Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2023

Mấy trải nghiệm riêng về sự lãnh đạo của Đảng (CSVN) trong văn hoá văn nghệ

(Với mong muốn góp phần gợi ý để các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm tham chiếu và đào sâu)

Bùi Minh Quốc

1

Là nhà văn đảng viên, tôi luôn nghiêm túc gương mẫu chấp hành đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng, không những thế còn phải thuyết phục các nhà văn ngoài Đảng cùng làm theo. Văn nghệ phục vụ chính trị, đó là nguyên tắc bắt buộc, ai cũng phải thấm nhuần, không bàn cãi, cấm bàn cãi. Không có sự lãnh đạo của Đảng, văn hoá văn nghệ không thể phát triển được, dù Dảng cũng luôn nói Đảng tôn trọng tính đặc thù của văn nghệ.

Khi sáng tác, tôi cứ viết theo sự thôi thúc của cuộc sống mà mình trải nghiệm, một nhu cầu tự thân, như thể không viết ra thì không sống được.

Và giữa con người đảng viên với con người sáng tác dần dần chạm nhau, một cách âm thầm, ngày càng gay gắt. Về chính trị, tôi luôn là người chiến sĩ cách mạng tiền phong gương mẫu gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn có mặt ở tuyến đầu của tuyến đầu trong cuộc chiến đấu vì Độc lập của Tổ Quốc và Tự do của mỗi con người. Càng gương mẫu, tôi càng sáng tác tốt nhưng lại bị Đảng đánh ngày càng nặng vì sáng tác tuy thơ được nhiều người thích nhưng trái ý Đảng.

Đòn nặng đầu tiên diễn ra ngay tại chiến trường (Khu 5), một chiến trường rất ác liệt, nơi vợ tôi, nhà văn Dương Thị Xuân Quý, hy sinh (tháng 3.1969 tại Xuyên Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam).

Đòn Đảng đánh vào sáng tác cũng rất ác liệt.

Xin bắt đầu từ một câu chuyện cụ thể.

Tháng 5 năm 1970, chiến tranh đang cực kỳ ác liệt, tôi về Kỳ Thịnh, một xã vùng ven thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam). Muốn về tới Kỳ Thịnh, phải vượt qua hai con đường lớn được canh phòng cẩn mật và hàng chục đồn bót của địch, chưa kể những ổ phục kích bất ngờ. Tôi phải chờ hai ngày trên ranh núi Kỳ Ngọc. Đêm thứ ba theo giao liên đột xuống, vừa vượt qua đường thì bị phục kích, may thoát chết, phải quay lại. Đêm thứ tư thì xuống lọt. Nhưng cũng bị xe tăng chốt ở rừng Rang nã đại liên xối xả, chạy muốn đứt hơi. Gần nửa đêm về tới Kỳ Thịnh, vừa bước vào hầm nhà một cán bộ thôn thì nghe tin dữ: hồi chiều, thằng Liên, Huyện uỷ viên Trưởng Ban An ninh huyện, mới đi chiêu hồi. Tất cả mọi người hiện giờ đều đang ở trong tư thế sẵn sàng chống càn, bởi sợ thằng Liên khai báo, địch sẽ càn quét đánh phá tất cả những nơi mà hắn biết. Uống xong tộ nước chè khô thì may được gặp anh Sum Bí thư và anh Tư Ủy viên Thường vụ huyện ủy. Các anh đang trên đường lên tỉnh họp gấp, ghé qua đây. Anh Sum người gầy gầy, dáng thư sinh. Anh Tư mập lùn, chắc nịch nhưng lanh lẹ, nước da ngăm đen, một cán bộ mà trước đó tôi đã được nghe nói là rất gan dạ, xông xáo. Ngoài khẩu súng ngắn và dây lựu đạn quanh thắt lưng, anh còn mang một khẩu AK với bốn băng đạn. Các anh bắt tay tôi thật chặt, hỏi han công việc, rồi dặn dò mấy cán bộ sẽ giúp đỡ tôi, và tiếp tục ra đi trong đêm. Sáng sớm hôm sau, tôi nghe tin các anh bị phục kích ở chính cái điểm mà tôi đã vượt đường đêm trước từ trên núi xuống. Nghe nói anh Sum bị thương, anh Tư hy sinh.

Ngày nào, đêm nào cũng có người chết. Không mấy ngày là không có kẻ đi đầu hàng.

Tôi theo anh Tín cán bộ tuyên huấn xã về ở nhà ông già Lịnh.

Ông già Lịnh người thấp nhỏ nhưng rắn rỏi, queo quánh, dù đã ngoài bảy mươi. Đêm sáng trăng, ông đánh bò đi cày. “Tranh thủ ban đêm trời mát, ít máy bay, ít pháo” – ông bảo thế và dong bò đi, sau khi bổ hết một tộ khoai chà và uống đầy một bụng cái thứ nước chè khô nấu đặc quánh. Xin nói thêm, khoai chà là thứ khoai lang luộc đem chà trong rổ rớt xuống thành hạt nhỏ rồi phơi khô, món lương khô quen thuộc lâu đời của nông dân Quảng Nam. Tôi kinh ngạc về sức khỏe lạ lùng của ông già ấy. Có hôm ông cày hết đêm rồi cày luôn cả ngày ngoài đồng đến chiều mới về, chỉ cần thằng cháu nội đem tiếp tế khoai chà, sắn luộc và nước chè. Gặp tàu rọ – một thứ máy bay trực thăng rất cơ động nom trống rỗng như cái rọ heo – bất ngờ hạ cánh, ông ung dung dừng lại cho thằng Mỹ ở trong bước ra nắm râu ông coi râu thật hay râu giả. Biết chắc là râu thật, một ông già thật chứ không phải một du kích cải trang, nó bay đi, ông lại cày tiếp. Cũng không ít lần bọn tàu rọ bắn dọa (hoặc đùa giỡn giải khuây), đạn đại liên găm sục đất quanh chân ông và con bò, ông vẫn bình tĩnh đứng yên. Chính từ mảnh đất ấy, trong bom đạn tùm lum tối ngày, bất chấp hiểm nguy nhọc nhằn, bao nhiêu vụ khoai cùng lúa sạ vẫn được những người như ông gieo trồng đều đều lấy củ lấy hạt nuôi chúng tôi, những du kích, cán bộ, bộ đội quê ở đây hoặc ở bất cứ từ đâu đến.

