Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Truyện “Vu Quy” của Đỗ Hoàng Diệu qua lưới đọc của biểu tượng

Liễu Trương

Có khi tên tuổi một nhà văn bị tác phẩm đầu tay bám vào một cách dai dẳng, khó lòng gỡ ra, cho dù về sau nhà văn có những tác phẩm viết theo xu hướng khác, nghệ thuật khác. Đó là trường hợp của Françoise Sagan ở Pháp, hễ nhắc đến tên của nhà văn nữ này thì công chúng nghĩ ngay đến cuốn Bonjour tristesse, tác phẩm đầu tay đã làm tác giả nổi tiếng năm 18 tuổi. Cũng là trường hợp của Nguyễn Thị Hoàng, vào thời văn học miền Nam, với cuốn tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò (1966). Rồi đến Đỗ Hoàng Diệu, vào đầu thế kỷ 21, cũng mang dấu ấn của truyện Bóng Đè, lần đầu tiên đăng trên tạp chí Hợp Lưu ở Mỹ số 78, năm 2004.

imageĐỗ Hoàng Diệu đến với độc giả ở hải ngoại trước khi được độc giả trong nước biết đến. Kể từ cuối năm 2003, Đỗ Hoàng Diệu đã có những truyện ngắn đầu tay lần lượt đăng trên tạp chí Hợp Lưu: Tình chuột, Những Sợi Tóc Màu Tang Lễ, Cô Gái Điếm Và Năm Người Đàn Ông, Bóng Đè, Dòng Sông Hủi, Vu Quy.

Đến năm 2005, nhà xuất bản Đà Nẵng trong nước cho ra tập truyện ngắn Bóng Đè gồm tám truyện trong đó có ba truyện đã đăng ở hải ngoại: Bóng Đè, Vu Quy, Dòng Sông Hủi, và năm truyện mới: Hoa Máu, Linh Thiêng, Bốn Người Đàn Bà Và Một Đám Tang, Huyền Thoại Về Lời Hứa, Căn Bệnh.

Năm 2016, tức 12 năm sau Bóng Đè, tiểu thuyết Lam Vỹ ra đời. Rồi hai năm sau, năm 2018, tập truyện ngắn Lưng Rồng được trình diện với độc giả. Cả hai tác phẩm đều do nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho phát hành.

Đối với một nhà văn, quan trọng nhất là bước đầu. Gây được ấn tượng với độc giả ngay từ đầu thì kể như tương lai có nhiều hứa hẹn. Đỗ Hoàng Diệu vừa xuất hiện trên văn đàn, năm 27 tuổi, đã gây sốc cho độc giả với những truyện Bóng Đè, Vu Quy… Điều gì khiến sự góp mặt của cô trên văn đàn được xem như một “hiện tượng”? Trong giới độc giả, đại khái có hai loại phản ứng: một số ít người yêu thích cái mới lạ thì tỏ thái độ tán thành, mừng vì văn học có dấu hiệu cách tân, nhưng phần đông độc giả có phản ứng e dè, ngại ngùng, thậm chí phê bình nghiêm khắc trước một lối viết táo bạo về tình dục, không kể gì đến lề thói, phong tục, đạo đức truyền thống. Điều này dễ hiểu. Nhà lý luận văn học Đức Hans Robert Jauss đã đưa ra khái niệm “viễn cảnh chờ đợi” của người đọc. Viễn cảnh chờ đợi của người đọc là do sự hiểu biết của người này về những tác phẩm đã có trước; người đọc đã quen với các thể loại, với những bối cảnh lịch sử – xã hội, với những tư tưởng đạo đức, với nghệ thuật sáng tạo đã có trước. Nay nếu có một tác phẩm mới lạ xuất hiện, có sự chênh lệch với viễn cảnh chờ đợi, thì đương nhiên tác phẩm gây sốc, khiến người đọc có phản ứng ngờ vực, xa lánh, hoặc chỉ trích thậm tệ.

