Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 31 tháng 3, 2021

Một nét lẻ loi nghiêng lệch góc trời

Phạm Thị Hoài

Lần gặp đầu tiên, khi tôi đến thì ngọn gió Hua Tát vừa quét vài nhát mà thành trì văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phải nghiêng ngả đã ngồi đó, nhỏ thó, nhầu nhĩ, cũ kỹ, lặng lẽ và lạc lõng khôn tả ở phòng khách nổi tiếng của gia đình nhà giáo Văn Tâm, giữa sách, tranh, đồ cổ, những bức hình vang bóng một dòng họ danh giá, những món ăn tinh tế mà bà Cam đãi khách với một sự thanh lịch quặn lòng, và những tên tuổi lẫy lừng của giới trí thức ít nhiều giữ khoảng cách với hệ thống. Ngay sau đó anh rủ tôi đi uống cà phê đêm, ở một chỗ “hay lắm, chứ đám sa-lông này thì cũng phải biết, nhưng sa vào đó là toi, mình phải thận trọng”.

Nhu cầu thận trọng của tôi rất nhỏ. Một trong những tính cách Việt khiến tôi tuyệt vọng nhất là cái gì cũng cân nhắc, cẩn tắc vô áy náy, cái gì cũng nâng lên đặt xuống, nhìn trước ngó sau, lo xa, dè chừng, uốn lưỡi dăm bảy lần, so đo khôn dại, cẩm nang tồn tại toàn những mưu sinh với thủ thuật tiến thoái giữa nhân tình thế thái, bao nhiêu tinh hoa đúc cả lại trong những mẹo bảo trọng, giữ mình. Giữ mình và mơ thỏa chí tang bồng. Rồi mẹo biến thành đạo. Tôi không mê cái đạo ấy. Anh bảo, vì em còn trẻ, lại may mắn nữa. Tôi đồng ý. Khi ấy tôi vừa ra khỏi cuộc hôn nhân thứ nhất, sống chung với chuột và gián trong một tầng hầm đủ để đứng lom khom và sáng dậy vẫn nhảy chân sáo khỏi giường dù không có gì nhét vào bụng. Anh nghiêm trang nói bằng giọng đàn ông trầm nhất mà tôi từng nghe và không còn gặp lại ở đâu nữa: “Nhưng cuộc đời bất trắc lắm. Hình như anh cũng đầy bất trắc”. Tôi nhắc, anh đang nói đúng lời nhân vật kể chuyện trong Tướng về hưu đấy nhé: “Hình như tôi khá cổ hủ, đầy bất trắc và thô vụng”. Bất trắc nhận rồi, vậy cổ hủ và thô vụng thì sao? Nào, hình như hay không hình như? Anh gầm gừ gì đó trong cổ họng, nhưng nuốt xuống, chỉ nhả ra một tràng “À à à à… Thì thì thì thì…”, tật hay thuật nói lắp mà tôi hay nhại trong bốn tháng rưỡi thân với anh. Tôi cậy tuổi trẻ và tình cảm, đùa chọc ở mọi cung bậc, song không sợ có thể đi quá, vì biết chẳng thật sự chạm được vào anh.

Có một bức tường ngăn anh với bên ngoài. Anh thăng hoa nhất, khi bức tường ấy kiên cố nhất. Nó, chứ không phải thần thánh nào sang tay cho những trang viết xuất sắc của anh khi ấy một khí quyển đặc biệt khiến chúng ta say mê và kinh ngạc. Phần lớn người viết ở Việt Nam không sở hữu những bức tường như thế. Họ phát quang cho mình phần ổ ngay ngắn và đẻ suôn sẻ những quả trứng vuông vắn vào đó. Song anh không muốn nó, bức tường của anh, pháo đài kỳ diệu khiến tôi phát ghen. Chừng nào nó còn là một thách thức, những cú húc của anh vào nó còn tóe ra đủ những tia lửa thổi bùng ngọn lửa của một trào lưu văn chương. Tôi gặp anh khi công cuộc húc đầu vào tường đó đã ít nhiều phân thắng bại. Anh sứt đầu mẻ trán, nhưng bức tường lở dần từng mảng. Nó thấp dần, để anh không cao dần.

