Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

Roulette Đỏ: Một Câu chuyện của Người Trong cuộc về Của cải, Quyền lực, Tham nhũng, và sự Trả thù ở Trung Quốc Ngày nay (kỳ 17)

Thẩm Đống (Desmond Shum)

Bản tiếng Việt do Nguyễn Quang A dịch

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

VÀO NGÀY 31 THÁNG BẢY 2013, vài tháng trước khi Vĩ Hồng và tôi ly thân, tôi diễn thuyết cho Aspen Institute tại một chương trình Lãnh đạo trong Hành động ở Aspen, Colorado. Tôi lưu ý rằng ở Trung Quốc đã có “một triều dâng” của những người quan tâm đến các quyền của họ, nhưng tôi cũng quan sát rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang mở cửa và thử thích nghi. Mỗi nhà cai trị Cộng sản, tôi nói, đã chia sẻ nhiều quyền lực với các đồng chí của ông hơn người trước.

Tôi cho rằng mặc dù Trung Quốc là một nhà nước Cộng sản về danh nghĩa, “nó được vận hành ra sao là chuyện hoàn toàn khác.” Mỗi chính quyền kế tiếp nhau, tôi quan sát, đã trở nên đáp lại nhanh nhạy hơn với công luận. “Mao đã là một người. Khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, ông đã phải tham vấn với hai hay ba vị lão thành. Giang Trạch Dân đã phải lắng nghe còn nhiều hơn. Quyền lực được phân tán – hệt như nhìn vào Trung Quốc như một nhà nước duy nhất chẳng bao giờ thay đổi là không đúng.” Mặc theo phong cách hợp thời trang thoải mái của tôi – một áo T-shirt màu hoàng hôn, áo jacket sẫm, và giày sneaker sang với tất ẩn – tôi thể hiện ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ ăn khớp chặt chẽ với phương Tây. Nhưng về riêng tư, những mối lo tôi che giấu về hệ thống của Trung Quốc đang tăng lên với sự thăng tiến của lãnh tụ mới của Đảng, Tập Cận Bình.

Ban đầu tôi đã lạc quan về sự cai trị của Tập, một phần bởi vì tôi biết ông thân với Trần Hy, người là bí thư Đảng của Đại học Thanh Hoa khi chúng tôi cung tiến ở đó. Không lâu sau Tập trở thành phó-chủ tịch, ông đã yêu cầu Trần, bạn cùng phòng thời đại học của ông, để phục vụ trong nhóm cố vấn phi chính thức của ông. Trần đã từ chối Tập Cận Bình trước đây. Trong năm 1999, Tập đề nghị cho ông một chức trong Tỉnh Phúc Kiến khi Tập là tỉnh trưởng ở đó. Nhưng lần này triển vọng làm việc cho lãnh tụ tối cao của Trung Quốc ở trung tâm quyền lực đã là đủ để thuyết phục Trần Hy bỏ Thanh Hoa lại đằng sau.

Tập đã bổ nhiệm Trần làm thứ trưởng giáo dục và rồi bố trí một sự thăng tiến nhanh lên phó bí thư Đảng của Tỉnh Liêu Ninh trong chỉ bảy tháng để lót tiểu sử lý lịch của ông bằng một tua bắt buộc ở địa phương. Trong tháng Tư 2011, Trần được đưa lại về Bắc Kinh. Hai năm sau, Tập đặt ông vào Ban Tổ chức của Đảng, một vị trí then chốt để quản lý sự thăng cấp của tất cả các cán bộ Đảng cấp cao. Trong năm 2017, Trần trở thành trưởng Ban Tổ chức. Với một đồng minh ở vị trí đó, Tập đã có khả năng đưa những người theo ông vào các vị trí Đảng khắp Trung Quốc.

Một lý do khác vì sao ban đầu tôi thoải mái với Tập đã là đối tác uống trà của Vĩ Hồng, Vương Kỳ Sơn, cũng có vẻ thân với Đảng trưởng mới và đã khen ông trong những cuộc trao đổi với Vĩ Hồng. Chúng tôi nghỉ rằng nếu cả Trần và Vương thích Tập, nhiệm kỳ của ông có thể thậm chí là một sự cải thiện đối với sự cai trị thận trọng của Hồ Cẩm Đào.

