.

- Thật chẳng ra làm sao, kỷ cương phép nước còn không?

- Có đâu mà mất với còn hở huynh. Nước nhà suy thoái, người cũng đổ đốn lâu rồi.

- Công tử thấy Duy Sản là người thế nào?

- Ông ta võ công tầm thường, chữ nghĩa chàng màng lỗ mỗ, nhờ nhạc phụ Trần Chân của đệ phò tá mới thành danh, vinh hiển. Năm Tân Mùi vua sai Duy Sản cầm ba ngàn quân đi dẹp loạn ở Sơn Tây. Ông ta hùng hổ dẫn một ngàn quân đi trước đánh nhau với loại giặc cỏ Trần Tuân cũng bị thua, thuộc hạ chỉ còn ba mươi người, may nhờ nhạc phụ của đệ ứng cứu kịp thời nên mới thắng lại mà lúc về triều vẫn trơ trẽn khoe khoang tự mãn. Những kẻ bất tài ngu dốt lên nắm quyền to đều vô sỉ, thớ lợ thế cả. Từ ngày Lương Đắc Bằng cáo quan về quê, nhất là khi Nguyễn Văn Lang chết, ông ấy nghênh ngang đeo gươm ra vào hoàng cung, chuyên quyền hống hách. Theo đệ phỏng đoán sớm muộn gì ông ấy cũng phế vua Tương Dực để lập vua mới cho dễ sai bảo, lấn quyền. Huynh cứ đợi mà xem!…

Trên đường về nhà bẩm lại với cha những điều vừa dò hỏi được, Bùi Trụ không khỏi bồn chồn lo lắng cho số phận của Lệ Thanh. Nàng cũng có mặt trong cuộc đấu khẩu giữa hoàng hậu Khâm Đức với Trịnh Duy Sản. Người nhỏ nhen thù dai như Duy Sản sẽ không bỏ qua việc này.

Nếu phỏng đoán của Đăng Doanh là thật, liệu trong đám loạn quân nàng có thoát ra được khỏi chốn hoàng cung bao năm như nấm nhà mồ chôn chặt mối tình thời thơ ấu của ta với nàng. Người thâm trầm kín đáo như Mạc Đăng Doanh dám nói ra một phỏng đoán động trời chắc hẳn đã có nguồn tin chính xác và dường như có ý ngầm mách bảo ta biết sớm để chuẩn bị chờ thời cơ đến để giải thoát nàng.

Lâu nay ta vẫn thường tâm tình với bạn rằng, suốt đời này ta chỉ yêu có Lệ Thanh dù biết mình có duyên mà không có phận. Doanh đã động viên ta nếu trời còn có mắt ắt có cơ may gặp lại. Ta với Doanh là chỗ thâm giao, tình như thủ túc, vừa đồng môn lại vừa đồng niên. Doanh chỉ kém ta vài tháng vẫn khiêm nhường xưng mình là đệ, thật ra Doanh hơn hẳn ta một cái đầu cả về học vấn lẫn khả năng xét đoán thời thế. Được kết giao với người như thế là một diễm phúc lớn. Chỉ thương Lệ Thanh giờ này nàng đang làm gì trong cung và nàng có còn nhớ đến ta chăng?...

Bùi Trụ đâu biết ở một nơi kín đáo trong kinh thành gần bến Thái Cực đang có một cuộc mật đàm do Trịnh Duy Sản chủ trì. Những người trong phe phái của ông tham dự có Trịnh Duy Đại, Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm. Chờ mọi người an tọa, Duy Sản nói:

- Tương Dực hoang dâm vô độ, bỏ bê triều chính, sát hại các vương công và làm nhục đại thần. Nay ta muốn phế bỏ, lập vua mới, các vị nghĩ sao?

- Việc ấy đã rõ như ban ngày, khỏi cần bàn nữa- Quảng Độ nói.

- Nếu muốn ta phải làm ngay kẻo đêm dài lắm mộng- Chí Sâm tiếp lời.

Duy Sản quay sang em trai thấy Duy Đại có vẻ trầm ngâm suy nghĩ rất lung bèn hỏi sẵng:

- Huynh trưởng đừng nóng giận. Đệ là người một nhà, không sát cánh cùng huynh trưởng mưu việc lớn thì còn ai nữa. Đệ chỉ nghĩ họ Lê đã thối nát đến cùng cực, sao họ Trịnh ta không đứng ra thay trời hành đạo?