Ông già Lịnh còn nuôi cô Sáu Xuân, cán bộ binh vận xã, bị thương cụt chân đang còn băng bó. Mỗi khi có địch càn, nếu tình thế không thể hợp pháp trên mặt đất được, đích thân ông đưa cô Sáu xuống hầm bí mật, đích thân ông ngụy trang nắp hầm.

Những ngày ở nhà ông già Lịnh, tôi đã suy ngẫm về ông và về vụ thằng Liên đi đầu hàng. Tôi làm hai bài thơ, kê sổ tay lên đùi mà viết ngay trong căn hầm tránh pháo vừa là nhà của ông. Đó là bài Buổi chiều, con bò kêu ngoài đồng… và bài Ở đây, ngày hôm qua... Bài trước là hình ảnh ông già Lịnh cùng con bò thân yêu của ông đi cày trên đồng, giữa bom pháo. Bài sau nói về vụ thằng Liên đi đầu hàng. Xin ghi lại đây nguyên văn bài này, vì nó ngắn, và vì chính nó là bài bị Đảng đánh chí tử.

Ở đây, ngày hôm qua

vừa có kẻ đầu hàng, phản bội

hắn là huyện ủy viên

không ai ngạc nhiên

cuộc chiến đấu đang giữa hồi quyết liệt

những thử thách không chừa ai hết

thước đo lòng trung thành

không dài hơn cho tôi hoặc ngắn bớt cho anh.

Khi trở về căn cứ trên núi, tôi đưa hai bài thơ trên góp vào tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ (tức Khu 5). Chỉ có bài Buổi chiều, con bò kêu ngoài đồng... được đăng. Bài kia bị gạt, không lý do. Tôi đành chỉ chuyền tay trong anh chị em đồng nghiệp.

Ba năm sau, mùa xuân năm 1973, cơ quan văn nghệ Khu 5 tổ chức học nghị quyết mới của Đảng và trao đổi ý kiến về vấn đề phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu mới sau khi có hiệp định Paris. Ý kiến của hầu hết anh chị em là cần phải phản ánh hiện thực một cách toàn diện, cả mặt sáng và mặt tối, mặt phải và mặt trái, bề rộng và bề sâu, cả toàn cảnh xã hội lẫn số phận cá nhân. Từ quan điểm chung ấy, trong không khí thảo luận cởi mở, tôi lại đưa bài thơ Ở đây, ngày hôm qua... không được đăng đề nghị mọi người phân tích đánh giá đúng sai. Một số ít người ủng hộ. Một số im lặng. Nhiều người phê phán, nhất là sau khi có ý kiến phê phán rất gay gắt của nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung bộ, người chủ trì cuộc thảo luận. Trước đó, ông Vương Linh, Bí thư Đảng đoàn văn nghệ Khu 5 cùng nhà văn Nguyên Ngọc Ủy viên Thường vụ Đảng đoàn đã triệu tập riêng các đảng viên (trừ tôi, mặc dù lúc ấy tôi đang là Liên chi ủy viên) để chuẩn bị cho cuộc thảo luận, được xác định trong nội bộ là một cuộc đấu tranh chống những quan điểm lệch lạc nguy hại, mà đối tượng tập trung là tôi. Cuộc đấu tranh thật căng thẳng, vì tôi khăng khăng giữ quan điểm của mình, một vài anh em cũng cứng cỏi ủng hộ tôi. Với những người im lặng, Nguyên Ngọc đều buộc họ phải phát biểu. Cực chẳng đã, có người nói chung chung, có người nói nước đôi một cách khéo léo. Kết thúc hội nghị, Nguyên Ngọc kết luận bài thơ của tôi là một biểu hiện lệch lạc nghiêm trọng về quan điểm, dao động nghiêm trọng về ý chí, đây là một tình hình nguy hiểm đáng báo động, tác giả cần coi chừng.

Tôi vẫn nhớ như in hai tiếng coi chừng với cái giọng rất căng của Nguyên Ngọc, đồng thời cũng nhớ như in cái cảm giác của mình lúc đó là hơi ngỡ ngàng trước một điều gì đó là lạ, khó hiểu, cái cảm giác ấy tiếp tục thúc đẩy tôi những ngày sau buộc phải cố khám phá xem ẩn ý gì chứa đựng đằng sau hai tiếng đó (sau này, khi đọc bài của nhà báo Hoàng Hải Vân viết về nhà thơ Phùng Quán bị đòn thời Nhân Văn - Giai Phẩm có kèm tư liệu bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đánh Phùng Quán rất ác liệt, tôi không khỏi không nhớ lại cái giọng rất căng của Nguyên Ngọc năm nào khi cất lên hai tiếng “coi chừng!”).

Ông Lê Sâm, khu ủy viên, Trưởng Ban Tuyên huấn Khu 5 cũng đến dự hội nghị này hầu như suốt các buổi để trực tiếp thị sát cuộc đấu tranh. Ông Vương Linh kêu lên với ông Lê Sâm:

- Trời! Y như Nhân Văn, thưa anh...