Không lâu sau khi Tập trở thành Đảng trưởng trong tháng Mười Một 2012, tuy nhiên, ông đã khởi động một chiến dịch chống tham nhũng ồ ạt. Chúng tôi cảm thấy rằng ông quá hung hăng. Ông chưa được bổ nhiệm vào chức chính quyền như chủ tich nước cho đến tháng Ba 2013, nhưng ông đã xúi giục các cuộc điều tra hình sự hàng ngàn quan chức. Kiểu hành vi cốt để giành quyền lực này đã không thông thường ở Trung Quốc và nó đánh dấu một sự từ bỏ truyền thống Đảng. Chúng tôi ủng hộ chống tham nhũng. Trung Quốc có thể cần một sự quét dọn nhà cửa lỹ lưỡng. Nhưng sau khi chiến dịch của Tập kéo dài một năm, chúng tôi đề cập chủ đề với Trần và những người khác. Kết luận của họ là Tập Cận Bình sẽ mở rộng cuộc đấu tranh đến nửa nhiệm kỳ đầu tiên của ông và sau đó nới lỏng từ từ. Ông phải làm thế, họ nói, bởi vì chiến dịch hiện tại tác động đến nền kinh tế và gây tổn hại tinh thần bên trong bộ máy quan liêu. Mọi người kinh sợ bị điều tra đến mức họ không muốn ra các quyết định. Nó không thể kéo dài mãi. Ngoài ra, việc Tập bắt vài trăm quan chức là một chuyện. Nhưng một khi ông tống giam hàng chục ngàn, mọi người sẽ kết luận rằng không chỉ là vài quả táo thối; toàn bộ hệ thống đã thối nát từ trong lõi. Vào năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã điều tra hơn 2,7 triệu quan chức vì tham nhũng và đã trừng phạt hơn 1,5 triệu, kể cả bảy lãnh đạo mức quốc gia và hơn hai chục tướng.

Những diễn tiến khác bắt đầu làm chúng tôi lo. Trong tháng Bảy 2012, khi Tập chuẩn bị lên nắm quyền, một văn kiện được lưu hành từ Văn phòng trung ương Đảng có tiêu đề “Báo cáo về Tình hình Hiện thời trong Lĩnh vực Ý thức hệ.” Báo cáo, được biết đến như Văn kiện Số 9, đã cảnh báo rằng các giá trị Tây phương nguy hiểm, như tự do ngôn luận và tư pháp độc lập, đang lây nhiễm Trung Quốc và cần được nhổ tận rễ. Các ý tưởng này, văn kiện nói, là “cực kỳ hiểm độc” và vì thế, phải bị cấm dạy tại các trường học và các đại học Trung Quốc. Văn kiện cũng nguyền rủa nước đi tới một nền báo chí độc lập hơn, ra lệnh cho các tổ chức Đảng tăng gấp đôi các nỗ lực của chúng để gò cương các tạp chí điều tra bới móc các vụ bê bối.

Các lực lượng an ninh làm theo điều này với một sự đàn áp thẳng tay tàn tạ chống lại các luật sư và những người đề xướng khác về xã hội dân sự. Những tàn dư cuối cùng của một nền báo chí độc lập một chút đã hoặc bị đóng cửa hay chuyển giao cho sự làm thuê cho Đảng. Và tại Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), tôi cũng đã chứng kiến những sự thay đổi đáng lo ngại khác.

Trong đầu năm 2013, các đại biểu của CPPCC thành phố Bắc Kinh được tiệu tập đến một cuộc họp. Trước nhất, chủ tịch của Chính Hiệp Bắc Kinh đã dự. Chúng tôi đã nghe một bài phát biểu của một quan chức Đảng cấp cao người đã tận dụng cơ hội để xua tan bất kể ảo tưởng nào về sự nới lỏng chính trị ở Trung Quốc. Ông đã chỉ trích trực tiếp Du Khả Bình (Yu Keping) – mà chúng tôi đã thuê để vận hành think tank của chúng tôi, Quỹ Khải Phong – vì gợi ý rằng những cải cách dân chủ sẽ làm cho Trung Quốc mạnh hơn. Ông đã nguyền rủa ý tưởng rằng CPPCC sẽ có bao giờ hoạt động như một viện thứ hai của quốc hội. Bài phát biểu đã đánh bật mọi người trở lại. Nó là một thí dụ nữa về sự quay lại đường lối cứng rắn kinh tởm mà chúng tôi đã thấy nhiều hơn dưới Tập Cận Bình.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn rất nhiều. Tôi đích thân thấy những sự thay đổi này trong những chuyến quay lại Hồng Kông. Dưới các điều kiện của sự dàn xếp “một nước, hai chế độ” mà Trung Quốc đã đồng ý với nước Anh để tôn trọng như một phần của thỏa thuận đưa Hồng Kông quay lại sự cai trị Trung Quốc trong năm 1997, chính phủ Trung Quốc đã hứa để Hồng Kông quản lý công việc riêng của nó trong năm mươi năm. Trung Quốc cũng đã đồng ý rằng nó sẽ cho Hồng Kông một mức độ dân chủ đáng kể và các quyền tự do tín ngưỡng, ngôn luận, và hội họp tiếp tục – những quyền bị từ chối bên trong Trung Quốc. Nhưng dưới Tập Cận Bình, Trung Quốc bắt đầu vi phạm các lời hứa này.

Chính phủ của Tập đã cướp đi sự dân chủ hóa của Hồng Kông. Nó phái các sĩ quan an ninh đến Hồng Kông để bắt cóc những người xuất bản và những người bán sách, những người in và bán tài liệu về các nhà cai trị của Trung Quốc mà Đảng không thích. Và nó bắt đầu làm xói mòn hệ thống chính trị của Hồng Kông. Đảng đã chiêu mộ tôi và các thành viên Hồng Kông khác của CPPCC để phục vụ như các lính bộ trong chiến dịch đó.