Quảng Độ nghe vậy toát mồ hôi, tay run cầm cập, lắp bắp nói:

- Chưa nên, chưa… chưa nên đâu!... Lòng người vẫn còn đang hướng về thời Thái Tổ, Thánh Tông, ta sợ việc không xong thành kẻ đại nghịch bất đạo.

Chí Sâm cũng bàn xen:

- Thiển nghĩ, Mỹ Huệ hầu làm vua không ngai có khi hay hơn. Khi xưa ở bên Tàu có loạn tam quốc, Tào Tháo uy quyền trùm thiên hạ vẫn không cần soán ngôi, chấp nhận làm Ngụy vương, chờ đến đời con Tào Phi thay Hán lập Tấn là hợp với ý của Quảng Độ đại nhân vừa nói.

- Vậy theo chú Đại ta phải làm sao?

- Đệ xin huynh trưởng và chư vị ngồi đây tính kỹ hai việc: Một là vụ binh biến năm nay khác với vụ binh biến năm Kỷ Tỵ-1509 vì năm đó Nguyễn Văn Lang là tướng ở bên ngoài có toàn quyền điều động quân binh Tây Đô kéo về kinh đô, lại thêm có Lê Oanh mượn danh Cẩm Giang vương Lê Sùng hiệu triệu các quan và binh lính các lộ nên rất an toàn. Nay chúng ta ở trong kinh thành muốn làm binh biến phải thật bí mật bất ngờ, giải quyết nhanh gọn trong một đêm, khi triều thần và quan binh các lộ biết thì sự đã rồi, tất phải nghe theo. Hai là phải tìm cho ra một người trong hoàng tộc ngu độn lên ngôi thay cho Tương Dực để ta sai khiến sau này.

- Được lắm! Chú Đại quả là người túc trí đa mưu. Giờ ta đi vào hai việc chính chú Đại vừa nêu. Tướng tâm phúc của ta là Trần Chân hiến kế rất hay. Ta chỉ cần chọn một nghìn dũng sĩ giỏi võ nghệ để cải trang thành dân thường tụ tập dần từng tốp ở làng chài ven sông Cái, chờ lệnh ta là nửa đêm xông vào thành chém giết. Về vũ khí ta sẽ sai tướng Nguyễn Kính bí mật về bản doanh ở Đông Bắc cho thuyền lớn chở về neo đậu ở bến Bắc Thần này, ngụy trang thật khéo như thuyền chở đầy than. Còn lại việc quan trọng là tìm người thay Lê Oanh, ý ta muốn chọn Lê Y, con trai của Cẩm Giang vương Lê Sùng, các ông nghĩ sao thì cho ta biết ngay tại đây...

Cuộc tranh luận chọn người kế vị vua Tương Dực diễn ra sôi nổi và khá căng thẳng. Lê Quảng Độ và Trình Chí Sâm ủng hộ Duy Sản chọn Lê Y, chỉ có Duy Đại khăng khăng một mực đòi chọn Lê Quang Trị, con của Mục Ý vương Lê Doanh. Lý do Duy Đại đưa ra cũng khó bác bỏ vì Lê Y là cháu ruột Lê Oanh, cùng nòi Kiến vương Lê Tân nên sợ rằng sau này đủ lông đủ cánh sẽ giở chứng, khó sai bảo. Mặt khác Quang Trị mới tám tuổi, càng dễ làm bù nhìn rơm cho ta sử dụng để sai khiến tất cả triều đình.