Sau Bóng ĐèVu Quy cùng chung chủ đề tình dục của người phụ nữ. Vu Quy cũng gây sóng gió không ít. Lần đầu tiên một nhân vật nữ miêu tả tình dục của mình một cách thẳng thừng, một tình dục bốc lửa. Xa rồi cái thời người con gái Việt Nam thẹn thùng, e ấp, rụt rè, cha mẹ đặt đâu ngồi đó, mà hình bóng được khắc sâu trong văn thơ. Trong truyện Vu Quy, trái lại, tiếng nói của người nữ được cỡi trói đã đi thẳng vào một vấn để xưa nay được xem là cấm kỵ. Đỗ Hoàng Diệu có chủ đích gì khi cô miêu tả tình dục như một yếu tố quan trọng nhất trong đời người phụ nữ, cần đưa ra ánh sáng, cần đưa vào trọng tâm của truyện? Mặt khác, truyện Vu Quy có thể được đọc từ một góc độ khác không?

Trước hết chúng ta hãy đi vào truyện Vu Quy, một truyện ngắn gồm 41 trang.

I  Cuộc phiêu lưu của tình dục

Người kể truyện là một cô gái đang trải qua đêm cuối cùng trước ngày vu quy. Cô không có tâm trạng của một người con gái sắp về nhà chồng: vừa hồi hộp vừa sung sướng và cũng buồn vì sắp sửa từ biệt cha mẹ, kết thúc cuộc đời thiếu nữ. Không, cô gái của truyện Vu Quy, trong đêm khuya, rồi đến sáng hôm sau, theo nhịp gõ của cái đồng hồ, với một tâm hồn tan nát, nhớ lại những người tình đã đi qua trong đời mình, đã chia sẻ tình dục với mình: … sao tôi cứ ngồi suy nghĩ miên man về những mối tình đã chết, không bao giờ còn có thể quay lại? (tr. 60) Mỗi một người đàn ông ra đi làm cô mất mát một phần thân thể.

Tình đầu của cô gái là một người đàn ông đã ly hôn, có một ngôi nhà đẹp được trang hoàng bằng tranh Đông Hồ, người đàn ông thưởng trà mỗi sáng. Anh ta là một con người lười biếng, chỉ thích hưởng thụ và xem thường người phụ nữ, anh ta sống với cái định kiến đàn bà phải nô lệ đàn ông. Khi cô gái mang thai với anh ta, cô muốn giữ đứa con, nhưng bố mẹ cô buộc cô phải vào bệnh viện Phụ sản để bứng cái thai, để về sau được đẹp mặt nở mày mà lo việc lấy chồng. Trong khi cô quằn quại đau đớn ở bệnh viện thì anh ta tiếp tục hưởng thụ với những người con gái khác. Cô gái trách: Đàn ông như anh, như phần đông đàn ông Việt Nam không biết đánh vần từ Chung Thủy trôi chảy. Mười năm sau, khi cô gái gặp lại anh ta, thì anh ta là một người giàu có, lái một chiếc xe sang trọng, chẳng may anh ta gây tai nạn chết người, phải vào tù.

Người tình thứ hai là một nhà kinh doanh Tàu, giàu có và rất khỏe như củ sâm, bí ẩn, khôn ngoan và đầy ma lựcCốt cách của ông tỏa ra quyền uy làm người khác phải phục tùng. [...] Khuôn miệng ông cười, đuôi mắt ông cười nhưng tròng mắt không cười. [...] Tôi yêu ông, tôi đam mê ông nhưng tôi sợ ông (tr. 50).

Cô gái được thỏa mãn, nhưng lúc nào cũng phải nhượng bộ trước thái độ đầy uy quyền của người đàn ông này. Cô bực tức bỏ đi. Nhưng vì thèm khát “nước sâm” cô bèn trở lại; người đàn ông Tàu thắng thế càng tỏ ra áp đảo cô, biến cô thành một người nô lệ trong cách làm tình.