Trong những cuộc họp của Chính Hiệp, các quan chức đã lệnh cho chúng tôi tham gia trực tiếp vào đời sống chính trị của Hồng Kông. Những đòi hỏi này đã tăng cường trong năm 2014 khi Phong trào Dù vàng nổ ra ở Hồng Kông. Các cuộc biểu tình phản kháng này đã được châm ngòi bởi một quy định của Đảng Cộng sản yêu cầu rằng bất cứ ứng viên nào cho chức trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, chức vụ chóp bu của vùng lãnh thổ, đầu tiên phải được sàng lọc bởi một ủy ban gồm những người trung thành với Bắc Kinh. Sự mỉa mai là rõ ràng: Quy định một người, một phiếu phỏng có ý nghĩa gì khi bạn chỉ có thể bỏ phiếu cho các ứng viên đã được Bắc Kinh chọn sẵn rồi?

Không lâu sau khi Phong trào Dù vàng bắt đầu với những cuộc biểu tình trong tháng Chín chúng tôi được các quan chức CPPCC chỉ đạo để đi đến Hồng Kông và tổ chức và cấp kinh phí cho các cuộc phản biểu tình. Những người có doanh nghiệp ở Hồng Kông được bảo hãy trả tiền cho các nhân viên để diễu hành ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Vào một ngày nóng bỏng trong tháng Mười 2014, tôi đã tham gia vào một trong những cuộc phản biểu tình này.

Chúng tôi tụ tập ở Công viên Victoria ở quận Vịnh Causeway (Đồng La Loan), mà, thật mỉa mai, là điểm bắt đầu cho mọi cuộc tập hợp vì dân chủ trước đó hay kể từ đó. Các đại diện từ nhiều tổ chức mặt trận-Cộng sản, các hội làng xóm, các CPPCC từ những phần khác của Trung Quốc, và các nhóm thân-PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung hoa) khác đã tuần tra đám đông.

Tôi đảm bảo chắc chắn rằng các đại diện từ Văn phòng Liên lạc Hồng Kông, cơ quan chính phủ chính của PRC ở thành phố, nhìn thấy tôi. Tôi đã không muốn các nỗ lực của tôi không được công nhận. Các quan chức đó đã tập trung chúng tôi cho một bức ảnh nhóm. Họ cũng muốn Bắc Kinh công nhận các nỗ lực của họ. Các cán bộ Văn phòng Liên lạc dơ cao những lá cờ Trung Quốc và cuộc tuần hành bắt đầu.

Chúng tôi đi dọc theo Đường Hennessy, một đường lớn chính trên Đảo Hồng Kông. Chúng tôi gặp cuộc tuần hành vì dân chủ và đã trao đổi những lời châm biếm tế nhị hiền hậu. Những quan hệ giữa các nhóm thân-Bắc Kinh và ủng hộ-dân chủ ở Hồng Kông đã chưa trở nên đối kháng. Vào lúc chúng tôi đến Quận Wan Chai bên cạnh, vài người trong nhóm chúng tôi đã bắt đầu lẻn đi.

Trong khi hầu hết thành viên của chi nhánh CPPCC Bắc Kinh sống ở Hồng Kông, tôi đã bay từ Bắc Kinh để gia nhập nhóm. Tôi đã bỏ qua nhiều hoạt động có tổ chức đến mức tôi nghĩ tốt hơn tôi xuất hiện ở cuộc này và kiên trì cho đến cuối. Tôi đã đi hơn một dặm một chút từ Công viên Victoria đến Admiralty, được đặt tên cho một bến tàu hải quân Anh cũ. Tôi đảm bảo chắc chắn rằng các quan chức từ Văn phòng Liên lạc biết tôi hoàn tất cuộc diễu hành.

Tôi thấy toàn bộ việc làm thật buồn cười. Tất cả mọi người, từ các quan chức Văn phòng Liên lạc đến tất cả những người diễu hành chúng tôi, đã hành động. Ít người, nếu có ai, tin vào ý tưởng chính làm cơ sở cho hành động – rằng Hồng Kông cần ít dân chủ hơn hay ít tự do hơn. Tất cả mọi người đã ở đó bởi vì tư lợi và để có được các điểm tốt ở Bắc Kinh. Trong thâm tâm tôi, tôi chẳng bao giờ tin rằng Trung Quốc phải can thiệp vào công việc của Hồng Kông. Tôi chẳng bao giờ nghĩ Hồng Kông cần sự hướng dẫn của Trung Quốc. Chúng tôi đã làm tốt mà không có sự can thiệp của Trung Quốc.