Duy Sản nhiều lần lừ mắt khó chịu vì đứa em trai hỗn hào, một mình một ý… Khách ra về hết, Duy Sản vẫn ngồi lại bộn bề bao toan tính. Ngày giờ khởi sự đã định. Điều ta lo nhất là chưa lôi kéo được Mạc Dăng Dung nhập bọn. Con người này thực bí hiểm. Sau cái vẻ ngoài an phận lánh xa mọi phe phái, không ham tranh đoạt, nhưng bên trong chưa hẳn vậy. Thuộc hạ của ta bẩm lại, cha con họ Mạc nắm độc quyền các mối buôn bán với bọn thương gia, tay chân của sứ thần nhà Minh là Hy Tăng. Lợi nhuận mấy năm qua kiếm được nhiều vô kể, nhưng cha con họ ở kinh thành sống rất thanh đạm. Dường như ngân lượng được chuyển hết về quê để họ Mạc chiêu mộ nhân tài và dũng sĩ trong thiên hạ. Vậy mà họ Mạc vẫn kín bưng, khó dò ra tâm địa Đăng Dung đang toan tính những gì.

Trước mắt không mong họ Mạc nhập bọn, nhưng chí ít phải thuyết phục Đăng Dung hứa cho Ty đô cấm vệ quân án binh bất động để các dũng sĩ của ta rảnh tay hành sự. Việc khó này ta đã giao cho Trần Chân, nhạc phụ của Đăng Doanh lo liệu, hy vong sẽ sớm được giải đáp. Giờ trong cuộc mật đàm vừa rồi ta lại thêm một mối lo lớn hơn. Thằng em trai Duy Đại thật ngông cuồng, càng ngày càng lộ rõ nó ôm tham vọng không nhỏ, muốn lấn át cả quyền của ta. Quyền lức là thứ không thể nhường cho ai. Đã dấn thân vào cuộc tranh đoạt ta chỉ tin có mình, không thể tin ai khác dù nó là em ruột. Có lẽ từ hôm nay ta phải cho người tâm phúc giám sát, dò la mọi biểu hiện của thằng em trai phản phúc này…

Đăng Doanh thấy có người bên dinh của Trần Chân sang gọi, liền vội gặp cha bàn bạc. Hai cha con họ Mạc đoán chắc rằng Trịnh Duy Sản muốn làm loạn nên mượn tay Trần Chân lấy tình thông gia để lôi kéo mình. Đăng Dung dặn kỹ:

- Triều Lê càng loạn thì họ Mạc ta mới có cơ may thay trời hành đạo con ạ! Nếu nhạc phụ con có nói hở ra điều gì về ý đồ của Trịnh Duy Sản con chỉ dạ vâng như người ngoài cuộc, không biểu lộ thái độ gì. Một khi họ tỏ ý muốn lôi kéo ta tham dự vào cuộc nổi loạn, con nên tỏ ra hèn nhát lấp lửng chối quanh hoặc đùn đẩy sang cha. Cuối cùng con dường như miễn cưỡng nghe lời nhạc phụ hứa sẽ thuyết phục cha án binh bất động là đủ, con hiểu chưa?...

Đăng Doanh lễ phép chào cha rồi hối hả đi ngay. Tới nơi chàng thấy nhạc phụ tươi cười niềm nở khác thường. Ông xuống sân dắt tay con rể ân cần hỏi:

- Đã lâu ta bận việc quân không gặp, nghe ông Bùi Xương Trạch khen hiền tế học hành tấn tới ta cũng mừng. Lệnh đường bên nhà có khỏe? Mẹ con Bảo Khánh thế nào?...

- Dạ bẩm nhạc phụ, song thân con và Bảo Khánh vẫn khỏe, còn cháu Mạc Phúc Hải của ông rất ngoan, bi bô suốt ngày nom dễ thương lắm!... Chắc nhạc phụ gọi con gấp hẳn có việc hệ trọng cần chỉ dạy?

Trần Chân khẽ gật đầu im lặng hồi lâu. Ông đưa con rể vào buồng trong, khép kín cửa và dăn gia nhân không được cho ai quấy rầy. Trà đã pha sẵn. Ông bảo chàng nhấp vài ngụm cho ấm dạ rồi ôn tồn nói:

- Chuyện hôm nay ta nói là tối mật, nếu lộ ra sẽ mắc họa tru di cửu tộc.

- Dạ thưa nhạc phụ con hiểu và xin lắng nghe.

- Việc Mỹ Huệ hầu bị vua làm nhục chắc con đã biết. Ông ấy rất căm giận muốn phế Lê Oanh, đưa Lê Ý lên thay.