Người tình thứ ba thì ngược lại, hoàn toàn để cô gái chỉ dẫn về mọi chuyện. Việt, tên của anh ta, là một Việt kiều từ bên kia đại dương trở về, sau một cuộc vượt biên bi đát, người cha và người chị đã mất mạng trong lòng biển. Người mẹ ở nhà mòn mỏi chờ đợi rồi chết. Khi đã thành tài ở xứ người, Việt trở về quê hương viếng mộ mẹ và gặp cô gái. Trong những người tình, cô gái thương nhất người con trai này, vì anh ta có tâm hồn ngây thơ, không biết gì nhiều về đất nước. Cô gái thổ lộ: Tôi thương chàng nhất trong những người đàn ông tôi đã từng yêu thương. [...] Chàng là người đàn ông lãng mạn nhất của tôi, ngu ngơ nhất của tôi và cũng thành thật nhất của tôi. Việt nói: Về để tìm lại tuổi thơ, để làm lại những cái đã mất. Nhưng cô gái chua chát, cho đó là ảo tưởng. Vì cả hai phải đối diện với một sự thật cay nghiệt: Việt là người có hai quốc tịch, đời sống của Việt là ở bên kia, đất nước này không còn là của Việt nữa, còn cô gái không thể xa rời cội nguồn của mình. Vậy đôi bên không thể chung sống với nhau. Nhưng cô gái vẫn yêu thương Việt, và tình yêu đó  gần với một thứ tình mẫu tử.

Rồi đến người tình thứ tư tên Tim, một chàng thanh niên Mỹ. Đôi mắt buồn nao lòng của Tim chứa đầy đam mê. Sau này Tim nói cũng bị tôi đốn ngã ngay khi chạm mắt. Tim mang niềm vui đến cho cô gái, xem cô như một người bình đẳng, trong những lúc ái ân cô có thể đóng vai chủ động. Đôi bên trọng nhau. Hơn thế nữa: Bên Tim, tôi thấy mình là hoàng hậuTôi không nghĩ đến gia đình, lễ giáo khi xúc động nhận lời cầu hôn của một người Mỹ da trắng (tr. 69).

Nhưng rồi không tránh được sự thật phũ phàng: hai nền văn hóa bị chia cách bởi một hố thẳm.

Cuối cùng trước sự thúc giục và quyết định của người cha, cô gái nhận lấy một người đàn ông Âu châu có vốn tư bản mà bố cô khen đứng đắn, cấp tiến và uyên bác. [...] Bố nói đồng ý gả tôi cho ngoại kiều này vì chàng đầu tư rất nhiều chất xám vào Việt Nam và sẽ định cư vĩnh viễn trên mảnh đất hình chữ S. Cô gái thầm nghĩ biết đâu chàng ta phạm trọng tội nơi quê hương mình và tìm cách lẩn trốn ở Việt Nam. Vậy đối với người đàn ông cuối cùng mà bố cô áp đặt và cô chịu nhận làm vợ, cô không có chút tình cảm, trong khi gia đình cô bị lóa mắt vì sự giàu có của ngoại kiều này. Trong cái khách sạn Hilton sang trọng làm nơi chốn cho đêm tân hôn, cô trở thành bà Karl. Nhưng cô rùng mình khi tỉnh dậy khám phá người chồng nằm bên cô là một xác chết, một xác ướp.

Qua năm người đàn ông vừa kể là một cuộc phiêu lưu tình dục của cô gái, mỗi người đàn ông làm tình mỗi cách, và với mỗi người đàn ông dâm tính của cô gái cũng phản ứng một cách khác biệt. Điều đáng chú ý là cá tính và nguồn gốc của mỗi người đàn ông đều thể hiện qua cách làm tình của họ.

Người đàn ông đầu tiên, người yêu tranh Đông Hồ, gợi cho cô gái mùi phù sa châu thổ sông Hồng, và là người đã biến cô thành đàn bà năm cô 16 tuổi: Nhất là buổi chiều ấy, buổi chiều tôi cắt đứt tuổi thơ vội vàng bằng anh. Cắt đứt bằng lưỡi, bằng môi, bằng mắt, bằng tất cả sức mạnh và nhịp đập rối loạn say mê. Căn phòng ngủ ngăn nắp của anh lộn tung những mê cuồng. Mê cuồng chứng giám nỗi mất mát và bắt đầu sự hồi sinh. Hồi sinh một người đàn bà thực thụ. Người đàn bà 16 tuổi. 16 năm tuổi thơ, anh cắt trọn trong một cú thọc sâu. Và kết thúc bằng vũng máu đỏ dấy lên như báo hiệu một cuộc đời dông bão (tr. 43).

Người thương gia Tàu có cách làm tình của một kẻ thống trị: Ông chỉ cười, chỉ ra lệnh và nhồi vào, thúc sâu, bền bỉ, mạnh mẽ đến khi tôi hét lên cùng sóng biển hoàng hôn, ông mới tạm ngưng (tr. 51).