Cho các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông trong tháng Mười Một 2013 và 2015, Các quan chức Đảng đã cho chúng tôi các danh sách của các ứng viên được ưa thích và đã chỉ thị cho chúng tôi quay về Hồng Kông để tổ chức mọi người bỏ phiếu cho họ. Tại một điểm, một bản sao của các chỉ thị của Đảng đã xuất hiện trên tài khoản truyền thông xã hội WeChat của ai đó. Điều đó gây bối rối, cho nên Đảng ngừng phát các chỉ thị đó. Thay vào đó, để cho bản thân họ khả năng từ chối có vẻ hợp lý, các quan chức Đảng đã trao cho chúng tôi các danh sách ứng viên từ một tờ báo với các lựa chọn của Đảng được gạch dưới bằng màu đỏ. Họ đã yêu cầu chúng tôi báo cáo lại về công việc của chúng tôi. “Bạn đã tổ chức được bao nhiêu người bỏ phiếu cho các ứng viên của chúng ta?” chúng tôi được hỏi.

Một trong những điểm kỳ quặc của hệ thống Hồng Kông là, các nghề nào đó có đại diện lập pháp của riêng chúng những người có thể được bầu chỉ bởi các thành viên của lĩnh vực đó. Các bác sĩ tạo thành một trong những cái gọi là “các khối cử tri chức năng” này. Bởi vì nhiều người tốt nghiệp Queen’s College đã trở thành bác sĩ, tôi được chỉ thị để sử dụng mạng lưới cựu sinh viên của tôi để thuyết phục các bạn cùng lớp của tôi trước kia bỏ phiếu cho các ứng viên trong nghề y mà đã được Bắc Kinh chuẩn y.

Mặc dù tôi có những nghi ngờ của mình về Tập Cận Bình và hướng ông đưa Trung Quốc đi, lúc đó tôi đã không rất cảm tình với các phong trào Dù vàng và Chiếm Trung tâm. Chúng có vẻ quá cấp tiến và xa rời thực tế, một phiên bản bắt chước của phong trào Chiếm Wall Street mang tính Đông ki sốt (quixotic) ở Hoa Kỳ. Tôi đã không cảm thấy rằng phần lớn dân cư ở Hồng Kông cũng ủng hộ họ.

Tôi cũng tin rằng chính phủ trung ương của Trung Quốc đã bị thao túng về đối xử với Hồng Kông. Tôi quyết định làm cái tôi có thể để giúp Đảng cai trị Hồng Kông tốt hơn. Tiếp sau sự tham gia của tôi vào các cuộc phản biểu tình, tôi quay lại Bắc Kinh và viết một báo cáo, mà một người bạn đã chuyển cho văn phòng của Tập Cận Bình. Trong văn bản, tôi đã nhắm vào cái tôi gọi là “các nhà tài phiệt” của Hồng Kông, các gia đình giàu có sử dụng các mối quan hệ của họ với các quan chức Cộng sản lãnh đạo để biến Hồng Kông thành các con heo đất cá nhân của họ gây hại cho nhân dân vùng lãnh thổ. Tôi viết, Hồng Kông được kiểm soát bởi “các nhà tư bản cánh hẩu.” Những người giàu trở nên giàu hơn trong khi tiền lương của những người tốt nghiệp đại học bình thường đã không tăng lên trong một thế hệ. Cái cần xảy ra, tôi gợi ý, là sự nới lỏng dân chủ nào đó, đặc biệt trong tổ chức mà chỉ định đặc khu trưởng của Hồng Kông. Hãy cho các đại diện của các nhóm dân chủ và thanh niên ngồi vào ủy ban, tôi biện hộ, không chỉ đơn giản các thành viên của giới elite kinh doanh thân-Bắc Kinh. Tôi cũng tấn công quan niệm, phổ biến ở đại lục, rằng cuộc náo động ở Hồng Kông bị ảnh hưởng bởi những cuộc Cách mạng Màu quét qua Trung Đông và đã bị xúi giục bởi “các lực lượng thù địch Tây phương.” Sự diễn giải nhầm đó về bản chất của vấn đề, tôi tiên đoán, sẽ dẫn đến những giải pháp không khả thi. Chính phủ Trung Quốc cần tiếp cận với tất cả các phần của xã hội Hồng Kông và không đơn giản cho phép giai cấp có tiền của Hồng Kông để độc quyền quyền lực chính trị. Thật mỉa mai, để nói ít nhất, rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà đã lên nắm quyền trên lưng của quần chúng ở Trung Quốc, lại đã bỏ qua quần chúng ở Hồng Kông đến vậy.

Bạn tôi bảo tôi rằng báo cáo của tôi đã được đọc ở mức cao nhất của chính phủ Trung Quốc. Rốt cục, Đảng đã bỏ qua lời khuyên của tôi. Thay vào đó, nó đã siết chặt kiểm soát, châm ngòi các cuộc phản kháng ồ ạt bắt đầu trong năm 2019 và kéo dài vào 2020. Cuối cùng, Đảng đã áp đặt một luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông mà về cơ bản đã hủy bỏ quyền tự do ngôn luận. Giống tất cả các luật sinh ra ở Trung Hoa đại lục, nó mơ hồ một cách cố ý, đầy các vùng xám, mà cho Đảng quyền rộng rãi để truy tố bất kể ai nó không thích.