- Chuyện tày đình thế làm sao con dám hé răng tiết lộ, nhưng con sợ lắm! - Chàng vờ run cầm cập nói tiếp- Bẩm nhạc phụ, con xin cáo từ.

- Ấy chết, con hẵng bình tâm nghe ta nói hết đã. Binh quyền đang nằm hết trong tay Mỹ Huệ hầu. Các quan lớn trong triều cũng ngả hết về phe ông ấy. Mưu kế và ngày giờ khởi sự đã định. Ta vì thương hiền tế với mẹ con Bảo Khánh nên mới bắn tin để lệnh đường bên nhà nên theo về phe ông Sản cho gia quyến được an toàn.

- Nhưng còn cánh quân lớn của Nguyễn Hoằng Dụ chưa chắc đã chịu theo- Đăng Doanh vờ lưỡng lự thăm dò.

- Điều ấy cũng đã được tính trước, mọi việc diễn ra chỉ loáng một đêm sẽ xong. Khi Hoằng Dụ biết thì sự đã rồi dẫu có tài thánh cũng không xoay chuyển nổi…

- Cha con là người thật thà, không ham hố gì, chỉ an phận làm chức quan nhỏ và tập các chiêu tuyệt kỹ trong sách võ công gia truyền. Con sợ rằng với bản tính nhút nhát, cha con sẽ không dám tham dự vào bất cứ phe phái nào đâu.

- Vậy ta chỉ cần con khuyên lệnh đường bên nhà tảng lờ không biết, lúc xảy ra biến cố thì án binh bất động là được.

- Vâng, thưa nhạc phụ! Con hứa sẽ thuyết phục cha làm như thế…

Đăng Doanh ra về lòng thầm bái phục cha mình liệu việc như thần. Chàng thương nhạc phụ có tài lại rất trung nghĩa bị anh em họ Trịnh lợi dụng mà thôi. Thật tiếc choTrần Chân phải tôn thờ, cúc cung tận tụy cho một kẻ bất tài, vô sỉ mà ông ngây thơ nhận làm nghĩa phụ, uổng phí một đời danh tướng. Bất giác chàng nhớ đến Bùi Trụ, thương nàng Lệ Thanh tài sắc vẹn toàn mà bao năm nay phải làm nô lệ tình dục cho hai ông vua như loài quỷ ác. Chàng nhủ lòng, đợi khi sự biến ở hoàng thành sắp diễn ra trước một canh giờ ta sẽ sai người mật báo cho Bùi Trụ chực sẵn ở cổng phía Nam, thừa cơ xông vào giải cứu cho nàng Lệ Thanh…

Sớm ngày mồng sáu tháng tư năm Bính Tý, người của Trịnh Duy Sản phao tin đồn khắp kinh thành rằng, bọn giặc Trần Cao đông như kiến cỏ đang kéo quân từ lộ Hải Dương đánh thẳng về kinh đô, tình hình rất nguy cấp. Dân chúng nghe vậy rủ nhau không họp chợ, các cao lâu tửu quán ở phường Hoè Nhai cũng đồng loạt đóng cửa.

Duy Sản dẫn theo tướng Trần Chân vào cung xin vua về bản doanh Đông Bắc mang đại quân về dẹp giặc Trần Cao. Vua hoảng sợ vội vàng chuẩn y. Hai ông vờ mang theo hơn trăm kỵ binh phi ra khỏi thành. Được hơn chục dặm họ quay lại bến Thái Cực kiểm tra lần cuối, giao cho tướng Nguyễn Kính chỉ huy trân tập kích.

Theo mật ước giữa các nhóm dũng sĩ, canh ba đêm ấy, hơn ngàn người lăm lăm tay kiếm hoặc đoản đao từ bến Thái Cực bờ Nam sông Cái nhất tề ào ạt xông lên, đánh vào cửa Bắc Thần của hoàng thành. Quân canh cổng và cả những đội quân dũng mãnh của ty đô cấm vệ đã có lệnh của Mạc Đăng Dung không dám giao tranh, thảy đều án binh bất động. Duy chỉ có vài trăm lính ngự lâm bảo vệ vua và hoàng cung liều chết chống cự, nhưng vì lực lượng quá chênh lệch lại bị bất ngờ nên họ bị dồn ép từ cửa Bắc đến cửa Nam hoàng thành , chết và bị thương già nửa, số còn lại đều phải quy hàng quân của Nguyễn Kính.