Ông Lê Sâm hỏi tôi, như kiểu thẩm vấn:

- Anh Quốc, anh viết như thế nghĩa là anh ám chỉ lúc nào đó Ủy viên Bộ Chính trị cũng có thể đi đầu hàng, phải không?

Tôi không dám đáp lời giữa cái không khí đầy vẻ đấu tố dữ dằn ấy, nhưng bụng nghĩ đến những cán bộ cao cấp tiền bối đã đầu hàng như Lâm Đức Thụ, Ngô Đức Trì... Sau này, khi nghe tin Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan bỏ chạy theo giặc Bành trướng Bắc Kinh và bị kết án tử hình, tôi lại nhớ tới câu hỏi trên của ông Lê Sâm. Tôi nghĩ, khi hỏi tôi câu ấy, thực ra ông Lê Sâm còn am hiểu gấp mấy tôi cái mặt trái nhếch nhác của nội bộ Đảng, nhưng ông không muốn chúng tôi biết tới, và nếu có biết phần nào thì cũng không được phép đưa vào văn chương. Tôi cũng nhớ lại lời nhà văn Phan Tứ kể rằng ông Tố Hữu dặn anh nếu có đụng đến cái tiêu cực thì chỉ nên nói từ cấp xã trở xuống thôi. Rõ ràng đó là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong lãnh đạo văn nghệ lúc ấy (và còn dai dẳng nhiều năm sau), thế nên Nguyên Ngọc dù cho trong thâm tâm có nghĩ khác cũng không thể nói khác, vì anh không chỉ là một nhà văn mà còn là một cán bộ lãnh đạo. Tôi tin chắc tác giả Mạch nước ngầm lúc ấy nghĩ khác.

Ít tháng sau, nhân một cuộc học nghị quyết mới nữa, vấn đề phản ánh hiện thực như thế nào lại được anh em văn nghệ đặt lại và tiếp tục thảo luận. Nguyên Ngọc, người chủ trì hội nghị, cho rằng hiện thực bao trùm nhất, đáng quan tâm nhất, là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và nhà văn muốn sáng tác có chất lượng thì điều tiên quyết là phải nhận ra cho được diện mạo người anh hùng, nhân vật trung tâm của văn học cách mạng. Anh còn nhấn mạnh thêm: Khi nhà văn dao động thì trước hết là dao động về chính nhân vật trung tâm của mình. Tôi và Cao Duy Thảo nêu ý kiến: Cần phải biểu hiện người anh hùng trong cả cái cao cả lẫn cái thấp hèn, và phẩm chất anh hùng chính là ở chỗ họ vượt lên được cái tầm thường, cái thấp hèn còn ẩn kín trong bản thân họ. Nhà văn Nguyên Ngọc phê phán nghiêm khắc quan điểm của chúng tôi, và khi kết luận hội nghị, anh khẳng định rành rọt:

- Đối với nhà văn cách mạng, nếu trên gương mặt người anh hùng của chúng ta có một vết nhọ, chúng ta cũng phải chùi đi cho họ.

Tôi và Cao Duy Thảo chỉ còn biết nhìn nhau khẽ lắc đầu chẳng biết nói sao.

Một vài cán bộ lãnh đạo coi tôi như kẻ sẵn sàng đi đầu hàng địch. Điều này rất lâu về sau tôi mới biết. Năm 1980, khi đã chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong một lần tâm sự ôn lại chuyện cũ, nhà văn Nguyễn Chí Trung (nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng đoàn Văn nghệ Khu 5) tiết lộ với tôi: Sau chuyện đó, có lần ông Lê Sâm rỉ tai mình rằng nhiều đêm ông ấy ngủ không yên vì sợ thằng Quốc quăng lựu đạn vào võng. Tôi bàng hoàng vỡ nhẽ. Hoá ra, từ sự khác nhau về quan điểm văn nghệ đã có thể dẫn tới sự nghi ngờ nhau về chính trị ghê gớm tới mức ấy ! Và bây giờ tôi mới hiểu hết ẩn ý đằng sau hai tiếng coi chừng mà Nguyên Ngọc nhấn mạnh với tôi dạo nào.

Đầu năm 1974, Nguyên Ngọc ra Bắc chữa bệnh và nghỉ ngơi. Sau này tôi cũng được biết, ở miền Bắc, trong các buổi được mời đi nói chuyện về văn nghệ Khu 5 chống Mỹ, Nguyên Ngọc luôn bảo vệ tôi, trực tiếp hoặc gián tiếp, trước ý kiến những ai đó, nhất là từ phía lãnh đạo, tỏ ra nghi ngờ về lập trường, quan điểm, ý chí của tôi. Điều tin chắc trước kia của tôi đã được minh chứng, việc anh phê phán tôi là do lúc ấy, trong cương vị của mình, anh buộc phải áp đặt quan điểm chính thống cho anh em để giữ “trật tự, kỷ cương”.

Cuối năm 1975, ở Đà Nẵng, nhân một cuộc chuyện trò về nghề nghiệp, đề cập đến tính phức tạp của hiện thực, Nguyên Ngọc kể với tôi về những điều tầm thường, thậm chí ti tiện của một số cán bộ cao cấp mới từ trong khói lửa chiến đấu ở miền Nam ra cùng đi dưỡng bệnh với anh ở CHDC Đức.Tuy không nhắc lại vụ bài thơ Ở đây, ngày hôm qua..., nhưng tôi cảm thấy dường như đấy là một cách anh bóng gió thông báo với tôi những suy nghĩ mới của anh.

Những suy nghĩ này về sau đã được thể hiện một phần trong bản Đề cương đề dẫn (gọi tắt là Đề dẫn) mà anh là người chủ trì soạn thảo cùng các ủy viên khác trong Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, và với cương vị Bí thư Đảng đoàn chính anh đã công bố trong hội nghị đảng viên hội viên họp tại Hà Nội tháng 6 năm 1979.

