Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Đọc “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”

Huỳnh Như Phương

Với tập truyện này, ngòi bút Nguyễn Minh Châu như cố vượt qua sự kiêng dè quá đáng để tái hiện những khía cạnh khốc liệt, những hy sinh mất mát cùng những chấn thương tinh thần còn để lại từ cuộc chiến tranh chống Mỹ. Thật không thể nào tính hết cái giá xương máu mà dân tộc ta phải trả, nhưng như một bù trừ của lịch sử, lửa đỏ chiến tranh đã tôi rèn nên những con người mà vẻ đẹp chưa phải đã được văn chương ta khám phá hết.

Tâm hồn những người lính hiện ra qua các trang viết của Nguyễn Minh Châu vừa bình dị, hiền hòa như khoai lúa, vừa lấp lánh ánh sáng rực rỡ của lý tưởng cách mạng. Những người pháo thủ trong Mùa hè năm ấy không phải chỉ biết ngửa mặt lên trời cao để cảnh giới hay vác băng đạn chạy vòng qua chân pháo, mà còn quan tâm đến tất cả những gì của cuộc sống chung quanh đang được họ bảo vệ. Là một cô bé hàng ngày mang cơm đến xưởng máy cho mẹ. Là chuyến xe bò đưa mấy đứa trẻ con đi sơ tán. Là ánh đèn ở các ô cửa sổ của khu phố cổ. Chi tiết các gia đình ở khu phố đã gửi chiếc chìa khóa nhà mình cho người khẩu đội trưởng và đồng đội của anh là một chi tiết có ý nghĩa tượng trưng. Họ gửi gắm cả cơ nghiệp và lòng tin cuộc sống vào trong tay những người chiến sĩ.

Sự lo lắng ân cần của người thương binh đối với tình cảnh của vợ con một người bạn đã ngã xuống là tấm gương soi làm ngượng ngùng những kẻ hờ hững đến vô tâm như Hạng trong truyện ngắn cùng tên. Lòng độ lượng của người chiến sĩ trong truyện Bức tranh làm đậm nét thêm bức chân dung tinh thần của những người lính không có thói quen nhiều lời để đòi hỏi sự đền đáp. Trong Bên đường chiến tranh, cuộc chiến đấu chống kẻ thù mới ở biên giới phía Bắc lại là bối cảnh để những nhân vật đã đánh rơi mất thời tuổi trẻ yêu đương trong loạn ly chia cách, gặp gỡ và trang trải món nợ tình cảm mang nhiều vị cay đắng của mình. Đi qua sóng gió cuộc đời, tâm hồn những con người của một thế hệ đã cống hiến rất nhiều cho tổ quốc, nhưng phần thua thiệt trong đời sống riêng tư cũng rất lớn lao đó, vẫn giữ được những rung động bâng khuâng trong sáng lạ thường. Gây được nhiều cảm xúc sâu đậm trong lòng người đọc, là hình tượng có sức ám ảnh của người trung đoàn trưởng anh hùng trong truyện vừa có tên được chọn làm tên chung của cả tập: “Hóa ra thời nào cũng có những con người như anh ấy, tập trung trí và tài năng trác tuyệt của nhân dân và mang trong lòng tất cả khát vọng bỏng cháy của nhân dân” (tr. 188).

Nhưng tất nhiên những người lính của ta cũng không hề là những thánh nhân. Họ là những con người với tất cả những gì cao cả và bất toàn. Sống anh hùng hay sống thấp hèn, sống tốt hơn hay sống sướng hơn, thật ra đó là hai chọn lựa không hoàn toàn ở trên cùng một bình diện. Cái căng thẳng của chọn lựa trước có thể dẫn một người đến chỗ tự vượt mình, nhưng cũng chính người ấy lại rơi tuột vào hố thẳm của sự suy sụp về nhân cách khi đứng trước chọn lựa sau. Bước ra khỏi guồng máy chiến tranh trở về với guồng máy của gia đình, hậu phương, sự lo toan về cái ăn, cái mặc, sự quyến rũ của địa vị, tiếng tăm, những “cái lưới” của sinh hoạt thường ngày đã trở thành những thử thách không kém phần khắc nghiệt đối với người lính. Truyện ngắn Hạng khi đăng báo Văn nghệ có tên là Về một cách sống và Nguyễn Minh Châu gọi đúng tên cách sống đó: “Anh trở nên chín chắn, khôn ngoan, đúng mức, không nên cứng nhắc và phải biết chờ đợi, biết điều hòa với tất cả mọi người, thích hợp đối với tất cả mọi người, đồng thời cũng để một khoảng cách với tất cả mọi người. Anh triệt để tuân theo một triết lý làm nền tảng cho cái cách sống mới của mình: xã hội loài người cũng như xã hội loài dím, nếu sống kề sát nhau quá thì lông con này sẽ đâm vào da con kia” (tr.74). Thứ triết-lý-con-dím ấy sẽ nặn ra hạng người nào: “Thực chất bây giờ anh là một con lươn! Anh tự tin vào cách sống “mới” của anh chừng nào thì dãi dớt bọc lấy người anh nhiều chừng ấy, anh đã đầu hàng tất cả những cái gì anh từng lên án!” ( tr.76).