Vua Tương Dực sau cuộc hành lạc với ả kỹ nữ ngoài thanh lâu của mụ chủ người Tàu do Khương Chủng dâng tiến đang còn gối đầu lên tay người đẹp ngủ vùi. Thái giám ba lần chạy vào vén màn tâu trình giặc đã vào được hoàng thành vua mới choàng tỉnh, hớt hải hỏi lại: “Giặc nào, giặc nào?...”. Thái giám lại tâu: “Chắc là giặc Trần Cao”.

Vua nghe vậy chạy ra trước thềm, nghe thấy tiếng gươm đao loảng xoảng, lửa cháy khắp nơi, vội chạy tắt ra cửa ngách đổ phân của đám nô tỳ, đến chuồng tìm được một con ngựa ô nhảy lên phi đại ra cửa Bắc Thần ra đến cầu Dừa thì vòng lại cửa Nam hoàng thành.

Tương Dực phi đến hồ Chu Tước ở phường Bích Câu thì gặp ba tướng Duy Sản, Trần Chân, Nguyễn Kính cưỡi ngựa đứng chờ sẵn từ lâu. Vua hỏi: “Giặc ở phía nào?”. Trịnh Duy Sản vỗ bờm ngựa cười vang không đáp. Vua hoảng sợ quay ngựa về hướng Tây chạy tiếp. Duy Sản liền đưa mắt ra lệnh cho võ sĩ hộ vệ của mình là Nguyễn Hạnh rút kiếm đuổi theo, đâm vua ngã ngựa, bồi thêm vài nhát cho chết hẳn.

Sau đó ông sai võ sĩ Hạnh cùng vài người mang xác vua về quán Bắc Sứ vứt vào trong rồi châm lửa đốt. Lúc này Lệ Thanh cũng dìu hoàng hậu Khâm Đức chạy thục mạng ra cửa Nam hoàng thành. Theo sau có một bóng đen liên tục bám đuổi, cách hai người chừng trăm bước chạy.

Quân lính kháo nhau rằng vua vừa bị giết ở hồ Chu Tước, xác đang đem về quán Bắc Sứ, hoàng hậu nghe thấy rụng rời tay chân, giục Lệ Thanh cùng chạy nhanh về phía đó. Tới nơi, lửa đã cháy rực quanh tòa nhà. Hai người cùng òa lên khóc nấc, lao vào bên trong tìm xác Tương Dực. Bóng đen thấy thế cũng lao theo. Một thanh quá giang bén lửa từ lâu chợt rơi xuống đầu vua nom thật thương tâm khiến hoàng hậu cũng nhảy bổ vào ôm lấy xác vua cùng chết trong đuốc lửa tàn bạo.

Bóng đen kia chính là Bùi Trụ. Chàng chỉ kịp nhảy qua xác vua, kéo tay Lệ Thanh đang vật vã khóc than, vực nàng đứng dậy rồi bế thốc lên vai chạy miết về hướng hồ Tây. Chàng như có Trời Phật trợ giúp, chạy mãi không biết mệt, đến cửa chùa Tiên Thiên thì dừng lại. Ni sư trong chùa nghe tiếng đập cửa thống thiết gọi to, vội ra mở cổng đón chàng vào trong trai phòng. Bà đỡ Lệ Thanh xuống giường khám qua và nói:

- Mô Phật! Nữ thí chủ này gặp hỏa nạn bị bỏng nặng ở bụng và tứ chi, may không bị bỏng ở mặt.

- Bạch thầy, giờ con biết làm sao đây?- Bùi Trụ nghẹn ngào nói trong nước mắt.

- Thí chủ đừng lo. Vết bỏng mới chỉ ở phần da, chưa ăn vào sâu trong thịt. Nhà chùa sẵn có phương thuốc trị bỏng rất công hiệu. Thí chủ chờ ta một lát.