Tại Hội nghị này, bản Đề dẫn đã được đa số ý kiến nhiệt liệt tán thành nhưng đã bị nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ưong đập cho tơi tả.

Kết thúc hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn gan góc kết luận: Hội nghị căn bản nhất trí với Đề dẫn, đồng thời thấy cần nghiêm túc nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tố Hữu, như tôi đã kể trong bài hồi ký Mấy kỷ niệm làng văn bị trói (đã đăng trên Văn Việt).

Và không thể không kể lại chuyện này:

Ngay sau hội nghị đấu tố tôi năm 1973, anh Phan Đấu, thư ký của anh Năm Công, tức Võ Chí Công, Bí thư Khu uỷ tới gặp tôi bảo tôi chép cho bài Ở đây, ngày hôm qua… vì anh Năm Công muốn trực tiếp đọc. Tôi chép đưa anh Phan Đấu và hồi hộp đợi. Thời gian trôi qua. Không có chuyện gì lớn xảy ra với tôi. Anh Năm Công đã hiểu tôi, hiểu con người tôi và thơ tôi. Năm 1989, sau cuộc Tổng Bí thư Đỗ Mười mời gặp tôi để hỏi về vụ tôi (và Bảo Cự) bị khai trừ cách chức cắt lương, ông Mười bảo tôi nên gặp cố vấn Võ Chí Công. Tôi sang gặp anh Năm Công. Sau khi nghe tôi báo cáo vụ việc, anh bảo tôi: Trong các bài thơ của anh (BMQ) mà tôi đã đọc, tôi thích bài Ôi bãi bờ tìm kiếm suốt đời ta… Thật bất ngờ đối với tôi, lần đầu tiên tôi được biết có một cán bộ ở cấp tối cao – anh từng là Chủ tịch nước – thích bài thơ này. Tôi ghi lại chuyện này với niềm tri ân sâu sắc đối với anh Năm Công, người anh mà tôi thật lòng yêu kính, người Bí thư Khu uỷ Khu 5 đã hiểu con người tôi và thơ tôi, thầm lặng cứu tôi thoát khỏi một bút nạn lớn thời chiến tranh.

MẤY DÒNG VIẾT THÊM

Năm 2012, nhân một lần đến Hội An, có dịp ngồi riêng với anh Nguyên Ngọc, hai anh em ôn lại chuyện đấu tranh tư tưởng về quan điểm sáng tác thời chiến tranh, tôi hỏi anh Nguyên Ngọc vụ bài thơ Ở đây, ngày hôm qua… của tôi, có phải hồi ấy anh thực bụng nhận xét bài thơ nặng nề như thế không, anh đáp, giọng trầm buồn, chân tình: Ừ, hồi ấy mình thực bụng nghĩ như thế.

Tôi liền nhớ lại, hồi Nguyên Ngọc còn làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, anh đã viết bài (đăng trên báo Văn Nghệ) phê phán (oan) nặng nề tập thơ Bầu trời (NXB Văn học, 1976) của nhà thơ Huyền Kiêu. Và có lần, anh đưa tôi bản đánh máy một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi và bảo: Này, cậu đọc đi để thấy ông Thi bây giờ tư tưởng có vấn đề như thế nào. Đó là bài Cách mạng (nhưng theo tôi, đây là một bài thơ sâu sắc và hay...).

CÁCH MẠNG

Những gì kia cuộn nhau
Trong bao đời bóng đêm
Cái ác của kẻ mạnh
Cái hèn của kẻ yếu
Cái tham của kẻ thừa
Cái thèm của kẻ thiếu
Dân tộc thù dân tộc
Con người sợ con người
Không sao chịu nổi
Lật hết đi
Thử xoay ngược lại
Xem thành cái gì
Cái hèn của kẻ mạnh
Cái ác của kẻ yếu
Cái thèm của kẻ thừa
Cái tham của kẻ thiếu
Dân tộc sợ dân tộc
Con người thù con người
Đã bao đời
Bóng đêm xoay ngược
Vẫn là bóng đêm
Nhưng nước mắt người mẹ
Làm đứng dậy người con
Giọt máu người ngã xuống
Thành ngôi sao dẫn đường
Và lặng im cũng thành tiếng gọi
Ra khỏi bóng đêm
Đi tới buổi sáng
Không có bóc lột ăn hiếp
Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc
Mỗi con người cần đến mỗi con người
Thưa bạn
Tôi nghĩ cách mạng là như vậy
Mở ra buổi sáng
Mới vỡ nghìn hang ổ
Của những gì cuộn nhau trong bóng đêm
Nhưng đó không phải chuyện một lúc