Cô gái đam mê nhưng đồng thời sợ ông ta. Nỗi sợ càng kích thích tôi khi ông bao trùm tôi từ bên trên như một lãnh chúa. Thân hình ông rắn chắc tựa một củ sâm. Gần ông, da dẻ tôi trở nên hây đỏ, láng mát. Tựa như tôi được uống nước sâm chắt lọc từ da thịt ông. Thân thể ấy toát ra mùi thơm hắc, mùi đền đài, lăng tẩm, uy quyền. Tôi cố ngước lên cao, cao mãi để hít ngửi mùi đế vương ấy. Nhưng càng rướn ông càng vươn lên. Vì thế, mọi cuộc làm tình của tôi và ông là những cuộc rượt đuổi không bao giờ chán (tr. 50).

Với Việt, người tình thứ ba thì khác hẳn, tình cảm thấm đượm cơn ân ái: Chàng yêu tôi dịu dàng và vô cùng xúc động. Hai bầu ngực tôi nở ra như muốn ôm trọn khuôn mặt thơ ngây của chàng hòng che chở. [...] Và lúc chàng rút khỏi mình tôi, cơn gió bỗng chợt tràn qua mỏm núi hất tấp căn nhà sàn, cứa rời thân thể tôi. Tôi biết đã vĩnh viễn mất đi một phần thân thể (tr. 59).

Cô gái được Tim, người tình thứ tư, đối xử như một nữ hoàng: Ngay cả chuyện ân ái. Có bận, tôi chưa thấy bờ bến ở đâu Tim đã bị sóng đẩy lật thuyền. Ân hận, vỗ về, xin lỗi, Tim làm như tội tày trời. Tim không biết, tôi bị bỏ bơ vơ giữa biển là chuyện thường tình [...] Những ngày bên Tim, tôi trở thành hoàng hậu. Tôi khám phá bản năng vẫn còn ẩn tận sâu đáy thẳm thân xác. Tim đưa tôi đến tận cùng hang sâu, chỉ cho tôi nền văn minh hồng hoang mà bấy lâu tự tôi che giấu, mà những người đàn ông kia đã không dẫn tôi tới (tr. 68).

Còn với người đàn ông cuối cùng, người ngoại kiều làm chồng cô gái, thì cô không ý thức đã làm tình với người này, nhưng bằng chứng thể hiện trên thân xác của hai người: Đêm qua tôi đã lên thiên đường cùng một xác ướp, tôi đã động phòng với một xác ướp. Dấu tích còn nguyên trên bộ râu quai nón người đàn ông và vùng lau lách mềm mại của tôi. Đêm qua tôi đã bơi trên biển cả, tôi đã lặn trong biển cả, đã phiêu du lên thiên đường (tr. 76-77). Để chấm dứt sự cuồng điên này, cô gái quyết tâm sẽ trốn thoát.

Cuộc phiêu lưu tình dục của cô gái – khởi đầu từ lúc cô rơi vào tình trạng đàn bà 16 tuổi đến cái ngày trở thành bà Karl – cho thấy mỗi người đàn ông đi qua đời cô để lại một giai thoại, một hình ảnh, nói lên cá tính và nguồn gốc của họ. Người đầu tiên, người có mùi phù sa sông Hồng là một người tham lam, ăn cháo đá bát. Người thứ nhì, hậu duệ của nhà Hán, xuất hiện như một lãnh chúa. Người thứ ba là một Việt kiều ngây thơ có ảo tưởng sẽ sinh nhiều con, theo gương Âu Cơ, Lạc Long Quân. Người thứ tư, một thanh niên Mỹ da trắng đến từ một xứ có truyền thống dân chủ, bình đẳng… Và người thứ năm đã ra khỏi trí nhớ của cô gái, có chăng là những dấu vết còn lại.

Về phần cô gái, dâm tính của cô biểu hiện qua hơi thở khi cô ôn lại những kỷ niệm: Tôi thở mơn man, dịu dàng trên đồi cao cùng người tình xa xứ đáng thương. Tôi thở lười biếng, hão huyền bên người đàn ông dậy nực phù sa sông Hồng. Tôi thở không thành tiếng trên triền cát vàng tựa chiếu chỉ vua ban, nghẹn ngào nuốt sâm quý hắc mùi đền đài Trung Hoa. Tôi thở dập kích động, rên hú thanh quản từng hơi trong căn phòng Tim. Mỗi người tình ra đi, một phần cơ thể tôi đã lìa đứt. Tôi như một kẻ tàn phế.