Nói rồi bà chạy xuống dãy nhà phía sau, mang lên một bát sứ đựng loại nước sánh đặc màu vàng nhạt và một rổ tre nhỏ đựng thảo dược. Ni sư giải thích:

- Thứ nước này dùng để sơ cứu kịp thời lúc bệnh nhân vừa mới bị hỏa nạn. Vì vậy nhà chùa phải chế biến trước, cất đi chờ lúc dùng đến. Nó gồm hoa phù dung tươi lượng vừa đủ đem ngâm trong dầu ăn cho đến khi hoa chìm xuống đáy thì lọc bỏ bã lấy nước. Lúc sơ cứu ta dùng bông hoặc vải thưa mỏng thấm dầu thuốc này bôi nhẹ nhàng vào vết thương vài lần, cách nhau nửa canh giờ. Làm như vậy vết bỏng sẽ khô dần, không chảy nước và bớt rát dần. Việc chữa trị tiếp cho đến khi liền da khỏi hẳn phải dùng thuốc bột chế từ thảo dược ta đang cầm theo đây, lát nữa cậy nhờ thí chủ giúp một tay.

- Bạch thầy cứ chỉ dạy, con sẽ lập tức làm ngay, dù phải thức hết đêm con cũng cố làm xong để chữa trị cho nàng.

- Vậy thí chủ hãy lại gần cầm chiếc rổ này mà nghe kỹ lời ta dặn, trong rổ này có bốn loại thảo dược, vị chính là hoa phù dung kết hợp với ba vị phụ còn lại, con phải cân đong đo đếm đúng theo tỷ lệ như sau: hoa phù dung cân đủ 18 hoa cộng với đại hoàng 12 hoa, bạch chỉ 9 hoa, cam thảo 9 hoa. Nữ thí chủ này bị bỏng nặng ở nhiều chỗ tất phải dùng nhiều nên ta nhân lên gấp năm lần như thế. Cân đong xong, thí chủ cho vào nồi đất sao tới lúc khô vàng nhưng không được để bị cháy. Sau đó thí chủ úp nồi xuống đất, chờ đến khi nguội thì lấy thuyền tán của nhà chùa đem tán thành bột mịn. Khi dùng đem trộn với dầu vừng đắp vào nơi bị tổn thương. Lúc tán thuốc thành bột phải giữ hai chân cho thăng bằng, kiên trì đạp không ngừng nghỉ, vất vả lắm đấy, thí chủ có chịu nổi không?

- Bạch thầy con chịu được, xin thầy yên tâm.

- Mô Phật! Thí chủ mau lui ra làm việc, còn ta lúc này phải cởi đồ cho nữ thí chủ mới sơ cứu được…

Bùi Trụ hăm hở đi chế thuốc bột. Chàng thầm nhủ lòng, mình sẽ lưu lại chùa làm thuốc và chăm sóc Lệ Thanh đến khi khỏi hẳn. Nàng đã được giải thoát, giờ đây nhất định phải thuộc về ta, mãi mãi hai ta là của nhau. Mặc cho người đời mải mê tranh đoạt, mặc cho thế sự đảo điên, đất trời sập đổ, chỉ có ta và nàng dìu đỡ nhau đi nốt quãng đời nhiều khổ đau đắng chát vẫn rợn ngợp niềm yêu.

Đêm chìm vào sâu. Sương rơi mỗi lúc một dày thêm. Không gian đặc quánh một màn đen tối thẫm. Trong làng Trích Sài vọng lại tiếng thoi đưa lách cách của những khung cửi dệt gấm và xa nữa là tiếng thậm thình của nhịp chày giã dó bên làng làm giấy Yên Thái. Cuộc sống cần lao quanh kinh thành vẫn không ngừng nghỉ, bất chấp mọi sự điên cuồng chém giết nơi hoàng cung ngút trời lửa khói.

Nào đâu cung điện trăm nóc nguy nga, tráng lệ? Nào đâu cửu trùng đài uy nghi, ngất ngưởng bên dòng sông Tô? Nào đâu ngai vàng quyền lực chốn thềm rồng nhơ nhuốc?...

Tất cả giờ đây đều theo xác ông vua lợn hóa thành tro bụi trong ngọn lửa hung tàn. Chỉ có đức hạnh và tình yêu ở lại mãi với cõi người. Chỉ có muôn dân bách tính trường tồn cùng giang sơn Đại Việt...

(Còn tiếp)