1982
NGUYỄN ĐÌNH THI
Nguồn: Trong cát bụi (thơ), Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học, 1992

2

Hẳn sẽ có bạn không khỏi thắc mắc: Trong các cuộc kiểm điểm về quan điểm sáng tác, vì sao người chủ trì không phải là Bí thư Đảng đoàn Vương Linh mà lại là nhà văn Nguyên Ngọc? Xin thưa, vì ông Vương Linh không đủ trình độ và uy tín. Về trình độ, ông ta hiểu biết về văn hoá văn nghệ rất lơ mơ, chỉ biết vụng về và máy móc lặp lại những gì cấp trên nói. Về sáng tác, từ khi vào chiến trường (năm 1966) ông ta không có được một bài thơ nào có chất lượng vì sợ ác liệt, chỉ ngồi lì ở cơ quan đóng căn cứ trên núi, không chịu đi tuyến trước. Bài thơ của ông hồi đó được anh em cho là khá nhất là bài Bữa cơm vùng căn cứ lại mượn ý, tứ từ bài Bữa cơm chiều của Trần Nguyên Đào in trong tập Thơ ba năm chống Mỹ ngoài Bắc gửi vào ông thường mở đọc và thường xuyên để trên bàn làm việc trong lán (Thanh Quế thì thầm với anh em gọi đùa là “tra từ điển”). Một người như thế lại được bố trí làm Bí thư Đảng đoàn Văn nghệ Khu 5, thật không thể hiêu nổi về công tác cán bộ. Nhưng sau này, có một lần hiếm hoi được ngồi nói chuyện với ông Lê Sâm, Khu uỷ viên, Trưởng Ban Tuyên huấn Khu, tôi nghe ông nhận xét về cán bộ cấp dưới: Đồng chí này “thuần”, đồng chí nọ hơi “tự do chủ nghĩa”, tôi mới hiểu. Ông Vương Linh thuộc loại “thuần”, rất “thuần”. Ông là Phó Tiểu ban Văn nghệ Khu, Trưởng Tiểu ban do ông Hồ Quốc Phương (tên thật là Hồ Dưỡng), Phó Ban trực Ban Tuyên huấn Khu kiêm. Bài vở của tờ tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5) đều do Chu Cẩm Phong, tôi và Cao Duy Thảo chọn, sắp xếp, trình cho ông Vương Linh xem, hầu như ông không có nhận xét gì, chỉ cầm nguyên xi sấp bài vở đó lên trình cho ông Hồ Dưỡng duyệt, Ông Hồ Dưỡng duyệt xong ông đem về đưa chúng tôi đem đi nhà in.

Biết rõ tình trạng yếu kém của bí thư Đảng đoàn Vương Linh nên mỗi khi có việc quan trọng như cần trao đổi ý kiến hoặc kiểm điểm về quan điểm sáng tác (nhân dịp học nghị quyết) ông Lê Sâm lại mời nhà văn Nguyên Ngọc Phó Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5) thuộc biên chế bên Quân khu sang chủ trì. (Sau này anh Nguyên Ngọc bảo với tôi rằng anh không phải là Phó Bí thư, chỉ là Uỷ viên Thường vụ, nhưng hồi đó ông Vương Linh phổ biến trong cơ quan tôi – Tiểu ban Văn nghệ Khu – như thế, tôi ghi theo lời ông Vương Linh. Anh Nguyên Ngọc là nhà văn nổi tiếng rất sớm với tiểu thuyết Đất nước đứng lên, cũng “nổi tiếng” theo một cách khác với tiểu thuyết Mạch nước ngầm vì đụng (nhẹ thôi) đến cái tiêu cực nên bị Đảng đánh đòn (cùng bị đòn thời gian đó có truyện vừa Im lặng của Nguyễn Ngọc Tấn – khi vào chiến trường lấy bút danh là Nguyễn Thi). Anh Nguyên Ngọc vào chiến trường rất sớm, từ 1962, luôn có mặt ở tuyến trước, năm 1966 anh xin với Quân khu và Khu uỷ về đứng hẳn một năm ở xã Điện Hoà, Điện Bàn, Quảng Nam, một xã trọng điểm, rất gần Đà Nẵng, căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ, tham gia cấp uỷ xã (hình như làm Phó Bí thư). Tất cả anh chị em văn nghệ Khu 5 chúng tôi đều rất quí trọng yêu mến khâm phục nhà văn Nguyên Ngọc chẳng những vì văn tài mà hơn nữa vì quá trình lăn lộn chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân của anh ở tuyến trước. Mọi người xem anh là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ sắc sảo và có sức thuyết phục lớn.