II  Truyện Vu Quy qua lưới đọc của biểu tượng

Vu Quy không chỉ là một truyện về tình dục, truyện có thể được nâng lên mức độ biểu tượng. Nhưng trước hết biểu tượng là gì?

Một từ, một hình ảnh, một màu sắc, một đồ vật trở thành biểu tượng khi chúng gợi lên cho chúng ta, do hình thức, bản chất của chúng, một liên tưởng với cái gì khác, trừu tượng hay khiếm diện. Vì chúng kích thích trí tưởng tượng, chúng gợi lên hơn là nêu lên ý nghĩa. Chúng đưa đến cái điều không được biểu hiện rõ ràng.

Nhà lý luận văn học Tzvetan Todorov nhận xét: Một văn bản hay một diễn ngôn trở thành có tính biểu tượng kể từ lúc, do một công trình diễn giải, chúng ta phát hiện trong văn bản đó hay trong diễn ngôn đó một cái nghĩa gián tiếp.

[…] theo nguyên tắc, người ta đòi hỏi chính văn bản phải chỉ rõ cái bản chất biểu tượng của nó, nó phải có một loạt đặc tính có thể được xác định và rõ ràng do đó văn bản đưa chúng ta đến một cách đọc đặc biệt, đó là sự “diễn giải”[*].

Qua truyện Vu Quy, Đỗ Hoàng Diệu vẽ lên chân dung của sáu nhân vật nam mà nếu đặt kề nhau và nhìn qua lăng kính biểu tượng, chúng ta sẽ thấy thấp thoáng xã hội Việt Nam sau thời chiến.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, xã hội dần dần thay đổi với sự trà trộn của đủ hạng người; nước nhà lại mở cửa, những người Viêt Nam xa xứ trở về thăm quê hương, và sự gặp gỡ những người khác chủng tộc trở nên dễ dàng.

Sáu nhân vật là sáu biểu tượng của những hạng người trong xã hội Việt Nam thời hậu chiến. Khởi đầu là người tình có mùi phù sa sông Hồng, anh này biểu tượng cho hạng người không mấy lương thiện, sau chiến tranh tuy không cực nhọc gì nhưng vẫn được giàu có, hưởng những cái lợi vật chất của một xã hội tiêu thụ. Gặp lại cô gái sau mười năm, anh ta bị cô đánh giá ngay: Xã hội này chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chức cao quyền trọng vẫn là kẻ cướp, lười biếng vẫn nhiều tiền, có gì lạ.

Người kế tiếp là Việt, chàng trai từ hải ngoại trở về sau khi thành đạt nơi xứ người. Việt là nhân vật biểu tượng cho những người đã bất đắc dĩ rời xa quê hương sau ngày miền Nam sụp đổ. Họ trải qua một cuộc vượt biên thập tử nhất sinh để đi tìm tự do và chấp nhận một cuộc sống lưu đày. Những người trẻ đã ra đi như Việt luôn hướng về nguồn cội và mơ có ngày trở về, mơ thành hôn với một người con gái trong nước để nối lại với cội rễ. Việt nhắc đến huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân. Vậy Việt và cô gái có thể tiếp nối dòng dõi con Rồng cháu Tiên không? Một khi người ta cùng chung chủng tộc, cùng chung tiếng nói, cùng tha thiết với quê hương thì dễ bề thực hiện điều đó. Thế nhưng giữa hai người có một hố sâu văn hóa và tâm lý. Cuộc sống ở hải ngoại, giữa những người khác chủng tộc, khác văn hóa, khác tâm lý, khiến cho tâm hồn của Việt bị biến đổi ngoài ý muốn. Việt, cũng như trăm ngàn Việt kiều khác đã trở nên xa lạ với quê hương. Sự hiện diện của họ ở quê nhà chỉ làm nổi bật tính khác biệt, tính xa lạ của họ, và vị trí của họ là ở ngoài, ở ngoại biên của cái xã hội thời hậu chiến. Ngoài ra, sự căm hờn giữa Bắc Nam là một hàng rào chia cách, khó vượt qua. Việt và những người cùng chung số phận là biểu tượng của một phần dân tộc Việt Nam bị chia lìa, bị cắt đứt với quê mẹ.