Hàng ngàn người từ Hồng Kông là các thành viên của các CPPCC ở các mức quốc gia, tỉnh, thành phố, và huyện. Và tất cả chúng tôi được chỉ thị để tạo điều kiện cho sự can thiệp trực tiếp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử của Hồng Kông. Cái làm tôi kinh ngạc là không ai trong chúng tôi có bao giờ ra công khai và nói, “Đấy là cái tôi đã làm và nó là sai.” Nếu bạn nghĩ về nó, điều đó gây lo lắng sâu sắc – rằng nhiều người Hồng Kông đến vậy đang bán tương lai của vùng lãnh thổ và không ai cảm thấy đủ ăn năn để nói, “Đã đến lúc ngừng lại.” Chúng tôi làm theo mệnh lệnh của Trung Quốc thuần túy vì tư lợi. Nhưng nó cũng nói cho bạn, chúng tôi sợ Đảng Cộng sản Trung Quốc và những hậu quả có thể của việc nói không và nói thẳng nhiều đến thế nào. Có lẽ đã là cùng câu đố hắc búa đối mặt với các quan chức như Trần Hy, bạn cùng phòng trước kia của Tập Cận Bình tại Đại học Thanh Hoa. Tất cả chúng tôi đều đi cùng với một hệ thống mà chúng tôi biết là sai bởi vì làm khác đi chúng tôi sẽ phải trả giá – và tất cả những người quanh chúng tôi, kể cả những người thân yêu – phải trả giá bằng sinh kế, quyền tự do và, ai biết được, thậm chí mạng sống của họ. Cái giá đúng là có vẻ quá cao.

Khi chiến dịch chống tham nhũng của Tập diễn ra, cuối cùng tôi kết luận rằng nó nhiều hơn là về việc chôn cất các đối thủ tiềm tàng hơn là về dập tắt hành động phi pháp. Tập đã đóng một vai trò rồi trong việc khóa bạn thái tử của ông, Bạc Hy Lai. Tiếp theo đó ông đã bỏ tù đồng minh của Bạc trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Chu Vĩnh Khang. Rồi ông chuyển sự chú ý của ông vào việc tiêu diệt một phái khác bên trong hệ thống Cộng sản, cái gì đó gọi là (Đoàn phái) Liên đoàn Thanh niên.

(Phái) Liên đoàn Thanh niên đã được lãnh đạo bởi người tiền nhiệm của Tập như Đảng trưởng, Hồ Cẩm Đào. Cánh tay phải của Hồ, Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), cha của Lệnh Cốc, người trẻ mà một lần đã mượn các xe đua của tôi, đã được chọn để thay Hồ như khuôn mặt công cộng của (phái) Liên đoàn Thanh niên khi Hồ nghỉ hưu vào cuối năm 2012.

Lệnh Kế Hoạch đã phục vụ Hồ Cẩm Đào như giám đốc của Văn phòng Tổng hợp của Ban chấp hành Trung ương Đảng, cùng vị trí “hoạn quan trưởng” mà Ôn Gia Bảo đã nắm giữ trong đầu những năm 1990. Ông được kỳ vọng leo lên Bộ Chính trị, và có lẽ thậm chí Ban Thường vụ của nó, trong tháng Mười Một 2012 khi Hồ từ chức.

Luôn luôn lên kế hoạch cho ngày khi Ôn Gia Bảo về hưu, Vĩ Hồng đã rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng Lệnh Kế Hoạch, cho nên cô đã làm quen với gia đình. Cô đã bảo tôi làm cố vấn (mentor) cho Lệnh Cốc. Và Vĩ Hồng kết bạn với vợ của Lệnh Kế Hoạch, Cốc Lệ Bình (Gu Liping), người lúc đó là nhà sáng lập và tổng thư ký của Sáng Nghiệp Thanh Niên Trung Quốc, một hội từ thiện Liên đoàn Thanh niên hỗ trợ tài chính cho các nhà kinh doanh chớm nở. Vĩ Hồng đã biếu nhiều triệu dollar cho hội từ thiện với ý tưởng rằng Cốc Lệ Bình và ông chồng Lệnh Kế Hoạch một ngày nào đó có thể được dùng như những quân cờ trên bàn cờ của cô.

Rồi tai họa giáng xuống. Trước rạng đông ngày 18 tháng Ba 2012, con trai của Cốc Lệ Bình và Lệnh Kế Hoạch, Lệnh Cốc (Ling Gu), cầm vô lăng của một chiếc Ferrari 458 Spider (không phải của tôi) cách căn hộ của anh khoảng một dặm khi xe mất kiểm soát và đâm sầm, giết Lệnh và hai nữ hành khách những người được thấy trong những giai đoạn cởi quần áo khác nhau. Tai họa xe trở thành thức ăn ngon cho các tờ báo lá cải tiếng Hoa ở Hồng Kông, la lối về sự trác táng của các con trai và con gái quý tộc đỏ. Nhưng tôi biết Lệnh Cốc và cảm thấy có cái gì đó không ổn. Mặc dù Lệnh Cốc dứt khoát thích các xe tốc độ, anh cũng đã quan tâm đến các ý tưởng và anh đã không có tính nết hoang dã hư vô mà tôi đã thấy ở những quý tộc đỏ Trung Quốc khác.