So với những tồn tại dọn ổ kia, đời văn của anh gập ghềnh hơn, song lời chúc “không thuận buồm xuôi gió” của ông Hoàng Ngọc Hiến với anh cuối cùng đã vô dụng. Trong những tác giả quan trọng của văn học tiếng Việt, anh có một sự nghiệp thành đạt và yên ổn vào bậc nhất. Đất nước này chưa bao giờ hết những văn nhân bị hắt hủi, bịt mồm, đày ải, giam cầm, thanh trừng, hủy diệt. Chiến tranh, chính trị và cơ cực cũng đã cướp đi những Vũ Trọng Phụng, Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao, đẩy những Mai Thảo, Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Dương Thu Hương đi biệt xứ. Nguyễn Du trong Vàng lửa, chân dung xúc động và lãng mạn của anh về chính mình, một người đàn ông “bé nhỏ, mặt nhàu nát vì đau khổ”, “ngập trong mớ bùng nhùng” của một đời sống vật chất “do những hoạt động cù lần mang lại, năng suất thấp, chỉ thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu”, có vẻ bị hãm trong những khổ nhục sống mòn của đời công chức quèn thời xã nghĩa tem phiếu hơn là vây trong những khổ nạn dấn thân và thăng trầm của lịch sử mà tác giả của Truyện Kiều gánh chịu. Nguyễn Du thực chứ không phải của hư cấu đã chọn, dù thế cuộc chỉ cung cấp những lựa chọn cực lòng. Ông, đại diện trâm anh thế phiệt của một vương triều suy tàn, chống đến cùng khởi nghĩa Tây Sơn áo vải, đại thi hào dân tộc chống đại anh hùng dân tộc trong nỗi khó xử của chúng ta hậu thế. Ông thất bại, phiêu bạt xứ người lánh nạn, trở về, bất hợp tác, bỏ trốn, bị bắt, đi tù, ở ẩn, và mười bảy năm cuối đời lại chứng tỏ tầm vóc của cốt cách khi được trọng dụng, nhiều lần cáo quan, cả khi tại vị cũng xa lánh tao đàn chính thống. Nỗi “hận mênh mông, sầu mênh mông”, lời Trương Tửu về ông, của cuộc đời đầy ý thức về dấn thân, thất bại và sự vô nghĩa của công thành danh toại ấy khác hẳn kích thước của những toan tính bảo trọng, lúc nào quất ngựa lúc nào ghìm cương của vị tiên chỉ trong làng văn Việt, khi ấy mới mất và để lại trên chiếu nhất một khoảng trống bao người thèm muốn. Tôi e rằng anh chống batoong đi dạo thì không hợp, nhưng hình hài thần thái ấy trong quần ống cao ống thấp thì chuẩn Nguyễn Tuân của đồng quê.

Trong cách điệu tài tình của anh, nông thôn Việt Nam thô lậu, tối tăm, khốn cùng, cam chịu, song là chốn để thương nhớ, là nẻo để tìm về, như thể ở đó và chỉ ở đó trái tim thích thổn thức của chúng ta mới có thể rung lên trong sự bình dị, trong trẻo, thậm chí tinh khiết, trong thiện tính của tình người, trong tâm linh đậm triết lý dân gian thông thái, trong những lời dân dã bỗ bã sướng tai và cái cười tục tĩu mà giải tỏa, như thể nông thôn ấy là lối thoát của xã hội đô thị hóa nhiễu nhương giả trá với đám trí thức giả danh trong những sa-lông phù phiếm. Từ lúc anh khơi cơn sốt chân quê trong văn chương đến lúc Bà Tân Vê-lốc nhà quê xông vào ẩm thực giải trí, đạt hơn bốn triệu người theo dõi trên YouTube, nông thôn ấy vẫn thế, chưa bao giờ khác và cho đến gần đây nhất, là những cái tên cắm bật máu ký ức, Thái Bình, Tiên Lãng, Đắk Nông, Văn Giang, Đồng Tâm. Chỉ không là giải thoát.

Tôi trách anh đã né tránh những vấn nạn thực và cấp bách của cái nông thôn ấy và ít nhiều thi vị hóa nó. Anh ái ngại, rằng tôi đã quá đặt lòng tin vào ý nghĩa xã hội của văn chương, chỉ có đám nhà văn xoàng, kém tự tin ở tài năng của mình mới đi phản ánh xã hội. Không lâu sau, anh đào sâu quan niệm ấy trong tiểu luận Nhà văn và bốn trùm ‘Mafia’: “Việc phản ảnh xã hội của họ trong tác phẩm thường sốt sắng nhưng cũng thường sai be bét. Làm sao mà không sai be bét được? Ngay các nhà chính trị khi định ra chế, định ra chính sách, hướng dẫn chúng thực hiện chính sách đó, phấp phỏng theo dõi hàng ngày cũng còn không tin sự sai đúng, nữa là một người đứng ở ngoài cuộc?” Nhân vật kẻ sĩ trong các tác phẩm của anh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bính và tất cả các thày giáo nông thôn đều không hiểu gì về chính trị, họ chỉ là những đứa trẻ trong vắt và ngờ nghệch, với một lòng tốt nhỏ chẳng cứu được ai, thậm chí sự cô đơn của họ cũng bé nhỏ.