Rồi đến Tim, người thanh niên Mỹ da trắng, biểu tượng cho dân tộc Mỹ có một nền văn minh dựa trên tinh thần dân chủ, bình đẳng, nhưng không được cái xã hội Việt Nam thời hậu chiến chấp nhận vì kỷ niệm chiến tranh vừa qua.

Còn người chồng “xác ướp” của cô gái biểu tượng cho hạng ngoại kiều nhiều tiền, có vai trò chủ động trong nền kinh tế hậu chiến, cho nên được xã hội trọng đãi.

Trong năm người tình, người thương gia Tàu là một bóng đen hung tợn chụp xuống tâm hồn cô gái. Nhiều từ ngữ, nhiều chi tiết ám chỉ ách đô hộ của Trung Hoa ngày xưa đối với dân tộc Việt Nam, làm liên tưởng đến bốn thời kỳ Bắc thuộc. Người đàn ông Tàu làm tình như một lãnh chúa: Tôi là Hoàng thượng của em. [...] Trong tâm tưởng, em luôn nghĩ em là nô lệ. Em nghĩ thế từ khi em chưa sinh ra, từ cả ngàn năm nay (tr. 52).

Nhưng cô gái cố chống lại: Tấm thân tôi cong lên hình chữ S, một hình chữ S cố phản kháng. Nhưng rồi cô đầu hàng, phục tùng, quỳ xuống: Không còn chữ S nữa mà là chữ I, hai đầu xẹp nhép (tr. 52).

Trong thâm tâm người dân Việt Nam luôn luôn có một ám ảnh lớn: mối đe dọa của cái nước láng giềng quá lớn, quá mạnh, đã từng là kẻ thù trong quá khứ. Ca từ của Trịnh Công Sơn không nhắc đến Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu đó sao? Cho nên nhân vật Tàu trong truyện Vu Quy là biểu tượng của một hiểm họa xâm lăng ngày nay còn cụ thể hơn với những tranh chấp, xung đột ở Biển Đông.

Nhân vật thứ sáu không phải là một người tình, mà là người cha của cô gái, một người cha độc đoán, chuyên quyền. Nhân vật này là biểu tượng của những người thắng cuộc trong chiến tranh vừa qua. Ông ta là ai? Trong đêm cuối cùng của cô gái trước ngày về nhà chồng có cái đồng hồ trong nhà điểm từng giờ, trong khi cô gái ôn lại những cuộc tình đã qua. Cái đồng hồ đó là do người cha mua từ bên Nga. Có thể tưởng tượng ông ta là một cán bộ phục vụ chế độ cộng sản, đã từng đi công tác bên Nga. Khi nghe nói đến Việt, ông bố tức giận sừng sộ, cô gái tưởng như thấy Mắt bố như mắt của một quân nhân trên vĩ tuyến 17 (tr. 69), tức ông đã từng cầm khí giới tham gia chiến tranh với lòng căm hờn. Và những lời tuyên bố quyết liệt của ông làm liên tưởng đến những khẩu hiệu được hô lên ở miền Bắc, thời chiến. Ông thù ghét người miền Nam, nên khi cô gái tỏ ý muốn lập gia đình với Việt, ông gầm lên: Quân bán nước. Tao còn sống thì mày đừng hòng (tr. 58); hoặc khi ông chống ý định của con gái muốn thành hôn với Tim, ông quả quyết: Không bao giờ được lấy một thằng Mỹ. Tôi không chấp nhận thứ văn hóa B-52 (tr. 69). Ông không muốn có những đứa cháu tóc vàng để gia đình ông trở thành một thứ lai căng hổ lốn. Nhưng khi gặp người ngoại kiều lớn tuổi nhiều tiền, ông không còn phân biệt màu da, chủng tộc nữa, ông khen người này cấp tiến, có vốn tư bản, và quyết tâm gả con gái cho người này.

