Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Miếng ăn là miếng tồi tàn…

Hà Nhật

Miếng ăn là miếng tồi tàn…

Có thật thế không?

Nếu là thứ tồi tàn, tại sao người ta lại lấy miếng ăn ra làm một thứ thước đo giá trị?

Chắc mọi người thế hệ tôi và sau tôi từng biết giá trị của cái thứ ấy như thế nào.

Còn nhớ, trong Kháng chiến chống Pháp (1946-1954), trong quân đội ta, chỉ có cấp bậc mà không có quân hàm, nghĩa là không có ai “đeo lon”. Hoà bình rồi, phải có “lon”.

Rồi từ “lon” mà sinh ra các cấp bậc quần áo và ăn uống khác nhau.

Lính trơn thì áo hai túi, trên vai được chần thêm “ba mươi sáu đường gian khổ” (để gánh vác).

Cao hơn thì áo bốn túi, rồi chân chì (giày da đen, không phải giày vải hôi chân). Áo bốn túi còn phân ra kaki Nam Định, kaki Trung Quốc, dạ, len… hi hi!

Ăn thì theo cấp bậc mà chia ra:

- Đại táo (bếp to) cho lính trơn

- Trung táo (bếp vừa) cho cán bộ chỉ huy

- Tiểu táo (bếp nhỏ) cho chỉ huy bậc trên

- Đặc táo (bếp riêng) cho bậc cao cao…

Như thế, chẳng phải lấy miếng ăn làm thước đo giá trị là gì?!

Rồi trong những năm bao cấp, thức ăn được ghi thành “bìa” A, B, C, D…

Tôi nhớ lúc được lên lương chuyên viên, sổ của tôi cũng được chuyển từ D sang C, mỗi tháng từ 250g chuyển thành 500g thịt. Mừng thật.

Rồi chỗ bán cho các loại bìa cũng khác nhau. Ở Hà Nội:

Tôn Đản là chợ vua quan 

Nhà Thờ [tức là ở phố Nhà Thờ] là chợ trung gian nịnh thần 

Bắc Qua [nằm phía sau chợ Đồng Xuân] là chợ thương nhân

Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng!

Cứ nhớ cảnh chen xếp hàng mua thực phẩm ngày ấy mà kinh.

Hình như ngày đó nhiều người vẫn coi việc có người nhà là người bán hàng trong các cửa hàng thực phẩm là phúc lớn: khỏi chen chúc, mua nhanh, món ngon, món tươi…

Nhớ có một lần ở Hà Nội:

Dạo ấy, có một số cửa hàng ăn “mậu dịch”, có bán phở nhưng chỉ có bánh phở, nước chan, mà không có thịt. Lúc ấy người ta cũng biết trên đời có một thứ máy bay gọi là “máy bay không người lái”.

Vậy là hôm ấy, có một chàng trai, chắc thuộc loại người thích đùa, vào mua phiếu ăn, ra bàn chờ, rồi dõng dạc hô:

- Cho một bát phở không người lái đây.

Gần như tức khắc, một anh mặc sắc phục bước tới, túm lấy cổ áo, còn dõng dạc hơn:

- Nói lại: Phở không thịt! Không phải phở không người lái!

Chuyện thật mà như bịa, còn hơn cả bịa! Có tin không?

Chàng trai Hà Nội chắc đến nay đã ăn cả trăm bát phở “có người lái” rồi. Nhưng chắc chắn anh không thể quên cái bát phở năm xưa.

Miếng ăn là miếng tồi tàn! Nhưng người ta chỉ được phép nói thế khi đã có mà ăn.