Cuộc đấu tố tôi với bài Ở đây, ngày hôm qua… năm 1973 tưởng đã êm sau khi ông Năm Công đã trực tiếp đọc và không có ý kiến gì (sau này, có lần anh Nguyên Ngọc vừa cười cười vừa kể với tôi: “Ông Năm Công bảo với mình tình hình này thì mình [tức ông Năm] cũng có lúc dao động, chứ nói gì thằng Quốc”) nhưng không ngờ năm 1974, Tiểu ban Văn nghệ lại họp để kiểm điểm về quan điểm sáng tác, tôi lại bị đấu với bài Ở đây, ngày hôm qua… Ông Vương Linh chủ trì (anh Nguyên Ngọc đã ra Bắc). Họp kéo dài mấy đêm, vì tôi vẫn không chịu nhận mình sai, mình dao động, bởi tôi rất tâm đắc với bài thơ này và thực sự trong lòng chẳng có chút dao động nào cả. Mọi người băn khoăn: Quái, việc tưởng đã xong, sao vẫn dây dưa mãi. Sau mới nhận ra chuyện liên quan: Chả là lúc ấy ngoài Bắc trên văn đàn có vụ Cây táo ông Lành của Hoàng Cát, Con chó xấu xí của Kim Lân và Con mèo của ai đó bị Đảng đánh đòn, bị coi là một luồng tà khí trong văn học xã hội chủ nghĩa, nên văn nghệ tất cả các vùng miền đều phải rà soát lại vấn đề quan điểm sáng tác. Họp hành căng thẳng quá, bị ép dữ quá, một số anh em rỉ tai khuyên tôi: Thôi anh Quốc cứ nhận đại đi một chút, cho qua chuyện, chứ các ông trên không chịu thua anh đâu. Tôi đành phải nhận: “Vâng, khi sáng tác bài này, tôi cũng có chút dao động, nhìn hiện thực có hơi u ám”. Thế là xong. Ông Vương Linh chỉ cần có thế. Vài tuần sau ông cũng ra Bắc. Có lẽ cũng cần kể thêm cái hậu vận bi hài của ông Bí thư Đảng đoàn này. Ở ngoài Bắc, ông trở về cơ quan cũ là Hội Nhà văn Việt Nam, nơi ông làm Chánh văn phòng nhiều năm trước khi đi chiến trường. Ông không sáng tác được gì đáng chú ý. Rồi đốc chứng thế nào ông chép nguyên xi bài thơ của một tác giả không tên tuổi nào đó đăng trên báo Quân đội Nhân dân đã lâu, ký tên mình đưa đăng báo Văn nghệ, bị tố cáo tội đạo văn với bằng chứng không thể chối cãi. Chuyện xảy ra vào thời ông Nguyên Ngọc làm Bí thư Đảng đoàn Hội. Tội ông Vương Linh đáng bị khai trừ, nhưng ông Nguyên Ngọc không kỷ luật chính thức, chỉ lẳng lặng xoá tên vị Bí thư Đảng đoàn Văn Nghệ Khu 5 cũ khỏi danh sách cấp thẻ Đảng. Cũng xin trở lại một chút chuyện “dao động về nhân vật trung tâm”. Khi phê phán luận điểm của tôi và Cao Duy Thảo về người anh hùng (phẩm chất anh hùng chính ở chỗ họ vượt lên được những tầm thường trong bản thân họ để trở thành anh hùng), anh Nguyên Ngọc tiếp tục khẳng định nhân vật trung tâm của văn học cách mạng là người anh hùng trong cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt và hào hùng này, khi nhà văn dao động là trước hết dao động về nhân vật trung tâm. Mấy năm 1969-1970 anh Nguyên Ngọc được Khu uỷ sắp xếp ngồi viết tiểu thuyết về chiến tranh ngay tại chiến trường. Anh viết tiểu thuyết Đất Quảng. Anh viết ngay về thực tế chiến đấu của xã Điện Hoà, nơi anh đã làm Phó Bí thư xã một năm. Xong tập I, được cho in ngay tại nhà in trên căn cứ, phát hành ngay tại chiến trừờng và gửi ra Bắc in lại. Nhưng sau tập I, anh không viết tiếp tập II được nữa. Vì nguyên mẫu của nhân vật Bí thư xã Điện Hoà (tên là Giã) đầu hàng địch khi bị khui hầm bí mật. Sau này, anh kể lại trong một đoạn hồi ức: Việc đầu hàng của bí thư Giã khiến anh dao động về nhân vật trung tâm nên không thể viết được nữa. Đất Quảng chỉ có tập I.

3

Nếu lược lại những trận đòn Đảng đánh tôi vì ngòi bút, thì phải kể từ bài đầu tiên Lên Miền Tây. Bài thơ này tôi sáng tác vào mùa hè năm 1958 khi vừa học hết lớp 9 tại trường cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội nhân tham gia cuộc thảo luận về “Hình tượng Pa-ven Cooc-xa-ghin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn xô viết Ni-cô-lai Ôxtrôpxki” do chi đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh khối 9 tổ chức. Lúc ấy tôi chưa được vào Đoàn, chỉ mới là “cảm tình Đoàn”. Tôi chuẩn bị tham gia không phải bằng một bài bình luận mà bằng bài thơ Gửi Pa-ven. Nhưng mới viết được nửa chừng thì trong lòng bỗng dậy lên niềm khát khao tung cánh bay nhảy khi nhìn qua cửa sổ lớp (trên tầng 2) ngắm ngọn núi Ba Vì thấp thoáng xa xa bên kia Hồ Tây mà mơ mộng một chuyến lên Tây Bắc. Và hai câu thơ vụt hiện:

Xe chạy nghiêng nghiên trèo dốc núi

Lên Miền Tây vời vợi nghìn trùng

Rồi dần dần cả bài thơ đã xong vào mấy ngày sau. Tôi chép đưa lên báo tường của Khối 9. Năm 1959 Lên Miền Tây được đăng trên tạp chí Văn nghệ, tờ tạp chí duy nhất về văn nghệ ở miền Bắc thời đó, do nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Nam làm Chủ nhiệm, nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm Thư ký toà soạn, nhà thơ Xuân Diệu làm Tổ trưởng tổ thơ. Tháng 4 năm 1959 tôi được đi dự hội nghị viết văn trẻ toàn miền Bắc. Tháng 9 năm 1960 Lên Miền Tây được chọn in trong Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960 (NXB Văn học). Năm 1961, Lên Miền Tây được đưa vào sách giáo khoa Văn lớp 7, và hai câu thơ “Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy/Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường” trong bài được chọn làm đề thi văn cấp 2 toàn miền Bắc. Cuối năm 1962, trên diễn đàn Quốc hội nhà thơ Nguyễn Đình Thi, đại biểu Quốc hội (từ khoá 1-1946), đọc tham luận có lời phê phán Lên Miền Tây vì tác giả Bùi Minh Quốc mơ mộng, chưa lên Tây Bắc mà đã viết những câu thơ thoát ly thực tế. Hôm sau, báo Nhân dân của Đảng đăng ngay bản tham luận này. Lên Miền Tây bị đưa ra khỏi sách giáo khoa.

Thế rồi không chỉ riêng Lên Miền Tây, đời sáng tác của tôi tiếp tục có những bài được đưa vào sách giáo khoa rồi lại bị đưa ra, không phải vì nội dung mà vì Đảng không ưa những bài khác không đăng ở trong nước mà đăng ở nước ngoài, và nhất là vì tôi bị khai trừ cách chức. Có thể kể chẳng hạn Đất quê ta mênh mông, Bài thơ về hạnh phúc, Giấc ngủ của nàng tiên dũng sĩ… Bài Đất quê ta mênh mông được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc ngay sau khi bài thơ đăng báo, được phát trên Đài suốt nhiều năm, rồi sau đó là một đoạn trong bài Bài thơ tình yêu được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc (lấy tên là Cuộc đời vẫn đẹp sao), vẫn được phát trên Đài nhưng chỉ giới thiệu tên tác giả âm nhạc, không giới thiệu tên tác giả lời thơ. Khá nhiều bạn nghe/xem Đài phát hiện thấy lối ứng xử theo “văn hoá Đảng” (cụm từ của Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Văn hoá Tư tưởng lúc đương chức) như vậy, gọi đó là văn hoá ghét người yêu của (từ nhận xét đó của công chúng, thấy cũng cần xem lại lòng yêu nước của cái đảng cầm quyền; tôi cho rằng họ chỉ yêu nước trên đầu lưỡi, thực chất họ chỉ yêu cái khối tài sản trên đất nước này thôi).