Sáu biểu tượng của sáu hạng người vẽ lên một xã hội Việt Nam thời hậu chiến: hạng người giàu có vô liêm sỉ, hạng người bị loại khỏi xã hội vì đã một thời rời xa quê hương đi tìm tự do, hạng người Mỹ bị gạt ra ngoài vì nước của họ đã từng tham chiến, hạng người Hoa nhắc nhở một đe dọa đất nước có từ thời xưa và vẫn tồn tại đến thời nay, hạng ngoại kiều nhiều tiền được trọng đãi, và hạng người chiến thắng vẻ vang có tiếng nói uy quyền để định đoạt tất cả.

Cái xã hội thời hậu chiến trong truyện có ba đặc điểm nổi bật: sự hận thù Bắc Nam, sự thống trị của đồng tiền và hiểm họa xâm lăng.

Chiến tranh đã chấm dứt, một bên thắng cuộc và một bên thua cuộc. Đất nước được thống nhất, nhưng sự hận thù giữa Bắc Nam vẫn còn đấy. Cô gái trong truyện ý thức điều đó khi nghĩ mình không thể xây dựng cuộc đời với Việt: Bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu chông mìn, bao nhiêu kẽm gai dựng nên những thù hằn ngăn cách còn nằm sâu, nắm giữ mảnh đất mẹ của chàng. Có cực nhọc làm ra bao nhiêu để mang về, bức tường đó vẫn không phá bỏ được… (tr. 58)

Đặc điểm thứ hai là sức mạnh của đồng tiền. Trong một nước bị chiến tranh tàn phá, người dân nghèo đói, đương nhiên đồng tiền trở nên cần thiết cho việc chấn hưng đất nước. Tuy nhiên, khi sự khao khát đồng tiền đi quá xa, nó đưa đến những hậu quả khó đo lường cho xã hội.  Người phụ nữ bỗng nhiên phá rào, vượt qua ranh giới của truyền thống: Cái xứ con gái nhà quê thì thi đua lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, con gái thị thành xênh xang sánh đôi với Việt kiều, ngoại kiều. Còn cô gái thì chua chát nhận xét: Chồng tôi là người nước ngoài cấp tiến và nhiều thế lực. [...] Xứ này nhiều tiền và thế lực, muốn thứ gì chẳng được. Tình cảm ư? Cũng như nén nhang đang ngút khói trên bàn thờ kia, sẽ tàn trong canh giờ và thổi bụi vào không gian (tr. 65). Trong khi người phụ nữ đi tìm chồng ngoại kiều thì Việt kiều ở xa về khó lòng xây dựng gia đình với những người con gái trong nước. Rồi đây giấc mơ nối dõi con Rồng cháu Tiên của Việt sẽ ra sao? Cũng vì giá trị đồng tiền quá to lớn, lý tưởng của kẻ thắng cuộc cũng dễ bị lung lay, chẳng hạn lập trường hai mặt của họ đối với người Tây phương.

Đặc điểm thứ ba là mối hiểm họa xâm lăng của một nước láng giềng quá giàu mạnh, muốn làm bá chủ cả Biển Đông; trong tương lai, nước Việt Nam nghèo yếu của chúng ta có may mắn thoát khỏi, xóa bỏ được cái huyền thoại nô lệ khi xưa không?

Vào đầu thế kỷ 21, giữa lúc văn học trong nước đã được cởi trói, đã trải qua thời kỳ đổi mới, tác giả Đỗ Hoàng Diệu, cũng như một số nhà văn nữ khác, khai thác chủ đề tình dục không chút e dè. Khi khai thác chủ đề này trong truyện Vu Quy cũng như trong truyện Bóng Đè trước đó, phải chăng Đỗ Hoàng Diệu muốn tạo nên một lối viết mới, một tiếng nói tự do, phóng khoáng của người nữ? Nhưng qua lưới đọc của biểu tượng, truyện Vu Quy lại có một chiều kích khác, một chiều kích đi từ cá nhân đến xã hội, từ chuyện tình dục của một cô gái đến tình trạng của một xã hội thời hậu chiến.


[*] Un texte ou un discours devient symbolique à partir du moment où, par un travail d’interprétation, nous lui découvrons un sens indirect.

[…] on exige, en principe, que le texte lui-même nous indique sa nature symbolique, qu’il possède une série de propriétés repérables et incontestables, par lesquelles il nous induit à cette lecture particulière qu’est l’ “interprétation”.

Tzvetan Todorov, Symbolisme et Interprétation, Seuil, 1978, tr. 18.