Một lúc nào đó, tôi chỉ còn nghe tiếng anh từ một khoảng cách lớn. Vẫn giọng đàn ông trầm nhất từng khiến tôi xao xuyến ấy. Bây giờ anh nói về những thứ như nhà văn chỉ là người viết trong tay Thượng đế, rồi ranh giới giữa thiên tài và thiên tai, rồi xuất thế nhập thế, ngôn hoài thuật hoài, vô sở cầu bất sở cầu, rồi tu thân tìm đạo, chân tính Phật tính, rồi chân-thiện-mỹ, rồi một lần nữa lại con người càng có tâm càng nhục, đời rất buồn nhưng rất đẹp hay đời rất bạc nhưng rất đáng yêu, vừa đáng phỉ nhổ vừa đáng trân trọng, thậm chí cả về giữ gìn bản sắc dân tộc và hòa nhập với thế giới văn minh… Anh cũng dành nhiều thời gian để luận anh hùng, chủ yếu trong văn giới. Những thi sĩ thánh thiện bị đám đông phàm phu tục tử bôi bẩn. Những cuộc chơi lớn của tài năng siêu việt vấp phải sự trung bình đông đúc và mẫn cán. Sự đểu giả và bạc bẽo trong trường văn trận bút. Và anh, với nỗi buồn tê tái, vẫn đăng đàn cao đàm khoát luận và cả hội hè thù tạc, thậm chí hòa dần vào “đám giặc già lăng nhăng thơ phú” bất tử trong chính con chữ của anh. Nguyễn Tuân cũng mở đầu bằng mười năm sáng chói và phần đời còn lại dùng để nuôi huyền thoại, bằng chí giữ mình.

Một tác giả lớn dĩ nhiên không sinh ra để phải chịu hoạn nạn hay ngược lại. Goethe vẫn vĩ đại trong văn học Đức từ một cuộc đời quan chức hanh thông, ăn cơm chúa mà tối ngày múa vũ điệu ngoạn mục của riêng mình. Ở phương Tây bây giờ, khổ ải đáng kể nhất với đa số người viết, thường xuất thân từ các lớp đào tạo viết văn ở những trường đại học danh tiếng, chỉ đơn giản là bán được tài năng hơn giá xứng đáng. Song anh đến từ một bối cảnh khác. Nơi không thể có một Trần Dần của Cổng tỉnh, Đêm núm sen, Jờ Joạcx, Mùa sạch, Những ngã tư và những cột đèn, Con trắng, Hùng ca lụa, Động đất tâm thần, Thơ không lời-Mây không lời, Thiên thanh, Thở dài-Tư Mã dâng sao, Thơ mini và những ghi chép trong các cuốn Sổ bụi huyền thoại, nếu không có “quốc nạn Nhân văn”. Không thể có Chuyện kể năm 2000 nếu Bùi Ngọc Tấn không từng mang số tù CR880. Không thể có Trăng ngụcXem đêm nếu không có 12 năm biệt giam của Phùng Cung.

Cũng không thể có Nguyễn Huy Thiệp nếu không có Đổi Mới. Cái giá phải trả của biết bao người đã cho anh một sự nghiệp phùng thời. Cõi văn chương không có vua, song văn lực thâm hậu của anh lẽ ra không chỉ đủ để lên ngôi trong truyện ngắn. Lần gặp cuối cùng mười năm trước, khi tôi đến thì tác giả lừng danh của văn học Việt Nam đương đại đã ngồi đó, nhỏ thó, nhầu nhĩ, cũ kỹ, lặng lẽ và lạc lõng khôn tả giữa mấy chục độc giả của Liên hoan Văn học Berlin. Tôi nhắc lại ước mơ “cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ” thuở nào, anh bảo đã rửa tay gác bút. Viết thế thôi, viết nữa bọn trẻ nó ghét. Thế là tri túc, biết mình biết đời.

Không ai biết và viết về anh như chính anh. Thời thân thiết tôi thường bày trò lẩy Thiệp, lấy chữ của anh vận vào anh. Hôm ấy tôi lẩy được “một nét lẻ loi nghiêng lệch góc trời”.

29/3/2021

Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=6390