Sự cố đã diễn ra mấy ngày trước khi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị họp để quyết định liệu có cất nhắc Lệnh Kế Hoạch vào một trong những ghế của nó muộn hơn trong năm đó. Như thế, Lệnh Kế Hoạch đã luôn luôn tin rằng con trai ông thực sự chết trong một tai nạn và rằng toàn bộ sự va chạm đã được phối hợp để tiêu diệt ông và phần còn lại của phái Liên đoàn Thanh niên. Khi tôi nêu lý thuyết này với các bạn Tây phương, họ đã trừ hao khả năng rằng Đảng tiến hành mánh khóe như vậy. Nhưng nhiều người gặp rắc rối tìm hiểu kỹ lưỡng để hiểu rằng Đảng dò xét khi quyền lực bị rủi ro nguy hiểm.

Tiếp sau tai nạn, Lệnh Kế Hoạch đã phạm một sai lầm định mệnh. Theo Cô Trương, ông đã thuyết phục Chu Vĩnh Khang, quan chức an ninh chóp bu của Đảng, để cản thông tin về vụ va chạm. Bằng cách nào đó, Đảng trưởng Hồ Cẩm Đào đã nghe nói về tai nạn. Khi ông hỏi Lệnh Kế Hoạch cái gì đã diễn ra, Lệnh đã phủ nhận rằng con trai ông đã liên quan.

Hồ Cẩm Đào cuối cùng đã biết được sự thật khi người tiền nhiệm của ông Giang Trạch Dân đối chất ông với các sự thực. Với lời nói dối của Lệnh bị phơi bày, Hồ Cẩm Đào đã không còn có thể bảo vệ ông. Với việc đó, Hồ đã mất cơ hội để lại một đồng minh ở đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc.

Việc phá hủy xương bánh chè của Lệnh Kế Hoạch đã bắt đầu sốt sắng sáu tháng sau trong tháng Chín 2012 khi ông bị cách chức của ông như “hoạn quan trưởng.” Rồi vào ngày 15 tháng Mười Một 15 năm 2012, tại hội nghị Ban chấp hành Trung ương thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lệnh Kế Hoạch đã cũng không nhận được một ghế Bộ Chính trị.

Sau khi giữ Lệnh trong sự lấp lửng chính trị trong hai năm, Đảng công bố trong tháng Mười Hai 2014 rằng ông bị điều tra bởi Ủy Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương của Đảng. Ông bị đuổi ra khỏi Đảng và bị cáo buộc tham nhũng. Trong tháng Bảy 2016, ông bị kết án tù chung thân.

Những lời buộc tội đã gồm những sự cáo buộc chống lại vợ Lệnh, Cốc Lệ Bình. Các công tố viên cho rằng Cốc đã nhận các khoản hối lộ từ một công ty tìm sự ưu ái chính trị từ chồng bà. Nhưng Vĩ Hồng và tôi đã biết Cốc Lệ Bình trong nhiều năm và thấy những lời buộc tội đó là gượng gạo. Thứ nhất, bà đã hầu như chẳng bao giờ thấy chồng bà. Với tư cách “quan hoạn trưởng,” ông ngủ hầu hết các đêm bên trong trụ sở Đảng tại Trung Nam Hải. Ông đã không có thời gian nào để tạo ra một đế chế kinh doanh thối nát với vợ ông.

Thứ hai, ngoài việc gặp Cốc thường xuyên ở Bắc Kinh, Vĩ Hồng đã đi cùng bà trong các chuyến đi mua hàng đến Hồng Kông và nhận thấy bà không thoải mái thế nào để bỏ số tiền lớn cho đồng hồ và quần áo. Điều đó ủng hộ niềm tin của Vĩ Hồng rằng cả Cốc lẫn chồng bà đã không đặc biệt giàu hay đặc biệt tham nhũng. Một hôm, Vĩ Hồng đưa Cốc đến Hiệu Đồng hồ Carlson ở khu mua bán trung tâm của Hồng Kông. Carlson bán các đồng hồ có thể có giá nửa triệu dollar. Nhưng Cốc đã tái nhợt mặt thấy một chiếc có thẻ giá 20.000 $. Vĩ Hồng đã đưa Cốc đến cửa hiệu Chanel gần đó và họ xem một bộ quần áo. Cốc liếc trộm thẻ giá và tuyên bố rằng nó cũng quá đắt. Sau đó, Vĩ Hồng bảo tôi rằng có vẻ như Cốc đã chẳng bao giờ đến một cửa hiệu Chanel. Quay lại Bắc Kinh, Vĩ Hồng và Cốc gặp nhau uống trà tại Grand Hyatt. Vĩ Hồng đôi khi đưa những người với các đề xuất kinh doanh đi cùng. Cốc Lệ Bình là một người nghe háo hức nhưng đã chẳng bao giờ cam kết. Vĩ Hồng thực sự đã dừng hẹn hò với bà bởi vì cô nghĩ Cốc thiếu sự hậu thuẫn chính trị, thiếu tầm nhìn, và ý chí để khiến bất cứ thứ gì được làm. “Bà chỉ nói và không có hành động nào,” Vĩ Hồng than phiền.