Sự phản tỉnh (*) nhân vật người họa sĩ trong truyện Bức tranh là một thái độ đạo đức bao hàm tình cảm có tội và phần nào ý thức trách nhiệm. Đó là một hình phạt thích đáng đối với anh ta. Quá khứ lỗi lầm của anh là một cái gì đã xong rồi, không thể quay trở lại, không thể làm lại cho khác đi nhưng bây giờ, khi nghiêng xuống mảnh đời cũ, sự hối lỗi của anh đang tìm cách cứu vãn nó, đem lại cho nó một ý nghĩa mới: rằng đó là một vết đen của nhân cách mà tôi đã nhận ra và đang nỗ lực rửa sạch đi. Truyện ngắn này vượt lên trên sự phê phán một cách sống tiêu cực, để nói đến một điều phổ biến hơn, sâu xa hơn: sự thức tỉnh, đúng hơn, sự tự nhận thức. Giá trị của truyện sẽ không còn gì nếu ở đoạn kết, tác giả để người thợ hớt tóc nhận diện rồi chê trách người họa sĩ và người này buộc lòng nhận tội. Vấn đề ở đây không phải là sự thú nhận với một ai khác, mà là sự tự thú với lương tâm, không phải là sự phán quyết từ bên ngoài mà là sự phán quyết từ bên trong. Một lời nhắc nhở: con người cách mạng, con người xã hội chủ nghĩa phải thường xuyên soi rọi lại chính mình, phải tạo dựng bộ mặt tinh thần của mình ngay cả trong điều kiện không có áp lực của xã hội, tác động của dư luận.

Bức tranh lôi cuốn người đọc không chỉ vì tác giả xoáy sâu vào tâm lý con người, mà còn vì nghệ thuật tạo căng thẳng dần, siết chặt dần: từ cảm giác ân hận bị dìm xuống đến lòng hối hận bùng lên, rồi một niềm ăn năn cắn rứt mãi không thôi.

Theo ý tôi, chất sắc sảo của ngòi bút Nguyễn Minh Châu không được phát huy qua những trang văn mang âm hưởng phê phán, trào lộng thói hư tật xấu của người đời bằng ở những chỗ anh đào sâu ý nghĩa triết lý rút ra từ các hiện tượng đời sống được miêu tả. Đọc Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp ta thấy phần châm biếm sắc nhọn đã đành là chưa đậm, mà cả phần đôn hậu ấm áp cũng còn nhạt lắm. Phải như cốt truyện của Sắm vai, Bức tranh hay ít ra như Giao thừa, mới thích hợp để Nguyễn Minh Châu suy nghĩ, luận bàn. Giao thừa muốn đặt vấn đề tìm hiểu những nét kế tục và những nét đứt đoạn về quan niệm sống và cách sống giữa hai lớp người. Còn trong Sắm vai, tác giả đã thử xem xét một trường hợp đánh mất mình và tìm lại ra mình. Hãy sống với bản ngã đích thực của anh mà không cần hóa trang, đó là điều tác giả muốn đề nghị với người đọc.

Nếu các truyện ngắn trong tập như là những lát cắt ngang cuộc sống nhân vật, thì truyện vừa Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã dõi theo các số phận trong một quãng đời dài. Thiên truyện này là một thể nghiệm mới về nghệ thuật của một ngòi bút mà phong cách có lúc tưởng chừng đã định hình trong những cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh trước đây.

Dù sao, Quỳ cũng là một “ca” khá đặc biệt mà ta có thể bắt gặp trong văn chương viết về phụ nữ Việt Nam. Cái gì đã khiến chị từ chối lời ngỏ ý của bác sỹ Thương? Trách nhiệm đối với ước mơ của Hòa, cũng tức là trách nhiệm với cuộc đời, như tác giả viết ở đoạn cuối? Hình như Quỳ chỉ thật là Quỳ khi chị một mình lang thang trong cơn mộng du hay giữa hang đá im vắng với kỷ vật của những tình nhân lặng lẽ. Cho đến cùng, đó vẫn là một tâm hồn riêng tây mà không một tâm hồn bè bạn nào chia sẻ nổi. Và hành trình của chị mãi mãi vẫn là một hành trình mang âm hưởng cô đơn. Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã không tránh khỏi không khí ảm đạm là vì vậy.

Trong tập này, Nguyễn Minh Châu đã dùng nhiều thứ ánh sáng để soi chiếu vào nhân vật của mình, từ những góc độ khác nhau. Tác giả đã cố gắng đưa nhân vật đi đến cùng sự phân tích bên trong để nhìn rõ chính nó. Sự kết hợp giữa các mảng thời gian, và các khoảng không gian xa cách nhau, sự đan xen giữa ý thức và tiềm thức, hồi ức và tưởng tượng, sự hòa quyện của các giọng văn khác nhau (lời buộc tội và lời biện hộ, độc thoại và đối thoại, tiếng tranh luận và tiếng thì thầm của nội tâm…), tất cả đã tạo ra một số truyện đạt đến chiều sâu nhất định cả về phương diện tự sự lẫn về phương diện tâm lý, tất nhiên là trong giới hạn về dung lượng phản ánh của thể loại.

Đọc Nguyễn Minh Châu, càng thấy tin vào khả năng và triển vọng của văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Tuần báo Văn nghệ, Hà Nội, 1984, S. 32 (ngày 4. 8).

(*) Theo nguyên văn bản thảo của tác giả là "phản tỉnh"; còn trên báo Văn nghệ là "phân tích".