Từ Đại hội VI (tháng 12.1986) Đảng chủ trương đổi mới, năm 1987 Bộ Chính trị ra nghị quyết 05 về văn hoá văn nghệ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hô “cởi trói”, kêu gọi văn nghệ sĩ đừng uốn cong ngòi bút, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau (những người lãnh đạo) Đảng liền phản bội ngay những chủ trương hợp lòng dân thuận qui luật đó của chính mình, tôi bị bịt mồm bẻ bút. Và rất nhiều người khác bị bịt mồm bẻ bút. Nhắc lại lời mở đầu của văn kiện Đại hội VI: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật” thì không thể không thấy kinh tởm trước sự tráo trở trắng trợn của họ, khó mà kìm nén một cơn ói mửa! Nhìn lại những đòn Đảng bịt mồm bẻ bút văn nghệ sĩ (và tất cả những ai trung thực nói thẳng nói thật), kể (riêng về thơ) từ Hữu Loan với Màu tím hoa sim tới Phùng Quán với Lời mẹ dặn, Trần Dần với Nhất định thắng, Hãy đi mãi… thấy toàn là đánh vào những tài năng đích thực, những giá trị đích thực, kết quả sáng tạo của những con người tài năng và trung thực, chính trực. Lãnh đạo gì mà quái đản thế? Vậy mà cứ luôn khẳng định không có sự lãnh đạo của Đảng thì văn hoá văn nghệ không thể phát triển được. Rồi cả một đội (quân) ngũ lý luận phê bình từ trên xuống dưới từ lớn đến nhỏ tiếp tục khẳng định như thế. Nhớ thời xa xưa, một số anh chị em chúng tôi ngồi riêng với nhau có lần nêu thắc mắc nửa đùa nửa thật (thực ra là thật 100%) rằng Cụ Nguyễn Du không có Đảng lãnh đạo mà sao viết hay thế nhỉ? Nói rồi tự nhiên đưa tay tự bịt miệng (cười) tự thấy đã chạm vào điều cấm kỵ không được phép thắc mắc, không được phép bàn. Tôi là một đảng viên luôn bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng với chuẩn mực về sự lãnh đạo như này: 1/ Lãnh đạo bằng đường lối đúng; 2/ Bằng đội ngũ cán bộ có trí tuệ và phẩm chất đáng tin cậy, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn bám sát thực thế, lắng nghe ý kiến nhân dân để chỉnh sửa kịp thời đường lối cho phù hợp. Nhưng trên trên thực tế, trong lãnh vưc văn nghệ, tôi không gặp được một sự lãnh đạo đúng chuẩn như thế. Tôi nhớ có lần anh Trần Độ (hồi còn làm Trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương) nói: “Trong văn nghệ, lãnh đạo là không lãnh đạo gì cả”. Anh Trần Độ, như tôi biết, là một cán bộ lãnh đạo văn nghệ rất hiếm hoi thực lòng yêu mến quí trọng văn nghệ sĩ, hiểu rõ tính đặc thù của văn nghệ, của lao động nghệ thuật. Nên nói “lãnh đạo là không lãnh đạo gì cả” nghĩa là anh bảo với người làm thơ: tự ông “lãnh đạo” ông viết ra bài thơ để ông nói cái yêu cái ghét của ông. Đúng quá. Cụ Nguyễn Dụ chẳng có ai lãnh đạo cả, Cụ viết hay là do cái tài cái tâm của Cụ, đơn giản vậy thôi.

Xin kết lại phần này bằng mấy câu thơ tự bạch:

Đường tới Tự do

Thơ dấn mình lên trước

Thơ đi trần trụi thơ

Bao người sau vững bước.

*

Thơ tôi tiếp lửa cho người bị áp bức

Từng ngày, từng ngày

Cho sớm đến một ngày

Không còn ai cần đọc thơ tôi.

4

Những đòn mà (những người lãnh đạo) Đảng đánh vào văn nghệ sĩ trí thức (và tất cả những ai trung thực nói thẳng nói thật) đều bắt nguồn từ một thực chất tư tưởng của họ là họ không chấp nhận tư duy độc lập, họ tự cho là mình luôn luôn đúng nên tiếng nói của những người có tư duy độc lập, dù chỉ cất lên trong nội bộ, đều bị họ quy là có vấn đề về tư tưởng. Tuy họ vẫn tuyên bố rằng “Trong nội bộ, các đồng chí được hoàn toàn tự do tư tưởng, nghĩ sao nói vậy”, nhưng thâm tâm họ không chấp nhận, bề ngoài họ không dám công khai quy kết nhưng lại ngầm tung tin cho cấp dưới rỉ tai nhau “Ông này ông nọ, tay này tay nọ có vấn đề về tư tưởng”. Năm 1960, tôi vào Khoa Ngữ văn (khoá 5) Đại học Tổng hợp Hà Nội, gặp lại Nguyễn Trung Thu (sau là tác giả lời thơ của ca khúc Đêm Trường Sơn nhớ Bác nổi tiếng do nhạc sĩ Trần Chung phổ), người bạn thân từ mấy năm trước cùng nhau lao động vác nứa, kéo xe ba gác chở gỗ ở bến Phà Đen. Tôi với Nguyễn Trung Thu cùng rất tâm đắc mấy câu thơ này của Cụ Hồ viết trong tù năm 1942:

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do

Mỗi việc mỗi lời không tự chủ

Để cho người dắt tựa trâu bò

Tôi không bao giờ quên những lần hai đứa đi vòng quanh sân vận động trong ký túc xá Láng chuyện trò say sưa về lý tưởng cách mạng, về mọi điều mà tuổi trẻ quan tâm, và lần nào cũng bá vai nhau cùng gật gù đọc lên bốn câu thơ chí lý ấy, nó là chuyện sinh tử của sự LÀM NGƯỜI. Chúng tôi muốn làm người chứ dứt khoát không chịu làm trâu bò cho người ta dắt. Tư tưởng ấy, triết lý sống ấy chi phối suốt cả cuộc đời tôi. Tôi cũng hiểu rất rõ rằng bảo vệ tư duy độc lập của mình cũng có nghĩa là đồng thời phải biết tôn trọng tư duy độc lập của người khác. Ngay cả với một em bé. Tôi nghiệm thấy rằng, người đời (hầu hết) thường có một tật xấu, gần như một thứ bản năng, nhất là những người có quyền, luôn tự cho mình là đúng và áp đặt ý kiến mình cho người khác. Ngay cả trong một cộng đồng nhỏ là gia đình, ta nghe không ít bậc cha mẹ hét con cái khi chúng nói lời trái ý mình: “Câm ngay, trứng lại cứ đòi khôn hơn vịt!”. Và tôi rất tâm đắc những lời này của Cụ Hồ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với MỌI VẤN ĐỀ, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một NGHĨA VỤ của mọi người”. Xin nhấn mạnh mấy cụm từ “mọi vấn đề”, “nghĩa vụ” – vâng, nghĩa là không có vùng cấm, không những là “quyền lợi” mà còn là “nghĩa vụ”, trách nhiệm đối với xã hội và ngay chính bản thân mình.

Điều Cụ Hồ nói đó đã được nhà cách mạng, nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang viết trong cuốn Một nền văn hoá mới tháng 5 năm 1945, thời kỳ đêm trước của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, xin trích: “Ban bố triệt để quyền tự do tưởng, tự do ngôn luận, chính là cởi mở cho văn hoá trở nên sầm uất, và đem một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi vào cái văn hoá đã bao lâu phải sống trong những phòng ngục chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu hơi nóng của mặt trời. Sách vở và báo chí được xuất bản tự do, nền văn nghệ của ta mới có thể dồi dào, phong phú”. Cuốn sách này chính là bản báo cáo về văn hoá do Nguyễn Hữu Đang & Nguyễn Đình Thi chia nhau viết để trình bày tại Hội nghị Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) tháng Tám 1945 – hội nghị quyết định Tổng khởi nghĩa trên toàn quốc (nhưng đến gần ngày họp, Nguyễn Hữu Đang bị kẹt, chỉ có Nguyễn Đình Thi đi dự được và đọc báo cáo, đoạn tôi vừa trích do Nguyễn Hữu Đang viết). Thời gian đầu sau Cách mạng tháng Tám, việc tự do xuất bản sách báo đã diễn ra sầm uất đúng như thế. Nhưng rồi thực dân Pháp trở lại xâm lược, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nên mọi hoạt động văn hoá phải tập trung cho kháng chiến. Sau kháng chiến, từ khi Đảng (CSVN) cầm quyền trên một nửa rồi cả nước, Đảng đã phản bội cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thủ tiêu các quyền tự do cơ bản của công dân mà hàng đầu là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản. Toàn bộ báo chí xuất bản đều trong tay Đảng với một hệ thống kiểm duyệt (ngầm) từ an ninh đến tuyên huấn cùng một đội ngũ tổng biên tập, giám đốc trong ngành. Hễ xuất hiện một tổng biên tập, một giám đốc nào có tư duy độc lập, có tâm huyết và trách nhiệm nỗ lực muốn nói sự thật với nhân dân thì họ đều bị cách chức. Từ khi có đổi mới, nhất là từ khi có nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, báo chí xuất bản khởi sắc lên được một thời gian. Nhưng sau khi Tổng biên tập (báo Văn Nghệ) Nguyên Ngọc cho đăng bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì của Phùng Gia Lộc ghi những sự thật rùng rợn về cuộc sống khốn cùng của người nông dân ở một làng quê Thanh Hoá, và tiếp những bài khác của những cây bút trung thực nói thẳng nói thật thì Nguyên Ngọc bị cách chức. Rồi Kim Hạnh (báo Tuổi Trẻ), Thế Thanh (báo Phụ Nữ TPHCM)... Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương bị sáp nhập vào Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Trần Độ và Phó Ban Nguyễn Văn Hạnh bị chuyển công tác... Rõ ràng những người cầm quyền trong đảng cầm quyền là một thế lực sợ sự thật, họ nắm giữ quyền lực bằng mọi thủ đoạn vừa trắng trợn vừa tinh vi nhằm bịt mồm, bẻ bút những người cầm bút trung thực can đảm muốn đưa sự thật đến nhân dân. Nhưng những con người trung thực ấy (trong đó có tôi) dứt khoát không bỏ cuộc, họ quyết hành động như Phùng Quán tuyên bố (trong bài thơ Lời mẹ dặn) mấy mươi năm trước:

BÚT GIẤY TÔI AI CƯỚP GIẬT ĐI

TÔI SẼ DÙNG DAO VIẾT VĂN LÊN ĐÁ.

Đà Lạt, 10.06.2023