Những cáo buộc khác chống lại con trai đã quá cố của họ, Lệnh Cốc, cũng có vẻ đáng ngờ. Báo chí nhà nước lên án Lệnh Cốc thành lập một hội chính trị bí mật. Thật là một trò đùa. Anh đã vận hành một nhóm đọc sách. Tôi đã đích thân quan sát toàn bộ quá trình. Tôi thậm chí đã gợi ý vài tựa sách.

Ở Trung Quốc, Đảng Cộng sản có thể ngụy tạo ra bằng chứng, ép buộc những sự nhận tội, và nhắm bất kể lời buộc tội nào nó chọn, không bị trói buộc vào các sự kiện. Và, tất nhiên, nhiều người cả tin vào những lời buộc tội của Đảng bởi vì hệ thống rất mờ đục. Nó giống tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Đảng đặt ra một chỉ tiêu và mỗi năm Trung Quốc đánh trúng mục tiêu một cách kỳ diệu, cho đến tận dấu thập phân. Tất cả mọi người đều nói cùng lời nói dối, kể cả những người nước ngoài, bởi vì Đảng rất thành thạo việc che giấu sự thật và bịt miệng những tiếng nói bất đồng. Là hầu như không thể để tách sự thực khỏi sự hư cấu.

Nhưng mối quen biết cá nhân của chúng tôi với gia đình Lệnh khiến chúng tôi kết luận rằng các cáo buộc chống lại họ là lố bịch và những ước lượng về sự giàu có của họ, được tường thuật trong báo chí do nhà nước vận hành, là giả. Sự đồng thuận phổ biến là Lệnh bị thanh trừng không phải bởi vì ông tham nhũng hơn quan chức trung bình mà bởi vì ông đại diện một lực lượng chính trị cạnh tranh.

Rồi có một vụ chống lại Tôn Chính Tài. Tôn đã trong cuộc chạy đua để kế vị Tập Cận Bình sau nhiệm kỳ thứ hai của Tập như chủ tịch và Đảng trưởng của Trung Quốc chấm dứt trong năm 2022 – 2023. Sau sự ngã ngựa của Bạc Hy Lai trong năm 2012, Tôn tiếp quản sự lãnh đạo Trùng Khánh và đã được báo chí nhà nước ca ngợi vì công việc của ông.

Nhưng bắt đầu trong tháng Hai 2017, sự nghiệp của Tôn đã xoay theo chiều hướng xấu. Ủy Ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương đã chỉ trích ông vì không thanh trừng đủ ảnh hưởng của Bạc ở Trùng Khánh. Trong đầu tháng Bảy 2017, ông mất việc làm của ông ở Trùng Khánh cho một người đã là trùm tuyên truyền của Tập Cận Bình khi Tập vận hành Tỉnh Chiết Giang. Theo mốt Cộng sản điển hình, các nhà kiểm duyệt bắt đầu tẩy xóa sự hiện diện của Tôn khỏi các bức ảnh và các video clip. Vào cuối tháng Bảy, Đảng công bố rằng Tôn dưới cuộc điều tra vì vi phạm kỷ luật Đảng, biến ông thành ủy viên Bộ Chính trị đương chức đầu tiên bị những cáo buộc tham nhũng kể từ khi Tập lên nắm quyền trong năm 2012. (Chu Vĩnh Khang bị khởi tố sau khi ông đã từ chức do hết nhiệm kỳ.) Vào tháng Chín 2017, Tôn đã bị đuổi khỏi Đảng Cộng sản, và vào ngày 8 tháng Năm 2018, ông bị kết án tù chung thân vì được cho là nhận hối lộ giá trị 24 triệu $. Đối thủ cạnh tranh chính của Tôn, Hồ Xuân Hoa, đã làm ăn chỉ tốt hơn một chút. Ông đã chẳng bao giờ bị quăng vào nhà tù, nhưng Tập cũng đã ngăn cản sự thăng tiến của ông. Trong năm 2017, Hồ đã phải có được một ghế trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng ông bị giữ ở một mức thấp hơn.

Chúng tôi tin những cáo buộc chống lại Tôn và Lệnh đã được ngụy tạo bởi các lực lượng an ninh của Đảng làm theo lệnh của Tập Cận Bình để đảm bảo rằng cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo không thể thành công trong việc đưa các đồng minh vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Chúng tôi nghĩ rằng những lời buộc tội về họ biển thủ bao nhiêu hay liệu họ thậm chí có tham ô đã được kéo ra từ một chiếc mũ như kéo con thỏ trong trò ảo thuật. Tập ra lệnh để thanh trừng họ và Ủy ban Thanh tra Kỷ luật của Đảng tuân theo lệnh của ông. Các công tố viên nhà nước sau đó tận dụng tính có thể thay thế được (fungibility) vô tận của các luật Trung Quốc để tống họ vào nhà tù. Đấy là cách Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực.

Việc loại bỏ Lệnh và Tôn liên tiếp làm cho rõ đối với bất cứ ai có sự hiểu biết lơ mơ nhất về Trung Quốc rằng đấy không phải là về tham nhũng. Theo ý tôi, đấy là các vụ giết người có mưu tính trước vì mục đích chính trị. Chiến dịch đã tha thứ những người Tập thích hơn để không thách đố, chẳng hạn các quý tộc đỏ, đặc biệt những người gắn với người đứng đầu của Bè lũ Thượng Hải, Giang Trạch Dân. Trong tháng Giêng 2014, Đảng đã ra lệnh đóng cửa các nightclub cấp cao Bắc Kinh. Nhưng Câu lạc bộ Mao Đài của David Li đã không bị đóng cửa. Bố vợ của David, Ông Già Giả, đã là một đồng minh thép của Giang. Và sự ủng hộ của Giang đã là quan trọng cho sự thăng tiến của Tập Cận Bình.

Trong trường hợp của Tôn, từ ngày ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng nông nghiệp trong năm 2006 ông đã tập trung như một tia laser đến việc leo lên cấp trên. Ông bảo Vĩ Hồng rằng chừng nào ông không mắc sai lầm, ông sẽ kết thúc ở Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và nếu ông không trở thành chủ tịch nước thì ông sẽ là thủ tướng. Ông đi từng nước đi với mắt của ông hướng vào phần thưởng đó.

Đảng đã cáo buộc rằng Tôn trả tiền cho gái điếm và nhận hối lộ. Nhưng chúng tôi biết ông rất kỹ. Ông đã không thèm khát tiền hay tình dục. Ông thèm khát quyền lực. Vì sao ông chạy theo dàn bà hay vài triệu dollar khi ông có một quốc gia với 1,4 tỉ dân có tiềm năng trong tay ông?

Từ những gì Vĩ Hồng và tôi đã quan sát, những gã không chống nổi sự cám dỗ tham nhũng thường sắp về hưu và kiếm của cải cho bản thân, không phải là những người ganh đua để cai trị đất nước. Chúng tôi theo dõi Tôn dành cả sự ngiệp của ông một cách thận trọng để cách ly bản thân ông chống lại những cáo buộc hành động phi pháp. Trong khi ông ở Thuận Nghĩa, ông có cho những người có ảnh hưởng ân huệ bằng việc phát những mảnh đất, nhưng theo nghĩa pháp lý nghiêm ngặt điều đó không phải là tham nhũng. Nhưng Tập Cận Bình và những kẻ bợ đỡ của ông rõ ràng đã quyết định để bày đặt ra một vụ chống lại ông, như thế ông đã chẳng làm gì được. Suốt lịch sử của Trung Quốc, rất nhiều hoàng để đã thủ tiêu các hoàng tử. Việc này cũng chỉ thế thôi.

Nếu giả như Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài đã không bị thanh trừng, ngày nay cả hai đã ở trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải duy trì ý tưởng về một sự lãnh đạo tập thể được Đặng Tiểu Bình tiến hành trong những năm 1980. Nó đã không phải là một hệ thống hoàn hảo, nhưng nó đã tránh việc đưa Trung Quốc quay lại thời khi một người, trong trường hợp này Chủ tịch Mao, ra tất cả các quyết định. Bây giờ, với các đối thủ cạnh tranh và những người kế vị tiềm tàng bị gạt sang bên lề hay ở trong tù, Tập Cận Bình chuyển sang lích lũy còn nhiều quyền lực hơn. Trong tháng Ba 2018, ông đã buộc thông qua một sự sửa đổi hiến pháp của Trung Quốc mà chấm dứt các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch của ông, bằng cách ấy mở đường cho ông trở thành hoàng đế suốt đời. Những người theo hầu của ông ở Bộ Tuyên truyền đã gán nhãn Tập là “lãnh tụ của nhân dân,” một sự lùi lại tệ sùng bái cá nhân mà đã bao quanh Mao. Bộ mặt của Tập bắt đầu xuất hiện trên các poster, các cốc uống trà, và các đĩa. Tên của Tập đã trở thành một vật cố định hàng ngày trên trang bìa của Nhân dân Nhật báo, cái loa của Đảng. Ông đã thâu tóm nhiều quyền lực đến mức những người Trung Quốc bắt đầu gọi ông là “chủ tịch của mọi thứ.”